Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 4, 2017

LỜI TÌNH TỰ! - Thơ Giáng Thu Xưa





LỜI TÌNH TỰ!

Anh yêu hởi! đông về rồi anh đấy!
Đã bao lần nào được thấy bên nhau
Hai nỗi nhớ u sầu buồn biết mấy
Để tàn khuya trăn trở suối lệ sầu

Lời tình tự canh thâu hoài cách biệt
Yêu dấu nào da diết đượm tràn dâng
Mắt giăng buồn theo nhịp bước thời gian
Niềm thương gửi ân tình đan tha thiết

Từ dạo ấy đôi ta nhiều ước hẹn
Ướp nụ tình len lén ủ yêu thương
Ôi yêu quá miên trường em nhớ đến
Ngày nối ngày ôm quyện luyến tơ vương

                                      Giáng Thu Xưa
                                         12-01-2017

READ MORE - LỜI TÌNH TỰ! - Thơ Giáng Thu Xưa

TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ "KHẬP KHỄNH" CỦA TRẦN MAI NGÂN - Zulu Cao


    
                  Tác giả Zulu Cao


       TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ "KHẬP KHỄNH" 
                                                CỦA TRẦN MAI NGÂN

Hai tiếng khập khễnh cho ta liên tưởng đến hình ảnh gập ghềnh, một cảm giác bấp bênh, không vững chắc. Nhưng khập khễnh gì đây, câu hỏi gợi tò mò để đọc tiếp bài thơ, đó cũng là nghệ thuật của tác giả, khi chọn tựa đề cho một bài thơ, một tập thơ. Hai tiếng khập khễnh có âm thanh, có cả hình ảnh và sự bí mật tàng ẩn bên trong.

Anh đi trên hai chiếc dép khác nhau
Đến thăm em bằng bước chân khập khễnh


Thì ra khập khễnh là chuyện về đôi dép, đôi dép bình thường hai chiếc đối xứng nhau qua một mặt phẳng, chính xác hơn là, khi đặt một chiếc dép trước gương soi, hình ảnh chiếc dép bên kia mới thực sự là đôi dép đúng nghĩa. Vậy đôi dép chúng ta đang sử dụng hàng ngày chưa bao giờ là một đôi dép hoàn chĩnh, vì thực tế không thể có hai chiếc dép giống nhau trong điều kiện đối xứng, mà nó chỉ có khi chiếc thứ hai là ảnh ảo mà thôi.

Hai câu thơ trên có thể vắn tắt là chàng đến thăm nàng trong một cảnh ngộ oái oăm, được mô tả như hai chiếc dép khác nhau, hai chiếc dép khác nhau nhất định không phải là đôi dép như tên gọi, nhưng nó xẩy ra và đó là thực tế được chuyển tải thành thơ. "Đôi dép" của Nguyễn Trung Kiên là tình nghĩa vợ chồng, đôi dép khập khễnh của Trần Mai Ngân là thơ, là tâm hồn đồng điệu, là tần số của tình cảm không bao giờ là một xác định trong đời sống, không hình dáng, sắc màu nhưng có chuyển động, nó có thể thành hình ảnh, có thể là âm thanh, nó hiện hữu giữa cõi người ta. Và như thế, tình yêu thực sự khi chiếc dép thứ hai là một ảo ảnh.

Tấu khúc mùa Đông - một màu xam xám
Buổi trưa buồn - nắng cũng phải trốn mau...
Anh đến thăm em bằng hai chiếc dép khác màu
Có phải... trong cơn say chúng lạnh lùng thất lạc
Có phải... trong cơn say anh mới là người sống thật
Theo trái tim mình - theo nhịp thở lặng thinh 


Vào đông, ngọn gió giao mùa lành lạnh, kỷ niệm về gợi nhớ những bước chân xiêu, bước chân mang hai chiếc dép khác màu, chiếc cho bồng bềnh trong sâu thẫm riêng tư, chiếc mái ấm của gia đình, anh đi khập khễnh và em đang chìm vào tấu khúc mùa đông - tấu khúc màu xam xám - giữa buổi trưa buồn nắng trốn nhau.
"Nắng trốn nhau" nắng là ánh sáng mặt trời chiếu vào quả đất, khơi nguồn sự sống. Nắng trốn nhau là nắng tìm nhau, nghĩa là tâm trạng của nàng với chàng là một. Nghệ thuật trong thơ Trần Mai Ngân ví von bằng những hình thức kín đáo, diễn tả nội tâm và ngay cả chính đời sống, mà khi đọc lên, ta cảm giác như của ta, như ý tưởng hay tâm tư của ta, hoặc ít ra cũng nói thay, nghĩ thay cho mình, cho điều mình có lần muốn vói tới, hoặc là đâu đó như có lần mình bắt gặp... Tác giả đi xa hơn với hai chiếc dép khác màu, với cơn say xác nhận chàng sống thật với trái tim mình, theo nhịp thở lặng thinh.

Trong tình yêu con mắt thường không nhìn thấy những điều quả tim thể hiện, nhịp đập quả tim như sóng tràn, vỗ tận từng ngỏ ngách của đam mê, yêu thương và vỗ lên chót vót của những giấc mơ.

Em thông minh. Em nổi tiếng thông minh
Nhưng lại dốt trước mối tình cay đắng
Mắt buồn, cổ cao ba ngấn...
Anh lạc đường đi - hai chiếc dép khóc thầm...


Khi một phụ nữ thông minh, biết mình thông minh và là người nổi tiếng thông minh, lại có một ngoại hình đẹp, một tâm hồn bén nhạy và thành công trong đời sống, là ngọn hải đăng cho tàu thuyền nhắm hướng, cho những cánh chim bằng nghỉ chân, đêm ngày sóng vổ ỳ ầm theo nhịp thao thức của trái tim, hải đăng vẫn cô đơn, cho đến khi có cánh chim về hót giữa bão bùng, sóng dội, nhìn đôi bàn chân, nhận ra mình đôi dép lệch. Mắt buồn, cổ cao ba ngấn ... Hai chiếc dép khóc thầm ... Là hình ảnh đời thường chuyển hoá thành thơ, là những cảnh đời qua mắt nhìn của tác giả. Với thơ ta tha hồ tưởng tượng, ta soi lại chính ta, vậy là thơ đã hoàn thành sứ mạng.

Chia cùng anh một mối tình câm
Ba mươi mấy năm... Cầm bằng như không vậy !


Hai câu cuối là kết cấu tài tình của tác giả, dù cho biết đó là hư cấu trong thơ, vẫn gieo cảm giác như chuyện thật, một bad ending của thơ gieo cảm giác bàng hoàng cho bao nhiêu người đọc. Bài thơ có sức sống, như câu nói bình thường, đó mới chính là Trần Mai Ngân, là thơ !

                                                          Zulu DC
                                            Đêm Bình yên (02 - 12 - 2017)




            Nhà thơ Trần Mai Ngân



KHẬP KHỄNH...


Anh đi trên hai chiếc dép khác nhau
Đến thăm em bằng bước chân khập khễnh
Tấu khúc mùa Đông - một màu xam xám
Buổi trưa buồn - nắng cũng phải trốn mau...

Anh đến thăm em bằng hai chiếc dép khác màu
Có phải... trong cơn say chúng lạnh lùng thất lạc
Có phải... trong cơn say anh mới là người sống thật
Theo trái tim mình - theo nhịp thở lặng thinh.

Em thông minh. Em nổi tiếng thông minh
Nhưng lại dốt trước mối tình cay đắng
Mắt buồn, cổ cao ba ngấn...
Anh lạc đường đi - hai chiếc dép khóc thầm...

Chia cùng anh một mối tình câm
Ba mươi mấy năm... Cầm bằng như không vậy !

                                           Trần Mai Ngân

READ MORE - TẢN MẠN VỀ BÀI THƠ "KHẬP KHỄNH" CỦA TRẦN MAI NGÂN - Zulu Cao

“KHẬP KHỂNH…” THƠ TRẦN MAI NGÂN: “HAI CHIẾC DÉP KHÓC THẦM” - Châu Thạch

   


       “KHẬP KHỂNH…” THƠ TRẦN MAI NGÂN: 
                                   “HAI CHIẾC DÉP KHÓC THẦM”

KHẬP KHỄNH...

Anh đi trên hai chiếc dép khác nhau
Đến thăm em bằng bước chân khập khễnh
Tấu khúc mùa Đông - một màu xam xám
Buổi trưa buồn - nắng cũng phải trốn mau...

Anh đến thăm em bằng hai chiếc dép khác màu
Có phải... trong cơn say chúng lạnh lùng thất lạc
Có phải ... trong cơn say anh mới là người sống thật
Theo trái tim mình - theo nhịp thở lặng thinh.

Em thông minh. Em nổi tiếng thông minh
Nhưng lại dốt trước mối tình cay đắng
Mắt buồn , cổ cao ba ngấn...
Anh lạc đường đi - hai chiếc dép khóc thầm...

Chia cùng anh một mối tình câm
Ba mươi mấy năm... Cầm bằng như không vậy !

                                       Trần Mai Ngân 

                                      (Khúc Thụy Du)

LỜI BÌNH NGẮN CỦA CHÂU THẠCH

Đôi dép được văn thơ miền Bắc Việt Nam nhắc đến nhiều trong cuộc chiến tranh vừa qua. Ngày nay những đôi dép tiêu biểu của thời ấy được trưng bày trong các nhà bảo tàng cho khách du lịch đến ngắm.Thế nhưng đôi dép không liên quan đến máu và lửa thì trong văn thơ Việt Nam rất ít. Tôi tìm trên google chỉ thấy một bài thơ “Đôi Dép” của Nguyễn Trung Kiên được khen ngợi nhiều. Bài thơ nầy dùng đôi dép để nói ân tình chồng vợ. Tôi từng nhận xét như sau: Bài thơ chỉ tả đôi dép mà không khô khan, ý nghĩa súc tích, âm điệu hài hòa, giọng văn nhỏ nhẹ. Đúng bài thơ là lời tình tự trang nghiêm mà âu yếm. Quả “Đôi Dép” là một bài thơ tình khác lạ.
Hôm nay tôi lại rất vui khi được đọc thêm một bài thơ tình khác lạ. Bài thơ “Khập Khểnh…” của Trần Mai Ngân cũng nói về đôi dép. Thế nhưng, khác với Nguyễn Trung Kiên, Trần Mai Ngân viết về đôi dép của một người con trai mang đến thăm nàng trong cơn say bằng bước chân khập khểnh. Câu chuyện người con trai mang hai chiếc dép khác nhau đến thăm nhà bạn gái trong cơn say túy lúy thât ra chẳng có gì là đẹp để nói. Cái đáng nói là nó lại thành thơ. Điều đó chứng tỏ tâm hồn người con gái lãng mạn biết bao. Phải thấy rằng trong bài thơ nầy, trái tim người con gái có muôn ngàn sợi dây quyến luyến nên mới dễ dàng rung động trước một hành động của chàng trai mà nhiều người biểu môi khinh bỉ. Trái tim nầy rộng vô biên, nhạy cảm biết bao và vị tha biết bao nên mới giữ tình trong suốt 30 năm:

Anh lạc đường đi - hai chiếc dép khóc thầm ...
Chia cùng anh một mối tình câm
Ba mươi mấy năm ... Cầm bằng như không vậy !

Bài thơ có câu “Chia cùng anh một mối tình câm” có thể hiểu họ âm thầm xa nhau chẳng ai bày tỏ con tim mình, nhưng biết đâu chữ “chia” có ý nghĩa họ đã thành vợ thành chồng nhưng chia nhau cuộc tình so le như đôi dép ấy. Câu thơ “Anh lạc đường đi – hai chiếc dép khóc thầm”có thể hiểu là không phải lạc đường đời mà lạc con đường tình ái. Đáng ra họ đi chung một con đường tình với hai chiếc dép giống nhau. Nếu mối tình xảy ra như ý tưởng sau thì vô vàn đau khổ cho nàng.
Dầu câu chuyện tình chia tay để nhớ nhau trong câm lặng hay đối diện cùng nhau như hai chiếc dép khác nhau thì bài thơ vẫn cho ta những cảm xúc nghẹn ngào. Đôi dép tầm thường kia vào thơ lại cho ta một chút hụt hẩng, một chút nhớ nhung xa vời, một chút hờn giận vu vơ và một tình yêu không đáng gì hóa ra lại đẹp. Ngoài ra bài thơ cũng bắt ta suy gẫm những ngang trái của cuộc đời.
Đọc những bình luận trên dòng thời gian facebook của tác giả dưới bài thơ trên, tôi bắt gặp một nhận xét thật hay. Xin phép bạn Đặng Công Tạo cho tôi chép lời ấy vào đây: “Anh không ngờ chỉ có 2 chiếc dép chiếc Châu Phi chiếc Châu Úc trong cơn lè nhè say của ai đó , mà trên đời có được bài thơ đẹp . Hình như trong 1 tác phẩm cùa mình, thiền sư Nhất Hạnh đã viết ...:"trong hoa có rác, trong rác có hoa . Nhìn hoa thấy rác, nhìn rác thấy hoa". Bài thơ KHẬP KHỂNH của Khuc Thuy Du đã phô diển triết lý đó. KTD đã nhìn thấy hoa trong rác . Hai câu cuối như ngoáy vào tim anh bằng cây gắp nước đá ! Vừa lạnh vừa tái tê !”. 

                                                                Châu Thạch

READ MORE - “KHẬP KHỂNH…” THƠ TRẦN MAI NGÂN: “HAI CHIẾC DÉP KHÓC THẦM” - Châu Thạch