Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 31, 2020

TRÀ LENG ƠI... - Thơ Trần Mai Ngân

 


TRÀ LENG  ƠI...


11 ngôi nhà bên bờ suối
Ơ đó có những đôi vợ chồng hiền hoà hạnh phúc
Cuộc sống giản đơn không lợi danh chen chúc
Họ trồng hoa mầu đánh cá đổi bữa cơm...

Bỗng một hôm ... một hôm...
Thiên nhiên nổi giận san bằng trong bùn cát
Không kịp hốt hoảng không kịp nguyện cầu ...không thể làm gì khác
Họ ra đi trong đôi mắt ngỡ ngàng mở trừng trừng và hỏi tại sao...

Người mẹ ra đi khi đang ru con ngủ 
Lời ru chưa tròn con còn cười với mẹ ư a ...
Líu ríu ngoài sân có tiếng đàn gà
Kêu chim chíp buổi trưa yên ả

Có thể... anh và cô gái hẹn hò cưới gả
Vào mùa đông sau vụ lúa bội thu
Giờ đau thương cùng chôn trong cảnh mịt mù
Ai còn ai trong ngôi làng thơ mộng

Có em nhỏ học lớp năm bài tập ngày mai còn dang dở
Và sẽ chẳng bao giờ em đến lớp
Trả cho cô bài đã học thuộc lòng
Em đi mãi tuổi hồng định mệnh...

Trà Leng ơi... nước mắt sao khô cạn 
Tôi thét gào kêu sảng chẳng thành câu
Trăm năm còn mãi nỗi sầu
Dân tôi khốn khó một mầu tang thương...

Trần Mai Ngân

READ MORE - TRÀ LENG ƠI... - Thơ Trần Mai Ngân

NGỤ NGÔN LEO TOLSTOI: HAI CON NGỰA - Đinh Hoa Lư chuyển ngữ

 


 

HAI CON NGỰA 

Ngụ ngôn của Leo Tolstoi

Đinh Hoa Lư chuyển ngữ


Hai con NGỰA cùng chở đổ cho chủ. Con đi trước siêng năng nên chạy nhanh, con chạy sau do lười nhác nên chậm. Thấy thế, người Chủ mới lấy bớt đồ trên lưng con ngựa sau chất lên thêm cho con chạy trước. Con ngựa chạy sau lại còn thấy thoải mái hơn nữa, nó hiu hiu tự đắc nói với con chạy trước:

-Thật là vất vả nhọc nhằn cho bạn biết chừng nào ? Bạn thấy không, bạn càng gắng sức thì bạn càng chịu khổ thêm đó thôi !

Đến một quán rượu bên đường, người CHỦ mới nghĩ ra:

- Ủa ! sao ta phải cho cả hai con cùng ăn khi chỉ có một con chở hàng thôi cà ? Ta nên cho con chở hàng ăn no thỏa thích, còn con kia nên giết phứt đi, ít nhất là tiện cho ta đem ngựa đi dấu được dễ dàng 

Nghĩ vậy xong, Chủ ngựa liền ra tay thực hiện.

 

***

 

Trong đời có đôi lúc ta lười biếng trốn tránh công việc để hòng mong thư thả và hưởng thụ. Nhưng trước sau gì sự lười biếng vô tích sự này sẽ đem lại hậu quả tiêu cực thôi.  Cuộc đời này là vậy, nếu ta siêng năng, cần cù nhẩn nại làm việc ắt hẳn  hưởng được tương lai tốt đẹp và càng chứng tỏ sự hữu dụng của bản thân ta .

 

ĐHL chuyển ngữ  11/10/2020

 

THE  TWO HORSES

Two horses were carrying two loads. The front horse went well, but the rear horse was lazy. The men began to pile the rear horse's load on the front horse; when they had transferred it all, the rear horse found it easy going, and he said to the front horse: "Toil and sweat! The more you try, the more you have to suffer." When they reached the tavern, the owner said; "Why should I fodder two horses when I carry all on one? I had better give the one all food it wants, and cut the throat of the other; at least I shall have the hide." And so he did.

 

Source: Fables, Leo Tolstoy, 1828-1910 (Copied from Robert 

Greene)


Nguồn: http://truyendichdinhhoalu.blogspot.com/



READ MORE - NGỤ NGÔN LEO TOLSTOI: HAI CON NGỰA - Đinh Hoa Lư chuyển ngữ

BUỔI SÁNG, TRĂNG TÂY HỒ NHỚ LÝ BẠCH - Thơ Đoàn Vũ

 

Nhà thơ Đoàn Vũ



BUỔI SÁNG, TRĂNG TÂY HỒ NHỚ LÝ BẠCH

 

Buổi sáng

trăng dáng thuyền

còn neo trên cành liễu

Có phải hồn tiên sinh Lý Bạch

ngự trăng ngày?

 

Buổi sáng

ta treo lửng

nỗi đắm say

Khà một cốc

ngắm

dung nhan Lý Bạch…

 

Buổi sáng

rượu Làng Văn rót tràn trong vắt

Lâng lâng thẳm sâu cõi người…

Ta dang tay

hứng giọt hương đời

Ơi! Cái bóng ta chênh vênh hất xuống lòng Hồ Tây

chơ vơ quá!

 

Buổi sáng

ta đê mê buổi sáng

tiên sinh

              tiên sinh

                           chưa hề!

 

Ừ,

buổi sáng

ta thả hồn buổi sáng

Giọt thơ Đường

                        nhễ nhại

                                      khóc tiên sinh.

 

Ðoàn Vũ

Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận

Điện thoại: 0915748434.

Email: vudoan0102@gmail.com.

READ MORE - BUỔI SÁNG, TRĂNG TÂY HỒ NHỚ LÝ BẠCH - Thơ Đoàn Vũ

Friday, October 30, 2020

NGỤ NGÔN Ê-DỐP (49-52) - Ngọc Châu dịch sang thơ song thất lục bát



NGỤ NGÔN Ê-DỐP (49-52)

Ngọc Châu dịch sang thơ song thất lục bát

 

49. Giẻ cùi và Công

 

Giẻ Cùi táo gan mò vào bãi

Nơi chim Công đi lại, dạo chơi

Nhặt tìm vô khối lông rơi

Khi bày Công giương cánh mời gọi nhau

 

Giẻ Cùi đã nhanh khâu chúng lại

Ghép đuôi mình to đại lòe xòe

Bước đi khệnh khạng để khoe

Định hòa cùng với Công kia một bày

 

Nhưng đám Công thấy ngay trò bịp

Khi Giẻ Cùi chưa kịp hòa đàn

Xúm vào rỉa, mổ tan hoang

Số lông mượn tạm làm hàng lừa nhau

 

Giẻ Cùi phải quay đầu trốn chạy

Trở về cùng bạn bấy lâu nay

Từ xa bọn chúng đều hay

Cái trò tháu cáy, tẩy chay tức thì

 

Mắng rằng ”Tẩu chốn khác đi

Chỉ lông đẹp không giúp gì chim ngu”

 

 

The Jay and the Peacock   


A Jay venturing into a yard where Peacocks used to walk, found 


there a number of feathers which had fallen from the Peacocks when


 they were moulting. He tied them all to his tail and strutted đi down 


towards the Peacocks.



When he came near them they soon discovered the cheat, and 


striding  up to him pecked at him and plucked away his borrowed 


plumes. So the Jay could do no better than go back to the other Jays,


 who had watched his behaviour from a distance; but they were 


equally annoyed with him, and told him: "It is not only fine feathers 


that make fine bỉrds”

  

 

50. Người, Ngựa, Lừa và Chó

 

Lừa, Chó, Ngựa đều kinh cái rét

Chúng trông nhờ vào hết loài Người

Mái che, lửa ấm, nụ cười

Ngựa xơi lúa mạch, Lừa thời cỏ khô

 

Chó còn được Người cho xương, sụn

Được ngồi xin thứ vụn dưới bàn

Các loài đều được bình an

Nên cùng bàn định trả ơn cho Người

 

Chúng sẽ tặng quãng thời gian đẹp

Của mỗi loài với hết khả năng

Ngựa dành năm tháng trẻ măng

Cho Người tất cả tính năng huy hoàng

 

Nên tuổi trẻ Người càng hăng hái

Cũng bốc đồng, tranh cãi không nhường

Vừa qua tuổi Ngựa ương ương

Thì Lừa tặng những sách phương lam làm

 

Khiến trung tuổi Người ham lao động

Hòm gạo, tiền chất đống trong nhà

Chi tiêu tiết kiệm đến là

Giữ gìn của cải lo xa lo gần

 

Cuối đời đến tặng phần của Chó

Nên Người già nhăn nhó khó khăn

Không ưa kẻ lạ lại gần

Chỉ dịu dàng với người thân trong nhà. 

 

The Man, the Horse, the Ox, and the Dog

A Horse, Ox, and Dog, driven to great straits by the cold, sought shelter and protection from Man. He received them kindly, lighted a fire, and warmed them. He let the Horse make free with his oats, gave the Ox an abundance of hay, and fed the Dog with meat from his own table. Grateful for these favors, the animals determined to repay him to the best of their ability. For this purpose, they divided the term of his life between them, and each endowed one portion of it with the qualities which chiefly characterized himself.

 The Horse chose his earliest years and gave them his own 

attributes: 

hence every man is in his youth impetuous,  headstrong, and 

obstinate in maintaining his own opinion.

 The Ox took under his patronage, the next term of life, and therefore

 man in his middle age is fond of work, devoted to labor, and 

resolute to amass wealth and to husband his resources.


The end of life was reserved for the Dog, wherefore the old man is 


often snappish, irritable, hard to please, and selfish, tolerant only of 


his own household, but averse to strangers and to all who do not 


administer to his comfort or to his necessities.

 

51. Người đàn ông và các cây gỗ

 

Một hôm có tay đàn ông nọ

Cầm lưỡi rìu lọ mọ vào rừng

Anh ta khẩn khoản nói rằng

Chỉ xin một khúc gỗ bằng bắp tay

 

Cây dễ tính cho ngay lập tức

Hắn loay hoay một lúc lắp xong

Cán rìu chắc nịch khó long

Bắt tay vào chặt cây trong cây ngoài.

 

Rừng cây đến lúc này mới hối

Đã quá ngu cho sói mượn nanh
Bây giờ cả cây lẫn cành

Hại mình, mình chết, thôi đành chịu thôi.

 

51. The Man and the Wood


A Man came into a Wood one day with an axe in his hand, and 


begged all the Trees to give him a small branch which he wanted for 


a particular purpose. The Trees were good-natured and gave him one 


of their branches. What did the Man do but fix it into the axe head, 


and soon set to work cutting down tree after tree. Then the Trees 


saw how foolish they had been in giving their enemy the means of 


destroying themselves.

 

52. Con quạ và bình nước

 

Quạ kia khát tưởng chừng sắp chết

Chợt nhìn xa thấy chiếc bình nung

Tới gần, khấp khởi trong lòng

Chắc rằng sẽ có nước trong cho mình

 

Tiếc thay nước trong bình gần cạn

Cố thò đầu không chạm tới nơi

Loay hoay nhòm ngược ngó xuôi

Mỏ không sao chạm tới nơi Quạ cần

 

Cuối cùng nó nhặt dần sỏi đá

Đem về cần mẫn thả vào bình

Tới khi chút nước trong lành

Dâng lên cao, cứu mạng anh Quạ già

 

Mới hay cần quá ắt là


Mẹo hay sẽ nghĩ được ra kịp thời.

 

 

 

52. The Crow and the Pitcher 

A Crow perishing with thirst saw a pitcher, and hoping to find water, 


flew to it with delight. When he reached it, he discovered to his grief 


that it contained so little water that he could not possibly get at it. He


 tried everything he could think of to reach the water, but all his 


efforts were in vain. At last he collected as many stones as he could


 carry and dropped them one by one with his beak into the pitcher, 


until he brought the water within his reach and thus saved his life.

Necessity is the mother of invention.

 

 



READ MORE - NGỤ NGÔN Ê-DỐP (49-52) - Ngọc Châu dịch sang thơ song thất lục bát

GỬI LẠI MÙA THU - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân

GỬI LẠI MÙA THU

Truyện ngắn

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

 

Tiếng đêm cứ vọng về từng cơn như tiếng trống gõ những hồi thật mạnh vào lồng ngực, chị chợt nhận ra chỉ có trái tim của chị âm ỉ liên hồi chứ kì thực ngoài kia đêm đang yên tĩnh vô cùng. Đến giờ, chị vẫn nhớ anh, nhớ về mối tình dang dở chị bỏ rơi để làm tròn đạo hiếu với cha mẹ. Chị nghe đâu anh vẫn ở vậy, nhưng chị không dò hỏi về anh, cứ như chị vừa mặc cảm, vừa cảm thấy có lỗi, vừa nghĩ chỉ cần hai người gặp nhau thì khoảnh khắc ấy bao nuối tiếc sẽ hiện về. Nhất là, dù có quay ngược lại thời gian, chị vẫn sẽ chọn bỏ rơi anh…

Chị sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng đậm tiếng cười vào một buổi tối thu sang. Cơn sinh khó khiến hình hài bé bỏng ấy là đứa con duy nhất của ba mẹ chị cả về sau này. Dường như những sự kiện quan trọng trong cuộc đời chị đều gắn với mùa thu, cả lúc gặp anh. Chị vẫn còn nhớ khi những cơn nắng của mùa hè vừa kịp ngủ sau những tháng vươn mình, những chiếc lá đầu mùa bắt đầu rơi xuống báo hiệu cơn thu sang, anh đứng đó nhìn chị. Thấy anh đứng sững nhìn, chị bực dọc:

              -Ai lại nhìn chăm chú một người con gái vậy? Vô duyên.

              -Trong văn hóa phương Tây, người ta nhân cách hóa mùa thu như là một người đàn bà đẹp. Và tôi đang thấy mùa thu ngay trước mắt, sao không đứng sững để nhìn cho được?

           Một câu tán tỉnh bay bổng, nhưng cũng đủ làm chị say lòng. Thời sinh viên vốn toàn mộng đẹp khiến người ta lầm tưởng khi ra đời bao chông gai gian khó cũng vượt qua. Vậy mà anh chị yêu nhau thật, yêu thời gian đầu như những con thiêu thân, đến độ ra trường thì đằm lại, bền bỉ, ngọt ngào nhưng âm ỉ. Chị tốt nghiệp và làm trong một công ty nhỏ, anh làm thầy giáo ở một trường làng, bỗng chốc phải xa nhau hai nơi vì kế sinh nhai, ngày chia xa cũng là một mùa thu với những lời hứa hẹn.

            Người ta hay bảo khoảng cách không có lỗi, lỗi lầm là ở kẻ thay lòng. Chị và anh vẫn gọi nhau hàng ngày, vẫn tự xây nên một gia đình nhỏ với mọi chia sẻ dù là vụn vặt nhất như khi ở bên nhau, tự dặn lòng hãy đợi đối phương.Vì hoàn cảnh gia đình cả hai cũng khó khăn, và điều kiện kinh tế chưa cho phép hai người ở bên nhau lúc này. Âý thế mà cũng đằng đẵng tám mùa thu qua. Khi thời gian trôi qua quá lâu tình cảm ban đầu nó chuyển biến thành một thứ tình yêu đậm màu tình nghĩa khiến muốn dứt bỏ cũng tiếc nuối mà tiếp tục cũng đã cũ. Tuy nhiên cả anh và chị đều chưa bao giờ có ý định sẽ chia tay, mà thậm chí là cả quãng thời gian đằng đẵng như vậy hai người chưa chia tay quá ba lần.

            Thế nhưng rồi, ba mẹ chị bị tai nạn bất ngờ. Tuy may mắn giữ được tính mạng nhưng di chứng để lại khiến ông bà bị liệt nửa người, lúc bây giờ trọn vẹn hiếu nghĩa đổ oằn trên vai chị. Chị chưa bao giờ có ý định sẽ rời xa ba mẹ kể cả sau này có về với anh nên việc này chỉ là một lực kéo khiến thời gian chị trọn hiếu nhanh hơn thôi chứ không tác động gì nhiều đến cuộc sống của chị.Nhưng với anh thì khác, chưa khi nào anh thôi nghĩ sẽ kéo gần khoảng cách hai người vói nhau, mà thực sự với đồng lương giáo viên còm cõi nếu gánh thêm hai đấng sinh thành bên chị khiến anh nặng lòng. Trước kia hai người luôn sống với lối suy nghĩ “một túp lều tranh hai trái tim vàng”, nhưng bây giờ đã bắt đầu có những cuộc cãi vã đầu tiên. Anh bắt đầu sống với những áp lực muốn kiếm tiền nhanh hơn bắt đầu đầu tư vào mở quán café nhỏ ở địa phương, nhưng vốn chỉ có vốn hiểu biết chuyên ngành giáo viên, không nắm bắt kĩ cả thị hiếu và cả về kinh tế nhưng lại ước mộng làm giàu nhanh khiến chị thất vọng.

              -Em đã nói với anh rất nhiều lần, đang mùa dịch dã anh mở quán làm gì, rồi tối nào anh cũng ra khỏi nhà la cà quán xá làm gì?

              -Anh không la cà, anh đi khảo sát.

              -Khảo sát gì? Anh khảo sát một mảnh đất trống hay đã có cơ sở hạ tầng trên đó? … Một mảnh đất trống thì anh cần xem số lượng người đi ngang quá đó được gì? Rồi mùa dịch này mở làm gì? Rồi anh khảo sát như thế nào? Tối nào cũng ra ngồi nhìn người ta đi qua một mảnh đất là biết thị hiếu à? Nói như anh người ta sinh ra cái nghề khảo sát thị trường làm gì?

         So với tấm bằng kinh tế loại giỏi của chị, anh chỉ là sự cố gắng quá mức, nhưng với lối sống vốn bằng lòng với thực tại của mình mọi thứ anh đang làm chỉ là muốn rút ngắn thời gian kiếm tiền. Không nghe lời chị anh vay mượn ngân hàng mua mảnh đất anh đang dòm ngó, lại môi giới không rõ ràng, tiền bản quyền thương hiệu café rơi vào mấy chục triệu người ta đẩy giá lên tới hàng trăm triệu anh cũng mua. Anh không nghiên cứu kĩ nhưng lại đâm đầu vào, lại tự ái vì vốn hiểu biết kém chị nên không bàn với chị nữa, mấy tháng trời hai người không nói chuyện là từng ấy thời gian anh kinh doanh quán café thua lỗ đến nợ ngập đầu.Khi chị biết tin cũng đã quá muộn, thương anh, bao nhiêu vốn liếng để dành chị cho anh mượn dần trả nợ.Nhưng đồng thời những vết nứt khoảng cách và quan niệm cũng dần hiện ra khiến lằn ranh giữa hai người đầy rõ ràng hơn.

            Cũng vào mùa thu năm ấy hai người chia tay. Khi chiếc lá xanh cuối cùng vàng dần trên cây và những làn gió nhẹ bắt đầu thổi vào lòng những cơn mát rượi, chị xa anh. Chị không nói chia tay mà cùng ba mẹ dọn nhà sang một thành phố khác. Món nợ anh nợ chị, chị không có ý định đòi vì đó vốn là tiền chị để dành cho hôn nhân và chị cảm thấy tại chị anh mới sa cơ như vậy. Chị bắt đầu lao đầu vào làm việc, và tự dặn lòng không yêu ai nữa để toàn tâm lo cho ba mẹ. Đôi khi, khi mùa thu tràn về, lòng chị lại nảy những mầm xưa cũ, chị lại nhớ về anh và gửi lại mùa thu kí ức về người đàn ông yêu chị hết lòng nhưng đã bị cuộc đời mang rời xa chị.


Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

Phongtruongtu201@gmail.com


READ MORE - GỬI LẠI MÙA THU - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Thursday, October 29, 2020

VÀI CẢM NHẬN VỀ 2 BÀI THƠ TÌNH CỦA CẬU HỌC TRÒ LỚP 12 - Đặng Xuân Xuyến

 



VÀI CẢM NHẬN VỀ 2 BÀI THƠ TÌNH

CỦA CẬU HỌC TRÒ LỚP 12

*

Đọc 2 bài thơ tình "Tôi đi tìm tiếng ơi" và "Giết" của Nguyễn Tấn Thành tôi thấy lạ lắm: Thật diết da, thật khắc khoải, thật hy vọng và cũng thật nhiều bi lụy, tuyệt vọng. Tất cả những cung bậc tình cảm đó đều có trong 2 bài thơ "Tôi đi tìm tiếng ơi" và "Giết".

Những câu thơ đẫm lệ với xám xịt màu hy vọng tình yêu của Nguyễn Tấn Thành thật có sức ám ảnh người đọc:

Tôi đang gọi. Sao chẳng thấy ai "ơi"?

Ai đáp "ơi", nơi nào tôi xin tới

Cho thỏa mong, hai mảnh hồn chờ đợi

Tiếng đáp "ơi", tôi chờ đến bao giờ?

(TÔI ĐI TÌM TIẾNG ƠI - Nguyễn Tấn Thành)

Đọc những câu thơ như thế của anh tôi chợt nhớ tới những câu thơ mời gọi, van lơn, xót xa đến đứt ruột của cô kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu:

"Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;

Vội vàng chi, trăng lạnh quá, khách ơi!

Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;

Khách không ở, lòng em cô độc quá!

Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,

Tay em đây mời khách ngả đầu say;

Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,

Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.

Chớ đạp hồn em! Trăng về viễn xứ."

(LỜI KỸ NỮ - Xuân Diệu)

Tôi chép thơ Xuân Diệu ra đây không có ý để so sánh thơ của anh với thơ của "Hoàng tử thi ca" Xuân Diệu vì như thế là khập khiễng, là ngô nghê nhưng những câu thơ đã trích dẫn ở trên của Nguyễn Tấn Thành được viết khi anh đang là cậu học trò lớp 12 (2016) tuy không phải là những câu thơ hay nhưng tôi tin nhiều người thơ cũng không viết được những câu thơ gợi nhiều cảm xúc như thế. Thật tiếc, khi trở thành sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ (đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) thì thơ anh không viết bằng cảm xúc thật của tiếng lòng nên nhợt nhạt, thiếu nhựa và không có hồn. Trang Đặng Xuân Xuyến chỉ mới giới thiệu mấy bài thơ của cậu học trò cấp 3 Nguyễn Tấn Thành vì những bài thơ ấy giàu cảm xúc, nhiều ám ảnh người đọc.

Thơ tình ("Tôi đi tìm tiếng ơi" và "Giết") của Nguyễn Tấn Thành, của cậu học trò cấp 3 tỉnh Bến Tre, có gam màu lạ lắm. Nó diết da mà nhuốm màu u uẩn. Nó cháy bỏng khát khao mà phủ kín nỗi đớn đau, bi lụy!

Đọc những câu thơ:

Rồi ngày tàn, bóng tối phủ muôn nơi,

Trong đêm mơ, tôi vẫn sầu vời vợi,

Mộng gặp ai đáp lại giữa cuộc đời,

Tôi chợt tỉnh! Tiếng "ơi" kia vẫn đợi.

(TÔI ĐI TÌM TIẾNG ƠI - Nguyễn Tấn Thành)

tôi cứ hỏi: Sao tình yêu của Nguyễn Tấn Thành lại bi lụy, tuyệt vọng đến thế? Thứ tình yêu xám xịt niềm tin mà cậu học trò lớp 12 đang đau đáu khắc khoải là thứ tình yêu gì vậy? Trên đời này thực tồn tại thứ tình yêu đó thật sao?

Đọc thơ anh, tôi thích cách viết của cậu học trò lớp 12 Nguyễn Tấn Thành khi anh viết về những cuộc “truy hoan” giữa 2 thực thể mê đắm yêu nhau: Êm ái nhưng đủ sự cuồng nhiệt, dữ dội, nhẹ nhàng nhưng đủ nỗi khát khao, khêu gợi:

Ta giết nhau bằng lưng chừng thương nhớ

Khi đã trao từng nhịp thở nồng nàn

Đôi tay hờ trên xương thịt mê man

Lối sơn khê người dò hang tìm tối.

(GIẾT - Nguyễn Tấn Thành)

Câu chữ Nguyễn Tấn Thành dùng vừa đủ dẫn người đọc thả sức tưởng tượng để bước vào cuộc truy hoan tình ái với những mê đắm, khát khao, những dữ dội, cuồng nhiệt nhưng lại thật êm ái, nhẹ nhàng, không vướng tí ti nào khêu gợi sự dâm tục. Một cậu học trò lớp 12 mà viết về “những cuộc truy hoan" dày dạn cả kinh nghiệm "dục tính", cả kinh nghiệm "tả dục tình" nóng bỏng mà không sa vào "dâm thơ" như thế thì quả thật rất đáng khen ngợi.

Khi đọc những câu thơ:

Ta giết nhau bằng lưng chừng lo sợ

Một chuyện tình chẳng viết được nên thơ

Người bỏ dở gục đầu trên giấy trắng

Kẻ viết hoài dù mặn đắng bờ môi.

(GIẾT - Nguyễn Tấn Thành)

Tôi như gặp lại một chút tâm trạng của mình khi viết "Mơ Trăng":

"Em rướn mình hà hít nụ hôn anh

Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội

Môi khóa môi mà sao xa vời vợi

Đêm cuống cuồng khoả lấp nỗi chơi vơi."

nhưng chuyện tình của "Mơ Trăng" là cuộc tình một bên cuống quýt được thỏa mãn cơn khát thèm thể xác, vội vã tận hưởng những phút giây ân ái, một bên lặng người, xót xa, tội nghiệp cho tình yêu "em" đang dâng hiến và cũng tê tái cho cuộc tình ngang trái của cả hai. Còn chuyện tình của "Giết" thì hoàn toàn khác, cả 2 đều yêu nhau, đều khao khát dâng hiến, đều khao khát được mãi bên nhau nhưng oái oăm, cả 2 đều xót xa buông bỏ, tự rời xa nhau vì "Một chuyện tình chẳng viết được nên thơ".

Hai câu cuối của khổ thơ những ầng ậc nước mắt của hai kẻ yêu nhau, khao khát trọn đời bên nhau nhưng người đọc không hiểu vì "trắc trở tình duyên" nào mà kẻ chấp nhận buông bỏ, kẻ vẫn cố kiên trì bấu víu để nuôi dưỡng chút hy vọng mong manh từ chính trong sự “trớ trêu”, "oan nghiệt" của cuộc tình:

Người bỏ dở gục đầu trên giấy trắng

Kẻ viết hoài dù mặn đắng bờ môi.

(GIẾT - Nguyễn Tấn Thành)

Không biết lý do nào khiến 2 kẻ yêu nhau, khao khát bên nhau đến răng long đầu bạc lại cay đắng “tự nguyện” buông bỏ? Nguyễn Tấn Thành không nói. Người đọc chỉ mơ hồ suy đoán có thể cuộc tình đó bị gia đình cấm cản vì không "môn đăng hộ đối", vì 1 trong 2 người đã có vợ có chồng hoặc có thể vì chênh lệch tuổi tác quá lớn,... Tất cả nhưng suy đoán đó càng khó hiểu, thậm chí là hoang mang khi Nguyễn Tấn Thành mở đầu 3 khổ thơ liền nhau đều bằng mệnh đề "Ta giết nhau bằng lưng chừng..." lần lượt với: thương nhớ, bối rối, lo sợ. Đó là sự sắp xếp chủ ý theo cấp độ gia tăng tình cảm của tác giả.

Ôi! Tình yêu mà phải “Ta giết nhau bằng lưng chừng...” để bi lụy vì tình thì chua xót nào bằng?! Tình yêu là phải được thăng hoa, phải được "đốt để cháy hết mình” với tình yêu chứ cứ “lưng chừng”, “nửa vời” “đứt đoạn” như thế thì thật xót xa, tội nghiệp!

Đọc những bi lụy tình của Nguyễn Tấn Thành tôi lại nhớ những dữ dội tình, những cuồng nhiệt tình kiểu "trắng phớ" "tất tay" của Trần Hạ Vi. Tôi thích "cách tỏ tình (đúng hơn là cách gạ yêu) của Trần Hạ Vi: “Yêu em đi” rất thẳng thắn, huỵch toẹt, chẳng màu mè, làm giá như những ả nàng. Sự chân thành đến dạn dĩ, mạnh bạo đến trần trụi, và tinh thần “tử vì tình”, chấp nhận thua thiệt trong tình yêu, dẫu biết tình yêu ấy là trái ngang, trắc trở, là bia miệng của người đời thì vẫn cứ bất chấp, vẫn cứ: “Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa/ Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa” như Trần Hạ Vi thì quả thật ngay trong giới mày râu cũng khối kẻ lấm lét đứng nhìn." (ĐỌC "TÌNH NHÂN ƠI" CỦA TRẦN HẠ VI - Đặng Xuân Xuyến).

Tôi thầm hỏi: Tình yêu lạ thế? Kê là đấng nam nhi sao lại rụt rè, không dám cháy hết mình với tình yêu để rầu rĩ chịu cảnh tình bi lụy, ngậm ngùi kêu rên những tiếng tang thương phẫn uất, còn người mang phận liễu yếu đào tơ lại mạnh mẽ, thẳng tuột với khát vọng cháy mình cho yêu, vì yêu?!

Rồi lại thắc mắc: Nhưng mà "Giết" và "Tôi đi tìm tiếng ơi" là thơ của cậu học trò lớp 12, ở lứa tuổi trong trắng hồn nhiên, nhiều đam mê, tươi trẻ, nhiều khát vọng khám phá, chinh phục... sao u ám và bi lụy đến vậy?!

Phải chăng đó là những ẩn ức sinh lý, những tổn thương tâm lý đã gây sang chấn tâm lý khiến thơ tình được cất lên từ tiếng lòng của Nguyễn Tấn Thành mới lạ lẫm với những gam màu u uẩn rất riêng như thế?!

----------------

Mời nhấp chuột đọc:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2016/04/toi-i-tim-tieng-oi-tho-nguyen-tan-thanh.html

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2017/02/giet-tho-nguyen-tan-thanh-ben-tre.html

*.

Hà Nội, 28 tháng 10 năm 2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - VÀI CẢM NHẬN VỀ 2 BÀI THƠ TÌNH CỦA CẬU HỌC TRÒ LỚP 12 - Đặng Xuân Xuyến

CHIỀU THU Ở PHAN ĐIỀN | ĐÀ LẠT - MỘT NGÀY EM TRỞ LẠI | EN DẤU NẮNG TRONG CHIỀU ĐÀ LẠT - Thơ Lê Thanh Hùng

 


          Chiều thu ở Phan Điền


Rợn ngợp mùa thu, bên suối vắng

Lớp đá dăm, bong vỡ trời chiều

Im ắng quá, đánh rơi khoảng lặng

Gió trở chiều líu ríu liu riu

                  *

Lúa chín vàng đồng đập Harơk

Khẳng khiu cỏ rối bước chân em

Suối Raw Săng, chiều thu cạn cợt

Róc rách trôi, óng ánh váng phèn

                  *

Đi lấy măng về, em bước vội

Đổ bóng dài đỉnh núi Ga Lăng

Bức bối chiều, khoảng không mờ tối

Vẫn xanh trong, mướt mát Đồng Măng

                   *

Một lời hẹn, năm lần bảy lựa

Sẽ theo em thăm hồ Piscine

Còn nguyên đó góc đời chất chứa

Chuyện vui buồn, thao thức hoang tin

                    *

Mai em có về đêm lễ hội

Làng cũ bừng lên, thắm săc cờ

Mã la gọi, một thời son rỗi

Gói gọn đêm, vui đến bây giờ ...

          Lê Thanh Hùng


 

Đà Lạt - một ngày em trở lại



Em một mình, từng bước lơ ngơ


Con phố hẹp, đường cong nông nổi


Em bước vội khoảng mờ sáng tối


Cánh cổng nhà ai, cứ khép hờ


                   *

Bỏ nơi đây từ buổi xa người


Nay trở lại, ngày xưa trở lại


Nụ quỳnh hoa và thời con gái


Của một đêm nào, tỏa ngát hương ...


                   *

Vạt nắng chiều vàng tắt sau lưng


Phố nhập nhoạng, đèn đường chưa mở


Chùm hoa giấy, sắc hoa màu nhớ


Khẽ rưng rưng cuốn quýt xây chừng


                   *

Cơn gió chiều buốt lạnh đơn côi


Khúc cua này, bao lần ngoái lại


Hoa và lá đương mùa, vương vãi


Trái tim non, rối nhịp liên hồi ...


                  *

Phố núi quanh co, nét thân quen


Còn nguyên đó, con đường năm cũ


Quánh đặc một không gian ngưng tụ


Chợt bừng lên, giăng giăng ánh đèn


          Lê Thanh Hùng


 

Em giấu nắng trong chiều Đà Lạt

 

Cơn lốc, tốc tung mái tóc rối bời

Hoàng hôn tím ngát

 

Mây trắng cuối trời giăng chơi vơi

Em đứng bên chiều, chờ đợi

Một người đi, trong lớp lớp sóng đời


          Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - CHIỀU THU Ở PHAN ĐIỀN | ĐÀ LẠT - MỘT NGÀY EM TRỞ LẠI | EN DẤU NẮNG TRONG CHIỀU ĐÀ LẠT - Thơ Lê Thanh Hùng