Ngoài trời,
gió ràn rạt trên ngọn cây, mây đen vần vũ, mặt ao loang loáng lây động từng gợn
sóng ngắn ngủi, đứt đoạn rồi lặng dần. Tia chớp lấp lóa, tiếng sấm ầm ầm phía
trời Tây làm cho bà con, già có trẻ có, vác chân lên cổ mà chạy tán loạn. Hoạt
cảnh, người cào, người quét, người bưng kẻ bê, lom khom tất bật, kệ nệ thúng
mũng, chổi nện soàn soạt liên hồi. Tiếng ồn ào của người, của lúa ậm ạch trong
tiếng mưa. Mồ hôi mồ kê chảy theo rãnh cùng nước mưa hòa trộn ngẫu nhiên làm
ươn ướt trái tim mùa màng. Những hạt lúa vàng một hai nắng thấm nước mưa bỗng
trở nên đen đúa, xấu xí, gương mặt người nông dân rạng rỡ hôm nào phút chốc
buồn tủi, xám xịt, u ám thẫn thờ.
Những cơn mưa
đầu đông lạ lùng tưởng chừng đơn giản, bất chợt mà tê buốt xót xa. Công sức của
dân quê tôi, dầu dãi một nắng hai sương, đều đổ ra sông, ra suối cùng những cơn
mưa không mời mà tới. Nó ùa về vội vã và ra đi cũng vội vã. Nhìn hạt mưa mà cứ
thở dài cho số phận, đời người. Mỗi đời người cũng giống như hạt mưa.
Mỗi năm đến mùa
mưa, người miền Trung ai nấy đều chuẩn bị tâm thế sống chung với địch họa thiên
tai. Mùa mưa lũ về lênh láng, mùa hè gió Lào bỏng cháy da mặt, chân tay nứt
toang hoác rớm máu u sầu. Lúa ngoài đồng đang độ oằn bông, vàng ươm như giọt
mật, cả cánh đồng bạt ngàn sắc vàng hạnh phúc ngời trong mắt người nông dân.
Thế mà, chỉ vài cơn mưa đầu mùa, cả đám lúa rủ nhau ngã rạp. Người nông dân như
gục ngã. Chốc lại bóp trán mà ngửa cổ lên trời: Làm sao có lúa ăn đến mùa giáp
hạ, tiền đâu mua chai nước mắm, gói bọt ngọt, miếng tỏi, cục đường… và tiền học
phí của mấy đứa con ai cho khất mà xin, và nhiều nhiều nữa…tưởng chừng như không thể nào dứt như
những cơn mưa. Nhưng mùa mất thì vẫn cứ mất, người sống thì vẫn phải cố sống.
Đời mỗi con người cứ quẩn quanh trong mớ bòng bong đồng tiền. Năm này qua năm
khác, người miền Trung vẫn kiên cường chống chọi thiên tai, bất khuất trong
chiến đấu.
Năm nay, tôi đi
học xa nhà nên chẳng thể biết mưa gió ngoài quê ra sao. Chỉ nghe qua lời kể của
bố me. Nhà mất nhiều nhà mất ít. Người gặt sớm được nhờ, người gặt muộn, vốc
lúa lên tay mà lúa đã lên mầm trên bông
để rồi buồn buồn tủi tủi. Tối đến, cả nhà dọn cơm lên ăn, thằng con làm rơi mấy
hạt cơm mà tôi quất luôn vài roi vào mông cho bỏ tức. Đánh rồi lại thương,
thương để xót xa, thương con vì con sống ở thành phố đâu biết ngoài kia ông bà
nội đang phải gánh gồng, chống chọi với thiên tai. Để có được hạt lúa ăn đâu có
dễ như để rơi vài hạt. Con cũng đâu có biết một vài hạt lúa rơi rớt cũng làm
ông bà nội tiếc nuối xót xa. Rồi lại thương lây về bản thân mình, ngày xưa cứ
mỗi lần lúa ngã, muốn có tiền đi học phải gánh lúa thuê bầm trầy cả bả vai. Bó
lúa khô gánh một lúc đã thấy mệt bở hơi tai, thế mà không biết động lực từ đâu,
lúa thấm nước nặng như chì mà cứ đi băng băng trên bờ ruộng gập ghềnh lắm ổ gà,
hũm trâu. Đó có phải do động lực từ việc học. Nghĩ đi rồi phải nghĩ lại. Bây
giờ con mình lớn lên ở chốn thị thành liệu nó có hiểu giá trị của sức lao động.
Có hiểu ngày xưa bố mẹ chúng phải đổi từng hạt lúa để có chữ đem về làm hành
trang trên con đường học vấn.
Tối nay, mưa rơi
lộp độp ngoài sân, nằm trong chăn ấm nghe mưa rơi mà không sao chợt mắt nổi. Mở
ti vi lên xem, người phát thanh viên nói về lũ lụt miền Trung đang diễn ra phức
tạp, nghe tin ấy mà tay chân tôi muốn rụng rời. Thế rồi cả đêm cứ thao thao
thức thức trằn trọc mong trời mau sáng để điện thoại về hỏi thăm tình hình làng quê. Ông anh ở quê kể về
lũ lụt không biết mô tả thế nào, cứ dùng chân khuấy nước đang dâng ngang lững
gác nhà mà cười khà khà coi như chuyện giỡn chơi.
Mỗi người có kí
ức về mưa khác nhau. Những người trẻ khi nói về mưa thường gắn với những mối
tình ướt át, trẻ con nói về mưa là những bữa cỡi truồng tắm mưa dưới xối nước
nhà ai đó sướng hơn tắm vòi sen, còn người thành phố nói về mưa đậm chất lãng
mạn của những bữa nhậu vỉa hè, uống cà phê ngắm mưa, hay ngủ nướng trong chăn bông dày cộm. Còn với tôi và những người
dân chạy dài suốt dọc miền Trung nhắc đến mưa với sự lo lắng, những trận lũ,
mất mùa, đôi khi là mất cả người thân.
VÕ VĂN TUYỀN
Giáo viên Trường PTDTBT THCS Phước
Chánh;
Thôn 2, Phước Chánh, Phước Sơn, Quảng Nam;
Email: votuyenthangbinh@gmail.com.