Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 16, 2014

MẸ TÔI - Trà Thanh Lam


         Tác giả Trà Thanh Lam


MẸ TÔI

Mẹ tôi tóc đã hoa râm
Giường kê thấp xuống cho gần đất hơn
Lên đồi ngại bậc dốc trơn
Đi xa sợ té “ tay vươn giữa trời”.

Một vai gánh nửa cuộc đời  
Đắng cay mẹ nhận, ngọt bùi dành con
Chát chao duyên phận chẳng tròn   
Nước cô đơn 
gội,
tóc buồn trắng rơi     

Khổ đau dấu kín vào người
Trắng trong ngọn nến giữa đời lắt lay
Sông sâu, sóng cả đò đầy
Con thuyền đơn độc những ngày bão dông.

Các con đứa Bắc, người Đông
Một mình Mẹ với cánh đồng lúa ngô
Những khi sóng gió bất ngờ
Mẹ đau, đau cả
bến bờ
bãi sông…  

Một đời Mẹ cứ ngóng trông
Câu thơ khắc khoải nối vòng tay ôm
Bước đi giờ đã run run
Hai chân thật, một “chân khôn” dò đường…

90 Mẹ vẫn tinh tường
Câu thơ, điệu ví đêm trường ngân nga…
Đời Sông lắng mãi phù sa 
Sáng mưa, trưa nắng, chiều tà mây bay…

Hoàng hôn
sẽ đến cuối ngày !

                                   Trà Thanh Lam
                                  1/2014 – 9/2014

READ MORE - MẸ TÔI - Trà Thanh Lam

PHÊ BÌNH CUỐN LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM CỦA LÊ MẠNH THÁT (KỲ I) - GS Minh Di

Lời giới thiệu của nhà thơ Kha Tiệm Ly:

 Kính gởi quý báo, 
Tôi hân hạnh đã đọc được những bài viết của GS Minh Di (Úc), và vô cùng thán phục kiến thức kinh người của GS. Nhờ đọc những bài viết nầy mà tôi mới thấy mình đã sai sót, quá yếu kém trong lãnh vực nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, xin quý độc giả đọc với sự dè dặt.

Tôi trân trọng gởi đến quý báo bài đầu tiên, quý báo tùy nghi sử dụng.
                                                                      Kha Tiệm Ly


PHÊ BÌNH CUỐN LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM CỦA LÊ MẠNH THÁT (KỲ I) - GS Minh Di

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam. Phê bình (3).
01 – 50 (55).
< Để nhớ bạn Lê Hòa Huyền Thanh Lữ >.

Dẫn nhập.

Cách đây khoảng hơn 3 năm không lâu (khoảng giữa năm 2008) tôi viết 2 Bài phê bình bộ “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” (LSPGVN), tất cả 4 Tập, của Lê Mạnh Thát.
2 Bài phê bình này nêu lên những khiếm khuyết của Lê Mạnh Thát về mặt Hán văn, về mặt kiến thức Văn học, Sử học (Trung Hoa), và kể cả kiến thức Phật giáo.
2 Bài phê bình này tôi chỉ mới duyệt qua Tập I của bộ LSPGVN.
Bài phê bình thứ 2 xong ngày 8 tháng 5 năm 2008.
Sau đó tôi định phê bình tiếp, nhưng vì cần viết 1 số bài khác nên tôi gác lại việc này.
+ Với một cuốn sách liên quan Lịch sử Cổ Trung Hoa và Việt Nam như cuốn LSPGVN ở đây thì điều tất yếu người viết phải thông hiểu Hán văn.
Thế nhưng, trong 2 Bài phê bình kể trên tôi đã đưa ra những chứng cứ rất rõ ràng rằng khả năng Hán văn của người biên soạn Lê Mạnh Thát rất thấp!
Về chữ nghĩa, ngay đến những chữ thông thường nhất Lê Mạnh Thát cũng không hiểu nói chi là về phương diện cú pháp, ngữ pháp! 
Lê Mạnh Thát muốn lập luận chiều nào, hướng nào cũng được - mặc lòng! Thế nhưng trình độ căn bản về ngôn ngữ, văn tự - ở đây Hán văn, rồi kiến thức Cổ Sử học, và  kiến thức Phật học, của ông ta đã không có thì có chỗ nào cho ông ta đứng (lập) đây?
Trong cuốn LSPGVN khi trích dẫn thư tịch Hán văn Lê Mạnh Thát chỉ đưa ra phần dịch (chỉ trừ những bài thơ) chứ không ghi lại nguyên tác, do đó, không thể biết ông ta dịch đúng hay sai nếu không có những tài liệu đó trong tay.
Những Sử liệu Hán văn Lê Mạnh Thát trưng dẫn nếu tôi thì tôi phê bình, còn những Sử liệu nào tôi không có, như tập “Thiền Uyển Tập Anh” chẳng hạn, thì nếu ông ta có dịch không đúng thì không sao mà rõ được!
Có điều, qua mấy bài phê bình trước đây của tôi người đọc có thể thấy được khả năng Hán văn của Lê Mạnh Thát ra sao, từ đó sẽ có nhận định về giá trị tập LSPGVN, có lẽ tôi không cần nói thêm!
Vào thời kỳ Hán văn suy tàn này, thực sự chuyên tâm học tập thứ văn tự này chẳng có bao nhiêu, trong khi số kẻ võ vẽ lại ba hoa muốn thiên hạ biết tài của mình thì nhiều!
                                                 &
Nhìn chung thì thời bây giờ, ở cảnh “vu xứ” này, người ta rất thích nói Hán văn, có điều không chịu tra cứu để coi những gì mình nói ra, viết ra có chính xác hay không?
Nhìn theo một góc độ nào đó thì người ta thích vậy cũng phải, vì có những trường hợp dùng tiếng Hán Việt thì rất “sướng miệng”, “khoái tay”, dù rằng tiếng Việt cũng có tiếng diễn tả được nhưng người ta vẫn cứ thích dùng tiếng Hán Việt! Cho nó kêu! 

Tháng trước đây (ngày 21/7/ 2011), tôi đọc được Bản tin về lễ tấn phong 3 Thượng tọa  Thích Phước Nhơn, Thích Viên Lý, Thích Ân Đức lên Hòa Thượng.
Bản tin này có đoạn viết về 3 vị Hòa Thượng mới kể trên như sau: 
- “.....Sau nghi thức Niệm Phật Cầu Gia Bị, TT. T Viên Huy đã trình bày về Giáo chỉ Tấn phong cũng như vài nét sơ lược về hành trạng của quý Ngài...”.

+ Người viết Bản tin nói trên không biết rằng tiếng “hành trng” là một thể văn thời cổ tự thuật việc làm của người chết lúc sinh thời. Văn tập của các học giả, danh nhân xưa có những bài “hành trạng” tự thuật công nghiệp, ngôn hành của người chết.
Chẳng hạn:
Văn hào Hàn Dũ (768 - 824) đời Đường (618 - 907) có các bài:
- Tặng Thái phó Đổng công Hành trạng.
- Đường cố tặng Phong Châu Thích Sử Mã phủ quân Hành trạng.
(Tham khảoHàn Xương Lê Văn Tập”. Qu.VIII. Tạp văn. Trạng. Biểu).
Văn hào Vương An Thạch (1021 - 1086) thời Bắc Tống (960 - 1127) có các bài:
- Thượng Thư Binh Bộ Viên ngoại lang Tri chế cáo Tạ công Hành trạng.
- Chương Vũ Quân Tiết Độ Sứ Thị trung Tào Mục công Hành trạng.
(Tham khảoVương Lâm Xuyên Toàn Tập”. Qu. XC. Hành trạng. Mộ biểu).

Ba Thượng tọa Thích Phước Nhơn, Thích Viên Lý, Thích Ân Đức vừa được tấn phong liền được người viết Bản tin cho qua đời luôn, liền một khi! Thiệt là tai hại! 
Cũng chỉ vì thích tiếng “Hành trạng” nghe “thật kêu” mà người viết Bản tin cho cả 3 ông Hòa Thượng mới được tấn phong đi khỏi cõi đời này!
                                                  & 
Cảm khái lan man vài giòng ngoài lề bây giờ tôi xin tiếp tục nêu ra sự yếu kém căn bản (Hán văn) của Lê Mạnh Thát! 
                                                  &

(KỲ 1)

Trong phần “THAY LỜI TỰA” cho Tập 2 của Cuốn “LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM” Lê Mạnh Thát có một đoạn “bổ sung tư liệu bị thất thoát trong đợt in vừa rồi của tập I”.
Trong đoạn này, khi nói về ngôi Chùa tên “Địa Ngục” (Địa Ngục Tự), Lê Mạnh Thát dẫn cuốn “Kiến Văn Tiểu Lục”, và dịch một đoạn như sau:
- “.…Trên đỉnh núi cao có chùa Đồng Cổ (…) Suối từ sườn núi chảy ra, trái gọi là suối Bạc, từ chùa bên phải chảy ra. Chùa bên phải này vuông vắn độ hơn một trượng, tượng toàn bằng đá, cánh cửa hai bên khóa chặt lại bằng khóa sắt lớn, trên có viên đá khắc chữ triện Địa Ngục Tự”.
Bây giờ chúng ta hãy coi Lê Quí Đôn viết ra sao:
- “…Trùng sơn chi điên hựu hữu Cổ Đồng Tự, thượng, hạ đãi nhị nhật lực.
Tòng Giải Oan khê tả trắc du thượng sơn, chí liên hồ, thủy giai bích, trung hữu kỳ thạch, hồng liên tứ thời giai hoa. Hồ ngoại lưỡng bàng tuyền tự sơn yêu xuất, tả viết Ngân tuyền, kỳ nguyên tự sơn đầu thạch khích nhi há, vọng chi như luyện; hữu viết Kim tuyền tòng hữu tự xuất. Hữu tự phương tài trượng dư, ốc bích thuần thch, lưỡng môn phi dụng đại thiết tỏa phong chi, thượng hữu thạch khắc triện văn viết “Đa Ngc Tự”.
                 /  Kiến Văn Tiểu Lục. Qu. VI. Phong vực  /.
- “…. Trên đỉnh núi chập chùng lại có Chùa Cổ Đồng, lên xuống chùa phải mất gần 2 ngày.
Từ mé trái suối Giải Oan trèo lên núi tới hồ sen, nước hồ xanh biếc, trong hồ có tảng đá kỳ lạ, sen đỏ bốn mùa nở hoa. 2 bên hồ suối từ lưng núi đổ xuống, suối bên trái tên Ngân tuyền bắt nguồn từ khe đá trên đầu núi đổ xuống, coi như 1 giải lụa trắng; suối bên phải tên Kim tuyền, từ ngôi chùa bên phải chảy ra. Ngôi chùa bên phải này vuông vức hơn một trượng, vách chùa toàn bằng đá, 2 cánh cửa chùa dùng khóa lớn bằng sắt khóa lại, trên đầu cửa Chùa có khối đá, trên mặt đá khắc chữ triện đề “Đa Ngc Tự”.

Đối chiếu nguyên tác mới thấy Lê Mạnh Thát dịch sai, và thiếu, một số điểm:
1). Nguyên tác chép rõ làTrùng sơn chi điên”, nghĩa là “trên đỉnh núi chập chùng”, tức không phải chỉ trên đỉnh núi cao mà thôi, thiếu ý “chập chùng”.
2). Suối Bạc (Ngân Tuyền) từ lưng núi ở mé bên trái của hồ sen chảy ra, không phải là từ ngôi “chùa bên phải chảy ra” như Lê Mạnh Thát dịch sai.
3). Nguyên tác nói rõ vách chùa toàn bằng đá, không phải tượng toàn bằng đá, như Lê Mạnh Thát dịch.
4). “trên có viên đá”, câu này gây hiểu lầm là viên đá nằm trên mặt cánh cửa Chùa.

Lại một đoạn khác, Lê Mạnh Thát dịch trọn phần tiểu sử Luật sư Trí Hoằng chép trong cuốn Đại Đường Tây  Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện:
   “Luật sư Trí Hoằng người Lạc Dương, là cháu của đại sứ Vương Huyền Sách từng đi sứ Tây Vực. Khi tuổi còn nhỏ, đã thích lẽ huyền vi. Lòng khinh chốn phồn hoa giả dối, ý muốn ở ẩn núi rừng. Bèn đến núi Thiếu Lâm, ăn đọt tùng, uống nước suối, thích tụng kinh điển, lại giỏi văn bút. Thế rồi hiểu được sự ồn ào của phố thị, vắng lặng của cửa pháp, bèn rời tám sông mà đi về Ba Ngô, bỏ áo trắng mặc lấy áo nâu, thờ Ta thiền sư làm thầy. Học lấy tư huệ, chưa trải nhiều năm mà đã ít nhiều thấm được cửa huyền. Lại đến chỗ của Nhẫn thiền sư ở Kế Châu liền tập lại thiền định. Song gốc lành đã trồng, mà cành lớn chưa phát, bèn vượt sông Tương đến núi Hoành, vào rừng Quế mà nghĩ suy, sống suối xa mà dứt lòng. Trải hơn năm, nhờ Tịch thiền sư y chỉ, thấy núi sông đẹp đẽ, xem rừng rú thanh hư, bèn múa bút tả nỗi lòng, viết nên bài phú U thiền sư, giải bày mong ước được đi xa.
   Khi đã gặp hết bậc tôn túc của vùng Tam Ngô, đến hết các trường dạy để học, lại trải qua bạn bè đất Cửu Giang, mấy lần bàn lẽ diệu. Song gốc lành xưa trồng,   chẳng phải do con người tặng lại. Cho nên từ kinh đô muốn đi xem Tây Thiên, may  gặp thiền sư Vô Hành, cùng làm bè bạn. Họ đến Hợp Phố, lên thuyền vượt dài biển  xanh. Song gió không tiện đường, bèn trôi dạt đến Thượng Cảnh, lại nhắm Giao Châu  ở qua một hạ. Lại đến cuối đông thì ra bờ biển Thần Loa, theo thuyền đi về phía Nam. Đến nước Thất Lợi Phật Thệ. Còn những chi tiết trải qua thì đã đầy đủ ở trong truyện của Hạnh thiền sư.
     Đến chùa Đại Giác ở qua hai năm, chiêm ngưỡng tôn dung, tỏ hết lòng thành, đọc kinh tiếng Phạn. Tháng cũ ngày mới, bèn hiểu tiếng ấy, có thể viết tiếng Phạn, học  luật nghi, ngiên cứu luận tạng. Khi đã hiểu Câu xá, lại rành nhân minh, thì ở chùa Na Lan Đà chuyên xem đọc đại thừa. Còn ở đạo tràng Tính giải thì chuyên nghiên cứu tiểu giáo. Lại đến các bậc danh đức, học thêm luật nghi một cách siêng năng không quên  tức bóng. Lại học luật kinh do luật sư do luật sư Đức Quang viết ra, vừa nghe vừa dịch, thật có công phu, khéo giữ bè nổi, không chút thiếu sót. Thường ngồi không nằm, tri  túc thanh liêm, vâng trên dạ dưới. Ở lâu người ta càng thêm kính trọng……
(LSPGVN2. tr. 164, 165).

Những cái sai của Lê Mạnh Thát trong đoạn dịch văn trên:
1). “Khi tuổi còn nhỏ”.
Nguyên tác: “Niên tài nhược tuế”.
Lê Mạnh Thát không biết rằng tiếng “nhược tuế” trong câu trên tức “nhược quán”, là độ tuổi làm lễ “gia quan” (đội mũ), tức 20 tuổi (ta).

2). thích lẽ huyền vi”.
Nguyên tác: “hạp xung hư”.
Chữ “hạp” có nghĩa là “thân cận, thân mật”, là “thói quen” (tập quán).
Tiếng “xung hư” có nghĩa là “đạm bạc, thanh tĩnh, không ràng buộc”.

3). “Lòng khinh chốn phồn hoa giả dối”.
Nguyên tác: “chí miệt khinh phì”.
Lê Mạnh Thát không biết rằng tiếng “khinh phì” là 2 tiếng “khinh cừu” và “phì mã” được viết gọn lại.
Khinh cừu là “áo da chồn nhẹ”, phì mã là “ngựa mập”. Chỉ sự giàu sang.
Sách Luận Ngữ viết:
- “Tử Hoa sứ ư Tề, Nhiễm tử vị kỳ mẫu thỉnh túc, Tử viết: Dữ chi phủ.
Thỉnh ích, viết: Dữ chi dũ.
Nhiễm tử dữ chi túc ngũ bỉnh!
Tử viết: Xích chi thích Tề dã thừa phì mã ý khinh cừu, ngô văn chi dã, quân tử chu cấp bất kế phú!”.
                                      Luận Ngữ. Ung Dã VI. 04  /.
- “Tử Hoa đi sứ nước Tề, Nhiễm tử xin cấp lúa gạo cho mẹ Tử Hoa.
Khổng Tử nói: - Cho bà ấy 64 thăng.
Nhiễm tử xin thêm, Khổng Tử nói: - Cho bà ấy 160 thăng.
(Nhưng) Nhiễm tử cấp cho mẹ Tử Hoa tới 8000 thăng lúa!
Khổng Tử nói: - Xích qua nước Tề cỡi ngựa mập, bận áo da chồn nhẹ, ta nghe nói bậc quân tử giúp người gặp cảnh ngặt nghèo, không giúp cho kẻ có dư!

Chu Hi (1130 - 1200) chú thích:
- “Thừa phì mã, ý khinh cừu, ngôn kỳ phú dã!”.
- “Cỡi ngựa mập, bận áo da chồn nhẹ, ý nói Tử Hoa giàu có!”.

Đỗ Phủ (712 - 770) có câu:
           Đồng học thiếu niên đa bất tiện,
           Ngũ Lăng y, mã tự khinh phì.
           Đồng học thiếu niên ít kẻ khó,
           Ngũ Lăng áo, ngựa những khinh phì.

Trên đây là 2 câu cuối của bài thứ 3 trong 8 bài “Thu Hứng”.
Ngoài ra, Lê Mạnh Thát còn “cương” tiếng giả dối; trong Câu dẫn trên của nguyên tác không có chữ nào nghĩa là giả dối hết!
4). “…. bèn rời tám sông mà đi về Ba Ngô”.
Nguyên tác: “…. toại bội Bát thủy nhi khứ Tam Ngô”.
Cũng vì không hiểu những tiếng trên đây, nói rõ hơn là không rõ về Địa lý, cho nên ông Lê Mạnh Thát đã dịch rất hàm hồ, ngớ ngẩn như trên!
Bát thủy, còn gọi là Bát xuyên, chỉ 8 con sông ở vùng Quan Trung.
Từ Kiên (659 ? - 729) đời Đường trong bộ Sơ Học Ký:
- [Sự đối]…… Bát thủy, Tam xuyên……
Đới Diên Chi “Tây Chinh Ký” viết: - “Quan nội Bát thủy: nhất Kinh, nhị Vị, tam , tứ Sản, ngũ Lạo, lục Quyệt, thất Lễ, bát Hảo”.”.
   /  Sơ Học Ký. Qu. VI. Địa bộ - Trung. Tổng tái Thủy đệ nhất  /.
- [Sự đối]…… Bát thủy, Tam xuyên……
Tập “Tây Chinh Ký” của Đới Diên Chi chép: - “8 con sông vùng Quan nội: 1 là sông Kinh, 2 là sông Vị, 3 là sông , 4 là sông Sản, 5 là sông Lạo, 6 sông Quyệt, 7 sông Lễ, 8 sông Hảo”.”.

Quan Nội, hoặc còn gọi Quan Trung, đại khái là địa khu tỉnh Thiểm Tây hiện nay, do đó cho dễ hiểu và rõ phải dịch câu “bội Bát thủy” là “rời vùng Quan Trung”.

Tam Ngô.
1/. Thủy Kinh Chú (Qu. XL. Tiệm giang thủy): Ngô Hưng, Ngô Quận, Cối Kê.
2/. Thông Điển (Qu. CLXXXII. Châu Quận 12): Ngô Quận, Ngô Hưng, Đơn Dương.
3/. Chỉ Chưởng Đồ: Tô Châu, Thường Châu, Hồ Châu.
4/. Danh Nghĩa Khảo (Qu. III. Địa bộ): Tô Châu, Nhuận Châu, Hồ Châu.
Nghĩa Tĩnh là người đời Đường, Đỗ Hựu (735 - 812), tác giả Bộ Thông Điển, cũng là người đời Đường, do đó Địa lý Hành chánh ở đây theo ghi chép của Đỗ Hựu.

5). “đến núi Hoành, vào rừng Quế”.
Chữ “Hoành” phải là chữ “Hành” mới đúng.
Lê Mạnh Thát không biết “rừng Quế” ở đây phải để nguyên là “Quế Lâm”, một địa danh thuộc tỉnh Quảng Tây.

6). “sống suối xa mà dứt lòng”.
Nguyên tác: “khoa Hành Lãnh, nhập Quế Lâm nhi thác tưởng, độn u tuyền dĩ tức tâm”.
Dịch chính xác phải là:
- “vượt Hành Sơn, vào đất Quế Lâm mà suy tư, ẩn mình ở chốn núi sâu để tĩnh tâm”.

7). viết nên bài phú U thiền sư”.
Tôi không rõ Lê Mạnh Thát đọc thế nào mà sai lạc đến thế! Bài phú này tựa chính xác là “U Tuyền Sơn”, không phải “U thiền sư” như Lê Mạnh Thát viết.

8).trải qua bạn bè đất Cửu Giang”.
Nguyên tác: “lịch Cửu Giang chi thắng hữu”.
Lê Mạnh Thát dịch là “bạn bè” thì dịch thiếu chữ ‘thắng”.
Nguyên tác nói “thắng hữu”, không chỉ nói “hữu”. “Thắng” nghĩa là “vượt hơn, tốt đẹp”. Và “thắng hữu” có nghĩa là “bạn bè hay, giỏi”. “Thắng hữu” đây chỉ thiện tri thức.

9). “….. Song gốc lành xưa trồng, chẳng phải do con người tặng lại. Cho nên từ kinh đô muốn đi xem Tây Thiên”.
Nguyên tác: - “...... Nhiên nhi túc thực thiện căn phỉ do nhân tưởng, tự xuất Trung Phủ dục quan lễ Tây Thiên”.
Dịch: - “......Thế nhưng, [do] thiện căn gieo trồng kiếp xưa cho nên chẳng cần có người khích lệ mà tự mình rời Lạc Dương muốn tới phương Tây tìm hiểu sâu xa về Đạo”.
Chữ “tưởng” trong câu có nghĩa “khích lệ, khuyến khích”, không có nghĩa tặng lại như Lê Mạnh Thát dịch.
Ngoài ra, tiếng “Trung Phủ” trong câu trên chỉ đất Lạc Dương (nay là tỉnh Hà Nam), mà không là kinh đô như Lê Mạnh Thát hiểu sai. Kinh đô Đường triều là Trường An.
Lạc Dương vị trí ở giữa Trung Hoa cho nên thời cổ cũng được gọi là Trung Châu.
Thời  Đường triều đình vài lần lập Phủ tại Lạc Dương, nên còn được gọi là Trung Phủ.
Trí Hoằng là người Lạc Dương cho nên Nghĩa Tĩnh nói “Trung Phủ”.
Và như vậy, câu “xuất Trung Phủ” ở đây phải được dịch là “rời Lạc Dương”.
10). “cùng làm bè bạn. Họ đến Hợp Phố lên thuyền, vượt dài biển xanh”.
Nguyên tác: ‘dữ chi đồng khế, chí Hợp Phố thăng bạch, trường phiếm thương minh”.
Câu trên dịch như sau:
- “ý hướng như nhau, (mà cùng) tới Hợp Phố lên thuyền buôn, lênh đênh trong chuyến hành trình trên biển xa thẳm”.   

Ở một phần sau trong phần ‘Truyện” Vô Hành, Nghĩa Tĩnh chép:
- “Dữ Trí Hoằng vi bn, Đông phong phiếm bạch, nhất nguyệt đáo Thất Lợi Phật Thệ quốc”.
Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Qu. Hạ. Kinh Châu Vô Hành thiền sư  /.
- “Cùng Trí Hoằng là bn đồng hành, theo gió Đông lên thuyền buôn, đi một tháng thì đến nước  Thất Lợi Phật Thệ”.

Lê Mạnh Thát hiểu tiếng “đồng khế” là “bè bạn” là sai.
Tiếng “đồng khế” ở đây có nghĩa “ý hướng hợp nhau- và ý hướng nói đây là ý hướng muốn đi đến Ấn Độ học Đạo.  
Chữ “khế” có nghĩa là “hợp ý” (đầu hợp), “ăn khớp”……, như nói “khế hợp”.
Bây giờ tôi tóm tắt từ đầu tự thuật của Nghĩa Tĩnh về đoạn này:
Trước hết, Trí Hoằng muốn qua Ấn Độ tìm hiểu sâu xa hơn về Pháp. Trên đường đi đó gặp được Thiền sư Vô Hành cũng có ý hướng như mình (dữ chi đồng khế), vì vậy cả 2 đi chung với nhau. Tự thuật rất mạch lạc.
Nếu diễn thêm nữa thì có thể về sau Trí Hoằng và Vô Hành sẽ là bạn; thế nhưng ở đây tự thuật của Nghĩa Tĩnh không nói điều này! Ngay cả phần tự thuật về Vô Hành sau đó  vài trang cũng không thấy Nghĩa Tĩnh nói Vô Hành là bạn của Trí Hoằng!
Kế đến, chữ “phiếm” nghĩa là “trôi nổi” (phiêu phù), trong câu ý chỉ thuyền “lênh đênh”.
Câu “trường phiếm” ý nói thuyền trôi lênh đênh trên đường biển xa xôi.
Lê Mạnh Thát dịch “trường phiếm” là vượt dài thì không đúng tinh thần Việt, lẽ rằng trong tiếng Việt không ai nói vượt dài hết!

11). “bèn trôi dạt đến Thượng Cảnh”.
Lê Mạnh Thát đọc ở đâu mà sai lạc đến thế! Tên đúng  là Tỉ Ảnh, hoặc Tí Cảnh.
Các tên gọi này từ trước đến giờ người ta vẫn quen đọc, viết là Tỉ Cảnh.
Về danh xưng “Tỉ Ảnh” Lịch Đạo Nguyên (469 - 527) đời Bắc Chu (557 - 581) viết trong bộ “Thủy Kinh Chú”:
- “…… Chí Tỉ Ảnh huyện nhật trung đầu thượng ảnh đương thân hạ, dữ ảnh vi tỉ.
Như Thuần viết: “Cố dĩ Tỉ Ảnh danh huyện”.
Khám Ân viết: “Tỉ độc “ấm tí chi ”, ảnh tại kỷ hạ, ngôn vị thân sở dã!”
     /  Thủy Kinh Chú. Qu. XXXVI. Ôn thủy chú  /.
- “…Tới huyện Tỉ Ảnh, giữa trưa bóng nắng trên đầu ngả dưới thân.
Như Thuần nói: - “Cho nên lấy tiếng “Tỉ Ảnh” đặt tên cho huyện”.
Khám Ân nói: - “Chữ “Tỉ” đọc là “” (che) trong tiếng “ấm tí” (che chở), bóng nắng ngả dưới thân mình, ý nói (bóng) được thân che chở”.”.
(Như Thuần (? - ?) là học giả triều Ngô (223 - 280) thời Tam Quốc (220 - 280).
Khám Ân (? - ?) là học giả triều Bắc Chu (557 - 581) thời Nam Bắc triều (420 - 589).

Tỉ Ảnh là 1 trong 4 huyện thuộc Quận Nhật Nam thời Tây Hán (206 tr. Cn - 08 Cn), lúc Hán Vũ đế xâm lược nước Nam Việt. 3 huyện kia là Chu Ngô, Tây Quyển, Lư Dung. 
Huyện Tỉ Ảnh nằm ở khoảng giữa 2  tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình hiện nay.
Kinh độ 106o 34’. Vĩ độ 17o 40’.
Thời Trí Hoằng huyện Tỉ Ảnh thuộc lãnh thổ nước Lâm Ấp.
Thời Đường, địa vực Tỉ Ảnh không thuộc Đường triều. Có lẽ không rõ tên gọi vùng này của Lâm Ấp lúc đó là gì cho nên Nghĩa Tĩnh dùng danh xưng Địa lý thời Tây Hán.
 
12).Tháng cũ ngày mới, bèn hiểu tiếng ấy”.
Nguyên tác: “Nguyệt cố nhật tân, nhàn thanh luận”.
Lê Mạnh Thát dịch từng chữ một nên câu văn rất ngớ ngẩn.
Câu “nguyệt cố nhật tân” nếu dịch là “Ngày qua tháng lại” thì đúng tinh thần Việt hơn!
Kế tới, câu “nhàn Thanh Luận” Lê Mạnh Thát dịch không xuôi.
Câu này phải được dịch là “rành rẽ ngôn ngữ văn tự”.
Chữ “nhàn” (Bộ Môn [cửa, cổng], trong là chữ mộc [cây]) nghĩa là “thành thục”.

13). “nhân minh”.
Cho sáng sủa câu văn phải dịch là “luận lý học”.
14). đạo tràng Tính giải”.
Nguyên tác ghi là “Tín Giải đạo trường”. Đạo tràng Tín Giải đây tức “Chùa Tín Giải”.
Nhưng tôi nghĩ đây là gõ máy sai, vì ở trang 170 Lê Mạnh Thát ghi đúng là “Tín Giả”.
Có điều là nếu lộn thì lộn một chữ “Tín” thành Tính thôi, sao lại lộn thêm chữ tiếp liền sau đó là “Giả” thành Giải?
Chùa Tín Giải thuộc lãnh thổ nước Am Ma La Bạt ở phía Bắc sông Hằng.
Và, như câu “Tại Tín Giả đạo trường nãi chuyên công Tiểu Giáo.” của Nghĩa Tĩnh thì rõ đây là một ngôi chùa Tiểu Thừa.
Tín Giả là 1 ngôi Chùa lớn nổi tiếng. Theo tự thuật của Nghĩa Tĩnh thì ngoài Trí Hoằng các cao tăng như Huyền Chiếu, Mạt Để Tăng Ha, Tín Trụ, Trí Hành, Huệ Luân, cũng từng trú ngụ tại Chùa này. Tín Trụ viên tịch tại đây!
 
15). tiểu giáo”.
Lẽ nào Lê Mạnh Thát không biết “Tiểu giáo” đây tức “Tiểu Thừa giáo”?

16). học thêm luật nghi một cách siêng năng không quên tức bóng”.
Nguyên tác: “Khẩn khẩn, cần cần, vô vong thốn ảnh”.
Dịch là: Thành khẩn, siêng năng, không lơi giây phút nào”.
Tiếng “thốn ảnh” tức “thốn âm”, là khoảng thời gian ngắn ngủi.
Câu “vô vong thốn ảnh” phải dịch là “không quên giây phút nào- hoặc cho rõ hơn nữa có thể dịch là “không lơi giây phút nào”.
Câu “vô vong thốn ảnh” mà dịch là không quên tức bóng thì có trời mà hiểu nổi!
Có lẽ Lê Mạnh Thát gõ lộn chữ “tấc” (thốn = 1 / 10 xích) thành chữ “tức” (?).
Nhưng cho dầu là “tấc” đi nữa thì dịch “thốn ảnh” là “tấc bóng” cũng ít ai hiểu được!
Trong tiếng Việt nói “tấc lòng” (thốn tâm) thì ai cũng hiểu, nhưng nói “tấc bóng” thì có lẽ hơi khó hiểu với nhiều người!

17). khéo giữ bè nổi, không chút thiếu sót”. 
Nguyên tác: “Thiện hộ phù nang, vô khuy phiến kiểm”.
Dịch là: “(Như) cái phao khéo giữ gìn (giữ cho thân khỏi bị chìm), (đọc) không thiếu sót một luật nghi nhỏ nhặt nào”. 
Tiếng “phù nang [túi nổi], còn gọi “khí nang” [túi hơi], nghĩa là “cái phao”, không phải là cái bè nổi như Lê Mạnh Thát dịch.
Thời xưa người ta dùng da dê, hoặc là da bò…. may thành cái túi, cái bao, thổi hơi vào cho phồng lên, đem theo khi đi biển, phòng lúc thuyền chìm dùng đây để cứu mạng.
Chữ “kiểm” ở đây có nghĩa là “qui luật” (pháp thức), là “ước thúc”, tức chỉ “giới luật”.

 Bộ “Phật Học Đại Từ Điển” viết:
- “[Phù nang]…….
Kinh trung dĩ tỉ Giới Luật, hộ trì Bồ Tát chi giới, do như hải nhân chi ư phù nang dã”.
- “[Phù nang]…...
Trong Kinh (Phật) lấy cái phao để thí dụ Giới Luật, hộ trì giới luật của Bồ Tát, cũng như người đi biển đối với cái phao vậy”.

18). vâng trên dạ dưới”.
Nguyên tác: “phụng thượng, khiêm hạ”.
Nghĩa là: “với người trên thì (hết lòng) hầu hạ, với kẻ dưới thì nhún nhường”.

                                               *
Phần chuyển dịch của tôi sau đây sẽ cho thấy cái ngớ ngẩn, thiếu mạch lạc - nhiều lúc đến tối tăm, của đoạn dịch văn dẫn trên của Lê Mạnh Thát.
Nguyên tác đoạn trên như sau:
-Trí Hoằng luật sư, Lạc Dương nhân dã, tức sính Tây vực đại sứ Vương Huyền Sách chi điệt dã! Niên tài nhược tuế tảo hạp xung hư, chí miệt khinh phì, tình hoài thê độn. Toại vãng Thiếu Lâm Sơn xan tùng phục nhĩ, lạc tụng Kinh điển, phả công văn bút. Ký nhi ngộ triều thị chi huyên hoa, thượng Pháp môn chi trừng tịch, toại bội Bát Thủy nhi khứ Tam Ngô, xả tố chi nhi hoán tri phục.
Sự Tha thiền sư vi sư, bẩm thừa tư huệ. Nhi vị kinh đa tái tức phưởng phất huyền quan. Phục vãng Cần Châu Nhẫn thiền sư xứ trùng tu định liễm. Nhi phương căn tuy thực, sùng điều vị tủng, toại tế Tương xuyên, khoa Hành Lãnh, nhập Quế Lâm nhi thác tưởng, độn u tuyền dĩ tức tâm, phả kinh niên tái trượng Tịch thiền sư vi y chỉ. Đổ sơn  thủy chi tú lệ, ngoạn lâm bạc chi thanh hư, huy hàn tả trung, chế “U Tuyền Sơn Phú” thân viễn du chi hoài. Ký lãm Tam Ngô chi Pháp tượng phả tận phương diên, lịch Cửu Giang chi thắng hữu, cơ nhàn diệu lý. Nhiên nhi túc thực thiện căn phỉ do nhân tưởng,  tự xuất Trung Phủ dục quan lễ Tây Thiên. Hạnh ngộ Vô Hành thiền sư dữ chi đồng khế, chí Hợp Phố thăng bạch, trường phiếm thương minh. Phong tiện bất thông, phiêu cư Tỷ Ảnh. Phúc hướng Giao Châu trú kinh nhất Hạ. Ký chí Đông mạt phục vãng hải tân Thần Loan tùy bạch Nam du, đáo Thất Lợi Phật Thệ quốc. Tự dư kinh lịch cụ tại Hành thiền sư truyện nội.
Đáo Đại Giác Tự trú kinh nhị tái, chiêm ngưỡng tôn dung, khuynh thành lệ tưởng, phúng tụng Phạm bản. Nguyệt cố nhật tân nhàn “Thanh Luận”, năng Phạm thư. Học Luật nghi, tập “Đối Pháp”. Ký giải “Câu Xá”, phục thiện nhân minh.
Ư Na Lạn Đà Tự tắc phi lãm Đại Thừa. Tại Tín Giả đạo trường nãi chuyên công Tiểu Giáo. Phục tựu danh đức trùng tẩy luật nghi. Khẩn khẩn cần cần vô vong thốn ảnh! Tập Đức Quang luật sư sở chế “Luật Kinh”, tùy thính tùy dịch, thực hữu công phu. Thiện hộ phù nang, vô khuy phiến kiểm.
Thường tọa bất ngọa, tri túc thanh liêm, phụng thượng khiêm hạ, cửu nhi di kính”.
  /  Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Qu. Hạ. Trí Hoằng  /.                   
- “Luật sư Trí Hoằng, người Lạc Dương, chính là cháu của Đại sứ Vương Huyền Sách từng đi sứ Tây vực! Mới trưởng thành thì tánh tình đạm bạc, thanh tĩnh, không thích sự ràng buộc, tâm coi thường sự giàu sang, ý muốn ẩn dật. Bởi vậy mà tới núi Thiếu Lâm ăn uống đạm bạc, vui với việc đọc Kinh điển, viết văn rất hay. Khi đã nhận biết ra được sự ồn ào của chốn thành thị, thích cảnh tĩnh lặng của chốn Đạo thì rời đất Quan Trung đến các vùng Ngô Quận, Ngô Hưng, Đơn Dương bỏ áo thế tục mà mặc pháp phục.
Tôn thiền sư Tha làm thầy, tiếp nhận được trí huệ tư tưởng của thầy. Và chưa được bao năm thì chừng như đã thấu lẽ Đạo. Sau đó, lại đến chỗ thiền sư NhẫnCần Châu tiếp tục tu tập Thiền định. Nhưng, thiện căn tuy đã gieo mà cành nhánh chưa vươn cao nên lại qua sông Tương, vượt Hành Sơn, vào đất Quế Lâm mà suy tư, ẩn mình ở chốn núi sâu để tĩnh tâm; ở nơi đây theo thiền sư Tịch tu tập nhiều năm. Thấy cảnh núi sông  đẹp đẽ, dạo cảnh rừng thanh tĩnh mà [cảm hứng] làm bài phú “U Tuyền Sơn”, trình bày hoài vọng viễn du của mình. Đã đến khắp các chỗ của các bậc nổi tiếng đức độ ở vùng Tam Ngô, đã gặp hết các thiện tri thức vùng Cửu Giang, luận bàn rốt ráo đạo lý vi diệu. Thế nhưng, [do] thiện căn gieo trồng kiếp xưa cho nên chẳng cần có người khích lệ mà tự mình rời Lạc Dương muốn đến phương Tây tìm hiểu sâu xa về Đạo. May gặp được thiền sư Vô Hành cùng ý hướng [nên cùng nhau] tới Hợp Phố lên thuyền buôn, lênh đênh trong chuyến hành trình trên biển xa thẳm. Gặp gió không thuận lợi thuyền trôi dạt vào huyện Tỉ Ảnh. Thuyền quay trở về Giao Châu, ở lại đây hết mùa Hè. Khi đến cuối Đông lại trở ra cửa biển Thần Loan theo thuyền buôn đi về Nam, tới nước Thất Lợi Phật Thệ. Những sự việc khác mà bản thân (Trí Hoằng) trải qua (trong chuyến hải trình này) đều được tự thuật đầy đủ trong phần Truyện của thiền sư Vô Hành.
Đến Chùa Đại Giác ở 2 năm, chiêm ngưỡng dung mạo các bậc tài cao, đức trọng, dốc lòng thành khích lệ tâm chí, tụng đọc Kinh tiếng Phạn. Ngày qua tháng lại sau rồi cũng rành rẽ văn pháp của ngôn ngữ này, có thể đọc được Kinh văn tiếng Phạn. [Từ đó] học Luật nghi, tập “Đối Pháp”. Đã thông hiểu “Câu Xá Luận” ông lại giỏi cả khoa luận lý.
Chùa Na Lạn Đà thì đọc Kinh điển Đại Thừa, tại Đạo trường Tín Giả thì nghiên cứu Giáo pháp Tiểu Thừa. Lại đến gặp những bậc nổi tiếng đức độ học lại Luật nghi. Tâm ý thành khẩn học tập không lơ là một giây phút nào! Tập theo Bộ “Luật Kinh” của Luật sư Đức Quang, vừa nghe giảng vừa dịch (ra tiếng Hán), thực là chịu khó. (Như) cái phao khéo giữ gìn (cho thân khỏi bị chìm), (đọc) không thiếu sót một luật nghi nhỏ nhặt nào!
Ông thường ngồi chứ không nằm, tánh biết đủ, trong sạch; với người trên thì (hết lòng) hầu hạ, với kẻ dưới thì nhún nhường, ở chung lâu ngày người càng kính trọng!

[Phụ chú.
[Phụ chú.
Luật sư. Trong Phật giáo, người giải thích rốt ráo được giới luật của Phật được gọi là Luật sư.
Cũng như người giải thích được vi ngôn diệu lý của Kinh điển Phật giáo thì được gọi là Luận sư. Luận nghĩa là những lời chú giải Kinh.
Trong khi bên Nho gia thì gọi những chú giải Kinh là “Truyện”.

Cửa Thần Loan. Nguyên tác:Hải tân Thần Loan”.
Có lẽ là cửa biển Thần Đầu.
Bộ “Cổ Đại Nam Hải Địa Danh Vị Thích”: chép:
- “[Thần Đầu hải khẩu]. Hựu tác Thần Đầu hải, Thần Đầu hải môn, Thần Thụ hải khẩu, Thần Đầu hải khẩu, hoặc ngộ vi Linh Phù hải khẩu.
An Nam Khí Thủ”:
~ (Trương) Phụ do Hoàng giang, A giang, Đại An hải khẩu, chí Phúc Thành giang chuyển nhập Thần Đầu hải khẩu, giai quyết kỳ úng tắc nhi hậu hành. Thập dư nhật chí Thanh Hóa”.
Tại kim Việt Nam Thanh Hóa tỉnh, Nga Sơn huyện, Đông ngạn ngoại, vị cai tỉnh dữ Hà Nam Ninh tỉnh giao giới ngoại”.
- “[Thần Đầu hải khẩu]. Lại viết Thần Đầu hải, Thần Đầu hải môn, Thần Thụ hải khẩu, Thần Đầu hải khẩu, hoặc có thuyết lầm là Linh Phù hải khẩu.
Sách “An Nam Khí Thủ”:
~ (Trương) Phụ [trong khoảng] từ Hoàng giang, A giang, Cửa biển Đại An cho đến chỗ sông Phúc Thành chuyển đổ vào Cửa biển Thần Đầu, [trong khoảng này] những chỗ nào tắc nghẽn đều cho khai thông sau đó mới tiến. (Như vậy) đi 10 ngày thì tới Thanh Hóa.
Hiện nay [Cửa biển này] nằm ở mé ngoài Đông ngạn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nước Việt Nam, vị trí ở chỗ giao giới giữa tỉnh này và tỉnh Hà Nam Ninh”.

Tụng đọc Kinh tiếng Phạn. Nguyên tác: “phúng tụng”. 
Phúng tụng có nghĩa là “không xem nguyên văn mà chỉ đọc thuộc lòng theo trí nhớ”.
Ở đây ý nói Trí Hoằng chỉ tụng theo những gì mình từng tụng đọc thuộc lòng trong lúc tu tập chứ không đọc được nguyên văn Phạn ngữ.
Phúng tụng cũng gọi là “bối tụng”; “bối” nghĩa là “cái lưng”, “bối tụng” là day lưng lại mà đọc chứ không nhìn vào sách.
 Ngôn ngữ, văn tự Phạn ngữ. Nguyên tác: Thanh Luận.
Ngôn ngữ, văn tự là 1 trong 5 môn học chính - được gọi là “Ngũ Minh- ở học đường Ấn Độ thời cổ. Thanh Minh là môn đầu tiên trong 5 môn học này.
Tập “Đại Đường Tây Vực Ký” viết:
~ Nhi khai mông dụ tiến, tiên đạo Thập nhị chương, thất tuế chi hậu, tiệm thụ Ngũ minh Đại luận:
Nhất viết Thanh minh, thích cổ huấn tự, thuyên mục lưu biệt.
Nhị Công xảo minh, kỹ thuật cơ quan, Âm dương, Lịch số.
Tam Y phương minh, cấm chú hàn tà, dược thạch châm ngải.
Tứ vị Nhân minh, khảo định chính tà, nghiên hạch chân ngụy.
Ngũ viết Nội minh, cứu sướng ngũ thừa, nhân quả diệu lý.
  /  Đại Đường Tây Vực Ký. Qu. II. Ấn Độ tổng thuật. 9. Giáo dục  /.     
~ Việc hướng dẫn dạy dỗ trẻ mới nhập học thì trước hết là dạy 12 Chương, cho tới lúc qua 7 tuổi thì tuần tự dạy 5 Môn học chính:
Một là Thanh minh, là môn học về ngôn ngữ, chủ đề là giải thích ngôn ngữ văn tự cổ cũng như sự phân chia trong ngôn ngữ, văn tự, và giải thuyết về sự khác biệt trong sự phân chia này. 
Hai là Công xảo minh, dạy kỹ thuật về máy móc, dạy các khoa Thiên văn, Số học.
Ba là Y phương minh, dạy phòng tà, chống tà, dược liệu, châm cứu, ngải cứu.
Bốn là Nhân minh, dạy khảo định chính, tà, nghiên cứu kiểm tra thực, giả.
Năm là Nội minh, nghiên cứu thông suốt về 5 Tông giáo, về diệu lý nhân quả. 

Đối Pháp.
Tức A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharmakośāsastra) của Thế Thân (Vasubandhu). 
Tiếng “A Tỳ” dịch ý là “Đối”, tiếng “Đạt Ma” ý dịch là “Pháp”, và “Câu xá” là “Tạng”.
Hợp lại thành: “Đối Pháp Tạng”, cũng gọi “Đại Pháp”, hoặc “Vô Tỷ Pháp”, gọi giản lược là “Câu Xá Luận”.

                                                                (Còn 2 kỳ nữa)

                                                                  GS Minh Di


READ MORE - PHÊ BÌNH CUỐN LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM CỦA LÊ MẠNH THÁT (KỲ I) - GS Minh Di