Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 7, 2011

LÊ ĐĂNG MÀNH - DẤU CHẤM THAN "!"


Quý tặng Thầy Cô ở vùng sâu Hải Lăng

lụt ơi! răng quá buông tuồng
sạch sành sanh quét, chẳng thương mái nghèo
thu gầy lạc dấu trăng treo
trâu mơ lối cỏ, gà đeo bụi bờ
tao nôi gieo giọng thẫn thờ
thềm thơ nước vỗ chan bờ bể dâu
rơm trôi quên tuổi dãi dầu
lạnh tênh bếp củi phụ màu khói lam
canh trường thảng tiếng ăn đêm
bãi đồng bạc thếch vạc than não nùng
khuya rắc hiên giọt rưng rưng
lũ đi Mạ cõng oằn lưng đoạn trường
phù sa dạo bến vô thường
đến, đi đày đọa quê hương tròng trành
kiếm bè chuối thả lênh đênh
xin mây gọi nước nghiêng nhanh tội làng...
lũ đi mực đọng chấm than"!"...


L.Đ.M 


Hình của Nguyễn Bá Văn
READ MORE - LÊ ĐĂNG MÀNH - DẤU CHẤM THAN "!"

TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN - BÀI THƠ ĐẦU TAY


Truyện ngắn dự thi Tuổi Thanh Xuân 
đã đăng trên tập san Áo Trắng 
ngày 15-5 2010


Thúy Phương cùng học chung trường với tôi hồi tiểu học, hai đứa hai lớp sát vách với nhau. Không quen nhưng biết vì nhà hai đứa cùng chung một đường đi đi về về. Hình ảnh thơ ấu của em còn sót đọng trong tôi chỉ có thế, một cô bé chuyên mặc áo đầm trắng, tóc cột dây thun túm cái đuôi gà lủng la lủng lẳng theo nhịp chân sáo đến trường.

Hết cấp tiểu học, em đậu vào lớp sáu trường Nữ Trung Học, tôi đậu vào lớp sáu trường Trần Quốc Tuấn. Đi học chung đường với nhau, tôi vẫn dễ nhìn ra cái túm tóc cột đuôi gà ấy của em lẫn trong đám nữ sinh của ngôi trường con gái nỗi tiếng nhất tỉnh vì đã gom tụ hết anh thư nữ sĩ..

Mấy năm học đệ nhất cấp qua nhanh. Bỗng một ngày nọ em đến trường với chiếc áo dài trắng trông ngồ ngộ. A, người ta đã mang bảng tên thêu màu tím của đệ nhị cấp rồi, người ta đã lớn rồi. Tóc thề lưng lửng bờ vai và cặp mắt như đong đưa trộn lẫn màu mưa nắng. Buổi sáng ấy con đường từ ga Ông Bố dẫn đến trường em và trường tôi như khác lạ hơn mấy bữa. Hai hàng cây vẫn xanh, trong sắc lá như mới thêm màu mơn mởn non tơ. Tự nhiên mà tôi để ý màu sương mù lẫn trên ngọn cây. Tự nhiên mà tôi vừa đạp xe vừa huýt sáo. Và trời ạ, ai mà tin được trưa ấy về nhà tôi hì hục đẻo gọt ra được bài thơ đầu tay:

                                      Anh đứng lại trước sân trường của bé
                                      Hàng huỳnh anh nở vàng ngát trong sân   
                                      Nếu bé cười anh sẽ thấy thương thêm
                                       Màu nắng mới giao mùa trên khóm lá
                                       Bé có biết chiều nay chim không hót
                                       Buổi tan trường mắt biếc có bâng khuâng 
                                       Đường ta đi phượng bắt đầu nở đỏ
                                       Mai xa rồi ai biết có buồn không
                                       Những sáng vui như những chiều buồn
                                       Tình vẫn khép e dè như giấy vở...  

Suốt ngày hôm đó tôi lâng lâng mãi vì bài thơ này.  Cao hứng tôi đọc cho thằng bạn thân nhất là Nguyễn Dũng nghe, hắn chỏng tai lên rồi mù mờ hỏi: Thơ Xuân Diệu hả? Chao ôi tôi lại tưởng như mình có thể bay lên mây được...Không thể cho bạn biết bài thơ trên do tôi làm vì hắn mà biết tôi là tác giả sẽ chun mũi lên mà chê thậm thà thậm thượt. Và càng im lặng hơn nữa vì sợ hắn biết sẽ gặng hỏi con bé trong thơ là con bé nào...Tôi bước ra trước lan can căn gác của nhà hắn, ngó nắng chiều nhảy múa dưới con hẽm nhỏ. Không như mọi bữa, trong màu nắng như âm ỉ chực rộn lên bao lời vui khó tả..

Bài thơ ấy tôi đặt tên là Mắt biếc, vì em có đôi mắt buồn và đẹp ẩn nỗi vui bất ngờ sẵn sàng biếc lên. Đôi mắt ấy không còn ngây thơ như ngày nào mà đã gom gần hết mấy mùa nắng hạ mưa đông để đọng thành hai hồ thu lặng lẻ.

Bài thơ ấy tôi đã để quên trên bàn học của Dũng vì không có thừa đủ dũng khí để trao cho em. Coi như là cảm xúc bất chợt đến từ cơn gió lạ mùa thu tựu trường, thoang thoảng mùi giấy mới yêu thương bữa tôi vừa mới chớm biết ngẩn ngơ trước tà áo tinh khôi của cô bạn nhỏ.  Vừa biết thương màu khuynh diệp xanh lá sân trường. Vừa biết nao nao khi những cơn mưa rào chợt đến rồi chợt đi.

 Song Mai, em kế tôi, nó học thua tôi một lớp, một hôm vừa đi học về đã theo tôi gạ chuyện:
  -Anh có biết chị Thúy Phương không?
 Tôi ậm ừ giả vờ như không:
   -Phương phường gì ai hơi đâu mà để ý!
  -Ôi anh hai ngố ơi! Thúy Phương hoa khôi trường của em, đám con trai các anh ai mà không biết tiếng.
 Chỉ có nó ngố mới hỏi câu này thôi, tôi cười thầm và hỏi tới:
  -Mà sao đã chứ?
  -Chị ấy vừa học giỏi vừa hát hay nè. Em vào ban văn nghệ của trường mới quen được với chỉ.
 -Rồi sao nữa?
 -Tụi em đang tập điệu vũ cho bài hát Trống cơm, em giả trai để đưa chị ấy về dinh...
Tôi cười phá lên:
 -Cái nước da đen của mi thì thầy cô chọn giả trai là đúng rồi, hợp với vai nông dân lắm.
Con nhỏ ứ ứ trong miệng rồi nhào tới đấm lưng tôi thùm thụp.

Đêm hội diễn văn nghệ của các trường trong tỉnh được tổ chức trong trường của tôi. Tôi đến sớm đứng trước cổng để đợi em gái mình có mặt trong tiết mục múa bài Trống Cơm. Chiếc xe Renaul chở ban văn nghệ của trường Nữ vừa xịch đổ thì Song Mai đã nhảy xuống cười tươi giới thiệu từng bạn với tôi. Tôi cũng cười tươi chào đón lại, nhưng đứng trước Thúy Phương thì tôi bị luống cuống. Song Mai ghé tai tôi nói nhỏ:- Con trai gì mà dở òm, rồi nó quay qua Phương mà mắt thì nháy tôi - Anh xách giùm cho chị Phương cái nón ba tầm chút coi! Tôi lật đật đỡ cái nón to đùng trên tay em và nghe nhịp tim đập thình thịch từ tiếng lí nhí cám ơn.

Ngoài tiết mục múa ra, em còn đơn ca bài Thương Ca Mùa Hạ: "Hè về rồi đây tâm hồn xuyến xao. Nhắc đến biệt ly thương cảm nỗi sầu. Tiếng ve nức nở chan chứa, sân trường còn lại hai đứa ầm tay nhau nói gì cũng buồn"  

Từng nốt nhạc bổng trầm, lời ca buồn cắt ruột.  Em chọn hát ngay trong buổi chia tay cuối cùng của năm trung học. Bước lui sau cánh gà, đôi mắt của em đỏ hoe. Tôi đứng sẵn ở đó để được nhìn em cho rõ. Mùa hạ cuối cùng rồi, chúng tôi mai đây mỗi người mỗi ngã. Tôi không còn rụt rè ngô nghê như thường ngày nữa, bước lại gần tôi bạo dạn nắm lấy tay em. Em bất ngờ gục đầu trên vai tôi khóc nức nở. Cả hậu trường mọi người đều đổ xô nhìn hai đứa, kể cả em gái tôi cũng tròn xòe đôi mắt...
Không ai biết em chỉ mượn tạm bờ vai của tôi dể biểu lộ cảm xúc nhất thời chỉ vì bài hát, vì không khí chia tay của một đêm văn nghệ cuối của tuổi học trò. 

                                                                           o0o

Mấy năm sau tôi cùng em gái từ Sài Gòn về lại Quảng Ngãi để dự buổi họp mặt cựu học sinh trường Nữ trung học. Tôi muốn về lại miền đất dấu yêu đã nuôi dưỡng tôi lớn lên để được ngắm nhìn loanh quanh thị xã nhỏ bé êm đềm ngày xưa, và nhất là muốn được đi lại con đường Phan Bội Châu hai hàng phượng già tỏa cành xuống che mát một thời trẻ dại. Những chùm hoa đỏ màu ly biệt kia sẽ thầm thì nhắc tôi về tháng ngày mù tăm ký ức. Nơi đó có nhiều khi tôi đứng lại nhìn vào cổng trường em như một tên thường dân lén nhìn vào cấm cung nhốt đám học trò mỹ nữ.

Thúy Phương đã có chồng, chồng của em không ai xa lạ mà chính là Nguyễn Dũng bạn của tôi.Tôi và Dũng, Song Mai và em ôm chầm nhau sau bao ngày xa cách. Dũng vẫn hoạt bát khôn ngoan già dặn. Em vẫn đẹp và ngầm nghịch tinh như ngày nào.

Sau những nghi thức của buổi họp mặt là phần ban tổ chức tặng cho khách mời mỗi người mỗi quyển kỷ yếu của nhà trường. Tôi ngồi lơ đãng nhìn từ đại sảnh của khách sạn ra ngoài sông Trà đang im chảy một dòng xanh hoài niệm. Em cầm quyển kỷ yếu đến bên tôi khoe một trang thơ đã lật sẵn:
  -Anh Vũ ơi! Anh xem bài thơ của anh Dũng nè, bài thơ này ảnh làm hồi mới theo tán tỉnh Thúy Phương , và cũng nhờ nó mà Phương mới bị xiêu đổ đó.

Tôi ngạc nhiên nghĩ bụng, thằng Dũng hồi đó đâu có thơ thẩn gì đâu! Đọc bài thơ có tựa đề là Mắt biếc. tôi không thể tin nỗi bài thơ đầu tiên tôi làm cho Thúy Phương, nhưng vì nhút nhát tôi đã không dám đem tặng cho em ngày ấy, bây giờ lại được ký tên tác giả là Nguyễn Dũng!

Vô tình không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi. Thúy Phương vẫn rạng rỡ nét mặt:
-Em lưu giữ bài thơ này như một kỷ niệm đẹp của"cái buổi ban đầu lưu luyến" Nay đem ra gửi đăng vào kỷ yếu của trường để nhớ lại một thời...
 Thoáng ngạc nhiên đã qua đi, tôi trở lại bình thường gật đầu với em:
 -Đúng vậy đó Thúy Phương. Bài thơ đầu tay của...một thời
Một thời, ừ một thời của tôi đó, đến bây giờ em vẫn chưa hay tiếng cười hồn nhiên em đã khuấy động từng con đường hoa niên xa cũ. Những sáng mai áo trắng học trò trắng đầy đường đến lớp, sương trắng bàng bạc trên ngọn cây. Những chiều ngồi trong lớp học cour Pháp văn ngó ra ngã ba Bồ Đề mưa bay bay mờ hai hàng khuynh diệp. Mơ hồ tiếng guốc em đi về gõ trên lối mòn Chấn Ký mênh mang...

Song Mai đã nhiều lần trách tôi quá khờ khạo không dám ngõ lời để vuột mất đi mối tình thơ. Tôi lại không tự trách mình, nếu là tình thơ thì sự không chiếm hữu được sẽ càng tăng thêm... thơ hơn. Quảng Ngãi và em đã cho tôi bấy nhiêu cũng đủ có kỷ niệm để nhớ về. Sợ là mình không còn gì để nhớ, sợ nhất là trong tâm tưởng ngày càng khô hạn mà thời gian cứ vô tình như thể bóng mây trôi.

Mà tôi nào có bị mất đâu, vẫn được đấy chứ! Thành phố tuổi thơ có dòng sông uốn khúc trôi hoài màu tà dương Thiên Ấn vào ký ức...Trong  tôi vẫn còn Thúy Phương từ hồi còn là cô bé tiểu học ngày ngày nhảy chân sáo đi đến trường. Cho đến ngày trở thành thiếu nữ ngượng ngùng diện cho mình tà áo dài trắng bay trong nắng là lụa reo vui. Vẫn còn Nguyễn Dũng, Phan Thẩm từ hồi còn bắn bi đánh đáo cho đến ngày mới lớn,  ngoài giờ học rủ nhau về vùng quê rong chơi với lúa ruộng mía đồng thân thương bát ngát.
Dũng cầm ly bia lại mời tôi: -Nào ta cạn ly mừng tình quê tình bạn của chúng mình mãi mãi bền lâu. Tôi đứng dậy hai tay choàng qua hai  vai hai bạn:- Nào nào mừng ngày hội ngộ, mừng hạnh phúc hai bạn. Bữa nay chúng ta phải say nhé!
Thúy Phương và Song Mai cùng chụm ly lại. Tiếng cười chúng tôi hòa chung với tiếng cười của bè bạn cựu học sinh khác. Như âm vang ngày vui trẻ dại của thuở thanh tân tự đâu đó vọng về. Như chưa hề cách xa, ngoài kia vẫn trời xanh mây trắng!
                      
  

Trương Đình Tuấn                                                                               
truonghuynhtth@gmail.com
0975654943
truonghuynh.vnweblogs.com
READ MORE - TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN - BÀI THƠ ĐẦU TAY

VÕ XUÂN TƯỜNG - NHỮNG CHIẾC LỐP XE ĐẠP CŨ


Truyện ngắn
 
  Hạnh và Hân thân nhau như hai anh em, đều ngoài ba mươi tuổi còn sống độc thân, được chia một căn buồng hai bốn mét vuông, sống chung. Ngày đi làm, ăn cơm ở bếp tập thể, cơm xong người cầm tờ báo "Nhân Dân", người cầm tờ "Tạp chí Học tập", tay xách phích nước sôi về buồng. Dù bận gì họ cũng chờ nhau để cùng ăn. Vắng một người ăn không ngon cơm. Về buồng, ai lên giường người ấy, hai chân bắt chéo, cái tăm ngậm trong miệng, nằm đọc báo. Tối đến chiếc đài Xi- ông - mao của Trung quốc đặt trên chiếc tủ con kê giữa hai giường, hai anh ghé đầu nghe đài "Tiếng nói Việt Nam" Có gì hay, dừng lại bình luận, ý kiến giống nhau, vô cùng tâm đắc. Hạnh làm trưởng phòng Tuyên huấn hay nói, tính quy nạp và khái quát cao, sắc bén còn Hân, trưởng phòng tổ chức chi tiết, sâu sắc và trầm lắng, hai người bổ sung cho nhau,hai rường cột của cơ quan. Cả hai đều được các cơ sở trong toàn ngành nể trọng, "cơm bưng nước rót". Mỗi lần đi công tác về, lễ mễ cân chè, cân lạc, chục trứng...gọi là tình cảm của cơ sở đối với cán bộ của cơ quan quản lí cấp trên, thời ấy đó là giới hạn tối đa cho phép "bộc lộ tình cảm"  trong quan hệ "Lãnh đạo- bị lãnh đạo", có "xé rào vượt khung" chăng nữa cũng chỉ đến đôi gà mái ghẹ là cùng. Trường hợp "xé rào" này muốn được cấp trên nhận thì bên cho phải hết sức ý tứ nhất là phải có trang bị giảm âm thanh, không được để kêu quang quác dọc đường đặc biệt là khi về đến khu tập thể cơ quan. Hồi đó quan hệ cấp dưới cấp trên nó thô ráp, giản dị vậy thôi, không được tinh tế như bây giờ. Tất nhiên nội dung nào phải có phương thức ấy chứ như bây giờ mà cứ tặng gà thì phải huy động toàn bộ năng lực vận tải của ngành đường sắt mới chở hết quà của một lần biếu. Bất tiện lắm!

 Hân lấy vợ. Nhà ở là vấn đề nan giải, Thuở ấy chưa ai biết tặng quà bằng căn hộ. Anh tự lo bằng cách thương lượng với Hạnh ngăn đôi phòng đang ở bằng giấy dầu, Hạnh đồng ý nhưng bảo:
 - Phòng đã chật bây giờ lại ngăn đôi băng giấy dầu đen sì ở giữa có nóng bức quá không? Hay là ta làm một cái ri-đô hoa kéo ngang suốt cả căn phòng, tớ xin tặng cậu cái ri đô ấy làm quà cưới!
 Hân cười, gãi đầu bảo:
 - Ngăn giấy dầu không cần bịt suốt từ trần xuống sàn mà chỉ làm cao quá đầu người một chút, cỡ hai mét là được, bịt cả thì bức bối lắm! Làm như kiểu bình phong thôi, cửa ra vào vẫn chung, chứ cái cửa có tám mươi phân thì ngăn đôi làm cửa riêng sao được!
 Hạnh hiểu ý Hân, cười, tán thành phương án của Hân.

  Hân loay hoay lo sắm đồ cưới, thời ấy cưới xin giản dị, không như bây giờ. Việc đầu tiên là Hân mua một chiếc đài Liên xô to về đặt ngay ở chiếc bàn kê sát bức tường ngăn giấy dầu phía giường của Hạnh. Lâu nay cả hai người chỉ nghe chung chiếc đài bán dẫn Xi- ông- mao của Trung quốc, mở rất khẽ, hai người ghé đầu nghe chung, bây giờ bỗng nhiên Hân mua chiếc đài điện tử Pekop của Liên xô về, cứ tối đến, khi lên giường, tắt đèn là Hân mở đài rất to làm Hạnh khó chịu. Hân mở đài thất thường: Chập tối vừa lên giường mở đài, nửa đêm mở đài, gần sáng mở đài..Anh mở đài nhưng không biết đài nói gì, chỉ cốt tạo ra một âm thanh lấn át cái âm thanh phát ra từ chiếc giường của vợ chồng anh như kiểu phá sóng ngăn không cho nghe "Đài địch vậy.
Hạnh bảo:
 - Cái thằng cha này từ ngày lấy vợ đến giờ phát rồ lên rồi!

 Hân lấy vợ, nấu cơm riêng để ăn, có gì ngon vẫn để giành cho Hạnh, có hôm Hân chủ động lấy cặp lồng sang nhà ăn tập thể lấy suất cơm của Hạnh về cùng ăn chung với vợ chồng Hân.

 Hân từ nhỏ sống với bố mẹ, lớn lên đi thoát li, ăn cơm tập thể cho đến khi lấy vợ. Việc chợ búa, cơm nước rất vụng về, nhưng anh lại muốn tỏ cho vợ biết mình là người sành điệu, chợ búa giỏi giang nên thường nói bớt giá những thứ anh mua về. Một lần đi công tác ở Bắc Giang, anh mua  một con gà mái hết 18 đồng về nói với vợ giá 12 đồng, vợ cầm con gà đi khoe khắp hàng xóm. Ai cũng báo "Gà bắc giang rẻ thật". Hân bảo tối mai, thứ bảy thịt gà ăn. Vợ ngắm nghía con gà thấy tốt mái muốn để lại nuôi lấy trứng. Nuôi cả tháng chẳng thấy con gà đẻ đái gì, Hân giục làm thịt, vợ Hân muốn nuôi cố thêm thời gian nữa. Hân có việc phải đi công tác cả tuần. Sốt ruột anh về sớm hơn kế hoạch dự định một ngày, về nhà thấy vợ đang ngồi vui vẻ cùng với một người khách ăn cơm bên nhà Hạnh . Hạnh có khách ở quê lên chơi, đàn ông lóng ngóng chẳng biết nấu nướng gì lại thêm trời đã sập tối chẳng biết mua sắm thức ăn ở đâu, vợ Hân bèn để lại con gà 12 đồng cho Hạnh làm cơm thết khách và sang giúp Hạnh một tay rồi ngồi ăn cơm tiếp khách với Hạnh. Về đến giữa sân, nghe tiếng vợ líu ríu bên chỗ Hạnh, Hân đã thấy nóng đầu, tối đến lại nghe vợ nói bán lại con gà cho Hạnh 12 đồng, Hân liền nỗi đóa. Vợ chồng kéo nhau ra sân vận động, quặc nhau thế nào không biết, vợ Hân tối đó bỏ về nhà mẹ. Hân làm đơn gửi lên Văn phòng bộ đề nghị giải quyết gấp cho mình một chỗ ở, rộng hẹp gì cũng được miễn sao độc lập, không thể để cảnh một người chưa vợ sống chung cùng buồng với một đôi vợ chồng như cảnh anh đang chịu đựng bây giờ.

 Vợ chồng Hân được dọn đến một căn buồng gác hai rộng 18 mét vuông. Sung sướng quên cả giận hờn, mệt nhọc, vợ chồng anh cùng mấy anh em trong phòng giúp sức dọn về nhà mới. Anh mừng thầm, biết rằng tổ chức quan tâm đến mình chứ cảnh sống chung đụng như anh vừa qua còn ối người trong khu tập thể của cơ quan, họ còn sống chung trong một buồng có diện tích hẹp hơn buồng của anh vừa sống mà đã được giải quyết đâu!

 Hồi ở nhà cũ, tuy chung đụng, chật hẹp nhưng được cái ở tầng một, trong buồng, ngoài chỗ ngủ, chỉ có gạo cơm mắm muối, bếp dầu để dưới gậm giường, còn củi đuốc, trăm thứ bà giằn "bỏ thì thương, vương thì tội" khác có thể bỏ ra ngoài hè, trước sân chung, còn bây giờ vợ chồng anh chỉ được sống độc lập tự do trong 18 mét vuông, bước ra cửa là cầu thang, là lối đi chung với một diện tích tối thiểu không còn chỗ cho việc lấn chiếm. Trong phòng chỉ đủ chổ cho một chiếc giường đôi, một tủ đựng quần áo và một chiếc bàn con để uống nước, tiếp khách, còn một diện tích bằng chiếc chiếu là nơi ngồi ăn cơm và nằm ngủ khi có khách. Tất cả những tài sản còn lại, những vật dụng cần thiết như: Dầu gạo, mắm muối, củi đuốc, săm lốp xe đạp và những "dự trữ quốc gia" khác đều tống vào gầm giường, nơi đấy cũng là giang sơn hùng vĩ của bọn chuột, gián và những côn trùng nhiệt đới mà các nhà sinh vật chưa kịp đặt tên. Vợ chồng anh và bọn chúng chung sống trong hòa bình, chúng thừa nhận vai trò lãnh đạo và thống trị của vợ chồng anh, thừa nhận việc vợ chồng anh nằm trên giường là hợp lí, là đúng "quy luật khách quan", chúng nó cam phận nằm dưới gậm, không đấu tranh, không thắc mắc, không biểu tình phản đối. Đêm đêm khi vợ chồng anh ngủ chúng mới rón rén bước ra đi kiếm ăn, kể cả khi nghe tiếng huỳnh huỵch trên giường chúng nó cũng biết cái sự gì xảy ra nhưng kiên quyết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, việc ai nấy làm. Chúng sống chung và học được sách lược của loài người về "lợi dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ" nên nhân lúc này chúng tiến thẳng đến  ấm no, hạnh phúc bằng cách chui vào thùng gạo hay sục vào chạn bát kiếm chút cơm thừa.

 - Vợ chồng Hân sinh con. "Hai vợ chồng son, sinh thêm đứa con thành bốn". Câu ngạn ngữ này quả không sai chút nào đối với hoàn cảnh của vợ chồng Hân. "Gia bần thì trí đoản". Cuộc sống vợ chồng Hân không còn ngọt ngào như xưa, nhiều khi chỉ lục đục nhau vì những chuyện không đâu vào đâu. Trẻ con hay đái dầm, lót ni lông xuống chiếu thì nước đái đọng lại, con bị ướt lưng, viêm họng, viêm phổi..,không lót thì nước chảy xuống gậm giường ngấm vào củi lạt và trăm thứ dưới đó, bốc mùi không chịu được. Hân quyết định cải tổ lại gầm giường: cho tất cả củi đuốc, các thứ đồ ăn, đồ gỗ lên phía trên đầu, đồ không thấm nước như săm lốp cũ, xích líp, nồi trục, bi xe đạp để xuống phía dưới, khi bị ướt thì lôi ra lau chùi rồi cho vào lại. Vợ Hân đề nghị Hân vứt những chiếc săm lốp xe đạp đã quá mòn, cũ để dành mấy năm không dùng đến nhưng Hân không nghe. Cuộc sống đói nghèo và ngày một khó khăn sinh ra tâm lí tích trữ. Mỗi lần lôi chiếc lốp xe đạp ra, nước đái chứa đầy trong ruột lốp, bốc mùi khai nồng nặc, vợ chồng lại cãi nhau.
 - Khổ lắm, anh vứt đi hộ em, người lớn đã dành, nhà có trẻ nhỏ dễ sinh bệnh tật lắm! Đôi lốp đang đi chưa mòn, nhà lại vừa được phân phối, anh và em mỗi người được một chiếc, còn đủ sức dự phòng, xin anh vứt những chiếc lốp cũ đi cho!
 - Em chỉ nhìn thấy trước mắt mà không thấy lâu dài, kinh tế ta còn nhiều khó khăn lắm ngộ nhỡ sang năm, sang năm nữa không có ngoại tệ để nhập nguyên vật liệu sản xuất lốp thì lấy gì mà đi? Hân bảo vợ.
 - Thôi, thôi, không có xe thì em đi bộ, không thể nằm trên cái nhà xí mà ngủ được nữa rồi!
 Hân vùng vằng bỏ đi đến nhà bạn, Vợ anh ở nhà lật giường lên, lôi tất cả xích líp, săm lốp cũ tung cả ra nhà, nước đái vàng khè vung vãi khắp sàn, viết mảnh giấy để lại cho Hân;
 Anh Hân, Em nhức đầu quá, con bé cũng không chịu yên cứ khóc luôn miệng. Em cho con đi chơi một lát. Anh giúp em thu dọn nhà cửa nhé!
 Hân về, nhìn căn phòng mà ngao ngán, anh thấy vợ cũng có lí, vội vàng xách ba chiếc lốp cũ xuống đường để vứt. Vừa ra đến ngõ, có người đón đường hỏi:
 - Anh vứt mấy chiếc lốp này hả? Cho em xin.
 Hân rụt tay lại nghĩ thầm:"có người xin tức là lốp vẫn còn giá trị".
 - Không, không, tôi mang ra phố vá lại để dùng, anh trả lời người kia rồi mang ba chiếc lốp trở về phòng.
                                                                                              V . X . T
READ MORE - VÕ XUÂN TƯỜNG - NHỮNG CHIẾC LỐP XE ĐẠP CŨ