Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 12, 2015

Châu Quang Phước - XIN NGỒI DƯỚI BÓNG CÂY






XIN NGỒI DƯỚI BÓNG CÂY

Chiều loang đứng kiểng chân 
Lời quê hương lên sóng
Chuông bìm bịp thúc nhiều
Mẹ già tưới chờ mong.

Dáng ai dưới tàng cây?
Xe em đời qua lại
Vui ngày gõ đong đưa
Nhịp tỉnh lẻ rơi dài.

Ai ngồi sau bóng cây?
Mạch máu đồng chảy xiết
Gió chuối vườn lạnh đưa
Gặm bờ sông tha thiết.

Ta ngồi đếm lá cây
Thoáng hiền má hây hây
Em xa làng một sớm
Nắng ấm cười lên mây.

Nhớ người- Giữ gốc cây
Xa xa bóng chi về
Nghiêng nghiêng vin cầu nón
Như thầm chép lời quê.

Xin ngồi tựa ôm cây
Thời gian mơ cánh xa
Lác đác mưa ngày hạ
Ta có còn là ta.

                        
                             Châu Quang Phước
READ MORE - Châu Quang Phước - XIN NGỒI DƯỚI BÓNG CÂY

EM GÁI BÌNH HÒA, TÌNH KHÚC SỐ 15 - thơ Trúc Thanh Tâm






EM GÁI BÌNH HÒA

Thời gian chưa tắt màu thu úa
Gió bấc non về lạnh bến sông
Em giấu nỗi sầu trong hương tóc
Tháng mười mưa trắng Mạc Cần Dưng

Anh đứng nhìn trời mây viễn xứ
Nhớ thời Trung học tóc thề bay
Trái sơ ri ngọt trên môi nhớ
Một khoảng trời tình trong mắt ai

Xếp áo học trò anh lang bạt
Em theo chồng về đất Bình Hòa
Gởi lại Rạch Chanh bao kỷ niệm
Một thời chinh chiến lửa binh ca

Năm ngoái hẹn về thăm quê cũ
Viếng đình Bình Thủy ghé vườn lan
Bên mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
Tưởng nhớ người xưa với nén nhang !

TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )



TÌNH KHÚC SỐ 15

1. NÓN LÁ

Không gian chừng như nhỏ lại
Tiếng chim hót phía vòm me
Nhớ em một thời áo trắng
Đường về nón lá nghiêng che !

2. MƯA XƯA

Mộng phù du gởi sầu viễn xứ
Mắt biếc ngày xưa mắt lệ nhòa
Mưa cũng vỡ òa mưa bong bóng
Một thời hoa mộng áo hoàng hoa !

3. ĐÁP SỐ

Mọi tính toán đều cho đáp số
Khi tình người gần lại yêu thương
Sống tự do chan hòa hạnh phúc
Trên thế gian hơn cả thiên đường !

TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc )





READ MORE - EM GÁI BÌNH HÒA, TÌNH KHÚC SỐ 15 - thơ Trúc Thanh Tâm

GIẾNG NƯỚC LÀNG QUÊ - Nguyễn Hồng Trân





GIẾNG NƯỚC LÀNG QUÊ

Giếng làng chứa đựng nước trong
Thả gầu xuống giếng mà lòng bâng khuâng
Mặt nước xáo động ánh trăng
Không còn nguyên bóng chị Hằng soi đêm
Nhẹ nhàng múc nước kéo lên
Để bóng trăng hiện tròn nguyên dáng hình
Quê hương giếng nước ân tình
Bạn bè trai gái cúi mình xuống soi
Ban ngày giếng ngắm mặt trời
Đêm về thấy bóng bao người thân quen
Mạch ngầm dòng nước tuôn lên
Tạo nguồn sinh động đẹp thêm cho đời!....
                       Nguyễn Hồng Trân

Thời tôi còn dạy học ở Hà Nội, có một số bạn bè của tôi quê ở Ninh Bình (bên dòng sông Đáy) như bạn Tĩnh, bạn Uông, bạn Quân, bạn Hải…, có lần rủ tôi về chơi ở vùng quê Ninh Bình làm tôi rất vui thích. Vì đã lâu lắm rồi tôi chưa được về quê hương tôi ở bên phía Nam dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Do đó, nên khi về thăm những vùng quê này, tôi đã hình dung lại vùng quê tôi nơi xa xôi bên kia giới tuyến mà lòng nhớ nhung khôn xiết vì đã hơn 10 năm rồi chưa được về lại thăm chốn quê nhà, nơi ấy đang còn mẹ già và các em tôi mong đợi…

Bạn Hải dẫn tôi đi thăm chơi đó đây, đến núi Non Nước thị xã Ninh Bình; đến đình làng Phúc Lộc… Lúc đi ngang qua giếng làng Phúc Lộc, tôi dừng lại ngắm nhìn quang cảnh giếng nước buổi sáng mùa hè với râm ran tiếng ve kêu xen lẫn với tiếng cười nói khúc khích của các cô gái, chàng trai đến múc nước rộn ràng bên giếng nước.

Ôi! Thật là ấn tượng đậm đà nơi miền quê ta đất Việt! Điều đó làm tôi nhớ lại cảnh mấy cái giếng  làng tôi như giếng Đá Đen, giếng Ông Dưng, giếng Bà Vãn… ở thôn Phú Long quê tôi ngày xưa cũng có cái cảnh như thế, nhưng trong chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ xâm lược đã làm tan nát quê hương tôi và những cái giếng nước ngày xưa ấy bây giờ cũng không còn như nữa. Tôi liên tưởng như vậy rồi xúc động lòng mình cảm tác ra mấy câu thơ:

Giếng nước quê xưa đâu rồi?
Lòng ta lưu luyến bồi hồi nhớ nhung…
Bây giờ xa cách nghìn trùng
Khi nào về được thăm vùng quê hương?
Ra đi biết mấy dặm đường
Lòng ta mãi mãi nhớ thương quê nhà.
                      
                      Nguyễn Hồng Trân


READ MORE - GIẾNG NƯỚC LÀNG QUÊ - Nguyễn Hồng Trân

ĐÔI VẠT PHÙ HOA, CHUYỆN HAI NGƯỜI - thơ Trần Ngọc Hưởng






Đôi vạt phù hoa

Có ai thấy áo em vàng,
Mượn màu hoa cúc nhuộm trang thơ tình
Có ai thấy áo em xanh,
Lá sân trường cũ bỗng thành tương thân*


Nói gì đây hỡi tình nhân,
Áo màu chi cũng bần thần lòng nhau.
Lấy thơ xưa nối nhịp cầu,
Vuốt sao cho phẳng nếp nhàu lòng ta


Áo tình đôi vạt phù hoa,
Nhớ thương khâu kết ngoài tà trong bâu
Nằm lòng luôn cả sắc màu,
Sao còn ấp úng mãi câu ướm tình?


Đôi tà lụa khép hiển linh,
Một vùng ký ức ngọn ngành tình yêu
Thương bao nhiêu, nhớ rất nhiều,
Một đời chỉ thắm đường thêu chẳng sờn


Xiêm y ngát mộng bình thường
Nói gì đây? Nói gì hơn, hỡi người!
Em gần gũi, em xa xôi,
Đôi màu áo đủ rạng ngời lòng ai


Trần Ngọc Hưởng

  
…………………………………………………………………….

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh anh mến lá sân trường ( Nguyên Sa)




Chuyện Hai Người

Sương mù lấp đỉnh dốc tình,
Trời dài đất thẳm cựa mình nổi giông
Hai đầu võng mắc sắc không,
Tan trong mắt biếc môi hồng ngửa nghiêng.


Mơ hồ một cõi nhớ quên,
Mặt sông đầy, sóng duềnh lên phiêu bồng
Tay ôm choàng ngọn cuồng phong,
Nghe chừng đất chuyển trời  rung mịt mờ


Đâu rồi đôi ngọn núi thơ,
Đồi cao lũng hẹp dật dờ trong sương.
Âm âm đâu cõi mê thường,
Chợt sâu lắng giữa thoảng hương cỏ mềm.


Vi vu vụt cánh diều lên,
Bỗng nghe vó ngựa nổi chìm trong mây.
Thoắt vơi, thoắt cạn, thoắt đầy,
Tỉnh mê một thoáng men say bồng bềnh


Vút đôi cánh trắng thần tiên,
Tình yêu quá đỗi hồn nhiên hai người
Ngực căng buồm lộng ra khơi,
Tình yêu tức vị tuyệt vời tình yêu!



Trần Ngọc Hưởng
mrtranvansau@gmail.com
READ MORE - ĐÔI VẠT PHÙ HOA, CHUYỆN HAI NGƯỜI - thơ Trần Ngọc Hưởng

NGƯỜI GIEO HẠT MÙA XUÂN - thơ Nguyễn An Bình




 Thơ NGUYỄN AN BÌNH

NGƯỜI GIEO HẠT MÙA XUÂN

Người gieo hạt mùa xuân
Lên bao nhiêu cánh đồng
Qua những mùa hạ nhớ
Mưa bụi mù thu đông.

Cuộc tình như cánh én
Bay giữa trời mênh mông
Em qua vùng biển động
Nỗi nhớ thành bão giông.

Người gieo hạt mùa xuân
Cho mắt môi thêm hồng
Tình yêu thành đốm lửa
Sưởi ấm suốt mùa đông.

Mây bay về quê cũ
Tiếng ai hát bên đồi
Em như cơn gió thoảng
Bước nhẹ qua đời tôi.

Người gieo hạt mùa xuân
Chờ nở hoa một lần
Nụ tình xanh muôn thuở
Trên tay đôi tình nhân.

Thời gian không trở lại
Tóc em có còn xanh
Hạt sương hồng trên mắt
Rơi xuống hồ long lanh.
         
8/1/2015


READ MORE - NGƯỜI GIEO HẠT MÙA XUÂN - thơ Nguyễn An Bình

Trần Tứ Đức giới thiệu tập sách "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại"

              Với tập sách "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại"
                                                 Nxb Văn hoá Thông tin 2014

                                                            Trần Tứ Đức
                                Nguyên CB Viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian
  
       Là tác phẩm văn học của nhà thơ Phạm Ngọc Thái - Được nhiều tác giả "Hội những người yêu mặt trời thi ca - Hà Nội" biên soạn, mới cho xuất bản trong mùa đông 2014. Một tập sách dầy dặn và khá hoành tráng.

     Như thế ngoài hai tập thơ đầu tiên anh đã xuất bản:
-   "Có một khoảng trời", Nxb Hà Nội 1990.
-   "Người đàn bà trắng", Nxb Thanh niên 1994.
    Mười lăm năm sau Phạm Ngọc Thái mới lại "tái xuất giang hồ"... tiếp tục cho xuất bản. Đó là tập thơ:
-   "Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009. Khi vừa ra đời tập thơ lập tức bung lên những dư luận inh ỏi, đình đám. Sự thực thì đã có nhiều bài thơ hay của tập Rung Động Trái Tim đã được các văn nghệ sĩ, nhất là các nhà giáo bình, ca ngợi như: Người đàn bà trắng, Em về biển, Em ơi! Thành phố lại mưa, Sáng thu vàng, làm ma em vợ, Em bán xoài, Thời áo trắng, Con đường lá đổ, Nỗi trăn trở người đi tìm vàng, Tiếng hát đời thường, v.v... Ngay cả nhà thơ Trúc Thông cũng bình và khen bài thơ "Chiều hoàng hôn" hay, đăng trên báo Đài tiếng nói VN, sau đó in vào tuyển bình thơ hay của quốc gia do Nxb Thanh niên phát hành. 
     Đặc biệt là ba năm gần đây nhà thơ liên tục cho xuất bản liền ba tập, tại Nxb Văn hoá Thông tin:
-   Năm 2012 tập thơ "Hồ Xuân Hương tái lai", số lượng bài tới 298 tình thơ, sách dầy ngót 400 trang. Là một tập thơ lớn của anh. Một lần nữa Phạm Ngọc Thái đã vượt lên để khẳng định vóc dáng chân dung của thơ mình. Qua một thời gian trải nghiệm, tác phẩm đã có những tiếng vang lớn với các bài thơ hay và độc đáo.
HỒ XUÂN HƯƠNG TÁI LAI của Phạm Ngọc Thái

      
-   Năm 2013 tập "Phê bình & tiểu luận thi ca". Một tác phẩm bình luận văn học được tác giả chọn lọc kỹ lưỡng nên khá đặc sắc, có tầm.


-   Đến mùa đông 2014, nhà thơ được HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU MẶT TRỜI THI CA - Hà Nội kết hợp biên soạn, cho xuất bản tập "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại". Tôi xin nói đôi nét khái quát về tác phẩm mới này.
    Tập sách dầy 372 trang và chia làm hai phần:
  PHẦN I -  Với 120 tình thơ có tựa đề  " Bầu trời thơ tình hay & lạ ". Nó gồm 119 bài thơ tình sâu sắc và hay nhất, được chọn ra trong đời thơ tác giả.                  Bài thứ 120 là bài "Ta và lịch sử"không phải thơ tình, chỉ có tính chất kết lại. Đúng như cái tên gọi, 119 bài thơ tình đó là cả một khoảng trời thơ đa sắc, đa màu. Trong đó có nhiều bài thơ đặc sắc và hay, rất đáng để đời ngưỡng vọng. Phần thơ tình này, chúng tôi sẽ bình luận sau, riêng ở một bài. 
*   PHẦN II -  Tựa đề "Thế giới thi ca Phạm Ngọc Thái, với lời bình của nhiều tác giả". Có cả thảy 35 bài vừa là bình thơ hay, thơ sâu sắc cùng những tiểu luận về chân dung thi nhân. Riêng phần này độ dầy đã trên 200 trang sách. Để có nhận định khái quát về tác phầm " PHẠM NGỌC THÁI CHÂN DUNG NHÀ THƠ LỚN THỜI ĐẠI " -


Xem hình


   Tôi xin trích ra đây nguyên văn "Lời giới thiệu" ở đầu sách, do cô giáo Nguyễn Thị Hoàng giảng viên trường Đại học Sư phạm, thay mặt HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU MẶT TRỜI THI CA - Hà Nội đã viết:

                                                                        LỜI GIỚI THIỆU                                                  
                                              Trích tập "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại"


      Chúng tôi "Hội những người yêu mặt trời thi ca" – Hà Nội, đọc và nghiên cứu các thi phẩm của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Theo đánh giá với một bình diện rất rộng trên văn đàn mạng Việt trong nước và thế giới, nhận định: Phạm Ngọc Thái có chân dung thuộc đẳng cấp cao, tức là nhà thơ lớn của nền văn học nước nhà.
     Sở dĩ lấy cái tên gọi "Hội những người yêu mặt trời thi ca", ý muốn nói rằng: Chúng tôi là những người yêu thi ca, nhưng phải là thi ca hay, những tình thơ trác tuyệt. Các thiên tình ca ấy phải toả ngời như ánh sáng. Ánh sáng đó có thể là mặt trời, mặt trăng hay các vì sao. Ở đây - chúng tôi gọi tên "mặt trời" làm biểu tượng, để minh họa cho một thế giới thi ca tỏa sáng với bao nhiêu bài thơ hay, sâu sắc của thi nhân.

     Anh Trần, một nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh Hà Nội, trong bài "Phạm Ngọc Thái nhà thơ của tự do", đã viết:
-   Là một nhà thơ của tự do nhưng ông có chân dung văn học mang tầm vóc lớn trong thi ca. Ông đã sáng tác được một khối lượng đồ sộ thơ tình hay, ghi dấu ấn riêng biệt của ông trong lòng người yêu thơ, có những giá trị nghệ thuật tuyệt vời để lại cho nền văn hiến Thăng Long. Với hàng bậc của các nhà thơ hiện nay, ta có thể khẳng định rằng: Ông là một nhà thơ tài năng vào hàng bậc nhất trong đương đại.
   Các thành viên trong "Hội những người yêu mặt trời thi ca", hầu hết đều có những bài viết về thi phẩm hoặc bình luận chân dung thơ ông. Bao gồm:
1.   Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng - giảng viên Trường Đại học Sư phạm. Đã bình hai bài thơ tình hay của Phạm Ngọc Thái.
          a/-   "Con đường phượng đỏ" - Thơ tình trong trắng thuở sinh viên, rất đáng yêu.
          b/-   "Em ơi! Thành phố lại mưa" - Cô giáo đánh giá hay vào hàng tuyệt tác.
2.   Nhà giáo Đình Bồng - giảng dậy tại trường THPT quận Ba Đình, Hà Nội. Anh đã viết bài bình"Phạm Ngọc Thái với chùm tình thơ áo trắng".
     Trong đó gồm 3 bài thơ tình thuở ban mai: Thời áo trắng; Phố thu và áo trắng; Cô áo trắng... rất đậm đà hương sắc. 
3.   Hoàng Thị Thảo, một nữ trí thức yêu thơ. Chị viết:
         -  Cảm nhận về một bài thơ tình hay "Anh vẫn ở bên hồ Tây" của Phạm Ngọc Thái.
4.   Thạc sĩ Anh Nguyễn - giảng viên trường Đại học Quốc gia. Anh đã viết:
         a/.   Mấy nét tình sử về bài thơ Người Đàn Bà Trắng.
         b/.   Phạm Ngọc Thái với bài thơ thần sầu quỉ khóc.
5.   Trần Tứ Đức - nguyên cán bộ Viện ngôn ngữ và Văn hoá dân gian. Anh bình:
 -   Phạm Ngọc Thái với chùm thơ hay về tình yêu và đàn bà
      Một chùm  thơ ba bài. Tác giả đánh giá "Người đàn bà trắng" hay thuộc đỉnh cao của thi ca.
6.   Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Chúc. Ngoài bài bình luận:
-   Phạm Ngọc Thái chân dung một nhà thơ tình lớn của dân tộc
      Anh còn là tác giả của bài viết đã gây nhiều dư luận:
  -  Lời bàn về tuyệt phẩm thơ "Váy thiếu nữ bay" của Phạm Ngọc Thái.
     Anh đánh giá thi phẩm độc đáo, sâu sắc và tuyệt hay!
   Những bài bình và tiểu luận đó đều đã đăng trên nhiều trang mạng, từ trong nước ra hải ngoại – Qua Âu Châu, Mỹ đến toà báo Việt tại Úc. Một số đăng rải rác ở các báo văn học, tạp chí... như báo Người Hà Nội, tạp chí Sông Hương, Hồn Việt v.v... Hầu hết được chúng tôi tổng hợp lại để in vào trong tác phẩm này. 
     Bàn về việc đánh giá tác phẩm văn học, chính nhà thơ Phạm Ngọc Thái cũng đã nêu ra, một trong những nguyên tắc cơ bản của việc thẩm định thơ hay - Rằng:
-    Muốn thẩm định cho xác đáng một tác phẩm thơ, nhất đó lại là một bài thơ hay của thi đàn, nguyên tắc trước hết phải có nhận định: Bài thơ đó có khả năng tồn tại hay không? Cũng như muốn xác định tầm vóc chân dung một thi nhân, trước hết phải xác định thi phẩm của anh ta có tồn tại hay không?
     Nếu như thơ đã không thể tồn tại lâu dài được, suy cho cùng cũng chỉ là loại thơ... ra rác mà thôi. Nói để các nhà thơ đỡ xót xa, những thứ thơ không tồn tại ấy... chỉ mục đích cổ động phong trào hoặc làm công tác văn hoá nhất thời. Như Gớt nói "tầng tầng bụi phủ".
     Một tác phẩm thi ca dù thể loại nào, trường phái nào, cách tân đến mấy… mà không có khả năng tồn tại trường cửu với tháng năm, thì không thể coi thi phẩm ấy là một giá trị đích thực đối với nền văn học được.
     Nhất quán trên cơ sở ấy, kết hợp với nhận thức của chúng tôi và sàng lọc qua đánh giá ở văn đàn. Theo cách nói của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: Một bài thơ hay Ông Đồ của Vũ Đình Liên, Hai Sắc Hoa Ti-gôn của TTKH. , Chùa Hương Nguyễn Nhược Pháp, Đây Thôn Vỹ Dạ - Mùa Xuân Chín - Bẽn Lẽn của Hàn Mặc Tử... còn được đời ngưỡng vọng ngàn thu.
     Huống chi thi nhân Phạm Ngọc Thái - Không kể những đài thơ:
     Người đàn bà trắng, Anh vẫn ở bên hồ Tây, Váy thiếu nữ bay, Em ơi! Thành phố lại mưa -  Hoặc bài thơ đời “Làm ma em vợ” hay vào hàng tuyệt tác thi ca. Ngoài ra ông phải có đến vài chục các tình thi khá hay và hay ở các cung bậc khác nhau: 
     Em về biển, Thông và biển, Cây thầm tiếc bóng, Hàng cây lá đổ, Một góc hồ Tây, Người con gái sông xưa, Sáng thu vàng, Sáng xuân nay, Biển hát, Tiếng hát đời thường, Có một khoảng trời, Đêm tóc đá, Tiếng rúc chim đêm, Cô áo trắng, Thời áo trắng, Trước núi Mỹ nhân, Khóc bên Hồ Núi Cốc, Khoảng trôi trong lá, Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ, Đêm nay trời lại không mưa, Con đường phượng đỏ, Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ, Mái tóc con gái ...
     Phạm Ngọc Thái không chỉ sáng tác được nhiều thơ tình hay. Thơ về nỗi đời dân gian, kiếp người của ông không ít bài cũng đạt sự viên mãn để tạo thành những thi phẩm súc tích. Có bài đến hoàn bích như "Làm ma em vợ" đã nói trên, cùng những bài thơ đời sâu sắc khác không kém phần hay:
     Nỗi trăn trở người đi tìm vàng, Cô quét lá đêm hồ, Em bán xoài, Khóc Hàn Mặc Tử, Em bé cầu bơ, Chiều hoàng hôn, Cỏ hoang...
     Đúng như sự đánh giá trên văn đàn:
-   Thi ca Phạm Ngọc Thái dù là thơ tình hay thơ đời, những bài đạt độ viên mãn về ý tưởng nhân văn cũng như ngôn ngữ nghệ thuật là rất nhiều. Mức độ hay của mỗi bài khác nhau, song những tình thi đó đều có thể làm rung cảm trái tim ta. Chưa từng có thi nhân nào sáng tác được nhiều thơ tình hay đến thế! Rồi mai sau ông sẽ có cả trăm bài thơ tình đứng trường cửu với đời và nền văn hiến Thăng Long.    
     Nay HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU MẶT TRỜI THI CA chúng tôi, cho biên soạn để  ra mắt tập sách “Phạm Ngọc Thái Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại”.
  Xin giới thiệu bạn đọc thưởng lãm. Tác phẩm mà chúng tôi biên soạn, chưa hẳn đã nói được hết cái hay và sâu xa như biển thẳm trong nhiều bài thơ ông? Song, chắc cũng phản ảnh được một độ cần thiết về tầm vóc cũng như sự phong phú, đa dạng... với bao nhiêu áng thi ca huyền diệu, tạo thành cả một thế giới thơ hương sắc muôn màu của thi nhân.
                                                                          Hà Nội, mùa đông 2014
                                                   T/M HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU MẶT TRỜI THI CA
          

                                                                                                     Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng 
                                                                                                 Giảng viên Trường ĐH Sư phạm
READ MORE - Trần Tứ Đức giới thiệu tập sách "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại"