Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 4, 2013

CỎ - Truyện ngắn Ngô Diệu Hằng

Ngô Diệu Hằng

 

 
“Ới ơi…!” - Một tiếng kêu trong vắt vang lên rồi đứt ra nghẽn lại sau tiếng nấc.

Tôi giật mình tỉnh dậy, nước mắt tràn ra từ bao giờ. Hình như tiếng kêu đó vang lên trong một giấc mơ còn mờ ảo tan trong trùng trùng vô thức… Tôi đã đọc đâu đó, người ta nói rằng: một nửa giấc mơ của bạn sẽ mất đi sau năm phút di chuyển. Bởi thế tôi cố gắng không xê dịch cơ thể, tĩnh lặng trong âm thanh của buổi sáng còn tờ mờ sương, chẳng dám nhìn vào những tán lá động, chỉ để cố nhớ lại giấc mơ kỳ lạ nào vừa đi qua mà làm sự yếu đuối trong tôi bật khóc. Thế nhưng, điều mà khoa học chứng minh kia dường như ngược lại. Tôi hầu như không thể nhớ những giấc mơ của mình khi vừa tỉnh dậy dù cảm giác vẫn còn lưng chừng đâu đó. Có thể một lúc nào đó nó sẽ hiện về.



Dì Thu trở mình, từng cơn ho dài kéo lên rồi đứt. Dì nằm ngủ ở gian bếp. Căn bệnh thấp khớp vẫn đêm đêm hành hạ dì bao năm nay. Chiếc giường tôi đang nằm là của em trai Thảo. Cậu ấy lấy vợ ở Campuchia, một năm về nhà vài ngày rồi lại đi. Người ta bảo cậu bị bùa mê tình. Năm đó đi làm việc ở Campuchia cậu đã yêu một cô gái người Chăm. Khi có ý định chia tay và trở về nước cô gái đã buộc chặt cậu bằng thứ mà người ta gọi là bùa mê tình. Mỗi năm nếu được về nhà thăm mẹ thì vài ngày sau cậu sẽ tự quay trở lại. Buổi sáng thức dậy không thấy con đâu là dì biết nó đang trên đường trở lại mảnh đất xa xôi ấy. Dì Thu sống cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo nhưng dì vẫn phải sống và hy vọng ngày con trai trở về.



Tôi và Thảo cùng uống chung một bầu sữa mẹ. Sinh tôi chưa bao lâu thì mẹ bị mất sữa. Nội nói phải kiếm bằng được sữa mẹ cho tôi. Ba đi khắp nơi tìm người xin cho tôi bú nhờ. Nhà dì Thu ở cách nhà tôi một con sông. Ngày đó ba vẫn chèo thuyền đưa hai mẹ con tôi qua nhà dì Thu. Tôi sống được khỏe mạnh cũng nhờ dòng sữa ấm áp của dì. Nội bảo, công ơn dì Thu không bao giờ được quên. Người lớn còn hứa sau này cho tôi và Thảo cưới nhau để nối tiếp cái duyên nợ ấy.



Chúng tôi lên lớp năm thì ba Thảo mất vì tai nạn. Khi mà tôi còn chưa biết cầm cái chổi quét nhà thì Thảo đã thay mẹ chăm em, vừa làm việc nhà vừa học bài. Lớn lên, biết chèo thuyền, tôi thường chèo qua nhà Thảo chơi, chở Thảo đi hái sen, vớt bèo cho lợn. Thảo dịu dàng, mỏng manh. Khuôn mặt em nhỏ nhắn, còn đôi mắt thì to tròn, đen nhánh. Mái tóc em không bao giờ dài quá lưng vì nó yếu ớt như cái thân hình mảnh dẻ của em vậy.



Tôi thi đỗ đại học, còn vận may thì không đến với Thảo. Em nói nếu có thể thì năm sau em sẽ thi tiếp. Mỗi tháng tôi lại bắt chuyến tàu từ sáng sớm tinh mơ, chờ đợi rồi chen lấn mua vé để về nhà. Ga tàu cách nhà tôi vài cây số nhưng không xa nhà Thảo là bao. Mỗi lần xuống tàu với tôi như một khoảnh khắc quá đẹp đẽ không thể nào quên. Khi tiếng còi tàu rít lên chưa dứt, tôi lại thấp thỏm nhìn ra cửa sổ nơi Thảo vẫn thường đứng đón tôi với chiếc xe đạp; vào khoảng thời gian ấy, cùng chiếc nón thắt quai màu tím ôm lấy khuôn mặt em dịu dàng. Cái hình ảnh em đứng đó bình tĩnh chờ đợi tựa như cơn gió mát dịu thổi vào tim tôi một cảm giác thật yên bình. Có những hôm tàu trễ, trưa nắng chang chang vẫn thấy em đứng đợi ở đó, trên giỏ xe còn có vài bông sen thật đẹp. Năm tháng trôi qua, thứ tình yêu không ngôn ngữ ấy đã nuôi lấy tâm hồn tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách, đạp vỡ những cám dỗ đời thường và có những giây phút thực sự thăng hoa cho nghệ thuật.



Em cùng tôi ngồi trên cỏ nhìn ra bàu sen. Những búp sen màu hồng nhạt vươn cao trên mặt nước. Bên dưới, những chiếc lá trải rộng xanh ngắt như bàn tay cứng cáp che chắn, nâng niu cho những bông sen luôn sạch sẽ, đẹp rạng ngời. Thảo nói em thích nhất là hoa sen. Tôi ghé vào tai em tinh nghịch:



- Anh thì thích Thảo.



Em nghiêng đầu thắc mắc:



- Thế anh không thích hoa sen sao?



Tôi giả bộ thở dài, nhoài người nhìn ra phía bàu sen và nói:



- Anh xin lỗi hoa sen nhé. Hoa sen thật đẹp! Nhưng người con gái ngồi đây lại giống hệt hoa sen, mà anh lại thích cô ấy mất rồi…



Thảo ngại ngùng bâng mặt rúc vào ngực tôi. Đôi khi tôi cảm thấy em xem tôi như người anh, muốn tựa, muốn ôm nhưng chưa lần nào em dám khóc, dẫu qua ánh mắt tôi đoán biết em có điều gì ấp ủ. Thảo hái một lá cỏ đặt vào lồng bàn tay rồi khe khẽ:



- Em chỉ muốn là cỏ, một nhánh cỏ nhỏ bé giữa đời. Cỏ rất bình thường, không đẹp, không sặc sỡ và chẳng ai chú ý đến. Nó chỉ sống đủ thời gian cần thiết, một cuộc sống bình lặng, ý nghĩa rồi tự lụi tàn.



- Em nói sao buồn quá! Nhưng em biết không, hương cỏ chẳng có gì đặc biệt nhưng ai đã yêu nó thì dẫu đi đâu về đâu họ cũng chỉ muốn trở về để được ngửi thấy mùi quê hương đồng nội mà thôi…

Dẫu hoàn cảnh khiến em có những suy nghĩ buồn nhưng tôi biết, đằng sau đó vẫn là Thảo của tôi, một cô gái nhân hậu, chịu khó và mang vẻ đẹp thôn quê dịu hiền.





***



Năn nỉ mãi Thảo mới chịu làm mẫu cho tôi vẽ. Em chèo thuyền hái sen, cái hình ảnh rất đỗi bình dị, quen thuộc ấy bỗng nhiên trong giây phút thiêng liêng của nghệ thuật trở nên đẹp lạ lùng. Bàn tay nhỏ gầy của em nhẹ khua xuống mặt nước cho thuyền trôi thật chậm, chiếc áo bà ba, chiếc nón buộc dây màu tim tím… tất cả đều rất chậm rãi in vào trí nhớ tôi. Có những khoảnh khắc tôi mãi ngắm em mà quên mất mình phải vẽ. Thảo rất ít cười, tuy rằng với tôi nụ cười em thật đẹp. Em không có má đồng tiền, không có chiếc răng khểnh duyên dáng nhưng tôi tôn thờ làm sao những giây phút được ngắm nụ cười rất khẽ của em. Lần đó trời mưa nên tranh vẫn chưa vẽ xong. Tôi nhờ Thảo giữ hộ, đợi một buổi sáng thời tiết thật đẹp lại cùng em đến bàu sen vẽ tiếp.



Cứ mỗi lần tiếng còi tàu vang lên, chiếc tàu bắt đầu cựa quậy trên đường ray lòng tôi lại thấy buồn và dường như tôi cũng nhìn thấy điều đó trong ánh mắt em dõi theo. Chia tay em tôi trở lại trường, lao vào vẽ như một kẻ điên, cố gắng giành được kết quả tốt nhất làm món quà tặng em. Nếu biết đó là lần cuối cùng được gặp em thì tôi đã không bao giờ bước lên chuyến tàu ngày hôm đó.



Tiếng còi tàu rít lên giục giã, lòng tôi bỗng nhiên cảm thấy sợ, có bao giờ tôi sẽ không còn được thấy em đứng đó đợi tôi như em vẫn. Bước xuống tàu, cố đợi cho sân ga vắng vẻ, tôi nhìn quanh vẫn không thấy em đâu. Và rồi tôi tự an ủi lòng mình hẳn là em không biết hôm nay tôi về. Tôi vội vã, băng qua đường ray chạy nhanh về nhà em. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác đôi chân mình lúc đó, chúng như bấu víu vào nhau để chạy thật nhanh. Một cảm giác vừa mừng, vừa có gì đó run rẩy, giục giã. Như mọi lần tôi gọi Thảo ơi, dì Thu ơi… Dì Thu ngồi ở cửa nhà có vẻ như đang khóc, vội vàng lấy tay áo lau nước mắt. Không kịp đợi dì đáp lại, một linh cảm không lành, tôi lần theo mùi trầm hương đang tỏa từ trong nhà ra. Chiếc ba lô và cọ vẽ rơi lả tả theo bước chân tôi vô hồn. Đằng sau những bình hoa sen nở to là làn khói nghi ngút bay lên. Khuôn mặt Thảo dần hiện ra bên một đài sen rụng cánh. Đôi mắt em mở to nhìn tôi. Nụ cười thân thương của em trong phút giây ấy vô tình chạm vào trái tim tôi đau nhói. Tôi không đứng vững, càng không dám nhìn thêm khuôn mặt em. Dì Thu đến bên cạnh tôi từ lúc nào, nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng. Có thể lúc ấy dì đang nghĩ rằng trong vòng tay dì là Thảo. Còn tôi, tôi khao khát dù chỉ một lần nữa thôi được em tựa vào ngực rồi gọi tiếng “anh” khẽ như một cô bé. Tôi muốn được chở che cho em suốt đời. Nhưng cái cơ hội đó em cũng không cho tôi một lần được nói ra…



Dì Thu khóc, hơi thở của dì đứt ra từng mảnh rồi tan như làn khói giữa không trung. Một mình chăm lo cho hai chị em nên dì luôn bận rộn từ sáng sớm đến tận khuya. Khi trời vẫn còn mờ sương dì đã gánh xôi đi bán rong hàng chục cây số. Buổi chiều trở về lại tất tưởi ra đồng. Thảo vốn ốm yếu từ nhỏ và em luôn giữ lấy phần thiệt thòi cho riêng mình. Nhớ có lần dì Thu đã cõng em chạy ba cây số đến trạm y tế khi em chảy máu cam và ngất xỉu một mình ở nhà. Sau lần đó Thảo không bao giờ để mẹ phải lo lắng nữa, em bình tĩnh và kín đáo một cách lạ thường. Dường như em đã gắn cho mình một số mệnh và lặng lẽ sống cùng nó. Một buổi chiều muộn làm đồng trở về dì Thu thấy con đang nằm im trên giường, mềm mại, mỏng manh như một lá cỏ mùa thu. Sự ra đi của Thảo dường như đã mang theo cả nụ cười còn lại của dì.



* * *



Tôi ngồi dậy lau nước mắt, ra múc nước giếng rửa mặt. Một mùi thơm thân quen chợt tràn lên sống mũi như luồng cảm xúc mênh mang gợi bao niềm thương nhớ. Mùi hương cỏ tan vào trong gió rũ nhau về tắm gội miền ký ức tôi vào buổi ban mai nắng hồng. Và đâu đó những mảnh ghép giấc mơ kia hiện về, tôi lại ngẩn ngơ trong miền vô thức. Tôi thấy mình đang chào tạm biệt bạn bè rồi vội vàng chạy về nhà thật nhanh. Chạy mãi, chạy mãi với một ý chí rất cao như thể cần phải trở về để làm một việc gì đó còn dang dở. Rồi tôi thấy mình đang đứng trên một cây cầu, đúng ra là trên những guồng nước liên tiếp nhau quay tít, dưới kia là dòng suối đang cuộn chảy. Tôi cố gắng lách qua từng guồng nước để tiến về phía trước. Bỗng nhiên, kẻ vượt guồng nước lại bị lạc vào giữa một khu rừng. Lạ thay, khu rừng chỉ toàn cây cỏ không một tiếng động của muông thú hay bất cứ âm thanh gì của sự sống. Sự lặng yên đến ớn lạnh kéo dài trong một thời gian. Có lẽ lúc đó linh hồn tôi đang bay lơ lửng trong chính giấc mơ của mình tìm một lời giải. Một lúc sau đó tôi thấy mình xuất hiện cạnh một con đường có xe cộ và nhiều người qua lại. Sự sống thì sôi động nhưng tất cả đều xa lạ tựa như những hình thể chuyển động, song vô cảm. Tôi kể về những nơi tôi vừa đi qua và hỏi đường, hầu như tất cả những con người kia nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Tôi không nghe thấy họ nói gì, cũng không nghe thấy tôi đang hỏi đường về đâu. Hình như cả tôi và họ không hề hiểu nhau và có lẽ chẳng thể hiểu nhau. Sự hoang mang khiến tôi đứng lặng yên trong giây lát. Có cái gì đó ôm chặt dưới chân, một đứa bé nhỏ xíu, như vừa mọc lên từ lồng đất. Sở dỉ tôi nói nó mọc lên vì tôi chẳng hề cảm thấy sự tồn tại của nó trước đó. Đôi mắt nó sáng trong như thiên thần nhìn lên tôi đầy thương cảm. Nó nhìn tôi một hồi lâu, còn đôi tay thì mỗi lúc một siết chặt. Hai đôi mắt cứ nhìn nhau như thế cho đến khi có tiếng kêu vang lên “ới ơi…!” từ khuôn miệng bé xinh, trong veo như một giọt sương mai đọng trên nhánh cỏ non chưa ai chạm đến. Tiếng kêu cao vút rồi đứt gãy bởi một tiếng nấc. Và nước mắt tôi trào ra. Giấc mơ tan…



Đã hai năm trôi qua. Mỗi lần về nhà tôi vẫn thường sang thăm dì Thu. Đã có lần dì nhắc tôi về bức tranh ngày xưa còn dang dở, nhưng dường như mỗi khi có ý định mang nó ra để hoàn thành thì một cảm giác xót xa bỗng trào dâng chặn đứng suy nghĩ đó. Lần này tôi muốn vẽ. Có lẽ Thảo đã mang đến cho tôi giấc mơ ấy, mùi hương ấy khi tôi bay trong chính giấc ngủ của mình, hay em muốn nhắc nhở tôi hãy làm tiếp cái việc mà tôi đã cố chạy thật nhanh để trở về thực hiện. Tôi mang bức tranh ra bàu sen đặt lên giá vẽ. Hình bóng của Thảo, tất cả khung cảnh ngày ấy hiện về trước mắt. Tôi khuấy nhẹ lên bức tranh một làn nước mỏng, có lẽ chừng đó đã đủ vì chính Thảo mới là linh hồn và dường như em đang ở trên chiếc thuyền nhỏ rẽ nước qua những đám sen đang vươn lên trong nắng sớm. Ngắm em trong tranh nước mắt tôi khẽ rơi xuống đám cỏ. Tôi ngồi bệt xuống và lướt nhẹ tay lên làn cỏ êm như tấm nhung mềm, nhớ có lần em nói chỉ muốn làm nhánh cỏ giữa đời…



Tôi lồng bức tranh vào khung kính gắn vào chính giữa Gallery, cái thế giới yên tĩnh mà tôi từng mơ ước giờ đã có. Tôi sẽ không bao giờ bán tác phẩm quý giá nhất đời mình, cũng như chẳng bao giờ để vẻ đẹp của em phai nhạt đi theo dòng thời gian. Một số người vẫn hay đặt câu hỏi “Tại sao trong tranh không hề có dấu vết một ngọn cỏ nào mà lại đặt tên là Cỏ?” Tôi chỉ cười và nói “Đơn giản vì đó là Cỏ.” Tôi ngắm em hàng giờ. Tôi biết rằng rồi đây tôi sẽ già, còn em sẽ mãi đẹp như thế, dịu dàng, tinh khôi như thế.





Mỗi lần ở lại phòng tranh, đêm khuya thức giấc tôi lại ra ngồi giữa phòng hút thuốc. Trong làn khói thuốc mơ màng như hàng trăm guồng nước đang quay tôi thấy em từ trong tranh bước ra đưa tay tiến lại gần tôi, bàn tay em nhỏ gầy, mềm mại tựa lá cỏ mùa thu.



       Ngô Diệu Hằng
READ MORE - CỎ - Truyện ngắn Ngô Diệu Hằng

Thơ giao lưu của Lê Đăng Mành, Hồ Trọng Trí, Huy Vụ, Tâm Hương, Thanh Tùng


Thư pháp trên máy tính của Lê Đăng Mành


TỰ TÁNH !



Yên tĩnh hành thâm sẽ thảnh thơi

Bổn lai thường trụ ở đây thôi

Nuôi tâm phải xả đừng tham luyến

Dưỡng tuệ nên buông chớ vọng mời

Vắng bặt so đo khi ngủ nghỉ

Lặng im tính đếm lúc nằm ngồi

Mây tan vằng vặc vầng trăng rọi

Tự tánh Di Đà * hiển hiện soi !



3/9/2013

Lê Đăng Mành



*“Tịnh độ là lòng trong sạch,  Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;

Di Đà là tính sáng soi,

Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”

Trần Nhân Tông

“ Cư trần lạc đạo phú, hội thứ ba”







SẦU LÊN KỶ NIỆM

Họa thơ Cung đàn Kỷ niệm  của Trần Thị Quỳnh Hoa



Phong kín niềm riêng lạnh mấy mùa

Chuyện lòng những tưởng đã buông ta

Nào hay một thoáng tơ tình vọng

Dục khách thương hồ dậy tiếng ca

Canh cánh bên lòng khơi dáng ngọc

Dạt dào trong mộng nhớ gương nga

Xốn xang ký ức len hoài niệm

So phím tơ chùng dạ xót xa



Hồ Trọng Trí

Kim Long, BRVT  







THỊ NỞ



Một tô cháo nhỏ thế mà thân.

Đời lắm sân si lại bảo đần.

Vẫn biết tẽn tò khi bục cửa.

Rồi còn e thẹn lúc ngoài sân.

Sang tầm Bá Kiến nhưng mà bạc.

Mạt cỡ Chí Phèo lại có ân.

Trinh tiết đem dâng người tình mộng.

Chẳng cần tính toán với phân vân.



29/08/13

Huy Vụ







Xướng:


TÂM SỰ TUỔI GIÀ



Nằm viện lâu ngày trí rổng không

Về nhà khắc khoải mãi trong lòng

Mượn dòng tâm bút trao niềm nhớ

Trải tấm chân tình ấm nỗi mong

Dẫu biết cuộc đời là huyễn hoặc

Dù cho kiếp sống có long đong

Vẫn còn nhân nghĩa cùng bè bạn

Cho cõi đời thêm chút nắng hồng.



Tâm Hương

(Mạnh Thu_Quý Tỵ.14-08-2013)

Số điện thoại:  0984748978








Họa:


THẦN DƯỢC


Say nắng nên chi bệnh phải không! 

Nghe Anh nằm viện chẳng yên lòng

Vườn thơ Bà Rịa trăm thương đợi

Nhóm bút Đà Thành vạn nhớ mong

“Lực bất tòng tâm” – không đến tận

“Váng mình sốt mẩy” – khó đo đong

“Đồng hương” chén thuốc tiên màu nhiệm

Chưa uống mà da đã thắm hồng.



Thanh Tùng

(Đà Nẵng)




READ MORE - Thơ giao lưu của Lê Đăng Mành, Hồ Trọng Trí, Huy Vụ, Tâm Hương, Thanh Tùng

SẠN NGƯỜI - tập tản văn, bút đàm của Trường Hải - Kỳ 2: GIÁ ƠI LÀ GIÁ!




GIÁ ƠI LÀ GIÁ!


Không chi ăn nhanh bằng giá, không chi lên nhanh bằng giá. Đó là giá đỗ! Chỉ vài ba ngày ấp ủ, nhúng nước đều đặn năm, sáu lần là có ăn. Trồng cây, thu hoạch nhanh nhất là giá đỗ.


Trong kinh tế thị trường còn có loại giá tăng trưởng nhanh hơn nữa, từng giây, từng giờ, từng ngày như bơm thổi quả bong bóng bay. Thật là thần kỳ đến chóng mặt. Đó là giá cả!


Đồng tiền nói chung, đồng tiền Việt Nam nói riêng trong thời buổi này mất giá từng ngày. Phải nói là Chính phủ nước nào cũng cố tìm giải pháp kiềm chế sự mất giá của đồng tiền trong thời kỳ “đại khủng hoảng” toàn cầu kể từ năm 2008, nhưng xem ra không hiệu quả lắm. Đồng tiền Việt Nam trước đây ba bốn chục năm có giá trị thật! Tiền xu, tiền hào cũng mua được vật chất có giá trị, từ đồng quà tấm bánh cho con trẻ. Bây giờ tiền nghìn, tiền chục nghìn, tiền trăm nghìn mới nói đến chuyện mua bán, tiêu dùng; tiền xu, hào coi như bỏ.


Cả xã hội chạy đua theo giá cả. Nay khác mai khác. Nhanh tay có khi được, có khi thua. Giá cả cứ phập phồng như bong bóng vậy. Người nhiều tiền cũng khổ mà người ít tiền cũng khổ. Đi chợ nặng túi, mất công cất giữ, mất công đếm tiền nhưng mua hàng hoá cũng chẳng được bao nhiêu.


Cách đây ba năm, một gia đình bốn nhân khẩu đi chợ chỉ dăm chục ngàn là cả ngày ăn uống khá tươi tắn, tươm tất. Bây giờ muốn được như thế phải bỏ ra vài trăm ngàn là chí ít.


Đời thủa nào cách đây sáu năm chỉ cần tám trăm ngàn đã mua được một chỉ vàng mười thì bây giờ hơn năm, sáu lần như thế mới mua được một chỉ. Thật là chóng mặt. Khổ cho những ai cưới hỏi cần mua vàng.


Đồng lương hàng năm theo lộ trình có điều chỉnh, có bù trượt giá nhưng xem ra có thấm tháp gì với việc trượt giá, rớt giá. Xã hội có hội chứng ớn lạnh mỗi lần tăng lương “lương ơi đừng tăng nữa!”. Bởi vì dân gian thường nói “chó chạy trước mang” lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng trước ba, bốn tháng rồi.


Nhiều quốc gia do tiêu pha công sản quốc gia quá đà dẫn đến nợ công chồng chất, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ như Hi Lạp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ…v.v và tiếp đến cả các đại cường quốc khác như Mỹ, Anh, v.v. Nhiều nước kể cả nước ta đưa ra kế sách cắt giảm chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng để tránh phá sản tài chính quốc gia. Xem chừng cuộc chiến khá cam go, khốc liệt.


Khổ nhất vẫn là người dân lao động, đồng tiền làm ra khó mà chi tiêu thì tốn kém, mất giá. Có tít báo cười ra nước mắt “Giá thịt Lợn ở Hà Nội tăng nhanh hơn Vàng” thật quả đúng thế !


Chính phủ cũng đưa ra nước quyết sách để chống bão giá nhưng chưa dài hơi cũng chạy theo thị trường, rách đâu vá đó. Phải công nhận là hơn 20 năm đổi mới đất nước có nhiều thay đổi bộ mặt xã hội đổi sắc thay da nhất là xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng bão giá, bão trời, lũ lụt hoành hành mấy năm nay nhìn chung thực chất cuộc sống nhân dân còn nhiều vất vả, vật lộn, chống chọi để sinh tồn. Đi một bước lùi một bước!


Người viết chỉ là kẻ thường dân mong rằng Nhà nước có giải pháp chiến lược lâu dài để chống giá cả leo thang, ổn định đồng tiền, ổn định xã hội và dân sinh.             

Trường Hải
READ MORE - SẠN NGƯỜI - tập tản văn, bút đàm của Trường Hải - Kỳ 2: GIÁ ƠI LÀ GIÁ!

TÌNH TRẮNG TRONG NHAU - thơ Trúc Thanh Tâm




Thôi khóc làm chi một nẻo đời
Tình xa xôi lắm đó tình ơi
Nếu hẳn xa nhau là ly biệt
Hãy khóc giùm nhau một kiếp người !

Tình trắng trong nhau, tình chết vội
Người mang thương nhớ đã đi xa
Người về ôm mãi chân mưa đổ
Khóc lá tình xanh rụng xuống mồ !

Ngàn ước mơ chùn, mi khép lại
Như triền đau khổ dựng bên trong
Máu tim dang dở câu tình sử
Tình trắng trong nhau, trắng cả lòng !

Anh nhé, cho em lần gọi lại
Tình anh âu yếm của ngày xưa
Đời em trót đã nhiều bất hạnh
Tình chửa chung đôi đã hững hờ !

Em cố quên anh và xua đuổi
Những vùng bóng tối phủ quanh em
Sợ quá đi anh giờ trăng rụng
Sợ nắng ngày lên phủ bậc thềm !

Thời gian đè nặng lên trí nhớ
Cái khoảng không gian kín vạn ngày
Tình trắng trong nhau, tình chết vội
Kiếp nào, thương nhớ trả cho ai !

Nước mắt không nhòa hình bóng cũ
Nên còn thương nhớ mãi khôn nguôi
Anh hãy một lần xin tưởng nhớ
Một cánh hoa kia đã rụng rồi !

TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)

READ MORE - TÌNH TRẮNG TRONG NHAU - thơ Trúc Thanh Tâm

HƯƠNG SẮC ĐỒI THƠM - chùm thơ Phan Minh Châu



 Phan Minh Châu

                   
HƯƠNG SẮC ĐỒI THƠM

(Nhân một buổi giao lưu thơ ở Đồi Thơm Phú Yên)

Anh về đất bỗng lên xanh
Đồi Thơm tơ nõn bên vành nón che
Không sông nước vẫn đôi bờ
Không trăng điện vẫn lập lòe sáng trăng
Những chiều mây phủ mưa giăng
Vẫn nghe đau đáu bước chân người về
Cỏ vàng từ độ chân quê
Bổng xanh theo những lời thề đã xanh
Đi vòng rồi lại đi quanh
Đồi xưa dứa dại nay thành núi Thơm
Tưởng như phố, tưởng như phường
Dẫn ta đến những thiên đường cỏ may
Thương quê còn chút tình này
Anh đem rải xuống đường cày tuổi thơ
Mầm từ độ đã ra hoa
Đất từ độ đã lập lòe bướm ong
Tưởng quê … không phụ tình chồng
Chị đi xua ngọn gió đông lạnh lùng
Dọn bờ, dọn bãi, dọn Thung
Biến đồi hoang để trập trùng bóng trăng
Đồi xưa như gái khan chông
Nay mơn mởn sáng nỗi lòng của quê



VIẾT CHO NGƯỜI CÙNG KHỔ

Cha già đu chiếc xe lăn
Mẹ già sẩy mấy con trăng đợi chờ
Thân em núp bụi nương bờ
Đói, no một chút tình hờ … cũng không
Lất lây kiếm được đôi đồng
Em đi bán rẻ nỗi lòng đơn côi
Hắt hiu cho một chỗ ngồi
Gió heo may dạt nụ cười… heo may
Sớm chiều ngân ngấn bàn tay
Bàn chân lấm láp những ngày héo hon
Phố xưa gói bước chân tròn
Bao năm tẻ lạnh vẫn còn rưng rưng
Đất hằn vạt áo sau lưng
Đêm chưa lịm giấc mơ nồng đã lo
Bàng hoàng níu giấc mơ hoa
Đưa em về lại bên bờ thiện, lương
Gởi cho em một thiên đường
Chung bàn tay lại sẻ nhường áo cơm
Phận  nghèo lá rách vẫn thơm
Huống chi em mảnh trăng non cuối rừng
Đôi dòng nước mắt rưng rưng
Em vừa hụt hẫng trên tầng bão dông






THƯƠNG QUÁ LA HAI

Ôi thương quá La Hai
Phô ngực mà chi anh
Phô ngực mà chi chị
Phô ngực mà chi em
Tấm thân trắng gội bên giòng châu thổ
Lúa đòng đòng đang trổ nát bờ xưa
Cánh hoa rừng run rẩy những ngày thơ
Em nhan sắc cho phố chiều thêm lạnh
Em nhan sắc để một đời nhân ảnh
Kỳ Lộ trong như con nước lạ ngày
Khoát trong mình chiếc áo vừa vai….
Nên năm tháng ôm vầng trăng thiếu nữ
Ôi vầng trăng những năm dài viễn xứ
Nơi núi rừng hút bóng cao nguyên
Sủi hương đi dẫn độ đến trăm miền
Trong khóe mắt mùa Thu đồng vọng
Giửa màu quê em hồn nhiên chiếc bóng
Trả ơn đời hay nợ lỡ cưu mang
Dấu chim về theo mỗi bước chân hoang
Chiều lẫm đẫm cơn say từ phố núi
Mây trắng quá nên chiều thương gió bụi
Để tơ tằm lầm lủi tháng năm
Vầng trăng cong như cánh nỏ đang tầm
Đêm cứ chảy và ngày xuôi bến bải
Thị trấn nhỏ ôm núi rừng hoang dại
Buổi em về sóng nước bổng lao xao







HƯƠNG SẮC NGÀY XƯA

Chị ơi ! Còn chút tình này

Chỉ riêng với chị những ngày xa quê

Chị đi rộc rạc bờ tre

Cánh đồng muối mặn

Nắng hoe bỗng gầy.

Dòng sông bỗng nặng đôi vai

Không buồn chở những ngày dài áo, cơm

Chị mang sương khói tâm hồn

Đi khơi ngọn lửa hoàng hôn của chiều

Bến đời nước chảy liêu xiêu

Có con cá quẫy bao điều đa đoan

Sớm, chiều nửa mảnh trăng tan

Đục, trong sao để dặm ngàn tháng năm

Chị nay như gỗ hóa trầm

Câu thơ chốn cũ

nằm hong đất người

Đơm lòng một chút tình vui.

Để cho bớt chút

ngậm ngùi đó thôi.

Yêu người. Cho hết… chị ơi

Chị gieo thương

xuống khoảng đời rong rêu

Câu thơ tạc bóng quê nghèo

Ngỗn ngang ghềnh, thác gieo neo đất trời

Cầm lòng chị gọi sông ơi

Chỉ nghe xa

vọng tiếng người trăm năm



PHAN MINH CHÂU

3b Âu Cơ, Nha Trang, Khánh Hòa
DĐ 0922992662
xua_roidiem@yahoo.com

 





READ MORE - HƯƠNG SẮC ĐỒI THƠM - chùm thơ Phan Minh Châu