Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, March 3, 2012

Tuệ Thiền Lê Bá Bôn - HƠI THỞ MINH TRIẾT (Bài vè thực hành)


Bài vè hỗ trợ sức khoẻ và cuộc sống
(Từ kho báu kinh nghiệm, tri thức của tôn
giáo cổ đại và khoa học tự nhiên đương đại)





Thở vào, cảm nhận hơi vào
Thở ra, cảm nhận hơi ra
Chú tâm lắng nghe hơi thở
Vọng tâm vọng tưởng dần xa
*
Toạ thiền hoặc không toạ thiền
Miễn sao ngồi thật an nhiên
Thở đều, hơi dài và nhẹ
Vơi bao nghiệp chướng ưu phiền
*
An định: dễ thấy cái “tôi”
Cái khuôn tâm não tháo lơi
Tự tri là gốc minh triết
Tỉnh thức vô ngã chiếu soi
*
Thở vào, cảm nhận hơi vào
Thở ra, cảm nhận hơi ra
Chú tâm lắng nghe hơi thở
Trí tuệ tâm linh thăng hoa
*
Y học có nhiều chứng minh
Công năng của hơi-thở-thiền
Nhân điện điều hoà cơ thể
Năng lượng vũ trụ diệu huyền
*
Vật lí có nhiều chứng minh
Tâm năng của hơi-thở-thiền
Lan toả duyên lành vô tận
Thiện ích khắp nẻo chúng sinh
  *
Thở vào, lắng nghe hơi vào
Thở ra, lắng nghe hơi ra
Dần dần biết nghe vọng tưởng
Chân Tâm cực lạc khai hoa…




(Đăng ở website: daophatngaynay.com; hoavouu.com; huongnguyenhoang.tripod.com.
Mong bạn đọc chia sẻ với người khác).
***
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn); Docx.vn).


* Khi nghiên cứu vấn đề này tôi chưa biết là cơ sở chữa bệnh của các phương pháp Đông y cổ đại (bằng “nội năng”) là giải phóng cơ thể khỏi tâm năng tiêu cực. Lúc đó tôi đâu đã phỏng đoán được rằng tình yêu thương và cảm thông-vẫn được tuyên truyền ở phương Đông- là thuốc giải độc, không chỉ với các tính cách hung dữ và hèn nhát, mà còn phòng ngừa được bệnh tật. (Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu; E-rơ-nơ Mun-đa-sep, giáo sư tiến sĩ y học (Nga), nhà bác học có tên tuổi quốc tế).


01/3/2012
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)



MỘT SỐ TRANG SÁCH QUÝ GIÁ CỦA NHÀ KHOA HỌC NÓI VỀ TÂM LINH
(Bổ sung cho bài Hơi Thở Minh Triết)
*Người đọc: Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

A.- BÀI “HƠI THỞ MINH TRIẾT”:
(Đã đăng ở trên)


B.- ĐỌC SÁCH:
*(Những chỗ làm đậm chữ hoặc chữ nghiêng là do người đọc nhấn
mạnh hoặc thêm cho rõ nghĩa).
1) Đọc trong Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu (E-rơ-nơ Mun-đa-sep; giáo sư tiến sĩ y học (Nga), nhà bác học lớn quốc tế. Dịch giả: Hoàng Giang; NXB Thế Giới, 2009):

* Người cổ xưa cho rằng, vật chất sinh ra từ khoảng không. Nhà vật lí thiên tài Nga Ghên-na-đi Si-pốp, người đã lập được phương trình (A. Anh-xtanh đã không lập được) mô tả vật lí chân không, tức Tịnh vô tuyệt đối hoặc Tuyệt đối, cũng cho như vậy. Cùng quan niệm này có cả thành viên đoàn thám hiểm chúng tôi, chuyên gia vật lí trường, phó tiến sĩ khoa học kĩ thuật Va-lê-ri Lô-ban-cốp.

Tôi và Va-lê-ri Lô-ban-cốp thảo luận nhiều về đề tài này. Dưới đây tôi xin trình bày kết quả của những cuộc thảo luận đó.

Tuyệt đối đó không đơn thuần là tịnh vô; đó là Khoảng Không có Cái gì đó. Trước mắt, khoa học chưa biết Cái gì đó. Theo G. Si-pốp, nguyên tử và phản nguyên tử phát sinh từ Tuyệt đối. Chúng sinh ra, đụng độ nhau và huỷ diệt nhau. Nhưng có một lần, cách đây nhiều tỉ năm, vào một thời điểm các nguyên tử và phản nguyên tử sau khi tạo thành trong không gian, đã tản đi. Vật chất phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.

Các trường xoắn và phản xoắn (xoắn theo cách khác) siêu tần số cùng phát sinh từ Tuyệt đối, chúng cùng huỷ diệt lẫn nhau và hỗ trợ Tuyệt đối. Nhưng cũng có thể xuất hiện thời điểm, khi các trường xoắn huỷ diệt nhau tản đi. Thế giới tế vi phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.

Theo giả thuyết của G. Sipốp: giữa các trường xoắn của thế giới tế vi và ý thức có mối liên hệ trực tiếp, bởi các trường xoắn là những chất chứa đu-sa và đu-khơ.

Từ đó suy ra từ Tuyệt đối đã phát sinh hai thế giới - thế giới vật thể và thế giới tế vi.

Thế giới vật thể phức tạp dần. Xuất hiện sao, hành tinh, các hệ ngân hà v.v…

Thế giới tế vi bao gồm các trường xoắn khác nhau cũng phức tạp dần. Khó nói thế giới tế vi phức tạp và hoàn thiện dần bằng cách nào. Nhưng có thể nghĩ các trường xoắn của không gian-thời gian ngày một tích lượng thông tin nhiều hơn, tức có khả năng chứa đựng trong mình ngày một nhiều thông tin hơn. Có thể, đã xuất hiện những trường xoắn nhiều tầng, nhiều lớp hơn (nếu suy nghĩ trên quan điểm hình học), có thể quá trình phức tạp hoá các trường xoắn có tính chất khác nhau. Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ - khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…).

(…) Cùng với sự tạo ra con người bằng nỗ lực của thế giới tế vi (Cõi kia), các dạng sự sống đơn giản hơn cũng được tạo nên ở thế giới vật thể - con vật, côn trùng, cây cỏ v.v… Nguyên lí tạo thế giới thực vật và thế giới động vật vẫn như vậy - bằng cách cô đặc dần các dạng trường xoắn đơn giản hơn của Cõi kia.

Liệu con người trong thế giới vật thể có thể sống thiếu Cõi kia không? Sau khi tạo bộ gen và nhờ đó tiến hành quá trình tái tạo con người (sinh đẻ đứa trẻ) trên Trái đất, đu-khơ giữ lại cho mình chức năng tư duy chủ yếu. Trong quan niệm tôn giáo, sau khi đứa bé chào đời đu-khơ nhập vào đứa trẻ và ấn định những năng lực tư duy chủ yếu của con người. Nghĩa là, chúng ta suy nghĩ chủ yếu nhờ vào đu-khơ sống ở thế giới tế vi. Nhờ năng lượng thế giới vật thể (ăn uống) não người có khả năng vặn các trường xoắn của thế giới tế vi và như vậy hỗ trợ đu-khơ trong quá trình tư duy. Ngoài ra, não còn tạo các trường xoắn phụ hình thành đu-sa (sinh trường) ở dạng các thể thanh bai và các thể khác hỗ trợ cơ thể người hoạt động. Sau khi xác thân chết, nhiều bộ phận tạo thành đu-sa (các thể thanh bai) cũng bị phá huỷ, còn lại đu-khơ thì bay về Cõi kia và tiếp tục sống ở thế giới tế vi để rồi lúc nào đó lại bước vào kiếp mới. Vậy là con người, sau khi được tạo ra trong thế giới vật thể nhờ các “nỗ lực” của thế giới tế vi, là sự kết hợp các hình thái sự sống ở thế giới vật thể và thế giới tế vi.

Mọi ngưòi đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…) Chính con người khác biệt với con vật ở chỗ: bộ máy tư duy của con người có nhiệm vụ hoàn thiện đu-khơ (đưa vào đó nhiều thông tin xây dựng) và bằng cách đó, hoàn thiện hình thái sự sống ở thế giới tế vi. Nói cách khác, là đứa con thể xác của sự sống nơi thế giới tế vi, con người có sứ mệnh thông qua thế giới vật thể thúc đẩy sự tiến bộ nơi thế giới tế vi. Con người được tạo ra cũng là bởi lẽ đó.

Rõ ràng là, về tầm mức, hình thái sự sống nơi thế giới tế vi (Cõi kia) cao hơn đáng kể so với sự sống ở thế giới vật thể. Đu-khơ bất tử là một xác nhận. Nếu thể xác có thể sống không phải 70-80 năm mà là 1000-2000 năm và lâu hơn thế, thì khả năng hoàn thiện đu-khơ thông qua thế giới vật thể nhiều hơn, bởi quá trình rời bỏ thân xác này và nhập vào thân thể khác gắn với thời kì tư duy ít năng động kéo dài (tuổi ấu thơ và già nua). (…).

Có cách nào để tăng tưổi thọ? Câu trả lời có vẻ như kì quặc - bằng cách tôn vinh điều thiện, bác ái và tri thức.

(…) Sự sống và cái chết thay đổi luôn là để nhanh chóng thay con người độc ác, ích kỉ và hám danh bằng một người khác với hi vọng, sau khi con người ở Cõi kia bị thần linh “trừng phạt” sẽ đầu thai tái sinh trở thành người tốt hơn, thiện hơn. Vì vậy có lẽ huyền thoại về địa ngục và thiên đường có cơ sở.

--------

* Khi nghiên cứu vấn đề này tôi chưa biết là cơ sở chữa bệnh của các phương pháp đông y cổ đại (bằng “nội năng”) là giải phóng cơ thể khỏi tâm năng tiêu cực. Lúc đó tôi đâu đã phỏng đoán được rằng tình yêu thương và cảm thông, vẫn được tuyên truyền ở phương Đông, là thuốc giải độc không chỉ đối với các tính chất hung dữ và hèn nhát, mà còn phòng ngừa được bệnh tật. Và tất nhiên khi đó, ngay trong giấc mơ huyền thoại tôi cũng chẳng hình dung được việc giải thoát cơ thể khỏi tâm năng xấu còn có thể dẫn đến kì quan đại định – thân thể khô cứng mà vẫn bảo toàn được sự sống hằng nghìn và hằng triệu năm (trạng thái xô-ma-chi).

(…) Không còn hoài nghi gì nữa về ảnh hưởng to lớn của năng lượng tâm thần tới cơ thể con người; mà có được trạng thái xô-ma-chi chính là nhờ tham thiền đấy thôi.

(…) Thoạt nghe những từ ngữ “tình cảm trong sáng”, “tâm hồn trong sạch” như những khái niệm mờ mờ ảo ảo. Song chúng ta cùng nhớ lại, để nhập định sâu cần phải “thanh lọc tâm hồn”, tức phải giải phóng khỏi những trường xoắn tiêu cực. Hiệu quả của sự thanh lọc tâm hồn cực kì lớn lao – thân thể con người có khả năng bảo toàn hàng nghìn và hàng triệu năm ở dạng sống.

(…) Cụ thể là, nhờ tham thiền, sinh trường của tu sĩ ở trạng thái áp đảo quá trình tái sinh bệnh hoạn (ung thư), ổn định chức năng của các tế bào bệnh và kích thích các tế bào bình thường của cơ thể tái sinh. Nói một cách khác, bí quyết trường thọ ở các môn đồ không phải vì chu kì sống của các tế bào gia tăng, mà là sự thay thế các tế bào già nua bằng các tế bào mới và phòng ngừa suy biến thành ung thư.

(…) Trên bước đường khoa học của mình, tôi luôn luôn đi theo cách thứ hai, nghĩa là từ cái chung đến cái riêng. Vì đã nhằm mục đích là giải quyết những vấn đề y học cụ thể, trước tiên là bệnh ung thư, muốn hay không chúng tôi cũng phải nghiên cứu năng lượng tâm thần và những vấn đề liên can là nguồn gốc loài người và vũ trụ.

--------

* Thế giới vi tế tức thế giới năng lượng tâm thần (thế giới tần số siêu cao) phải có sự chuyển đổi qua lại, và có mối quan hệ tương hỗ với thế giới vật thể theo kiểu năng lượng sóng chuyển sang dạng vật chất và ngược lại. Nói một cách khác, phải có vật chất hoá ý nghĩ và phi vật chất hoá vật thể thành ý nghĩ. Các nhà vật lí thường nhấn mạnh ý nghĩ có tính vật chất, và hình như điều đó đúng.

(…) Nền khoa học hiện đại đã đạt tới tầm mức nhận thức được tôn giáo và hiểu rằng, học thuyết con người phát sinh từ con khỉ của Đác-uyn quá thô thiển, còn tôn giáo chẳng là cái gì khác ngoài một cách trình bày phóng dụ tri thức của các nền văn minh cổ đại.

(…) Tôi tuyệt đối tin rằng sự sống vật thể trên trái đất đã được tạo ra bằng cách hồn cô đặc dần. Mọi học lí cho rằng, sự sống trên trái đất xuất hiện do những phân tử phức tạp tự phát sinh và cô đọng thành những cơ thể sống, không vững vàng, xét cả trên quan niệm tôn giáo lẫn quan điểm vật lí học và hoá học hiện đại.

(…) Trước mắt, nền văn minh của chúng ta còn chưa biết sử dụng năng lượng vũ trụ. Mà năng lượng đó lại rất to lớn. Một số nhà vật lí học hiện đại cho rằng, một mét khối Tuyệt đối có tiềm lực năng lượng bằng công suất 40.000 tỉ quả bom hạt nhân.(…) Mà chỉ có con người mới nắm được năng lượng này, bởi con người chính là tiểu vũ trụ của đại vũ trụ.
Để nắm được năng lượng vũ trụ, người Lê-mu-ri đã sử dụng các phương pháp vốn có ở Cõi kia. Cơ sở của các phương pháp đó (thời nay nghe thật lạ tai) là các khái niệm giản đơn: “thiện” và “yêu thương”.

(…) Vì vậy, để có một tâm hồn trong sạch, như lời các đạo sư, chỉ có thể tu thân - một công việc lớn lao, tự thể hiện mình và thậm chí hi sinh, nhưng… nhất thiết phải để đạt mục tiêu chung nào đó của nhân loại, chứ không đơn giản chỉ để tự khẳng định mình.

(…) Vì vậy, trong cuộc sống cần lắng nghe lương tâm của mình. Cái cảm giác sâu lắng đó luôn luôn nói sự thật, còn nếu đã có lần xử sự trái với lương tâm, thì vét nhơ còn mãi trong tâm hồn.

(…) (Thầy Đa-ram nói: ) Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra động đất, rơi thiên thạch…

(…) Chúng ta cần nhớ rằng, lòng thiện và tri thức sẽ thúc đẩy quá trình hiện thực hoá dự báo tích cực về sự phát triển của loài người; còn cái ác và thói hám quyền có thể dẫn đến thảm hoạ toàn cầu trong tương lai, kể cả ngày tận thế, hoặc tạo điều kiện phát triển yếu tố thụt lùi, dẫn đến hoá hoang.

(…) Tôi tin rằng, trong tương lai, những lực lượng tích cực trên Trái đất sẽ áp đảo lực lượng tiêu cực và sẽ không có thảm hoạ toàn cầu.

***************

2) Đọc trong Đạo Của Vật Lí (Fritjof Capra; giáo sư vật lí ở các đại học danh tiếng Anh, Mĩ. Dịch giả: Nguyễn Tường Bách; NXB Trẻ, 1999):

* Hồi tôi khám phá ra những điều song hành giữa thế giới quan vật lí và đạo học, những điều đã được nhiều người mơ hồ cảm thấy nhưng chưa bao giờ được nghiên cứu cặn kẽ, tôi đã thấy rõ mình chỉ là người phát hiện một điều vốn đã rất rõ ràng, và điều đó sẽ thành kiến thức chung trong tương lai; và thỉnh thoảng, khi viết Đạo Của Vật Lí, thậm chí tôi có cảm giác những gì được viết là thông qua tôi, chứ không phải do tôi viết ra. Những biến cố sau này đã khẳng định cảm nhận này.

(…) May mắn thay thái độ đó đang được thay đổi. Vì tư tưởng phương Đông đang bắt đầu tạo được mối quan tâm nơi một số lớn người và thiền định không còn bị nhìn với sự nghi ngờ, đạo học đã được coi trọng, ngay cả trong cộng đồng khoa học.

(…) Các đóng góp của Heisenberg (Nobel vật lí 1932) trong thuyết lượng tử mà tôi sẽ nói đến nhiều trong tác phẩm này, sẽ cho thấy rõ là ý niệm cổ điển về tính khách quan trong khoa học sẽ không còn được duy trì lâu hơn nữa, và vì thế mà vật lí hiện đại cũng đang xét lại huyền thoại của một nền khoa học siêu giá trị. Những cấu trúc mà nhà khoa học quan sát được trong thiên nhiên thực ra liên hệ rất chặt chẽ với cấu trúc của tâm ý họ; với khái niệm, tư tưởng và hệ giá trị của họ. Do đó, kết quả khoa học mà họ thu được và sự ứng dụng kĩ thuật mà họ tìm hiểu sẽ rất tuỳ thuộc vào khuôn khổ tâm thức của họ. Dù nhiều nghiên cứu đơn lẻ có thể không phụ thuộc rõ rệt vào hệ thống giá trị của họ, nhưng khung cảnh rộng lớn trong đó các nghiên cứu được thực hiện cũng không bao giờ siêu giá trị. Thế nên, nhà khoa học phải chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình, không những chỉ về tri thức, mà cả về mặt đạo lí.

Từ cái nhìn này, mối liên hệ giữa vật lí và đạo học không những rất thú vị mà còn hết sức quan trọng. Nó chỉ ra rằng, kết quả của nền vật lí hiện đại đã mở ra hai con đường khác nhau để nhà khoa học đi theo. Chúng có thể đưa ta - dùng những từ cực đoan - đến với đức Phật hay trái bom, và điều này đặt ra cho mỗi nhà khoa học quyết định chọn lấy con đường.

(…) Hơn thế nữa, bây giờ tôi thấy có cơ sở vững hơn nhiều với những luận điểm của mình, vì sự song hành giữa đạo học phương Đông không những chỉ xuất hiện trong vật lí mà cả trong sinh học, tâm lí học và các ngành khoa học khác.
(…) Đối với tôi lúc nào cũng rõ, và tôi đã nói trong Đạo Của Vật Lí, rằng sự tương đồng theo cách tôi thấy giữa vật lí và đạo học phương Đông cũng có thể rút ra từ các truyền thống đạo học phương Tây.

--------

* (…) Mặc dù các trường phái đạo học phương Đông khác nhau về nhiều chi tiết, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến tính nhất thể của vũ trụ, đó là điểm trung tâm của mọi giáo pháp. Mục đích cao nhất của kẻ tầm đạo - không kể Ấn Độ giáo, Phật giáo hay Lão giáo - là luôn luôn tỉnh giác về sự nhất thể và về mối tương quan của mọi pháp, vượt lên khái niệm về một cái ngã độc lập, và tự hoà mình vào “thực tại cuối cùng” đó. Sự tỉnh giác này - có khi gọi là “giác ngộ” -không phải chỉ là một tiến trình hiểu biết mà là một kinh nghiệm tự nếm trải, kinh nghiệm này chiếm toàn bộ thân tâm hành giả và vì thế có tính chất tôn giáo.
(…) Điều mà chúng ta nghe và thấy không bao giờ là bản thân hiện tượng, mà chỉ là hệ quả của nó. Bản thân thế giới của nguyên tử và của các hạt hạ nguyên tử thì nằm bên kia khả năng nhận biết của chúng ta (nhà khoa học).

(…) Những đơn vị hạ nguyên tử là một cấu trúc trừu tượng, với thuộc tính hai mặt. Tuỳ theo chúng ta nhìn nó như thế nào mà chúng xuất hiện khi là hạt, khi khác là sóng; ánh sáng cũng xuất hiện hai mặt, khi là sóng điện từ, khi thì xuất hiện như hạt.

Tính chất này của vật chất và ánh sáng thật là kì dị. Xem ra không thể chấp nhận được một cái gì đó vừa là hạt, tức là một cơ cấu có kích thước rất nhỏ, đồng thời vừa là sóng, là một cái gì có thể toả rộng trong không gian. Đối với nhiều người, mâu thuẫn này là một sự nghịch lí, tương tự như công án, cuối cùng nó dẫn đến sự phát biểu thuyết lượng tử.

(…) Thế nên thuyết lượng tử trình bày cho thấy thể thống nhất của vũ trụ. Nó cho ta thấy rằng không thể chia chẻ thế giới ra từng hạt nhỏ rời rạc độc lập với nhau. Khi nghiên cứu sâu về vật chất, ta sẽ biết thiên nhiên không cho thấy những “hạt cơ bản” riêng lẻ, mà nó xuất hiện như một tấm lưới phức tạp chứa toàn những mối liên hệ của những phần tử trong một toàn thể. Những mối liên hệ này gồm luôn cả người quan sát. Con người quan sát chính là mắt xích cuối cùng của một chuỗi quá trình quan sát, và tính chất của một vật thể nguyên tử chỉ có thể hiểu được trong mối quan hệ giữa vật được quan sát và người quan sát. Điều đó có nghĩa là hình dung cổ điển về một sự mô tả khách quan thế giới tự nhiên không còn giá trị nữa.

(…) Trong nền vật lí hiện đại, vũ trụ được thấy như một cái toàn thể năng động, tự tính của nó là luôn luôn bao gồm cả người quan sát. Nơi đây thì những khái niệm truyền thống như không gian, thời gian, vật thể độc lập, nguyên nhân-kết quả đã mất ý nghĩa. Kinh nghiệm này rất tương tự với kinh nghiệm của đạo học phương Đông.

--------

* Mặc dù với trình độ tri thức cao của nền triết lí, Đại thừa Phật giáo không bao giờ đánh mất mình trong tư duy trừu tượng. Như trong mọi hệ thống đạo học phương Đông, óc suy luận chỉ được xem là một phương tiện mở đường đi đến những thực chứng siêu hình, điều mà tín đồ Phật giáo gọi là giác ngộ. Tính chất của kinh nghiệm này là ở chỗ, phải vượt qua biên giới của trí suy luận phân biệt và những đối cực, để đạt tới thế giới của bất khả tư nghì, không thể dùng tư duy mà tới, trong đó thực tại hiện ra bất khả phân, một thế giới như-nó-là.

(…) Nội dung trung tâm của Hoa Nghiêm là sự nhất thể và mối quan hệ nội tại của mọi sự và mọi biến cố, một quan niệm không chỉ là cốt tuỷ của thế giới quan phương Đông mà còn là một trong những yếu tố chủ chốt của thế giới quan ngành vật lí hiện đại. Do đó người ta sẽ thấy Kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh tôn giáo cổ này, cống hiến những mối tương đồng nổi bật nhất với các mô hình và lí thuyết của vật lí hiện đại.

--------

* Tri kiến tâm linh không bao giờ nhờ quan sát mà đạt được; mà là nhờ sự tham gia toàn vẹn với tất cả tính chất của mình. (…).

Tất nhiên nền vật lí hiện đại làm việc trong khuôn khổ hoàn toàn khác và không thể đi xa như thế trong việc chứng thực tính nhất thể của mọi sự. Nhưng trong vật lí nguyên tử, nó đã đi một bước dài về hướng của thế giới quan phương Đông. (…).

Nền vật lí này bây giờ đã thấy vũ trụ là một mạng lưới với những liên quan vật chất và tâm linh chằng chịt, mà các phần tử chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể.

(…) Ngày nay vật lí hiện đại đã phát triển một thái độ rất khác. Nhà vật lí đã nhìn nhận rằng, tất cả lí thuyết của họ về hiện tượng tự nhiên, kể cả những quy luật mà họ mô tả, tất cả đều do đầu óc con người sáng tạo ra; tất cả là tính chất của hình dung của chính chúng ta về thực tại, chứ không phải bản thân thực tại.

(…) Trong vật lí lượng tử, người quan sát và vật bị quan sát không thể chia cắt, nhưng hai cái đó tiếp tục bị phân biệt. Còn trong đạo học, trong sự thiền định sâu xa thì sự phân biệt giữa người quan sát và vật bị quan sát hoàn toàn xoá nhoà, trong đó người và vật hoà nhập làm một.

(…) Sự thay đổi thế giới quan đang diễn ra sẽ chứa đựng một sự thay đổi sâu sắc về giá trị; thực tế là sự thay đổi từ tâm can - từ ý định ngự trị và điều khiển thiên nhiên đến một thái độ hợp tác và bất bạo động.

(…) Nền y học cổ truyền của Trung Quốc cũng đặt cơ sở trên sự điều hoà của Âm-Dương trong thân thể con người, và mỗi căn bệnh có nghĩa là thế cân bằng đó bị lung lay. Thân người gồm có các phần thuộc âm và dương. Nhìn chung thì các phần nội tạng thuộc dương, phần bên ngoài thuộc âm; lưng là dương, ngực là âm. Thế cân bằng giữa các phần đó được một luồng khí chạy luân lưu giữ vững, khí đó chạy dọc theo một hệ thống kinh lạc, trên đó là các huyệt. Mỗi đường kinh liên hệ với mỗi cơ quan thân thể nhất định theo nguyên lí kinh dương thì nối với cơ quan âm và ngược lại. Mỗi khi mối luân lưu giữa âm dương bị gián đoạn thì thân thể bị đau ốm. (…).

****************

3) Đọc trong Trí Tuệ Nổi Trội (Karen Nesbitt Shanor; tiến sĩ sinh học. Dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt; NXB Tri Thức, 2007):

* Các nghiên cứu tại trường Đại học Stanford đã chỉ ra rằng thông qua suy nghĩ, chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp và nhịp tim của một người ở cách xa chúng ta. Còn các nhà khoa học tại trường Đại học Princeton đã chứng minh được quá trình trao đổi thông tin giữa hai người ở cách xa nhau hàng nghìn dặm.

(…) Khoảng không gian rộng lớn chiếm trên 99% diện tích mỗi nguyên tử hầu như không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, một số nhà khoa học hiện đại lại tin rằng khoảng không gian đó, khoảng không mà trong thế giới phương Tây chúng ta coi là một mớ vô dụng, lại rất có ý nghĩa. Nó chính là năng lượng, sự hiểu biết và trên thực tế nó có thể là bản chất của ý thức.

(…) Và bởi vì phần sâu trong tâm hồn được coi là nguồn chữa bệnh, nên một trong những người khởi xướng ra Phòng y học thay thế tại viện Y học Quốc gia, Tiến sĩ John Spencer và tôi đã khám phá ra mối liên hệ giữa trí tuệ và cơ thể - ý thức và y học.

(…) Thông qua cuốn sách này, chúng tôi phát hiện ra được năng lực của ý thức sâu kín và cách khai thác nguồn năng lượng khổng lồ, tình yêu thương và sự thông thái. Ý thức sâu kín được mọi người biết đến là phần trí tuệ sâu nhất. Nó được gọi với nhiều tên: quan sát viên giấu mặt, nhà tư tưởng phía sau những suy nghĩ, trí tuệ điều hành, người chỉ huy, chứng nhân, khoảng không gian giữa những suy nghĩ (…).

(…) Những phát hiện khoa học mới đây và những kinh nghiệm tâm linh đã từng có lúc hoà hợp với nhau. Đây là điều tốt cho kỉ nguyên mới. Khoa học có sự liên hệ với bản chất tâm linh của nhân loại sẽ có thể bỏ xa khoa học công nghệ của quá khứ trong việc đóng góp vào sự phồn vinh của nhân loại.

(…) Các nghiên cứu đang được tiến hành, về cách thức suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng tới thế giới xung quanh hay tới một nơi xa xôi nào đó, sẽ có thể khẳng định rằng suy nghĩ của chúng ta không chỉ thể hiện mà còn tạo ra được thực tế vật chất.

(…) Các nhà khoa học cũng đang quay lại và hướng sự tập trung vào việc tìm hiểu cách thức suy nghĩ và trạng thái của chúng ta thực sự ảnh hưởng đến lực từ trường bên trong và xung quanh chúng ta. (…) Những phát hiện này có thể chứng minh cho tuyên bố từ lâu của những người luyện thiền và những người tập luyện yoga, rằng những sự rèn luyện này thực sự làm tăng sinh khí cho chúng ta và tiếp thêm năng lượng cho ta.

(…) Nhiều nghiên cứu khoa học đã khiến cho melatonin ngày càng được biết đến với giá trị như một phân tử chống ung thư. (…) Thú vị là việc luyện thiền được coi là một hành động kích thích tuyến tùng và giúp tạo ra được đủ lượng melatonin cần thiết.

--------

* (Viết chung với John Spencer, tiến sĩ y học danh tiếng): Các phương pháp thiền khuyến khích sự thở sâu từ cơ hoành, được biết đến với chức năng nuôi dưỡng các cơ quan cần thiết và làm tăng các mức độ năng lượng, tăng tỉ lệ trao đổi chất và tái sinh các khu vực trì trệ của cơ thể.
(…) Trong bài báo “Bí mật bệnh ung thư” đăng trên tờ Newsday xuất bản năm 1998, Delthia Ricks đã đưa ra khả năng về năng lực chữa bệnh ung thư của những lời cầu nguyện. (…)

Cũng khoảng thời gian đó, tạp chí Forbes đã cho xuất bản một bài báo của John Christy với tiêu đề “Lời cầu nguyện là một phương thuốc”. Christy đã cung cấp bằng chứng cho thấy “những người hay cầu nguyện và chú tâm vào các buổi lễ tôn giáo thì sống khoẻ mạnh hơn những người ở cùng độ tuổi nhưng có thái độ hoài nghi”, dựa trên sự xác nhận rằng sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi trạng thái trí não, mà trạng thái trí não lại có thể bị ảnh hưởng bởi các tín ngưỡng tôn giáo. Ta có thể thấy một ví dụ trong các tỉ lệ sống sót cao hơn ở những ca phẫu thuật tim và huyết áp tâm trương thấp liên tục ở những bệnh nhân có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ.

(…) Một nghiên cứu xuất sắc đánh giá vai trò của sự cầu nguyện (cho người khác) trong việc chữa bệnh do bác sĩ chuyên khoa tim Randolph Byrd tiến hành đã khích lệ rất nhiều các nghiên cứu sau đó. (…) Các nhóm tôn giáo khác nhau được cử đến để cầu nguyện cho các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện (bệnh nhân không biết). (…) Các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện ở một số khu vực so sánh với những người trong nhóm không cầu nguyện: Họ dùng thuốc kháng sinh ít hơn năm lần; họ ít bị mắc chứng phù ở phổi hơn ba lần; không ai trong số họ cần đến ống thở (…); và có rất ít bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện bị chết.

(…) Chúng ta chỉ mới đang bắt đầu giáo dục về điều này cho những bác sĩ. Mới đây Hội đồng giáo dục y tế chính thức thực hiện hai yêu cầu đặc biệt liên quan đến tôn giáo.

(…) 20 năm trước khi chúng tôi đề nghị các bệnh nhân tập thiền để có sức khoẻ, chúng tôi thường gặp phải những thái độ hoài nghi. Giờ đây người ta đến các khoá học thiền ngày càng đông. Một công trình nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Benson và Wallace cũng như hàng nghìn các nghiên cứu khoa học đã cho thấy các lợi ích vật chất và tinh thần của thiền và đặt nó ở một vị trí tuyệt vời, như một câu nói của người Scotland như sau “nó tốt cho những gì làm bạn đau đớn” mà không có tác dụng phụ nào cả. Bên cạnh đó, sự thiền định còn cung cấp cho người ta thêm năng lượng và khiến họ suy nghĩ tốt hơn, tăng cường khả năng ghi nhớ, tập trung và nâng cao tính sáng tạo.

**************

4) Đọc trong Sự Sống Sau Cái Chết: Gánh Nặng Chứng Minh (Deepak Chopra; tiến sĩ y học; được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 anh hùng và biểu tượng của thế kỉ XX. Dịch giả: Trần Quang Hưng; NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2010):

* Sự biến hoá là điều thần kì nhất trong thời thơ ấu của tôi. Bản thân cái chết được xem như một điểm dừng ngắn ngủi trên hành trình vô tận của linh hồn, có thể biến anh nông dân thành một ông hoàng và ngược lại. Với khả năng có vô vàn kiếp sống, linh hồn có thể chứng nghiệm hàng trăm cõi thiên đường và chốn địa ngục.

(…) Vũ trụ mà tôi và bạn thể nghiệm bây giờ, với cây cối, nhà máy, con người, nhà cửa, xe cộ, hành tinh và các thiên hà, chính là ý thức biểu hiện ở một tần số đặc biệt nào đó. Đâu đó trong thời không có những bình diện khác nhau đồng thời tồn tại. (…) Các bình diện tồn tại khác nhau tương ứng với các tần số ý thức khác nhau. Thế giới vật chất chỉ là biểu hiện của một tần số nhất định. (…) Thế kỉ 20, khoa học phương Tây tìm hiểu ra rằng mọi vật thể rắn thực ra đều được tạo nên bởi những rung động vô hình. (…) Cũng đúng như các bình diện khác nhau của vật chất, tinh thần cũng có những bình diện khác nhau. (…) Nếu Trái đất là bình diện tinh thần đậm đặc, thì chắc chắn phải có những bình diện tinh thần cao hơn, chúng tôi gọi là Loka, mà giới thần bí học phương Tây biết đến như “bình diện siêu hình”. Các bình diện siêu hình có số lượng dường như vô tận này chia ra thành các thế giới siêu hình cao hơn và thấp hơn, và thậm chí thế giới thấp nhất cũng rung động với tần số cao hơn thế giới vật chất.

(…) Vì nhục thể rữa nát khi chết, linh hồn rời đi nhập vào giới siêu hình tương ứng với sự tồn tại của nó ở bình diện vật chất, vào tần số tương ứng với cuộc sống cũ của nó nhất. (…) Quá trình biến đổi sau cái chết không phải là sự di chuyển đến một nơi chốn khác hay thời gian khác; nó chỉ là sự thay đổi về chất sự chú tâm của chúng ta. Bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì có rung động tương ứng với bạn.

(…) Khi những tri giác thông thường trở nên mờ nhạt thì những tri giác tinh tế lại trở nên thính nhạy hơn. Chúng ta vẫn nhìn và nghe được sau khi chết, nhưng lúc đó đối tượng không còn là vật chất nữa. Chúng bao gồm bất kể cái gì ta muốn thấy trong cõi siêu hình: nào thiên cảnh, thiên âm, nào quần tiên, nào hào quang chói lọi. Ở trạng thái sắp chết, mặt, giọng nói, hoặc một biểu cảm khác là những biểu hiện đặc trưng nhất. Trong các nền văn hoá khác người ta có thể chờ đợi cuộc chạm trán với ma quỷ hoặc súc vật. Người đang chết thường cảm thấy cái gì đó phảng phất quanh mình - một hơi ấm, một hình ảnh mờ nhạt hoặc âm thanh nào đó trước khi rời khỏi thể xác. Bằng cách nào đó những điều này liên thông với tần số rung động của người đang chết. (…) Một khao khát bất thành hoặc không được phép, trở nên tiêu cực. Một ham muốn hưởng thụ cũng khiến hồn khó siêu thoát.

(…) Các bậc thánh nhân và hiền nhân có đặc quyền hiện diện đi đó đây tự do trong các cõi siêu hình mà không bị hạn chế bởi các ham muốn. Những linh hồn bấn loạn mắc kẹt giữa hai thế giới, và nếu những người thương yêu bị bỏ lại cứ cầu nguyện gọi hồn, cứ đau khổ, hoặc toan tính tiếp xúc với người đã mất, linh hồn sẽ tiếp tục xốn xang.

(…) Cuối cùng câu hỏi “Cái gì xảy ra sau khi chúng ta chết?” trở thành “Cái gì xảy ra sau khi tôi chết?”. Vấn đề thành ra có tính cá nhân, duy cảm và không thể phớt lờ.

--------

* Bất kể chuyện gì xảy ra lúc chết, tôi tin rằng nó xứng đáng được gọi là phép mầu. Mà phép mầu, trớ trêu thay, chính là ở chỗ chúng ta không chết. Sự dừng lại của cơ thể là ảo ảnh, và giống như nhà ảo thuật vén lên một bức màn, linh hồn khám phá ra điều gì nằm ở bên kia. Các nhà tu thần bí đã biết nỗi vui sướng của khoảnh khắc này từ lâu.

(…) Vì là phép màu vô hình, cái chết cực kì khó nẳm bắt. Nhưng chúng ta có những manh mối hấp dẫn là những gì nằm “phía bên kia” thực ra cực kì gần gũi với chúng ta bây giờ. (…).

(…) Trước Big Bang thời gian chưa trôi: mỗi giây tương ứng với vĩnh cửu. Chúng ta ước đoán thế vì vật lí lượng tử xuyên qua ảo ảnh thời gian, tách khỏi đồng hồ nguyên tử để đi sâu hơn vào nhà máy Tự nhiên. Rung động dừng lại tại mức độ sâu nhất. Đáy của vũ trụ giống như bộ não chết. Tuy nhiên biểu hiện của cái chết là ảo giác, vì biên giới nơi mọi hoạt động chấm dứt đánh dấu sự bắt đầu một vùng mới, gọi là thực tại ảo – nơi vật chất và năng lượng tồn tại dưới dạng tiềm năng thuân tuý. Cơ sở của thực tại ảo rất phức tạp nhưng nói một cách đơn giản nhất, vùng phi vật chất phải tồn tại để sinh ra vũ trụ vật chất. Vùng này trống rỗng nhưng không hề hư vô. Như khi bạn ngủ gật trên giường, trí óc bạn trống nhưng có thể tỉnh ngay cho vô số lựa chọn của ý nghĩ, thực tại ảo tỉnh giấc cho vô số thực tại của các sự kiện mới. Sáng tạo nhảy vọt từ trống rỗng lên đầy tràn, cũng như vĩnh cửu nhảy vọt từ phi thời gian sang đầy tràn thời gian.

Nếu vĩnh hằng đang cùng với ta bây giờ, làm cơ sở cho toàn bộ tồn tại vật chất, nó phải làm cơ sở cho tôi và bạn. Ảo giác thời gian nói rằng bạn và tôi bị phóng theo đường thẳng từ Sinh đến Diệt, trong khi thực ra chúng ta ở trong cái bong bóng bị vĩnh cửu buông xuôi.

Thực ra sự kiện chết chưa bao giờ xa xôi thế, và biên giới cố định giữa sống và chết không phải là không thể vượt qua. (…) Sai lầm không phải ở chỗ ta sợ chết mà là ta không tôn trọng nó như một phép mầu.

(…) Tiến sĩ Lommel, người lãnh đạo chương trình kinh nghiệm cận tử (…) thẩm tra 344 người bệnh loạn tim trong bệnh viện (tim đáng lẽ đập bình thường thì lại co thắt hỗn loạn). Tiến sĩ Lommel nói chuyện với họ trong vòng vài ngày trong khi họ sống lại và phát hiện ra việc gây mê và các loại thuốc không gây ảnh hưởng kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên ông kinh ngạc hơn cả với các báo cáo về ý thức trong khi não không hoạt động. Nhiều năm sau nghịch lí này vẫn khiến ông sợ hãi: “Vào thời điểm đó những người này không chỉ có ý thức; ý thức của họ thậm chí bao quát hơn lúc nào hết. Họ có thể tư duy hết sức sáng suốt, có trí nhớ về tuổi thơ xa nhất và thể nghiệm sự liên kết chặt chẽ với mọi người, mọi vật xung quanh. Và bộ não hoàn toàn không có một chút biểu hiện hoạt động nào”. (…) Có thể là ý thức không nằm trong bộ não. Đó là một khả năng gây sửng sốt, nhưng phù hợp với truyền thống tâm linh cổ đại nhất thế giới.

(…) Khoa học trong thời đại vật lí lượng tử không phủ nhận sự tồn tại của các thế giới vô hình. Hoàn toàn ngược lại.

(…) Không thể nắm bắt Vĩnh hằng bằng trí óc trong trạng thái tỉnh thức thông thường của chúng ta. Trạng thái tỉnh thức của chúng ta bị thời gian khống chế trong khi Vĩnh hằng thì không.

(…) Tiếp theo, như người chết đuối nhìn thấy cả cuộc đời mình trôi qua trước mắt, nghiệp của một người bung ra như chỉ gỡ khỏi suốt, và các sự kiện của cuộc đời này diễu ngược lại qua màn ảnh của tâm trí. Bạn thể nghiệm lại tất cả các thời điểm trọng đại từ khi sinh ra, chỉ có điều lúc này rất sinh động và rõ ràng khiến bạn nhìn thấy chính xác từng thời điểm có nghĩa gì. Cái đúng và sai cũng hiển hiện rõ ràng, không có sự tha thứ hay những giải thích duy lí. Bạn chịu trách nhiệm cho mọi điều đã làm.

(…) Những người nghi ngờ khả năng tâm linh đặc dị làm ngơ trước vô số những nghiên cứu cho thấy ý nghĩ thông thường có thể thực sự tác động đến thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng nếu tâm trí là trường.

(…) Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng trong tự nhiên bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi vũ trụ liên kết mọi sự kiện.

*****************************************************************

READ MORE - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn - HƠI THỞ MINH TRIẾT (Bài vè thực hành)

Lê Đăng Mành - VẦN THƠ THÁNG BA


NÓI VỚI VỢ! 8/3
Đã quen dẫm bước lối mòn
Ưa tán tụng với đục trong ngợm người
Lợi danh ca vót mây trời
VÍA THƠ buông chạy theo đời nhiễu nhương …!
Thì thôi thả bỏ vấn vương
Ruộng xưa gieo lại yêu thương tràn trề
Chiều xế nương vọng bóng quê
Tôi xin ấp úng vợ nghe trọn tình
THÁNG 3 ngày 8 phân minh
Bao năm Tôi viết gởi mình ngẩn ngơ ?
Chừ xin kính MẠ vần thơ
Cũng là phận gái thân cò “mom sông” *
Dãi dầu mưa nắng chênh chông
Truân chuyên áo vá vai mòn gió sương
Ngôn từ mô đủ tán dương
Dâng MẠ,cho VỢ cho con em mình
Tri ân bất khả luận bình
Kính về phụ nữ ươm tình thăng hoa
Đôi lời ngày 8 tháng 3./.
Lamnguyethien
*Trong ngoặc chữ của TÚ XƯƠNG




HẢI CHẤN !
Thế giới có hay nỗi thảm thương !
Địa cầu rúng động Nhật tai ương
Đất trườn người vật bặt tăm bóng
Sóng dậy cửa nhà thăm đại dương
Khu vực hạt nhân trùm thảm họa
Á Đông phóng xạ chụp môi trường
Tài nguyên móc ruột biển đau vỡ
Hải chấn khuất mờ ánh THÁI DƯƠNG !./.
lamnguyethien
Tưởng niệm 1 năm ngày thảm họa
sóng thần và động đất tại Nhật Bản
( 11/3/2011- 11/3/2012 )



GIỌNG MẠ !
Cái giọng Mạ! âm trầm xa ngái
Chẳng chuốt trau mà mãi mượt mà
Như hò như hát dân ca
Tình người sông núi quê nhà thương yêu
Khi vút cao như diều cõng nắng
Khi nhẫn nhục thầm lặng mần thinh
Đời là bài pháp vô tình
Bỗng nghe giọng Mạ đượm tình lạ quen
Nó tục diệm truyền đèn vô tận
Tỏ rọi đường lận dận u mê
Thầm thì bát ngát nhà quê
Bất tư nghì giọng Mạ! coi tề nói năng
" Cái giọng Mạ nói răng hết được "*
Bựa ni con bắt chước tiếp vần
Dù cho đất động sóng thần
Vẳng nghe giọng Mạ đường trần nhẹ tênh.

Tháng 3/2012
Ngẫu hứng tiếp vần bài thơ
Giọng Mạ của Trụ Vũ.
*thơ trụ vũ

Lê Đăng Mành










READ MORE - Lê Đăng Mành - VẦN THƠ THÁNG BA

TRƯỜNG SƠ CẤP AN LƯU NHỮNG NGÀY XƯA ẤY...- Trần Quốc Phiệt

Thầy cô giáo trường tiểu học xã Triệu Sơn, Triệu Phong năm học 2011-2012
(Ảnh từ trang web của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Triệu Phong)




(Đặc biệt kính tặng nhà giáo Lê Thị Thiện, làng Thạch Hãn,vị hiệu trưởng đầu tiên) 


 
Ở cuối đàng Đông làng tôi có cái nền cũ trên một diện tích của khu đất khá rộng nằm trước xóm, bên cạnh khe nước. Thuở nhỏ ít khi tôi được đi đến đó, bởi lẻ bên kia là cái đồn lính Pháp, người địa phương gọi là “Bốt Chợ Cạn”, nhà tôi ở tận cuối đàng Tây, chỉ nghe nguời lớn chỉ vào mảnh đất ấy nói là nền trường cũ.

Tôi không mường tượng được ngôi trường ngày xưa như thế nào, cũng không  nghe ai nói về một kỷ niệm đã học ở đó, tôi chỉ đoán mò thuở trước chắc nơi ấy của các thầy đồ dạy học kiểu cụ tú Trần Tê Xương, đoán thôi à, vì trong gia đình từ ba tôi, các chú tôi đều là những người trong giới trí thức ở địa phương, có bằng cấp, trình độ vững vàng vào thời ấy , không nghe một ai nói về kỷ niệm mài đũng quần nơi cái trường làng đó cả, mà chỉ nghe khăn gói lên học trên Sải, vào trong Huế , trường Quốc Học, thi vào trường Hậu Bổ ….Nếu đúng vậy, thì tôi là người đầu tiên trong gia đình đến “khai tâm” nơi mái trường này, và tính chung cho cả vùng Chợ Cạn, lớp chúng tôi là lớp đầu tiên của trường tiểu học An Lưu, nói cho văn vẻ và trịnh là trưởng tràng.

Phải thành tâm mà xác nhận rằng sau ngày đất nước chia làm hai năm 1954, để tái phục hoạt lại mọi lĩnh vực bị thụt hậu bởi chiến tranh dai dẳng. Miền Nam rất chú trọng đến ngành giáo dục, nhằm mở mang dân trí, căn bản khởi đầu là những ngôi trường sơ cấp, từ một hoặc hai lớp, hằng năm cứ vậy mà tăng lên cho đến hết bậc tiểu học. Cấp quận dần dà mở lớp trung học đệ nhất cấp, cũng từng bước đi lên như thế. Trường An lưu được nằm trong chương trình này.

Lần đầu trong đời làm một cậu học trò cắp sách đến trương, là khi trường sơ cấp An Lưu khai giảng niên khóa đầu tiên. Lúc ấy tôi không có cái cảm giác của một “thằng” bé con lần đầu đi học như nhà văn Thanh Tịnh viết trong bài “Tôi đi học”, đã từng làm mê mẩn bao tâm hồn non trẻ, trong đó có cả tôi. Điều dễ hiểu là trong những năm tháng còn chiến tranh, lứa chúng tôi đã được học, học ở nhà do người trong gia đình dạy, đọc, viết, làm toán,học ở những lớp tạm dạy dưới lùm cây, trong các đình nghè, hay một mái lá che nào đó. Những lớp học đặc biệt này, tôi từng ghi lại bằng bài viềt : “Ngôi trường trong trí nhớ” . Cho nên trên đây tôi có dùng chữ khai tâm là cách nói “chữ nghĩa vu vơ” chứ cũng không chính xác, nhưng dù sao lúc đó mình mới là học trò đi học đúng nghĩa, có trường, có lớp, có bàn ghế, có chương trình giờ giấc rõ ràng, là vui lắm rồi .

Năm học đầu tiên, trên cái nền cũ hoang tàn ấy, chỉ cất lên một gian nhà giản dị đủ cho hai phòng học, dùng cho hai lớp, có lẽ để cho kịp mùa khai trường người ta xây cất rất thô sơ, mái tôn, tường trét đất, nhưng dụng cụ cho hai lớp học thì đầy đủ. Ngày khai giảng tôi được xếp vào lớp cao nhất là lớp Ba, do cô Lê Thị Thiện phụ trách, lớp Tư do cô Trần Thị Quế đảm nhận, chưa mở lớp Năm và lớp vỡ lòng (tiền thân của mẫu giáo sau này).  Cô Thiện vừa là giáo viên lớp Ba, vừa là Hiệu Trưởng trường sơ cấp An Lưu. Đã có bác phu trường, lo quét dọn, đánh trống, đó cũng là lần đầu trong đời được nghe tiếng trống vào học và bãi lớp.

Học trò dạo ấy tuy cùng lớp nhưng tuổi tác chênh lệch, trình độ cũng không đồng đều, trong lớp ngoài tôi ra còn có anh Quý người làng Đồng Bào hay Văn Phong gì đó, và một vài người nữa …thuộc thành phần nhỏ tuổi, nhỏ xác, được xếp ngồi phía trước, gần bàn của cô giáo, thuở ấy tôi ít nói, có lẻ không quen giao tiếp với đám đông, nhưng học thì khá hơn những người cùng lớp, chỉ có tôi và Lê Quang Mô tranh nhau nhất nhì, Mô cũng lớn hơn tôi hai tuổi, người cao tuổi nhất là Trần Dược làng Phương Sơn, cao lòng ngòng, nghe nói đã có vợ. Còn Lê Quang Dược cùng làng An Lưu, tuy nhỏ con nhưng cũng lớn hơn tôi ba tuổi.

Bạn đồng môn cùng trang lứa vào cái thuở ban đầu ấy, hiện nay có anh Phan Lục, người xóm Phường Đạo Đầu đang cùng ở thung lũng Hoa Vàng - Cali - Hoa Kỳ, là gần tôi nhất, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng gặp nhau nhắc về ngày cũ chuyện xưa. Ở Nam Cali thì có Hoàng Ba làng An Phú.

Thuở ấy, thân cận nhất với tôi là Trần Lại, vừa cùng lớp, cùng xóm và là anh em chú bác trong nhà, hằng ngày đi về với nhau. Lại và tôi từng cặp kè trong những lần đi học trước đó, hay cùng lặn lội lên rú, ra nương, xuống ruộng cạn, qua đồng sâu để lấy củi, hái nấm, câu bắt cá, bẩy chim…hoặc trong các trò vui đùa kiểu trẻ con nhà quê như đá dế, đánh căng….cho nên rất thân thiện, tuy là vai em trong gia tộc, nhưng cũng lớn hơn tôi một tuổi. Người anh em cùng trang lứa này, đã để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời. Đặc biệt là lúc nhỏ chú ấy rất khoẻ mạnh, luôn ra tay “hảo hán” bảo vệ người yếu mỗi khi bị hiếp đáp.

Cô giáo Lê Thị Thiện của tôi có dáng người mảnh khảnh, hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, nhưng nghiêm khắc. Ở nơi cô toát ra một cái gì đó mà học trò rất nể trọng. Tôi nghiệm ra rằng : Nơi quê hương nghèo nàn triền miên thiên tai, dày đặc thảm họa chiến tranh…khắc khổ trong đời sống ….Nhưng cái nề nếp quân chủ phong kiến chưa mờ nhạt, nhờ vậy tư tưởng “Quân Sư Phụ” hay câu “Trọng thầy mới được làm thấy”; “Không thầy đố mầy làm nên” những điều giáo huấn hay ho bổ ích đó còn hằn sâu trong nếp sống dân dã làng thôn. Người lớn trọng vọng thầy cô, con cái cũng học nề như nhau. Tất cả là do căn bản từ nền tảng văn hóa xã hội và giáo dục gia đình. Học trò nhà quê vào thời đó gọi cô giáo bằng chị, không hiểu vì sao, có lẽ vì họ đã lớn tuổi và quen cách xưng hô khi đi học thời chiến tranh.


Một niên học trôi qua không thấy cô Thiện nổi giận với học trò nào, và cũng không hề nghe cô thổ lộ một chút riêng tư về mình,chỉ nghe nói cô ở trên tỉnh, tức là thị xã Quảng Trị, buổi sáng đi xe đạp về dạy, chiều tan trường đạp xe lên trên ấy. Những ngày mưa bão cô ở lại nhà trọ gần trường cùng cô giáo lớp tư, tức nhà thân mẫu Lê Quang Mô . Cô Trần Thị Quế, người làng An Tiêm, còn rất trẻ,vui vẻ và thân thiện với học trò, cô ở lại với trường An Lưu một thời gian khá dài. Do vậy, lớp trẻ sau này vùng Chơ Cạn, học trò cũ của cô khá đông. Khi đang viết bài bút ký này, tôi có liên lạc được một người quen cùng làng An Tiêm, mới hay cô hiện sống ở Huế cùng người con trai, nay đã ngoài tám mươi, còn khoẻ và minh mẩn.

Niên học chóng vánh trôi qua, nghỉ hè, lại là lần đầu tiên một cảm giác bồi hồi xa thầy xa bạn, một nỗi buồn miên man, cô Thiện từ giã chúng tôi bằng những lời chân tình, quyến luyến. Hè năm ấy, một tuần sau ngày nghỉ, chúng tôi tổ chức đi thăm cô, nhà cô ở trong làng Thạch Hãn, căn nhà gọn gàng vách ván, kiến trúc giản dị theo kiểu cổ trên khu vườn khá lớn, trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, ổi…chung quanh gần bờ tre cũng có trồng thơm (dứa) như ở làng tôi vậy. Buổi trưa hôm đó, là lần đầu tiên và duy nhất chúng tôi được ăn cơm trưa tại nhà cô giáo Lê Thị Thiện, chúng tôi ngồi ăn trên “phản” gổ, nằm gian bên phải của bàn thờ….sở dỉ tôi cà kê như vậy, để thấy rằng cái gì đã thuộc về kỷ niệm tuổi thơ khó mà phai mờ, dù tính ra nay đã hơn năm mươi năm lăn lộn với cuộc đời nhiều khổ ải gai góc, đi đây đó hầu như hết mọi miền đất nước, rồi lưu lạc xa xôi nửa vòng trái đất, những hình ảnh ấy vẫn còn hằn in trong tâm khảm.

Qua kỳ nghỉ hè, tôi vào Huế để học những lớp kê tiếp cho đến khi lấy bằng trung học đệ nhất cấp mới trở về Quảng Trị học hai nằm đệ tam và đệ nhị tại trường Nguyễn Hoàng.Tuy nhiên trong suốt thời gian đó, những dịp lễ, ngày Tết, hè …tôi có mặt ở quê,  ngôi trường sơ cấp mái tôn vách đất hai phòng thuở đầu đã tiến những bước vững chải, một dãy nhà khang trang, tường xây, mái lợp ngói xi măng, cửa cánh chớp, nền đúc  sạch sẽ, sơn quét màu sắc hài hòa,đường đi vào được đắp lớn ra,xe có thể chạy thẳng vào sân trường, hai bên trồng dương liễu xanh ngát, cây cao tỏa bóng mát, quanh trường có rào dậu, Hai trụ cổng vào được xây lên, với tấm bảng trang trọng “Trường Tiểu Học An Lưu”. Trong sân trường những cây trứng cá, phượng vĩ đã sum suê, từ xa cho chí gần ngôi trường trông rất bề thế và mỹ thuật.

Dù đã đi học xa, tôi vẫn còn giữ trong lòng biết  bao kỷ niệm những ngày đi học đầu đời, trên cái nền cũ hoang tàn, rồi từ căn nhà khiêm tốn, đã thay hình đổi dạng, phòng ốc khang trang bề thế ví như như một chàng trai nhà quê nay đã là anh thị thành văn minh khéo mã. Tuy vậy, hình ảnh mái trường trong năm đầu khai giảng vẫn là nét ấn tượng nhất trong tôi mỗi khi nghĩ về những năm tháng xa xưa như nhớ lại thời khó khăn tuổi thơ nơi làng quê khắc nghiệt có ngọn gió Lào nóng rát, nắng khô nứt nẻ ruộng đồng và mùa đông mưa gió dầm dề, lạnh buốt  luồng heo may, tất cả là dấu hằn quê hương để lại trong tâm hồn người xa xứ, trong đó hình ảnh hai cô giáo của trường là cô Lê Thị Thiện và cô Trần Thị Quế vẫn như còn trẻ trung tự thuở nào.

Năm tháng dần dà trôi qua, mảnh đất của “An Lưu Học Hiệu” thuở xa xưa, đã là một ngôi trường tiểu học hoàn chỉnh, đủ lớp cho bấc tiểu học, nhân sự cũng thay đổi. Cô Thiện và Cô Quế được thuyên chuyển đi nơi khác theo yêu cầu và nhu cầu, không rõ Cô Quế thuyên chuyển về đâu, riêng Cô Lê Thị Thiện, tôi được biết là đổi về trường tiểu học Ngô Xá, nơi đó gần và thuận đường lên thị xã hơn An Lưu, sau này Cô về dạy trường Nữ Tiểu Học Quảng Trị trước khi đặc biệt phụ trách trường mẫu giáo kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, trước trường trung học Nguyễn Hoàng, gần rạp xi nê Đại Chúng, đúng vào thời gian tôi từ Huế trở về học Nguyễn Hoàng.

Các vị hiệu trưởng kế tiếp là Thầy Nguyễn  Mẫn Cán, Thầy Trần Xuân Yên, …các cô, thầy giáo như cô Hoàng, cô Nghi, cô Lưu Thị Thanh Huệ, thầy Trần Thúc Mai, thầy Lê Khái, thầy Trần Tư Bổng ….và nhiều, nhiều…kế tiếp sau này, tôi không biết hết để ghi ra đây. Trường An Lưu hiển nhiên là một ngôi trường tiểu học lớn và đẹp nhất so với các trường thuộc vùng duyên hải Triệu Phong.

Được đến như vậy là nhờ sự quan tâm của những người chịu trách nhiện hành chánh ở địa phương,và mức độ nhận biết ích lợi, cần thiết trong việc học hành cho con em của giới phụ huynh học sinh.  Điều quan trọng nhất là những người trực tiếp điều hành,  ngành giáo dục, mà tiêu biểu là các thầy cô giáo, trong đó vạn sự khởi đầu nan là vị hiệu trưởng đầu tiên cô Lê Thị Thiện, và đồng nghiệp là cô Trần Thị Quế.

Trong vài năm tháng ngắn ngủi an bình nơi quê tôi, trẻ thơ cả một vùng Chợ Cạn thuộc xã Triệu Sơn, từ Phương Sơn, An Lưu, qua An Phú, Thượng Trạch, Linh Chiểu, Văn Phong, Đồng Bào …và kể cả xóm Phường của thôn Đạo Đầu thuộc xã Triệu Trung, đều tụ tập về dưới mái trường thân yêu này. Chắc rằng ai từng từ đó mà ra vẫn còn giữ lại trong tâm thức hình ảnh những ngày thơ, khi tâm hồn chan chứa mộng đời dù thô sơ mộc mạc, nào là lớp học, thầy cô, bạn hữu…ngọn gió nóng quen thuộc hằng ngày, bóng nắng gay gắt buổi trưa mùa hạ, tiếng dế rúc trong sương mai trên con đường quê từ xóm nhà đến trường hay ngược lại. Làm sao không có những phút giây hoài niệm một chặng đời dĩ vãng với bầu trời kỷ niệm tuổi thơ và quê hương một thuở thanh bình.

Với thế hệ ngang lứa với tôi, người còn không ít, người ra đi vĩnh viễn cũng đã nhiều, tôi chỉ học nơi ấy một năm lớp Ba với cô Lê Thị Thiện rồi đi học xa, các bạn khác cùng lớp còn tiếp những  năm kế cho hết tiểu học, sau này khi trở về trường Nguyễn Hoàng, chúng tôi lại gặp nhau, tuy không còn cùng lớp, nhưng đi cùng đường, ngày ngày gặp gỡ, nhiều khi cùng kể lại nhau nghe, ôn về ngày tháng cũ rộn rã tiếng cười trên những nét mặt hớn hở hồn nhiên.

Có vài bài bút ký của tôi đã viết về đồng quê nghèo nàn cam khổ lúc tuổi đời còn non dại, về những ngôi trường đã đi qua trong quảng tuổi học trò, làng thôn, chợ búa, và cả căn nhà nội trú nương thân thời non trẻ để được học hành trên đất thần kinh…Và tôi đã có ý định sẽ viết về trường tiểu học An Lưu, tuy chỉ một năm học ngắn ngủi, nhưng đó là biểu tượng văn hóa quê hương cằn cỗi khô khan, nhưng những gia đình nông dân mộc mạc quê mùa chơn chất này đã sản sinh ra những mái đấu xanh rất hiếu học, chính nơi đó là nền móng để đào tạo nên rất nhiều người thành đạt, có người nay vẫn còn, và cũng có người đã ra thiên cổ.

Và hôm nay, tôi viết những dòng này để hoài niệm về những ngày tháng xa xưa, để tưởng nhớ công lao bao vị đã dày công dạy dỗ trui rèn những mầm non thế hệ …và cũng để làm quà tặng đến những đồng môn, bạn hữu các thế hệ sau tôi, đã có một thời đèn sách dưới mái trường An Lưu này. Cũng như đốt một nén nhang tưởng nhớ đến những cựu môn sinh của trường đã gục xuống trong cơn nguy khốn của quê hương dù họ đứng ở vị trí nào.

Sau cùng, như để giữ một lời tự hứa với chị Cao Thi Miễn, ái nữ của cô giáo Lê Thị Thiện. Nhân đọc bài “Mẹ Tôi” của chị trên đặc san Hương Quê Nhà Sài Gòn năm 2011. Bài viết giản dị, nhưng đã đưa tôi về tìm lại dấu xưa, gợi ra một nỗi nhớ miên man về khoảng không gian những ngày xưa nơi quê hương yêu dấu, mà nay xa cách ngàn trùng, lòng mãi bồi hồi luyến nhớ một thuở an bình, xóm thôn vang tiếng hát, ruộng đồng trĩu hạt lúa vàng, hoa lá thuận mùa mượt mà rực rỡ trẩy nụ đơm bông.
Xin gởi kèm một lời chúc thật lành bằng cả nỗi lòng chân thành nhớ ơn.
Trần Quốc Phiệt
Cali - USA
hathaius@yahoo.com
READ MORE - TRƯỜNG SƠ CẤP AN LƯU NHỮNG NGÀY XƯA ẤY...- Trần Quốc Phiệt