Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, June 23, 2022

HAI ĐỨA ĐIÊN, 4/30, 8-6 – Thơ Chu Vương Miện

 
 


HAI ĐỨA ĐIÊN
 
thề ngày xưa thì nhớ
thề bây giờ mau quên ?
ờ ra 2 đứa điên ?
 
thằng tỉnh ngụ nơi này
kẻ điên ngụ nơi đó
giống y cá trong rọ
 
mùa xuân hoa đào
mùa thu hoa cúc
thư cho em
chờ khô dấu mực
 
núi sông yên một chỗ
người kiếp trước kiếp sau
thảo nào ? lại lạc nhau ?
 
sông giang vĩ giang đầu
khúc giữa là giang bán
bậu khăn gói đi đâu ?
 
cùng một dòng sông đó
nước múc bằng mo cau
không thân dù máu đào ?
 
mới đó mùa xuân
nay đã sang đông
đủ một vòng
 
anh yêu em
em yêu anh ?
giống y đèn kéo quân
 
tàn một đêm
tàn một ngày
ai sống
và ai chết đây ?
 
cùng vào chùa
có người lễ Phật
rồi về ?
có người ở luôn tu
 
phía này đi tu
phía kia đi tù
chốn này phồn hoa
toàn phù du ?
 

4/30

Hôm trước thì có người mời mua nạng gỗ
Hôm sau có người mời mua xe lăn
Hôm nay có thư mời mua đất ngoài nghĩa địa
Ngày mơi chắc có thư order mướn nhà quàn ?
Xem mãi rồi cũng quên
Nghe hoài rồi cũng thuộc ?
Lý và lẽ đương nhiên
chả có ông Tây đen nào giận hờn ?
trên tivi có vị hảo tâm xin tiền
có vị tu hành xin gạo ?
gửi về quê hương Việt nam
nuôi người cùi người bệnh
thổi cơm nấu cháo ?
nuôi những trẻ Việt nam lai Campuchia ?
không biết đọc biết viết lang thang ven Biển Hồ
giòng tu bác ái San francisco
mắt lem nhem nhìn mãi lịch [đồng hồ]
bây giờ giờ này đúng 30/4
 
Ở quá xa
Ngày ngắn đêm dài
Đêm dài ngày ngắn ?
Mộ tháng vẫn 30 ngày
Một năm vẫn bốn mùa
Con chim trong lồng ?
Con chim ngoài trời
Con thì tự do
Con thì chim mồi?
Đàn ông đàn bà
Có trẻ có già ?
Có người ở rất gần
Có người quá xa?
Thơ tây thơ tàu
đọc xong chán phèo ?
đói rách vẫn giống nhau ?
nằm chèo queo
người chết là hết
chó chết nằm trên mâm
vui hơn pháo tết
mắm tôm lá mơ củ giềng ?
mới tháng một chạp đó
giờ đã qua giêng ?
lựu phun lửa kéo mùa hạ
cúc giữa thu héo hon ?
 

8-6
 
Thơ ta chả viết cho đời [*]
viết ra để mấy con ruồi đậu chơi
đậu xong dở khóc dở cườì
dở thưong dở nhớ dở người dở ma
 
tình mình đã trễ tháng 3
đồng hoang còn mấy nụ hoa ven đuờng
quê người nối lại quê hương
quê ta rồi lại quê miềng hai quê
100 năm một chuyến đi về
 
100 năm bia đá tan rồi
Tan nơi ly tách người ngồi trầm ngâm
Một trăm năm một vạn năm
Con mèo con chó còn nằm thở than
trần ai vạn nẻo trăm đường
âm dương đôi nẻo trần hoàn đôi nơi
ta như hạt cát luân hồi
cứ lang thang cứ chuyển dời tháng năm
nhìn lên đã khuất trăng rằm
 
Chu Vương Miện

READ MORE - HAI ĐỨA ĐIÊN, 4/30, 8-6 – Thơ Chu Vương Miện

ĐỌC “ĐÊM YÊN DŨNG” THƠ TRẦN MỸ GIỐNG - Châu Thạch

 
    
                         Nhà thơ Trần Mỹ Giống

 
ĐÊM YÊN DŨNG
 
Trên trời cao
một ngôi sao nhấp nháy
như ánh mắt người yêu ta thuở ấy
hẹn chờ nhau
xao xuyến buổi ban đầu.
 
Đồi bạch đàn
gió lao xao trong lá
ái ân niềm tâm sự
ngàn xưa.
đất cựa mình bồi hồi nhịp thở
ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.
 
Gió tạm biệt đồi cây
lá theo ngừng tâm sự.
đất say nồng giấc ngủ từ lâu
Trên trời cao
giọt sao còn thức
vẫn nhấp nháy nhìn
vẫn đợi chờ
chung thủy đến ngàn sau
    
              Trần Mỹ Giống

 
Nhà bình thơ Châu Thạch

 
ĐỌC “ĐÊM YÊN DŨNG” THƠ TRẦN MỸ GIỐNG
                                                      Châu Thạch
 
Nhà thơ Trần Mỹ Giống còn là một nhà văn, quê Xuân Trung – Xuân Trường – Nam Định, hiện quản trị trang tranmygiong.blogspot.com. Bài thơ “Đêm Yên Dũng” đã được nhà phê bình văn học Phạm Đức Nhì nhận xét thi pháp của bài thơ qua bài viết “Thi Pháp Bài Thơ ‘Đêm Yên Dũng’ của Trần Mỹ Giống”.              
 
Châu Thạch tôi tình cờ đọc bài thơ thấy rất hay, nên chỉ xin mạo muội viết những cảm nhận chủ quan của mình theo những cảm xúc mà bài thơ đem đến cho tôi, mong được tán thán cho thỏa lòng những ngôn từ trong thơ mà con tim và thớ thịt tôi rung động.
 
Vào khổ thơ đầu tiên ta dễ dàng thấy Trần Mỹ Giống chỉ cho ta một ngôi sao nhấp nháy, lung linh trên bầu trời đêm, như ánh mắt người yêu đã một lần hẹn thề, hẹn chờ ở cái tuổi “Xao xuyến buổi ban đầu”:
 
Trên trời cao
một ngôi sao nhấp nháy
như ánh mắt người yêu ta thuở ấy
hẹn chờ nhau
xao xuyến buổi ban đầu.
 
Khổ thơ đầu có ý thơ, tứ thơ thật dễ hiểu, chính sự dễ hiểu đó làm cho bất cứ ai đọc thơ cũng thấy được một bầu trời tuyệt đẹp, bầu trời đó nằm trọng tâm trí của mỗi người, nằm trong kỷ niệm êm đềm của một đêm nào đó, hay của một tháng năm nào đó mà ta từng nằm gối đầu trên cánh tay, nhìn lên khoảng trống bao la có ngàn vi sao nhấp nháy. 
 
Bầu trời đó nằm trong kỷ niệm của người lính, nằm trong kỷ niệm của anh công nhân, hay kỷ niệm của một người từng đi trên dòng sông, từng nằm trong cánh rừng. hay công trường hay nông trường nào đó. Nếu ai đọc thơ, nhớ đến lời hẹn thề với em một thuở xa xưa thì khổ thơ thổi vào tâm hồn ta một làn gió se lạnh, mang đến cho ta một chút khoái lạc trong nỗi niềm thương nhớ.
 
Những câu thơ trên đây dễ thật dễ, thanh thật thanh, nhưng có khác gì bức tranh mở rộng một khung trời, nhắn nhủ mỗi người quay lại ký ức, đi về thuở yêu thương. Trần Mỹ Giống từng là một người lính, chất lãng mạn trong thơ nếu đem vào cho đời lính thì nó lại càng lãng mạn, thì nó lại càng thi vị đến không bút nào tả được. 
 
Qua khổ thơ thứ hai, một bức tranh vô cùng độc đáo được vẽ lên  bởi cây cọ vẽ  điểm xuyết một khung cảnh cô liêu có mang hồn đất trời thao thức trong đêm:
 
Đồi bạch đàn
gió lao xao trong lá
ái ân niềm tâm sự
ngàn xưa.
đất cựa mình bồi hồi nhịp thở
ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.
 
Đọc khổ nầy không ai không tưởng tượng ra đồi thoi thỏi, cây bạch đàn trùng điệp, gió như hơi của đất trời bay qua từng kẻ lá. Vạn vật trong thơ như có linh hồn, như có thân thể để cựa mình, ẩn mình trong luống bắp, bãi dưa mà thở ra, tưởng đến những vì sao trên trời như đôi mắt người xưa còn quyến luyến với minh. 
 
Hai chữ “ái ân” ở đây không có nghĩa dục tình. “Ái ân niềm tâm sự” là sự hòa hiệp thanh tao của đất trời tự ngàn xưa mà Thương Đế tạo ra. là sự nhuần nhuyễn trong sự sống của muôn vật, là sự đồng một thể như hiểu tiếng lòng của thi nhân giữa trời xanh, sao sáng, rừng bạch đàn và tiếng gió lao xao. 
 
Thi nhân nhìn thấy ngôi sao như ánh mắt người yêu thuở ấy nhìn ta, lòng ấm lại và không gian cũng đồng cảm với lòng người, nên “Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở/ Ấm hơi người luồng bắp, bãi dưa”. Hơi người làm ấm luông bắp bãi dưa là hơi ai vậy? Phải chăng là hơi ấm trong mắt người tình năm xưa đã chiếu xuông từ ngôi sao nhấp nháy, làm cho muôn vật trở nên tràn đầy sự sống. 
 
Đây là một khổ thơ đúng nghĩa trác tuyệt, nó hòa hợp được tâm trạng người vào khung cảnh trời đất, nó đem sự ái ân trong lành vô biên của cuộc tình “Xao xuyến buổi ban đầu” vào cuộc ái ân của đất trời trong phút giây nầy. 
 
 Rồi thì sự lao xao của rừng cây bạch đàn dừng lại, đất cựa mình dừng lại, vạn vật chìm vào tỉnh lặng, nhưng con tim không dừng lại, nó nhảy chậm lại, nó nhảy chậm lại để được tồn tại mãi mãi cùng vạn vật đến ngàn sau. Để làm chi vậy? – Để chung thủy đợi chờ em:
 
Gió tạm biệt đồi cây
lá theo ngừng tâm sự.
đất say nồng giấc ngủ từ lâu
Trên trời cao
giọt sao còn thức
vẫn nhấp nháy nhìn
vẫn đợi chờ
chung thủy đến ngàn sau
 
Nhà thơ không còn là nhà thơ, nhà thơ bây giờ là nhạc sĩ, đã phổ một cung trầm cho dàn giao hưởng vừa nhộn nhịp của mình. khiến cho ngàn trái tim chùng xuống, trong yên lặng thụ hưởng tình yêu nồng nàn trong giấc ngủ, tức là giấc thụy du đời đời, đến ngàn sau.
 
Trời đất còn ngủ, muôn vật còn ngủ nhưng với nhà thơ, tình yêu không ngủ bao giờ, nó vẫn thức khi “Đất say nồng giấc ngủ từ lâu” và yêu trong giấc thụy du ngàn năm chung thủy của nó. 
 
Đọc khổ thơ nầy. tự nhiên làm tôi nhớ đến bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử tả một buổi bình minh đẹp vô cùng: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió reo tà áo biếc/ Trên dàn thiên lý bóng xuân sang”. Rồi Hàn Mạc Tử tả tiếng hát của thiếu nữ: “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thỉ vơi ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây”
 
 Tất nhiên ở đây Trần Mỹ Giống không tả miền nông thôn đẹp như Hàn Mặc Tử. Nhà thơ như tả một miền nông thôn nghèo với phong cảnh rất khô, và tiếng hổn hển trong thơ Trần Mỹ Giống cũng khác với Hàn Mặc Tử. Trong thơ Hàn Mặc Tử, tiếng hổn hển “như lời của nước mây”. Trong thơ Trần Mỹ Giống tuy không dùng tiếng “hổn hển” nhưng tiếng hổn hển nằm trong toàn bộ bài thơ và tiếng hổn hển đó không “như lời của nước mây” mà chính nó là lời của nước mây. Lời hổn hển ấy thầm thỉ với rừng bạch đàn, với luống bắp, vơi bãi dưa rồi chìm xuống trong yên lặng để suy tư, để tưởng nhớ về một cuộc tình đi qua trong đời. 
 
 “Đêm Yên Dũng” của Trần Mỹ Giống là một bài thơ rất ngắn nhưng rất dài, vì nó chất chứa một mối tình trong không gian rộng lớn, nó chung thủy với một mối tình đến ngàn năm sau và nó cô đọng sự bao la, sự trường tồn, vẽ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn vào trong 3 khổ thơ với 19 câu thơ ngắn gọn.
                                     
Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “ĐÊM YÊN DŨNG” THƠ TRẦN MỸ GIỐNG - Châu Thạch

ĐỘNG ĐẤT – Thơ Lê Phước Sinh

 



ĐỘNG ĐẤT
 
Nước vỡ bọc rùng mình
Núi vùng vằng dẫy dụa
Rừng xanh chảy máu kinh
Người ôm nhau ngạt thở.
 
LÊ PHƯỚC SINH
22.06.22

READ MORE - ĐỘNG ĐẤT – Thơ Lê Phước Sinh

CÁI ĐẦU - Truyện ngắn Vũ Hùng

 

Nhà văn Vũ Hùng

Truyện ngắn 

CÁI ĐẦU


Từ ngày nghỉ hưu lão Gà hái ra nhiều tiền lắm. Nhiều đến mức đếm không xuể, đếm đến nỗi ngón cái và ngón trỏ mất cả dấu vân tay. Cũng may là lão đã làm giấy căn cước công dân từ hồi còn đi dạy chứ nếu không thì mệt lắm đa?

Làng trên xóm dưới, xã trong, huyện ngoài lão đều đặt chân đến. Đến để mua gà. Để thề thốt rằng lão không phải là loại buôn gian bán lận. Nhưng lão có cái tật là trề cái môi mỏng lét như lá lúa ra để chê ỏng chê eo nào là gà xấu, gà bệnh để ép giá. Rồi chờ chủ gà sơ ý là vặn cân, bẻ móc. Có người tức giận nhổ nước bọt vô mặt, có người  ném gà lên đầu... Nhưng lão vẫn tính nào tật nấy, mặt vẫn trơ trơ như chẳng có gì? Miễn sao có nhiều tiền là OK rồi!

Hai đứa con gái thường điện về nhắc lão:

- Ba cũng cao tuổi rồi, ở nhà chơi cho khỏe buôn bán chi cho mệt?

Lão cười hề hề 

- Bán buôn đếm tiền cho vui chứ ngồi nhà như ếch ngồi đáy giếng theo kiểu cái thằng ông giáo chỉ biết xào xáo chữ nghĩa nặn ra thơ, rồi làm ba cái cờ líp bá xàm đăng lên Facebook để cho đám rỗi hơi, vô công rồi nghề bàn qua tán lại nào là thơ hay ảnh đẹp...nghe phát ói mửa. Nửa khùng nửa điên, đầu óc dễ mụ mị, tầm nhìn không qua khỏi lũy tre làng? Lại còn lên giọng đạo đức giả bằng những câu từ rỗng tuếch không đáng ba xu?

Lão luôn vỗ ngực tự hào về cái đầu của mình hơn thiên hạ ba bậc. Biết tính toán, mưu mẹo vô song.

Đi đến đâu, ngồi chỗ nào hễ có người dù quen hay lạ lão thường lôi cái lý lịch của mình ra kể, chắc đến vạn lần- cái tuổi thơ đầy cơ cực. Cha chết sớm do bị xuông đẻn năm 1964 khi lão vừa tròn bảy tuổi. Rồi lão khóc, khó biết giả hay thật.

- Nếu cha tui còn sống, tui sướng và giàu gấp trăm lần bi giờ?

Lão căm hận thằng cha dượng khốn nạn luôn đánh đập, gây khó khăn trong việc hoc hành. Lão trầy trật kiếm chữ rồi đi dạy phải tiêu tốn mất hai thập kỷ vì lưu ban ở bậc phổ thông và thi trượt đại học đến hai lần. 

Cũng tội nghiệp và đáng nể thật!

Lão đi dạy học mà trong đầu chỉ có gà và tiền thôi!

Năm1988 lão Gà là người đầu tiên trong huyện mua nổi chiếc xe bãi Honda Cup đời 80 của Nhật Bản với giá hai cây rưỡi vàng Ngọc Thiện Phẩm khiến ai cũng trầm trồ thán phục!

Lão Gà vênh vang tự đắc. Ở cái trường này, cái xã này chẳng ai bằng cái đầu của lão?

Ngồi ở đâu, chỗ nào lão cũng khoe khoang không biết mỏi chuyện buôn gà, chuyện mua đất đai, chuyện huê hụi, chuyện bạc tỷ, chuyện sắm vàng cả ký...

Về hưu rồi lão chẳng bao giờ nhắc đến chuyện trường lớp. Ngày nhà giáo Việt Nam có giấy mời lão cũng chẳng thèm đến dự. Lão thù con mẹ hiệu trưởng ỷ quyền cắt chức tổ phó khiến lão đau đớn mất phụ cấp chức vụ mỗi tháng mấy trăm ngàn.

Về hưu rồi dường như lượng người nghe lão khoe khoang về cái đầu thông minh lanh lợi  của lão giảm đi đáng kể. Lão tức lắm nhưng chẳng biết làm sao. Lão thù nhất kẻ nào dám khuyên lão câu hữu xạ tự nhiên hương? Phải nói, phải khoe cho thiên hạ biết mình là đại gia, có con gái lấy chồng ở Thủ Đô Hà Nội vừa rồi đi nghỉ dưỡng ở Tuần Châu một tuần, mỗi đêm phải trả bảy trăm hai mươi lăm Dollar Mỹ hẳn hoi chứ không phải như con gái của thằng ông giáo, mua nhà cấp bốn xập xệ trong hẻm cụt rộng hai mét mốt đường Hàn Mặc Tử ở thành phố Quy Nhơn to bằng cái lỗ mũi trâu!

Lão khoe đi khoe lại đến vạn lần khiến người nghe đến phát chán. Và lão đành phải khoe với mấy cụ bà tám mươi tuổi nghễnh ngãng lỗ tai nghe tiếng được tiếng mất hay mấy cụ ông bị tai biến mạch máu não đang cố tập tễnh bước đi với chiếc giá đỡ bằng inox để khỏi bị liệt chân.

Chiều nay lão Gà bám theo các cụ ra bìa làng để xem xe đổ đất làm đường.Thực tình trong bụng lão chẳng thích chút nào mà vì lão phải khoe cho được chuyện vợ chồng đứa con gái của lão sắp sửa nâng thêm hai tầng nhà cho hợp phong thủy ngốn hơn tỷ rưỡi đồng. 

Đang khoe đến đoạn mướn mấy kiến trúc sư có tiếng ở Thủ Đô đến khảo sát nhà và các cụ cứ nghiêng tai vậy hả, vậy hả, cái gì, cái gì... thì lão Gà phát hiện đám ruộng của lão khi con đường chạy qua còn bỏ không vài chục mét vuông bị vợ chồng thằng Hai Bao trước đây làm nghề bán cá cất chòi bán cà phê, nước mía, đồ nhậu, khách khứa tùm lum. Lão thấy mà sôi máu. Với con mắt sành sỏi lõi đời lão nhẩm sơ sơ mỗi ngày vợ chồng thằng Hai Bao cũng kiếm được năm bảy trăm là chuyện nhỏ.

Lão bước tới chỗ thằng Hai Bao đang bưng bia và đá lạnh cho khách.

- Ai cho phép mầy đổ đất, dựng quán trên ruộng của tao?

- Dạ, em xin mấy chú làm đường với lại mấy ông chính quyền rồi! Chỉ làm tạm thời gian thôi!

- Ruộng của tao sao phải xin mấy thằng đó?

- Dạ, Thầy Gà đã được bồi thường rồi mà, diện tích ruộng còn thừa lại do địa phương quản lý?

Lão Gà chửi té tát:

- Mả cha mày chứ gà vịt gì ở đây? Tao là Ga! Thầy Ga biết chưa? Diện tích ruộng còn lại là của tao chứ không phải của thằng nào hết?

Vợ của Hai Bao là Ba Biện đứng bên tức lộn gan, mặt đỏ phừng phừng:

- Xin lỗi, ông đã từng làm thầy mà ăn nói chẳng bằng Nậu rổi bán cá ngoài chợ tụi tui? Chồng tui ăn nói đàng hoàng như vậy mà ông chửi cha là sao?

- Mầy là thứ Nậu Rỗi - Lão Gà đáp - thuộc loại óc tôm mà dạy đời tao à? Cái đầu ông cố Nội ba đời nhà mầy cũng không  sao sánh được cái đầu thông minh như tao? Tao có tiền tỷ,  vàng ký, đất đai khắp nơi, con gái tao ở Thủ Đô Hà Nội nhà sắp sửa nâng bốn tầng còn vợ chồng mày là đồ mạt hạng?

- Mạt hạng à? Tao không buôn gian bán lận, không vặn cân bẻ móc, không nói xấu người khác sau lưng như mày? Không hiểu sao ông nhà nước lại để mày dạy học lâu đến vậy?

- Hỗn hào! Thứ mất dạy! Đồ đầu tôm!

Con mẹ Ba Biện độp lại ngay không kiêng dè nữa!

- Đồ đầu trâu, đồ óc chó!

Lão Gà hùng hổ

- Con Rỗi mất dạy, mày có tin tao quýnh quần lên đầu cho mày khôn ra không? Đầu mầy toàn là cứt!

Con mẹ Ba Biện giơ đầu về phía trước. 

- Đầu đây quýnh đi! Không quýnh là tao quýnh quần lại đó nghen đừng trách!

Lão Gà hoảng hốt lùi lại một bước nhưng không kịp nữa rồi. Con mẹ Ba Biện cúi xuống cởi chiếc quần dài màu cháo lòng nhanh như chớp rồi quất tới tấp vào vào đầu lão Gà, cái đầu mà lão đi đâu cũng khoe là thông mình,tài ba hơn thiên hạ!

Đám người ngồi nhậu mặt đỏ gay, vỗ tay bôm bốp, miệng cười hô hố như xem đấu võ đài.

- Thủ cho kỹ cái đầu Thầy Gà ơi!


Bình Định, 22.06.2022

Vũ Hùng

 

 

READ MORE - CÁI ĐẦU - Truyện ngắn Vũ Hùng