Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 29, 2020

BẾN CŨ CHIỀU SƯƠNG - Thơ Quang Tuyết



                  Nhà thơ Quang Tuyết



BẾN CŨ CHIỀU SƯƠNG

Dòng sông mang bao nước mắt
Về đâu? Đi đâu sông ơi
Cuối nguồn biển đời xao xác
Tìm đâu bờ bến yên vui
Tôi về nghe lời gió hát
Thương màu áo trắng tinh khôi

Tuổi còn non xanh lộc biếc
Vùi trong sóng nước tơi bời
Bên nầy bờ nam Thạch Hãn
Đứng trông bên ấy Nhan Biều

Mù sương hay là ảo ảnh
Một thời tuổi mộng lời yêu
Chia tay một ngày trăng chết
Giăng giăng nắng cháy đường đi

Áo xưa úa nhàu mưa tuyết
Tình em chưa kịp xuân thì
Dòng sông chở đầy dư lệ
Với tay - hương cũ nhạt nhòa
Cuộc đời theo dòng trôi mãi
Đò qua bến cũ... tình xa

             Quang Tuyết
Quảng Trị - Chiều đông 2017
               
READ MORE - BẾN CŨ CHIỀU SƯƠNG - Thơ Quang Tuyết

CHUYỆN ‘SƯ PHỤ’ CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG HÀNH - Đặng Xuân Xuyến

Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành.
Hình từ trang dangxuanxuyen.blogspot.com



CHUYỆN ‘SƯ PHỤ’ CỦA

NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG HÀNH

*

Sáng ngày 07 tháng 07 năm 2019, tầm 9 giờ anh đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi theo lời hẹn. Bắt tay anh, tôi nói: - "Em có mời anh Đỗ Hoàng. Chốc gặp nhau, anh có ngại không?" Thoáng chút bối rối nhưng nét mặt anh rất nhanh tươi trở lại: - "Không sao! Chuyện thật người thật thì có gì tớ phải ngại." Rồi chậm chậm bước lên tầng.

Vừa gặp Đỗ Hoàng, anh đã quày quả trách tôi:

- Chú viết “Tưng tửng 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hành” như thế hại anh quá. Nhiều người hiểu sai nói anh thế này thế kia..

Tôi ngớ người, phân trần:

- Em viết nhẹ đi rất nhiều so với lời anh nói. Anh mắng em hèn, không dám trich dẫn 100% lời anh vì sợ mọi người chửi, sao giờ lại trách em?!.

Không trả lời tôi, anh cười rất tươi với nhà thơ Đỗ Hoàng, giọng hồ hởi:

- Anh Đỗ Hoàng, bác Chử Văn Long, bác Nguyễn Khôi là 3 sư phụ em rất kính trọng! Đời em chỉ tôn kính 3 sư phụ đây thôi!

Rồi vồn vã chuyển đề tài thăm hỏi, luận bàn thơ phú. Tôi tròn mắt nhìn anh: Chẳng có lẽ tôi đang nghe nhầm?

Tôi nhớ, lần đầu anh rủ nhà thơ Hoàng Xuân Họa đến nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội. Vừa nhấp ngụm trà, anh hắng giọng, vẻ mặt cảm động:

- Thầy Hoàng Xuân Họa đây là sư phụ tớ rất tôn kính! Sư phụ dạy tớ nhiều chiêu thức làm thơ lắm. Tớ rất biết ơn sư phụ!

Rồi hai tay nắm chặt vào nhau, anh chớp chớp mắt, khiến nhà thơ Hoàng Xuân Họa lặng người vài nhịp thở mới run run gõ gõ ngón tay xuống bàn:

- Hành cứ quá lời nên thế... Mình giúp Hành được bao nhiêu đâu....

Ở làng Đá, quê tôi, cũng hơn một lần anh chém tay quả quyết:

- Tớ chơi với rất nhiều nhà thơ, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần nhưng nói thật với cậu, chỉ bác Văn Thùy đây mới đáng mặt để tớ tôn làm sư phụ. Thơ của sư phụ Văn Thùy tuyệt vời lắm, đọc sướng lắm, khoái lắm, vào lắm...

Chỉ vài lời thế thôi đã giúp không khí đang tẻ nhạt vì người nào người nấy còn mải giữ kẽ tức khắc trở nên rôm rả, náo nhiệt, những câu thơ tếu, những chuyện lạ đời được "dị nhân" Văn Thuỳ kể nghe dí dỏm hơn, có lửa hơn và “bạn rượu” cũng hào hứng tán thưởng hơn.

Rồi bận nữa, cũng tại nhà tôi ở phố Nguyễn Văn Trỗi, anh rổn rảng trước nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm:

- Thầy Lâm là nhà “Hà Nội học”, là sư phụ kính trọng của tớ! Thơ của thầy đầy chất trí tuệ, đầy chất Thiền, rất đại chúng mà cũng rất bác học. Thơ như của thầy khó làm lắm. Không phải ai cũng làm được đâu. Vì thế, thơ của thầy rất kén bạn đọc. Phải có trình độ uyên bác, có khả năng cảm thụ văn học sâu sắc mới cảm được thơ của thầy. Mấy ông thơ Câu lạc bộ, thơ vườn... mà gặp được thơ của thầy Lâm thì thích lắm, mừng như bắt được vàng nhưng hiểu được thơ của thầy thì mấy nhà thơ vườn đó còn lâu, có mà mãi ú ớ như vịt nghe sấm.....

Anh say sưa như cử tọa lên đồng, khiến nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm thỉnh thoảng lại tháo kính, dụi dụi mắt, ngài ngại:

- Hành khen quá lên vậy, tớ ngượng ....

Rồi, có lần anh vung tay hào hứng:

- Đời anh may mắn được kết giao với nhà thơ Phạm Tiến Duật, được ông dạy nhiều chiêu thức làm thơ lắm. Dù luôn miệng chửi thơ anh là thơ con cóc, không xứng với thơ mấy Câu lạc bộ "trăm hoa đua nở" nhưng duy nhất ông mới đáng mặt là sư phụ của anh!...

Tôi ngẩn người với thắc mắc: Anh lắm sư phụ vậy? Sao ai anh cũng bảo là sư phụ duy nhất thế? Phải lặng ngồi đến gần tiếng đồng hồ tôi mới vỡ lẽ vì nhớ ra lần anh bị nhà thơ Nguyễn Khôi mắng là “thằng lưu manh chốn ngoại ô”, anh đã ghé tai tôi thủ thỉ:

- Bác Nguyễn Khôi khôn lắm, không chê ai trước mặt vì không muốn làm mất mặt người ta nên ai cũng quý bác ấy. Lần này chắc bác ấy bực lắm nên mới mắng tớ như vậy. Tớ thì khác, ai tớ cũng tôn làm sư phụ, cho họ sướng ngất ngây. Mình mất gì đâu ngoài lời khen mà lại được họ quý. Chú cứ thẳng ruột ngựa như thế sẽ bị nhiều người ghét lắm.....

Tôi thừ người khá lâu mới thấm được bài anh dạy: Đó là nghệ thuật trong giao tiếp, đánh thẳng vào điểm yếu của người đối diện là “cái tôi” thích được ca tụng, tôn thờ. Những lời khen có cánh đó làm cho người ta thấy được trân trọng, dù biết đó chỉ là những câu nói xã giao nhưng tâm trạng vẫn thoải mái, nói chuyện vẫn rôm rả hơn. Các cụ chả đã dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua / lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" đấy thôi.

Bái phục anh! Bái phục nhà thơ Nguyễn Đăng Hành! Nhưng thật lòng, đã quen với cách sống nghĩ sao nói vậy, giờ có bắt học anh rồi thưởng lớn chắc tôi cũng làm không được bởi cổ nhân đúc kết: “Giang sơn dễ đổi / Bản tính khó dời.”.

Tôi cứ vẩn vơ từ ngày đó đến giờ, giá anh là doanh nhân hoặc chính khách, có lẽ anh sẽ rất thành công!

----------

Mời nhấp chuột đọc thêm:

Tưng tửng 7 chuyện ... cùng Nguyễn Đăng Hànhl

*.

Hà nội, ngày 12 tháng 01 năm 2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHUYỆN ‘SƯ PHỤ’ CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐĂNG HÀNH - Đặng Xuân Xuyến

GIỌNG CỐ HƯƠNG - MacDung đọc thơ Nguyễn Hồng Linh


                                    

GIỌNG CỐ HƯƠNG                                                   


Người con gái gốc Việt sống tại Đức, tôi có duyên quen biết thông qua một người bạn đã thể hiện mình qua nhiều thi tác càng lúc thêm thuyết phục. Không biết niềm ly xứ ẩn chứa bao nỗi buồn khiến nhà thơ Nguyễn Hồng Linh mở ra một dòng tình thi nao lòng người đọc. Biết cô đã lâu, nhưng mỗi khi tiếp cận thơ tình lại ngỡ như sơ giao với bao điều mới mẻ.
Phải nhìn nhận khách quan mới thấy Nguyễn Hồng Linh rất chịu khó trong cách thể hiện và thơ cô bao giờ cũng đạt độ mượt khiến người tiếp cận dễ nhớ. Thơ sở dĩ được ghi nhận vào não bộ tốt bởi vần, điệu và hầu như khi chạm vào cảm xúc ai nấy đều mau chóng cất giữ vào trái tim. Chính vì điều này những danh thi bao giờ cũng vượt thời gian bất chấp văn bản. Rung cảm tạo ra sự chuyển động dẫn dắt cảm xúc theo tứ thơ, mạch ý… Người thưởng thức như hòa mình vào con chữ rồi say… Thi gia kim, cổ đã chứng minh cho điều này. 
Sự tận tình với thơ cho thấy cô gái gốc Việt vẫn nặng nợ với nước non, với những mối tình dằn vặt đêm dài rồi bỗng chốc hóa thân thành vần điệu. Ảnh hưởng lối sống phương Tây, tác giả không giữ thói quen trần tình e ấp, cứ rực lửa theo cảm xúc rồi dẫn đến cao trào. Rất nhiều bài thơ cho thấy Nguyễn Hồng Linh “thật” với cảm xúc và đôi khi tặng “sắc hồng” cho những ai tham gia câu từ. Tình yêu vốn có khổ đau nhưng không thể chối bỏ tính “lạc thú”! Vậy hà cớ chi phải phủ nhận một sự thật để kiếm tìm tâm sự thẹn thùng? Sức mạnh nội tại của nhà thơ từ đó khai sinh.
Chất trữ tình đạt được bởi độ nhạy khi nắm bắt thẩm mỹ từ - Nguyễn Hồng Linh cho thấy những gì đạt được là do sự cần mẫn học tập và tra cứu kiến thức. Chính thói quen này tạo nên một tác giả trong thời gian ngắn đến với thơ đã có sự vượt trội và nổi lên trên cộng đồng mạng được nhiều người biết đến.
Thuyền tình dù khổ đau nhưng yêu thương chưa kết thúc. Còn đó vẫn là đau đáu khát khao của cô gái đi khai phá, vun vén, nhắc nhở hạnh phúc chia lìa… Và nước mắt có khi rơi xuống cho những điều từng trải qua…


Mạnh mẽ nhưng có lúc sướt mướt. Âu sầu lại đôi lúc lạc quan. Tình thi Nguyễn Hồng Linh trở nên giàu cung điệu, có sức quyến rũ người đọc.
“Khúc ca ong bướm say
Chàng ru em tháng ngày
Đam mê tình rực cháy
Giờ chỉ là... thoáng mây
Nguyệt cầm ngân đâu đây
Giọt lệ đong trăng đầy
Nụ cười... rơi mắt cay
Ừ thôi! Tình khóc vay…”
(Người ơi! Người có hay…)
Khoa học kỹ thuật phát triển xóa đi khoảng cách giữa các dân tộc. Sự giao thoa về văn hóa khiến tình cảm con người trở nên gần hơn và phạm trù tình yêu từ đó cũng mở rộng. Tình yêu thời hiện đại không còn tuổi tác – Ai cũng có quyền yêu – Càng xa càng dễ yêu… Và nhung nhớ cứ mênh mông… Phản ảnh đầy đủ những điều này, tác giả thơ ngày nay cứ bung tấm lụa cảm xúc đi chinh phục khách yêu thơ, Nguyễn Hồng Linh chính là một trong số ấy!
Hồn của thơ rốt ráo là cảm xúc. Chạm được vào cảm xúc chính là điều tác giả luôn hướng đến. Mạch nguồn cảm xúc ai giàu, con đường khai phá càng rộng mở…
“Vỏ sò ơi! 
Sao không đem giấu 
Cuộc tình đầy cháy bỏng ngàn khơi
Dã tràng ơi! 
Sao xây cát hoài vô vọng
Nghìn năm biển động cuốn tình trôi
Còng gió ơi!
Sao lang thang một mình biển vắng
Gửi tình vào cát trắng miên man
Em giấu lời tình tự giữa gió ngàn 
Lâu đài cát! Dưới ánh trăng vàng dát bạc…”
(Lời tự tình trên biển)
Khả năng thuyết phục phụ thuộc vào độ kiên nhẫn và sáng tạo, nhà thơ Nguyễn Hồng Linh cho thấy tình yêu con chữ giúp cô đang vững bước. Không gian tình yêu do sự lựa chọn có vẻ hợp với cô gái sống tại Đức quốc nhưng ngày đêm cất “giọng cố hương”!...
Tình yêu vốn đa sắc! Cho màu như thế nào thuộc về người nghệ sĩ. Bảng màu Nguyễn Hồng Linh xem ra rất phong phú.
“Em ngồi 
hong tóc mây hồng
Dưới giàn thiên lý trổ bông hoa vàng
Hương nồng 
thoang thoảng bay ngang
Bên thềm rêu cũ đợi chàng ghé thăm…”
(Tóc rơi phím ngọc)
Với thi phẩm Tóc Rơi Phiến Ngọc ra mắt, tôi tin rằng chặng đường đến với thơ của Nguyễn Hồng Linh đang mở ra để cô gái xa xứ lần về với cố hương. Có nhiều loại Tình cần sự diễn đạt, nhưng phải chăng đối với tác giả Tình Yêu dành cho Quê Hương vẫn thượng tôn bằng văn học đất mẹ trường tồn.
Cảm ơn nữ sĩ Nguyễn Hồng Linh đã cho tôi được đọc và ghi nhận vài dòng cảm xúc gửi đến mảng văn học xa xứ nhưng khát khao cống hiến cho quê nhà. Dù khác biệt nhiều thứ về kinh tế và chính trị giữa các quốc gia nhưng Văn Học vốn không biên giới… Và Tình Yêu lại càng không có sự phân đo nào.
Chúc tác giả luôn thành công và cống hiến cho bạn đọc những áng thơ hay đầy lãng mạn…


Kết thúc bài viết tôi xin trích dẫn một áng thơ trong Mô Ngư Nhi – Nhạn Khâu của nhà thơ, nhà sử học Nguyên Hiếu Vấn cuối thời Nam Tống.
"Hỡi thế gian tình là chi mà khiến đôi lứa hẹn thề sống chết. 
Trước đây trời Nam đất Bắc, nắng mưa gió rét vẫn có nhau. 
Trải qua thời gian bên nhau đẹp đẽ, ly biệt thật đau lòng. 
Chung quy vì si tình như đôi nam nữ. 
Hãy nói cho ta, từ nay sớm chiều qua ngàn núi tuyết, lẻ bóng đơn độc, biết đi đâu về đâu…"

                                                       VL – 7.11.2019
                                                           MacDung

READ MORE - GIỌNG CỐ HƯƠNG - MacDung đọc thơ Nguyễn Hồng Linh

GIỌT LỆ | GIỌT LỆ TÌNH DUYÊN | SẼ CÓ LÚC - Thơ Lê Văn Trung



GIỌT LỆ

Giọt rượu nào đọng lại
Trong ly đời lạnh căm
Nằm buồn như giọt lệ
Khóc duyên tình trăm năm

Không đành tâm uống cạn
Không đành tâm rót đầy
Men phai màu quên lãng
Hương xưa còn ngất ngây

Không đành tâm uống cạn
Rượu cháy bỏng vành môi
Ta đem tình vô tận
Gửi vào tim đất trời

Không đành tâm uống cạn
Giọt lệ tình phai phôi.
                          L.V.T.


GIỌT LỆ TÌNH DUYÊN

Năm mươi năm không hẹn hò
Không thương nhớ chẳng đợi chờ gì nhau
Đất trời tàn cuộc bể dâu
Mà sao tình vẫn một màu tang thương

Năm mươi năm chuyện tình buồn
Có người ngồi giữa mù sương đất trời
Uống sương thay lệ của người
Lệ tan vào máu, lệ vùi trong tim

Trời ơi giọt lệ tình duyên
Chảy về đâu giữa mông mênh bụi hồng?!
                                 L.T.V.

SẼ CÓ LÚC

sẽ có lúc em quên điều đáng nhớ
một đôi khi ta nhớ cái nên quên
trần gian hỡi trăm năm là bé nhỏ
chuyện nhớ quên sao lẫn lộn vô chừng

sẽ có lúc em đi là đi mãi
ta ngu ngơ lẩn thẩn chạy vòng vòng
ôi kim cổ qua muôn ngàn giông bão
ta bạc đầu tơi tả áo thanh xuân

   sẽ có lúc nơi bến bờ xa lạ
cuộc buồn vui không vướng bận trong đời
chiếc thuyền nhỏ đưa em về muôn ngã
không dòng sông nào là của riêng tôi

sẽ có lúc đêm tàn trăng thiếu phụ
câu thơ xưa chừng nhạt ý phai lời
ta khờ dại gọi tên người dưới mộ
tiếng dội vào đá núi lạnh sương rơi

sẽ có lúc nơi cuối đường sinh diệt
nợ phù hoa em trả lại muôn trùng
ta những tưởng trong phút giờ ly biệt
em mang theo chút kỷ niệm sau cùng

ôi trọn kiếp cứ mơ hồ ảo tưởng
cuộc trần gian phù phiếm có ra gì
khi ôm chặt biết bao là ước vọng
bỗng một chiều gió cuộn khói sương đi

điều đẹp nhất chẳng còn ai giữ lại
nến bi thương tôi thắp lệ hai hàng
đã đến lúc ra đi là đi mãi
ai vá giùm cho kín áo tang thuơng

thôi dẫu nhớ dẫu quên đừng vướng bận
cõi trăm năm hiu hắt bóng con người
em với ta như muôn ngàn số phận
lạc thiên thu giữa hệ luỵ đầy vơi

                        Lê Văn Trung
(Thơ Tình Miền Nam, Thư Ấn Quán 2008)

READ MORE - GIỌT LỆ | GIỌT LỆ TÌNH DUYÊN | SẼ CÓ LÚC - Thơ Lê Văn Trung