Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 21, 2018

XANH...VÀNG, CHO ĐỜI... - Thơ Tịnh Đàm



             Nhà thơ Tịnh Đàm


XANH...VÀNG 
(Viết theo tâm sự bác G.T.Điệp)

Trời xanh, xanh cả nỗi sầu
Cúc vàng, vàng cả những câu ân tình !

Một đời vinh nhục, nhục vinh
Kiếp người trong cõi phù sinh ngập buồn !
Bước đời sớm gió, chiều sương,
Lắt lay cơm áo, vấn vương bụi trần !

Chén say ! Hồn mộng phù vân,
Gió sương nặng trĩu tấm thân lạc loài.
Lệ đời ngập bước trần ai,
Có, không - là chuyện đổi thay vô bờ !



CHO ĐỜI...

Bao giờ
Gió chuyển mùa đông,
Ta mang nắng Hạ...
Cho không cõi đời.

Bao giờ
Hoa cúc rụng rơi,
Là mùa  thu chết...
Ta ngồi khóc em !

TỊNH ĐÀM
(Hóc Môn, TP.HCM)

READ MORE - XANH...VÀNG, CHO ĐỜI... - Thơ Tịnh Đàm

CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI... - Trần Mai Ngân



                         Tác giả Trần Mai Ngân


CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI...

Đừng trói ta bằng những muộn phiền!
Có phải không muộn phiền trói chặt và vây kín ta mỗi ngày , mỗi lúc. Ta bi quan chăng ...? Không đâu, ta tìm cách tháo gỡ và quẳng nó đi.
Nhưng làm sao được khi người chúng ta luôn như đang sống trong bụi gai của cuộc đời. Chi bằng, giữ thân và tâm yên tịnh thì sẽ không bị thuơng tích và trầy xước.
Khó lắm đấy ! Tôi nói cho bạn nghe cách của tôi và bạn nghĩ xem thế nào nhé !

NHẸ

Tôi đã tu tập tâm tính tĩnh lặng và xem NHẸ mọi việc.
Có lúc tưởng không chịu nổi được sự tổn thương, mất mát của lúc này, hôm nay. Tưởng rằng sẽ không sống an vui được khi phải rời xa người yêu dấu... Nhưng rồi ngày mai, bình minh vẫn đến và chim vẫn hót cùng hoa lá đong đưa. Mọi việc đau buồn ấy đã nguôi ngoai, đã nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Đúng không các bạn. Vậy tại sao ta không xem mọi việc NHẸ từ ban đầu để tránh bớt khổ đau và phiền muộn.
Con đường chẳng mấy ai muốn đi là chấp nhận những thứ không như ý... Nhưng thôi chúng ta hãy bước đi.. rồi bạn sẽ thấy không khó và ghê gớm lắm đâu. Chúng ta sẽ làm được. Và đó chính là cách buông trôi phiền muộn.

                                                    Trần Mai Ngân

READ MORE - CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI... - Trần Mai Ngân

CHIẾC NGÀ VOI, VÁC NGÀ VOI, VĨ VĂN - Chu Vương Miện


   


CHIẾC NGÀ VOI
     Vĩ văn

Thực ra câu chuyện kể sau đây là của anh Phùng Văn Hóa "bút danh là Hoàng Văn Phú, nguyên quán Tân Phú ngay đài phát tuyến chỗ Ngã Ba Ông Tạ, đi lính sau tôi, câu chuyện đã được đăng ở nguyệt san Tinh Thần năm 1964, câu chuyện thiếu mất một nhân vật là tôi, nên tôi viết lại và thêm cho đủ, đầu năm 1963 tôi ra trường và về đơn vị dd23tt, sư đoàn 23 bộ binh, tôi nguyên là cầu thủ tỉnh lẻ và ngoài công việc ban 3, tôi là đội viên của đội tuyển Sư Đoàn, nhưng chỉ là thứ cầu thủ dự bị, có cũng được mà không thì cũng chả sao!
Kỳ đó thì đoàn chúng tôi đi Pleiku tranh giải Quân Đoàn 2, đoàn chính là 11 người thêm 3 người dự bị. Sáng đó xe GMC chở chúng tôi ra phi trường Phùng Dực gần bộ chỉ huy Trung Đoàn 45 và Đài Phát Thanh Buôn Mê Thuột, vừa đến thì máy bay quân sự Mỹ cũng vừa hạ cánh, thầy trung sĩ Thông Vận Binh xì xà xì xồ vơi người sĩ quan trên máy bay, và đoàn cầu thủ chỉ đủ chỗ cho 13 người, tôi ở lại phi trường chờ chuyến bay sau, phi trường Phùng Dực là phi trường tỉnh lẻ, ngày ngày chỉ có một chuyến đến và đi rồi vắng tanh, và có vài chuyến bay quân sự qua đó chở các quân nhân vãng lai ngừng lại chừng 10 phút là lại cất cánh, phi trường trống trơn. Chỉ còn lại 3 người: tôi, một trung sĩ còn thuộc Trung Đoàn 44 và một thiếu úy Trung Đoàn 45. Vị trung  sĩ thì không có gì đặc biệt, chờ máy bay về Vũng Tàu đưa đám ma cha ruột, còn vị thiếu úy thì cũng không có gì đặc biệt, về Sài gòn để hỏi vợ. Khuôn mặt người nào người đó đều xạm đen cháy nắng, thiếu úy có khoác một cái ba lô nhẹ, trong ba lô không có gì ngoài chiếc Ngà Voi, chiếc Ngà Voi này là của con voi nhơ nhỡ, dài chừng 6 tấc, không trắng và màu nâu nhạt, không ai quan tâm để  ý gì đến cái Ngà Voi, mỗi lần máy bay quân sự Mỹ hạ cánh, thầy thông vận binh chạy trước, sau là ba chúng tôi, kỳ này gặp toàn chuyến bay về miền bắc như Đà Nẵng, Quảng Trị, không có máy bay về Nam, mỗi lần vác ba lô chạy vào thì Thiếu Úy bèn quăng ngay chiếc ba lô có chứa cái Ngà Voi xuống nền nhà, tôi buột miệng hỏi :
- Mang đi đâu cái của khốn này ?
- Mang làm quà cho ông bố vợ tương lai
Đến ngày thứ ba, một chiếc xe dodge chạy đến gọi trung sĩ Trung Đoàn 44 là có công điện từ Vũng Tàu gửi, nội dung là chờ lâu quá, đã chôn cất cha xong rồi, khỏi về. Thế là trung sĩ theo chiếc xe về luôn, sân phi trường chỉ còn lại tôi và thiếu úy với chiếc Ngà Voi, ngày hôm nay là ngày thứ ba để chờ, chừng nửa giờ sau thì có chuyến máy bay hạ cánh, một lúc sau thì được biết là máy bay đi Pleiku, tôi phấn hồ hởi mừng thầm trong lòng, một chặp thì một đòan người từ trên máy bay bước xuống, vị thượng sĩ thủ quân vỗ vai tôi noi lớn : "Chú mày cũng về luôn một thể, đội mình thua rồi !”

Ngay lúc đó thì vị thiếu úy chạy ngay vào nhà chờ khách, quăng chiếc ba lô có cái Ngà Voi xuống đất rồi gối đầu lên nhắm mắt ngủ
...........................
                           Hoàng Văn Phú và Chu Vương Miện


VÁC NGÀ VOI
    Vĩ văn

"Vác Ngà Voi" là một tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thụy Long, xuất bản vào năm 1964, tôi có đọc qua vài lần, nhưng từ đó tới giờ trên 55 năm hầu như quên hết, nhân tiện mượn đầu đề tác phẩm truyện ngắn  "Vác Ngà Voi" của anh Nguyễn Thụy Long để làm bài viết của mình, thực ra cái chuyện "Vác Ngà Voi" cũng chỉ bình thường ngang với "Gác Cu" hay "Thổi Tù Và Hàng Tổng" người làm công việc ruồi bu này được thiên hạ gọi là Ngu.
Cái sự Ngu này cách đây vài trăm năm, bây giờ thì lại cho là bình thường "vì là chuyện bắt buộc" ở bài này chúng tôi chỉ đề cập tới sự việc "Vác Ngà Voi" mà thôi, các chuyện khác sẽ bàn vào một dịp khác, thủa xa xưa thời phong kiến, các nước nhỏ "chư hầu" thì theo lệ cứ ba năm thì phải cống nước lớn "Đại Quốc" một lần, nhưng cũng tùy nếu Trung Quốc bị thua trận như nhà Thanh thua Nhà Tây Sơn, thì chỉ đi sứ qua thăm qua loa chiếu lệ mà thôi, không có quà cáp chi cả, vì hai bên đều là quân ăn cướp đồng bọn giống nhau, nhà Thanh là dân thiểu số Tiên Ty chiếm nước Hán (nhà Minh) còn Tây Sơn thì ăn cướp nước của "Vua Lê, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn" nên “cá mè một lứa” bỏ qua cho nhau hoặc thời nhà Mông Nguyên ba lần thua nhà Trần, nên xù không có cống phẩm chi cả.
Xin trở lại vấn đề là đi sứ và dâng cống phẩm, thời bị thua như thời nhà Mạc, thì ngoài vàng bạc châu báu, còn kèm theo thợ mộc 20 người, thợ nề 20 người, thợ chạm 20 người, hoặc cống phẩm như ngà voi, sừng tê, trầm hương, kỳ nam , v..v..

Thì triều đình của vua Mạc Đăng Dung chả hạn, lệnh cho Bộ Lễ lo phẩm vật cống nhà Đại Minh, bộ Lễ bèn giao công việc này cho một vị quan chức vị là Thị Lang (ngang chức giám đốc thời bây giờ lo liệu). Vị này bèn ra thẳng Bắc Thành trình sự vụ cho Tổng Trấn Bắc Thành rõ, nơi đây bèn sai một vị quan ngang chức Chủ Sự và theo tờ ghi danh mục các thứ cống phẩm đính kèm và hai vị quan sai này lên thẳng tỉnh Lạng Sơn để thu gom "mua sắm" những vật dụng cần thiết, vì từ tỉnh Lạng Sơn đến Thị Trấn Đồng Đăng là 15 cây số, từ Đồng Đăng đến Ải Nam Quan, Mục Nam Quan (bây giờ là Ải Hữu Nghị Quan), chừng 3 cây số nữa, vị chi đoan đường chỉ dài là 18 cây số, những thứ vật dụng này tương đối nhẹ, chỉ có cặp Ngà Voi là nặng, chừng 20 kilo mỗi chiếc, khi đoàn cống phẩm này đi qua địa phương nào (tức là xã nào, quận nào) thì dân đinh địa phương đó phải khiêng cặp ngà voi và “cống phẩm". Còn chánh sứ phó sứ đi tay không cũng đi kèm theo với hai vị quan  võ cấp nhỏ "quản, đội” để bảo vệ, đến biên giới hai tỉnh là Lạng Sơn và Vân Nam bên Tàu thì có Hữu Nghị Quan, bên ta có Ngưỡng Đức Đài, đồ cống phẩm của Việt Nam giao tận tay Tri Phủ Băng Tường là Phủ Biên Giới, nhận và ký tên vào danh sách cống phẩm là sứ thần Việt Nam xong nhiệm vụ, mọi thứ dịch vụ di chuyển phía Tàu lo, phái đoàn sứ thần đi và về chừng 3 năm. Thời nhà Đường thì cống phẩm khỏe hơn, thời Trung Đường vua Đường Minh Hoàng có bà phi là Dương Quí Phi chỉ thích ăn trái lệ chi (tức trái vải) thành ra vào mùa vải tháng 6 âm lịch hàng năm, nước Việt Nam chỉ cần cho xe bò kéo khoảng 10 cần xé vải tới biên giới giao cho quan phủ sở tại là xong, và ngay lập tức Tàu cho đóng yên cương Thiên Lý Mã chạy cấp kỳ ngày đêm về kinh đô cho Bà Phi Dương Quý Phi và đức vua thưởng thức, thành ra cái công chuyện "Vác Ngà Voi" là chuyện công vụ, không có tính cách cá nhân, thành ra cái chuyện Khôn hay Ngu không nên đặt ra ở đây !


 VĨ VĂN

Theo văn chương thường nhật thường thấy trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, hay trong các Đại tác phẩm tiểu thuyết đạo đức hoặc kiếm hiệp, hoặc văn nghị luận trong khoa cử hoặc báo chí, chúng ta thường chỉ thấy có bốn loaị văn chương, Thủ văn là văn đầu, kế đến là Cổ văn (có nghĩa là văn khúc cần cổ) mà cũng có nghĩa là văn thơi trước thời xưa, chớ không là thơ văn đương hiện đại bây giờ, tiếp đến là Thân văn (là văn khúc giữa có thể hiểu là Văn ngực) và cuối cùng là Túc Văn tức văn chân. Văn Chân là văn tả Chân chuyên viết về bàn chân mà thôi như truyện ngắn. Mối tình Chân của nhà văn Nhất Linh được đăng tải trong giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay xuất bản vào quãng năm 57/60 ở miền Nam Việt Nam, hoặc nhà văn Vũ Trọng Phụng được phê bình đại gia Vũ Ngọc Phan liệt vào nhưng nhà văn tả chân thời Tiền Chiến dù rằng ông không bao giờ viết tác phẩm nào về Chân Cẳng cả. Bây giờ đến phiên tôi (tức Chu Vương Miện) tôi thấy muốn đi vào một trong bốn loại văn chủ lực giáo khoa trên ít nhất phải là người có nơi lực thâm hậu, văn hay chữ tốt, kiến thức thiên hạ có bốn bồ chữ thì mình cũng thủ đặng ba bồ (ngang ngửa thi hào Cao bá Quát, chớ tơ lơ mơ thì đừng hòng, nên tôi tự chọn cho tôi một loại hình văn học là Vĩ Văn tức là Văn Đuôi , có nghĩa là văn thừa văn vứt đi , chả hạn như đuôi Chó, Mèo, Khỉ, Vượn... những điều chúng tôi trình bày hòan toàn có tính cách thừa thãi (ruồi bu) chả ăn nhập gì tới văn chương bác học và học đường cũng hoàn toàn không bao giờ dám cạnh tranh với các Văn Khảo Cứu Gia, nếu có cũng hoàn toàn chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, đầu voi đuôi chuột, đầu cua tai nheo, thêm râu ria cho rậm đám tạo đậm đà câu chuyện thế thôi, chớ hoàn toàn không bao giờ dám mơ ước được bước chân vào vườn hoa Văn Học Sử Điạ Lý, và loại Văn Đuôi này ai muốn đọc chơi thì đọc mà thản không có thì giờ hoặc không thèm đọc thì cũng chả chết ông Tây bà Đầm nào cả, đây chỉ là phần mào đâu mào đuôi cho nó đúng cung cách của kẻ mới nhập môn nghề viết lách này mà thôi, hoặc có vị nào nhàn cư đôi khi để mắt ngó chơi rồi nổi hứng lên dậy bảo cho kẻ hèn này dăm ba tiếng dăm ba câu thì chúng tôi cũng vô cùng đội ơn lắm lắm.

Từ Láu Cá:

Từ này chúng tôi có tra tự điển chung chung của nhiều vị học thật cùng học giả, nhưng thấy không đáp ứng đựơc cái điều mà kẻ hèn nay mơ ước mong đợi, lời giải thích lờ mờ không rõ ràng, không cụ thể, sau đây là phần mắt thấy tai nghe về từ "Láu cá".
Từ này thường được diễn giải là kẻ ma lanh, lanh lợi, giảo hoạt, gian xảo... theo chúng tôi hiểu và biết thì từ này thoạt kỳ thủy nọ phải liên hệ chặt chẽ với “Lái Cá” là ngươi bán cá, dính dáng tới thuyền chài , hàng năm cứ vào tháng chạp cuối năm thì bà con cô bác nhà quê, ngoài bán Heo (Lợn) để ăn và sắm tết, tuy nhiên có người nhà có ao có hồ nuôi cá ngọt thì cũng tát ao để bắt cá, hoặc cho Lái Cá tới mua. Đầu năm vào khoảng tháng tiêng tháng hai thì mua Cá Con về nhà để thả xuống ao nuôi tiếp. Thường thì Lái Cá gánh hai thúng cá con, nhưng hai thúng này lại được chia làm hai phần, có nghĩa là bốn phần cá riêng biệt, thúng thường là đan bằng tre và trét dầu rái cho nước không thấm ra ngoài, trong hai thùng (mỗi thùng hai ngăn) chứa được bốn lọai cá con như cá gáy, cá trắm, cá lóc, cá trê... người mua và người bán chịu giá với nhau là bao nhiêu tiền 100 con loại này, và bao nhiêu tiền cho loại cá kia, trao đổi nhất trí xong xuôi thì người Lái Cá gánh cá ra ngòai bờ ao cùng với người mua Cá, người Lái Cá quay cái phần (loại cá mà ngươì chủ nhà muốn mua)  cả chủ mua và ngươì bán cùng đồng thuận và vừa nhìn tay người Lái Cá vừa nhìn xuống ao, người Lái Cá lấy tay (phải hoặc trái tùy theo thuận tay nào) xúc một cái là có khoảng 5 con cá con nằm lọt vào trong lòng bàn tay, nhìn chủ nhà (tức ngươì mua) miệng thì đếm tay thì hất Cá xuống ao, năm này, rồi mười này, rồi mười lăm... Đếm thì cứ năm con một, nhưng khi hất cá xuống ao, thì ngườì Lái Cá  dùng một thủ thuật mà đại đa số người bình thường không biết,  là khi hất xuống ao thì cá trong kẽ tay người Lái Cá ba con rớt xuống ao thì hai con lại rơi vào thùng cá con như cũ, có nghĩa là người mua 100 con Cá giống thì chỉ có khoảng từ 50 tới 60 con Cá con mà thôi,  thành ra từ đó Lái Cá được chuyển thành Láu Cá, mà chỉ có liên hệ tới Cá (hoàn toàn không dính dáng chi tới thịt). Thành ra từ Láu Cá không thể diễn giải một cách rõ ràng hai với hai là bốn được mà chỉ hiểu từ Láu Cá có nghĩa đen là như thế.

                                                    CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHIẾC NGÀ VOI, VÁC NGÀ VOI, VĨ VĂN - Chu Vương Miện

CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ - Nguyên Lạc


   
                               Tác giả Nguyên Lạc



CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ

VỀ CHỮ DỤC

Dục là từ gốc Hán có ý nghĩa là muốn: sự ham muốn, mong muốn, lòng ham muốn được thỏa mãn.
1. Theo Phật giáo, dục được chia làm 2 loại: Thiện dục và ác dục.
- Thiện dục : thường được xem như lòng ham muốn đem lại lợi ích cho mọi người, trong đó có mình. Suy nghĩ và hành động có tính vị tha.
- Ác dục : thường được xem như lòng ham muốn chỉ đem lại lợi ích cho riêng mình, không phải quan tâm đến lợi ích của người khác. Suy nghĩ và hành động có tính vị kỷ.[1]
DỤC là đầu mối của SÂN SI, gây ra khổ đau nên đức PHẬT khuyên nên DIỆT DỤC. Theo tôi, nhiều người nghĩ chưa chính xác lời khuyên nầy: - Diệt là diệt "ác dục", còn diệt "thiện dục" thì làm sao tinh tấn được. Như lòng ước muốn giác ngộ để cứu giúp con người mà diệt thì ôi thôi!
Đó là vài nghĩa của dục trong Phật giáo.
2. Trong đời thường  giống vậy, cũng có 2 loại: Thiện dục và ác dục (tà dục)
- Ác dục: tư dục chỉ nghĩ tới quyền lợi của riêng mình, của riêng gia đình, phe nhóm mình; mặc cho người đời, mặc cho đất nước quê hương tan nát, thê lương. Loại dục này làm cuộc sống con người khổ đau thêm, ngăn cản sự tiến bộ của nhân loại
- Thiện dục: lòng mong muốn cho mình và người, cho xã hội, quê hương, nhân loại tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, tiến bộ hơn. Nếu diệt lòng dục này sẽ ngăn cản bước tiến của nhân loại
Diệt cái ác dục, tà dục trong cuộc sống là điều đáng trân trọng  và sẽ làm cho xã hội, con người đẹp đẻ thêm, hạnh phú thêm

CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ

1. Hàn Phi (Han Fei)
Con lươn hình dáng giống "y chang" như con rắn; nhưng khi thấy con rắn thì đàn bà ré lên, chết khiếp; còn gặp con lươn thi mân mê, "rà soát" cười tủm tỉm khoái chí! Tại sao?
Vi con rắn có thể mổ cho một phát "đi đời nhà ma", còn lươn ta thịt, ta "nhậu" đã đời, không khoái sao được?
Từ nhận xét này, ông Hàn Phi (Han Fei, 281 TCN - 233 TCN)[2]- Pháp gia người "nước lạ", mới "ngôn" đại khái rằng: Người đời đều "hành xử" mọi việc theo DỤC, theo cái lợi của riêng mình. Cho người lợi thì người sẽ theo mình, hết lợi thì họ  rời đi thôi.
Về chữ DỤC, tôi xin dẫn thêm trích đoạn này:
Trong Chiến Quốc Sách, ở mục Tần sách, tiểu mục 13: "Thiên hạ chi sĩ hợp tung" có đoạn:
[... Các kẻ sĩ trong thiên hạ theo chính sách hợp tung họp nhau ở Triệu muốn đánh Tần, Tể tướng Tần là Phạm Tuy nói với vua Tần:
- Đại Vương đừng lo, thần xin giải tán họ. Kẻ sĩ trong thiên hạ không có gì oán Tần, họ hợp nhau muốn đánh Tần vì mong được phú quý đấy thôi (DỤC - Nguyên Lạc). Đại Vương có thấy bầy chó của Đại Vương không? Nằm thì cùng nằm, dậy thì cùng dậy, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng nếu ném xuống cho chúng một khúc xương, thì chúng vùng dậy và nhe răng cắn xé nhau. Tại sao vậy? Vì tranh ăn...] (Chiến Quốc Sách - Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê)
Trong DỤC hàm chứa 4 chữ: TÌNH, TIỀN, DANH    QUYỀN LỰC
2. Dale Carnegie, nhà giáo dục
"Học tập" theo Hàn Phi, ông Dale Carnegie (nhà giáo dục nổi tiếng - wellknown- Mỹ, người lập ra hệ thống trường Carnegie) mới viết ra cuốn sách "How to win friends and influence people", dạy người "Bí quyết để thành công" (Cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là Đắc Nhân Tâm).

Xin được nói sơ lược về ông Carnegie này:
Dale Carnegie chỉ mới có tốt nghiệp trung học, không học tiếp,không tốt nghiệp đại học (giống như Bill Gates) nhưng viết sách dạy cho các nhà nguyên thủ, các thương nhân, bác sĩ , kỹ sư... Sách của ông xuất bản hàng chục triệu quyển và được chuyển ngữ hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Ở Mỹ, các hãng lớn bắt buộc các nhân viên phải học qua trường Carnegie nếu muốn tiến xa.
Ngay điều này, chúng ta phân biệt rõ ràng giữa BẰNG CẤP và TRI THỨC: - Bằng cấp cao chưa chưa hẳn là có TRI THỨC, hiểu theo nghĩa: Sáng tạo , tìm cái hay đẹp dâng đời và hành xử nhân bản, chính trực...
Tương tợ Hàn Phi, Dale Carnegie khuyên rằng: - Muốn dẫn dụ người, ta phải chú ý đến sự mong muốn, ước ao, cái lợi của họ (DỤC).
Con người muốn (DỤC) những  gì ?
[...Ít lắm, nhưng khi chúng ta đã muốn thì chúng ta nằng nặc đòi cho kỳ được. Những cái chúng ta muốn là:

1- Sức khỏe và sanh mạng
2- Ăn
3- Ngủ
4- Tiền của
5- Để tiếng lại đời sau
6- Thỏa nhục dục (sexual gratification)
7- Con cái chúng ta được mọi sự đầy đủ
8- Được người khác coi ta là quan trọng (A feeling of importance)
Freud [3], nhà bác học, phân tâm học Đức trứ danh nói rằng: -  Hai thị dục căn bản của nhân loại là tình dục và thị dục huyễn ngã (the desire to be great, to be important)[4]
Triết gia John Dewey nói: - Thị hiếu mạnh nhất của nhân loại là thị dục huyễn ngã. Xin các bạn nhớ kỹ câu: "Thị dục huyễn ngã". Nghĩa nó vô cùng và bạn sẽ thường gặp nó trong cuốn sách này.
Bảy thị dục khác đều dễ thỏa mãn, duy có thị dục đó ít khi được thỏa lắm, tuy nó cũng khẩn cấp như ăn và ngủ.
Abraham Lincoln nói: "Ai cũng muốn được người ta khen mình". Chúng ta đều khát những lời khen chân thành mà than ôi! ít khi người ta cho ta cái đó.
Những kẻ nào đã học được cái bí quyết làm thỏa mãn lòng đói khát lời khen đó, nó tuy kín đáo mà giày vò người ta, đâm rễ trong lòng người ta, thì kẻ ấy "nắm được mọi người trong tay mình" và được mọi người tôn trọng, sùng bái, nghe lời, "khi chết đi, kẻ đào huyệt chôn người đó cũng phải khóc người đó nữa"....] (Đắc Nhân Tâm - Nguyễn Hiến Lê).

LỜI KẾT

Để kết bài này, xin được ghi ra hai câu thơ của tôi tặng các bạn:
Nhân sinh.giấc mộng đủ dài
Tỉnh đi người hỡi. song ngoài vầng trăng

                                                                 Nguyên Lạc     

Nguồn: 
Hàn Phi tử, Chiến Quốc Sách (Nguyễn Hiến Lê) How to win friends and influence people -Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie), Wikipedia...

Chú thích:
[1] Tìm hiểu về dục
http://chuaphuclam.vn/index.php?/phat-hoc/tim-hieu-ve-duc.html
(2) Hàn Phi (Han Fei, 281 TCN - 233 TCN) là học giả nổi tiếng Trung Quốc cuối thời Chiến Quốc theo trường phái Pháp gia
(Han Fei, also known as Han Fei Zi, was a Chinese philosopher of the Warring States period "Chinese Legalist" school - Wikipedia)
[3] Sigmund Freud. Freud (là người Áo) đã có rất nhiều ảnh hưởng đến môn tâm lý học (psychology), mặc dù những ảnh hưởng này thiên về sinh vật hóa hơn, đóng góp cho ngành khoa học tâm lý. Thuyết của Freud cho rằng cấu trúc hành vi người được thúc đẩy bởi các thành tố cơ bản là ý thức-tiềm thức-vô thức, dựa trên cơ chế "thỏa mãn và dồn nén".
Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Phân tâm học chuyên sâu nghiên cứu về con người. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (E: id;F:Le Ca; G:das Es), cái tôi (E: Ego;F:Le Moi; G:das Ich) và cái siêu tôi (E:Super ego;F: Le Surmoi; G:das Über-Ich). Trong đó nói rõ con người luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó" [Wikipedia]
[4] Huyễn là rực rỡ vẻ vang. "Thị dục huyễn ngã" (the disire to be important) là lòng muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng


READ MORE - CHỮ DỤC TRONG XỬ THẾ - Nguyên Lạc

LỜI CÁT THÌ THẦM, KHÚC KHUỶU NGÀY - Thơ Lương Bút


  

       

LỜI CÁT THÌ THẦM !

Em con gái nắng hoàng hôn chấm tóc
Ta ngây người chờm níu thuở đôi mươi
Chân phiêu lãng chang chang chiều nắng quái
Trắng miền sương tóc cũ thả nghiêng màu

Em sa mạc tình mù sương... bến đỗ !
Hạt bụi nào tiền kiếp hóa xanh xao
Để lênh đênh giữa tro tàn gặm nhấm
Mơ một lần bụi cát cuốn xa cao

Em tóc ngắn chênh chao vàng lụa nắng
Ta gật gù mộng muộn gót chân du
Sương điểm trắng, góc thu vàng cố quận
Hồn liêu xiêu thấp thoáng khói xa mù

Em viễn xứ ướt mềm hoa lữ thứ
Ta độc hành di trú khóe sông thu
Chưa chạm môi ngất say đêm trừ tịch
Ngôn ngữ nào diễm lệ nhạc tình ru

Em ngồi đợi từ vô biên cuộc lữ
Ta triền miên trong dòng chảy thế nhân
Chiều xuống thấp ráng hoàng hôn tư lự
Gió ngàn ơi ! nghe lời cát thì thầm.


 KHÚC KHUỶU NGÀY !

Ta hỏi người thơ chỉ một lời
Một lần duy nhất cố nhân ơi
Nỗi buồn còn có làm cay mắt
Hay vẫn nguyên sơ số phận người

Ta đốt cháy lòng từng tấc nhớ
Em ngưỡng nhìn khúc khuỷu ngày trôi
Chưa ráo câu thơ, tràn ly mùa cũ
Chao nghiêng lòng sợi tóc vắt hương môi

Ta chưa uống cạn hết ly sầu
Mà sao chuếnh choáng giấc Hoàng Lâu
Mai sau thơ lạnh không còn rượu
Thế nhân run rẩy bốn phương sầu

Bất chợt chiều nay tình qua ngõ
Níu thời gian về bến hoa xưa
Như thức dậy hoang liêu trầm tích
Nhân tình ơi ! số phận cứ đu đưa

Sờ lên tóc nghe úa vàng quá khứ
Dòng tương tư sóng vồ vập ngược ngàn
Người nhắc nhớ cho thêm buồn son phấn
Rượu vu quy che lấp lối phủ phàng

Em cứ rót dòng thơ say túy lúy
Cho nụ cười chết đuối giữa hồng hoang
Ta bụm mặt xua tan lời trìu mến
Bởi cuối đường chưa ngộ hết nghĩa yêu đương

                                                     Lương Bút 
                                                     20/7//2018

READ MORE - LỜI CÁT THÌ THẦM, KHÚC KHUỶU NGÀY - Thơ Lương Bút

TIẾNG TRĂNG - Thơ - Nhật Quang



TIẾNG TRĂNG

Quờ tay chạm lá Thu vàng
Bỗng hoàng hôn khẽ rụng tàn bên hiên
Trăng gieo dạ khúc sầu miên…
Ta ngồi buồn đếm niềm riêng giăng đầy

Gió ru man mác cỏ cây
Ru trăng, trăng ngủ trên mây vội vàng
Tơ lòng thổn thức mênh mang
Nghe chân ai bước nhẹ nhàng thoáng qua

Đêm nay ta chỉ mình ta
Chông chênh kỷ niệm…vọng xa nỗi buồn
Đêm say, đêm ngả vào hồn
Tiếng trăng òa vỡ, chập chờn trong mơ…

                                    Nhật Quang

                                     (Sài Gòn)
READ MORE - TIẾNG TRĂNG - Thơ - Nhật Quang

NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ- Thơ - Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả Nguyễn Đại Duẫn
                               
                                    NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ

                             Cha về!
                             Chân đi trên đội nạng gỗ
                             Vết bỏng Napan trên da loang lổ
                             Ba lô thuốc súng khét nồng

                             Mẹ ngẹn ngào thổn thức nỗi lòng
                             Thương cha tháng năm chiến chinh vất vã
                             Cơn sốt rừng dai dẳng chưa nguôi
                             Mẹ ôm tình yêu chan chứa niềm vui
                             Không chút phàn nàn gian nan khó nhọc
                             Nén nước mắt vào lòng, giấu nỗi đăm  chiêu

                             Nhưng!
                             Niềm vui chưa được bao nhiêu
                             Chất độc da cam đã ngấm vào da thịt
                             Thân cha đã gầy nhức nhối không yên
                             Cha ra đi mẹ đau khổ đêm đêm…
                             Bao ước mơ đang còn dang dở
                             Thảng thốt cơn ho, mẹ thức không ngủ
                             Con hiểu nhiều lòng mẹ, mẹ ơi!

                             Chiếc ba lô – kỉ vật cha để lại
                             Mẹ ngậm ngùi
                             Trao cho con ngày lên đường
                             Giữ gìn quê hương, tri ân người đã mất
                             Súng chắc tay quyết giữ từng tấc đất
                             Cho Tổ quốc trường tồn
                             Hạnh phúc mãi bình yên!


Nguyễn Đại Duẫn
HỘI VIÊN HỘI VHNT TRƯỜNG SƠN











READ MORE - NỖI LÒNG NGƯỜI MẸ- Thơ - Nguyễn Đại Duẫn

NĂM BÀI THƠ TÌNH - Nguyễn Đức Tùng

Tác giả Nguyễn Đức Tùng


NĂM BÀI THƠ TÌNH 

Nguyễn Đức Tùng 


1. CHÚNG TA ĐÃ LÀM MỘT LẦN

Chúng ta đã làm một lần
Chúng ta sẽ làm lần nữa

Chúng ta đã làm trên cỏ
Chúng ta sẽ làm trên mặt nước

Chúng ta đã làm trước cánh cửa
Chúng ta sẽ làm ngoài đường

Chúng ta đã hôn nhau trong mù sương
Chúng ta sẽ hôn nhau lần nữa

Ở một nơi nào anh không biết
Một nơi nào sau khi anh đã chết

2. NHỮNG LỜI HỨA

Những lời hứa bạn không giữ được
Đứng chờ bạn trên đường

Đôi khi như một hòn đá
Trong hòn đá có một mùa hè
Trong mùa hè có một con đường
Trên con đường có một người đàn bà
Trong người đàn bà có một tấm gương

Trong tấm gương có một hòn đá
Đôi khi trong tấm gương không có gì cả


3. EM CÒN TRẺ VÀ EM KHÔNG THỂ BIẾT

Em còn trẻ và em không thể biết
Người ta sống lại khi đã chết

Những người yêu nhau thường cách biệt

Những người ghét nhau ở bên nhau

Em còn trẻ và em không thể biết
Những cây cối bên đường cũng khổ đau

Khi chúng đứng một mình trong gió rét
Hay khi chúng chụm đầu chen chúc nhau

Em còn trẻ và em không thể biết
Lúc nào nên kết thúc lúc nào nên bắt đầu


4. LẦN ĐẦU TIÊN ANH NHÌN THẤY

Lần đầu tiên anh nhìn thấy tình yêu
Là vào buổi sáng

Thoạt đầu nó đến như ánh sáng
Về sau nó đến như nước

Mới đầu anh tưởng là trái cây ăn được
Về sau mới biết là hạt giống

Nó không ngọt như đường
Nó không mặn như muối

Nó đắng
Như một hạt giống

5. SỐNG

Sống là yêu một người đàn bà
Trong tay đàn ông khác

Kẻ giữ nàng rất lâu
Như đứa bé hồng hào kháu khỉnh

Lúc nàng cựa mình thoát ra
Thì anh đã già

Sống là trở lại căn nhà
Mẹ cha mọi người đi vắng

Anh gõ cửa hàng xóm chiều mưa
Xin chút lửa
Đem về nhà

Làm quen với người chồng thứ ba của người yêu cũ 

Nguyễn Đức Tùng


READ MORE - NĂM BÀI THƠ TÌNH - Nguyễn Đức Tùng