Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 19, 2013

NÔNG NGHIỆP VĂN QUỸ: BA MƯƠI HAI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG - Nguyễn Văn Hiền

Cổng làng Văn Quỹ. Ảnh Lê Đăng Mành


          Sau ngày đất nước hoà bình 30/04/1975, tất cả bà con xa quê hương đều trở về làng theo chính sách của nhà nước. Những ngày đầu tiên, chính quyền cho thành lập từng tổ chung vốn làm ăn mua máy cày, máy bơm nước, trâu  bò để có đủ sức kéo phục vụ cày bừa cho đồng ruộng vụ hè thu năm 1975 và có đủ phương tiện và điều kiện trước khi vào làm ăn tập thể cho các năm tiếp theo. Ngoài các gia đình mua trâu bò, ở trong làng có hai đoàn là đoàn máy cày và đoàn máy bơm nước. Tất cả tài sản do bà con làm ăn riêng lẽ từ vụ hè thu 1975 đến vụ đông xuân 1975/1976 đều phải hoá giá,  từ cày bừa cho đến dụng cụ tư liệu sản xuất đều đưa vào làm ăn tập thể như kiểu của miền bắc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ xã (*) (thời gian nầy đó ở xã mới chỉ có chi bộ), ở thôn có ban điều hành thôn do ông Nguyễn Bá Tính làm trưởng ban (gọi là ban nhân dân CM thôn) và ban nông hội thôn do bà Nguyễn thị Thục, hội trưởng, quản lý trực tiếp cùng với BĐH thôn chịu trách nhiệm mọi nghĩa vụ lao động, lương thực, thực phẩm đối với nhà nước, thành lập ra 4 tập đoàn chia thành 16 đội sản xuất, mỗi đội quản lý gần 8 ha ruộng(*). Ban chỉ huy đội có ba người đội trưởng điều hành chung, đội phó phụ trách điều công và thư ký đội làm kế toán ghi công điểm phụ trách ăn chia phân phối lương thực và ghi các nghĩa vụ lao đông, lương thực, thực phẩm.
           Được hơn một năm, Hợp tác xã 16 đội rút gọn chia lại thành 12 đội nhưng làm ăn vẫn trì trệ, rong công phóng điểm, ngày công chưa đạt với sức lao động của nông dân bỏ ra, năng suất và sản lượng thấp, khâu cày bừa còn sơ sài, giống lúa chưa thuần chủng nên vụ nào cũng không đạt năng suất.
          Qua năm 1978,  mô hình làm ăn lớn hơn, toàn xã có ba HTX. Câu Nhi và Hà Lỗ thành một HTX gọi là HTX Tân Phong do Ông Hoàng Tấn Xuân làm chủ nhiệm. Văn Quỹ và Văn Trị thành một HTX gọi là HTX Tân Văn do Ông Phạm Duy Thành Chủ Tịch UBND xã kiêm nhiệm. Và một HTX Mua bán do ông Bùi Hữu Trọng làm chủ nhiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã. Khi thành lập xong, xã cử một đoàn cán bộ cốt cán bao gồm các chánh phó chủ nhiệm và các đội trưởng của các HTX đi tham quan học tập cung cách làm ăn tập thể mô hình lớn tại HTX Định Công, Thanh Hóa, trưởng đoàn là ông Phạm Duy Thành, phó đoàn là ông Hoàng tấn Xuân chịu trách nhiệm đưa đoàn đi tham quan học tập trong thời gian ba tháng, sau đó, đi tham quan học tập thêm ở HTX Đức Ninh tỉnh Quảng Bình. Bộ máy của BQL các HTX có một chủ nhiệm, bốn  phó chủ nhiệm một phụ trách trồng trọt, một phụ trách ngành nghề, một phụ trách chăn nuôi, một phụ trách văn hoá, ban tài vụ gồm kế toán trưởng, một kế toán tổng hợp và 4 kế toán viên đi theo từng ngành nghề để theo giỏi ghi chép và hạch toán, ban kiểm soát có ba người. Một bộ máy rất cồng kềnh hoạt động theo kiểu bao cấp, làm ăn vẫn không hiệu quả, phần thu nhập của xã viên không đủ ăn trong gia đình.
            Đến năm 1980, HTX Tân Văn chia thành 2 HTX ở làng Văn Quỹ là HTX Văn Nam do ông Nguyễn Khánh May làm chủ nhiệm, ở làng Văn Trị là HTX Văn Thạnh do ông Phạm Tài Hoản làm chủ nhiệm, thực hiện chỉ thị khoán 100 tổ chức với hình thức khoán sản phẩm đến tận nhóm và người lao động, người dân đón nhận với tinh thần phấn khởi, năng xuất và sản lượng ngày càng tăng, nghĩa vụ lương thực và thực phẩm đối với nhà nước luôn hoàn thành đạt chỉ tiêu, đời sống của từng gia đình có khấm khá hơn.
             Đến cuối năm 1989, chỉ thị 80 ra đời, việc giao thương buôn bán được tự do đã mở ra một phương thức làm ăn mới, không ngăn sông cấm chợ, tự do buôn bán trong cả nước thì HTX Mua bán cũng được giải thể, thị trường thương mại thuộc về tư thương. Từ đó, khoán 10 được ra đời như một luồng gió mới được bà con tiếp nhận với tinh thần rất cao vì quyền lợi đã đến với họ rất rõ rệt nên nông dân thi đua làm ăn, thay đổi giống lúa mới có năng suất cao, đầu tư thâm canh giống cây trồng và vật nuôi, mua sắm thêm máy cày và các phương tiện phục vụ cho nông nghiệp, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
            Từ năm 1990 đến 1995, HTX nông nghiệp chỉ làm nhiệm vụ đầu tư bao thầu các vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, xây dựng kênh mương nội đồng, đảm bảo khâu máy cày và tưới tiêu cho đồng ruộng, các hộ nhận khoán chỉ lo chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, thu hoạch và giao nộp sản phẩm đầy đủ theo hợp đồng giao khoán với HTX, năng suất và sản lượng các năm nầy luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch của đại hội hằng năm đề ra.
             Đến tháng 8/1995, HTX thực hiện nghị quyết 64 của Chính Phủ chia ruộng đất lâu dài cho từng hộ nông dân 20 năm, dồn điền đổi thửa nên bà con đã đầu tư thâm canh cho ruộng của mình, năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Đến năm 1998, HTX chính thức đại hội chuyển đổi thành HTX kiểu mới và đổi tên thành HTX Văn Quỹ. Hiện nay, HTX đã tổ chức đào tạo thành công cho 40 lao động nữ chuyên thêu ren hàng xuất khẩu, thu nhập bình quân từ 1.5 (*) đến 2 triệu đồng / người / tháng.
          Trong những năm gần đây, HTX được trung tâm giống cây trồng tỉnh Quảng Trị đầu tư làm các trục đường bê tông từ trong làng ra tận đồng ruộng. Năm 2010, trung tâm xây dựng ở đầu làng một trạm bơm điện ba mô tơ có công suất lớn đảm bảo tưới tiêu cho đồng ruộng kiệt giữa và thượng đàng phe. HTX và trung tâm đã liên kết với nhau, mỗi năm HTX cung cấp cho trung tâm trên 70 tấn giống lúa thuần chủng các loại.
           Trải qua bao đời nay, người dân quê tôi vẫn con trâu đi trước cái cày theo sau, mùa màng được ít, mất nhiều. Giống lúa dài ngày vụ ĐX hay bị mất mùa vì khi lúa trổ gặp gió về. Vụ trái thường hay bị mất trắng vì lũ ngập sâu. Trước đây, hằng năm người dân thường lo thiếu ăn, thiếu mặc, nay đã thoát khỏi cảnh đói nghèo cơ cực, đã có của ăn của để, con cái được học hành, trường lớp khang trang, có đủ lớp cho con em học tập, có các công trình phục vụ dân sinh như hệ thống điện sinh hoạt, công trình nước sạch, đê bao chống lũ, giao thông đi lại đường sá về mùa mưa không còn lầy lội như xưa. Về nông nghiệp, đã có hai trạm bơm điện tưới tiêu cho đồng ruộng, máy cày thay trâu, không còn đến vụ gieo mạ và chiếc (nhổ mạ bằng tay) để cấy mà nay đã dùng giống để gieo thẳng. Hết làm nhiệm vụ nhổ cỏ cho lúa mà đã thay vào là phun thuốc trừ cỏ, không còn sợ thiếu người gặt lúc thu hoạch những nơi xa xôi vì nay đã có máy gặt liên hợp và phương tiện vận chuyển về đến tận nhà. Việc cơ giới hóa nông nghiệp đã đem lại cuộc sông tươi vui, ấm no, hạnh phúc cho bà con. Nhà nào cũng tường xây, mái bằng hoặc lợp ngói, có nhà gác chống lụt bão và mưa gió, có xe máy, ti vi, và các phương tiện sinh hoạt khác khá đầy đủ. Đến nay, lương thực bình quân đầu người đạt 1450kg thóc*. Thu nhập bình quân đầu người đạt *15.500.000đồng/năm.
           Nhìn lại 37 năm về trước, những ngày đầu mới giải phóng, lúc vào làm ăn tập thể, thiếu thốn đủ bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nông cụ sản xuất còn thô sơ và lạc hậu như thế lại còn phải cơm đùm gạo bới đi khai hoang vùng chện để trồng màu cứu đói lúc giáp hạt, đi làm nghĩa vụ lao động dài ngày với nhà nước, khai hoang trồng sắn mộ ông Chưỡng ở Hải Lâm, làm thuỷ lợi đập trấm ba năm ở xã Hải Lệ, làm đê bao chắn cát ở Hải Dương nhưng người dân quê tôi vẫn kiên trì để vượt qua khó khăn ...
           Hiện nay, quê hương Văn Quỹ chúng ta, từ đầu làng đến cuối xóm, đã thấy phong cảnh một làng quê đổi mới hoàn toàn, cùng với cả nước xây dựng nông thôn mới hội nhập và phát triển với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh.
           Xin trích đoạn đầu bài thơ Văn Quỹ Làng Tôi của anh Trần Tư Ngoan người Văn Quỹ hiện đang sinh sống tại thị trấn Ngãi Giao tỉnh Bà Rịa VũngTàu đã cảm nhận về quê hương của mình như sau.

Ai về Văn Quỹ làng tôi
Đi bên ruộng lúa bồi hồi lòng nghe
Đất lành vun đắp hồn quê
Bao nhiêu đời đã tràn trề niềm thương
Ai về Văn Quỹ nhặt hương
Hoa cau hoa bưởi dọc đường hoa xoan 
Nghề nông cày cấy muôn vàn
Mùa mưa mùa nắng trồng sang mùa đời
Mây bay ngắm mái đình phơi
Mấy trăm năm đứng ngậm lời tiền nhân


          Nhân ngày thành lập hội nông dân tập thể 14/10, được sự thống nhất của UBND xã Hải Tân, BQL hợp tác xã nông nghiệp Văn Quỹ (tiền thân của nó là từ HTX Tân Văn tách ra năm 1980 thành HTX Văn Nam nay đổi thành Văn Quỹ) tổ chức kỷ niệm 32 năm thành lập, mời các chú các anh đã tham gia ban chủ nhiệm HTX và ban chỉ huy đội sản xuất qua các  thời kỳ gặp mặt và toạ đàm giao lưu nhằm ôn lại những ngày đầu khó khăn vất vả, qua hơn 36 năm phấn đấu mới có được thành quả như ngày hôm nay.

(*) Theo số liệu của HTX BÁO CÁO


                Ngày 14/10/2012
Nguyễn Văn Hiền
nguyenvanhien405@gmail.com
READ MORE - NÔNG NGHIỆP VĂN QUỸ: BA MƯƠI HAI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG - Nguyễn Văn Hiền

Trần Ngộ - LÂM VIÊN MỜI BẠN (họa bài NƠI ẤY NGÀY ẤY của SÔNG THU)




Quê tôi phong cảnh thật nên thơ
Mời bạn lên thăm thỏa nỗi chờ
Thác bạc Đam Ry xanh giải lụa
Hồ vàng Than Thở tím mành tơ
Ca vang chim hót mây vần núi
Rộn rả suối reo sóng vỗ bờ
Ai đến một lần lòng chẳng chạnh
Khách về ôm mộng vẫn còn mơ

Trần Ngộ
Bảo Lộc, Lâm Đồng
READ MORE - Trần Ngộ - LÂM VIÊN MỜI BẠN (họa bài NƠI ẤY NGÀY ẤY của SÔNG THU)

Thế Lộc - MẸ NGÀY XƯA - NỤ CƯỜI XUÂN


MẸ NGÀY XƯA

Ngày xuân qua
Gió la đà
Chỉ mình ta
Buồn hiu hắt

Tiếng kẻo kẹt
Chiếc võng đưa
Mẹ này xưa
Chừ xa vắng

Con đứng lặng
Trước mộ phần
Lòng buâng khuâng 
Thèm gọi Mẹ

Ngày còn bé 
Mẹ ẳm bồng
Nay: vợ, chồng
Không còn Mẹ

Con Vượn lẻ
Chừ đã già
Nhớ Mẹ Cha
Ngày tết đến. 

Sáng Mồng 2 tết Quý Tỵ



NỤ CƯỜI XUÂN

Mùa Xuân tới
Tiết xuân tưoi
Vạn nụ cười
Như khơi mạch

Sống thanh bạch
Đón mùa xuân
Vui tưng bừng
Lòng rộn rã

Con Vượn già
Nghe mầm sống
Đang khởi động 
Ở quanh ta

Xuân mọi nhà
Xuân dân tộc
Dân hưởng lộc
Nước phồn vinh.

Sáng mồng 8 tết Quý Tỵ 2o13
THẾ LỘC
READ MORE - Thế Lộc - MẸ NGÀY XƯA - NỤ CƯỜI XUÂN

Trần Thị Quỳnh Hoa - THƠ CẢM TÁC: TÌM BẠN CHỐN THIÊN THAI



THƠ CẢM TÁC: TÌM BẠN CHỐN THIÊN THAI

 
Một mình dạo bước chốn thiên thai

Mong gặp bạn hiền ... có thấy ai!

Lất phất hoa rơi hương nhẹ tỏa ...

Du dương nước chảy mộng sầu bay ...

Thơ nhàn ngâm vịnh ru đời lãng

Rượu lạt khề khà đón gió lay

Dõi mắt  trông người ... người chẳng tới

Đầy trời thanh thản hạnh, đào khai.


TTQH
 


Nguyên tác: PHỎNG ẨN GIẢ BẤT NGỘ - CAO BIỀN

 
Lạc hoa lưu thuỷ nhận Thiên Thai, 

Bán tuý nhàn ngâm độc tự lai. 

Trù trướng tiên ông hà xứ khứ,
 
Mãn đình hồng hạnh bích đào khai.


 
DiZiKiMi  tạm dịch:

ĐẾN THĂM NGƯỜI Ở ẨN MÀ KHÔNG GẶP


Thấy hoa rơi nước chảy nhận ra  là Thiên Thai 

Một mình nửa say ngâm thơ nhàn nhã, tự đến đây 

Buồn vì tiên ông đi đâu vắng 

Mãn đình hồng hạnh, bích đào nở đầy trời.




READ MORE - Trần Thị Quỳnh Hoa - THƠ CẢM TÁC: TÌM BẠN CHỐN THIÊN THAI

SỐ PHẬN - truyện ngắn Trạch An - Trần Hữu Hội


                                                                         
      Trực cuộn cái dây máy ảnh quanh ống kính, cho vào túi xách, ngán ngẫm nghỉ đến tối nay phải ở lại vùng kinh tế xa xôi này! Không phải là một phóng viên đi làm phóng sự. Anh chỉ là tay thợ ảnh chụp đám cưới! Đây là lần thứ hai anh vào chụp tại vùng này…
      Chiếc xe đạp nằm đó như nói: Tôi không cõng ông về được! Ông cũng không vác nổi tôi qua suối đâu!
      Khách đám cưới lần hồi ra về, 9 giờ đêm trong vùng này thật hoang vu…
      -Anh ở lại nhà chủ hay về vậy anh?
      Trực quay lại nhìn, một phụ nữ khá sạch sẻ và đẹp , hơi đen nhưng vẫn còn nét mặn mà dù đã trung niên ! Hình như cô ấy là người giúp nấu tiệc cho đám cưới .
      -Nhà chủ không biết có chỗ không nữa ?! Khách bạn về đông quá ! Tôi muốn có cái võng nằm đại đâu đó sáng mai về !
      Hung, tên anh chủ nhà - Hung nhưng không dữ ! anh nói với Trực:
      -Anh thợ nhiếp ảnh chịu khó vào trong rạp ngủ chung với mấy đứa cháu tui nhé. Chịu khó một đêm mà…lu bu quá chẳng biết làm sao !
      -Không sao…Mình có cái võng nào không anh Hung?
      -Không có nữa chơ …
      Người phụ nữ góp ý , hơi ngần ngại:
      -Nếu anh thợ không chê thì qua nhà em nghỉ đỡ một hôm, nhà chỉ có hai mẹ con và bà chị ! chừng một giờ nữa là cháu đi rừng làm củi rồi.
      -Ừ được đó ! Hung mừng rỡ.
      -Có phiền gì cho chị không vậy !
Trực cũng ngại ngần…
      -Không có gì đâu anh…xem như lở đường lở sá mà !

                                                            ****
     Họ toàn là dân thành phố. Mà là dân có máu mặt trước đây, nhưng thuộc diện “không lao động”.
     Hồng. Người phụ nữ cho Trực ngủ nhờ trong nhà mình tối nay. Trước là một bà chủ, có ba cây xăng ở Thị Xã. Anh chồng gốc người Hoa. Sau 75 đi cải tạo vì ghiền ma túy. Không biết gia đình lo lót thế nào mà từ trại cải tao, anh ra bờ biển Phan Rí, lên  thuyền vượt biên qua Mỹ khỏe re!
     Chị vợ ở nhà sau đợt đánh tư sản trở thành tay trắng, chồng đi rồi nên bên nhà chồng cũng chẳng đoái hoài …
     Số vàng mà họ dấu được, còn để dành cho những chuyến vượt biển cả nhà sau đó vài năm.
     Vô công rỗi nghề, phường cho lên Kinh tế mới!
     Có bà chị, Trước đây là vợ lẻ  của một ông quận trưởng đâu tận dưới Miền Tây. Bơ vơ cũng tìm về … với em gái, nhà chẳng còn ai …
     Hồng giới thiệu ngắn gọn với bà chị :
     -Anh thợ chụp ảnh cưới bên nhà anh Hung, không có chỗ nên qua mình ngủ nhờ! Chị chưa ngủ à?
     Người đàn bà ngồi trong chiếc mùng cũ kỷ, ánh đèn không soi được gì … chỉ mờ mờ một dáng người gầy, khô khan …Vừa ngáp vừa ngồi dậy …
     -Ngủ chung với thằng Túc.  Khuya nó đi rừng rồi !
    -Ngồi chơi chút rồi ngủ cũng được, chị dậy nói chuyện cho vui …
     -Ah ... à, có chuyện chi mà nói!
     Bà chị nói trong tiếng ngáp, cũng cho chân xuống đất, vặn to ngọn đèn dầu…
     -Có thuốc không cho tui điếu ?
     -Có đây chị!
     Trực nhanh nhạy rút gói thuốc ra mời ... Cũng may anh ghiền thuốc nên khi nào cũng thủ sẵn …
      -Anh ngồi chơi, Hồng đi rót nước …
     Hai cốc cà phê bột và một bình trà được bưng lên, ngọn đèn dầu vặn to làm không khí trong nhà bớt buồn tẻ. Đứa con trai 16 tuổi thức dậy, lễ phép chào khách rồi mang ba lô, vác cưa đi làm củi trong rừng. Trời tối đen, Trực nhìn đồng hồ, 11 giờ đêm .
     Người phụ nữ đã có vẻ tỉnh táo, sau vài ngụm cà phê và hai điếu thuốc … Kể về quá khứ xa xôi của mình … Chị kể một cách chân thực làm Trực say sưa theo câu chuyện đời của chị.
   

                                                             ****
   
      Tan trường, Sử Thị  Kim Anh chờ cô em kế Sử Thị Kim Hồng trước cổng trường. Cô học lớp đệ tam, cô em học lớp đệ ngũ. Là con nhà giàu, lại đẹp, cả hai là hoa khôi của trường Duy Tân.
      Chiếc xe Honda PC 20 nổ máy rè rè làm nhiều nữ cũng như nam sinh ghen tỵ!
      Một chiếc xe  chạy ngang, loa mở to hết cỡ, quãng cáo đoàn xiếc môtô bay tối nay diễn ở sân vận động. Chiếc môtô màu xanh đen trần trụi với chiếc ghi-đông cao, được để trên chiếc bệ trong lòng xe không trần, đập vào mắt Kim Anh, bỗng chốc hấp dẫn cô một cách kỳ lạ !
      Cô là người hiếu động, trong gia đình cha mẹ ít khi hài lòng về cô. Kim Anh biết vậy nhưng không làm sao khác được, muốn gì là làm đó … Năm ngoái, cô không ngần ngại tát tai một cậu học sinh cùng lớp khi cậu này nghịch, cột vạt áo dài của cô với Hà, bạn gái ngồi kề, làm rách áo cả hai! Cậu học sinh hùng hổ phản ứng, Kim Anh đã không ngần ngại nhảy lên bàn đá bụp vào mặt  làm cậu học trò choáng váng!
      Nếu không phải là con gái thương gia Sử Kỳ Hào thì chắc đã bị đuổi học.
      Kim Anh chở Hồng lạng một vòng ra sân vận động xem qua có thật tối nay có diễn xiếc không. Đúng là họ đang chuẩn bị.
      Kim Anh nôn nóng, nhưng tối hôm đó đoàn xiếc xin lỗi hoãn lại vì chưa chuẩn bị xong .
      Đêm sau và suốt bốn đêm đoàn xiếc diễn, không đêm nào vắng mặt Kim Anh !
      Nhiều trò hấp dẫn như khỉ đi dây, nhảy qua vòng lửa, nhào lộn … đều nhạt nhẻo đối với Kim Anh, chỉ có mục môtô là cuốn hút cô.
     Tay diễn viên xiếc mặc chiếc áo mayô ngắn tay, sát nách, phô tấm thân lực lưỡng và dẻo dai…nhào lộn đủ các tư thế từ ngồi, đứng, quỳ, hai chân, một chân, và cả hai tay cầm ghi-đông toàn thân chổng lên trời trong khi xe cứ chạy quanh làm Kim Anh mê mẩn !
     Muốn gì làm đó, thích ai thì Kim Anh không ngại ngần tiếp  xúc và bày tỏ…
     Ba ngày sau khi đoàn xiếc rời thị xã ra Nha Trang, Kim Anh biến khỏi nhà, hai ngày sau thì gia đình phát hiện tiền và vàng mất! Không biết bao nhiêu, chỉ biết là nhiều!
     Ông Sử Kỳ Hào lái xe ra tận Nha Trang, đem theo ông cảnh sát, mang súng hẳn hoi, nhưng chủ đoàn xiếc cũng chẳng biết  là tay moto biến đi đâu. Đoàn bỏ màn diễn môtô trong những ngày lưu diễn kế tiếp!

                                       ****

     Kim Anh đã theo chàng trai lái môtô trốn về Miền Tây. Trong một phòng trọ ở Cần Thơ, cô sống như vợ chồng với anh mà không cần đắn đo tính toán! Năm đó Kim Anh vừa tròn 17 tuổi!
     Họ gặp lại đoàn xiếc. Chàng trai lại rong ruổi trên những vòng tròn vô tận với chiếc môtô.
     Sáu tháng sau, trong một lần tập lái môtô, cú ngã làm cô gãy tay trái.
     Một tháng sau, trong ngôi nhà lá của một bà lang vườn, cô trục cái thai  trong đau đớn !
    Một đêm trời mưa mịt mù, căn lều của đoàn xiếc chao đảo, người tình tuyệt vời của Kim Anh đi uống rượu chưa về . Ông chủ đoàn xiếc vào và Kim Anh đê mê với những ngón làm tình già dặn, từng trải!
    Từ đó chị thích ông chủ hơn chàng trai. Còn chàng trai thì thích những cô gái thôn quê nơi những chốn đoàn đi lưu diễn  hơn Kim Anh!
     Bà chủ không hề ghen tuông mà còn tỏ ra đon đã hơn với chị bởi không phải Kim Anh là người đầu tiên ông chủ ưu ái, mà toàn bộ những người phụ nữ trong đoàn đều đã qua tay ông, trở thành người làm công không lương, không thù lao! Bản thân bà cũng thế mà!
     Trong một lần biểu diễn, có ông Quận Trưởng xem, Kim Anh sau khi chạy môtô trong lồng xiếc, chị cho xe vọt ra ngoài rồi chạy quanh khán đài làm khán giả vừa sợ vừa vổ tay không ngớt! Chưa hết, chị chạy thẳng ra chợ, đứng một bên, len lỏi giữa chợ làm hoảng hồn bà con … nhưng rõ ràng là họ thú vị vì được coi xiếc không mất tiền!
     Tuần sau thì ông quận trưởng đem xe đến đón chị đi chơi…
    Đêm đó, ông ngây ngất với cô gái trẻ, Kim Anh vẫn còn đẹp và nồng nàn trong ái ân!
     Ông thuê một căn nhà cho Kim Anh để tiện lui tới trong những lúc rảnh rỗi. Nhưng trong người chị như được chảy một dòng máu giang hồ! Thỉnh thoảng, chị bỏ nhà quay về dăm ba ngày với đoàn xiếc, biểu diễn những màn nhào lộn trên chiếc moto … Và khi thì ông chủ khi thì chàng trai lái moto … Đến với chị nơi nào có thể ngã tấm lưng … Chị vẫn cuồng nhiệt đê mê!
     Năm tháng qua đi…Cuộc đời chị như cánh bèo!
    Qua không biết bao nhiêu cuộc vui, bao nhiêu lần hồi hộp trên vòng quay moto và cũng không biết bao nhiêu hoan lạc với những người đàn ông trên dòng đời trôi nổi !
     Biến cố 75 đến, chị mất hết chỗ nương tựa … Lúc này mới nhớ là mình có một nơi chốn từng được xem là gia đình, là quê hương!
     Nhưng quay về thì mọi sự đã thay đổi. Chỉ còn cô em hiền lành nơi vùng Kinh tế mới xa xôi! Chị về sống với em gái. Những năm tháng hiên tại được nhúng trong màu hồng của ký ức … Những lúc buồn vui . ..
     Chị không hề hối tiếc gì về quá khứ, chỉ buồn là không có một đứa con! Có lẻ do tay nghề của bà lang vườn năm nọ !!!

                                                         ****

      Trực vác chiếc xe sườn ngang qua suối … Đêm thì ồ ạt hung hãn nhưng sáng ra thì con suối cạn và hiền lành như một con khe!
      Chị Hồng đưa anh ra bờ suối. Trước khi đưa chiếc xe sườn ngang lên vai, anh hỏi :
      -Chị Kim Anh có hay than thở hay buồn gì về quãng đời đã qua không chị Hồng ?
      -Không anh ạ. Chị ấy nói rằng như em ở nhà với cha mẹ, chồng con tử  tế mà rồi cũng giống nhau thôi. Cái số con người ta nó vậy mà!
      -Vậy khi lấy chồng, Hồng có hạnh phúc không ?
      -Tiền bạc thì có, nhưng chồng em thì mê xì ke hơn mê em, có chồng cũng như không, có lúc em muốn tìm chị ấy, bỏ hết, đi theo sống cuộc sống bụi đời cho thỏa thích, nhưng rồi không dám  !
                                   
                                                        ****

       Trực gặp lại Hồng trong một đám cưới  ở Thị xã . Mười một năm sau! Anh ngạc nhiên và không tin vào mắt mình, nếu chị không nhoẻn miệng cười và chào trước .
        Hồng thay đổi hẳ. Đẹp, trẻ và sang trọng hơn cả thời trước rất nhiều  trong cái váy hoa và mái tóc uốn bồng bềnh!
         -Chào anh Trực, nhớ em không?
        -Hồng? Nhớ nhưng thay đổi nhiều quá, suýt nhận không ra! Hồng còn ở trên kinh tế mới không ?
        -Em về dưới này lâu rồi. Chồng em bảo lãnh cho con em đi Mỹ rồi, qua bên đó con em ở riêng. Nó bảo em mua nhà và về thị xã ở, chờ nó bảo lãnh mẹ qua !
         -Thế chị  Kim Anh thế nào rồi?
        -Chị ấy chết tám năm nay rồi. Hồi chị mất em muốn tìm anh chụp cho chị ấy mấy tấm hình đám tang mà không ai đi kêu dùm. Căn nhà trên đó em để thờ chị ấy. Thỉnh thoảng em cũng có về thắp nhang và thăm bà con. Nhớ lại những ngày khổ cực … cũng buồn buồn vui vui anh ạ !
        Trực muốn mời Kim Hồng một ly cà phê, nhưng không có thời gian, MC đã giới thiệu hai họ, cô dâu và chú rể lên ra mắt khách!
        Anh chỉ kịp hỏi đùa với Hồng :
        -Hồng có  còn tiếc là không được theo chị ấy sống đời giang hồ nữa không ?!
        -Nếu bây giờ là ngày ấy, em cũng sẽ ao ước như vậy anh ạ!

                                                   11 Tháng  I năm 2013.

READ MORE - SỐ PHẬN - truyện ngắn Trạch An - Trần Hữu Hội

CHIỀU XUÂN VÀNG BÊN SÔNG THU BỒN - HỘI AN - video của Dương Đình Hùng

READ MORE - CHIỀU XUÂN VÀNG BÊN SÔNG THU BỒN - HỘI AN - video của Dương Đình Hùng

HẸN ANH - chùm thơ xướng họa của Trần Ngộ và Trương Đình Đăng

Tác giả TRẦN NGỘ



HẸN ANH 
Ba sáu năm rồi thấm thoát qua
Đường dài dục ngựa lướt phong ba
Trông ra bằng hữu còn thân ái
Ngoảnh lại đệ huynh vẫn cảm hòa
Bút đậm tình trao lời mực thắm
Nghiên nồng nghĩa gởi ý son pha
Bao giờ trở lại trời BÀ RỊA
Nhấp chén rượu hồng bạn với ta!

Trần Ngộ 
Bảo Lộc, Lâm Đồng
thỉnh mời quý thi huynh họa 


Bài họa 1: 

TIẾNG VỌNG

Năm tháng đường đời vun vút qua
Con thuyền vận số lướt yên ba
Quê nhà bạn gởi lời ưu ái
Cố quận mình chúc tiếng thuận hòa
Nhau rốn thiêng liêng hoài tưởng nhớ
Nghĩa tình sâu nặng nỡ phôi pha
Vẳng nghe hương rượu làng KIM nhắn
Tiếng vọng như chừng mẹ gọi ta!


Trương Đình Đăng
30 Nguyễn Văn Thoại, Đà Nẵng
READ MORE - HẸN ANH - chùm thơ xướng họa của Trần Ngộ và Trương Đình Đăng