Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 3, 2012

NGỒI VÕNG QUÊ HƯƠNG - Nguyễn Hồng Trân


Cùng nhau ngồi võng đung đưa
Tự đem gió mát giữa trưa nắng hè
Đàn chim ríu rít hàng tre
Tiếng gà tục tác sau hè mái tranh
Cành cau tỏa bóng trước sân
Sau vườn mít bưởi cam chanh gió vờn
Xóm thôn vang tiếng ru con:
“À ơ… con ngủ cho ngon mẹ mừng”
Ôi sao quê cảnh thân thương!
Thấm sâu tâm thức, vấn vương tơ tình
Ngồi đung đưa võng lặng thinh
Mà sao trong dạ chúng mình bâng khuâng!...
Bao nhiêu cảm xúc trào dâng
Cội ngồn xứ sở muôn phần ghi sâu
Dù cho xa cách bao lâu
Cũng luôn nhớ mãi trong đầu quê hương.


Nguyễn Hồng Trân

Phú Long, Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị,
 tháng 5 năm 2012
READ MORE - NGỒI VÕNG QUÊ HƯƠNG - Nguyễn Hồng Trân

NHỮNG ĐIỂM SÁNG GIÁO DỤC Ở MỘT VÙNG KHÓ - Lê Cảnh Biểu

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ngoài cùng, bên trái) trao máy tính cho thầy trò Trường THCS Triệu Thành. Ảnh: Nguyễn Hương - dantri.com.vn


Ai đã một lần đến Triệu Phong, có dịp về Triệu Thành – mãnh đất đầy nắng gió- nơi đã từng hiến tặng cho đời những con người, những tấm lòng cao cả,  giàu nghĩa khí và đức hy sinh. Cũng chính trên mãnh đất này đã một thời máu lửa chiến tranh tàn khốc làm nung nấu lên trong mỗi con tim ngọn lửa căm thù và ý chí quyết tử vì non sông gấm vóc. Vẫn còn đó những con người của ngày hôm qua, gặp gỡ trò chuyện với họ mà lòng thèm khát được sống lại những giây phút hào hùng, những khoảnh khắc thiêng liêng của quá khứ. Bước đi trên những miền quê của Triệu Thành, chúng ta có cảm giác như được tắm mình trong không khí trong lành, được hoà mình trong những tâm hồn trắng trong tinh khiết. Cảm giác ấy như thôi thúc những con người làm nghề dạy học trăn trở, day dứt bởi những đổi thay trong nhận thức của biết bao người mẹ đã vì manh áo miếng cơm chưa tươm tất mà phải thay đổi suy nghĩ vì một đứa con đang trong độ tuổi học trò không mặn mà, không thiết tha khi cắp sách đến trường làng. Hoặc một người bố ngày đêm trên con thuyền nhỏ men dòng Vĩnh Định  với ao ước có một mẻ cá đủ nuôi sống qua ngày cả một gia đinh với đàn con bé bỏng đang mang trong mình cái nỗi niềm vì một cậu con trai vừa bước sang tuổi thứ mười hai phải gác bút nghiên bởi không đủ kế sinh nhai.



Nỗi buồn niềm vui xen lẫn trong trai tim cháy bỏng yêu thương với những khao khát dâng trào từ đáy lòng của những nhà kiến trúc dựng xây những tâm hồn trong trắng như pha lê đang đối mặt với những xô bồ từng ngày diễn ra bên lề cuộc sống. Ngắm nhìn những cô bé tuổi mười lăm ngồi bên hàng quán bán những cây kem, những cậu con trai chưa học xong lớp 8 đang chèo thuyền xuôi ngược trên sông lòng ai chẳng đau thắt. Cuộc sống là như vậy, tạo hoá cho con người quyền được sống, quyền được “Tự do” nhưng không phải vì thế mà chúng ta làm ngơ với “kiểu tự do” của trẻ thơ khi chưa hoàn thành chương trình bậc học phổ thông.




Đối mặt với cuộc sống, biết bao thách thức đòi hỏi con người phải có đủ nghị lực vượt qua. Bên cạnh những mảng đời lận đận chưa tìm ra cho mình hướng đi của cuộc sống, chúng ta vẫn thấy đâu đó trên những miền quê nghèo của Triệu Thành những bông hoa toả ngát hương thơm bên đồng cỏ mênh mông, bên những dòng sông thơ mộng. Từ trong ánh bình minh của một buổi sáng trời trong mây tạnh, ta vẳng nghe đâu đó tiếng hát trong trẻo của một bé gái ngân lên. Chúng tôi bắt gặp trong ánh mắt của em một niềm vui khôn xiết, trao đổi trò chuyện với tôi trong dáng vẻ rụt rè của một người học trò thực thụ mới thấu hiểu ra cô bé ấy là con một bà mẹ nông dân nghèo, có chồng mất sớm phải tần tảo nuôi hai đứa con từ tấm bé, cô gái vừa tốt nghiệp xong bậc trung học phổ thông năm 2007 và con đường vào ngưỡng cửa trường đại học đang mở rộng đón bước chân của một con người chịu khó miệt mài đèn sách vượt qua những rào chắn cuộc sống, những tự ái đời thường để vươn tới con đường thành đạt.



Với niềm háo hức say mê của một con người đi tìm những ngọn đèn trong giông bão, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về với thôn Tân Đức xã Triệu Thành - một làng quê ven sông bốn mùa trên con đò xuôi ngược bằng nghề đánh cá với niềm ước ao bé nhỏ có đủ cho cuộc sống thường ngày, đây còn là một mãnh đất gắn bó với biết bao mãnh đời bất hạnh, tuổi thơ sớm phải giã từ mái trường làng cùng mẹ cùng bố “Đi tìm bãi cá” mà trong mình chưa có được cái chữ để đọc, để viết. Hành trang bước vào cuộc sống  của những cậu bé chỉ có thế. Trong những gia đình chúng tôi đến để làm công tác điều tra phổ cập giáo dục bậc THCS vào dịp hè 2007, niềm xúc động đến trào nước mắt khi tâm sự cùng chị Lành có chồng là anh Phạm Thanh đang bị bệnh nằm chạy thận ở bệnh viện Trung ương Huế - một trụ cột của gia đình vậy mà giờ đây cả vợ và con phải chạy xuôi chạy ngược để có được đồng tiền cho chồng chống chọi với bệnh tật, vượt qua hiểm nguy. Không những thế, chị Lành còn phải lo cho những đứa con hiếu học ngày đêm miệt mài với đèn sách với những mong ước khiêm tốn là được vào trường chuyên nghiệp để sau này giúp gia đình thoát ra khỏi cái cảnh chạy cơm từng bữa và cũng tự hào thay chị Lành đã làm được điều mà cậu con trai của chị khao khát bấy lâu.



Câu chuyện của chị Lành như một thôi thúc cho đoàn điều tra phổ cập của chúng tôi tiếp tục đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống để tìm đâu đó những cuộc đời, những con người có cùng cảnh ngộ như chị. Dẫu cho cái nắng cuối hè còn gay gắt, anh em đã thấm mệt nhưng lại  được tiếp sức bởi một luồng gió đầy sinh khí tạo cảm giác sảng khoái lạ thường, thế là Đoàn điều tra tiếp tục về với An Tiêm, Cổ Thành – nơi chúng tôi đến lại là những làng quê làm lúa, dân đông ruộng ít, quanh năm tần tảo cày xới để có được lưng bát cơm nuôi sống con người, chứ không mong muốn gì hơn là có của ăn của để. Gặp gỡ và tâm sự với anh Lê Văn Chính - trưởng thôn Cổ Thành chúng tôi mới thấu hiểu những nỗi lòng cùa người dân - Anh nói với một niềm hứng khởi “Triệu Thành có được ngôi trường THCS  như hôm nay thì con em chúng tôi đỡ vất vả, vì cứ vào mùa tựu trường lại phải tính toán làm sao để có được mấy trăm nghìn mua cho con chiếc xe đạp, chưa kể đến nào sách, nào vở, áo quần, rồi học phí, xây dựng… Nhiều gia đình không có được dăm ba trăm bạc phải ngậm đắng nuốt cay cho con nghỉ học, bây giờ thì khác rồi, ngôi trường mới xinh xắn mọc lên, những người làm cha làm mẹ như chúng tôi không còn bận tâm như mọi năm mà chỉ lo làm sao con cái học giỏi để sau này thoát ra khỏi cái đói cái nghèo thế là sướng lắm rồi”. Sau những lời tâm sự, anh dẫn chúng tôi đến một gia đình được coi là mẫu mực trong thôn về tinh thần vượt lên nghèo khó nuôi các con ăn học thành đạt đó là anh Hồ Văn Quý bồ của em Hồ Trung Thành lúc ấy đang học lớp 9A trường THCS xã Triệu Thành năm học 2007-2008, có thể nói rằng trong một hoàn cảnh khá đặc biệt : Đây là một gia đình hai vợ chồng quanh năm tần tảo làm ruộng để nuôi bốn con nhỏ với ông bà song thân đã ngoài tám mươi tuổi, anh Quý ngoài công việc ruộng vườn còn làm đủ mọi nghề, chỉ trừ những nghề bất lương phạm pháp, miễn sao có tiền  bồi bổ sức khoẻ bố mẹ già, sắm vở sách cho con đến trường. Trong khó khăn chồng chất, anh vẫn có một niềm hạnh phúc hơn người là những đứa con đều học giỏi, riêng em Hồ Trung Thành liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi ở trường THCS. Ngoài sự động viên của thầy cô, bạn bè, và gia đình, hàng năm Thành vinh dự được Tổ chức Phi Chính phủ tặng học bổng CI .Tuy rất nhỏ bé nhưng đó còn là nguồn động viên, sẻ chia cho những mãnh đời bất hạnh như em để vươn lên học giỏi xuyên suốt thời gian học tập dưới mái trường THCS Triệu Đông, và cả năm cuối cấp trên mái trường mới lập lại: Trường THCS Triệu Thành - Nơi em sinh ra và lớn lên, nơi mà em đã từng khao khát thèm muốn  được học gần nhà để có điều kiện động viên bố, an ủi sẻ chia cùng mẹ.Từ giã gia đình anh Hồ Văn Quý, sau khi nghỉ lại bên hàng quán ăn vội mỗi người một mẫu bánh ngọt, chúng tôi đến thôn Hậu Kiên vừa lúc trời xế chiều và tìm gặp anh Nguyễn Tài -Trưởng thôn  để hiểu thêm một số nhân tố điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi ở địa phương này và một điều thú vị cho đoàn chúng tôi  khi qua trò chuyện với anh  thì mới vỡ lẻ là chính ngay gia đình của người trưởng thôn đang trong độ tuổi năm mươi này là một ngọn đèn  toả sáng giữa đời thường của cái “Làng nghèo Chợ Sãi” anh nói với chúng tôi “cái làng nhỏ vên sông Vĩnh Định này, ngoài cái đất làm nhà ra chẳng có một mãnh vườn nào có thể sản xuất ra được hoa màu, dân làng tôi xưa nay  sống được là nhờ ở cái chợ Sãi bé tí, một xí nghiệp bánh kẹo thủ công của một gia đình trong thôn có thể giải quyết được công ăn việc làm cho dăm bảy người trong xóm, một gánh bún bán rong cũng thu được một khoản tiền nho nhỏ trang trải cuộc sống, ngoài những công việc đó ra bà con dân làng phải tần tảo gồng gánh lên tận “Chợ Tỉnh” (Đây là tên gọi mà xưa nay người “làng chợ Sải” giành để gọi “chợ thị xã Quảng Trị”), một khu chợ sầm uất ở phía Nam tỉnh, sau chợ Đông Hà”. Anh Tài cười và vui vẻ tâm sự tiếp: “Nếu nói một cách khách quan về tấm gương vượt khó của Hậu Kiên, thì con em chúng tôi đều xứng đáng cả. Bởi một lẻ mọi đứa trẻ làng tôi đều biết vượt lên chính mình, hoàn cảnh gia đình mình để học giỏi và thành đạt. Có thể nói với niềm tự hào : xưa nay Hậu Kiên là thôn ít học sinh bỏ học nhất của Triệu Thành, trong tổng số 107 em bỏ học theo số liệu điều tra năm 2007 thì chúng tôi chỉ một vài cháu”. Hậu Kiên đúng là tấm gương vượt khó - theo suy nghĩ của anh Tài và cũng chính là suy nghỉ của chúng tôi - những người làm công tác giáo dục. Tuy nhiên trong cái rộng lớn của xã hội thì Hậu Kiên vẫn có những điểm sáng đặc trưng mà gia đình anh Tài trưởng thôn có lẻ là một mẫu mực. Một gia đình hai vợ chồng với năm cô con gái đều đang đi học, trong đó, có hai đứa con đầu đang tốt nghệp đại học, chuẩn bị hành trang bước vào đời, đứa bé nhất đang học tiểu học và một cháu đang học THPT, đứa kế út là em Nguyễn Trần Phương Nguyên đang học lớp 9 và là một Liên Đội trưởng trường THCS Triệu Thành năng động sáng tạo và táo bạo. Tất cả học rất giỏi, các cháu đi học  dựa vào sức lao động một nắng hai sương của bố mẹ ngày đêm tần tảo nhọc nhằn, những đứa con hiếu thảo của anh chị đã không phụ lòng mẹ cha, học tập hết mình, giúp đỡ bố mẹ hết mình một khi có thời gian rảnh rỗi. Nhìn vào cái tổ ấm của gia đình anh thôn trưởng Hậu Kiên mà mỗi chúng tôi thật sự thèm khát, bí quyết để có được một gia đình như vậy hẳn mọi người ai cũng mong muốn tiếp xúc để anh Tài “bật mí” và rút ra từ người nông dân ấy bí quyết nuôi dạy con cái và chèo chống đưa con thuyền vững lái vươn đến tương lai.




Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi không có tham vọng xây dựng một tác phẩm văn chương, mà chỉ qua đây để cho mọi người - những ai quan tâm đến giáo dục Triệu Thành, một xã vùng ven đô lắm lúc gặp khó khăn bế tắc trong công tác phổ cập giáo dục bậc THCS mà ngành giáo dục cấp trên phải vào cuộc, ròng rã mấy năm trời vượt qua những hoàn cảnh khó khăn của những đêm rét thấu da, những ngày hè nắng lửa, những thầy giáo, cô giáo từ trường THCS Triệu Đông được Phòng GD & ĐT Triệu Phong giao trách nhiệm tổ chức điều tra, mở lớp BTVH  bất chấp mọi hoàn cảnh đến với Triệu Thành với tất cả nhiệt tâm của người làm công tác giáo dục để dạy cho con em - những đứa trẻ bất hạnh vì hoàn cảnh nghèo khổ không được đi học.Vậy mà giữa cái bề bộn của cuộc sống, có những tấm gương đáng quý - biết vượt lên hoàn cảnh, biết khắc phục mọi điều kiện, biết chiến thắng chính mình để cho trẻ đến trường và học giỏi. Được tắm mình trong ánh nắng chan hoà của bầu không khí ấm áp tình người, bên cạnh những người bố người mẹ, chúng ta vẫn không nén được những xúc động trước những nghĩa cử cao quý của những đứa trẻ biết sẻ chia  mọi cảnh ngộ gia đình, thường xuyên làm vui lòng mẹ được lòng cha, đó chính  là những ngọn đèn sáng trong giông bão, những phần thưởng cao quý mà các em dâng tặng cho những người thân yêu của mình.




Triệu Thành, 30/ 4/ 2008
Lê Cảnh Biểu

READ MORE - NHỮNG ĐIỂM SÁNG GIÁO DỤC Ở MỘT VÙNG KHÓ - Lê Cảnh Biểu