Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 9, 2023

CÓ BAO GIỜ TA SẼ GẶP LẠI NHAU - Thơ Kha Ly Chàm

 

Nhà thơ Khaly Chàm

khaly chàm

có bao giờ ta sẽ gặp lại nhau


nếu không chết thì làm sao có sống

lá không rơi cây đứng để làm gì

tình không phụ dễ gì rơi nước mắt

xót xa nào… khi phải nói chia ly ?


chạy là để biết rằng: còn hy vọng

đi là chơi đếm nhịp gọi linh hồn

lời sáng thế biết bao người tin được

ngôn từ ta hai chữ nói: yêu em


ai nhân danh biểu cảm ý tưởng mình

gai đời nhọn xuyên tâm trong lồng ngực

em yêu hỡi, mặt trời đêm thao thức!

thơ ngọt ngào xanh biếc những mầm đau


những mầm đau hóa mây trắng trên đầu

thơ cuồng chảy hình hài ta biến khúc

em hát ru tình trăm năm nhẫn nhục

rượu “giang hồ” ta ném chén giống Đặng Dung


rồi một hôm những hạt lửa cháy bùng

bụi tàn tro hòa tan vào biển cả

thế mới biết sinh thành từ nghiệt ngã

có bao giờ ta sẽ gặp lại nhau?


tptayninh 3/2023


READ MORE - CÓ BAO GIỜ TA SẼ GẶP LẠI NHAU - Thơ Kha Ly Chàm

ĐÔI ĐIỀU VỀ PHÁO TẾT - Nguyễn Đại Duẫn

                   


                 


ĐÔI ĐIỀU VỀ PHÁO TẾT

Tản văn của Nguyễn Đại Duẫn



Tôi về quê ăn Tết. Việc đầu tiên là chúc thọ ba, mẹ tôi, rồi mừng tuổi cho các cháu. Ở quê, tục thăm Tết họ hàng như đã trở thành thông lệ. Người thân gặp nhau để hỏi han sức khỏe, làm ăn sau một năm và chúc nhau năm mới phát đạt. Tôi cùng các thành viên trong gia đình đi thăm hỏi bà con lối xóm. Gặp đứa cháu họ gọi tôi bằng ông, nói: “ Tết năm nay dở ẹc, chẳng thấy mấy ai đốt pháo nổ cả”. Tôi đưa phong bao lì xì mừng tuổi rồi giải thích cho nó việc Nhà nước cấm đốt pháo nổ, hạn chế bắn pháo hoa. Không biết nó có hiểu gì không, tay cầm bao kì xì cười tươi, lễ phép cảm ơn rồi vù chạy đi. Những ký ức tuổi thơ tôi với những bánh pháo Tết xưa hiện về.

Tết là dịp mà mọi đứa trẻ như tôi luôn háo hức mong chờ. Được nghỉ học, được vui chơi, ăn ngon và diện quần áo mới. Đặc biệt điều mong chờ nhất là được đốt pháo. Ngày ấy, đối với tôi cũng như bao đứa trẻ thôn quê, việc có tiền để mua pháo đốt chơi cũng là một ước mơ. Việc đốt pháo cũng dè sẻn, phải xé lẻ ra từng quả pháo để đốt. Cả bọn tụm năm, tụm ba rủ nhau tìm ống bơ rồi bỏ pháo vào đốt để nghe tiếng nổ to hơn. Thấy nhà nào đốt phong pháo dài và to, cả đám trẻ con bu xung quanh, để nghe tiếng pháo nổ giòn. Chờ khi pháo nổ xong là lao vào giành nhau từng quả pháo tịt, mất ngòi trong làn khói mù mịt. Mặt mũi đứa nào đứa nấy đen nhẽm khói pháo nhưng vẫn háo hức. Nhà có tiền thì chọn mua pháo Bình Đà, nối hai ba phong treo từ mái ngói thả xuống sát mặt đất. Nhà khá hơn thì trưng phong pháo dài chừng sải tay. Nhà nào nghèo cũng có một phong pháo tép. Giao thừa đến, nhà nhà thi nhau đốt pháo, tiếng pháo vang rền tứ phía, khói phủ mịt mù. Tiếng pháo như làm không khí yên bình của thôn quê náo động hẵn lên. Tiếng chó sủa, tiếng reo hò của lũ trẻ ồn ả cả góc làng. Như một sự “kiêu hãnh” giữa các gia đình, của lũ trẻ trong việc pháo nổ to, nổ nhỏ. Sáng dậy, xác pháo đỏ hồng cả một khoảng sân. Sân nhà nào lắm xác pháo là hãnh diện với lối xóm lắm lắm.

Theo quan niệm xưa, tiếng pháo ngày Tết có ý nghĩa để xua đuổi tà ma và mong ước cho một năm làm ăn thịnh vượng, suôn sẻ. Tết xưa đói thật chỉ mong có bánh chưng, có kẹo, có bát xôi đầy, trên đắp một miếng thịt lợn nhẫy mỡ. Nhưng vui nhất vẫn là đám trẻ con chúng tôi thi nhau nhặt tìm xác pháo chưa nổ để về chế lại. Hết Tết rồi mà âm thanh và mùi thuốc pháo vẫn còn lan tỏa, rải rác tiếng nổ trong các lễ cúng đầu năm cứ kéo dài cho đến “ngày mở cửa rừng”. 

 Nhưng có những cảnh tượng đốt pháo làm tôi không bao giờ quên, ám ảnh đến bây giờ. Đó là việc mấy đứa trèo lên ngọn cây, chờ các cô, các mệ đi chợ về chúng đốt cho pháo cháy ngòi rồi quẳng xuống. Thình lình nghe tiếng nổ, họ giật mình hốt hoảng, có khi rơi cả gánh hàng. Lũ con nít nhảy trên cây xuống ù chạy trong tiếng la mắng của các cô, các mệ. Rồi cảnh mấy đứa giành nhau pháo lép, xảy ra đánh nhau. Rồi có đứa bị thương khi tranh pháo có ngòi nổ chậm. Hay có đứa bị pháo đùng nổ  trên tay toe ngón, máu chảy ồ ạt phải đưa đi cấp cứu. Đâu đó còn có những vụ chở pháo lậu nổ cháy xe, người chết thật thương tâm. 

Bây giờ việc đốt pháo nổ như ngày xưa đã không còn. Thế nhưng, vào mỗi độ Tết đến, xuân về tiếng pháo và mùi pháo Tết vẫn còn như một sự hoài niệm trong tâm thức thời trẻ con của tôi. Đúng vậy, khi ta đã sống rất lâu trong một thói quen như trở thành “lệ”, ta sẽ cảm thấy tiếc nuối khi thiếu nó. Không có tiếng pháo, Tết như thiếu hẳn một cái gì rất khó giải thích. 

Kể từ khi có lệnh cấm đốt pháo Tết, tình hình mấy ngày Tết rất an bình, không khí trong lành. Không còn cảnh tai nạn pháo. Không còn sống trong cảnh mù mịt khói thuốc súng. Và, nhờ không đốt pháo, người dân tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Chúng tôi xem đốt pháo là một trong những thói quen không lành mạnh. Bây giờ tôi và mọi người mới thấy rằng việc cấm đốt pháo là hợp lý. Bởi vì, việc đốt pháo tốn kém tiền của, gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng và dễ gây hỏa  hoạn. Trẻ con bây giờ đã khôn hơn chúng tôi ngày xưa, chúng đã quen với văn hóa không đốt pháo đêm giao thừa. Không còn cảnh “gà tức nhau tiếng gáy” vì tiếng pháo nổ to, nổ nhỏ. Không còn những xác pháo hồng đầy sân nữa. Giờ đây sân nhà rực rỡ những sắc hoa.

 Với giọng bùi ngùi, ba tôi nói: “Tết có pháo kể cũng có phần vui tai đấy. Nhưng cứ mỗi lần nghe pháo nổ làm cho ba bồi hồi nhớ về đồng đội. Những trận đánh với tiếng pháo nổ, mùi thuốc súng, mùi đạn pháo và những sự mất mát, hy sinh của đồng đội cứ ám ảnh ba. Có khi nghe pháo nổ không ngủ được bởi tiếng ồn nhức óc, điếc tai. Cứ ngỡ đâu đây cảnh chiến tranh tàn khốc đang hiển hiện. Không có pháo cũng chẳng sao cả, phải không!” (Ông thuộc Binh chủng pháo binh – loại 150 mm)

 Tết Quý Mão năm nay Nhà nước đã cho phép bắn pháo hoa loại không nổ do Bộ Quốc phòng và một số sản phẩm pháo của Nhà máy Z121 sản xuất. Lần đầu tiên khi pháo được bán rộng rãi trên thị trường, sức mua rất lớn, gây ra tình trạng “cháy hàng” và giá bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần, cho thấy nhu cầu thị trường về pháo rất cao. Việc bắn pháo hoa không còn lén lút nữa.

 Tuy nhiên ý thức một số người, nhất là những người hám lợi bất chấp những nghiêm cấm của Nhà nước đã cố tình buôn bán trái phép pháo nổ, pháo hoa. Một số thanh niên không ý thức đã cố tình làm pháo tự chế để dùng, gây hậu quả đáng tiếc. Theo thống kê nguồn Báo Điện tử Dân Sinh: “Từ ngày 15-11-2022 đến nay, sau 6 tuần thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng tại các địa phương đã bắt giữ 588 vụ, 766 đối tượng, thu 16.570kg pháo trái phép; trong đó có 17 vụ, 29 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép, tịch thu 252,7 kg pháo”. Và theo nguồn Báo Điện tử Chính phủ, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, số ca khám, cấp cứu tai nạn pháo nổ, pháo hoa là 403 ca, có 02 ca tử vong. Một con số thiệt hại về người không nhỏ,.

 Thiết nghĩ, việc cấm đốt pháo Tết là một việc nên làm và cần làm triệt để. Chính phủ đã cấm thì “cấm cho trót” đừng để trong lòng người dân những mơ tưởng chuyện đốt pháo ngày Tết nữa. Bởi vì việc đốt pháo kéo theo rất nhiều hệ lụy như: mất an toàn cho người dân, dễ dẫn đến cháy nổ nguy hiểm. Đặc biệt là tình trạng buôn lậu pháo dẫn đến thất thoát ngân sách của Nhà nước, gây khó khăn trong công tác quản lý. Việc cấm đốt pháo giúp chúng ta hàng năm tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Trong khi ở nước ta, nhiều vùng quê kinh tế còn khó khăn cần sự quan tâm đầu tư, còn rất nhiều người nghèo cần được chia sẻ, đùm bọc. Thực tế, nước ta là một nước chưa giàu, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, số tiền tiết kiệm được từ việc đốt pháo sẽ đóng góp đáng kể để giải quyết những việc trên. Đừng để đêm giao thừa tiếng hú còi của cảnh sát đuổi bắt kẻ đốt pháo trái phép, tiếng hú còi chuyển người cấp cứu do tai nạn pháo trong đêm linh thiêng của Đất Trời giao hòa xảy ra nữa. 


Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHTV Quảng Bình

Thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình





READ MORE - ĐÔI ĐIỀU VỀ PHÁO TẾT - Nguyễn Đại Duẫn

MƯA TRÊN VÙNG TÓC RỐI - Tác giả: Lê Xuân Trường - Tiếng hát : Tuấn Ngọc

READ MORE - MƯA TRÊN VÙNG TÓC RỐI - Tác giả: Lê Xuân Trường - Tiếng hát : Tuấn Ngọc

MẸ HIỀN - Thơ Lê Khánh Nhâm

 


 

MẸ HIỀN 

 

Đời mẹ bao nỗi đắng cay 

Nuôi con đâu kể tháng ngày gian nan

Cả đời chịu cảnh cơ hàn 

Trải bao bất hạnh chứa chan nỗi lòng 

 

Mình mẹ hiu quạnh chờ mong 

Mắt mờ khô lệ mẹ mong con về 

Tháng năm mẹ hóa hồn quê 

Mẹ tôi gánh cả bốn bề đau thương

 

Dìu con trên những chặng đường 

Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào 

Tình mẹ soi sáng trời cao 

Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền

 

Gian truân đổi lấy bình yên 

Mẹ ngồi vá lại ưu phiền đời con 

Chữ hiếu con chưa làm tròn 

Thì nay mẹ đã xa con mất rồi 

 

Nước mắt con kết hoa tươi 

Xin dâng tặng mẹ trọn đời vì con 

Mẹ dù nay đã không còn 

Ngàn năm tình mẹ trong con sáng ngời. 

 

Lê Khánh Nhâm 

Nhật Tân, Kim Bảng,  Hà Nam

<huyen031191@gmail.com>

 

READ MORE - MẸ HIỀN - Thơ Lê Khánh Nhâm

THƠ VỀ TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA - Chu Vương Miện




TẠI NHÂN
 
Mưu sự tại nhân
Thành sự tại chia
“được thời được thế thì hơn
Sa cơ rồng có khác giun chút nào?”
Đạo màn tướng có 5 điều
“đánh thủ tẩu tử hàng”
Gặp địch thì uýnh
Đánh không xuể thì thủ “thùng thủ”
Thủ không đặng thì chẩu
Chẩu không được thì tử
Tử không xong thì hàng
Trước sau chỉ bấy nhiêu thôi?
mà có kẻ thành danh tướng
kẻ không
 
 
SỰ THẾ
 
Sau núi là núi
Sau rừng là rừng
nơi này là bến
bên kia là sông
kẻ thấp nhân cùng kẻ cao nhân
cũng đều mặc áo mặc quần
có người mang guốc mộc
có người chơi chân không
 mỹ nhân ngộ giai nhân
anh hùng gặp tứ chiếng
ăn mày gặp chiếu manh
ôi nhất ẩm nhất trác
duyên do tiền định
cái may cao hơn cái tài
cờ đến tay ai người ấy phất
không cờ mà phất cái gì?
 
 
QUÂN SƯ GIA CÁT LƯỢNG
 
Nhờ văn tài của La Quán Trung
7 không thật và 3 thật
Nhào nặn con ếch thành con bò
27 năm phò tá
Toàn là công cốc
Rác rưởi lòng tong
Ra tướng võ vào tướng văn
Phò Lưu Bị Lưu Gậy
Lục xuất kỳ Sơn
Lắm phen ị ra quần
Phượng Sồ thì đã thác
Ngoạ Long vẫn còn đây
Tài hô phong hoán võ
Sái đậu thành binh
Đông chinh bắc thảo
Chết nửa đời nửa đoạn
Nơi Ngũ Trượng Nguyên
54 tuổi đành đi đứt
Thương cho con rồng năm
Con cá ra sông
 
MỸ NHÂN KẾ
 
Từ khi Đổng Trác thu phục đựợc Lữ Bố
Y như rồng thêm cánh cọp thêm nanh
Đánh đâu thắng đó
Càng đánh càng thắng
Tiếng tăm Đổng Trác lên vù vù
Mưu thần nhà Đông Hán còn mỗi Vương Tư Đồ
Đi ra rồi lại đi vào
Uống trà Thái Đức “chỉ thức đái”
Lữ Bố võ biền anh hùng tót chúng
Dùng võ không ăn?
Dùng văn đôi khi
Với sự hợp tác của nghĩa nữ “Điêu Thuyền”
Tuy nhiên mưu sự tại mưu sĩ
Thành sự tại kẻ ngoại cuộc
Thế là Vương Doãn bày tiệc rượu giản đơn
Ơ sau vườn nhà mà chỉ mời có một Lữ Bố
Bố tới trong tiệc chỉ có một mình Điêu Thuyền
Múa hát và phục rượu.
Bố uống say lắc lư con tàu đưa
Và Doãn hứa sẽ gả Điêu Thuyền cho Lã
“chờ ngày lành tháng tốt là đưa nàng về nhà Lã”
Nói xong là chia tay
Hôm sau Doãn cho mời Đổng Thái Sư
Tới nhà chiêu đãi
Và Điêu Thuyền cũng ra múa
Sau tiệc thì Trác đưa Điêu Thuyền về tư dinh
Bố biết được và trách Doãn
Doãn noí “là Trác đón con dâu dùm cho Lữ Bố”
Từ đó cha con hờ tuyệt tình
Chỉ chờ dịp
Là Bố đưa Trác về Địa phủ?
 
 
QUÂN SƯ
 
KHỔNG MINH
tổ tiên dòng họ Cát
là tướng Cát Anh
thời Tây Hán bị Trần Thắng giết oan
đến đờì Hán Văn Đế
cho tìm con cháu lại phong cho đất Gia
nên gọi là Gia Cát Lượng
 
* âm Gia có khi còn gọi là Chư
 
hiệu Ngọa Long Tiên Sinh
tức Rồng Nằm
chí cả tài cao
trong lều tranh đã sẵn chia ba thiên hạ
nhưng mưu sự tại nhân
thành sự tại thiên
 
cha mất sớm
cả gia đình theo chú là Gia Cát Huyền
nhờ dưới trướng của Lưu Biểu
ở Kinh Châu
anh cả là Gia Cát Cẩn
làm tôi thần Cho Giang Đông
thứ 2 là Gia Cát Lượng
thứ 3 là Gia Cát Quân
hai người này theo phò Lưu Bị
Người áp út và Út
theo phò Tào Tháo
nước chia làm ba
gia đình cũng chia làm ba
 
BÀNG SĨ NGUYÊN
tức Bàng Thống
hiệu Phượng Sồ
nguyên là hậu thân của Hứa Phụ
chết năm 34 tưổi
 
chú ruột là Bàng Đức Công
là nhân tài kiệt xuất
thời Tam Quốc
không xoay nổi thời thế
chết ở Lạc Phụng Ba
 
TỪ THỨ
tức Từ Nguyên Trực
là một trong 4 người bạn thân thiết
của Khổng Minh
tài kinh luân thao lược
 
Lòng người Vận Nước
Trời cho ai người nấy được
Không đức thiếu tài
Chỉ lơ tơ mơ
Thì cũng chỉ là con nhái bén
Muốn to bằng con bò?
Trước mua vui sau làm nghĩa
Uống nhiều nước quá xá
Ôm một bụng nước mà chết tốt
Sự đời có anh ngồi mát ăn bát vàng
Có anh tài ba lỗi “đậu phụng”
Lao tâm khổ trí cả đời
Ăn bốc
Hoặc ăn bát đất
Càng tài càng khổ
thua mèo mù vớ cá rán
“buồn ngủ mà gặp chiếu manh
Hay ăn làm biếng gặp anh đứng đường”

 
BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
 
Thanh toán toàn bộ lực lượng của Lã Bố
Quan Công bèn mang giao nạp cho Tào Tháo
Những chiến lợi phẩm:
Lữ Bố bị cho vào rọ heo cột thật chặt
Hoa khôi Điêu Thuyền
Đủ thứ khí giới quân trang quân cụ “quân ông nội”
Tháo hiểu dụ những tướng và binh tốt về hàng
vài câu xã giao thường lệ
rồi quay qua Vân Trường hỏi:
“Quan Ngài bủa 1 mẻ lưới
Dùa trọn gói,
vậy Quan Ngài muốn ta ban thưởng cái gì?”
Quan Công bèn quỳ xuống nói:
Quan mỗ cái gì cũng chả cần
-Xin thừa tướng gia ân ban cho Quan Mỗ
Chỉ 1 mình Điêu Thuyền mà thôi?
Tào Tháo nghiêm mặt nói:
“điều tướng quân yêu cầu rất hợp lý
Nhưng lại là 1 điều trái với ý của ta,
Ban cái gì cũng ô kê
nhưng Điêu Thuyền thì không được
sở thích của ta
xưa nay chi thích cướp vợ thừa
của những kẻ thất bại dướii tay ta”
đó là lệnh?
Quan Ngài hiểu chưa?
                                  
                         Chu Vương Miện

READ MORE - THƠ VỀ TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA - Chu Vương Miện