Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 29, 2024

QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP LÃNG XÃ Ở HUYỆN HẢI LĂNG, TỈNH QUẢNG TRỊ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN (1802-1885) - Nguyễn Thị Minh Thiện, Thái Quang Trung

 

Bản đồ hành chính huyện Hải Lăng, 2024

Quá trình thành lập làng xã ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị 

dưới triều Nguyễn (1802-1885)


Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ MINH THIỆN
(Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh)
THÁI QUANG TRUNG
(Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Huế)

 Đăng trên trang: Thánh Địa Việt Nam Học.

http://thanhdiavietnamhoc.com/qua-trinh-thanh-lap-lang-xa-o-huyen-hai-lang-tinh-quang-tri-duoi-trieu-nguyen-1802-1885/

 

TÓM TẮT

     Công cuộc khẩn hoang thành lập làng xã là một trong những vấn đề rất được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý và các làng xã quan tâm. Bài viết này xin đề cập đến sự thành lập một số làng xã ở huyện Hải Lăng dưới triều Nguyễn (1802-1885). Qua đó, rút ra một số đặc điểm về quá trình thành lập làng xã trong thời kỳ này.


1. Đặt vấn đề

     Làng xã Việt Nam – một thực thể xã hội, một đối tượng khoa học từ lâu được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Trong thời điểm hiện nay, khi khoa học Lịch sử đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện, thì hệ thống làng xã giúp chúng ta đi từ những hiểu biết cụ thể, từng khía cạnh của đời sống xã hội để từ đó có thể rút ra những nhận xét về tất cả các lĩnh vực trong quá khứ.

     Lịch sử mỗi làng xã là bộ phận lịch sử dân tộc. Làng xã là cơ sở bền vững bảo tồn sức sống và nền văn hoá của dân tộc. Từ thuở ban đầu dựng nước, cư dân Bách Việt đã dần dần tạo nên những đơn vị làng đầu tiên. Đó cũng chính là địa bàn tụ cư của các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Dưới chế độ phong kiến, làng xã là đơn vị hành chính cơ sở của quốc gia, có thể thấy làng xã chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu làng xã không chỉ đáp ứng được yêu cầu của khoa học lịch sử mà còn góp phần tìm hiểu những giá trị tinh hoa văn hoá truyền thống của làng quê để bảo tồn đồng thời xoá bỏ những hạn chế vốn có của nó.

     Hải Lăng là huyện đồng bằng nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Trị; là quê hương có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi đây nổi tiếng là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, “vựa lúa” của Quảng Trị và là nơi có đời sống văn hóa phong phú.

     Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo đã hình thành cho con người Hải Lăng một bản lĩnh không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ để vượt lên, chiến thắng thiên tai, địch họa, khai sơn phá thạch, thau chua rửa mặn dần dần hình thành nên những xóm làng như ngày nay. Trong đó, có nhiều làng xã được hình thành dưới thời nhà Nguyễn (1802-1885) cần được nghiên cứu, lý giải về sự hình thành với các đặc điểm của nó.

 

2. Các làng xã ở huyện Hải Lăng ra đời trước năm 1802

     Hải Lăng vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc, dải đất này là phần đất của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang.

     Trong thời kì Bắc thuộc, nhà Hán cai trị, địa bàn Hải Lăng thuộc quận Nhật Nam, nhưng đến đời Đông Hán, năm 192 một lãnh tụ nhân dân bộ lạc Dừa ở phía Bắc đã lãnh đạo nhân dân lật đổ ách đô hộ nhà Hán, thành lập tiểu quốc Lâm Ấp. Đến thế kỉ IV, hai tiểu quốc Lâm Ấp và Panduranga đã hợp nhất, hình thành vương quốc Chămpa. Lợi dụng sự suy yếu của chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ, các thế lực của Chămpa mở rộng địa bàn ra tận Hoành Sơn, vùng đất Hải Lăng thuộc đất nước này đến đầu thế kỉ XIV.

     Năm 1306, cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân với sính lễ là châu Ô và châu Lí (Rí). Vua Trần cho đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa và sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Hải Lăng thuộc châu Thuận, lúc bấy giờ có tên là An Nhơn. Một lần nữa cư dân người Việt lại vào đây định cư, mở đầu quá trình hình thành làng xã và thành lập đơn vị hành chính.

     Từ cuối thế kỉ XIV, vương triều Trần suy yếu, quan hệ Việt – Chăm căng thẳng. Vùng Thuận Hóa trong đó có Hải Lăng trở thành bãi chiến trường của hai thế lực, làng mạc bị tàn phá và hoang vu trở lại.

     Năm 1401, Hồ Quý Ly đưa quân vào đến Nam Thuận Hóa, thành lập các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Nhưng nhà Hồ (1400-1407) tồn tại không bao lâu, nước ta rơi vào ách đô hộ nhà Minh nhưng nhà Minh chưa thể đặt chính quyền cai trị lên vùng đất này. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đưa quân tiến đánh Chăm Pa, mở rộng biên giới đến phía Bắc đèo Cù Mông. Nhà vua xuống chiếu đưa dân Việt vào sinh sống, định cư ở đây.

     Dưới triều Hậu Lê, việc khẩn hoang lập làng ở vùng đất Thuận Hóa nói chung, Hải Lăng nói riêng rất được chú ý. Cũng vào thời gian này, trên địa bàn Hải Lăng hàng loạt làng xã được thành lập, định hình một cách căn bản. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết: “…Xét Thiên Nam dư hạ tập của bản triều có chép rằng trong đời Hồng Đức định bản đồ… Phủ Triệu Phong 6 huyện 2 châu là: huyện Kim Trà 8 tổng 71 xã, huyện Đan Điền 8 tổng 65 xã, huyện Hải Lăng 7 tổng 75 xã…” [7, tr. 54].

     Tuy nhiên, do đây là vùng đất xa xôi với triều đình trung ương, việc quản lí khó khăn, cho nên đến giữa thế kỉ XVI, khi Dương Văn An viết Ô Châu cận lục vẫn gọi vùng đất này là “Ô Châu ác địa”, cư dân còn thưa thớt. Theo tác phẩm này, vùng đất Hải Lăng thuộc phủ Triệu Phong có 49 xã: An Thơ, Vĩnh Hưng, Văn Quỹ, Câu Nhi, Hà Lộ, Lãng Uyên, Đoan Trang, Diên Sanh, Câu Hoan, Trà Trì Thượng, Trà Trì Hạ, Lam Thủy, Mai Đàn, Hương Lan, Hương Liễu, Long Đôi, Thái Nại, An Khang, Hoàng Xá, Xuân Lâm, Tích Tường, Như Lệ, Thạch Hãn, Cổ Thành, Thương Mang, Hoa Ngạn, Phù Lưu, Nha Nghi, Hữu Điều, Hoa La, An Lộng, Hà Mi, Nại Cửu, Dương Lệ, Dương Chiếu, An Toàn, Đồng Giám, Dã Độ, An Dã, Quảng Đâu, Đâu Động, Phúc Lộc, Đại Bối, Tiểu Bối, Đại Bị, Tiểu Bị, An Hưng, Hà Bá, Đâu Kênh. [2, tr. 56].

     Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, công cuộc khẩn hoang xứ Thuận Quảng được đẩy mạnh. Các chúa Nguyễn đã biến vùng đất “Ô Châu ác địa” thành vùng đất trù phú, thủ phủ của họ Nguyễn ở Đàng Trong. Số làng xã tăng lên không ngừng. Theo Phủ biên tạp lục ta biết huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong có 5 tổng (67 xã 6 phường 4 thôn 2 tộc):

     “Tổng Hoa La, 19 xã 2 phường 1 thôn: Hoa La, An Lộng, Đâu Kênh, Hồng Khê, Nại Diên, Tả Hữu, Thạch Hãn, An Tiêm, Cổ Thành, Cổ Bưu, Hà My, Bố Liêu, Phù Lưu, Dư Triều, Hậu Lễ, Long Hưng, Vệ Nghĩa, Tích Tường, Như Lệ, Xuân An, Vạn Long, Nà Nẫm.

     Tổng An Thư, 5 xã 1 thôn: An Thư, Mỹ Chánh, Câu Nhi, Vĩnh Hưng, Văn Quỹ, Hội Kỳ.

     Tổng An Dã, 21 xã 1 phường: An Dã, Hữu Điều, An Trung, Đại Hòa, Quảng Điền, Vũ Thuận, An Lệ Nhị Giáp, Giáo Liêm, Phụ Tài, Thanh Liêm, Quảng Lượng, Hiền Lương, Dương Lộc, An Toàn, Phan Xá, Trúc Đăng.

     Tổng Cu Hoan, 6 xã 1 phường 1 thôn 2 tộc: Câu Hoan, Diên Sinh, Trường Sinh, An Phúc, Hà Lỗ, Hà Lộc, Lương Phúc, Miễn Trạch, Câu Hoan, Đỗ Phùng.

     Tổng An Khang, 16 xã 2 phường 1 thôn: An Khang, Đại Nại, Trà Lộc, Lam Thủy, La Duy, Hương Vận, Trà Trì Thượng, Anh Hoa, Tam Hữu, Mai Đàn, Duân Kinh, Thi Ông, Thượng Xá, Trâm Lý, Xuân Lâm, Mai Lộc, Phú Xuân, Mai Hoa, Mai Đàn thượng thôn” [7, tr.101].

     Dưới thời Lê – Trịnh chiếm đóng, rồi đến Vương triều Tây Sơn, công cuộc khẩn hoang vẫn được tiếp tục nhưng do nguồn tư liệu còn hạn chế nên số lượng làng xã tăng lên chưa khảo cứu được.

 

3. Sự thành lập làng xã ở huyện Hải Lăng dưới triều Nguyễn (1802 – 1885)

     Năm 1802, sau khi đánh bại Vương triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, hiệu là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập nên Vương triều Nguyễn.

     Nguyễn Ánh lấy hai huyện Hải Lăng và Đăng Xương của phủ Triệu Phong hợp với huyện Minh Linh của phủ Quảng Bình để lập dinh Quảng Trị. Từ đó, huyện Hải Lăng chính thức thuộc địa phận Quảng Trị. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi dinh Quảng Trị thành trấn Quảng Trị, năm thứ 12 (1831), trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cắt tổng An Nhơn và ba thôn Phương Lang, Phú Hải, Thuận Đầu (tổng An Lưu) về huyện Hải Lăng.

     Cắt Tổng An Dã và 2 làng Tam Hữu, Anh Hoa (Tổng An Thái) và phần lớn Tổng Hoa La (trừ Trí Lễ, Thạch Hãn, Long Hưng, Tích Tường, Như Lệ) nhập về huyện Đăng Xương. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) dời huyện lỵ Hải Lăng từ thôn An Tiêm đến thôn Trí Lễ. Năm Tự Đức thứ 4 (1851) lại dời huyện lỵ đến thôn Diên Sanh. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) lấy ba thôn, phường của huyện Hải Lăng hợp với 29 xã, thôn của ha huyện Đăng Xương và Địa Linh lập thành tổng Cam Đường đặt thuộc huyện Thành Hóa do phủ Cam Lộ kiêm lý. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), nhập Quảng Trị và Thừa Thiên, lập đạo Quảng Trị, giải thể phủ Triệu Phong, giảm viên tri huyện Hải Lăng và Đăng Xương, giao công việc của huyện cho đạo kiêm lý. Năm 1876 lập lại tỉnh Quảng Trị gồm hai phủ Triệu Phong, Cam Lộ và 4 huyện, trong đó huyện Hải Lăng vẫn giữ tên cũ. Đặt lại huyện Hải Lăng do phủ Triệu Phong thống hạt như trước.

     Trong tác phẩm Đồng Khánh Dư địa chí (1886-1888) huyện Hải Lăng gồm 4 tổng: Tổng An Thái (24 xã, phường): Xã An Thái, xã Thượng Xá, xã Đại Nại, xã Long Hưng, xã Chí Lễ, xã Trâm Lý, xã Hương Vận, xã Trà Lộc, xã Trà Trì, xã Duân Kênh, xã La Duy, xã Thi Ông, xã Lam Thủy, xã Cổ Bưu, xã Thạch Hãn, xã Tích Tường, xã Như Lệ, xã Mai Đàn, xã Xuân Lâm, phường Phú Xuân, phường Nà Nẫm, phường Trinh Thạch, phường Mai Lĩnh, phường Sái Xuân.

     Tổng Câu Hoan (9 xã, thôn, phường): Xã Câu Hoan, xã Diên Sinh, xã Trường Sinh, xã Hà Lộc, xã Lương Điền, thôn Trường Phước, thôn Thuận Nhân (Nhơn), xã Hà Lỗ, phường Xuân Lộc.

     Tổng An Thư (6 xã, thôn): Xã An Thư, xã Văn Quỹ, xã Câu Nhi, xã Hội Kỳ, xã Hưng Nhân, thôn Mỹ Chánh.

     Tổng An Nhân (23 xã, thôn, phường): Xã An Nhân, xã Xuân Viên, xã Đông Dương, xã Diên Khánh, xã Kim Giao, xã Kim Lung, xã Đan Quế, xã Hội An, xã Đa Nghi, xã Cỗ Lũy, xã Phương Da, xã Ba Thâu, xã Phú Hải, xã Phú Kênh (Kinh), xã Phúc Điền, xã Trung Đan, xã Thâm Khê, xã Thuận Đầu, xã Mỹ Thuỷ, xã Trung An, phường Tân An, phường Tân Hội, phường Thượng An. [8, tr.1383-1385]

     Do nhiều lần thay đổi hành chính, điều chỉnh địa phận nên có nhiều xã, thôn trước kia thuộc Hải Lăng nay thuộc về huyện Triệu Phong (Đăng Xương) và ngược lại. Căn cứ vào danh sách các xã thôn huyện Hải Lăng hiện nay, đối chiếu với các xã thôn trong Phủ biên tạp lụcĐồng Khánh Dư địa chí ta thấy có 5 xã, thôn được thành lập đó là: Thuận Nhơn, Trường Phước, Xuân Lộc, Phước Điền, Trung An. Nhưng qua thực tế tìm hiểu ở địa phương thì ta thấy làng Phước Điền (Phúc Điền) đã ra đời vào khoảng thế kỉ giữa XVI, làng Trung An ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII; một số làng như Phú Long, Như Sơn, Tân Điền, Lương Chánh không được Đồng Khánh Dư địa chí đề cập đến.

     Quá trình thành lập các làng xã này như sau:

     * Thôn Thuận Nhơn: ra đời vào khoảng những năm 20-30 của thế kỉ XIX cùng với sự ra đời của sông đào Vĩnh Định (1825). Sông Vĩnh Định ra đời không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, cung cấp nước cho nông nghiệp mà nó còn đánh dấu sự ra đời một số đơn vị hành chính mới như làng Thuận Nhơn.

     Thuận Nhơn thành lập từ việc mua đất của làng Thi Ông và Câu Hoan, đó là hai vùng đất: xứ Già Giàu và xứ Cồn Đống – Cồn Miếu.

     Trước hết, nói về vùng đất xứ Già Giàu (nhà giàu): vốn được cư dân Thi Ông gọi là xứ “thượng đoạn”. Nhận thấy đây là một vùng đất tốt nên ngài Ngô Văn Thắng, Ngô Văn Thọ đã mua đất của Thi Ông nằm ở hữu ngạn sông Vĩnh Định với diện tích 30 mẫu có dư. Sau khi Thuận Nhơn an cư lạc nghiệp thì đổi tên lại là lại xứ “Già Giàu” (chỉ sự giàu có của nhiều gia đình).

     Theo gia phả cụ Ngô Xưng cung cấp, trong đoàn quân thần chỉ huy đào sông ấy có hai ông Ngô Văn Thắng, Ngô Văn Thọ tham gia, sau khi sông đào xong hai ông được phép trưng canh, mua đất lập làng. Như quan niệm của người xưa “nhất cận thị, nhị cận giang” nên hai Ngài đã mua hai vùng đất của làng Thi Ông, Cu Hoan có dòng sông Vĩnh Định chảy qua nhưng trên thực tế nhờ sức ép của bà Hiền phi Ngô Thị Chánh (vợ vua Minh Mạng, là chị của hai ngài Ngô Văn Thắng, Ngô Văn Thọ) rất lớn.

     Một thời gian sau, các tiền nhân lại mua thêm đất ở xứ Cồn Đống – Cồn Miếu của làng Cu Hoan. Cồn Đống – Cồn Miếu nằm ở tả ngạn sông Vĩnh Định, nơi giao nhau ngã ba sông rất thuận lợi cho đi lại, phát triển kinh tế.

     Đến năm 1839, dưới triều vua Minh Mạng, Thuận Nhơn chính thức có làng hiệu. Ngài Ngô Văn Thắng (ngài anh) theo “tập ấm” được phong làm quan cai đội nên ngài đã nhường tước vị khai canh cho ngài em là Ngô Văn Thọ và con của ngài là Ngô Văn Vân làm hậu khai khẩn.

     * Thôn Trường Phước: vốn là 1 trong 5 giáp của xã Trường Sanh: giáp Đông, giáp Mỵ, giáp Trung, giáp Hậu, giáp Phước. Giáp Phước nay là Trường Phước thuộc xã Hải Lâm.

     Theo bản dịch và hiệu chú “Ô Châu cận lục” của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc (NXB Thuận Hóa, Huế, 2001) thì ghi chú làng Đoan Trang đến nay không còn. Bản dịch và hiệu chú “Ô Châu cận lục” của Văn Thanh và Phan Đăng (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) thì ghi chú làng Đoan Trang là làng Mỹ Chánh (Hải Chánh) hiện nay. Nhưng có lẽ 4 tác giả đã nhầm do không tiếp cận thực địa nguồn tư liệu Hán Nôm tại làng Trường Sanh.

     Trong Châu bộ của làng Trường Sanh lập vào năm Hoằng Định thứ 6 (1605) ghi rõ: “Triệu Phong phủ, Hải Lăng huyện, Đoan Trang xã. Lê Thời Danh, Võ Trạch Thủ đẳng, do tự Hồng Đức niên gian Lê vị trước chí Quang Hưng thập tứ (1591), Hoằng Định lục niên (1605), tiền tu tả kiến canh địa bộ, hậu khai báo chúc thơ tổ nghiệp, các họ khai canh bao chiếm điền thổ các sở cập lưu hoang, thượng tự sơn lâm thổ trạch, hạ cập điền thư như khê hác tích thủy kỳ như hải hoạt đẳng khai”* [6, tr.33]. Làng Trường Sanh có 12 họ, nhưng có 8 họ chính được coi là có công tạo lập nên xóm làng vào thời kỳ đầu lập nghiệp, gồm: Lê, Võ, Nguyễn, Trương, Hồ, Trần, Phan, Bùi.

     Đến đời thứ 3 – 4, con cháu họ Lê (Lê Khắc Trình), Trần (Trần Thiên Tải), Nguyễn (Nguyễn Khắc Ứng) làng Trường Sanh đã lên đây khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Tương truyền ngài Lê Khắc Trình làm quan tri huyện Hải Lăng bị một số người ghen ghét nên tìm cách giết hại khi ông trên trường đi làm về. Nơi ông bị chém, người dân lập miếu thờ nay gọi là miếu Ông Huyện. Ông được phong làm tiền khai khẩn tri huyện phụ bộ Lê Đại La. Trần Thiên Tải, Nguyễn Khắc Ứng, Phan Khắc Ngạn (người làng Diên Sanh) làm hậu khai canh.

     Trải qua một thời gian dài sinh cơ lập nghiệp, cư dân ở giáp Phước muốn tách thành đơn vị hành chính độc lập nhưng không được làng Trường Sanh đồng ý. Lúc bấy giờ ở Diên Sanh có ông Phan Khắc Ngạn làm quan đến chức Trưởng Thái giám sự chính phủ, Đề đốc phụ quốc tả trị, Nhân phước hầu tại triều đình Huế. Ông Ngạn có người em ruột là Phan Khắc La (Đốn) muốn lên sinh sống tại Trường Phước. Nhân cơ hội đó ba họ Lê, Trần, Nguyễn nhờ ông Ngạn can thiệp để tách khỏi Trường Sanh. Để trả ơn ông Ngạn, làng nhượng cho ông Ngạn một vùng đất rộng là “bàu làng” và “trằm Đún” (khoảng trên 20 mẫu). [10, tr. 23]

     Như vậy, ta không biết rõ thời gian cụ thể thôn Trường Phước thành lập nhưng cho đến cuối thời các chúa Nguyễn, Trường Phước vẫn thuộc về Trường Sanh, đến Triều Nguyễn mới trở thành đơn vị hành chính độc lập.

     * Phường Xuân Lộc: hình thành vào đầu thế kỷ XIX, làng còn có một tên gọi khác là làng Bàng do vùng này có nhiều cây Bàng mọc dọc con hói chảy qua giữa làng nên có địa danh gọi là Hói Bàng. Lúc đầu, dân cư sống tập trung hai bên Hói Bàng. Mặc dù Xuân Lộc có tên hiệu vào đầu thế kỉ XIX, nhưng từ thế kỷ XVIII những cư dân làng Hà Lộc (là một làng nằm phía dưới vùng đồng bằng ven sông Ô Lâu) do nhu cầu phát triển về đất ở, đất canh tác, tránh lụt lội nên đã di cư dọc theo sông Thác Ma lên đây lập nghiệp. Cho đến cuối thế kỷ XVIII cư dân Hói Bàng vẫn chung đinh, chung điền và các thiết chế văn hóa với làng Hà Lộc. Đến thế kỷ XIX dân cư ngày càng đông mới thiết lập phường hiệu và ông Nguyễn Văn Tuyền là Lý trưởng đầu tiên.

     Người có công đầu tiên trong việc khẩn hoang vùng đất này thuộc về dòng họ Phan (Hà Lộc) đó là ông Phan Công My thế hệ thứ 3 của họ Phan Công được tấn phong là thần Khai canh. Tiếp đến là họ Nguyễn (Nguyễn Văn Sim) gốc Thanh Hóa và các dòng họ khác.

     Làng Phú Long được vua Tự Đức thứ 22 (1869) cho phép xuất phường khỏi làng Long Hưng. Quá trình hình thành làng Phú Long gắn liền với sự củng cố vương triều Nguyễn. Vào năm Gia Long thứ 3 (1804) vua cho xây dựng kinh thành Huế làm cho dân ở tả ngạn sông Hương từ Kim Long xuống Bao Vinh mất đất nhất là làng Phú Xuân (Huế). Trước tình hình đó vua cấp thẻ bài cho phép dân các làng đó đi đến đâu đều được hưởng quyền lợi về mọi mặt ngang hàng với cư dân lâu đời ở đó. Trong số những người Phú Xuân ra đi lúc đó có ông Nguyễn Bá Văn và một số người khác đến làng Đình Tổ (Quảng Bình) nhưng nhận thấy ở đây khó khăn các ông đã tìm về làng Long Hưng. Lúc đầu, họ sống chung với cư dân làng Long Hưng nhưng về sau do mâu thuẫn về vấn đề nhận ruộng đất, định kiến dân chính cư và ngụ cư nên sau khi được vua Tự Đức cho phép xuất phường những người này đã bao chiếm vùng đất phía tây làng Long Hưng gồm các vùng An Lạc, Tân Qui, Phong Tài, Hoàng Tiến để khai khẩn. Họ đã đồng cam cộng khổ cùng nhau khẩn hoang vùng gò đồi này được hơn 1000 mẫu.

     Phú Long có ý nghĩa là lấy chữ Phú trong Phú Xuân và Long trong Long Hưng mà thành. Cũng ra đi từ làng Phú Xuân, ở trên vùng đất Hải Lăng, nằm bên dòng sông Vĩnh Định có một làng mang tên gốc Phú Xuân đó là làng Phú Xuân (Hải Xuân) (Đệ nhất phường Phú Xuân) nhưng thành lập sớm hơn vào khoảng những năm 60-70 thế kỷ XVIII. Do các ngài họ Đặng, Lê, Hoàng, Nguyễn, Trương đã chọn vùng đất thuộc xã Trà Trì để định cư và đây là làng duy nhất trên đất Quảng Trị giữ nguyên tên gốc của làng Phú Xuân (Huế).

     Làng Như Sơn: họ Nguyễn làng Như Sơn có gốc từ làng Kim Long (Huế). Cũng do việc xây dựng kinh thành nên họ Nguyễn (Như Sơn) ra làng Phú Liêu (Triệu Tài – Triệu Phong) sinh sống. Đến khoảng năm 1849 do điều kiện Phú Liêu chật hẹp nên vào vùng đất kề cận Lương Điền (Hải Sơn) sinh sống. Năm Tự Đức thứ 32 (1879) được vua cho phép lập làng tên là Như Sơn (núi bằng) với 29 mẫu ruộng. Khai canh lập làng là ngài Nguyễn Hoài Phúc, hai vị hậu Khai khẩn là Nguyễn Đình quý công và Nguyễn Văn quý công.

     Làng Tân Điền là một làng mới của Lương Điền hình thành vào khoảng gần cuối thế kỉ XIX (Tự Đức 26 – 1873).

     Làng Lương Chánh ra đời từ việc mua đất của làng Thượng An (Hải Vĩnh) với diện tích 12 mẫu 8 sào. Làng thành lập vào năm Tự Đức thứ 20 (1867). Những người sáng lập ra làng phần lớn có nguồn gốc từ làng rèn Hiền Lương (Huế). Trong đó, ngài Nguyễn Văn Hương được sắc phong là Hậu Khai canh.

4. Một số nhận xét về quá trình thành lập làng xã ở Hải Lăng

     4.1. Qua thống kê các xã thôn huyện Hải Lăng trong Đồng Khánh Dư địa chí ta thấy lúc bấy giờ Hải Lăng có 4 Tổng gồm: Tổng An Thái 2 xã, phường; Tổng Cu Hoan 9 xã, thôn, phường; Tổng An Thư 6 xã, thôn; Tổng An Nhân 23 xã, thôn, phường. Tổng cộng là 62 xã, thôn, phường. Trong đó phường Nà Nẫm, phường Trinh Thạch nay thuộc về huyện Đakrong, 4 xã Thạch Hãn, Cổ Bưu, Tích Tường, Như Lệ nay là Thị xã Quảng Trị, xã Phương Da thuộc Triệu Phong, 3 phường Mai Lĩnh, Sái Xuân, Tân Hội và xã Ba Thâu chưa xác định (tác giả) thì nay thuộc huyện Hải Lăng là 51 xã. Nếu căn cứ vào trên thì ta thấy trong Đồng Khánh Dư Địa chí không thấy ghi 2 xã Phương Lang, Ba Du và Mai Đàn Thượng thôn ra đời trước đó nhiều thế kỷ đã được ghi chép trong Phủ biên tạp lục.

     4.2. Lực lượng khẩn hoang lập làng trong giai đoạn này chủ yếu là từ các làng của Hải Lăng đã thành lập trước đó nay do nhu cầu phát triển về đất ở, đất canh tác, tránh lụt lội… nên từ thế kỷ XVII – XVIII – XIX rất nhiều làng đã tìm lên vùng gò đồi phía Tây của huyện để khẩn hoang sau này hình thành nên những làng như Tân Diên, Diên Trường, Trường Thọ, Trường Xuân, Tân Trường, Câu Nhi phường, Vực Kè, Khe Mương, Trầm Sơn vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX… Ngoài ra còn có cư dân từ Huế ra do nhu cầu sản xuất nghề nghiệp như làng rèn Hiền Lương hay do triều đình Huế mở rộng xây dựng kinh thành như làng Kim Long, Phú Xuân. Cư dân Quảng Bình, Thanh – Nghệ nhưng không nhiều.

     4.3. Hình thức tách làng và mua đất lập làng là đặc điểm khá nổi bật trong thời kỳ này. Hình thức mua đất lập làng: Do lúc bấy giờ sông Vĩnh Định giao thông thuận lợi, cũng là tuyến giao thương bằng đường thủy chủ yếu từ Huế ra Cửa Việt nên nhiều làng đã chọn những vùng đất dọc con sông này để sinh sống như làng Thuận Nhơn (về sau Thuận Nhơn mua thêm trằm Đỏ Tía của Câu Hoan lập nên làng Thuận Đức), Lương Chánh, Phú Xuân, Kim Sanh (Phường Xăm Cựu Vĩnh Định)…

     Hình thức tách làng: Do nhu cầu phát triển về đất ở, đất canh tác, tránh lụt lội… nhiều làng đã tìm đến vùng đất phía Tây của huyện để khẩn hoang. Lúc đầu, các làng vẫn chung đinh, chung điền, thiết chế văn hóa với các làng gốc nhưng về sau khi dân cư ngày càng đông lên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do mâu thuẫn, cũng có thể do để dễ quản lý, thuế mà tách ra thành đơn vị hành chính độc lập. Ví dụ, làng Trường Phước, làng Ba Khê thành lập năm 1812 do Bà Trừ vào thời Gia Long đem con cháu hai họ Bùi Văn, Bùi Phước từ làng Trí Bưu đến xứ “Bà Trừ” khai khẩn. Bà được phong là Tiền Khai khẩn, dân làng yêu quý gọi bà là Trà Phu Nhân. Và có lẽ đây là trường hợp nữ duy nhất được tôn danh hiệu này trên đất Hải Lăng.

     4.4. Từ tên gọi các làng xã ở trên, ta thấy khi đặt tên các xã đều giữ một phần tên gốc của làng mình trước đây để nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, hoặc phản ánh vùng đất mới minh sinh sống như: Thuận Nhơn, Thuận Đức với ý nghĩa tìm Thuận Nghĩa mà về “…Cao tổ huý Ca dĩ tiền sinh trưởng Gia Định tỉnh, Thuận Nghĩa thôn, kỷ sự tích bản vô tường kỷ…”. Trường Phước (Trường Sanh), Xuân Lộc (Hà Lộc), Phú Long (Phú Xuân + Long Hưng), Lương Chánh (Hiền Lương), Như Sơn (núi bằng)…

5. Kết luận

     Quá trình hình thành các làng xã huyện Hải Lăng đã diễn ra lâu đời. Kể từ khi châu Ô, châu Lý sát nhập vào Đại Việt (1306) cũng là quá trình người Việt di cư vào đây khai khẩn, dựng làng. Dĩ nhiên, khi người Việt đến tụ cư, đây không phải là mảnh đất vô chủ. Trước đó, cư dân Chăm đã sinh sống, tạo lập một nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Nhưng đối với người Việt đây vẫn là một vùng đất xa xôi, khó khăn, nguy hiểm. Người Việt đến đây phần lớn là binh lính, tù nhân, nông dân nghèo khổ. Trải qua quá trình chung lưng đấu cật, chế ngự thiên nhiên, cải tạo ruộng đồng, khai thác đất đai các làng xóm dần dần ra đời. Tuy nhiên, phải đến thời Lê, đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) công cuộc khai khẩn vùng đất phía Nam được đẩy mạnh trong đó có Hải Lăng. Phần lớn các xã thôn ở Hải Lăng hiện nay được định hình về cơ bản trong thời gian này. Hay nói cách khác, các làng xã được thành lập hoàn chỉnh và ổn định. Những hoạt động khẩn đất lập làng từ nửa sau thế kỉ XVI (1558) trở đi là sự khai phá mở rộng và đi vào chiều sâu. Nhìn vào danh sách các làng xã trong Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục ta thấy số lượng làng xã tăng lên khá nhiều nhưng thực tế đi sâu tìm hiểu các làng xã ở trên địa bàn Hải Lăng hiện nay thì không như vậy. Đến thời Nguyễn 1802 – 1945 rất nhiều xã hiệu mới được thành lập trên cơ sở đất đai của các làng hình thành trước đó.

     Qua việc tìm hiểu các làng xã được thành lập ở Hải Lăng giai đoạn 1802 – 1885 một lần nữa chứng minh quá trình khai khẩn đất đai diễn ra rất lâu dài, liên tục. Các làng xã ban đầu được hình thành chủ yếu ở vùng đồng bằng, ven biển về sau do nhu cầu mở rộng diện tích đất canh tác, tránh lụt lội, các làng tiến hành khai khác mở rộng khu vực xung quanh mình cư trú, về sau nữa chuyển lên khai thác vùng gò đồi phía Tây của huyện.

     Việc mua đất lập làng như ở Thuận Nhơn, Thuận Đức, Lương Chánh. Hay như sự ra đi của cư dân các làng Phú Xuân (Huế), Kim Long (Huế) do nhu cầu xây dựng mở rộng kinh thành, được vua cấp thẻ bài cho dân các làng đó đi đến đâu đều được hưởng quyền lợi về mọi mặt ngang hàng với cư dân lâu đời ở đó. Về sau, thành lập làng Phú Xuân, Phú Long, Như Sơn là một nét mới mà các giai đoạn trước đó chưa có.

     Chú thích:

* Xã Đoan Trang, Huyện Hải Lăng, Phủ Triệu Phong, thời nhà Lê, có hai vị là Lê Thời Danh, Võ Trạch Thủ, trước năm Quang hưng 14 (1591). Năm Hoằng Định thứ 6 (1605), trước là tu sửa, khai khẩn đất đai, sau là khai báo công đức với tổ tiên, tổ nghiệp. Các họ (hộ) tiếp tục khai phá mở rộng đất hoang, chọn vùng cao làm nhà ở, chọn nơi thấp làm ruộng như khê hác (khe hác) thì tích nước thành hồ lớn thuận lợi cho khai hoang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Dương Văn An (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc hiệu đính và dịch chú) (2001). Ô châu cận lục, NXB Thuận Hoá, Huế.

[2] Dương Văn An (Văn Thanh, Phan Đăng dịch và chú giải) (2009). Ô châu cận lục, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3] Ban chấp hành Đảng bộ xã Hải Chánh (2014). Lịch sử Đảng bộ xã Hải Chánh (1930 –
2010), Quảng Trị.

[4] Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hải Lăng (2015). Lịch sử Đảng bộ huyện Hải Lăng (1930 – 1975), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.

[5] Ban chấp hành Đảng bộ xã Hải Sơn (2008). Lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn (1930 – 2005), Quảng Trị.

[6] Ban chấp hành Đảng bộ xã Hải Trường (2012). Lịch sử Đảng bộ xã Hải Trường (1930 – 2010), Quảng Trị.

[7] Lê Quý Đôn (Viện Sử học dịch) (2007). Phủ biên tạp lục, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[8] Đồng Khánh dư địa chí (Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin dịch), bản CD-Rom.

[9] Lê Văn Duẫn (1985). Làng xã ở Hải Phú (Từ thành lập đến trước Cách mạng tháng Tám 1945), Khoá luận tốt nghiệp, Trường ĐHKH Huế, Huế.

[10] Lê Thanh Hà (1985). Quá trình hình thành và phát phiển các làng xã ở xã Hải Lâm Triệu Hải – Bình Trị Thiên dưới thời Phong kiến, Khoá luận tốt nghiệp, Trường ĐHKH Huế.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế
ISSN 1859-1612, Số 04(40)/2016: tr. 81-90

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Link bài viết:

http://thanhdiavietnamhoc.com/qua-trinh-thanh-lap-lang-xa-o-huyen-hai-lang-tinh-quang-tri-duoi-trieu-nguyen-1802-1885/

 


READ MORE - QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP LÃNG XÃ Ở HUYỆN HẢI LĂNG, TỈNH QUẢNG TRỊ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN (1802-1885) - Nguyễn Thị Minh Thiện, Thái Quang Trung