Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 10, 2019

CHỐN VỀ - Thơ Lê Văn Trung



                  Nhà thơ Lê Văn Trung


CHỐN VỀ

Rồi một hôm bên vực bờ sinh tử
Anh lắng nghe lời hát của trăng sao
Ôi cung bậc của ngàn năm thiên cổ
Như âm hao của lệ máu tuôn trào

Anh lắng nghe lời sương mây nức nở
Lời chia xa - lời trùng ngộ - phù vân
Ôi cánh cửa tồn sinh còn để mở
Anh trở về thất lạc cả tiền thân

Xin em thắp giùm đôi hàng nến đỏ
Dẫn soi đường khai mở cuộc tồn sinh
Ôi trái đất cũng vô cùng bé nhỏ
Hạt bụi nào chứng giải được vô biên?

Xin em mở hết cung lòng vi diệu
Cho hồn thơ anh lắng đọng kinh chiều
Ánh trăng nào soi hoàng hôn du tử
Và thuyền anh thôi đậu bến cô liêu.

                                 Lê Văn Trung

READ MORE - CHỐN VỀ - Thơ Lê Văn Trung

“ANH” THẦY - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



ANH” THẦY
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
                  
          Từ nhỏ tôi với Học đã chơi với nhau, y chang cái tên của nó, suốt ngày nó chỉ biết cắm đầu vào học, lần nào ai hỏi muốn tương lai làm gì cũng ngoác mồm ra phanh áo vỗ ngực nói rõ to:
          -Làm thầy giáo!
Những lúc như thế lũ trẻ xóm núi chúng tôi nhìn nó bằng đôi mắt như nhìn cái gã nào dị hợm lắm rồi phẩy quạt húych trâu đi thẳng, chỉ để thằng nhỏ ở lại đứng ngẩn ngơ chẳng biết mình sai cái gì. Thằng Học ba mẹ mất sớm, nó sống với bà được mấy năm thì bà cũng mất, nhà tôi và nó sát cạnh nhau, ba mẹ tôi thấy thương với tôi cũng là thằng con trai một nên vời nó về nhà ở chung cho có bạn. Chơi thân thì thân nhưng ban đầu nó cũng ngại ngùng, cũng chối từ, ba mẹ tôi thấy nó không ưng cũng không ép nhưng thấy hôm nào nó cũng ăn cơm trộn sắn rồi nấu một món ăn cũng chả ra hồn ( nó nhỏ quá mà), lại xót, bắt nó qua nhà rồi buông thõng:
           -Tính sao tính chứ bắt chạy qua chạy lại đưa cơm cho mày quài cô chú cũng mỏi quá, liệu mà dọn qua đây ở chung luôn cho tiện ! Cách có cái giậu mồng tơi mà chảnh!
            Ba mẹ tôi chỉ “ dằn mặt” nó vậy thôi mà nó sợ, nó chối đây đẩy:
            -Con nào dám…! Tại con ngại , do con nhỏ quá chưa làm được gì cho nhà mà đã động chén động đũa…
Ba tôi quát:
            -Thế ra mày nghĩ nhà này cần tiền à? Láo!
            Âý thế mà ba tôi đè nó ra đánh thật, nhưng đánh không phải vì giận nó mà vì “để nó khóc”, nó cứ tỏ ra mình mạnh mẽ để không làm phiền lòng đến ai hết, ngày bà mất cũng cắn răng cắn lợi không khóc để lo tang lễ cho chu toàn, chứ nó vật ra đó thì ai chạy đôn chạy đáo lo mọi việc cho được. Nó khóc vì đau, vì bao cảm xúc dồn nén nay chực òa mà cũng vì nó chưa bao giờ hiểu được cảm giác khi bị “ ba đánh đòn” là gì. Thế rồi căn nhà nhỏ lụp xụp của tôi có thêm một thành viên, ba mẹ tôi dù phải thêm miếng ăn càng nai lưng ra để làm nhưng chưa bao giờ than phiền và đối xử công bằng với cả hai đứa, có khác chăng chỉ là tôi… bị đánh đòn nhiều hơn nó vì quậy. Học rất siêng, nó bảo siêng mới làm thầy được, phải giỏi thì khi nói người ta mới phục, nó lại rất hay lí luận, hồi nhỏ tôi thấy mấy câu dông dài của nó thì phiền phức thật nhưng lớn lên một chút  lại nhận ra có nhiều điều đúng mà chỉ một đứa trưởng thành trước tuổi như nó mới có thể nghĩ ra.
            -Có lắm nghề kiếm tiền mà sao cứ muốn làm thầy chi vậy? Tao nghe nói làm thầy giáo nghèo lắm, mày học giỏi kiếm cái nào có tiền mà làm, chi uổng tương lai.
            -Tao thích làm thầy, để còn dạy cho mấy đứa nhỏ nghèo như tao, hơn nữa trước khi mất bà tao cũng muốn tao làm thầy, thế mới nên người.
            Nó nói mà làm thật, khỏi phải kể cái sự dông dài thành tích học tập của nó, rồi nó thi vào Sư Phạm, phải lên phố học, tôi cũng theo nó lên phố nhưng do tôi học không tới nên lên phố làm. Ngày ba mẹ tiễn hai đứa đi, mẹ tôi khóc như mưa cứ ôm nó mà vỗ vỗ, ba tôi lại dặn dò nó đủ điều chỉ có tôi đứng trơ ra chẳng biết ai mới là con hai người. Lên phố, hai đứa tôi thuê chung một phòng trọ nhỏ, nó miệt mài học, tôi siêng năng làm, có việc gì không vừa ý tôi lại về hỏi nó. Năm đầu tiên nó được nhận học bổng, bạn bè cùng lớp có đứa rủ đi ăn, nó cũng rủ tôi theo, có người tốt tán dương nó, lại có kẻ móc mỉa:
           -Nói thiệt chứ biết cậu khó nên thầy cô giáo cũng thương, cái điểm cái tình hết mà. Cứ thế này thì học bổng có nước theo cậu nối gót.
          Trong khi tôi bực thì Học chỉ mỉm cười nhã nhặn, tối về tôi ức không chịu được trách nó sao để thiên hạ đè đầu đè cổ, nó chỉ cười:
            -Thiên hạ với mình, xét cho cùng cũng là người lạ, lời người lạ nói, hay thì làm ta mát lòng, dở thì ta xem như gió thoảng qua tai, có quan trọng gì đâu mà ta phải bận tâm.
           Thấy nó nghĩ thông, tôi cũng không thêm vào làm to chuyện. Nó lớn trước tuổi, lại là chỗ dựa cho tôi, chỉ bảo tôi nhiều chuyện, lại lớn hơn tôi một tuổi nhưng chẳng bao giờ tôi gọi là anh. Tuy lời nó nói với người rỗng tuếch như tôi đôi khi hơi khó hiểu nhưng ngẫm lại thì thấy đúng. Chẳng hạn như làm việc tay chân như tôi mà cũng bị cấp trên kiếm cớ trừ bớt lương, làm tối mặt tối mũi về nằm ấm ức, nó khuyên:
            -Người ta là chủ, người ta có quyền định đoạt, khi người ta đã muốn lấy của mày thì dù mày có đủ nghĩ cách ngăn chặn vẫn có cách tuồn bớt thôi. Khôn ngoan mới lên làm chủ được chứ. Mày cứ gắng làm, nếu người ta thấy thương thì người ta cho gỡ gạc lại, còn nếu đã không ưng thì có cố cũng không được, lúc đó nghỉ đi.
Tôi giật mình:
            -Mày nói nghỉ là nghỉ à? Công việc người ta dễ kiếm lắm chắc. Gì thì gì cũng cắn răng mà làm chớ.
            -Thế nếu mày đã có quyết định là sẽ làm tiếp rồi thì ở đó mà than thở làm gì?
            Tôi ngớ người ra rồi chợt hiểu bị thằng bạn bắt thóp, nó lúc nào cũng có những lí luận đanh thép hoặc khiến người ta nhận ra điều người ta muốn làm chỉ với một câu chốt hạ. Sau này cũng thế, cuộc đời của tôi mọi khó khăn đều được nó san sẻ,trong mắt tôi, dù nó vẫn chưa tốt nghiệp, thì nó đã như một người thầy trong cuộc đời tôi vậy.
          Sau khi tốt nghiệp, nó quyết định lên miền núi dạy, cái quyết định của nó không làm cả nhà tôi bất ngờ nhưng kì thực vẫn không muốn nó đi. Đường đi đã hiểm trở, lương bèo bọt rồi lên đó đâu phải lúc nào thầy cũng được trọng dụng, đôi khi còn phải năn nỉ vận động người ta đi học, khó khăn đủ bề, nhưng nó vẫn quyết tâm đi. Nó đi biền biệt ba năm, mỗi năm về thăm nhà một lần, lần nào cũng đen và ốm đi khiến ba mẹ tôi xót lên xót xuống, lại móc:
            -Làm thầy khổ cực lắm hả con? Thằng Li thì mập phơi thây cả ra, còn con thì gầy nhom, đen nhẻm!
           Tôi chỉ biết túc tắc đầu. Đúng là nó khác, nhưng thấy đĩnh đạc, thấy đường hoàng hơn. Tối, hai thằng nằm ngủ tại tấm phản sau hiên nhà, nhìn ánh trăng rơi gọn vô cái chum nước, nó lúc lắc:
            -Ở trên đó nhiều lúc nhớ quê, nhớ ba mẹ, nhớ mày khủng khiếp, nhưng cứ sáng đi làm, thấy đám trò nhỏ biết thêm một con chữ tự nhiên hết cả mệt nhọc.
           Tôi đang định khoe với nó tháng này tôi mua thêm cái áo mới, sắm thêm cái tủ, rồi kể về việc tán tỉnh một cô nàng nào đó nhưng rồi bỗng thấy tất cả chợt vô nghĩa, tất cả như quá xa xôi và vớ vẩn trước những điều nó vừa nói.
            -Dẹp cái suy nghĩ của mày đi. Có một ông cụ non ở đây rồi thì nên có một trai trẻ để đời bớt nhạt.
             Nó như nắm được suy nghĩ của tôi nên nói ra, và lúc đó tôi lại hào hứng kể cho nó nghe về những gì đang xảy ra với tôi như hồi còn bé, chỉ có điều là bây giờ đã là hai người đàn ông ngấp nghé tuổi ba mươi.
             Tuy nó kể trên chỗ nó làm không quá đỗi khó khăn nhưng tôi vẫn quyết định lén lên thăm nó một lần. Con đường khúc khuỷu xe không thể đi nên phải lội bộ, ngay khi tôi mới vào làng, hỏi thăm “ thầy giáo Học” đám trẻ đã ríu rít cả lên như nhìn tôi từ …ngoài hành tinh tới. Mấy người lớn trong làng kéo tôi vão chõng ngồi :
            -Thầy lên núi bẻ măng với đám học trò rồi, nay học khuya, nấu ăn. Cậu bạn thầy à? Cũng gọi là thầy nhỉ?- Rồi thấy tôi hơi e ngại vội rót cho tôi miếng nước vối, thúc tôi ăn miếng bánh vừa đun- Ăn đi, ăn đi, bạn thầy cũng là bạn làng mà.
             Tôi chợt thấy ấm lòng trước những điều bình dị nhất mà bấy lâu nay vì bôn ba chốn phố thị lạnh lẽo tình người đã nỡ lãng quên. Ăn vội miếng bánh tôi ra chơi với đám nhỏ đang đánh đáo trước sân, đám nhỏ bu lấy một người lạ như tôi như một người quen chỉ vì tôi là bạn của thầy giáo chúng, đủ biết đám nhỏ thương thầy nó như thế nào. Những trò đám nhỏ chơi, những trò tôi và thăng Học đã cùng nhau chơi, bỗng trở nên quen thuộc.
            -Mày tới khi nào? Sao không báo?
            Thằng Học cất tiếng gọi tôi trong khi đám nhóc đang bu lấy nó, tôi thấy ánh mắt nó lấp lánh vô cùng. Dù không biết trên này có khó khăn như những gì dưới xuôi nói hay không, tôi cũng thấy với nó, nó đang tận hưởng những gì mà nó cho là hạnh phúc nhất.
            -Thì tao muốn làm “thầy” bất ngờ mà.- Rồi tôi chưng hửng, gì mà “ thầy”, lậm tiếng mấy người gọi nó mất rồi- Ừ, thì anh “ thầy” bất ngờ!
            Nó lớn hơn tôi mà, kêu là anh cũng đúng, rồi thêm chữ thầy vào cho ra dáng, thế là ra cái danh xưng kì cục mà cả hai chúng tôi đều bật cười.


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

READ MORE - “ANH” THẦY - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân