Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 16, 2021

ĐỌC “MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN” THƠ TRẦN HOÀNG VY - Châu Thạch

 
  
                      Nhà thơ Trần Hoàng Vy

 
MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN
 
Một hôm chợt nhớ... con đường
Năm xưa, trưa nắng tan trường em đi     
Giòn vang tiếng guốc xuân thì
Áo bay cánh trắng nhu mì nón che
 
Một hôm chợt nhớ vỉa hè
Bột chiên, bò bía, chén chè, ly kem...
Là khi tôi chợt nhớ em
Bộ phim rạp Rex, Eden... đượm tình!
 
Con đường với hàng me xinh
Một trưa bất chợt ve thình lình vang
Nụ hôn vội vội, vàng vàng
Ghế công viên, phút mơ màng chợt qua?
 
Nhớ Sài Gòn, Lambretta...
Tiếng xe quyện khói đường ra Bạch Đằng
Hàng Xanh, cư xá mưa giăng
Nhớ Sài Gòn, Thảo cầm viên... chung dù
 
Phố Bonard, đường Nguyễn Du
Hàng hiên thư viện, tiếng gù chim câu
Dìu nhau ý hợp tâm đầu
Sài Gòn hò hẹn, lâu lâu Bến Thành...
 
Nhớ đêm đèn đỏ, đèn xanh
Đêm màu hồng ước ta thành phu thê?
Rước dâu xe ngựa Thị Nghè
Qua Văn Khoa chợt lòng nghe mơ màng
 
Sài Gòn thuở bước lang thang
Trót thương gác trọ đêm vàng vọt đau
Lăn theo từng giọt mưa mau
Trên tay chiếc lá mùa sau biết còn?
 
Một hôm chợt nhớ Sài Gòn
Sài Gòn... đi mất chỉ còn mùi hương?...
 
                           Tháng tư, Sài Gòn
                          TRẦN HOÀNG VY
 
 *

Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN” THƠ TRẦN HOÀNG VY 
                                                       Châu Thạch
 
Chỉ cần đọc “Một Hôm Chợt Nhớ Sài Gòn” thì những cảm xúc dâng tràn trong tâm hồn tôi rồi. Tựa đề bài thơ đã là môt câu thơ bình dị, nhưng hiên hữu ngay trong tôi cả một khung trời yêu thương dẫy đầy kỷ niệm. “Sài Gòn ơi, ta nhớ người trong cuộc đời!”
 
Khổ thơ đầu tiên cho tôi thấy lại những tà áo của “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát” năm xưa:                    
 
Một hôm chợt nhớ... con đường                    
Năm xưa, trưa nắng tan trường em đi                         
Giòn vang tiếng guốc xuân thì                   
Áo bay cánh trắng nhu mì nón che
 
 “Một hôm chợt nhớ…” không phải là nhớ hoài. Nhớ hoài nhớ mãi chỉ là một cách nói. Một hôm chợt nhớ là cách nói thật của lòng mình. Cuộc sống xô bồ đâu cho ta có thì giờ đề nhớ. Một hôm chợt nhớ mới là cái nhớ làm cho ta tỉnh thức, và chỉ cần “Một hôm chợt nhớ…” đủ diễn đạt nối nhớ bất chợt tràn vào tâm hồn ta với biết bao hoài niệm thân thương về một quá khứ dầu vui dầu buồn cũng vẫn vàng son trong đời.
 
 “Giòn tan tiếng guốc xuân thì/ Áo bay cánh trắng nhu mì nón che” tức thì cho ta liên nghĩ đến bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” của Nguyên Sa mà môt thời quá khứ người ta yêu mến nó: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặt áo lụa Hà Đông”. Thời đó chúng tôi yêu bài thơ Áo Lụa Hà Đông bao nhiêu thì bây giờ chúng tôi yêu câu thơ “Áo bay cánh trắng nhu mì nón che” bấy nhiêu vì trong câu thơ nầy có áo lụa Hà Đông và biêt bao tà áo khác của Sài Gòn thiếu nữ năm xưa.
 
Sài Gòn năm xưa là hoa lệ, Sài Gòn năm xưa là Hòn Ngọc Viễn Đông, là đô thành, là chốn đèn màu, là chốn ăn chơi, nhưng tác giả không nhớ những điều đó. Nhà thơ chỉ nhớ vỉa hè với những món ăn bình dân và những rạp chiếu phim bình thường cho cọng đồng thuở ấy:                      
 
Một hôm chợt nhớ vỉa hè                     
Bột chiên, bò bía, chén chè, ly kem...                           
Là khi tôi chợt nhớ em                     
Bộ phim rạp Rex, Eden... đượm tình!
 
Khổ thơ cũng bình thường như ly kem năm xưa, như chén chè năm xưa của một công nhân, của một chàng học sinh, sinh viên hay của bất kỳ người dân nào của Sài Gòn một thời chưa bị đổi tên. Thế nhưng, khổ thơ tự nhiên thẩm thấu vào lòng ta biết bao hương vị đậm đà mà ta nhớ mãi trong đời với vô biên yêu thương, vô vàn quyến luyến của một thời tưởng như ở cõi Thiên Đàng trong tâm tưởng mà ta chẳng bao giờ có lại.
 
Thế rồi từ con đường, từ chén chè, từ rạp chiếu phim nhà thơ nhắc đến tình yêu, thứ tình yêu của thuở vừa mới lớn,                  
 
Con đường với hàng me xinh                 
Một trưa bất chợt ve thình lình vang                  
Nụ hôn vội vội, vàng vàng                  
Ghế công viên, phút mơ màng chợt qua?
 
Nhớ đến tình yêu thì dòng sông ký ức chuyên chở về biết bao nhiêu kỷ niệm, kỷ niệm từ chiếc xe  chuyên chở công cộng Lambretta thời ấy, đến những địa danh, đến con đường chính Bornard của  phố Bến Thành thời xưa, đến tiếng chim gù nơi thư viện của môt thời sinh viên  yêu đương hò hẹn:                    
 
Nhớ Sài Gòn, Lambretta...                   
Tiếng xe quyện khói đường ra Bạch Đằng                           
Hàng Xanh, cư xá mưa giăng                    
Nhớ Sài Gòn, Thảo cầm viên... chung dù                       
 
Phố Bonard, đường Nguyễn Du                    
Hàng hiên thư viện, tiếng gù chim câu                         
Dìu nhau ý hợp tâm đầu                    
Sài Gòn hò hẹn, lâu lâu Bến Thành...
 
Có lẽ ai chưa từng ở Sài Gòn năm xưa thì không cảm động mấy với hai khổ thơ nầy. Ngược lại ai từng ở Sài Gòn năm xưa, nhất là ở đó trong thời tuổi trẻ thì từng hình ảnh, từng địa danh trong thơ đã gắn sâu trong ký ức, khiến cho mỗi câu thơ đem đến cho ta một khung trời kỷ niệm, một vùng trời yêu thương và một nỗi niềm thương nhớ. Cái còn chưa chắc sẽ còn một ngày nào đó, nhưng cái mất đi mà ta yêu quý mới là cái còn mãi trong đời.
 
Bài thơ hay nhất ở một niềm mơ uớc thời trai trẻ. Niềm mơ ước ấy đẹp biết bao, thấm thía biết bao mã mỗi chưng ta ai có niềm mơ ước ấy, cứ mỗi lần nhớ lại thì một bầu trời êm đềm với màu sắc, với âm thanh êm ái hình nhứ tái hiện trong hồn, cho dầu ta ở bất cứ lứa tuổi nào đi nữa:                          
 
Nhớ đêm đèn đỏ, đèn xanh                            
Đêm màu hồng ước ta thành phu thê?                                       
Rước dâu xe ngựa Thị Nghè                            
Qua Văn Khoa chợt lòng nghe mơ màng
 
Đêm màu hồng mơ ước được kết hôn cùng nàng, xe rước dâu đi qua vùng đất Thị Nghè, nơi có trường đại học Văn Khoa trên đường Cường Để. Có hàng ngàn ước mơ như thế, có hàng vạn bức tranh rước dâu như thế ấp ũ trong lòng những chàng sinh viên Văn Khoa, Luật khoa, Nông Lâm Súc…của  thuở ấy, của các chàng trai có trường học trong vùng  Thị Nghè hay vùng gần đó. Bức tranh nào ở đây cũng đẹp, cũng thơ, cũng mơ đến thắm thiết vô cùng. 
 
Tất nhiên ước mơ không thành. Ước mơ mà thành thì khó thành thơ. Ước mơ không thành đem vào lòng mỗi chúng ta nỗi nhớ lưu ly, cho ta hương thơm vĩnh hằng, và cho thơ những vần tuyệt mỹ mà không cần gắn chữ kim cương, chỉ cần gắn tên các địa danh vào đó như tác giả đã làm, đủ cho mỗi chứng ta thấy lòng mình thổn thức!
 
Thế rồi, cuối cùng nhà thơ thu gọn một thời Sài Gòn trong các cụm từ “lang thang”“gác trọ”, mưa và chiếc lá che mưa cầm trên tay. Những cụm từ nầy đủ nói lên tất cả, cho ta nhớ đến bài ca “Lời Buồn Thánh” của Trịnh Công Sơn: “Chiều chủ nhật buồn/Nằm trong căn gác đìu hiu/Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/Trời mưa, trời mưa không dứt/Ô hay mình vẫn cô liêu”, cho ta nhớ đến rất nhiều bài thơ, bài hát về một Sài Gòn năm xưa với vô vàn hình ảnh vui, buồn, đẹp và thân yêu đọng trong hồn ta mãi mãi: 

Sài Gòn thuở bước lang thang                                                Trót thương gác trọ đêm vàng vọt đau                         
Lăn theo từng giọt mưa mau                        
Trên tay chiếc lá mùa sau biết còn?    
                     
Một hôm chợt nhớ Sài Gòn                         
Sài Gòn... đi mất chỉ còn mùi hương?... 
 
Hai câu thơ “Một hôm chợt nhớ Sài Gòn/ Sài Gòn…đi mất chỉ còn mùi hương?...” khô khan biết bao, khô khan không có một giọt lệ, không có một tiếng thở ra nuối tiếc, như một cái bấm bất ngờ tắt hình ảnh trên màn hình, và bóng tối hiện lên trên đó, người xem ấm ức trong lòng, bỏ đi mà vẫn trông chờ được xem tiếp, một sự trông chờ vô vọng. Hai câu thơ hàm chứa tất cả hụt hẫng, cho ta sự nhói đau như nhói đau của một vết thương lòng chẳng bao giờ lành được!
 
Nhà thơ Trần Hoàng Vy, một thi nhân có từ thời Sài Gòn chưa đổi tên, cho đên sau Sài Gòn đổi tên, nhà thơ vẫn còn được bạn đọc, bạn thơ ái mộ, yêu mến trên thi đàn. Tôi biết nhà thơ đã lâu,  từ khi vườn ươm văn thơ Đất Đứng - Tây Ninh của nhà văn La Ngạc Thụy trồng bút danh tôi vào đó. Như thế đủ biết rằng thơ hay của ông không chỉ là bài thơ nầy mà còn rất nhiều bài thơ khác nữa. Sở dĩ tôi chọn bài này để viết vì tôi không viết cho người có danh, bởi người có danh nhiều đến trăm, vì tôi cũng không viết cho thơ hay, bởi vì thơ hay nhiều đến ngàn, mà tôi chỉ viết cho tôi, cho những bài thơ của bất kỳ ai đem đến cho quả tim tôi sự quyến luyến không dời chân đi được. 
 
Sáng hôm nay, tôi được hạnh ngộ với “Một Hôm Chợt Nhớ Sài Gòn” của nhà thơ Trần Hoàng Vy cũng giống như Nguyên Sa năm xưa ngồi ở một quán cà phê nào đó, thấy tà áo em làm rợp mát cả Sài Gòn. Bài thơ của nhà thơ Trần Hoàng Vy không là một tà áo, là một bài thơ đã làm rợp mát cả Sài Gòn kỷ niệm trong tôi, cho tôi quay về thời tuổi trẻ đầy ứ mộng mơ và cho tôi những phút giây được sống lại trong Thiên Đàng quá khứ. Tôi thấy lại cả Sài Gòn năm xưa trong trong thơ Trần Hoàng Vy!
 
                                                   Châu Thạch
                                             Đà Nẵng 15/5/2021
 
READ MORE - ĐỌC “MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN” THƠ TRẦN HOÀNG VY - Châu Thạch

MÙA HẠ BẮT ĐẦU – Thơ Tịnh Bình

 
             Nhà thơ Tịnh Bình


MÙA HẠ BẮT ĐẦU
 
Khi những bầy mưa sầm sập đến và đi
Cọng gió run run hơi thở gấp
Ở đâu đó mùa hạ đã bắt đầu...
 
Ngày dậy sớm như thể chờ đợi điều gì
Trong góc tối đã kịp loang vệt sáng
Màu mặt trời nhưng nhức
Bầy chim câu ồn ã gọi nhau trước ban mai rực rỡ
Vang lên lời ca trầm buồn chợt trở nên phù phiếm...
 
Mùa hạ bắt đầu
Đừng đánh thức lũ hoa loa kèn
chưa kịp sinh sôi
Ta ngoái lại phía cuối con đường
Mọc lên chi chít giọt sương mai
Lặng lẽ ánh nhìn tan vào xa ngái...
 
                               TỊNH BÌNH
                                 (Tây Ninh)

READ MORE - MÙA HẠ BẮT ĐẦU – Thơ Tịnh Bình

"DẤU ẤN THƯỢNG CHÂU THỔ" TRONG NHÀ NGHIÊN CỨU TUỔI 25 - Bảo Bình

 

'Dấu ấn thượng châu thổ' 

trong nhà nghiên cứu tuổi 25

Bảo Bình

Nguồn: Báo Thể Thao Văn Hóa, thethaovanhoa.vn,Thứ Hai, 10/05/2021.

 

 Đây không phải là cuốn sách thuần túy giới thiệu về văn hóa của một vùng đất như kiểu địa phương chí thông thường, mà là một tập nghiên cứu dày dặn, có bề sâu, bộc lộ tư chất của một người có nền tảng học thuật và nghiên cứu bài bản. Dấu ấn thượng châu thổ do NXB Tổng hợp phát hành vào quý I năm 2021.

Cuốn khảo cứu Tranh tường Khmer Nam bộ (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Huỳnh Thanh Bình gần như lần đầu tiên chạm ngõ một địa hạt tiêu biểu, thú vị. Tuy chủ đề khá chuyên sâu, nhưng cách viết lại gần gũi với nhiều đối tượng độc giả, đây là một điểm mạnh của cuốn sách.

Tác giả trẻ Vĩnh Thông đã bỏ ra hơn 10 năm trời vừa đi thực địa, ghi chép vừa đọc tài liệu, sử liệu khá kỹ trước khi cho ra đời công trình nghiên cứu này.

Sẽ không ít người bất ngờ khi khi lần đầu cầm trên tay cuốn sách khảo cứu về văn hóa vùng thượng châu thổ Cửu Long - An Giang. Bất ngờ vì tác giả mới chỉ 25 tuổi, và có nhiều bài viết trong này đã đăng tạp chí đầu ngành từ 9 năm về trước, khi đó Vĩnh Thông mới chỉ là một học sinh lớp 9.

Một vùng đất nhiều giao thoa về văn hóa

An Giang là một vùng đất khá đặc biệt cả về điều kiện tự nhiên lẫn bề dày văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây hội tụ cả núi rừng, sông rạch, đồng trũng, biên giới… và là nơi sinh sống của các tộc người Việt, Khmer, Chăm, Hoa… Chính vì là nơi sinh sống và giao lưu thường xuyên trong mấy trăm năm lịch sử nên đến nay, vùng đất này có những hoà trộn đặc thù về mọi mặt trong đời sống văn hóa mà khó có vùng đất nào ở Tây Nam Bộ có được.


Bìa sách “Dấu ấn thượng châu thổ”

Sách Dấu ấn thượng châu thổ chia làm 4 phần: Địa danh và nhân vật, Tín ngưỡng - tôn giáo, Đời sống và sinh hoạt, Tản mạn dọc đường. Trong đó, 3 phần đầu như 3 mảnh ghép của 1 tấm gương phản chiếu chiều sâu muôn mặt của văn hóa ở vùng thượng châu thổ này.

Trên cơ sở những cứ liệu thu thập được, tác giả đã sử dụng phương pháp tầm nguyên và phân tích trên tư duy phản biện để nhận dạng, phân loại những nguyên gốc của các hiện hữu vốn đang hoà trộn với nhau để hình thành nên sự phức tạp và phong phú của văn hóa nơi đây. Chẳng hạn như khi nghiên cứu về pho tượng Bà Chúa Xứ núi Sam, tác giả đã chỉ ra những nghi vấn và nghịch lý trong các huyền thuyết cho rằng đây là 1 tượng nữ thần trong khi xét về cấu tạo nguồn gốc lịch sử thì đây rõ ràng là một tượng nam thần và đó có thể là thần Shiva trong văn hóa Ấn giáo.

Ở trên chỉ là một ví dụ căn bản cho thấy với vùng đất này, nhiều hiện vật, hiện trạng văn hóa tồn tại trước kia đang dần biến đổi. Tác giả chỉ ra những điều đó không nhằm làm xáo trộn hiện trạng vốn có mà chỉ như chụp cắt lớp (CT) một cổ vật vô hình, nếu thờ ơ sẽ bị thời gian phủ rêu, khó nhận dạng. Như chính tác giả này nhận định: “Làm rõ diện mạo, đặc trưng, bản chất… là những mục tiêu cơ bản của nghiên cứu văn hóa, song mục đích sau cùng là đúc kết được những quy luật vận hành chung của văn hóa. Tiếp cận văn hóa không chỉ đơn thuần dựa trên những đặc điểm hiển thị bên ngoài (phần nổi), mà cần diễn giải những thông điệp ẩn thị bên trong (phần chìm)”.


Vĩnh Thông khi đi thực địa, nghiên cứu ở An Giang

Có thể nói, cuốn sách như một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm đưa người đọc đi dọc vùng thượng châu thổi, ngược về lịch sử hoang sơ cách đây hơn 300 năm của nó. Thậm chí, người hướng dẫn viên ấy thi thoảng, đứng lại, kể cho du khách, những góc khuất của lịch sử mà ít ai biết được. Như chuyện người đầu tiên ở An Giang bị Pháp xử chém, đó là chí sĩ yêu nước Nguyễn Phước Thứ. Hay chuyện kỳ tác của văn học miền Nam xưa Kim cổ Kỳ Quan bị lãng quên đến khó hiểu… Từng chuyện như thế, đang dần làm hiển thị một bức tranh tổng quan về văn hóa của vùng đất này.

Một cây bút đa năng và nhiều triển vọng

Vĩnh Thông là cây viết có lẽ không còn xa lạ trong giới văn chương trẻ trên cả nước. Dù mới chỉ 25 tuổi, nhưng anh đã có cho mình một bộ sưu tập tác phẩm khá dày dặn với 8 đầu sách. Trong đó có 3 tập thơ, 2 tập truyện ngắn, 1 tập tùy bút và 2 tập du khảo, nghiên cứu.

Từ những năm học trung học cơ sở, tác giả trẻ này đã có thơ và nghiên cứu xuất hiện trên các báo trung ương. Điều này làm dấy lên nghi vấn có người mượn tên Vĩnh Thông để thổi tác phẩm. Vượt qua những nghi vấn ấy, Vĩnh Thông đều đặn hằng năm công bố các tác phẩm mới và giành được nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi sáng tác văn chương.

Tốt nghiệp cử nhân ngành văn hóa học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM rồi về lại An Giang, Vĩnh Thông dường như mỗi ngày một chuyên nghiệp hóa hơn trên con đường nghiên cứu văn hóa vùng sông nước trù phú phía Nam của Tổ quốc.

Với những gì mà Vĩnh Thông đã và đang trình làng, bạn đọc hoàn toàn có quyền tin vào tương lai của một cây viết đa năng và còn rất trẻ này.

Bảo Bình

READ MORE - "DẤU ẤN THƯỢNG CHÂU THỔ" TRONG NHÀ NGHIÊN CỨU TUỔI 25 - Bảo Bình