Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 23, 2022

VỌNG TƯỞNG - Thơ Phong Nguyễn

 

Nhà thơ Phong Nguyễn



VỌNG TƯỞNG
Phong Nguyễn

Em gom nắng
giấu trên cành
lụy đông
nên mãi
loanh quanh ta tìm,
tội chưa
vạt nắng ngủ im
sao em ác thế một miền cô đơn.

Em xua gió
giấu bên cồn
mặc cơn
sóng lặn
nỡ dồn chân đê,
con thuyền
ngủ nán bến quê
lữ khách ta lỡ, biết về đâu đây.

Em mang mưa
giấu bên này
để bên
kia đó
cuồng say lắm rồi,
mắt cay
đắng giọt lệ đời
ta tay ôm trắng, đành rơi cuộc tình.

12-12-2016

READ MORE - VỌNG TƯỞNG - Thơ Phong Nguyễn

NGỤ NGÔN AESOP TẬP 8 - Người dịch Đinh Hoa Lư

 


 

CHUYỆN CÔ GÁI VẮT SỮA VÀ CÁI CHUM

 

 Cô gái vắt sữa đang trên đường từ nông trại về nhà. Trên đầu cô còn đội một chiếc cái bình láng bóng, bên trong đựng đầy sữa cô mới vắt xong. Bình sữa nằm yên theo bước chân nhịp nhàng, cân đối của cô. Nàng vừa bước vừa suy tính về nhiều kế hoạch huy hoàng cho ngày mai...

 

- Này nghe! với loại sữa tốt như thế mình mặc sức mà đánh ra kem. Xong mình sẽ có bơ để mình tha hồ mà ra chợ bán.

 

Có được mớ tiền kha khá rồi mình sẽ mua mớ trứng về ấp. Ôi! biết bao nhiêu là con gà con xinh xắn; chúng sẽ nở đầy sân nhà mình.

 

Chưa hết đâu! mình đợi  đến ngày Lễ tháng Năm này, mình sẽ bán bầy gà đi để mua một bộ váy thật đẹp. Mình sẽ bận bộ váy xinh đẹp này vào ngày Hội Chợ của Làng.

 

Ngày đó sẽ có nhiều chàng trai tới gắm ghé rồi chết mê chết mệt ngắm mình. Mấy chàng sẽ tới thật gần mình cùng ra sức tán tỉnh; nhưng cuối cùng mình sẽ khéo léo từ chối hết ...”

 

Đang miên man suy tính, ỏng ẹo  với dòng suy nghĩ của nàng, không may cô vấp chân làm bình sữa đang đội trên đầu chao đảo, cuối cùng rơi tòm xuống đất!!!

 

Ôi thôi! bao nhiêu sữa của cô gái đổ lai láng trên mặt đất. Thế là tan tành giấc mộng làm bơ, mua trứng, ấp gà, mua váy mới, cùng tan luôn sự đỏng đảnh, kiêu sa trong 'giấc mơ ngày' của cô vắt sữa ./.

 

LỜI BÀN

 

*KHOAN VỘI ĐẾM  GÀ TRƯỚC KHI TRỨNG NỞ. 

* CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ  ĐÃ ĐE  HÀNG  TỔNG. 

* CHƯA ĐI  KHOAN  CHẠY

 

*** 

 


 ĐẠI HỘI MUÔN THÚ

 

Thưở khai thiên lập địa, muôn thú còn nói chuyện được với nhau thì không may có một trận ĐẠI DỊCH ập đến.

 Muôn thú chết nhiều quá do không còn cái gì để ăn cả. Chúng lang thang vất vưởng đó đây. Lúc này Cáo Chúa khó lòng tìm ra con gà mập mạp hay Ngài Sói cũng khó lòng kiếm ra con cừu non nào cho vừa miệng?

Bấy giờ SƯ TỬ, là chúa mọi loài, quyết định triệu tập đại hội các loài thú lại và phán:

-Các khanh thân mến, ta tin rằng Thượng Đế đã phái một trận ĐẠI DỊCH xuống trần gian để trừng phạt chúng ta do chúng ta đã phạm nhiều tội lỗi đối với Người. Trong Đại Hội này sẽ tìm ra ai là người nhiều tội lỗi nhất thì đem ra TẾ TRỜI hòng mong Ngài xá tội cho chúng ta.

Sư Tử tiếp:

-Ta sẽ tự khai tội lỗi của ta trước tiên. Ta thừa nhận với các khanh rằng ta là kẻ nhiều tội lỗi nhất. Do ta quá tham ăn. Ta từng ăn không biết cơ man nào là cừu lúc chúng chẳng làm hại gì ta cả? Ta ăn cả dê bò nai nữa. Ta thú nhận có lúc ta còn ăn luôn cả những kẻ chăn cừu.

-Giờ đây ta là kẻ nhiều tội nhất. Ta sẵn sàng hi sinh. Nhưng ta cho rằng trước khi ta đền tội thì mọi loài phải lần lượt bước ra tự khai tội của mình để Đại HỘi phán xét ai là kẻ nhiều tội nhất mới được.

CÁO  bước ra tâu:

-Tâu bệ hạ, ngài thật quá lương hảo. Tại sao lại cho là tội khi ngài phải ăn cừu? Ai nói tội lỗi như vậy quả là đần độn. PHải vinh hạnh lắm và đại phước mới được ngài Ngự Thiện. Bệ Hạ đã ban phước cho kẻ nào được ngài xơi mới đúng.

 

CÁO lại nịnh tiếp:

-Còn kẻ chăn cừu cũng vậy Bệ Hạ sao quá quan tâm? chúng ta đây ai nấy đều thừa nhận rằng mọi loài đều đua nhau để cống hiến cho ngài mà.

 

Mọi thú đều vỗ tay reo hò cho Cáo nói quá đúng và quá hay! Rồi lần lượt đến CỌP, GẤU, SÓI cùng nhiều thú khác, chúng đều tự cho là có tội nhất?! Nhưng cuối cùng, con nào cũng 'trong sạch thánh thiện' như thần thánh và hoàn toàn 'vô tội', rồi cuối cùng bầy thú nịnh bợ đó lại được miễn tội hết thảy?!

Cuối hết, có một CHÚ LỪA ngu ngơ bước ra:

-Ta nhớ lại ...

Lừa vừa ngậm ngùi vừa hối hận kể tiếp:

-Có bữa ta bước qua cánh đồng cỏ của các vị tu sĩ. Cỏ non quá khiến ta không cầm lòng được nên gặm một mớ. Ta thật đáng tội do ta không có quyền được ăn thứ cỏ đó. Ta thừa nhận...

Lừa nói chưa dứt câu thì cả Đại Hội đều nhao nhao lên ngắt lời:

-Đây mới chính là THỦ PHẠM. Hắn là kẻ đem sự TRỪNG PHẠT tới cho chúng ta. Thật là một 'tội ác kinh hoàng' khi hắn dám ăn ...CỎ thuộc quyền người khác? Tội này bất cứ ai cũng đáng treo cổ huống gì là ...lừa?

 

Lập tức toàn thể Đại Hội Tòa Án kia đều đồng ý kết tội cho LỪA.

Sói là đứa xung phong đứng ra kết liễu đời LỪA để cúng Trời; nhưng buổi lễ chẳng cần Nghi Thức Tế Cúng gì ráo?

 

LỜI BÀN

* NGU CŨNG CHẾT DẠI CŨNG CHẾT CHỈ CÓ BIẾT THÌ KHÔNG

* KẺ NGU NGƠ THƯỜNG LÀM NẠN NHÂN CHO BỌN ÁC

KẺ SỨC YẾU THẾ CÔ THƯỜNG THƯỜNG LÀM VẬT HI SINH CHO KẺ ÁC VÀ LẮM QUYỀN LỰC

*  CÁ LỚN NUỐT CÁ BÉ

 

 

 


CHUYỆN LÃO CHIÊM TINH 

 

Xưa lắm rồi có một Lão Chiêm Tinh. Ông ta rất tự hào về tài thiên văn của mình do đoán được vận mạng của các vì sao trên trời và tự phong cho lão là CHIÊM TINH tài ba quán chúng.

 

Hằng đêm Lão chiêm tinh này bỏ hết thì giờ ngắm lên bầu trời mà thôi.

 

Một buổi tối nọ, Lão đi bách bộ dọc theo con đường chính trong làng. Mắt lão chằm chặp dán lên bầu trời ngắm hết vì sao này sang vì sao nọ... Lúc đó Lão Chiêm Tinh tưởng chừng như vận mệnh của thế giới và vũ trụ này nằm trong tay Lão không bằng? Thình lình Lão bước hụt chân rơi xuống một cái hố đầy bùn.

 

Lão Chiêm Tinh la toáng lên, hoảng hốt. Chân tay Lão bấu víu khắp thành hố nhưng bùn trơn trợt quá khiến Lão không tài nào lên được?!

 

Nghe tiếng ông già kêu van bà con dân làng lật đật chạy đến.

 

Kéo giúp Lão Chiêm Tinh lên xong, một người trong làng mới mỉa mai:

 

-Này Lão? Nghe lão đoán được tương lai vận số tất cả vì sao trên trời thế mà cái trước chân Lão cũng không hề biết trước được thế là làm sao?

 

Tai nạn này cũng dạy cho Lão một bài học đó. Hãy lo chuyện trước mắt đã, còn tương lai của vũ trụ này thì để tự nó liệu lấy.

 

Một người khác phụ hoạ:

 

- Bài học này thật đáng cho ông! Ông cứ lo chuyện trời đất, vu vơ, trong khi ông chẳng hề biết chi chuyện trong làng này cả?

 

LỜI BÀN 

- CHÚNG TA HÃY CHĂM NOM NHỮNG ĐIỀU THỰC TẾ DÙ NHỎ NHẶT TRƯỚC MẮT MÌNH TRƯỚC. 

- CHỚ LO CHUYỆN BAO ĐỒNG

 

***

 

 


GÀ TRỐNG TINH KHÔN 

VÀ CON CÁO QUỶ QUYỆT 

 

Một buổi chiều vàng khi ánh dương rực rỡ từ từ lặn dần trên mặt đất. Có một Bác Gà trống già đậu trên cành cao đập cánh ba lần và cất tiếng gáy vang một hồi cuối trước khi đi ngủ. Nhưng vừa định dấu đầu vào đôi cánh để tìm giấc ngủ thì hai con mắt tròn xoe của Gà chợt bắt gặp cái gì đó màu đỏ, rồi cái mũi dài của Con Cáo Tinh Ranh xuất hiện dưới gốc cây.

 

-Chào Bác Gà! Bác có nghe tin gì chưa? Một nguồn tin rất vui bác ạ!

 

Con Cáo quỷ quyệt dưới gốc cây, hắn đang cố gắng dùng giọng điệu thật vui và đầy hào hứng nói cho Gà nghe.

 

-Tin gì thế chú Cáo?

 

Gà giữ vẻ bình thản hỏi Cáo nhưng trong lòng Gà hết sức nghi ngờ? Như bạn biết đó loài gà xưa nay ngán sợ loài cáo vô cùng.

 

-À gia đình bác và gia đình cháu đây cũng như tất cả mọi loài khác hiện nay đã đi đến một quyết định là bỏ qua tất cả dị biệt để cùng sống chung hòa bình trong tình thân hữu ngay hôm nay và mãi mãi về sau bác gà ạ. Hãy đón mừng tin mới này đi bác. Cháu rất nóng lòng muốn ôm hôn bác một cái đây nè! Xuống đi bác, hãy xuống đây rồi chúng ta cùng vui đón một biến cố vĩ đại này.

 

-Ồ thật là một sự kiện quá lớn! ta thật vui mừng khi nghe tin này...

 

Chợt giọng Bác Gà nghe có vẻ lạc đi...   Gà cố rướn chân lên cao hướng về phía xa hình như có bóng ai đang tiến tới gần?

 

-Bác thấy gì đằng đó Bác Gà?

 

 Cáo hỏi, giọng hơi nghi ngại.

 

-Phải không ta? Hình như có hai BÁC CHÓ đang đi về hướng này? Có thể họ cũng nghe được tin vui này và...

 

Bác Gà chưa nói hết câu thì con Cáo ranh ma kia dợm chân bỏ chạy.

 

-Ủa sao chú lại chạy? Hai Bác Chó giờ này theo lời chú mày đều LÀ BẠN của chúng ta cả mà?

 

-Vâng! vâng! Bác nói đúng...

 

 Cáo run giọng trả lời một cách đau khổ...

 

-Nhưng có thể hai bác chó đó chưa nghe được tin này. Ngoài ra cháu...cháu phải đi gấp, cháu chợt nhớ đã quên vài việc phải làm GẤP  Bác Gà ạ.

 

Gà cười nhạt. Giờ đây Bác mới an lòng dấu cái đầu vào bộ lông ấm áp để ngủ sau khi thắng con Cáo quỷ quyệt kia một keo./.

 

LỜI BÀN 

-Vỏ quít dày có móng tay nhọn

-Kẻ cắp gặp bà già

-Lường gặp Láo

 

  


 CHUYỆN CÂY SỒI VÀ ĐÁM CỎ LAU

 

Có cây Sồi to lớn mọc cạnh bờ suối gần đó có đám cỏ Lau mềm mại xanh tốt. Mỗi lúc gió thổi Sồi ta vẫn hiên ngang cùng hàng trăm cành lá đứng yên không hề hấn gì riêng đám Lau thì cong mình xuống mà hát điệu ca buồn thảm.

 

Thấy thế Sồi ta mới lên tiếng mỉa mai:

 

-Thứ Lau nhà ngươi phải có lý do mà ta thán đó chứ!? Gió mới gợn mặt nước thôi mà các ngươi đã cúi rạp đầu xuống rồi. Xem ta này! Một cây Sồi uy dũng, bất chấp gió có thét gào cỡ nào ta vẫn luôn đứng thẳng vững vàng.

 

Đám Lau bình thản trả lời:

 

-Chớ lo cho chúng tôi bác Sồi ơi! Gió chẳng bao giờ hại được chúng tôi đâu. Chúng tôi uốn người trước Gió đó là chúng tôi không muốn mình bị gãy. Còn bác cứ ỷ vào sức mạnh kháng cự với Gió mãi thì cái kết quả cuối cùng sẽ đến với Bác ngay thôi.

 

Quả thật, đám Lau vừa nói xong thì có trận bão phương bắc thổi về. Bác Sồi cứ theo thói cũ, ưỡn ngực kiêu hãnh chống lại cuồng phong. Lúc này thì đám Lau đã lo cúi rạp người tránh luồng gió dữ lâu rồi.

 

 Gió càng lúc càng mạnh gấp đôi. Chỉ một lúc Bác Sồi to lớn ngã gục nằm vật mình trên đám Lau một cách đáng thương, còn bộ rễ bác Sồi thì bật lên trời trông thật là thảm thiết./.

 

LỜI BÀN 

-Tránh voi chẳng thẹn mặt nào.

-Phải biết lấy nhu chế cương.

-Khi chống cự là điều ngu dại, thì ta nên nhịn, còn hơn là cứ chống càn để rước họa vào thân.            

 

                                    =================

  


 

CON LỪA ĐỘI LỐT SƯ TỬ

 

Có một con lừa ngày nọ thấy bộ da sư tử do một nhóm thợ săn bỏ quên trong rừng nó bèn nghĩ ra một kế vui chơi.

 

Con lừa bận bộ da này vào núp vào trong một bụi rậm. Nó đợi lúc muôn thú đi ngang bèn chạy ra hù doạ. Bầy thú tưởng chúa sơn lâm thật tất cả ngay lập tức đều sợ hãi bỏ chạy trối chết?!

 

Lừa thích chí quá do muôn thú xem nó như chúa sơn lâm thật không bằng? Lừa không nín được do quá khoái chí nên bật kêu lên:

 

-Bờ rê! Bờ rê!

 

Có con cáo chạy sau cùng nghe được tiếng này nó mới hiểu ra đó chỉ là con lừa đội lốt sư tử thôi?!

 

Con Cáo trở lui cười ngất, rồi bảo lừa rằng:

 

Giá như ngươi biết câm cái miệng lại thì ngươi có thể doạ được ta rồi. Nhưng chính cái miệng của ngươi đã làm hỏng chuyện khi tự phát ra cái tiếng be be tức cười kia, biết chưa?

 

Con Lừa nghe thế,  thẹn quá lủi mất./.

 

 

LỜI BÀN 

-MỘT ĐỨA GIAN MANH CÓ THỂ LỪA THIÊN HẠ QUA SẮC PHỤC VÀ DIỆN MẠO BÊN NGOÀI NHƯNG CHÍNH LỜI NOÍ CỦA HẮN MỚI TỎ LỘ CON NGƯỜI THỰC SỰ CỦA HẮN RA SAO. 

-KHOAN VỘI XÉT NGƯỜI QUA BỀ NGOÀI MÀ HÃY ĐỢI HỌ NÓI RA. 

-CHỚ ĐÁNH GIÁ CUỐN SÁCH QUA TRANG BÌA. BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ BIẾT ĐƯỢC GIÁ TRỊ BÊN TRONG CUỐN SÁCH RA SAO NẾU BẠN CHƯA THỬ ĐỌC QUA. 

-KHÔNG PHẢI MỌI THỨ LẤP LÁNH ĐỀU LÀ VÀNG CẢ.

            

NGUỒN
THEO BÓNG THỜI GIAN 
Website của tác giả Đinh Hoa Lư
READ MORE - NGỤ NGÔN AESOP TẬP 8 - Người dịch Đinh Hoa Lư

LONG LANH | BẾN SÔNG XUÂN | THEO ANH VỀ ĐI EM | BẠN ĐÃ LÀM GÌ CHƯA? | TRONG BÓNG ĐÊM YÊN TĨNH - Thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng


Long lanh


Sáng nay trời hóa dòng sông  

Đong đưa tiếng hát lộng trong đất trời

Xuân sang trong tiếng ai cười

Long lanh như tiếng của người… long lanh

                                                             10/86



Bến sông xuân


Dòng sông chở mùa xuân trở lại

Ngợp đôi bờ, hoa nở từ lâu

Trời! bến nước biết bao cô gái

Đem mùa xuân phơi trắng chân cầu

                                           11/91


Theo anh về đi em


Về cùng anh nghe em

Tháng ba mùa lễ hội

Mùa nắng non bổi hổi

Rượu cần đang lên men


Tiếng chiêng ngân lên rồi

Lòng anh như lữa cháy

Vòng xoang đang vờn vẫy

Bùng lên nhịp núi đồi


Cánh chim phí lượn chao

Rừng bình yên trở lại

Cho từng đôi trai gái

Say đắm hát bên nhau


Về thăm suối thăm rừng

Hồ Tà Đùng kỳ vỹ

Thác Đray Sáp kiều mị

Thác Trinh nữ ngập ngừng


Cầu vồng trên Đắk G’lun

Trói buột đời nhau đấy

Nếu mà em muốn vậy

Theo anh về nghe em



Bạn đã làm gì chưa?


Trong mùa đại dịch

Lên tiếng cảm thông với những phận người

cuốc nắng cày mưa


Chấp hành nghiêm quy định chung cách ly,

giãn cách thì tốt rồi

Nhưng cần lắm một việc làm hữu ích

Ta đã làm gì, cả bạn và tôi?



Trong bóng đêm yên tĩnh


Dãy phố dài, khê đọng trầm ngâm

Giữa mùa giãn cách


Người công nhân quyét dọn âm thầm

Xe chở rác cũng khác mọi ngày, đi chầm chậm

Hình như cách ly rồi, các loại rác cũng nhiều hơn


Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - LONG LANH | BẾN SÔNG XUÂN | THEO ANH VỀ ĐI EM | BẠN ĐÃ LÀM GÌ CHƯA? | TRONG BÓNG ĐÊM YÊN TĨNH - Thơ Lê Thanh Hùng

BÀI THƠ “PHIÊN CHỢ DÀO SAN” CỦA TRƯƠNG HỮU THIÊM - Đặng Xuân Xuyến

  

Hình từ Báo Pháp luật Việt Nam

PHIÊN CHỢ DÀO SAN

.

Vó câu khua rầm rập

Nhạc dập dồn lưng mây

Trai mười mường phầm phập

Gái chín bản phây phây.

.

Có vợ, đem theo vợ

Có chồng, rủ cả chồng

Chẳng có cứ đến chợ

Sẽ gặp người đi không.

.

Bát này rồi bát nữa

Rượu đầy như tình đầy

Vòng xoè làm bằng lửa

Tiếng đàn cháy trên dây.

.

Uống như chưa từng uống

Người say, núi cũng say

Bạn từ lưng trời xuống

Chân dính đầy mây bay.

.

Tiếng người xen tiếng lá

Tiếng lá lẫn tiếng chim

Tiếng chim chen tiếng đá

Tiếng đá hoà tiếng tim.

.

Áo bên hoa sặc sỡ

Khèn theo gió véo von

Thề nguyền trao giữa chợ

Nỗi niềm gửi lên non.

.

Họp ở trong không đủ

Thì kéo nhau ra đường

Ngựa hí dồn giục chủ

Lưng đầm đìa hơi sương.

.

Mật ong và thổ cẩm

Thuốc bắc và chè san

Thay vì làm tính nhẩm

Nhặt đá xếp lên bàn.

.

Đã bán, rẻ cũng bán

Đã mua, đắt cũng mua

Bán như là giời bán

Mua như là vua mua.

.

Ăn, ăn toàn thắng cố

Uống, uống toàn rượu ngô

Uống đến khi rượu đổ

Người đứng ngủ dưới ô.

.

Mỗi năm mười hai tháng

Mỗi tháng có bốn phiên

Suốt từ ba giờ sáng

Náo nức một vùng biên.

*

Sớm mai leo ngược dốc

Trở lại với non ngàn

Lòng như hòn đá hộc

Lăn xuôi về Dào San...

*.

TRƯƠNG HỮU THIÊM

.

LỜI BÌNH:

Bài thơ "Phiên chợ Dào San" của nhà thơ Trương Hữu Thiêm, đã hớp hồn tôi ngay từ những câu thơ đầu. Chất hoang dã đại ngàn đậm đặc trong 4 câu khổ đầu bài thơ đã tạo ấn tượng tức thì:

"Vó câu khua rầm rập

Nhạc dập dồn lưng mây

Trai mười mường phầm phập

Gái chín bản phây phây."

Các cặp từ láy: "rầm rập", "dập dồn", "phầm phập", "phây phây" được nhà thơ Trần Hữu Thiêm sử dụng thật đắc dụng. Chỉ với 20 chữ cho 4 câu thơ, ông đã khiến người đọc như đang chứng kiến những hình ảnh sống động của người của ngựa giữa đại ngàn lộng gió.

Những thước phim thật đẹp, đẹp những nét hào sảng và tráng lệ của miền sơn cước: Một sớm tinh mơ, những vó ngựa từ đỉnh núi cao, cao đến chọc trời "rầm rập" lao xuống phiên chợ Dào San, chợ phiên của người Mông, người Thái, người Dao,... Trên lưng ngựa là các chàng trai cường tráng với nét đẹp phóng khoáng của núi rừng và các cô gái hây hẩy sắc hương bản mường, náo nức về chợ như háo hức về lễ hội tình yêu. Những hình ảnh ấy, những thước phim ấy quyện lấy nhau, hòa vào nhau trong những nét đẹp rất riêng chỉ có ở văn hóa vùng cao Tây Bắc.

Đọc những câu thơ thật hay này tôi chợt nhớ tới những câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn Khôi trong bài thơ "Xóm Cỏ":

"Ta là kẻ lạc loài chán chê Phố Thị

Chàng Nhà Quê mê kéo vó đêm

Thả hồn thơ cùng chị Hằng "tăm" cá

Cánh tay trần "cất" cả ánh trăng lên..."

"Tôi ngẩn ngơ với câu: “Cánh tay trần “cất” cả ánh trăng lên...”.

Nét tài hoa của nhà thơ Nguyễn Khôi ở những câu thơ này là sử dụng câu chữ rất "đắc địa", đặt đúng vị trí, đúng hoàn cảnh, đúng ngữ cảnh, không thể xáo trộn, thay đổi. Ví như câu: "Cánh tay trần "cất" cả ánh trăng lên..." nếu bỏ hoặc thay chữ "trần" bằng một chữ khác thì hình ảnh "cánh tay trần" rất đẹp, gợi nét vạm vỡ, phong trần và đậm đặc chất đàn ông sẽ không còn nữa, câu thơ sẽ thiếu “lửa”, nhạt đi và kém hay. Hoặc nếu thay từ "cất" bằng một từ khác thì câu thơ: “Cánh tay trần “cất” cả ánh trăng lên...” vốn hút hồn người đọc bởi hình ảnh thơ mộng, đẹp phóng khoáng kiểu Chử Đồng Tử an nhiên tự tại giữa bãi Tự Nhiên: “cất” cả ánh trăng lên...” sẽ không còn nữa, câu thơ cũng vì thế mà mất hay, hết duyên." - (Mơ Quê Trong "Xóm Cỏ" Của Nguyễn Khôi" - Đặng Xuân Xuyến)

Trở lại bài thơ "Phiên chợ Dào San" của nhà thơ Trương Hữu Thiêm với 4 câu thơ nối tiếp:

"Có vợ, đem theo vợ

Có chồng, rủ cả chồng

Chẳng có cứ đến chợ

Sẽ gặp người đi không."

Với cách ngắt nhip 2/3 bằng dấu phẩy ở câu "Có vợ, đem theo vợ", "Có chồng, rủ cả chồng" nhà thơ Trương Hữu Thiêm đã nhấn nhá rõ thêm tính thật thà, vô tư của những trai bản gái mường, như minh định bản tính hồn hậu, thuần khiết, chẳng có gì cần phải giấu giếm hay ý tứ bằng những lời xã giao, dối lòng của người Mông, người Thái, người Dao,... Những rủ rê minh bạch ấy, có chủ đích rõ ràng: Đến chợ để mua hàng hóa, để giao lưu bè bạn, để thêm ấm tình lứa đôi.... Có lẽ, đây là nét đặc trưng rất riêng của văn hóa chợ Dào San, chỉ ở vùng Phong Thổ, Lai Châu mới có tập tục độc đáo này.

Những khổ thơ kế tiếp kể về những hoạt động của phiên chợ Dào San với những câu thơ tinh tế, đặc sắc, đẹp như những viên ngọc lấp lánh làm ngẩn ngơ người đọc:

- "Vòng xòe làm bằng lửa

Tiếng đàn cháy trên dây"

- "Bạn từ lưng trời xuống

Chân dính đầy mây bay"

- "Áo bên hoa sặc sỡ

Khèn theo gió véo von

Thề nguyền trao giữa chợ

Nỗi niềm gửi lên non."

- "Ngựa hi dồn giục chủ

Lưng đầm đìa hơi sương",

- "Uống đến khi rượu đổ

Người đứng ngủ dưới ô."...

Những câu thơ đậm nét hương rừng gió núi và đẫm chất trai bản gái mường đẹp mê hồn như thế không phải cứ sống lâu ở miền núi là sẽ viết được mà những câu thơ đấy đã được thẩm thấu, chiết xuất từ hồn thơ thấm đượm hơi thở của núi rừng, từ cách quan sát tinh tế, cách dùng câu chữ độc đáo, sáng tạo của nhà thơ Trương Hữu Thiêm mà trở nên bừng sáng.

Những câu thơ mộc mạc, giản dị mà long lanh trong “Phiên chợ Dào San” đã tạo cảm giác gần gũi, tâm trạng phấn chấn, dẫn dắt người đọc cuốn theo câu chữ bài thơ để háo hức cùng nhà thơ Trương Hữu Thiêm tham dự phiên chợ Dào San.

Sự độc đáo của "Phiên chợ Dào San" còn ở những quan sát tinh tế, những chi tiết rất thực:

"Mật ong và thổ cẩm

Thuốc bắc và chè san

Thay vì làm tính nhẩm

Nhặt đá xếp lên bàn."

Hàng hóa chỉ là những sản phẩm tự cung tự cấp của người dân bản địa: Mật ong, thổ cẩm, thuốc bắc, chè san, rượu ngô, thắng cố... Và người bán người mua cũng rất mộc mạc nét "chân quê" chất phác: "Thay vì làm tính nhẩm / Nhặt đá xếp lên bàn".

Trải dọc bài thơ là những hình ảnh đẹp hào sảng, phóng khoáng tạo những cảm giác hứng khởi, phấn chấn với bạn đọc thì đến khổ thơ này nhà thơ Trương Hữu Thiêm lại làm lắng lòng bạn đọc với những hình ảnh chân thật đến nhoi nhói lòng. Hình ảnh người bán hàng: "Thay vì làm tính nhẩm / Nhặt đá xếp lên bàn" đã găm sâu vào trí nhớ người đọc bởi những hình ảnh độc, lạ mà ám ảnh chỉ có ở "Phiên chợ Dào San".

Khổ thơ cuối khép lại bài thơ với những nốt nhạc trầm nhưng những câu chữ tinh tế đầy thi tứ thi ảnh thấm đẫm chất hương rừng gió núi của "Phiên chợ Dào San" đã kịp găm sâu vào trí nhớ của người đọc khiến người đọc cũng bồi hồi với nhà thơ: “Lòng như hòn đá hộc / Lăn xuôi về Dào San...”.

*.

Hà Nội, 15 tháng 2-2022

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 


READ MORE - BÀI THƠ “PHIÊN CHỢ DÀO SAN” CỦA TRƯƠNG HỮU THIÊM - Đặng Xuân Xuyến