Hàng năm đến ngày rằm tháng bảy,
mọi Phật tử chúng ta luôn nhớ đến Ngài Mục Kiền Liên (Magalyayana) vì Ngài là
một nhân vật lịch sử, hiện nay tại Ấn Độ vẫn còn ngôi tháp thờ Xá Lợi của Ngài.
Mục Kiền Liên theo Hán dịch
là Đại Tán Tụng, Đại Hồ Đậu hay Thái Thúc Thị, vì Ngoại tổ của Ngài là bậc ‘tiên
nhân’ thường ăn hoa quả, ngũ cốc nên Ngài mang Họ Ngoại chứ không phải là tên
thật (đó cũng là cách tôn kính các bậc tiền nhân như người ta thường gọi Cụ
Phan,Cụ Huỳnh v.v…)
Ngài là bạn chí thân của Ngài
Xá Lợi Phất (Sàriputra); hai người là dòng dõi quý tộc và nổi danh thời ấy. Họ
cho rằng trên đời không ai làm Thầy mình
được. Nhưng chỉ một buổi sớm mai tại thành Vương Xá, khi được Tỳ
Khưu Mã Thắng (Assaji) khai thị về Lý
Nhân Duyên Sanh, quý Ngài đều quy y Tam Bảo chỉ một thời gian sau Ngài chứng
quả A La Hán thành vị đại đệ tử thần thông đệ nhất của Phật.
Trước khi nói đến thần thông
của Ngài, chúng ta cần hiểu biết cụ thể về vấn đề nầy. Đối với hàng Phật tử
bình thường thì cho đó là huyễn hoặc, kỳ lạ. Đối với hàng thiện tri thức và
hành giã thì đây là sự diệu dụng của tuệ giác. Vào Đời nhà Lý Thiền sư Nguyễn
Minh Không tên thật là Chí Thành (ở Xã Đàm Xá, Huyện Gia Viễn, Phủ Trường Yên,Tỉnh
Ninh Bình) tu ở chùa Không Lộ tại làng Giao thủy (nay là Huyện Xuân Trường,Tỉnh
Nam Hà) đã giải thích phép thần thông một cách đơn giản khi Ngài chữa bệnh cho
Vua Lý Thần Tông (1128-1138) sau khi nhà Vua được chữa khỏi bệnh hóa cọp (*).Vua
Lý Thần Tông lúc ấy 20 tuổi bỗng nhiên lông mọc khắp mình nhảy đi, nhảy lại,
gầm thét, đầu như đầu cọp. Các ngự y trong cung đều bó tay. Triều đình sai sứ
giả đến mời, Ngài liền đồng ý và đi vào trong cung bằng hư không. Ngài cho
người nấu nước tắm rửa cho Vua, nhà Vua liền khỏi bệnh. Nhà Vua liền hỏi nguyên
do, Ngài đáp: Kẻ tu hành khi mắc phải lỗi lầm thì sám hối mà rửa đi là
hết,chẳng có gì khó khăn.Vua hỏi tiếp: Ngài có phép thần thông gì mà đi trên hư
không được. Ngài đáp:Thần vốn có bệnh phong, khi bệnh phát khởi thì không còn
thấy cảnh vật, chẳng biết gì là hư không, cứ tin như vậy mà đi chứ chẳng thần
thông gì cả. Nhà Vua cảm kich sự khiêm nhường của Ngài mà ban tặng danh hiệu là
‘Thần Tăng’và đặt tên chùa là Không Lộ. Qua lời giải thích của Thiền sư Không
Lộ thì chúng ta hiểu rằng khi tâm trí không còn u trệ, thì tuệ giác bừng sáng,
lóe lên sự diệu dụng thần thông vô ngại. Cùng quan điểm ấy nhà du hành người
Pháp là bà Alexandre David Neel đã thuyết trình vấn đề thần bí của các nhà pháp
thuật Tây Tạng, mà bà chứng kiến tại một học viện Pari trước số đông học giả, các
nhà khoa học vào năm 1929, tài liệu nầy đã in thành sách(**).
Thời quá khứ Tôn Giả Mục Kiền
Liên là một ngư phủ. Nhờ duyên lành Ngài gặp một vị Bích Chi Phật, Ngài cảm
kích và mời vị ấy về nhà kính lễ.Vị Bích Chi Phật nầy đặc biệt chỉ dùng thần thông
để giáo hóa chúng sanh. Ngài Mục Kiền Liên vui mừng và phát nguyện đời sau tinh
tấn tu hành để được thần thông tự tại giáo hóa chúng sanh do nguyên nhân ấy mà
đời nầy Ngài được toai nguyện.
Một lần từ thành Vương xá,Tôn
Giả Mục Kiền Liên đã hầu chuyện với đúc Phật ở thành Xá Vệ bằng năng lực thiền
định, khiến Ngài Xá Lợi Phất ngạc nhiên.
Thời ấy ở Ấn Độ có nhiều nhóm
đạo sĩ chứng được Ngũ - thông, nhưng đa phần thuộc về tà thuật, Tôn giả ân cần
khuyến hóa họ quy y chánh pháp, tuy vậy cũng có người mê muội, tỵ hiềm, cố tìm
cách hãm hại, cốt yếu là hạ uy tín của Tôn Giả. Họ thuê nàng Liên Hoa Sắc-một
kỵ nữ đẹp tuyệt trần để quyến rũ Ngài, nhưng họ đã thất bại, vì cuối cùng nàng
đã quy y Phật và trở thành vị Tỳ Kheo
Ny thuần tịnh.
Một hôm Tôn giả Mục Kiền Liên
dừng chân bên bờ sông Hằng, hoàng hôn đổ xuống, đêm đến đượm vẻ thê lương, u
tịch. Ngay bên bờ sông, Ngài nhìn thấy vô số sinh linh (ngạ quỷ) tranh nhau
uống nước. Nhưng thương thay ở đó có một số quỷ dữ hung ác xua đuổi.Tôn Giả gọi
chúng lại thuyết pháp cho nghe về nghiệp duyên quả báo. Nhất là Ngài dùng thần
thông và sức thiền định để nói rõ về nhân quả trong ba đời, khiến loài ngạ quỷ
phát tâm hướng thiện quy y Tam bảo.Và cũng nhờ lúc nầy, Ngài liên tưởng đến
những người thân quá cố, trong đó có mẹ Ngài. Dùng thần thông thấy mẹ Ngài bị
đọa vào các loài ngạ quỷ, thương xót vô hạn. Ngài đem thức ăn cho mẹ, nhưng
than ôi! khi bà vốc cơm đưa lên miệng thì biến thành than lửa rực cháy. Ngài
đành quay về bạch với Đức Phật những điều mà Ngài nhìn thấy.
Nhân dịp nầy, đức Phật thuyết
giảng về kinh Vu Lan Bồn (Ullambara Sutra) chỉ dạy phương pháp cứu độ các vong
linh hiệu quả. Chữ Vu Lan Bồn người Trung hoa dịch là Cứu đảo huyền, nghĩa là
dứt cái dây treo ngược, bằng cách thức tỉnh hương linh qua lời kinh, tiếng kệ
và sự chú nguyện. Khi vong linh tỉnh thức thấy được sự nhiệm mầu của Phật Pháp,
hiểu rõ được về nhân quả, nghiệp báo mà chuyển hóa tâm mình, tự thoát khổ. Còn
chú nguyện là phần trợ lực.
Nghi thức chú nguyện, chẩn tế
vào dịp Vu Lan mà chúng ta thực hiện ngày nay bắt nguồn từ Ngài Tam Tạng Quảng
Trí Bất Không (Amoghavajna) truyền lại.
Năm 758, Ngài Bất Không lập
đàn chẩn tế đầu tiên tại Trung hoa để cứu độ vong linh, nguyện cầu siêu thoát. Ngài
tịch năm 774 đời Đường Đại Tôn. Được Vua Đường tôn xưng danh hiệu của Ngài
là Đại
Biên Chính Quảng Trí Bất Không Đại Hòa Thượng.(***)
Hiện nay ở Việt Nam chúng ta Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
thường tổ chức lập đàn chẩn tế ở khắp mọi nơi để siêu độ cho muôn vàn vong linh
đã khuất, đó là nghĩa cử cao đẹp cho tất cả những ai ngưỡng vọng về mùa
Báo Hiếu Vu Lan.
Trên bước đường hoằng pháp,
Ngài Mục Kiền Liên đã bị nhóm đạo sĩ lõa thể lăn đá ám hại dưới chân núi Y-Tư-Xà-Lê.Việc
này đã gây xúc động xôn xao trong bảy chúng đệ tử của Phật và được đức Thế Tôn giải thích: Đó là dự báo
phải trả của một ngư phủ, đúng như tiền kiếp của MụcKiềnLiên. Tiếp theo cái
tang của Ngài Mục Kiền Liên là cái tang Ngài Xá Lợi Phất khi trên đường về thăm
mẹ già. Cả hai vị đệ tử lớn được trà tỳ (Jhapcta-thiêu) và thâu Xá Lợi để
người-trời kính thờ . Gương sáng về trí tuệ và thần thông của các Ngài mà cho
đến ngày nay hàng Phật tử tin theo.
Tháp thờ của hai vị Tôn giả hiện
ở phía đông bắc đại tháp Sanchi Vua A Dục (thế kỷ thứ 3 trước TL) đã cho xây
dựng trụ đá để kỷ niệm thánh tích nầy.
Mùa Báo Hiếu năm nay lại về
trong không khí trang nghiêm, đạo vị khói trầm hương lan tỏa lâng lâng bay
bỗng, quyện vào gió thu thê lương ảm đạm, Phật tử chúng ta bâng khuâng bùi ngùi
luyến nhớ các bậc sanh thành, dưỡng dục còn hiện tiền hay quá vãng. Dù cuộc
sống có nhiêu khê, trắc trở đến đâu, dòng đời thăng trầm đến mấy, khổ đau phiền
não bao nhiêu, thì chúng ta cũng chắp tay hướng về ngày Báo Hiếu mà nguyện cầu
cho Cửu Huyền Thất Tổ, Cha mẹ nhiều đời, cùng muôn vàn hương linh thấm nhuần
phật pháp mà siêu sanh tịnh độ.
Trương Nguyễn
<truonguyen49@gmail.com>