Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 6, 2012

TỰ KHÚC MÙA MƯA - Chùm thơ Quảng Trí


TỰ KHÚC MÙA MƯA 

Mượn Xuân một chút mưa phùn
Trả Đông lại chút run run rét về.
Mượn Hè một chút nhớ quê
Trả cho Thu những lời thề cố hương.
Mượn đêm lẵng lặng chút buồn
Trả ngày sốc những con đường chút vui.
Mượn trầu cay một chút vôi
Trả cho phụ bạc mấy lời dối ngoan.
Mượn trời một chút đa đoan
Câu thơ mình trả một ngàn nỗi đau.
Mượn thăng trầm chút bể dâu
Trả cho mỗi bước cơ cầu thiên di.
Vui buồn mượn bốn mùa đi
Trắng tay ngày tháng trả gì hã em?


BỐN MÙA

Hình như đêm ngắn ngày dài
Trưa càng nắng rát, nắng say vô cùng
Hạ về ve hót tưng bừng
Sắc hương hoa phượng lẫy lừng dáng em
Lung linh thành phố lên đèn
Ta cùng em dạo giữa thềm trăng trôi
Cầm tay nói khẻ đôi lời
Hay là im lặng giữa trời thu bay
Mùa đông gió rét heo may
Trời thâm thấm lạnh những ngày cô đơn
Vì yêu lắm lúc dỗi hờn
Làm lành anh tặng nụ hôn nồng nàn
Mùa xuân trời đất rộn ràng
Không gian mở rộng muôn vàn ước mơ
Xuân về tràn ngập ý thơ
Màu xanh vũ trụ ướm chờ ngàn hoa.


KHÔNG MÙA

Ngực đất phập phồng hơi mùa xuân
Trong em sự sống rót lên dần
Cỏ như lửa cháy cùng cơ thể
Em với mùa xuân nhập một thân

Mùa hạ em như cốc rượu đầy
Em là trái chín của nghìn cây
Tim em – trái cấm, anh đừng hái
Nếu vậy thiên đường chẳng có đây

Em lắng trong người cả sắc thu
Chiều sâu trời đất khuất mây mù
Em như hồ biếc phơi đầu núi
Nước đọng anh làm ngọn gió ru

Em nhìn sao trở gió mùa đông
Thổi trống lòng anh một cánh đồng
Tay em mười ngón như là nến
Mùa lạnh em còn nến cháy không?

Tạo hóa cho em đủ bốn mùa
Xin đừng làm một gốc cây khô
Mọc trên sỏi đá chiều đông ấy
Tình ái không mùa em biết chưa?

Quảng Trí
Đà Nẵng
ĐT:  0120 5542 445

READ MORE - TỰ KHÚC MÙA MƯA - Chùm thơ Quảng Trí

CÁI TÌNH CỦA VÕ VĂN HOA TRONG “PHÙ SA TÌNH” - Nguyễn Ngọc Luật


Tác giả NGUYỄN NGỌC LUẬT

            

Tháng 11 năm nay Võ Văn Hoa vào dự đám cưới cháu đang dạy học ở trường THPT Trần Phú, luôn tiện có ghé nhà thăm và tặng tôi một tập thơ của anh mới xuất bản: “Phù sa tình”.

Là bạn thân của Hoa nên thơ của anh tôi đã đọc nhiều từ “Còn ta với mình” đến “Gió cuối mặt sông” và những bài thơ đăng trên các báo, tạp chí…Thật tình mà nói thích cũng nhiều mà không thích cũng có.

Đọc hết 90 bài thơ trong “Phù sa tình” mới cảm nhận cái tình của Võ Văn Hoa bàng bạc trong hầu hết những bài thơ ngắn, kiệm lời nhưng hầu như bao phủ hầu hết các đề tài mà anh đề cập trong tập thơ.

Tình yêu trong thơ của Hoa không nồng cháy mãnh liệt mà tinh tế, thâm trầm, đọc thơ của Hoa chúng ta dễ cảm nhận một điều là anh thường đối cảnh sinh tình hay mượn cảnh tỏ tình để diễn đạt cảm xúc của mình. Rất nhiều địa danh được đề cập trong thơ anh, nhiều nhất là ở quê hương anh như Diên Sanh, Thi Ông, Hải Lăng, Cam Lộ, An Thơ, Ngô Xá, Hội Yên, Lương Điền… xa thì ra tới miền Bắc như “Khúc ca sông Hồng” cho đến nơi tận cùng cực Nam của đất nước như “Lý chờ mong đất Mũi”, lên tận cao nguyên như “Pleiku”

Chủ đề của mỗi bài thơ Võ Văn Hoa thường đề cập đến một miền quê  nào đó nhưng lại khéo lồng ghép cái tình của mình vào từng câu chữ nên tình đất, tình người trong thơ anh hòa quyện lẫn nhau làm cho cái tình trong từng bài thơ tuy đằm thắm dịu dàng nhưng rất nồng nàn sâu lắng. Ta hãy nghe anh bắt đầu từ một con sông nơi đất Bắc.

                                    Tôi mê say
                                    Nón thúng quai thao, áo tứ thân giã bạn
                                    “Người ơi, người ở đừng về…”
                                    Khi xa rồi bên nớ bên tê
                                    Giọng miền Trung em hiểu rồi anh đừng phiên dịch!
                                                                        (Khúc ca sông Hồng)

Cho đến tận đồng bằng sông Cửu Long cái tình của anh mênh mang nơi miền sông nước, đầy vơi theo con nước lên, ròng…

                                    Đêm hoang tưởng sông phù sa chín nhánh
                                    Đêm nghe đuôi cá quẫy con nước ròng lành lạnh
                                    ………………………………………………….
                                   “Cù lao tràm” một thời để nhớ
                                    Sông Tiền trong anh bên bồi bên lở
                                                                        (Sông phù sa chín nhánh)

Trở lại với quê hương nơi mảnh đất miền Trung gió cát, đất đai khô cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, mùa đông rét như cắt thịt, mùa hè gió Nam Lào khô khốc, nắng cháy da người, tình của anh càng sâu đậm, mặn mà, được biểu hiện hết sức chân chất, mộc mạc không điệu đàng, bay bướm.

                                    Dẫu qua tháng nắng ngày mưa
                                    Ô Lâu trầm mặc thuở chưa biết buồn
                                    Sông dài hút phía hoàng hôn
                                    Lở bồi bến gió, bồn chồn bờ vai
                                                                        (Bờ sông phía Lương Điền)

Với dòng sông Vĩnh Định quê anh thì cái tình lại càng mênh mang, thấm đẩm tình quê nhưng lại bàng bạc một nỗi buồn sương khói như khói sóng trên sông của Thôi Hiệu trong “Hoàng hạc lâu”.

                                    Ấu thơ gan ruột bời bời
                                    Ai còn tắm mát? Ai lời giao duyên?
                                    Ai còn lỗi một lời nguyền
                                    Bến sông ngấn nước, khói tuyền mờ xa
                                                   (Nghe em hát “Vĩnh Định ơi ta về”)

                                    Thơ bay lên em về ghép nhạc
                                    Như hồng hoang sương khói quê nhà
                                                                        (Đường xưa)

Với bài “Em như mây trắng bềnh bồng” thì còn nguyên chất thô mộc, chân quê, cái tình của thơ anh rất nồng nàn, hồn nhiên và cũng rất thắm đượm cái chất quê không lẩn vào đâu được. Lời nhắn gởi ở hai câu cuối để lại cho người, cho ta một thoáng hoài niệm về cố hương.

                                    Về quê “canh ám làng Lam”
                                    Còn nghe hương vị “mắm đam Trà Trì”
                                    Tôi người gốc gác làng Thi
                                    Chung dòng sông Vĩnh thiên di nụ hồng
                                    Còn đây cỏ nội hương đồng
                                    Em như mây trắng bềnh bồng về đâu?
                                                            (Em như mây trắng bềnh bồng)

Khi viết về quê hương, tình cha mẹ, nghĩa thầy trò, tình bằng hữu, Võ Văn Hoa cũng tuy kiệm lời nhưng rất giàu cảm xúc. Một cảm xúc rất thật của một người sinh ra từ một làng quê nghèo khó, bao nhiêu năm tháng chứng kiến tình cảnh của cha mẹ chịu thương chịu khó, tảo tần một nắng hai sương để cho con cái được cắp sách đến trường và hôm nay anh đã thành danh, thành nhân.

                                    Mỗi lần qua chợ Diên Sanh
                                    Dừng chân
                                    Mua quà cho mẹ
                                    Nước
                                             mắt
                                                    tràn!
                                                            (Mỗi lần qua chợ Diên Sanh)

                                    Nhớ ngày đến trường
                                    Mẹ thổi cơm sớm
                                    Cha đưa các con qua truông Cu Hoan hằng năm trời
                                    Mong con học cái chữ làm người!
                                                            (Lai rai cùng chú em Võ Văn Luyến)

                                    Đêm nay con về với mẹ
                                    Lúa ngậm sữa, sương rơi thật khẽ
                                    Đêm làng Thi chan chứa đời người
                                                                        (Sinh nhật)

Đối với bạn bè, Võ Văn Hoa sống chân thành và nhiệt tình, không cầu kỳ, đưa đãi.

                                    Này bạn nâng ly ngày tao ngộ
                                    Mừng đất quê nhà bao đổi thay
                                    Tạm gác chuyện xưa nhiều gian khổ
                                    Lên ngựa ta đi trọn kiếp này!
                                                                        (Bạn từ miền Nam)

Với bạn bè đã khuất thơ anh chất chứa nhiều tâm sự, những lời thì thầm như sự kết nối truyền thông giửa người còn và kẻ mất, mặc dù âm dương cách biệt.

                                    Sống khôn ta đã từng say
                                    Thác thiêng nào dễ chia tay hồng trần
                                                            (Viếng mộ “Đạo sĩ” Võ Thìn)

Tôi cho bài thơ “Viếng mộ ‘Đạo Sĩ’ Võ Thìn” là một bài thơ rất hay, ngắn gọn nhưng súc tích chan chứa tình cảm, bàng bạc trong mỗi câu thơ lẩn khuất một nỗi ưu tư về sự vô thường của kiếp nhân sinh.
        
                        Vây quanh nấm mộ tần ngần
                                    Khói hương quyện giửa phù vân kiếp người
                                                            (Viếng mộ “Đạo sĩ” Võ Thìn)

Thỉnh thoảng Võ Văn Hoa cũng vượt qua cái ước lệ “tức cảnh sinh tình” mà có những câu thơ bay bổng, phiêu bồng, bãng lãng như mây trắng cuối trời.

                                    Ta còn lại tháng ngày thơ bé
                                    Chùm thơ xuân mộng mị bên trời
                                    Em còn không lá rụng ven đồi?
                                    Tình áo trắng phai mùa xa vắng!
                                                                        (Thơ xuân ngày cũ)

                                    Gửi em một đóa trà mi
                                    Một hương tóc biếc một thì xôn xao
                                                                        (Thu đã sang mùa)

                                    Miền sương ngọt đã xoay vần
                                    Tôi nghe đồng vọng bước chân ai về…
                                                                        (Tháng tư về Cam Lộ)

Đời thường Võ Văn Hoa là một nhà giáo mô phạm, nhưng những lúc chén tạc chén thù cùng bạn bè anh bộc lộ là một người thích đùa, nghịch ngợm, dí dỏm pha chút tinh quái và anh đã đem vào trong trang thơ của mình.

                                    Tôi về trong cõi mù sương
                                    Một vầng trăng khuyết, một đường cong khuya!
                                                  (Nghe Uyên Linh hát “Đường cong”)

                                    Nghe phụ nữ Hội Yên ghê lắm
                                    Chẳng thua gì sư tử Hà Đông
                                    Tôi bươn chải ghé về cho biết
                                    Hóa ra là sắc sắc không không!
                                                                        (Đàn bà Hội Yên)

Cao hứng anh còn làm thầy bói, nói nhăng nói cuội rồi tự trào:

                                    Mai kia về hưu nhiều việc
                                    Làm thầy coi cưới…nghêu ngao
                                                                        (Thơ đùa mùa cưới)

Về bút pháp thể hiện Võ Văn Hoa sở trường với những bài thơ ngắn, với những câu thơ ít chữ, kiệm lời. Thơ anh chân chất, dung dị, hồn nhiên mà thâm trầm sâu lắng. Trong tập “Phù sa tình” anh có thử nghiệm thơ văn xuôi với những câu thơ dài như trong bài “Hình thức mới” hay “Nốt nhạc trầm” nhưng xem ra không được thành công lắm!

   Với Võ Văn Hoa, tôi là bạn từ thuở chung trường chung lớp từ thời học cấp ba trường Nguyễn Hoàng, lại là đồng hương cùng uống chung dòng nước sông Vĩnh Định, cùng đi chung trên con đường rợp bóng tre xanh bên bờ dòng sông tuổi thơ ấy. Là bạn nên tôi đọc thơ Võ Văn Hoa và ghi lại đôi dòng cảm nhận mà không hề có ý định phê bình, nhận định gì cả (việc này đã có các nhà lý luận phê bình văn học) mà nghĩ sao viết vậy, chân tình, mộc mạc, không hoa mỹ, cầu kỳ hay văn chương trau chuốt, bóng bẩy. Dĩ nhiên những cảm nhận này có người đồng tình, có người không, cũng như thơ của Hoa có người thích có người không. Nhưng suy cho cùng thì cái nghiệp văn chương, thơ phú nó như thế, tất cả chỉ còn lại cái TÌNH còn hay, dở; khen, chê…cũng chỉ là phù vân hư ảo, biến hóa giữa đôi bờ mộng, thực, mà “chung quy mộng, thực cũng vô thường!”

Cho nên đành phải dùng chính lời của Võ Văn Hoa mà nhắn lại cùng bạn, ưu tư làm gì khi mà.

                                    Ai người trong cõi vô minh,
                                    Mạc sầu tiền lộ nhân sinh cuối trời
                                                                        (Cây da)

                       Thế cho nên đành phải tự an ủi
                       Chuyện đời bao kiếp hư vinh
                                   Riêng người thơ của chúng mình…can chi
                                                                        (Thu đã sang mùa)
                                                                                  
                                       Những ngày chớm Đông Nhâm Thìn
                                       Nguyễn Ngọc Luật

------------------
* PHÙ SA TÌNH - Tập thơ của Võ Văn Hoa - NXB Hội Nhà văn- 2012
READ MORE - CÁI TÌNH CỦA VÕ VĂN HOA TRONG “PHÙ SA TÌNH” - Nguyễn Ngọc Luật

YÊU NGƯỜI ĐẸP - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước



Bà bán trứng báo với bà bán thịt rằng thầy Dương sắp cưới vợ, bà bán thịt liền chuyển tin mừng nóng sốt đó chị bán cá, và chỉ một vài phút sau, tất cả tiểu thương của chợ Xép, nơi thầy Dương thường đến mua hàng, đều biết tin. Ngay hôm sau thì đến bất cứ quán cà phê hay bún mắm nào cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện thầy Dương sắp lấy vợ.


Đó là một thầy giáo dạy môn sử ở một trường cấp hai trong thị xã.


Đa số  thầy giáo dạy môn sử không được dạy thêm  nên đời sống khó khăn, phải kiêm nhiệm thêm một nghề phụ như chạy xe ôm, thợ điện, thợ ống nước hoặc thợ may… Riêng thầy Dương nhờ gia đình ở ngoại ô có đất vườn khá rộng do ông bà để lại nên cả gia đình chuyên nghề trồng rau mang vào thị xã bán, do vậy, đời sống cũng tạm qua ngày. Cứ đi dạy về là thầy ra vườn tưới nước, nhổ cỏ, xịt thuốc… Công việc cũng không lấy gì vất vả lắm.


Nhưng nếu chỉ như vậy thì có gì đặc biệt đâu mà người ta phải bàn tán về việc thầy lấy vợ?


Chuyện này chưa biết kể từ đâu, có lẻ nên kể từ hồi thầy còn là học sinh trung học trong thị xã.


Người ta thường  nói có tật có tài và sắp xếp họ theo dị tật: nhất lé, nhì lùn, tam hô,  tứ sún. Tài đây thường chỉ là tài vặt: lém lỉnh, láu cá, ba xạo chớ chẳng phải tài học hành hay kinh doanh gì. Mà thầy Dương thì được hai đặc điểm là vừa lùn vừa hô. Vóc dáng thầy nhỏ thó, loắt choắt thấp bé, có lẻ hồi nhỏ thầy thiếu dinh dưỡng. Nói vậy mà không phải vậy. Thầy Dương không phải là người ba xạo, láu cá gì. Thầy cũng có tài, không phải những tài vặt trên mà tài làm thơ và tán gái.


Hồi còn học trung học thì thầy tán cô nữ sinh đẹp nhất trường mình rồi những hoa khôi trường khác. Khi đi học sư phạm, thầy tán cô sinh viên đẹp nhất trường sư phạm. Khi về thị xã dạy, thầy tán cô giáo đệp nhất trường mình. Khi đi học bồi dưỡng hè, thầy tán cô giáo đẹp nhất huyện rồi đến cô giáo đẹp nhất thị xã. Tiếp sau đó thầy tán những cô công nhân là người đẹp trong những nhà máy, xí nghiệp quanh thị xã. Không ở đâu có người đẹp mà thầy không đến tán, chỉ chừa có một phương là học sinh cũ của trường mình.



Cũng nên mở ngoặc đôi chút là hồi còn đi học thầy học toán tàm được nhưng khá môn văn. Thi vào bách khoa hỏng, hồi đó chưa có nguyện vọng hai, thầy được chuyển sang học sư phạm. Thầy xin học môn văn nhưng không được mà chỉ được chọn môn sử. Thầy chẳng thích môn sử chút nào nhưng đành phải chịu, nếu không thì về làm vườn trồng rau. Tốt nghiệp sư phạm, thầy được điều về thị xã quê nhà dạy học từ đó đến nay. Dù dạy môn sử nhưng thầy vẫn ham mê văn học. Thầy thường  làm thơ và đề tài tương đối an toàn là sắc đẹp phụ nữ.  Cứ gặp người đẹp là thầy làm thơ ca tụng, đôi khi xuất khẩu thành thơ ngay tại chỗ để tặng cô hàng cà phê hay chủ quán nhậu. Những dịp như vậy, thầy thường đọc to cho bạn bè thưởng thức, dù thơ thầy nghe lơ lớ câu chữ của Huy Cân hoặc Xuân Diệu nhưng rồi ai cũng vỗ tay khen vì không phải ai cũng thuộc nhiều thơ như thầy.

Giỏi làm thơ tán gái như vậy nhưng không hiểu sao mãi đến năm bốn lăm tuổi thầy Dương vẫn phòng không chiếc bóng. Mấy bà tiểu thương trong chợ Xép gần nhà thầy đã quá quen với thầy vì thầy là khách hàng thường xuyên đi chợ mua thực phẩm. Có bà muốn gả con gái cho thầy nhưng sợ thầy chê con bà không được đẹp chớ không phải sợ tính thầy hâm hâm.

Thầy giáo dạy sử và trồng rau để sinh sống thì làm gì có đủ tài chính để chu cấp cho những người đẹp hoặc hoa khôi có nhiều cơ  may lấy chồng con nhà  đại gia nên chẳng ai dại gì mà lấy một thầy giáo vừa xấu trai vừa không có gì khá giả như thầy. Đó là điều ai cũng hiểu, riêng thầy thì không.

Rồi tuổi thanh niên trôi qua nhanh chóng và thầy Dương hình như cũng không còn nghĩ đến chuyện vợ con nữa vì những phụ nữ đẹp vừa tuổi thầy để lấy làm vợ thì đã đi lấy chồng hết, chỉ còn ít cô ế chồng vì xấu. Mà xấu thì thầy không ưng.

Tuy nhiên, số phận dường như định sẵn cho thầy và rốt cục lại lấy được một người đẹp  thuộc đối tượng mà thầy tránh bấy lâu.

Số là thế này. Trong một buổi họp phụ huynh học sinh, thầy Dương tình cờ hỏi một ông bố học sinh cô con gái của ông là Liễu bây giờ học hành ra sao. Liễu là học trò cũ của thầy và một thời là học sinh đẹp nhất của trường thầy. Ông bố nói thiệt đang sắp xếp cho Liễu lấy chồng nước ngoài vì gia đình ông rất khó khăn, cần kiếm chút tiền để trả nợ nần. Hỏi chuyện xã giao vậy thôi rồi quên chớ thầy không nghĩ  ngợi gì.

Vào thời gian ấy, người ta mở một con đường lớn ngay bên cạnh nhà thầy Dương, do đó, đất vườn của thầy trước đây chỉ là đất nông nghiệp rẻ tiền nay trở thành đất nền, giá cao gấp mấy trăm lần. Thầy thôi không trồng rau nữa mà chia đất vườn thành lô nền nhà để bán và thầy trở thành tỷ phú trong một thời gian ngắn. Có tiền rồi thầy xây nhà, sắm xe và lại nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tiêu chuẩn vợ đẹp vẫn còn y nguyên. Thầy bỗng nhớ lại câu chuyện tình cờ giữa thầy và ông phụ huynh nọ có con gái đinh lấy chồng ngoại để kiếm tiền. Thầy tìm thăm Liễu. Những tin tức về những rủi ro mà phụ nữ lấy chồng nước ngoài có thể gặp phải được đăng nhan nhản trên báo nên đủ để thầy thuyết phục Liễu thôi nghĩ đến việc lẫy chồng nước ngoài.

Lần này thì có lẻ thầy không cần làm thơ  vì tài sản của thầy đủ để người ta xiêu lòng. Không lâu sau đó, gia đình ông phụ huynh ấy đồng ý gả con gái mà trước đây từng là hoa khôi của trường thầy cho thầy, dỉ nhiên với sự đồng ý của con gái họ. Liễu ấy lúc đó chỉ trển hai mươi tuổi, nghĩa là trẻ hơn thầy hai lăm tuổi.

Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, chắc chắn Liễu đã có người yêu. Chỉ cần điều tra đôi chút, thầy Dương biết Liểu đang yêu Hóa, một thanh niên trong thị xã. Là người có học, thầy tự nghĩ không nên hỏi han vợ về những chuyên riêng tư. Thế nhưng thầy không thể không buồn vì trong đêm động phòng hoa chúc, Liễu cứ kêu “Hóa, Hóa”, sáng ra thầy hỏi, Liễu nói “quá, quá’ chớ không phải “Hóa, Hóa”. (Giọng Quảng Nam khó phân biệt giữa “hóa” và “quá”).  Thầy Dương bỏ qua vì biết Liễu còn trinh nguyên.

Đến ngày Liễu sinh con thì thầy Dương quá thất vọng vì thằng bé chẳng giống thầy tí nào mà giống Hóa như tạc. Bạn bè đồng nghiệp của thầy đến thăm, có người nói chơi: Thằng con mầy giống ai mô chớ có giống mầy đâu! Nghĩ mình phải có bằng cớ khoa học chớ không vội vàng kết luận nên thầy lấy một mẫu tóc thằng bé đi xét nghiệm ADN, và kết luận hoàn toàn không như thầy nghĩ: thằng bé chính là con của thầy chớ không phải ai khác.

Thầy cũng từng nghe những bà mẹ đang mang thai thường treo ảnh tài tử  hay diễn viên trong nhà để con được đẹp trai hay xinh gái. Có thể vợ thầy chỉ lấy thầy vì tiền như lấy một anh chồng Đài Loan hay Hàn Quốc nào đó, còn con tim thì vẫn dành cho người yêu cũ, bằng chứng là khi đang ăn nằm với chồng vẫn kêu “Hóa, Hóa”.

Là người có học đôi chút, thầy Dương tự hỏi mình có lỗi gì trong chuyện này. Gần hết thời trai trẻ ước mơ lấy được người đẹp, đến khi có người đẹp trong tay mới hay đó chỉ là các xác không hồn.

Bao lâu rồi bỏ làm thơ, bây giờ có lẻ thầy bắt đầu trở lại, nhưng chắc chắn không làm thơ để tán gái.



Nguyễn Khắc Phước

9/2012



Website counter
READ MORE - YÊU NGƯỜI ĐẸP - Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước