Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 13, 2013

Thương Yến Tử - TRỞ MÙA (thơ mời họa) - MỘT SÁNG TÀN ĐÔNG



TRỞ MÙA
thơ mời họa

Không hẹn mà xuân lại đến rồi
Lặng nhìn con nước dập dềnh trôi
Bên thềm vạt nắng đi chầm chậm
Cuối bãi đàn chim đến rạc rời
Trước cửa mai đào chưa trẩy lá
Sau vườn cam quít đã vươn chồi
Nào ai ngăn được vòng luân chuyển
Không hẹn mà xuân lại đến rồi
                             



MỘT SÁNG TÀN ĐÔNG

Sáng hôm nay
trời mưa không ướt áo
và thời gian
như chậm lại đợi ai về
nụ mai xanh còn giấu màu nguyên thủy
đóa cúc nhìn
vàng ánh mắt đam mê
xuân chưa đến
em chưa về đến
để anh ngồi đếm từng giọt cà phê
ánh nắng tàn đông
ngậm ngùi lẩn trốn
không muốn quay lưng
nên cứ nặng nề
sáng hôm nay
trời mưa không ướt áo
đường phố đông người
chật ních chợ hoa
rộn tiếng cười
tiếng mặc cả lại qua
bướm thầm tiếc
rung hoài đôi cánh mộng
anh chờ em
ngồi lặng lẽ
giọt cà phê
gõ nhẹ
gọi     
     em    
          về
              THƯƠNG YẾN TỬ
thuongyentu131@yahoo.com.vn
READ MORE - Thương Yến Tử - TRỞ MÙA (thơ mời họa) - MỘT SÁNG TÀN ĐÔNG

TIẾNG CHIM HÓT - chùm thơ Thế Lộc



TIẾNG CHIM HÓT

Gục chết trong bụi mận gai
Xin người cứ để hình hài nằm đây
Vắt thân lên bụi gai này
Để cho thương nhớ trải dài trần gian
Để nghe tiếng gió trên ngàn
Mang con chim lạ bay sang dặm dài
Tiếng hót trong bụi mận gai
Ngậm ngùi như thể hồn ai trở về
Tiếng hót như sảng như mê
Như là huyển hoặc lời thề năm xưa.


TÌNH XA

Em ơi tình đã xa rồi
Lấy nhau không được đến hồi chia ly
Em về đi, anh sẽ đi
Buồm năm ba tháng chắc gì quên nhau
Xưa kia tính chuyện trầu cau
Bây giờ tình lỡ thương đau một mình
Mai sau tình có hồi sinh
Cho dù tóc bạc chúng mình lấy nhau.

THẾ LỘC
READ MORE - TIẾNG CHIM HÓT - chùm thơ Thế Lộc

Nguyễn Bá Trình - GỞI CÔ GÁI HÁT VỀ QUÊ HƯƠNG QUẢNG TRỊ


Ơi cô gái xinh xinh
Hát ngợi ca quê hương Quảng Trị
Em sinh lúc nào
      quê quán nơi đâu
Em hát thật hay                                                                                                      
      và múa thật dẻo
Có phải em đang ngợi ca xứ sở của mình?

Em biết không                                                                                                                 
Em đang hát về  quê hương tôi đó
Tôi từng yêu mến nó
      Từ lúc em chưa sinh ra

Xa quê
Nghe em hát mà lòng tôi xao xuyến
Tiếng hát khơi dòng Ô Lâu xanh biếc
Chảy vào trí nhớ một thời
Nhịp cầu nối hai bờ
Lương Điền –Mỹ Chánh
Tuổi  thơ tôi qua lại bao lần
Có một lần chân đi miệng nhẩm
Bài  thuộc lòng thường thức đầu tiên
Mỗi người mang một trái tim
       nằm phía ngực trái
Nhờ thế lớn lên tôi đã hiểu
Như quả tim nằm  phía ngực trái
Tình yêu của tôi nằm phía quê nhà

Không phải là chim nếu không có tiếng hót ngợi ca bầu trời
Không phải là người nếu không có tấm lòng biết ơn xứ sở

                                                              Nguyễn Bá Trình


READ MORE - Nguyễn Bá Trình - GỞI CÔ GÁI HÁT VỀ QUÊ HƯƠNG QUẢNG TRỊ

CHÙM THƠ ĐỜI THƯỜNG CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA - Vũ Hùng giới thiệu


Nhà văn Sơn Nam & LTMK ở môt quán cốc tại  Bà Rịa.        

    Trong những năm 80, bọn tôi hay chép tay và đọc cho nhau nghe những bài thơ đời thường của Khoa: Trong quán cà phê, Đơi bạn ở quán cà phê, Em đi làm gái, Trong quán cà phê, Lối xưa, Tháng bảy trời mưa, Thị trấn tôi ...  và những bài có tựa đề KHÔNG ĐỀ của Khoa. Thời bao cấp, những bài thơ nầy (hồi đó bọn tôi gọi là thơ Lương Sơn Bạc, sau nầy giới văn học gọi là thơ đời thường, chỉ được truyền khẩu, xuất bản miệng thôi, ít khi được đăng báo. Báo chí chỉ đăng những bài thơ khác của anh (mà bọn  tôi gọi để chọc anh là thơ cung đình, thơ phải đạo- có người gọi là thơ chính thống). Sau nầy, đến thời kỳ đổi mới, những bài thơ đó được nhiều báo đăng và nhiều người thích,  chúng  tôi cũng vẫn còn thích. Ở đây, xin giới thiệu với người yêu thơ Chùm thơ đời thường của anh và bài phỏng vấn anh về thơ đời thường do nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Hoàn thực hiện.
                                                    Vũ  Hùng 


ĐÊM BA MƯƠI
Lê Thiên Minh Khoa

Đêm ba mươi ngồi đếm lại đời mình 
khách tha phương cắn môi
thời gian day dứt

Đêm ba mươi rượu đến mềm môi
lùng bùng mắt
đôi chân nằm nghe đôi tay đi hoang 

Đêm ba mươi nhớ những đêm ba mươi
bạn hát gì tôi không nhớ nổi
dừng lại hỏi: rêu có bò lên tuổi
tôi nghe tóc dài già nua
nghe chuyện cũ ba chục năm dồn lại
ngày sau là ngày xưa đẩy tới 

Đêm ba mươi con thạch sùng tắc lưỡi
chuột gặm mái nhà quá tuổi
cô gái ba mươi thút thít phong bên
thời gian lên men
không gian nứt ra mà chưa vỡ được

Và, đất trời ôm chặt lấy nhân gian...


THÁNG BẢY TRỜI MƯA
Lê Thiên Minh Khoa
       Tặng Nguyễn Đình Vinh

Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?

Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì?
Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?

Có tháng bảy nào mà mưa không rơi
Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi 
Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
Thuốc lá vàng tay có  tím làn môi !

Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi  ! ...


LẠC ĐIỆU 
Lê Thiên Minh Khoa

Rồi một lần choáng ngợp trước tình yêu 
Phút quyến rũ bắt nguồn bao nỗi nhớ 
Điều bình thường khi lòng để ngõ 
Ước vọng dẫn đi. Thực tại đưa về… 

Ranh giới nào giới hạn nỗi cuồng si 
Từ khoảnh khắc suy tư 
Từ ước mơ sầu muộn 
Từ sâu kín đáy lòng thanh thản 
Hay từ em - một diễm phúc trắng trong 

Những gì đã qua gọi là kỷ niệm 
Em đi qua rồi, tình có qua đâu! 
Để âm thầm chờ thời gian trang điểm 
Rồi mỉm cười trên cuộc sống lặng câm 

Giữa bao điều hỗn tạp vây quanh 
Mọi giá trị chưa nằm đúng chỗ 
Giữa sông đời bên bồi bên lỡ 
Thuyền tình anh biết đổ về đâu?... 


THƠ TẶNG TIẾP
Lê Thiên Minh Khoa
Tặng Nguyễn Hữu  Tiếp

Lời thơ bật ra từ nỗi nhớ 
về Tiếp và Động Đền hai đứa
mùa xuân về nơi đây hững hờ
đã gõ cửa Ðộng Ðền mình chưa?

Nỗi nhớ và tơi dồn lại thành thơ
qua khe hở những mẩu đời xưa cũ
bây giờ dừng chân lữ thứ
bàng hoàng tơi ngả giữa trang thơ

Qua rồi thời lặn lợi nắng mưa
thời non dại vẫn ngọt ngào nỗi nhớ
thời trai trẻ nghẹn ngào tiếc nuối
sống hết mình có phải dễ đâu!


Bây giờ xấp xỉ tuổi năm mươi
bỗng thấy yếu mềm lôi cuốn
nhận ra mình chưa từng khôn lớn
vỡ lòng thôi giữa trường đời


Có những điều tưởng giản đơn thôi 
phải trả giá rất ư là đắt …
những pho sách đã đọc
chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời

Ta nghĩ về đời sao quá đỗi mông lung
ta yêu đến thế nào mình ta biết
nên Tiếp ạ, giá chừ gặp mặt
nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ 

Mai này gặp lại, Tiếp ơi!
Và uống rượu. Và thức khuya. Và tâm sự.
Và nhìn nhau. Và cà phê. Và thuốc lá.
Và lặng thinh. Và nhớ 
                                      trước khi xa…




PHỎNG VẤN  Lê Thiên Minh Khoa về thơ đời thường (trích)                                                 
Nguyễn Bá Hoàn thực hiện 

Trích trong các tác phẩm:
Người và Việc:  Những người nổi tiếng, tập 1 (NXB Hội Nhà Văn, 2006).
Người và Việc: Cánh buồm ngược gió (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008)

Bìa 2 cuốn  Người và Việc, Những người nổi tiếng






Nguyễn Bá Hoàn : Thị xã Bà Rịa chiều cuối tuần, trời mưa lất phất. Tôi ngồi đối diện với nhà thơ, nhà giáo ấy trong một quán cà phê cóc cạnh Nhà Tròn Bà Rịa, có “én liệng đầy trời” quanh di tích lịch sử quốc gia. Chiều xuống, tôi vừa “nhìn tất cả cuộc đời xuôi ngược lướt qua bên”, vừa nghe anh đọc “nhỏ nhẻ như câu tâm tình” bài thơ “Thị trấn tôi” của anh, vừa nhớ ray rứt cái thị xã quê tôi và nghe anh nói: “Tôi sống đất này tính ra đã 2/3 đời người. BR-VT là quê hương thứ hai của tôi”...  

PV: Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình xếp thơ anh vào trường phái “thơ đời thường” của Jaques Prévert …

LTMK: Thiệt tình, từ sau ngày 30.4.1975 , khi biểu hiện bằng thơ những điều mình chiêm nghiệm về những cảnh đời thường ngày xung quanh mình, tôi chưa biết Jaques Prévert là ai. Sau này đi học đại học sư phạm lại , tôi được giáo sư Hoàng Nhân giảng về nhà thơ này khi học văn học phương Tây, nhưng thú thật cũng chưa đọc thơ của Jaques Prévert, dù qua bản dịch. Khi được một số nhà phê bình “xếp loại” như thế, tôi mới tìm đọc Jaques Prévert và thấy rằng ông ta đúng là nhà thơ bậc thầy và có thể nói, đã khai sáng ra lối thơ này. 
      Có điều, những bài thơ tôi viết về đời thường”, đến thời kỳ đổi mới, giữa thập niên 80 mới được đăng công khai, còn trước đó chỉ được những người yêu thích chép tay và đọc cho nhau nghe, như là “văn nghệ dân giả”, còn báo thì chỉ đăng những bài thơ tôi viết theo quan điểm văn nghệ chính thống hồi đó, mà có người gọi là “văn nghệ cung đình”. Bài thơ “đời thường” đầu tiên được phổ biến trên diễn đàn công khai là bài “Trong quán cà phê” đăng trên Văn Nghệ Đồng Nai. Trong bài thơ này, các nhân vật đều là “nguyên mẫu” có thực quanh tôi “Người bạn vong niên đàn con thơ dại - chiếc quần dài cắt tả lót cho con” là thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Hùng, có 5 đứa con vào thời bao cấp .“Người bạn nhà thơ như tay già thợ mộc - giấu sự đời sau rối nét hoa văn” là nhà thơ Vũ Xuân Hương, người sống và viết như một “tay già thợ mộc”. Rồi “người họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống - những bức tranh úp mặt vào vách - những bức tranh ngửa mặt lên trời…” là họa sĩ Phạm Hoan, chồng nhà văn Phạm Thị Nguyệt Cầm (1959-2004). Còn: “Nhà giáo chín chắn nói ra điều mình chưa từng suy nghĩ - và có cuộc đời cứ mòn đi, rỉ ra” có lẽ là không ai ngoài “thằng tôi” đây. Đọc cho anh nghe cả bài thơ “Trong quán cà phê” nhé: 

Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện đời thường 
vợ mang nặng đẻ đau chuyện về thời quá độ 
chuyện thời giá, đồng lương 
chuyện người ta bỏ xứ 
xen chuyện trời nắng, trời mưa… 

Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện tâm tình 
người bạn nghèo cứ hẹn dần với người yêu ngày cưới 
người bạn vong niên đàn con thơ dại 
chiếc quần dài cắt tả lót cho con 

Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện cuộc đời 
có người hỏng thi, có người thành đạt 
đời vẫn thế, cứ là phức tạp 
giản đơn thôi đâu gọi là đời! 
người bạn nhà thơ như tay già thợ mộc 
giấu sự đời sau rối nét hoa văn 
người họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống 
những bức tranh úp mặt vào vách 
những bức tranh ngửa mặt lên trời 
nhà giáo chín chắn nói ra điều mình chưa từng suy nghĩ 
và các cuộc đời cứ mòn đi rĩ ra 

Trong quán cà phê chúng tôi góp chuyện ngắn thành dài 
và chuyện dài rồi cũng ngắn 
khi người chủ nhắc khéo giờ đóng cửa 
vuốt đồng trinh lại băn khoăn giá cả 
dù cà phê mới uống có hôm qua 

Câu chuyện trong quán cà phê 
không dứt được cả trong giấc ngủ 
sớm mai lại lao vào công việc 
để gặp lại mỗi ngày 
trong quán cà phê”.
  

PV: Có lẽ do vậy, nhiều người, trong đó hình đó có cả tôi nữa, phân chia thơ anh ra thành hai mảng: “niềm chung” và “nỗi riêng”. Anh thấy như thế có gượng ép không?

LTMK: Đó là do anh em căn cứ vào nhân vật trữ tình nghiêng về “cái ta công dân” hay “cái tôi cá nhân” và đề tài nhấn mạnh vào “đời chung” hay “niềm riêng”. Dĩ nhiên sự phân chia là tương đối thôi. Chẳng hạn, bài thơ “Nghe em hát đêm văn nghệ nông trường,(I)” lại bộc lộ rõ chính mình: “Như dời anh xuôi ngựơc trăm nơi…” Hoặc bài thơ “Thăm nhà mới bạn văn nghệ” có người cho là mình viết về mình: 
“Thương bạn suốt đêm qua 
Thức mòn khuya, nhầu tóc 
Những trang đời bạn viết 
Mấy sợi tóc bạc dần 

Xưa nay người làm thơ 
Mấy khi làm được nhà 
Có lẽ vì mình bạn 
Làm thơ đề làm nhà …”.
        Ngược lại, một bài thơ rất riêng “Tự thú đêm 30” một số anh chị em, kể cả người viết tựa theo tập thơ “Thị trấn tôi” ( nhà thơ Vũ Xuân Hương ) rất thích (đã dành ra gần một trang để bình bài thơ này} và nói: “Cảm ơn Khoa. Khoa viết về tâm trạng của mình thì đúng hơn ”…

PV : Trở lại câu thơ trên: “làm thơ để làm nhà” anh muốn nói rằng ….

LTMK : Câu thơ này cũng lắm rắc rối đó. Sau khi báo văn nghệ BR-VT đăng trong một số báo xuân, sợ bạn buồn, khi đưa vào tập thơ, tôi định sửa chữ “để” thành “trước”, “rồi” hoặc … “và” để thành : “làm thơ và làm nhà” v.v... , rồi hỏi ý kiến nhà thơ Xuân Sách. Chú bảo: “Sửa lại như thế thì mất chất thơ và cũng chẳng có ai có thể khờ khạo tin vào nghĩa đen của câu thơ đó (làm thơ để làm nhà) cả " . Tôi nghe theo để thế và bạn cũng hiểu mình. Chỉ nói thêm: người bạn đó là anh Hồ Ngạc Ngữ là một nhà văn chuyên nghiệp (vì anh không làm gì khác người viết văn) và bây giờ, nhiều kẻ có tiền, có nhà rồi mới “sính” văn chương, bạn tôi thì ngược lại ...

PV: Xin trở lại tập thơ “Thị trấn tôi”. Được biết, tập thơ này in lần đầu là 2 nghìn bản, sau đó tái bản đến 3 nghìn, tổng cộng trước sau 5 nghìn bản in. Do đâu mà anh đã phá kỷ lục về in thơ như vậy?

LTMK: Đây là một câu hỏi quá khó đối với tôi. Tôi biết thơ tôi chẳng xuất sắc gì, nhưng “bán chạy” có lẽ công chúng yêu thơ (một loại độc giả rất khó tính) muốn “đổi món” khi đã thưởng thức hoài những món quá quen thuộc, dù sự thay đổi đó chưa phải “cách mạng” mà chỉ ở mức “cải cách” thôi. Chẳng hạn (cười), dân nhậu trước đây ăn thịt cầy chấm mấm nêm, nay quá ngán, chuyển qua chấm chao mà họ gọi là thịt cầy chấm “thịt Tạm Tạng”, hoặc các đại gia thích ăn gà và đặc sản biển với muối ớt xắt thay vì ăn với muối tiêu chanh như truyền thống. Xin anh bỏ lỗi, vì có thể đã đùa quá đáng. Thực ra, trong 5 nghìn bản thơ đó, nộp lưu chiểu và tặng thân hữu đã hết 500 cuốn rồi. Số còn lại nhờ các thư viện, trường học, cơ quan, xí nghiệp, hiệu sách… nhận giùm. Rồi đồng nghiệp học trò thương “quảng cáo” giùm. Rồi anh em văn nghệ, báo chí ở Trung ương và các địa phương viết tin bài giới thiệu cho … Thức hôm, thức khuya làm thơ đã khổ, phát hành thơ mình cũng nhọc lắm. Nhưng đã lỡ “ký thác” thì lại muốn có thêm “tri âm” thôi …

PV: Đọc trên các báo xuân  vừa qua, tôi thấy gần đây thơ anh “góc cạnh” hơn và đi vào chiều sâu nội tâm hơn, nói cách khác là “thiền” hơn. Chẳng hạn bài “Đi về”:
“Người đi am bặt kệ kinh 
Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ 
Người về Bồ-tát làm thơ 
Khói tòa sen nhập nhòa bờ sắc- không”
Anh nghĩ sao…?

LTMK: Khi người ta đi nhiều, biết nhiều, còn trẻ thì người ta thiên về cái cụ thể, khi lớn tuổi không có điều kiện đi nhiều thì thường thiên về cái khái quát. Dĩ nhiên sự khái quát đó được dựa vào cái cụ thể đã được chiêm nghiệm trước đây. Điều đó diễn ra như một quy luật. Nếu sự khái quát chỉ về mặt tư tưởng thì gọi là tổng kết kinh nghiệm. Nhưng người làm thơ thì thấy khái quát cả hai mặt: tư tưởng (ý) và tình cảm (tình) nên gọi là “đi vào chiều sâu nội tâm” chăng? (cười). Tôi cũng đang rơi vào tình trạng như vậy . Bận bịu quá, không đi đâu được nhiều, gặp nhiều chuyện buồn phiền, không thuận lợi trong cuộc sống, rồi những mất mát, bạn bè lần lượt “từng người… bỏ ta đi” theo qui luật “sanh lão bệnh tử” nên hay suy nghĩ vẩn vơ, hay động lòng vớ vẩn, lại hay nghĩ chuyện nhân tình thế thái… rồi lại lo bao đồng chuyện thiên hạ , nên bức xúc lại thành thơ. Đó là trường hợp của những bài thơ sau này, trong đó có bài “Và em…” mà anh vừa nhắc:

Và em 
Và tôi 
Và thơ
Và dăm li rựơu 
Và chờ đêm qua 

Và Không 
Và Phật 
Và Ma 
Hội nhau trong cõi ta- bà 
Rong chơi 

Và em 
Và tôi
Và ai
Và trăm năm 
Vẫn nhớ hoài ngàn năm 

Và ngàn năm
 Nhớ xa xăm 
Và xa xăm nhớ lầm 
Than kiếp người!...

Và em .
 Và tôi. 
Và ai...

       Còn nói “góc cạnh” thì anh hơi bị … đúng đấy, vì tôi hay viết về góc cạnh đời thường và chắc anh muốn nói tới bài “Trước mồ một nữ liệt sĩ trẻ” đăng trong một số báo xuân vừa rồi. Đề tài này thực ra không khó viết , nếu chỉ ca ngợi tính chất anh hùng của người liệt sĩ. Cái khó và từ đó nảy ra “góc cạnh” là tôi muốn tái hiện mặt “đời thường” của người anh hùng. Tức là tôi nhìn người anh hùng không phải bằng đôi mắt của nhà chính trị - cái đó thì bây giờ chưa cần đến thơ – mà nhìn người anh hùng bằng cặp mắt người nghệ sĩ – nghê sĩ theo trường phái “thơ đời thường”. Bằng cặp mắt đó mà nhìn, thì cảm hiểu được cái lo, sự nghĩ, niềm vui, nỗi buồn và sự hy sinh một cách “vô tư” của người liệt sĩ. Hóa ra,  ca ngợi mặt đời thường (cũng đáng trân trọng) của người liệt sĩ thì càng tôn vẻ đẹp nhân cách của họ hơn. Vấn đề “góc cạnh” này, theo tôi nghĩ, điều quan trọng để công chúng, kể cả công chúng chính trị, chấp nhận là thái độ của tác giả: chân thành, nhân bản và có trách nhiệm. Tiện đây, kể cho anh biết chuyện này: Khi bài thơ được đăng báo, nhiều người không khen tôi mà khen ông Tổng Biên Tập “can đảm, dám đăng”… Ông Tổng biên tập trả lời: “Bài thơ đó có nhân bản không? – Có. Có phản động không? – Không. Có phải là thơ không? – Phải. Thế thì có gì mà không dám đăng! Chẳng qua là chúng ta cứ suy nghĩ theo lối cũ:  Viết về người anh hùng thì phải cứ thế này, không được thế khác”.

PV: Nghe anh nói thế, tôi muốn được nghe bài thơ…

LTMK: Trước mồ một nữ liệt sĩ trẻ 

Người con gái ấy tuổi mới mười lăm 
Có những chiều ngẩn ngơ 
Về mây 
Về gió 
Có những đêm chập chờn 
Lá 
Hoa 
Cây 
Cỏ 
Để bây giờ tan biến với hư vô

Để bây giờ tôi đến với hư vô 
Mong gặp em 
Đóa hoa vàng trên mộ 
Mong gặp em 
Đám mây chiều cơ nhỡ 
Ngọn gió lặng tăm nói giọng xuân thì 

Giá bây giờ đời vẫn còn em 
Sẽ còn có một bà tóc bạc 
Chiều ngồi nhớ những người còn, người mất 
Rồi trăn trở, lo toan 
Bên bi kịch cuộc đời…

Bi kịch cuộc đời dài theo tháng năm 
Còn em ngắn ngủi 
Hoa trái vẫn sinh sôi bên bờ cỏ dại 
Mây vẫn trôi…

Mà cái vĩnh hằng chỉ đến với em thôi

PV: Xin tò mò hỏi anh một câu riêng tư: tôi đọc thấy anh có nhiều bài thơ tình dữ dội, anh không sợ chị ghen sao? 

LTMK: Có nhiều chuyện để kể đây. Trong một buổi tọa đàm về thơ, tôi đọc một bài thơ tình, một bạn thơ gọi là “thơ cháy nhà”. Tôi mới đâm lo. Thơ đăng báo xong, cứ lén lén, lút lút. Con gái tôi lại đem khoe với mẹ nó! Rất may là tôi có một cô vợ tuyệt vời, cô ấy cũng hiểu tình nghệ sĩ của tôi (cười). “Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ – Đừng trách chi những phút xao lòng…”


READ MORE - CHÙM THƠ ĐỜI THƯỜNG CỦA LÊ THIÊN MINH KHOA - Vũ Hùng giới thiệu

TRÒ CHUYỆN VỚI SAO MAI QUANG HÀO - Nguyễn Khắc Phước thực hiện


Sao Mai Quang Hào tự tình cùng phố biển Đà Nẵng

Báo THỂ THAO NGÀY NAY số chủ nhật, ngày 13/01/2013
Chuyên mục Gặp gỡ cuối tuần: Trò chuyện với Sao Mai QUANG HÀO
NGUYỄN KHẮC PHƯỚC thực hiện
Bất ngờ là thí sinh “cặp đôi hoàn hảo” mùa thứ hai, Sao Mai Quang Hào đang khiến khán giả tò mò về cặp đôi của anh thì anh lại tiếp tục tạo dấu ấn với chùm ca khúc của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp trong album ca nhạc mang tên đầy dẫn dụ ‘Mời em về thăm phố biển’.
Quang-Hao-6
Sao Mai Quang Hào
Phóng viên Nguyễn Khắc Phước có cuộc  trò chuyện với Sao Mai Quang Hào trước thềm xuân mới.

TÌNH YÊU VỚI PHỐ BIỂN
PV: Người yêu nhạc, đặc biệt là người Đà Nẵng biết đến Quang Hào là giọng ca xuất sắc nhất tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Quân Khu 5 tháng 12/2001 và giải nhì toàn quốc Sao Mai 2005. Quang Hào có thể cho biết hoạt động biểu diễn của mình từ đó đến nay?
Năm 2003 Quang Hào được đặc cách vào học trường Đại học VHNT Quân đội. đến 2005 thì đoạt giải Sao mai. Sau Sao Mai 2005, Quang Hào tiếp tục và biểu diễn khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước;
Tham gia các lớp học chuyên sâu về thanh nhạc do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy; Tham gia một lớp tập huấn  thanh nhạc tại Học Viện âm nhạc Quảng Tây Trung Quốc năm 2009;
Đã phát hành các album:  Em  gái quê mình (2008), Vết chân tròn trên cát (2009), Ôi một người con gái (2011);
Năm 2009, Quang Hào giành được HCV Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc;
Năm 2010 Quang Hào tốt nghiệp xuất sắc Đại Học Thanh nhạc – trường đại học VHNT Quân đội và được giữ lại làm giảng viên của trường. Còn bây giờ thì về hát cùng phố biển Đà Nẵng.
Quang Hào trở về Đà Nẵng vì lý do gia đình hay vì yêu Đà Nẵng? 
Chắc là vì cả hai. Thứ nhất, Đà Nẵng là thành phố rất nhiều tiềm năng, đẹp và đáng sống cùng chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” đang rất hấp dẫn các nhân tài và các nhà đầu tư.
Quang Hào trở về để cùng giới thiệu vẻ đẹp của thành phố với bạn bè gần xa qua giọng hát của mình… hiệu quả lắm đấy (cười).
Quang Hào nghĩ, không đâu bằng quê hương của mình cả, cha mẹ , ông bà và người thân luôn đồng hành chia sẻ buồn vui…
Quang Hào sắp ra mắt album ‘Mời em về thăm phố biển’ là những  ca khúc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ của những nhà thơ Đà Nẵng. Do do đâu lại có duyên kỳ ngộ giữa một giọng ca ngọt ngào đượm chất dân gian của đất Quảng với một nhạc sĩ có nhiều duyên nợ với thành phố biển này?
Cũng là chữ duyên thôi. Tình cờ, Quang Hào gặp nhạc sĩ Quỳnh Hợp tại café  Phố Xưa (Đà Nẵng) với mấy anh chị nhà thơ, nhà báo của thành phố, trò chuyện rồi nảy ý định  làm album về Đà Nẵng và chọn ngay tên album là ‘Mời em về thăm phố biển’. Đó cũng là tên một ca khúc chị Quỳnh Hợp phổ thơ của nhà thơ, thạc sĩ  Mai Hữu Phước. Thế là bắt tay vào thực hiện ngay.
Bài hát ‘Mời em về thăm phố biển’ là cái duyên  đầu tiên của Quang Hào với nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Bài hát này nằm trong album ‘Lung linh sông Hàn’ đã phát hành dịp thành phố Đà Nẵng kỷ niệm 35 năm giải phóng (03/2010).
Bài hát đang rất được không chỉ người dân Đà Nẵng yêu thích đâu mà trên các trang âm nhạc trực tuyến lượng người nghe bài hát này rất đông.
Lần này, chọn ‘Mời em về thăm phố biển’ làm chủ để album, Quang Hào cũng thu thanh lại bài hát. Cảm xúc “chín” hơn, hát “ngọt” hơn.
Album lúc đầu dự định là 15 bài những sau đó quyết định để lại những bài về pháo hoa, ưu tiên những bài mới và về mùa xuân nên chính thức phát hành 13 bài.
ALBUM MANG MÀU SẮC ‘DU LỊCH’ THÚ VỊ
Album ‘Mời em về thăm phố biển’ không chỉ mời chào du khách đến phố biển mà còn khéo léo khoe “Đà Nẵng bây giờ đẹp lắm”, những ca khúc nào trong album sẽ dẫn dụ du khách đến Đà nẵng.
Khán giả nghe là muốn về Đà Nẵng ngay là các bài Mời em về thăm phố biển, Đà nẵng tôi yêu. Xa xanh Sơn Trà; các bạn trẻ thì thích  những bài có nhịp điệu rất trẻ trung hiện đại như Xôn xao Đà Nẵng, Rượu xuân, Mùa xuân đang tới, Ra phố cùng xuân,…
Người nghe cùng lắng lòng qua những bài như: Thành phố biển xanh, Đêm Sông Hàn và cùng phiêu diêu, lãng tử qua Mai Em về hải Vân đẹp lắm, Mênh mang Bà nà, Bồng bềnh cáp treo
Đó là những bức tranh Đà Nẵng thanh bình, sạch đẹp, hiện đại, tươi trẻ cùng văn hóa, lịch sử kiêu hùng của thành phố…Những ca khúc đó được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phố từ thơ của các nhà thơ nổi tiếng của Đà Nẵng như:  Bùi Công  Minh, Nguyễn Nho Khiêm, Võ Thị Kim Ngân, Mai Hữu Phước, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Anh Đào…
và có cả bài phổ thơ của Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trải lòng về thành phố trong ca khúc Đà Nẵng tôi yêu.
Sự thành công của một album là sự phối hợp lao động nghệ thuật của nhiều người. Ngoài nhạc sĩ và ca sĩ, Quang Hào nhận xét thế nào những bản phối khí của nhạc sĩ Yên Lam trong album?
Thực ra với quan điểm nghệ thuật của Quang Hào thì bản phối rất quan trong trong sự thành công của ca khúc.
Đặc biệt, một album mà chỉ một nhạc sĩ phối thì cần cái nhìn tổng thể để album hài hòa, nhiều màu sắc và tạo cho ca sĩ thể hiện được tốt nhất cảm xúc của mình. Theo Quang Hào, nhạc sĩ Yên Lam ở album này phối rất hay và rất giỏi.
NGHỆ THUẬT CẦN THỜI GIAN 
Âm nhạc nhạc sĩ Quỳnh Hợp trong album ‘Mời em về thăm phố biển’ có đặc điểm hấp dẫn để Quang Hào thể hiện toàn bộ album?
Có nhiều màu sắc âm nhạc trong album này. Mỗi ca khúc là một bức tranh riêng về vẻ đẹp và sự đổi thay huyền diệu của phố biển  Đà Nẵng.
Trong thời gian vừa qua, Quang Hào về sống tại thành phố cũng đã cảm nhận được rất nhiều nên khi thu âm, Quang Hào đã đẩy vào từng ca khúc những cảm nhận rất riêng và cách hát không bị một màu.
Những ca khúc trong album mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, và cũng dễ truyền cảm xúc đến người nghe. Đó là một album “rất Quang Hào”.

Có ca khúc nào nhạc sĩ Quỳnh Hợp viết riêng cho Quang Hào nằm trong album này?
Có chứ. Dự án cho một ca sĩ mà. Một ca khúc “đo ni đóng giầy” cho Quang Hào là “Xa xanh Sơn Trà” – thơ Hồ Minh, phó giám đốc công an Đà Lạt, người Hòa Vang. Quang Hào vừa nghe demo là thích ngay, đúng chất của Quang Hào.
Viết cho dự án âm nhạc này còn có 2 bài về mùa xuân là Mùa xuân đang tới – thơ Võ Thị Kim Ngân và Ra phố cùng xuân – thơ Nguyễn thị Anh Đào. Đó là 2 nhà thơ  – nhà báo của Đà Nẵng.
Ba bài hát mới này ba tính chất âm nhạc khác nhau làm cho album rất đa dạng, mở rộng đối tượng khán giả nghe album.
Bia Moi em
Bìa album Mời em về thăm phố biển
Qua album này, Quang Hào đã phát huy được tài năng mình như thế nào?  Những ca khúc nào người yêu âm nhạc, đặc biệt là người Đà Nẵng sẽ thích? Tại sao?
Quang Hào có cảm xúc rất tốt khi thể hiện các ca khúc trong album và cũng rất “phiêu “ khi cần thiết.
Trong album có nhiều sự lựa chọn cho khán thính giả. Có những ca khúc mang âm hưởng dân ca rất ngọt ngào và cũng có những ca khúc rất tươi trẻ nhưng không thiếu sự sâu lắng… ngoài bài chủ đề Mời em về thăm phố biển thì người nghe  “phê” ngayXa xanh Sơn Trà, Đà Nẵng tôi yêu.
Nếu chỉ nghe qua một lần thì chưa thể cảm nhận được cái hay của một bài hát. Vậy theo anh, làm thế nào để người yêu nhạc có thể cảm và yêu thích những ca khúc trong album này nói riêng và những cả ca khúc về Đà Nẵng khác?
Đúng vậy, nghe một lần thì chưa thể cảm nhận được cái hay của bài hát. Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian mà. Nó cần phải được vang lên ở nhiều lúc, nhiều nơi.
Bản thân Quang Hào cũng sẽ nỗ lực để giới thiệu những ca khúc trong album bất cứ khi nào có thể.
Để có sự thành công của album thì cần nhiều yếu tố từ tác phẩm, ca sĩ, phối khí, thiết kế, hình ảnh rồi thời điểm phát hành.v.v.
và điều không thể thiếu là quảng bá cho những bài hát cùng một chút (nhưng rất quan trọng) là yếu tố may mắn. May mắn như là cái duyên của người nghệ sĩ với khán giả.
Quang Hào mong rằng album ra đời sẽ được không chỉ người yêu nhạc Đà Nẵng đón nhận và yêu thích.
Tham gia Cặp đôi  hoàn hảo 2013 lên sóng ngay cuối tháng 1 này, Quang Hào mong đợi gì từ chương trình?
Tham gia chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2013, Quang Hào sẽ được thể hiện mình nhiều hơn, đánh thức được những khả năng tiềm ẩn của mình.
Đó cũng là dịp cái tên Quang Hào được nhắc nhiều trên truyền hình, trên báo chí cả nước trong và sau các đêm tranh tài. Quang Hào sẽ hát về Đà Nẵng thân yêu nếu có cơ hội.
Cám ơn Quang Hào đã chia sẻ. Hy vọng album ‘Mời em về thăm phố biển’ sẽ cùng thành phố trẻ Đà Nẵng đón năm mới thêm rộn ràng, ấm nồng và nhân lên tình yêu Đà Nẵng nơi người nghe nhạc khắp nơi.
Đà Nẵng tháng 1/2013
NKP

Nguồn: quynhhop.wordpress.com
READ MORE - TRÒ CHUYỆN VỚI SAO MAI QUANG HÀO - Nguyễn Khắc Phước thực hiện

TÌM NHAU - thơ Vĩnh Thuyên

















Làm đàn ông mấy ai !?
được khóc
Nuốt nghẹn ngào dấu kín vào tim
Anh hãy mở...vì  em 
muốn ngả
Vào lòng  anh 
Tìm chút mặn mà
của  nước mắt  
Tháng ngày dong ruổi
Chở nụ buồn 
quanh quẩn chênh vênh
Em thèm gối tim anh 
ngủ giấc...
Tình trăm năm ai cũng
Dại khờ !

Em muốn cắn tim anh hai nửa
Nửa gối đầu
nửa ghép thành trăng
Khóc đi anh 
có em đang đợi
Uống từng dòng 
chảy ngược trong anh

VĨNH THUYÊN
duongvinhthuyen@gmail.com

READ MORE - TÌM NHAU - thơ Vĩnh Thuyên