Nguyên tác bằng tiếng Anh: The Kite Maker, tác giả Ruskin Bond, đăng
trong tập The World’s Best Contemporary Short Stories, nhà xuất bản Ace Books
Inc., New York, 1956.
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ
Tác giả RUSKIN BOND |
Ruskin Bond sinh năm 1934 tại Kasauli, Himachal Pradesh,
Ấn Độ. Ông xuất thân từ gia đình có hai dòng máu Anh-Ấn, và trải qua thời niên
thiếu ở một vùng đồi dưới chân núi Hymalaya, nơi ông lấy bối cảnh để viết nhiều
tác phẩm. Năm 17 tuổi, ông sang Anh, vừa làm thay đổi nhiều việc, vừa viết văn.
Năm 1957, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, THE ROOM ON THE ROOF, đoạt giải
Llewellyn Rhys Prize, giải thưởng văn học của hằng năm của nước Anh dành cho
các nhà văn dưới 30. Năm 1992, ông nhân giải thưởng Sahitya Akademi dành cho tập truyện ngắn “OUR
TREES STILL GROW IN DEHRA” do Viện Văn Học Quốc Gia Ấn Độ cấp. Năm 1999, ông
nhận giải thưởng Padma Shri do có công đóng góp lớn cho văn học thiếu nhi.
Trong thời gian khoảng 35 năm, ông đã viết trên 300 truyện
ngắn, luận văn, tiểu thuyết và hơn 30 cuốn sách dành cho thiếu nhi. Ông được
xem là biểu tượng cho giới nhà văn ở Ấn Độ.
Trên đường Gali Ram Nath có một cây đa cổ thụ
đã mọc từ một vết tường nứt của một đền thờ Hồi giáo bỏ hoang – và con diều của
thàng bé Ali bị mắc trên cành cây đó.
Thằng bé, chân trần và phong phanh một chiếc áo
rách, chạy dọc theo con phố hẹp lát sỏi đến chỗ ông nội nó đang ngồi gật gù mơ
màng trong sân nắng.
“Nội ơi!” thằng bé gọi. “Diều mất rồi!”
Ông lão đang mơ màng bỗng giật mình, ngẩng đầu
lên, lộ ra chòm râu mà nếu không nhuộm thì đã bạc trắng rồi.
“Dây dứt rồi hả?” lão hỏi. “Thứ dây đó đâu có
tốt bằng dây ngày xưa.”
“Không phải đứt dây, nội ơi, diều bị mắc trên
cây đa.”
Lão cười khoái trá. “Cháu chưa biết thả diều đâu, cháu ạ.
Ông thì già rồi, chẳng giúp cháu được. Tiếc quá nhỉ! Nhưng cháu sẽ có con
khác.” Lão vừa làm xong một con bằng tre, giấy và lụa mỏng, đang phơi nắng cho
cứng. Thân diều màu hồng nhạt, đuôi ngắn màu xanh lục. Lão trao con diều cho
Ali, và thằng bé nhón chân để hôn vào má hóp của ông nội nó.
“Cháu sẽ không làm mất con diều này” thằng bé
nói. “Nó sẽ bay như chim.” Rồi nó quay gót, nhảy cà tưng ra khỏi sân.
Lão già vẫn ngồi mơ màng trong nắng. Tiệm làm
diều của lão không còn nữa. Toàn bộ cơ sở đã bán cho người buôn đồ cũ từ lâu.
Nhưng lão vẫn làm diều để giải trí và để cho thằng cháu nội. Chẳng mấy người
mua diều chơi vào thời đại phi đạn và vệ tinh này. Người lớn chẳng để ý gì đến
diều gió; trẻ con chỉ thích xem phim. Hơn nữa, chẳng còn chỗ trống để thả diều.
Thành phố đã nuốt chửng cái công viên xanh trải dài từ tường thành cổ đến bờ
sông.
Nhưng lão vẫn nhớ cái thời người lớn tụ tập
chơi thả diều trên công viên và những cuộc thi thả diều. Diều lượn trên trời
đôi khi bị vướng vào nhau cho đến khi dây bị đứt, có khi dẫn đến ẩu đả. Những
con diều bị thua cuộc được giải phóng bay vào trời xanh vô định. Có nhiều cuộc
cá độ và tiền chuyển từ túi người này sang túi người khác.
Thả diều có thời là môn thể thao của nhà vua
dưới triều Nawab. Lão còn nhớ chính nhà vua và đoàn tùy tùng đã ra tận bờ sông
để tham gia trò tiêu khiển dành cho hoàng tộc này. Thời đó, người ta còn thì
giờ rãnh rỗi để thưởng thức điệu múa vui nhộn của giấy. Ngày nay, ai cũng vội
vội vàng vàng như đang đeo đuổi tham vọng gì đó thật lớn lao thì những thứ mảnh
mai như diều và mong manh như những giấc mơ
thường bị dẫm đạp như rác rưởi.
Lão Mahmood thợ diều đã có thời hoàng kim, được
cả thành phố biết đến. Một vài con diều của lão
được làm hết sức sông phu và bán với giá ba hoặc bốn ru-pi. Theo lệnh
của nhà vua, có lần lão đã làm một loại diều đặc biệt, không giống bất cứ con
nào ở trong vùng từ trước đến nay. Con diều được ghép bằng hành chục khung tre
mỏng, dán giấy cực nhẹ. Ở góc mỗi khung, ông gắn một cánh lá làm thăng bằng.
Mặt diều hơi lồi, trên đó vẽ một mặt người kỳ quái, hai mắt gắn hai miếng gương
nhỏ. Diều nhỏ dần từ đầu đến đuôi, uốn lượn dễ dàng, khiến nó có hình thù như
con rắn đang bò. Phải khéo léo lắm mới điều khiền được con diều kềnh càng này
rời khỏi mặt đất, và chỉ Mahmood mới làm được.
Người ta nghe tiếng con “Diều Rồng” của lão và
đồn thổi rằng nó có sức mạnh siêu nhiên. Rất đông người đã tụ tập ở công
viên để xem Mahmood thả diều trước sự
chứng kiến của nhà vua. Thoạt đầu nó không chịu rời mặt đất. Thân nó phát ra
tiếng càu nhàu, cự nự, và mấy miếng kính trong mắt nó phản chiếu ánh mặt trời
đỏ rực khiến con diều trở nên một con vật bướng bỉnh, khó trị.
Thế rồi gió thổi đúng hướng và con Diều Rồng bay vút lên
không, lượn qua lượn lại, mỗi lúc một cao hơn, nhấp nháy đôi mắt tinh quái. Khi
đã lên cao vút trên trời, nó kéo dây quá mạnh khiến thằng con trai của lão phải
vào giúp sức. Nhưng con diều chẳng chịu thua, nó càng giựt mạnh, dường như muốn
tự do, muốn thoát, muốn cuộc sống riêng. Và dần dần nó thực hiện được.
Dây diều đứt phựt, con diều lao vút về phía mặt
trời, về phía thiên đường, cho đến khi biến mất khỏi tầm nhìn. Không ai tìm
thấy nó ở đâu sau đó. Mahmood không hiểu sao mình làm được một con diều kỳ diệu
như vậy. Lão không thể làm lại một con giống như thế, nhưng bù lại, lão làm một
con có gắn ống sáo phát ra tiếng ngân nga như tiếng đàn vi-na khi nó lượn trên
không.
Vâng, đó là những ngày thoải mái thảnh thơi.
Nhưng vua Nawab đã chết từ lâu rồi, và cháu chắt ông ta cũng nghèo gần như
Mahmood. Thợ làm diều, giống như người
làm thơ, cần có người bảo trợ; nhưng bây giờ chẳng ai biết đến lão Mahmood nữa,
chẳng ai hỏi tên hay nghề nghiệp của lão, chỉ vì bây giờ quá đông người sống
trên phố Gali, và chẳng ai buồn để ý đến người hàng xóm.
Hồi trẻ, khi lão bị ốm, hàng xóm thường đến
thăm hỏi sức khỏe; nhưng nay, khi đời lão chẳng còn bao nhiêu ngày thì chẳng ai
đến viếng thăm. Quả thực như vậy vì hầu hết bạn già của lão đã chết, con của
lão đã lớn khôn, một đứa làm gần, còn đứa kia thì làm tận Pakistan vào thời
phân chia lãnh thổ nên không thể về thăm bà con.
Những đứa trẻ mười năm trước đây mua diều của
lão nay đã thành người lớn, đang lo kiếm sống, chẳng có thời gian để nghĩ đến
lão và những hoài niệm của lão. Chúng đã trưởng thành trong thế giới cạnh tranh
đang thay đổi nhanh chóng và thờ ơ với lão thợ diều chẳng khác gì với cây đa
bên đường. Cả hai đều bị xem như là thứ cố định vĩnh viễn, chẳng liên quan gì
đến cọng đồng chạy hung hục quanh họ. Không còn ai tụ tập dưới cây đa để bàn
bạc chuyện này, dự định chuyện kia; chỉ trong mấy tháng hè, đôi khi có người
ghé chút để tránh nắng trưa.
Nhưng dỉ nhiên có thằng cháu nội của lão. Còn
may lão có thằng con làm gần nhà, và con dâu ở với lão. Xem thằng bé chơi cũng
vui. Nó giống như một cây non đang đâm chồi nảy lộc.
Có sự giống nhau giữa cây và người. Cả hai lớn
lên cùng nhịp độ nếu không bị bỏ đói, bị hại hay bị chặt. Vào thời trẻ, cây và
người đều xinh đẹp rạng rỡ, đến tuổi xế chiều, cả hai đều còng xuống, dường như
để nhớ về quá khứ, cánh tay yếu đuối thì lộ ra ngoài nắng, và thở dài trút
những chiếc lá cuối cùng.
Lão Mahmood trông giống cây đa cổ thụ, tay lão
sần sùi và vặn vẹo như rể cây. Thằng Ali giống như cây mimosa mọc ở cuối sân.
Trong hai năm, cả cây lẫn thằng bé đã tràn đầy sức sống và niềm tin vào tuổi
thanh niên tương lai.
Tiếng động trên phố càng lúc càng nhỏ dần.
Mahmood không hiểu mình có ngủ gật và, như thường khi, mơ về một con diều xinh
đẹp và mạnh mẽ như con chim Garuda trong thần thoại Hindu. Lão muốn làm một con
diều thật đẹp để tặng Ali. Lão chưa có gì để lại cho nó.
Lão nghe văng vẳng tiếng Ali nhưng không biết nó
đang gọi mình. Tiếng thằng bé dường như từ một nơi xa, rất xa.
Ali đang ở trước sân, nó hỏi mẹ đi chợ về chưa.
Khi thấy ông nội không trả lời, thằng bé đến gần, hỏi lại. Ánh nắng chiều chiếu
nghiêng qua đầu lão, và một con bướm trắng đậu trên chòm râu của lão. Mahmood
lặng yên, và khi thằng bé đặt bàn tay rám nắng của nó lên vai ông nội, nó chẳng
thấy ông động đậy gì. Thằng bé nghe tiếng gì đó tựa như tiếng mấy hòn sỏi trong
túi nó cọ nhau.
Đột nhiên nó sợ và quay bước ra cổng. Nó vừa
chạy xuống phố vừa kêu mẹ.
Con bướm rời râu ông lão bay về phía cây
mimosa. Trên cây đa, đột nhiên có cơn gió mạnh, nâng con diều lên cao, xa khỏi
thành phố hối hả vã mồ hôi, và đưa nó vào trời xanh bao la./.
RUSKIN BOND
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ