Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 15, 2012

BÓNG VÀ TÔI - Chùm lục bát TRẦM THI VŨ

Tác giả TRẦM THI VŨ


BÓNG VÀ TÔI

Tôi cùng với bóng lang thang
Bóng tôi tôi bóng miên man cuối đời
Khi vui tôi bóng cùng cười
Đêm về tôi bóng chẳng rời được nhau
Khi đau tôi bóng cùng đau
Khi nằm duổi cẳng bóng đâu tôi tìm
Bóng tôi không nói lặng im
Tôi đốt bó đuốc tôi tìm bóng tôi
Mới hay tôi bóng không rời
Mai vô thường đến bóng tôi cùng về.



MỘT NGÀY VỚI BÓNG

Ta đi với bóng giữa đời
Sáng mai thức dậy mặt trời chạy theo
Hướng tây heo hút chân đèo
Bóng đùa trước mắt ta theo mệt nhoài.

Vào trưa đứng ở lưng đồi
Ta trông thấy bóng bồi hồi đợi trông
Trời chiều ngã bóng qua đông
Về tây đếm bước sau lưng bóng nằm.

Vào đêm đi giữa âm thầm
Bóng theo dấu bóng ta nằm khóc than
Một ngày với bóng đi hoang.



MỘT NGÀY

Tôi đi một bước khóc òa
Dưới chân giọt nước mắt hòa sương mai
Bước thêm một bước thứ hai
Thấy con dế dủi nằm dài khóc than
Đến bước thứ ba ngỡ ngàng
Chân vừa dẫm xuống vội vàng quay đi
Bỗng đâu nghe tiếng rầm rì
Của hai chiếc lá thầm thì bên nhau
Lời rằng dẫu có bể dâu
Tình sâu nghĩa nặng mai sau mãi còn
Tôi đi về giữa lối mòn
Bóng hoàng hôn đuổi dập dồn phía sau.

Trầm Thi Vũ
0986 900 055

READ MORE - BÓNG VÀ TÔI - Chùm lục bát TRẦM THI VŨ

THƠ XƯỚNG HỌA - Nguyễn Thanh Bá



Tác giả (trái) và bạn là bác Nguyễn Khắc Am ở thôn Cồn Tàu, Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị

B À I   X Ư Ớ N G  :   T H Ă M   Ô N

(Cảm tác theo bài thơ có vần ôn của nhà thơ, nhà thư pháp
Hoàng Tấn Trung ở Quảng Trị )

              Ta về Quảng Trị ghé thăm ôn
              Ôn vẫn như xưa - ở cuối cồn
              Mảnh ruộng gần ao cày cấy ló
              Bãi bồi cạnh bến cuốc lôn môn
              Vườn cơi lớp đất san đường sỏi
              Nhà nới thêm gian mái lợp tôn
              Trong bếp mạ ngồi khum thổi lả
              Dáng gầy – trán chạm nét hoàng hôn .
 


B À I   T Ự   H Ọ A   1  :  V Ề   L À N G   Ô N

              Về thăm Quảng Trị ghé làng ôn
              Xóm lắm ao sâu hói lắm cồn
              Mạ đứng ngoài cươi chăm xuốt ló
              Em ngồi trong bếp mãi làm môn
              Gian buồng vải vóc phên đan nứa
              Kèo cột tre pheo mái lợp tồn
              Ôn mụ hai hàm răng trốn biệt
              Nên chi hơi khó mỗi lần hôn .


B À I   T Ự   H Ọ A   2  :   T Ư Ở N G  L Ầ M  Ô N

             Đọc thơ của mụ tưởng lầm ôn
             Tả nỗi quê ta biển lấn cồn
             Xe cộ dập dìu đường xoáy rốn
             Nắng mưa tàn tạ đá lòi môn
             Từng cơn bảo táp cây tung lá
             Những trận phong ba gió lật tồn
             Ôn mụ tuổi đời cao chóp núi
             Vẫn còn rung động mỗi lần hôn .


B À I   T Ự   H Ọ A   3   :  L Ỡ  L À N G  Ô N

              Duyên tình dang dỡ - lỡ làng ôn
              Hoang vắng vườn xưa lạnh lẽo cồn
              Chim bướm rời xa hàng dậu mướp
              Dế giun trốn lánh bụi lùm môn
              Căn nhà thuở trước thưng bằng ván
              Mái ngói giờ đây vá lại tồn
              Thui thủi một mình ôn nhớ mụ   
              Tra rồi – ai lại nở lìa hôn ?


B À I  T Ự   H Ọ A   4 :  P H Ụ  L Ò N G  Ô N

              Mụ mầng chi rứa – phụ lòng ôn !
              Rêu phủ thềm xanh – giá lạnh cồn
              Vườn tược khô cằn cây rụng trái
              Rẫy nương cạn kiệt ngó lìa môn
              Nắng hanh mấy bận xơ rơ lá
              Gió chướng nhiều cơn lật lọi tồn
              Ngày tháng âm thầm ôn nhớ mụ
              Môi già tội nghiệp – lỡ làng hôn !



B À I   X Ư Ớ N G :

V Ề  Q UÊ  H Ỏ I  T H Ă M   Ô N

Về tới cổng làng vội hỏi ôn
Mụ cười : - Mi có biết răng khôn ?
Mắt tai nghe ngó ôn hơi kém
Sức lực vô ra ôn vẫn còn . . .
Sớm sớm mụ mò nghêu nửa giỏ
Chiều chiều ôn lưới cá mươi con
Cá nghêu vừa đủ cho ôn mụ
Hạnh phúc bên nhau chín chục tròn .

Nguyễn Thanh Bá
thanhbaxabang@yahoo.com.vn
READ MORE - THƠ XƯỚNG HỌA - Nguyễn Thanh Bá

VỀ THĂM QUÊ VỢ - Thế Lộc

Tác giả trước cổng làng Đại Bình thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam


Ngủ trưa ở thôn Đại Bình
Nghe măng cụt rụng ngỡ mình chiêm bao
Về làng bước thấp bước cao
Nghe tiếng gà gáy ngọt ngào tình quê
Bao năm làm rể chưa về
Nay thân bạc thếch ngô nghê khứ hồi
Thưa Cha, thưa Mẹ, thân tôi
45 năm làm rể lở bồi sông Thu
Tôi về nghe khúc hát ru
Vườn xưa còn đó...giọng ru đâu rồi ...!
Chiều Đại Bình mây trắng trôi
Ngó qua Trung Phước bồi hồi ruột gan
Nhìn lên đỉnh núi Cà Tang
Ngỡ như cha mẹ vợ đang vẩy chào...
Qua đò sông nước lao xao
Xa Đại Bình biết khi nào về thăm

THẾ LỘC
08.09.2012
theloc108@yahoo.com.vn
READ MORE - VỀ THĂM QUÊ VỢ - Thế Lộc

Chuyện nhiều kỳ: CHUYỆN DỄ BỎ QUÊN - Nguyễn Thanh Xuân

Tác giả  (phải) và bác Lê Đăng Mành ở thôn Văn Quỹ
    
        Đất nước ta, lần đầu tiên có một đợt người dân miền Nam ồ ạt ra Bắc và lần thứ ba người dân miền Bắc ồ ạt vào Nam. Đó là năm 1954, năm ký Hiệp định đình chiến, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm nơi tạm phân chia hai miền do hai chính quyền quản lý trong thời hạn hai năm để hai bên hiệp thương thống nhất đất nước.
     Vĩ tuyến 17 ở địa phận thuộc ranh giới hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh của Quảng Trị. Ai ra khỏi vĩ tuyến 17 là ra Bắc, ai vào khỏi vĩ tuyến 17 là vào Nam. Từ thời điểm đó, Quảng Trị không những là một tỉnh mà là hai miền nên người gọi, người được gọi cũng phải theo khái niệm đó.
     Trong bài viết này tôi, muốn đếm lại người làng Hưng Nhơn, xã Hải Hòa. huyện Hải Lăng ra miền Bắc là bao nhiêu.
     Việc ở nơi nào bây giờ không là vấn đề vì theo quy luật tất yếu của thời đại, thế nhưng năm 1954 có ý nghĩa lịch sử trọng đại của nó. Cũng không là để làm gì, tuy vậy tôi cũng có hy vọng nhỏ nhoi là sau này con cháu họ biết được “ông tổ” của mình đến đây tháng năm nào mà kiêu hãnh mà…nhớ đến cội nguồn. Ví dụ như hiện nay chúng ta đang phân vân không biết ông cha ta theo Huyền Trân Công Chúa hay theo Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng! Thế thôi.
    Để thống nhất khái niệm người Hưng Nhơn tập kết ra Bắc: là những người tham gia trong cuộc chiến tranh (có thể đi trước và sau 1954). Đi ra Bắc hay ở lại quê hương là do tổ chức cũng có thể do một một sự ngẫu nhiên hay hoàn cảnh nào đó. Vấn đề đó tôi chưa bàn trong bài này.
    Để biết số lượng là bao nhiêu phải tốn nhiều công phu vì không ai nắm được hết (kể cả tổ chức chính quyền xã thôn), bởi mấy lẽ: ra đi từ nhiều tuyến, nhiều vùng, nhiều tổ chức và trong tay chính quyền xã, ban điều hành Làng hiện nay chắc rằng cũng không đủ số sách.
    Tôi xin nhớ và tự kê khai rồi bà con nhất là các gia đình có người trong diện nói trên cung cấp thêm và sau đó xin nhờ đến Trưởng thôn, thôn Hưng Nhơn tập hợp.
    Ra Bắc có mấy tuyến:
   1, Rời khỏi quê trước 1945 : Nguyễn Đức Bảng, Nguyễn Chúc, Lê Văn Kỉnh
   2, Đi bộ đội: Nguyễn Như Dương, Nguyễn Như Thương, Nguyễn Đức Thương, Nguyễn Đức Nghị, Nguyễn Đức Khôi, Nguyễn Như Thí, Lê Thị Thỉ (vợ Như Dương)
   3, Đi học văn hóa năm 1952 : Nguyễn Đức Khanh, Nguyễn Đức Năng, Nguyễn Hữu Tề, Lê Bá Đàm
   4, Vận tải khí giới: Lê Thiệt, Lê Mẹo, Nguyễn Hữu Thảo, Trần Văn Cường, Nguyễn Đức Mau, Nguyễn Đức Tịnh,   
   5, Theo đoàn xã Hải Phong : Nguyễn Thanh Xuân
   6, Theo cơ quan tinh: Nguyễn Đức Bốn, Nguyễn Thị Hồng
   7, Theo tuyến cơ quan nào không rỏ: Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Đức Chiêu, Nguyễn Đức Châu,  Bà Tươi,Trần Văn Phước
   9, Sau ngày 1-8-1954: Nguyễn Đức Ba,
 10, Lê văn Bích, Nguyễn Đức Sự, Nguyễn Đức Sắc tôi không rỏ đi theo tuyến nào.
   Còn nữa, xin bà con bổ sung. Tạm thống kê con số ghi trên là 32 người (chưa ghi vợ và con nhỏ theo).
    Trong làng chỉ trên 32 người ra Bắc mà miền Bắc mênh mông, mỗi người làm việc mỗi nơi nên việc gặp nhau là “may” thôi. Có thể cùng cơ quan , cùng khu vực, hoặc do một sự ngẫu nhiên nào đó. Trong đó tôi đã gặp 16 người,có người thường xuyên có người vài ba lần có người chỉ một lần thời gian lại rât ít.
    Số người có bằng cấp, chức vụ: 3 Đại tá; 1 Bí thư đảng ủy trường Đại học; 8 có trình độ Đại học, Kỹ sư.
    Số người trở về quê:   4
    Số người đã qui tiên: 20
    Số người còn sống   :  12
    Người nhiều tuổi nhất hiện nay còn sống: Nguyễn Đức Châu 91 tuổi (1922)
    Chắc chắn rằng bài viết còn sót, mong những gia đình có người thân chưa ghi xin thông cảm và bổ sung, chiếu cố trỉ nhớ của người tuổi 84 (1929).
Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 2012
Xin cám ơn
Nguyễn Thanh Xuân
Email : nhuxuan29@gmail.com

             
Kỳ sau:
Họ với quê nhà và quê nhà với họ
READ MORE - Chuyện nhiều kỳ: CHUYỆN DỄ BỎ QUÊN - Nguyễn Thanh Xuân

THƠ XƯỚNG HỌA - Hạ Thái Trần Quốc Phiệt - Nguyễn Thanh Bá

RIÊNG CÕI THINH KHÔNG


Họa:

Tơ trời bàng bạc nhẹ nhàng bay
Trong khói hoàng hôn cuộn gió may
Sương nhạt lững lờ lên phủ núi
Bóng dâm lặng lẽ xuống che ngày
Rừng sâu hoang dã thiên thu trước
Đá dựng chênh vênh vạn kiếp nay
Quanh quẩn nhàn cư riêng cõi tịnh
Quên rồi nhân thế: ngọt, bùi, cay…

 Hạ Thái Trần Quốc Phiệt
 


THU  BUỒN 
Xướng:

Nhìn thu phơn phớt gió mây bay
Lay nhẹ lên ngàn bông cỏ may
Mà nhớ tuổi thơ vui một thuở
Chợt thương kỷ niệm đẹp bao ngày
Người đem lời nguyện chôn từ trước
Ta để chén thề đọng đến nay
Năm tháng dần phai mòn dấu cũ
Trong lòng khó xóa nỗi chua cay

Nguyễn Thanh Bá
 



(*)
CHIA  TAY
Hựu họa:


Nắng bỗng hanh và mây trắng bay
Hắt hiu chiều thoảng gió heo may
Đưa mùa thu tới vàng chân lá
Tiễn bước người đi lạnh bóng ngày
Kỷ niện khắc ghi hình thuở trước
Tâm tình phong kín mộng từ nay
Thuyền xuôi khuất nẽo - dòng sông vắng
Lệ đắng âm thầm thấm giọt cay


Nguyễn Thanh Bá
READ MORE - THƠ XƯỚNG HỌA - Hạ Thái Trần Quốc Phiệt - Nguyễn Thanh Bá

CHÙM BÀI TƯỞNG NHỚ THI NHÂN HÀN MẶC TỬ - Phạm Ngọc Thái

- Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi nhân Hàn Mặc Tử (22.9.1912 - 22.9.2012)


                        
                           

 
                 KHÓC HÀN MẶC TỬ

Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết
Khóc gió mưa, cây cỏ đến chân trời
Khóc tạo hoá: từ thiên và địa
Rồi khóc người: Đời, con tạo quay chơi...

Hàn Mặc Tử ơi! Ớí , Tử ơi !
Sống chơi vơi cũng giống người
Khác chi là con chim cánh lá
Giọt thơ này hoà lệ máu tôi rơi!

Nơi Tử nằm trong mồ hoa thơm nở
Đầu Tử gối lên sườn sóng gió
Với sao sương vằng vặc trăng ngàn năm
Nỗi đau đè nặng cõi dân gian.

Hỡi biển Đông, núi cao Gành Ráng!
Thơ của Tử mai sau còn sáng láng
Sóng nước non non nước vỗ ngày đêm
Quạnh hiu buồn rờn rợn bóng thi nhân.

Ngồi đọc Tử tim vỡ toang máu đỏ
Tôi khóc biển, khóc trời xanh, khóc gió
Chúa ở đâu? Thượng đế có trên đời?
Người Thơ Xưa hoá chốn nao rồi?

Thì tham vọng vinh quang ai chẳng muốn
Ngu cũng buồn! Tài lại lắm tai ương?
Giữa đời nhiều khi phải cười nhăn răng mà sống
Thương nhau để mặc lệ rơi tuôn...

Tử dù đau nỗi đau ngang bể
Nhưng đã có bao người khóc Tử
Suy cho cùng: tuyệt đến thế thì thôi,
Trên này nhiều chuyện lắm, Tử ơi!

Rót mắt thành thơ khóc Tử lại khóc đời
Chúng tôi đang quần cuộc sống...
Có khi phải tập nén mình như bánh nén
Thỉnh thoảng cũng thương nhau,
                                   phần lớn chỉ đấu tranh.

Niềm sướng đau khôn dại dại khôn
Em gái - Nhà thơ - Nhà chính khách
Tuốt tuồn tuột mấy ai không bất trắc
Buồn làm chi! Đời, sắc sắc không không...

Đời vậy mà -  Người thế, chuyện thế gian!
Suy cùng lý chẳng gì phải chán
Lại thương Tử không được dự phần bon chen xô lấn
Giây phút khóc cho nhau hoá hạnh phúc lớn trên đời.

Hàn Mặc Tử ơi! Ới, Tử ơi!
Bao đêm nghiền ngẫm chữ thơ Người
Châu rỏ đầm đìa trang giấy trắng
Bay về Gành Ráng đẫm hồn tôi.

Thắp nén nhang chùa tôi khấn anh
Tài hoa xuất sắc vóc giai nhân
Vung tay búng bút xô báu ngọc
Chữ thơ như tuyết máu lênh đênh.

Qui Nhơn biển sóng vỗ mây lừng
Tài này - phận ấy! Những bi thương,
Nay đã yên mình khe nước ngọc (*)
Hẹn nhau mai mốt bữa tương phùng.

Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết
Khóc gió mưa, hoa cỏ lẫn sao sương...
Tử có nghe! Thơ Người - Tôi viết tiếp
Cúi lậy không gian cả tám phương! (*)
 

                                 Phạm Ngọc Thái
                                         
(*) Ý thơ của Hàn Mặc Tử.




Thơ Hàn Mặc Tử - Lời bình Phạm Ngọc Thái
     
Cảnh thôn Vĩ Dạ
          
                             
                                       
          ĐÂY THÔN VỸ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

                       Hàn Mặc Tử
       (Rút trong tập "đau thương" - Thơ điên của HMT)

-------------------------
  
        Bài thơ được mở đầu với lời trách móc của người con gái. Lời trách ấy có lẽ do một hoàn cảnh gặp gỡ nào trước đó được thi nhân nhớ lại:
                   Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
    Câu mở đầu như thế giúp cho ý tưởng kiến thiết bài thơ thôn Vỹ gắn với nỗi nhớ người xưa được gợi lên trong kỷ niệm:
                Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
               Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
       Nghĩa là từ hàng cau đến cái nắng mới vào buổi sáng ấy, màu xanh của vườn cây đều là cảnh hiện trong hồi tưởng. Thôn Vỹ nói riêng cũng như mỗi làng quê Việt Nam nói chung: hàng cau thường đọng lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là với những người khi đã phải xa quê. Ta cũng thấy ở trong thơ Nguyễn Bính từng viết:
                Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
      Hàng cau dưới cái nắng mới buổi sớm thì trong mát, thanh thiên lắm! Cảnh quê cô đọng được hoà quyện vào mối tình đầu trong sáng, mơ mộng của thi nhân, dù mối tình với nàng Hoàng Cúc ấy chỉ đơn phương về phía Hàn Mặc Tử. Nhưng sự sâu lắng đã trở thành hoài niệm mãi trong cõi nhớ của ông, bởi thế màu xanh của lá cây trong vườn cũng lung linh mà "xanh như ngọc"... 
    Như vậy "cảnh nhớ" ở ba câu đầu tuy chỉ là hồi tưởng nhưng lại xuất phát từ "cảnh có thực"! Sở dĩ tôi nhấn mạnh về chữ "thực" ở đây? vì chỉ đến câu thứ tư hình ảnh thơ đã có ý nghĩa tượng trưng:
                Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
     "lá trúc" và "chữ điền" thuộc những ngôn từ mỹ học! Hình tượng cây trúc làm tượng trưng trong thơ HMT, ta còn thấy ở trong bài thơ Mùa Xuân Chín:
                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
    "trúc" là hình ảnh biểu tượng cho làng quê, còn "mặt chữ điền": theo cách nói cổ nho là ví cho gương mặt nam nhi! Trong bài thơ này gương mặt chữ điền ấy để biểu tượng cho chính bản thân thi nhân.  Hai chữ "che ngang" kia, nghĩa là thôn Vỹ với nhà thơ giờ đây chỉ còn ở trong kỷ niệm, nỗi nhớ... mãi mãi phải cách xa nên đã bị... "cắt ngang"!
     Ngay trong bốn câu của khổ thơ đầu ta đã nhận thấy cấu trúc, tư duy thơ HMT theo cảm xúc đã được thiết lập trình tự của sự suy lý về nỗi cảnh mà lập thành tứ, để phát triển sâu hơn ở khổ thơ thứ hai khi nói đến tình duyên dang dở giữa hai người:
                Gió theo lối gió, mây đường mây...
      Ý là:
                Em theo đường em, anh đường anh
                Duyên phận đôi ta có thế thôi!
      Tả cảnh nhưng chính để nói nỗi đời:
                Dòng nước buồn thiu (tĩnh), hoa bắp lay (động)...
      Cái (tĩnh) và (động) ấy chỉ để bộc lộ một cõi lòng, một tâm trạng cô đơn và buồn! Thi nhân ngồi nhớ người xưa, lòng ông lặng lờ buồn bã như dòng nước hắt hiu, nhưng trái tim vẫn bổi hổi, xốn xang như làn "hoa bắp lay"... 
                Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
                Có chở trăng về kịp tối nay?
       Đây là hai câu thơ thần cảm - Hình ảnh thuyền và sông trăng theo cảm xúc ùa vào trong thơ mà bật ra... làm cho tình thơ thêm rộng rãi, rung rinh, nỗi thơ càng mênh mang, da diết.
     Xin nói thêm, cảnh thuyền và sông trăng ở đây theo như một số nhà bình luận: Người thì cho đó là cảnh trong một bức ảnh về Huế mà nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân khi đang lâm bệnh phải điều trị ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng cũng có người lại nói rằng nàng Hoàng Cúc đã gửi tặng thi nhân tấm ảnh mặc áo dài trắng?... chứ không phải là phiến cảnh "thuyền" và "sông trăng" đó. Nếu vậy thì cảnh trong thơ chỉ là cảnh mà thi nhân nhớ lại nơi thôn Vỹ chăng? - Cũng chưa thật ngã ngũ về hướng nào.
        Nhưng tóm lại cảnh của hai khổ thơ đầu ấy là cảnh thuộc về trí tưởng, dù là vào buổi sớm dưới hàng cau hay trong một đêm trăng trên sông nước. Trong bài bình của nhà bình thơ Vũ Quần Phương, đến đây có nhận xét rằng:
   "Bốn câu đoạn hai không có liên hệ gì về chi tiết với đoạn một... thoáng nhìn bài thơ có vẻ đầu Ngô mình Sở...", (hay là) "Những ý thơ rất xa nhau về ý nghĩa hoá ra lại vẫn có chỗ liền nhau..."  và nhà bình thơ cho rằng "chỗ liền nhau ấy trong thơ HMT chỉ là nhờ vào tâm trạng xúc cảm"...
        Theo tôi: HMT là một thi nhân viết thơ bằng nội tâm theo tư duy thế giới trong, xúc cảm chỉ làm đà cho mạch thơ, hơi thơ tuôn chảy... còn ý tứ thường được diễn tả rất mạch lạc, rõ ràng. Mượn cảnh làm biểu tượng để diễn đạt nỗi tình thơ  - Đoạn thơ thứ hai ấy cần phải hiểu sâu sắc bằng thế giới bên trong như đã bình trên, mới thấy cảm xúc về ý tứ của bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ hoàn toàn liên kết chặt chẽ với nhau, từ đoạn thơ đầu tiên cho đến đoạn cuối cùng.  Đấy chính là cốt lõi để tạo ra thi phẩm của ông. Đây thôn Vỹ Dạ là một tuyệt tác thi ca! Nếu cho rằng đoạn thơ thứ hai chỉ là để tả cảnh buồn mênh mang... thì sẽ không thấy hết được cái hay và sâu sắc của bài thơ!
    Tôi xin bình sang khổ thơ thứ ba:
              Mơ khách đường xa, khách đường xa
              Áo em trắng quá nhìn không ra
              Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
              Ai biết tình ai có đậm đà?    Như đã nói mối tình giữa HMT với nàng Hoàng Cúc chỉ là một mối tình đơn phương về phía thi nhân, có thể nàng không hay biết về tình yêu của chàng? Hơn nữa trong lễ giáo phong kiến thời ấy, giữa gia đình thi nhân với gia đình nàng còn có một khoảng cách về đẳng cấp xã hội. Hoàng Cúc thuộc gia đình một quan lại, còn HMT là gia đình lớp bình dân. Ông vốn tính lại rụt rè,  hay bẽn lẽn, yêu tha thiết mà chỉ dám đứng từ xa chiêm ngưỡng người đẹp  như trong mộng... rồi thương thầm, nhớ trộm. Thi nhân đã dồn hết tình yêu của mình vào thơ ca... sáng tác cả một tập, gọi là tập "gái quê" để tặng nàng!
     Giờ đây thì cả cái mối tình đơn phương ấy cũng đang trôi vào dĩ vãng. Thi nhân lâm bệnh nặng phải sống cách ly, sự ngăn trở giữa hai người càng xa hơn. Nên trong bài thơ nói về người yêu mà thi nhân lại dùng chữ "khách" là vì thế! Ông mơ về nàng dẫu tình thì sâu nặng... mà vẫn như mơ về một người khách lạ...
    Hình ảnh: Áo em trắng quá.../ - Hẳn  là màu áo trắng  của nàng Hoàng  Cúc thường mặc  phải gây ấn tượng trong trí nhớ của HMT hơn các màu áo khác!  Nhưng màu áo trắng ở đây còn là ảnh ảo, khi thi nhân mơ tưởng người đẹp ở trong trăng...  Màu trăng ấy thường hay thấy trong thơ HMT:
               Người trăng ăn vận toàn trăng cả...
       Còn tại sao "áo em trắng quá" mà lại "nhìn không ra"? Ý là: Mối tình ấy đã cách biệt, giờ đây khoảng cách giữa hai người xa vời như người khách lạ qua đường.  Còn cảnh tượng:
                  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 
       Đó là cảnh thực của nơi Ông đang sống và chữa bệnh... hiu quạnh, khói sương heo hút ở Gành Ráng, Qui Nhơn. Nhưng đồng thời cũng để nói lên trong cảnh ngộ của Người về thân phận "mịt mờ nhân ảnh". Tâm trạng Ông đang rơi vào trong vực thẳm trước sự quên lãng của người đời.  Lòng Ông càng da diết mà hỏi:
              Ai biết tình ai có đậm đà?
      Tiếng "ai" bộc lộ một tâm trạng  vẫn rất tha thiết của Ông:  Liệu nàng còn nhớ đến ta chăng? Cái tâm trạng xa xót ai oán ấy, Ông cũng đã từng bộc lộ nhiều lần khác:
           Một mai kia ở bên khe nước ngọc
          Với sao sương, anh nằm chết như trăng
          Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
          Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!
      "Đây  thôn Vỹ Dạ" là một bài thơ được dệt  thành một bức tranh trong mộng, không gian đa sắc đa chiều, đan xen giữa hiện tại và kí ức.  Ý, tình  khúc triết, sâu xa. Dù rằng tình thơ được rút trong tập "thơ điên",  nhưng nó không những không phải là thơ điên mà còn là một tình thơ đằm thắm chứa chan, trái tim của nhà thơ đã thấm đầy huyết lệ!
                   
                       Phạm Ngọc Thái


Nàng Hoàng Cúc


Thi pháp thơ Hàn Mặc Tử qua "Mùa xuân chín"
                                                                             

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.


Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…


Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…


Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

                                    Hàn Mặc Tử


                 Tiểu luận - PHẠM NGỌC THÁI


       “Mùa xuân chín ” được rút ra từ trong thơ điên của Hàn Mặc Tử (đề mục Hương Thơm). Trong Thi nhân Việt Nam , Hoài Thanh có nhận xét bao quát về mảng Hương Thơm này như sau: “Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói”. Nhưng đã xem Mùa Xuân Chín ta thấy chẳng những thơ không điên, lòng thi nhân thanh tao, cõi hồn siêu thoát, tựa thể ông đang ngồi thụ cảnh thiên thai của bậc khách tiên sa. Mạch thơ cũng tách bạch ra khỏi hẳn cõi sao trăng, ảo tình sương khói ấy:
                    Trong làn nắng ửng khói mơ tan
                     Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
     Đây hẳn là những mái nhà đã được lợp bằng rạ vẫn còn mới ở thôn quê, bởi những sắc màu của rơm rạ còn ánh lên lấm tấm vàng, dưới làn nắng sớm ban mai. Cảnh thơ như bức gấm thêu, đây đó vấn vương vài làn sương mỏng. Toát lên tấm tình của thi nhân với nơi thôn dã rất thân thiết. Đến hai câu sau đó:
                     Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
                     Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang
       “…tà áo biếc” ở đây để chỉ cái dáng xanh mềm mại của giàn thiên lý, khi gió thổi qua giàn mới phát ra tiếng kêu “sột soạt”. Nếu gió thổi ngoài trời: nhẹ thì hiu hiu, vi vút… gió to sẽ rít lên ào… ào…
     Nhưng cũng chưa hẳn là khi gió thổi qua giàn thiên lý có tiếng kêu “sột soạt” như thế? vì giống lý lá nhỏ, âm điệu chỉ reo… reo… thôi. Hai tiếng “sột soạt” như tiếng của những tấm áo cánh mỏng, mặc hơi căng cọ mài lên da thịt của các nàng thôn nữ mà phát ra vậy. Cảm giác ấy đã dấy lên trong tâm thức của thi nhân để vận vào tả cảnh giàn cây. Chất thơ hơi da thịt này cũng thường có trong Hàn Mặc Tử (HMT)! Các hình tượng thơ miêu tả, nhưng lại đầy cảm giác tình ái. Nào thì “gió trêu”; âm thanh “sột soạt”; còn giàn thiên lý lại được ví như “tà áo biếc”… Thành thử, thơ tả thực mà rất sống động.
     Tất cả những hình ảnh: nắng ửng, khói mơ, mái nhà tranh lấm tấm vàng, thiên lý và gió… hòa hợp, được khoác lên chiếc áo tân thanh mùa xuân mà tạo thành “bóng xuân sang”. Sang đoạn thơ thứ hai:
                    Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
     “cỏ” gặp gió lượn thành sóng, nghĩa là cỏ mọc đã hơi cao. Ở đây ta liên tưởng tới một câu thơ của cụ Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời /- “xanh rợn” là cỏ mới chỉ mọc nhú, lún phún. Nhưng cả một miền cỏ dầy, phẳng, non mướt và xa hút tạo nên một độ sắc gai người, tựa thể sờ vào có thể đứt tay. Còn “sóng cỏ xanh tươi” trong câu thơ HMT : thì màu xanh đã lả lướt để “gợn tới trời ” chứ không ” rợn” như trong thơ cụ Nguyễn Du. Vậy là, tuy cũng tả về miền cỏ hút đến chân trời… nhưng miền cỏ trong thơ HMT vẫn mang sắc thái riêng.
                     Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
                     - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy:
                     Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…
     Một mảng đời sống dân gian đã tràn vào trong bức tranh cảnh mùa xuân của Ông: rằng, ngày mai trong đám xuân xanh ấy… có kẻ lấy chồng, theo chồng – sẽ không còn sự vô tư, nhàn nhã mà đi dạo mùa xuân như thế nữa! Ý nói: “bỏ cuộc chơi”/- Nhưng câu thơ chưa hẳn đã phải là nuối tiếc cho cô thôn nữ kia, mà chính trong lòng thi nhân đang nuối cảm? Bộc lộ một tâm trạng bâng khuâng, hiu hắt, có phần xa xót. Bệnh tật đã không cho Ông được hưởng cái hạnh phúc đời thường ấy! Cảnh đời thanh thái của mùa xuân ấy… như thể đã cách xa hàng thế giới. Cái ước muốn nho nhỏ: có một tổ ấm gia đình, vợ chồng hạnh phúc… với Ông, cũng không bao giờ có. Tâm khảm thi nhân dồn vào tình thơ đằm thắm, thiết tha. Đến đoạn thơ ba:
                    Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

    Thơ nghe như lời đồng dao chốn dân gian:
                     Hổn hển như lời của nước mây…
                     Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
                     Nghe ra ý vị và thơ ngây…
    Trước cảnh xuân đẹp chứa chan, không phải là nước mây “hổn hển” đâu, chính là lòng thi nhân đang hổn hển!…
     Đến đây tôi xin nói ít lời về thi pháp tượng trưng trong thơ hiện đại Pháp, mà HMT đã ảnh hưởng khá sâu sắc. Thơ tượng trưng của nền thơ hiện đại Pháp nửa sau thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, ( dựa theo tuyển dịch và giới thiệu của Đông Hoài, NXB Văn học 1992 ) là thứ thơ diễn tả theo phép loại suy -Tức là quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, nhìn nhận mọi sự vật bằng biểu tượng. Nhưng trường phái thơ tượng trưng Pháp được hình thành và phát triển theo khuynh hướng của hai thuyết tương ứng: tương ứng cảm quan và tương ứng trí năng!
     Về thuyết “Tương ứng cảm quan” do Charles Baudelaire ( 1821-1867) khởi xướng. Ông là tác giả của tập “Những bông hoa ác” nổi tiếng. Ông đã được các nhà thơ sừng sỏ nhất trong văn học hiện đại Pháp coi là bậc thầy mở đường, nhà tiên khu của trường phái thơ tượng trưng! Baudelaire đã từng định nghĩa trong “Tương ứng”, một trong sáu bài thơ danh giá nhất của ông như sau:
                     Thiên nhiên là một ngôi đền mà trong đó
                                                                          những cột sinh linh
                     Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ,
                     Con người đi trong thiên nhiên qua những rừng biểu tượng
                     … Hương thơm, màu sắc và thanh âm tương ứng.
     Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người – cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng biểu tượng. Để phản ảnh một cách tương ứng, nhưng dựa vào cảm thụ được phát ra từ các giác quan (gọi là cảm quan), hay từ trong tâm linh. Cho nên thỉnh thoảng ngôn ngữ mơ hồ…
     Thuyết “Tương ứng trí năng” – Người tiêu biểu là Stéphane Mallarmé (1842-1898), cũng là một nhà thơ Pháp đứng đầu trường phái tượng trưng đã chủ xướng. Quan điểm cơ bản về thuyết “Tương ứng trí năng” của Mallarmé là: Biểu tượng được tượng trưng phải rành mạch, rõ ràng, bằng một sự áp đặt hợp lý của lý trí, chứ không theo khuynh hướng cảm quan như Baudelaire.
     Nhớ tới lời của cố Chế Lan Viên đã viết tựa trong Tuyển thơ Hàn Mặc Tử xuất bản 1988 rằng: “Tử trong thời gian chúng tôi gần, chỉ thấy Anh nói về Baudelaire…”! Bởi vì những yếu tố thơ tượng trưng được HMT sử dụng rất nhiều, đã nhuần nhuyễn trong thi pháp thơ Ông, nhưng hầu hết đều theo khuynh hướng “Tương ứng cảm quan” của Baudelaire.
     Trở lại với Mùa Xuân Chín – Những câu thơ: “hổn hển như lời của nước mây”, “tiếng ca vắt vẻo”, “sột soạt gió trêu tà áo biếc”, rồi cả đến câu thơ cuối cùng: “sông trắng nắng chang chang”… đều là những hình ảnh của thơ tượng trưng cảm quan, để bộc lộ thay cho tâm trạng, tình cảm con người, hay một hiện thực đời sống. Ngay đến tên đề của bài thơ: Mùa xuân chín, cũng mang tính tượng trưng đó rồi. Trong nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử ta cũng hay gặp những yếu tố của loại thơ tượng trưng này. Thí dụ:
                    Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
                     Đợi gió đông về để lả lơi…
     Hay là:
                    Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,
                     Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
      Đặc biệt với các giác quan cảm thụ rất nhậy bén của thi nhân: Ngôn ngữ chứa đầy hồn, cảnh trí thiên nhiên rất sống động. Ở trong câu ba của đoạn thơ thứ ba, ta còn thấy một cụm hình ảnh: Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc /- Tiếng “trúc” ở đây, với hình ảnh “lá trúc” trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ:
                    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
     Đều thuộc loại ngôn từ mỹ học, để làm biểu tượng về làng quê! Tôi xin phân tích tiếp đoạn thơ cuối:
                     Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
                     Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
                     - Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
                     Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
    Sắc điệu “…trắng nắng chang chang?” vẽ ra cảnh trắng toát bên con sông mộng. Cảnh thực trong hồi ức mà như ảo ảnh. Thi nhân đã mô tả những hình ảnh đó bằng ngôn ngữ thông qua cảm xúc nhớ làng da diết, đưa tình cảm bài thơ lên tới tột cùng, không chỉ thuần tuý là bức tranh tả cảnh mùa xuân nữa.
     Cũng đã nhiều nhà bình luận đã bàn về hình ảnh “chị ấy” trong bài thơ là ai? Người thì nói: “chị ấy” là người yêu xưa mà thi nhân nhớ lại? Kẻ lại bảo: Đó là chị ruột của thi nhân?…Tôi nghĩ: Xét về đời sống riêng tư của HMT, những người thân thiết nhất của thi nhân không thể không nhắc đến người mẹ, cùng người chị ruột hiền từ vẫn thường chăm bẵm Ông trong cuộc sống. Như ở bài hồi ký “Nhớ Hàn Mặc Tử” của anh Nguyễn Văn Xê, người đã chăm sóc thi nhân trong thời gian bị bệnh, cho đến khi tạ thế tại nhà thương Qui Hòa, kể rằng:
     Sau khi Trí (tên thường gọi của nhà thơ) chết chôn được ba ngày, qua ngày hôm sau… mẹ và chị Lễ của Trí tức tốc vào Qui Hòa. Tôi hướng dẫn gia đình Trí đi thăm mộ. Nơi đây tôi không thể cầm được giọt lệ trước một người mẹ khóc đứa con yêu, một người chị khóc em trong buổi chiều mùa đông se se lạnh… Tôi đã chứng kiến có một mẹ tiên và một chị tiên đến khóc nức nở bên mộ Trí.
     Phải chăng người “chị ấy” trong thơ của thi nhân chính là chị Lễ! Mùa Xuân Chín chẳng những chỉ là một bức tranh thiên nhiên đẹp, còn trắc ẩn cả tình làng và đây đó quấn quít đôi chút lòng nhi nữ. Một bài thơ chân quê. Từ biểu tượng của ngôn ngữ, nhạc điệu đến cảnh tình qua cảm xúc… đã dan díu quyện lấy nhau mà tạo nên một bản xô-nát về “khối tình đời” độc đáo và hoàn bích.
                                                                                                

                      PNT.

                                               
        Đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng - Qui Nhơn

      Hà Nội
Phạm Ngọc Thái
READ MORE - CHÙM BÀI TƯỞNG NHỚ THI NHÂN HÀN MẶC TỬ - Phạm Ngọc Thái