Châu Thạch
ĐỌC “TỐNG BIỆT HÀNH” THƠ THÂM TÂM
TỐNG BIỆT HÀNH
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay ./.
Thâm Tâm
Lời Bình: Châu Thạch
Bài thơ “Tống Biệt Hành” được nhà thơ Thâm Tâm sáng tác vào
khoảng năm 1940. Kể từ khi ra đời đến nay đã trên 75 năm bài thơ luôn luôn được
yêu thích và đã được đưa vào sách giáo khoa của học đường. Hành là một thể thơ
cổ, thường được xử dụng để diễn tả một tâm trạng bi phẩn, bi hùng. Bài thơ
“Tống Biệt Hành” của Thanh Tâm có hai nhân vật, người đưa tiễn và người ra đi.
Tâm trạng của người ra đi được biểu hiện qua lời của người đưa tiễn và ngược
lại, tâm trạng của người đưa tiễn cũng là tình cảm của người ra đi.
Vào đề với bốn câu thơ, tác giả đã cho ta nghe sự va đập dồn
dập của nhiều âm thanh:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Vế thơ có nhiều chữ “không” và lạ thay, nội chứa trong chữ
“không” đó nẩy sinh chữ “có”: Không sông thì lại có tiếng sóng, không thắm thì
có mắt trong, không vàng vọt thì có hoàng hôn. “Không” và “có” là hai từ đối
lập nhau, lại hoà hợp trong vế thơ nầy, tạo thành âm thanh biểu hiện nỗi ấm ức
trong lòng. Đọc vế thơ ta thấy ngay nhiều nghịch lý xảy ra giử cảnh và người
đưa tiễn cũng như người ra đi. “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng
sóng ở trong lòng?” là nghịch lý xảy ra đối với người đưa tiễn, và “Bóng chiều
không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” là nghịch lý
xảy ra đối với người ra đi. Khung cảnh bên ngoài đối chọi với tình cảm trong
lòng là một nghệ thuật điêu luyên trong sáng tác. Tác giả dùng phương pháp “tá
khách hình chủ” nghĩa là mượn cái nầy để làm nổi bậc cái kia giống như Nguyễn
Du đã dùng cái đẹp của Thuý Vân để gần cái đẹp của Thuý Kiều, làm cho Thuý kiều
nổi bậc thêm lên. Ở đây Thâm Tâm đã dùng hai sự kiện “không” và “có”, mục đích
dùng cái không của không gian để làm nổi cộm lên cái có trong tâm hồn. Cái có ở
đây là nỗi buồn ly biệt.
Qua vế thứ hai của bài thơ:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Đoạn nầy ý nói người ra đi sẽ không quay về khi chí lớn chưa
thành, dầu mẹ có chết ba năm sau ngày giáp cử cũng không về để tang mẹ được.
Những câu thơ ở vế thơ nầy thật rắn rỏi nêu lên sự quyết tâm của người ra đi vì
chí lớn. Lời thơ như hịch xuất quân, như lời thề non nước.
Qua hai vế thơ kế tiếp như sau:
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Đoạn nầy có tác giả bình thơ nhận xét rằng “Không những tầm
thường mà còn hơi “sến” nữa”. Thật ra nhà thơ Thâm Tâm rất rành tâm lý. Ở hai
vế thơ trên biểu hiện niềm đau quặn thắt trong lòng người đưa tiễn, sự xúc động
đã dâng lên cao độ khi thốt lên tiếng kêu đau thương “Li khách! li khách!”. Qua
hai vế thơ nầylời thơ trở nên kể lể vì niềm đau đã được nén xuống, hơi thở nhẹ
đi, con tim bình tịnh lại.Nỗi đau không còn là ngọn lửa bùng lên nữa mà bây giờ
nó là ngọn lửa âm ỉ đốt cháy trong lòng. Lời thơ kể lể ở đây không phải là “tầm
thường”, không phải là “sến” mà nó là dàn nhạc trầm lặng da diết, sau khúc nhạc
gầm thét diễn tả nỗi đau trong lòng nhân vật.
Vế chót của bài thơ như sau:
Người đi:? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như ly rượu cay
Có người cho rằng vế thơ nầy “Quá cứng cỏi. lạnh lùng và vô
tình”. Thật ra đây là một vế thơ rất hay, nó cho thấy bút pháp tài hoa của tác
giả. Những điều mà người ra đi phủ nhận trong vế thơ nầy chính là những điều mà
người ra đi canh cánh bên lòng.Chữ “thà” ở đây không có nghĩa là “ xem như
không có” mà chữ “thà” ở đây có nghĩa là “không bỏ đi được”. Nếu người ra đi
ngày ấy xem mẹ như lá, chị như bụi và em như ly rượu cay thì người đó không
đáng để đưa vào thơ. Ta hãy đọc một đoạn thơ có chữ “thà” trong bài “Khúc Tình
Buồn” của Nguyễn tất Nhiên để hiểu thêm về chữ “thà’ của Thâm Tâm: “ Người từ
trăm năm/ về qua sông rộng/ ta ngoắc mòn tay/ trùng trùng gió lộng/ thà như
giọt mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn
không...”. Ta thấy rằng, khi người yêu qua sông, Nguyễn Tất Nhiên ngoắc mòn tay
gọi người yêu trong vô vọng. Lúc đó nhà thơ càng dùng chữ “thà” thì càng đau
đớn gấp bội. Tình yêu lúc đó càng mảnh liệt đến nỗi nhà thơ muốn “Thà như giọt
mưa” thì vẫn còn có để đến với em hơn là không chi hết. “Thà” của Nguyễn tất
Nhiên và Thâm Tâm là từ ngữ đã vượt ra ngoài nghĩa của cái chữ thường tình. Nó
khẳng định một tình yêu mảnh liệt với người yêu trong thơ Nguyễn Tất Nhiên và
nó cũng khẳng định một tình yêu mảnh liết với mẹ, với chị, với em trong thơ
Thâm Tâm.
Gần đây có ý kiến cho rằng “Mức độ nổi tiếng của Tống Biệt
Hành không tương xứng với giá trị nghệ thuật của nó vì các lý do sau:
- Được Hoài
Thanh là nhà phê bình danh tiếng ưu ái giới thiệu trong Thi Nhân Việt Nam. Do
đó người sau vì uy tín của Hoài Thanh và Thi Nhân Việt nam cứ thế ca ngợi, tán
dương theo.
- Được cả
chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam cần người lên đường phục vụ cho chế
độ nên giúp sức phổ biến vì lý do chính trị.
- Được đưa
vào nhà trường giảng dạy nên thầy giáo, học sinh cứ tán tụng, không dám bày tỏ
ý kiến đối nghịch vì sợ bị trù dập.”
Nhận xét như thế tôi cho là quá bất công với Tống Biệt Hành
vì:
- Hoài Thanh
không ưu ái với nhà thơ Thâm Tâm mà Hoài Thanh chọn Tống Biệt Hành để đưa vào
Thi Nhân Việt Nam với sự công tâm đánh giá nghệ thuật như bao bài thơ của các
tác giả khác thời bấy giờ. Uy tín của Hoài Thanh đủ khẳng định cho Tống Biệt
hành có giá trị nghề thuật cao. Truyện Kiều của Nguyễn Du mà còn có người dám
chỉnh sửa lại thì Tống Biệt Hành là cái gì mà 75 năm qua mọi người nhắm mắt tán
tụng nó theo Hoài Thanh. Điều đó không thể nếu tự Tống Biệt Hành không có giá
trị ngang tầm với danh của nó.
- Chình quyền
miền Bắc và miền Nam trước 1975 có hàng vạn bài thơ phục vụ cho chế độ mình
trực tiếp và cụ thể, đâu cần chi một bài thơ Tống Biệt Hành nói về một sự ra đi
vu vơ không mục đích rỏ ràng.
- Bài thơ được
đưa vào nhà trường tức là được chọn lọc. Thêm một lần nữa khẳng định giá trị
nghệ thuật cao của bài thơ. Nhiều năm qua kể từ khi bài thơ được giảng dạy đến
nay, không có dư luận nào chê trách việc giảng dạy Tống Biệt Hành. Điều đó
chứng tỏ giá trị nghệ thuật của Tống
Biệt Hành được đánh giá đúng nên không có sự phản hồi, phản bác, đối nghịch
trong công luận.
Thật ra với thời gian 75 năm, kịnh nghiệm cho ta thấy có
nhiều tác phẩm hời hợt, được vinh danh gượng ép vì một lý do nào đó đã lần lược
mai mọt hết với thời gian rồi. Riêng Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, nó vẫn còn
sống thắm tươi trên diễn đàn văn học và trong lòng nhiều thế hệ. Nó không chết
đâu, và mức độ nổi tiếng của nó rất tương xứng với giá trị nghệ thuật của chính
nó vì Tống Biệt Hành là khúc ca tiễn biệt rất hay mà tiễn biệt thì ở thời đại
nào cũng có xảy ra ./.
Châu Thạch