Chùa Hiếu Quang ở phường Trường An, thành phố Huế
READ MORE - HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG - MỘT CÕI TRỊNH CÔNG SƠN (2)
Hạt Bụi Và Tia Sáng
Nếu nói "ảnh hưởng" của một đại gia cổ điển nào đó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ dễ thuyết phục hơn là ảnh hưởng của Phật giáo.
Không phải là người ham mê nghiên cứu đạo Phật, điều ấy thật là hiển nhiên, nhưng Trịnh Công Sơn đã lớn lên trong một thành phố đầy những ngôi chùa cổ, trong tiếng chuông thu không mỗi chiều hôm. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với nhạc Trịnh Công Sơn là một điều không thể tránh được. Như ta biết, thế giới của Trịnh Công Sơn là một vòng khép kín, giống như một lâu đài bằng đá cổ xưa, tĩnh mịch trong rừng, trong đó bằng sự nhạy cảm của một nghệ sĩ,
Sơn thu nhận hết mọi biến cố của kiếp người và Sơn lơ đãng ngồi ký tên vào từng viên đá. Gần như quán xuyến tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn diễn ra trong cung la thứ, chuyển tải hết cả biến cố của một đời người.
Một truyền thuyết nhà Phật nói rằng, về nỗi khổ của kiếp người, kinh sách Phật giáo có đến hàng vạn cuốn, rút gọn lại trong bốn chữ Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Nhạc của Trịnh Công Sơn cũng đề cập đến những điều ấy, dù không có ý thức.
Sinh là một cú nhảy khởi đầu vào kiếp luân hồi. Sinh tự nó không phải là một điều đáng buồn, nhưng vì Sinh mở đầu một quá trình gọi là Tứ Diệu Đế (Sinh, Lão, Bệnh, Tử) nên cũng không phải là điều đáng ước muốn. Kinh Thánh truyền đạt lại ý nghĩa của ngày lễ Noel, tức là ngày sinh của Chúa, nên gọi là tin mừng. Trịnh Công Sơn thì gọi là Phúc âm buồn: "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, (Gọi tên bốn mùa).
Đọc Trịnh Công Sơn, ta lấy làm ngạc nhiên khi bắt gặp cái nhìn buồn bã của tác giả về cuộc đời. Buồn bã vì trong cuộc đời còn có sẵn một biến cố đáng buồn, là sự ra đời của con người. Ôn Như Hầu trong một tác phẩm thấm nhuần tư tưởng Phật giáo cũng cho rằng: "Thảo nào khi mới chôn nhau. Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Điều ấy người ta cũng bắt gặp trong ngôn ngữ Trịnh Công Sơn: "Để một mai tôi về làm cát bụi" (Cát bụi); “ Ru bạc tóc thôi" (Lời mẹ ru).
Lưu ý rằng, thời điểm của chử Sinh rất ngắn, tuồng như con người chưa có đầy đủ ý thức về sự ra đời của chính mình. Nhà tâm lý học hiện đại Pháp Merleau Bonty có nói rằng người ta không thể sinh ra trước một phút để biết mình ra đời như thế nào. . .Vì thế, âm nhạc của Trịnh Công Sơn ít khi nói trực tiếp vào sự ra đời, mà chỉ nói qua hình ảnh hát ru và một cách nào đó làm dịu đi ý nghĩa gay gắt của sự ra đời: “Tiếng khóc ban đầu còn đâu, còn đâu, còn đâu” (Lời mẹ ru).
Nhưng Trịnh Công Sơn cũng nhanh chóng rời bỏ vấn đề này để sang địa hạt của chữ Lão... "Tóc xanh mấy mùa” (Phôi pha); "Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già” (Biết đâu nguồn cội); "Từng tuổi xuân đã già" (Phôi pha); “Chợt một chiều tóc trắng như vôi" (Cát bụi). Lão hoá là một quá trình bất lực trước thân thể, trước vật chất và tinh thần. Thế giới đổi khác, và tôi cũng suy nghĩ khác, ấy là vì tôi đã già đi. Trịnh Công Sơn đã nói đến chữ Lão bằng tất cả giọng buồn nản: "Có một bạc đầu tôi đi, tôi đi" (Có một ngày như thế).
Nếu như Lão là một sự bất lực trước cuộc sống, thì Bệnh là một tình trạng suy thoái và mất chất lượng của cuộc sống, do sự bất lực tạo nên. Thân thể tiềm ẩn sẵn những mầm mống của bệnh, có thể coi con người là một bệnh tiềm thể: và vì mang sẵn mầm bệnh như Trịnh Công Sơn nên tự xem mình ấp ủ sẵn một "mặc cảm lâm bệnh". Có thể nói con người là một gã mắc bệnh trường kỳ, nghĩa là để hoạch định cho bước đi của mình trong cõi luân hồi, con người không có được mấy khoảnh khắc biểu hiện sự khoẻ mạnh, tính chính xác hoặc là sự sáng suốt đáng tin cậy: "Ngày thu đông phố xưa nằm bệnh" (Có nghe đời nghiêng); "Chập chờn lau trắng trong tay" (Chiếc lá thu phai); “Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay" (Tôi đang lắng nghe); "Ngày tháng trôi qua cơn đau mịt mù” (Hoa vàng mấy độ).
Không quên rằng sự hạn chế của sức khoẻ bản thân, những đêm thức khuya mất ngủ đã gieo vào lòng tác giả cái mặc cảm nói trên. Nhưng mặt khác, do một quan niệm có tính chất khổ hạnh, Trịnh Công Sơn đã xem "lâm bệnh” chính là bản chất cuộc đời.
Đáng buồn nhất là cái chết (Tử). Triết học phương Tây cho rằng cái chết không thuộc về đời người: nó thuộc về vũ trụ, nó giống như bức tường trắng, trắng nhờ, phẳng lỳ vô nghĩa (J.P.Sartre. Le Muer). Nhưng với phương Đông cái chết thuộc về đời người. Nó găm vào hữu thể, làm rỗng những hữu thể. Nó giống như con sâu đục khoét trái cây và làm rỗng dần ruột trái cây. Vì mang sẵn mặc cảm lâm bệnh nên, theo Sơn nghĩ, con người ta có thể sẽ đi ra khỏi thế giới này lúc nào cũng được: "Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh); “Một hôm buồn lên núi nằm" (Tự tình khúc); "Thí dụ bây giờ tôi phải đi. Tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống" (Rơi lệ ru người); " Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ" (Cỏ xót xa đưa); "Có một dòng sông đã qua đời" (Có một dòng sông đã qua đời).
Cái chết là tất yếu, là bất khả kháng đối với con người. Có chăng là giờ điểm của chuông chiêu hồn. Hình ảnh này, được lặp lại muôn nghìn lần, đã khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn gồm những lời tiên đoán xui xẻo, và một màu nâu xám buồn bã, mê hoặc.
Cho đến trước năm 1975, Trịnh Công Sơn đã xây dựng xong toàn bộ một thế giới với bốn yếu tố nguyên thủy của nhà Phật là Sinh, Lão, Bệnh, Tử đều có tính hư vô. Nhưng Trịnh Công Sơn đã tìm cách hoá giải chúng, bằng cách sữ dụng một báu vật của tâm hồn, nửa ảo nửa thật rất lạ: “Sống trong đời sống cần óó một tấm lòng. Để làm gì em biết không?”.
Chính đó là cái tâm. Cái tâm thì không tìm kiếm cái gì cho mình, "Cái tâm" chỉ giống như tấm chiếu để trải ra cho thiên hạ ngồi lên. Kinh Phật có nói rằng lòng tốt của đời giúp được cho con người, như một đôi hài cỏ chỉ giúp người đi qua một đoạn đường. Nghĩ cho cùng thì nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn, như bài ở trọ, Đoá hoa vô thường, Một cõi đi về đều viết về đề tài có mang hơi hướng triết lý nhà Phật.
Chuyện nhà Phật kể rằng, ngày xưa, có một con thằn lằn chọn Nghiệp . . .
Biết mình sắp viên tịch, vị sư già quyết định đọc một biến kinh sau cùng của đời mình để bày tỏ lòng ăn năn hối cải. Nhưng biến kinh của ông đã không bao giờ thực hiện được, vì khi sắp hết bài thì ngọn đèn chợt tắt, và câm bặt hết ánh sáng. Con thằn lằn đã bò theo mặt bàn, lên đĩa đèn và uống cạn dầu. Khám phá ra con thằn lằn, vị sư già mắng nó là "nghiệt súc", và cầm dùi chuông đánh chết nó. Linh hồn con thằn lằn bay về địa ngục. Diêm vương cho nó biết là nó được tự do lựa chọn cách hoá thân. Con thằn lằn khẩn nguyện rằng xin đem nó đến đài hoàn vũ và thiêu hũy thân thể nó thành tro bụi. Mỗi hạt bụi được tung ra khắp bốn phương trời, sẽ hoá thành một tia sáng, soi rọi vào chốn mê lầm của con người.
Thuở niên thiếu, vì hoàn cảnh riêng, gia đình đã gửi Trịnh Công Sơn vào một ngôi chùa. Ở đó, Trịnh Công Sơn phải đứng bên vị sư già chùa Hiếu Quang để lật từng trang kinh cho sư phụ đọc.
Con thằn lằn đã chọn nghiệp từ thuở ấy. . .