|
Võ Văn Luyến |
1
Đấy là ngôi đền nơi ngã ba. Bao quanh, những bụi tre bị bom
phạt hồi chiến tranh còn trơ lại gốc già lốm đốm giờ đã nảy hàng trăm cây mới
ken thành dải dài thẫm đặc màu diệp lục. Trời chạng vạng, người to gan nhất
làng không dám tới gần. Trẻ con hoang nghịch đem ma đền ra dọa mặt xanh đít
nhái, mấy đứa trắc nết còn phải sợ. Bố tôi thời còn trai trẻ tuần canh đêm gặp
kẻ trộm vặt rượt đuổi nó chạy về phía đền cũng chùn chân. Hư thực chẳng rõ
nhưng nghe gai gai xương sống, chỉ thấy những khi tối trời lũ ma trơi lập lòa
chớp đỏ liên hồi lẫn trong tiếng gió thầm thì hoang dại, cỏ cây nhập nhòa như
hình bóng con người. Nhưng câu chuyện nóng sốt kéo sự quan tâm nhiều hơn lúc
này là sự kiện cô Lựu có bầu. Thế là chuyện ma tha sang chuyện người. Đầu làng
cuối xóm tai nọ chuyển sang tai kia chuyện “cô gái ngoan” lắm tình tiết ly kỳ
hấp dẫn. Thiếu nữ ngủ ngày ắt là lấy ma, vì hiếm thấy ra đường ban ngày ban
mặt. Thằng Đảo bạo trợn, ngắm nghé lân la quanh nhà, thấy Lựu hay vắng lúc tối
trời. Hắn nói đích thị cô ta là ma đầu thai. Thằng Nghị thì dứt khoát đinh đóng
cột:
- Cả làng này ai cũng đen không nhiều thì ít, còn cô ấy
trắng như trứng gà bóc, mắt lại thăm thẳm thế kia. Tui đi nhiều, thấy nhiều bức
tượng đức mẹ đẹp giống Lựu như đúc khuôn. Họ là thần thánh, còn cô rõ văn ràng
là ma sống.
Người làng tôi đa số thất học, nghe hắn nói sấp ngửa thì tin
ngay. Thế rồi chiến tranh bùng nổ, chuyện con – người – ma lại bỏ ngỏ và lãng
quên.
2
Tôi đi học may. Tập sự ngày chỉ mỗi việc xăm khuy đơm cúc.
Rỗi thì pha trà mời khách, điếu đóm giúp thầy. Thầy dạy may của tôi tính cẩn
trọng, trau chuốt từng đường kim múi chỉ. Nếu những tín đồ tử vì đạo thì ông
trọn đời sống chết với nghề. Nó gần với nỗi đam mê cảm hứng của người sáng tạo
nghệ thuật. Những nét hoa văn trên tấm vải được chọn cắt đặt đúng chỗ tôn lên
vẻ duyên dáng người mặc. Qua bàn tay tài nghệ của ông, già trẻ gái trai đến đặt
hàng rất hài lòng. Tất nhiên còn ở lẽ khác, ông biết làm lợi cho khách và khi
cần giúp không tính đến chuyện tiền nong. Khách hàng đến may nhiều vô kể, cũng
có dăm ba người khó tính nhưng không kiệm lời khen. Gần thầy, tôi học được rất
nhiều điều hay và lắng nghe bao chuyện lạ. Nhiều mảnh đời có số phận đặc biệt
tìm đến ông, ngoài may mặc, còn cần đến chia sẻ, cảm thông. Có vị khách quen,
trầm ngâm bên thầy, ngồi kể:
- Anh biết không, sinh ra ở đời, một đứa con hoang không
biết danh tánh, cha mẹ là ai có khi không hình dung ra nỗi đau cụ thể như thế
nào. Còn tôi có họ có tên hẳn hoi buộc phải thay tên đổi họ. Từ Hà ra Nguyễn vì
cần một nấm mồ sống, dân ngụ cư mà. Cái làng tôi nghe hay mà không lương thiện.
Mấy nóc nhà đơn thương độc mã, biết kêu ai. Làm người không xong thì làm ma
vậy.
Tôi làm ma lương thiện – Ngừng một lúc, rồi ra ấm ức dồn nén
bấy nhiêu năm cần trút hết, ông nặng giọng – Đói ra ma cả thôi. Ngày ấy, tôi là
thằng ăn trộm “điệu nghệ” nhất làng nhưng lấy cái lẽ công bằng làm mục đích.
Đối tượng mục kích là nhà giàu, kế đến là bọn cường hào ác bá. Ăn trộm là hình
thức cảnh cáo kẻ ăn trên ngồi trốc mình và để sẻ chia với người bị nợ áo cơm
đẩy vào khốn cùng. Có bữa đến thị sát một nhà nọ, nấp sau khóm môn, chủ nhà ra
tè ướt đầu lẫn tay chân mình mẩy. Nhà khác thì mới đột nhập nhưng bị phát hiện,
chủ nhà hô hoán làm cả xóm đèn đuốc rực trời. Tiên liệu tức thời sẽ khó có lối
thoát, nhanh chân nhờ ngón võ gia truyền, tôi nhờ bồ thóc trên trần nhà mà
thoạt nạn,...
Tôi đã sống những ngày nhạt phèo như thế. Và thật bất ngờ,
Lựu đến cảm hóa tôi. Tình yêu làm đời tôi đổi hướng. Kể ra thì tình yêu bắt đầu
từ phía tôi, còn động lực của Lựu bắt đầu từ lòng vị tha. Thú thực, buổi đầu
lòng tự trọng của thằng con trai trong tôi đã nảy ra nhiều lời cay độc, tục
tằn. Nói toạc ra những điều đã làm vì lẽ gì. Lựu không giận mà ngược lại ngày
càng yêu mến tôi nhiều hơn. Cứ thế, như lửa ngún, nhưng nỗi buồn sớm dập tắt
niềm vui. Đó là chuyện tày trời không chồng mà chửa của Lựu. Cái hố định kiến
ngăn chúng tôi không thể vượt qua nổi. Chính ngôi đền, chỗ an toàn nhất dành
cho chúng tôi thở than chuyện khó ăn khó ở. Sự đời trái ngang, khấn khứa thần
thánh cũng không xoay chuyển được, chỉ mình tự cứu mình thôi.
Nhấp ngụm trà mạn, khuôn mặt hằn gai góc ở ông như giãn ra
và câu chuyện chuyển một cách hào hứng bất ngờ:
- À, suýt quên mấy con ma trơi trời sợ. Thú vị lắm nhé. Mới
đây, tôi đọc được ở một tờ báo người ta đem gói quà. Họ nói đó chính là lũ đom
đóm. Hắn huyền hoặc đời người ghê thế nhưng lại có một đời sống kỳ tuyệt. Mùa
giao cấu là lúc đóm đực bay đi cùng với việc đánh tín hiệu bằng những chớp sáng
liên tục. Đóm cái nhận được, nếu đồng tình, giây phút thần tiên khắc đến và sau
phút ấy, “thăng thiên” luôn. Con đốm cái sống để thực thi thiên chức bảo tồn
nòi giống. Ai bảo tình – yêu – ma – trơi không đáng nói, anh nhỉ?
Nhìn sang ông, tôi nhận ra nụ cười xa xót như bông hoa cuối
mùa vừa tươi lại.
Báo Quảng Trị, số cuối tuần, ra ngày 27/6/1998
VVL