Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 9, 2017

ANH LÀM HẠT NẮNG DỌC ĐƯỜNG EO CONG - Thơ Trúc Thanh Tâm


    


 ANH LÀM HẠT NẮNG
 DỌC ĐƯỜNG EO CONG


 Hẹn hò gió lạc bờ môi
 Trắng mây trong áo, một trời sắc hương
 Áo dài, thương quá dễ thương
 Anh làm hạt nắng dọc đường eo cong!

 TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)
READ MORE - ANH LÀM HẠT NẮNG DỌC ĐƯỜNG EO CONG - Thơ Trúc Thanh Tâm

MỘT TÔI... - Tùy bút của Trần Mai Ngân



                  Trần Mai Ngân


MỘT TÔI...

Một khói sương
Một tĩnh lặng
Một tôi...

Đà Lạt vẫn thế, không gần, không xa. Trong tầm tay anh, trong nỗi nhớ tôi. Đủ để quay lại chỉ im lặng và ngắm nhìn.
Mặt hồ Xuân Hương êm ả, lững lờ trôi cứ thế ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Không già như chúng ta đang mỗi ngày...

Phố chợ về đêm nhộn nhịp du khách với áo mũ len đủ màu cười nói huyên thuyên. Và tôi lạnh !
Băng qua nhiều con đường với những vạch trắng lặng câm đón bước chân tôi. Sao hờ hững !
Thế đấy, xe cộ chậm lại. Tôi băng qua, nghe rõ đôi chân mình nhịp bước mênh mông...
Quảng Trường Đà Lạt đêm nay đầy người là người. Tôi không thích chen lấn và tôi lạc phía bên ngoài. Thoang thoáng có tiếng nhạc mồ côi rơi vào không gian : Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng... Hôm nay ban nhạc ở Sài Gòn đến hát để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn.
Tôi cũng về thôi. Đêm đầy sao. Tôi tưởng nhớ Tôi !

                                                         Trần Mai Ngân

READ MORE - MỘT TÔI... - Tùy bút của Trần Mai Ngân

TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN



            Nhà thơ Chu Vương Miện




TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 1

ngựa chạy nơi rú là ngựa hoang
ngựa có hàm thiếc dây chằng
là thiên lý mã
ngựa kéo xe là ngựa hèn
ngựa không nghe lời chủ là ngựa chướng
ngựa chạy không tự do
là ngựa đua
ngựa nhớ quê xưa
là ngựa hồ
ta ước là người Hung Nô


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 2

Đời nhà giáo viết bao nhiêu phấn
trắng trên bảng đen
rồi lấy khăn lau đi bằng hết
đời con dã tràng
xây bao nhiêu lâu đài
trên cát
sóng lùa đi bằng hết 
bao nhiêu nhà cách mạng
chết rục trong nhà tù
có người không còn xác
bao nhiêu tấm lòng yêu nưóc
chả khác chi
quạ đen kêu quàng quạc?


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 3

Thơ đăng báo chợ
cả bài thơ 
văn và báo đọc xong
quăng thùng rác
chưa chắc đã đọc bài thơ ?


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 4

Báo bán
8-10 đồng
Không ai rờ tới
Cuối tháng tiệm 
trả lại cho chủ báo
chả ma nào mua
chả ma nào đọc
thơ văn gửi trong đó
y như quăng thùng rác 


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 5

Người Lào hút thuốc lào
Ngườì Tây hút thuốc lá
Ngườì Cuba hút xì gà
Nhai trầu nhả bã
Hút thuốc phà hơi
Bã rơi xuống đất
Hơi bay lên trời


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 6

Trong nhạc có nhẻo
Trong cung bậc
Có thuốc rê thuốc lá
Trong âm giai có
Đô và la
Trong bụng anh đói
Nhìn cuốc hoá gà ?


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 7

thằng ngu là cha
thằng hèn là con
giống hai con bò
kéo xe 
từ đỉnh dốc
xuống chân non
lăn kềnh xuống hố
rơi tõm xuống biển
Hải Nam


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 8

Nhát hơn con cáy
Nhat ngang con còng
Nhát bằng con thỏ đế
đất nưóc kể như xong

thơ văn trôi lềnh bềnh
từng đám trên sông


TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN 9

thế sự làm sao ?
thế sự làm vầy
thế sự làm vầy ?
thế sự làm sao ?
chuyện qua rào
chuyện tào lao
diễn di diễn lại
năm nào cũng giống năm nào ?


TẠP THI  CHU VƯƠNG MIỆN 10

Mây mưa đánh đổ đá vàng
Đá tan ra bột
Vàng càng sang hơn
Nưóc trôi trôi mãi về nguồn
Người đi
Hoa cũng héo buồn ngó theo

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - TẠP THI CHU VƯƠNG MIỆN

NHỮNG GIỌT LỆ HÉO MÒN - Truyện ngắn của Thủy Điền


            
                   Tác giả Thủy Điền



                 NHỮNG GIỌT LỆ HÉO MÒN

Sau khi nghỉ hưu, cũng là thời điểm bà có nhiều thời gian rảnh rổi như: Làm bất cứ những việc gì theo ý thích của mình mà bấy lâu chưa thực hiện được. Đồng thời ôn lại những kỷ niệm xa xưa của thời tuổi trẻ để làm những bài thơ hay viết vài bài truyện ngắn để con cháu sau nầy có mà đọc và hiểu về bà nhiều hơn.

    Thuở thời bà là một nữ sinh trường Lê Ngọc Hân, khá xinh đẹp, học giỏi và luôn mang trong hồn với những dòng thơ lai láng, lãn mạn, yêu thương. Chính vì thế mà sau nầy bà trở thành một cô giáo dạy văn khá nổi tiếng và là một nhà thơ được nhiều người biết đến.

     Năm mười tám tuổi vừa học hết lớp mười hai, trong dịp nghỉ hè, cấm trại cùng bạn bè tại một vùng quê hẻo lánh. Bà tình cờ quen được một anh chàng cũng cùng sở thích như bà. Hai tâm hồn mơ mơ, mộng mộng gặp nhau rồi yêu nhau giữa đêm trăng sáng. Những dòng thơ tình ái của anh ta đã cuốn hút bà vào một thế giới riêng. Với bao lời hứa hẹn, vội tin bà đã trao hết những ân tình thắm thiết của đời mình và nghĩ rằng cuộc tình ấy sẽ vĩnh viễn thuộc về nhau. Đêm trăng sáng, về đêm càng sáng thêm, bà như nửa say, nửa tỉnh, lâng lâng đầu ngã người trên tay chàng và thầm ước cuộc đời nầy luôn thật đẹp như vầng trăng sáng trên cao đang gieo bao niềm hy vọng vào lòng nhân thế. Và, chàng cũng thế. Những giây phút im lặng là khoảnh khắc để thưởng thức những mật ngọt yêu đương ấy, hai người dường như đã đạt đến đỉnh cao khoái lạc trong cuộc đời.

     Đêm hạnh ngộ nào dù vui hay buồn rồi đến lúc cũng phải chia tay, giọt nước mắt bùi ngùi lưu luyến, chỉ còn dẳng lại trong tai những lời hứa hẹn, rồi đường ai nấy đi. Hy vọng một ngày gần nhất ta sẽ bên nhau và bên nhau mãi mãi. Nhưng, xót đau bà cứ ngóng trông từng ngày mà chẳng thấy người trở lại. Còn người đi xa thì quên mất lời hứa ban đầu. Đêm tàn- đêm qua mau bà cứ trăn trở, sụt sùi, tuổi xuân thì dần dà héo khô, ngã mầu theo thời gian từng nhịp gỏ. Chịu đựng- chịu đựng ngần mấy chục năm trời, để rồi chỉ còn nghe hai tiếng phụ bạc và người ấy đã thành gia thất mà chẳng nói một câu.

     Thế thì đời xem như đoạn tuyệt, tình coi như dở dang. Biết vậy, nhưng bà vẫn cứ nuôi hy vọng dù hy vọng ấy rất mỏng manh và không bao giờ đến với bà. Đặc biệt với những năm tháng hận tình lẽ ra người đàn ông ấy bà không thể nào tha thứ hay nói cách khác là ghét cay, ghét đắng. Ngược lại bà cứ yêu chàng mãi mãi, yêu như yêu những ngày đầu nơi xóm vắng, yêu như yêu chàng giữa lúc dưới trăng, yêu cho tận đến ngày nay. Chính vì sự yêu ấy, với những lúc u buồn thầm nhớ, bà hay mượn những dòng thơ để an ủi khuây khoả lòng mình. Và, cho người mình yêu biết rằng bà vẫn luôn luôn chung thủy suốt cuộc đời.

     Ngần bốn mươi năm ấp ủ một mối tình, gần nửa đời người chung thủy với yêu thương, gần một quảng đời làm thơ tưởng nhớ, qua một kiếp làm thầy bà tự nhũ lòng, đời người là con số và sự may mắn. Ai ai cũng có cái số; Sự may mắn cả.

     Nhưng riêng bà như một áng mây đen và những giọt nước mắt héo mòn từ từ rơi trên má…!

                                                                             Thủy Điền
                                                                           09- 04-2017

READ MORE - NHỮNG GIỌT LỆ HÉO MÒN - Truyện ngắn của Thủy Điền

KIM HÔN LẶNG LẼ - Nguyễn Bàng


               Tác giả Nguyễn Bàng


KIM HÔN LẶNG LẼ
1.
Nhờ có hai đứa cháu, một nội một ngoại mà hơn một năm nay, hai vợ chồng ông giáo già không phải xem phim truyền hình trên Tivi với tràn ngập quảng cáo. Thằng Minh cháu nội, dân IT đang sống và làm việc ở Canada, con Thu cháu ngoại, dân quản trị kinh doanh đang sống và làm việc ở Úc. Hai anh em nó hẹn nhau cùng về Việt Nam thăm ông bà và làm một số việc riêng. Ngay ngày đầu tiên về nước, sau bữa cơm chiều, tầm 8h tối, thấy ông bà ngồi trước Tivi xem phim truyền hình, hai anh em Minh và Thu bảo nhau xem cùng ông bà. Cái Thu khẽ hỏi bà ngoại:
- Phim này chắc hay lắm, hả bà?
- Phim Việt Nam lên sóng giờ vàng đấy cháu ạ. Đây là thời gian hầu hết mọi người đã có thì giờ nghỉ ngơi giải trí, nhà đài thu hút được nhiều người xem phim Việt Nam nhất nên quý như vàng. Bà thấy phim này cũng không hay lắm nhưng quỹ thì giờ nhàn rỗi của ông bà khá nhiều mà tối rồi nên xem một chút phim để chờ đến giờ đi ngủ. 
Bà vừa nói xong thì trên màn hình ngừng chiếu phim để chạy quảng cáo. Những hình ảnh chói rực màu sắc loang loáng trước mắt và những lời nói có cánh như nước chảy bên tai người xem ca tụng hết sữa đến thực phẩm chức năng rồi nước lau nhà rửa chén, nước rửa bồn cầu, băng vệ sinh... Thằng Minh thấy ông nội lấy cái điều khiển vặn nhỏ âm lượng lại, bèn nói:
- Người ta quảng cáo dài quá ông nhỉ?
- Đúng thế cháu ạ. Mỗi lần quảng cáo đến 7, 8 phút mà có tới cả 3, 4 lần trong một tập phim. Vì thế, mỗi tập phim chỉ có thời lượng 40 phút nhưng phải ngồi kéo dài cả tiếng đồng hồ mới xem xong khiến nhiều lúc ông bà cũng thấy mệt mỏi và khó chịu cứ như người bị khát mà phải uống nước bằng...thìa  vậy. Nghe nói bên Trung Quốc, người ta cấm các đài truyền hình phát các đoạn phim quảng cáo khi đang trong giờ chiếu phim; ước gì ở ta cũng được như họ? 
Sáng hôm sau hai anh em Minh và Thu xin phép ông bà cho đi chơi. Nhưng đến trưa, khi chiếc taxi đưa chúng về đem theo một cái thùng các tông và một cái túi xách. Con Thu hồ hởi lễ phép nói:
- Ông bà ơi! Chúng cháu mua cái Tivi Sony và cái laptop Dell này để ông bà dùng đấy ạ.
Cả hai ông bà đều tròn mắt nhìn hai đứa cháu rồi nhìn hai thứ đồ anh em nó mang về rồi bà xuýt xoa nói:
- Cái Ti vi cũ vẫn còn tốt chán, các cháu mua mới làm gì. Lại còn cái máy tính nữa, ông bà già rồi có biết máy móc gì đâu mà dùng đến nó.
Nghe bà nội nói thế, thằng Minh cười vui vẻ:
- Cái Panasonic 21 inch đít lồi cổ lỗ quá rồi, giờ có còn mấy ai dùng nữa đâu, hả bà? Cái Sony 32 inch loại mới này với thiết kế tinh tế, nhỏ gọn, giúp người xem tivi với những hình ảnh sắc nét và có chiều sâu lại dễ di chuyển, không chiếm nhiều không gian rất phù hợp với căn phòng phòng khách có diện tích nhỏ của nhà mình. Còn cái máy tính, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng không chỉ cho ông bà mà cho cả nhà ta đấy ạ. Cháu chỉ xin kể ra vài việc của nó: Trước tiên, nó là một nguồn phim vô tận, ông bà thích xem phim gì thì lên mạng tải vào cái USB này rồi cắm vào cái Tivi Sony để xem, sẽ không phải bực mình về quảng cáo nữa vì hầu hết phim đưa lên mạng, đã cắt bỏ quảng cáo mà nếu chưa cắt thì ta sẽ lướt bỏ nó đi chỉ trong nháy mắt. Thứ hai, với cái máy tính này, ông bà sẽ không cần đến báo in hàng ngày mà sẽ được truy cập hàng trăm tờ báo trên mạng để đọc. Thứ ba, nó sẽ là tiện ích giúp cho cả đại gia đình nhà ta tuy xa mà gần, cho dù ông bà ở trong nước, nhà cháu ở Canada, nhà em Thu ở Úc, bất cứ lúc nào cũng  đều có thể gửi thư điện tử, tài liệu, tranh ảnh cho nhau, nói chuyện được với nhau miễn phí, trông thấy nhau trên màn hình khi cùng nhau kết nối máy tính. Còn cách dùng nó, lát nữa cháu sẽ hướng dẫn ông bà, nhanh và dễ lắm ạ!
Y như lời thằng cháu nội nói, ngay ngày hôm đó, chiếc máy tính đã cho hai ông bà nhìn thấy và nói chuyện được cả giờ với con giai, con dâu, con gái, con rể và hai đứa cháu còn đang đi học ở nước ngoài, em gái thằng Minh và em trai con Thu.
Còn việc xem phim thì quả là thú vị thật, cứ vào trang web nào cho xem phim hay tải về phim chất lượng cao mình thích vào cái USB bé con như hai đốt ngón tay rồi đem cắm sang cái cổng USB của cái tivi mà xem. Hình ảnh đẹp sắc nét và đúng là không bị quảng cáo quấy rầy khiến phải bực mình nữa.
2.
Một ngày cuối Xuân, ông giáo già lên mạng tìm phim rồi vui vẻ bảo vợ:
 - Hôm nay, chúng ta sẽ xem một bộ phim tình cảm của Trung Quốc, mình ạ. Cư dân mạng khen phim này hay lắm.
 - Là phim gì hả mình?
- Kim hôn phong vũ tình.
- Cái tên nghe dài và khó hiểu quá.
- Đúng thế! Kim hôn là đám cưới vàng nhưng không dễ gì dịch đủ cả 5 tiếng KIM HÔN PHONG VŨ TÌNH sang Tiếng Việt nên người dịch phim đã khéo léo chuyển ngữ cho nó sang cái tên là NGHĨA VỢ TÌNH CHỒNG, một thành ngữ rất gần gụi với người Việt chúng ta, mặc dù cái tên ấy không diển tả hết những phong vũ gió mưa của một cuộc tình để đến được cái Kim hôn.
Và rồi họ bắt đầu xem phim đó mỗi chiều.
Bộ phim kể về 50 năm kết hôn của cặp vợ chồng Thư Mạn - Cảnh Trực hay và cảm động trong từng hình ảnh từng lời thoại.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1958, anh hùng chiến đấu Cảnh Trực 28 tuổi, xuất thân từ con nhà lao động và nữ bác sỹ Thư Mạn 22 tuổi yêu nhau ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Không lâu sau đó, hai người kết hôn, việc đó cũng đồng nghĩa là Cảnh Trực phải rời bỏ quân ngũ, vì Thư Mạn thuộc tầng lớp tiểu tư sản, bố là tư sản đã vậy lại đã chạy trốn ra nước ngoài.
Những ngày đầu chung sống, do xuất thân, nếp sống, tính cách khác nhau nên hai vợ chồng có những bất đồng. Nhưng chính những cãi vã thường nhật của cuộc sống hôn nhân, họ lại yêu nhau hơn.
Cuộc đại cách mạng văn hóa diễn ra đã khiến nhiều phần tử trí thức như Thư Mạn, Quý Thành - bạn thân của Thư Mạn... lâm vào cảnh khốn đốn. Đã có lúc họ đau khổ dằn vặt phải ly thân và định ly hôn.
Sau cách mạng văn hóa, cuộc hôn nhân của cặp đôi Thư Mạn - Cảnh Trực rơi vào cuộc khủng hoảng. Gánh nặng gia đình, sự nghiệp khiến cả hai đều thấy mệt mỏi...
Thư Mạn luôn canh cánh trong lòng: “ Nếu không phải vì mình chắc chắn anh ấy sẽ thành tướng quân chỉ huy thiên binh vạn mã. Đó là nỗi mơ ước cả đời của anh ấy”. Nhưng Cảnh Trực thì lại nói mình luôn ghi tạc trong dạ: “Anh sống cùng với em hạnh phúc suốt cuộc đời”. Những lúc Thư Mạn nói với chồng: “Kiếp này em đã nợ anh một ân tình”, cũng là lúc Cảnh Trực chân tình đáp lại: “Em là vợ của anh, ai nợ ai chứ!”
Nhờ có tình yêu lớn lao và nghĩa vợ tình chồng sâu đậm, họ đã vượt qua mọi chông gai, tay trong tay bước tới ĐÁM CƯỚI VÀNG và hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Bộ phim dài 51 tập, phải mất 26 buổi xem mới đến tập cuối với chuyện đám cưới vàng của Thư Mạn và Cảnh Trực:
Gần đến kỉ niệm 50 năm ngày kết hôn, Thư Mạn hỏi chồng:
- Anh nói đi, anh sẽ tổ chức thế nào?
Cảnh Trực vốn hồn nhiên hay vui đùa, trả lời:
- Em muốn theo kiểu Ta thì anh làm theo kiểu Ta, theo kiểu Tây thì anh làm kiểu Tây. Em muốn đi Châu Phi Nam cực, anh sẽ tìm cách theo em.
- Toàn những câu vô tích sự- Thư Mạn trách yêu chồng.
Rồi họ gọi điện cho con trai, con gái, con dâu, con rể ở xa về.
Bố Cảnh Trực:
- Biết nói thế nào nhỉ? Các con cũng xem phim Truyền hình ĐÁM CƯỚI VÀNG rồi chứ?
Con gái Cảnh Cảnh :
- Con biết bố mẹ rất thích phim ĐÁM CƯỚI VÀNG, nhưng bố mẹ gọi chúng con từ xa về đây không phải là để thảo luận về phim này chứ?
Bố Cảnh Trực:
- Các con nói thế là không hề quan tâm và hiểu bố mẹ. Các con có biết bố mẹ cưới nhau bao lâu rồi không?
Tất cả các con đều cười vui vẻ hiểu ra ý của bố mẹ, rồi rôm rả đưa ra các ý kiến: Người thì nói, anh em chúng ta tổ chức long trọng một đám cưới vàng, người thì bảo, chúng ta sẽ cho bố mẹ uống rượu giao bôi; và, chúng ta sẽ đặt cho bố mẹ một đôi nhẫn, hiện nay giới trẻ kết hôn đều thịnh đeo nhẫn cưới…
Trong bữa cơm quây quần, khi các con đưa ra quyết định sẽ thuê một sảnh tiệc để tổ chức thì bố Cảnh Trực nói:
- Đâu phải là họp cơ quan, sảnh tiệc cái gì, nghe không được.
Hai đứa cháu nội chưa chịu ngồi vào bàn ăn, mải mê chụm đầu vào cái máy tính bỗng cùng lúc đứng dậy. Thằng cháu đích tôn nói như reo lên:
- Ông bà nội ơi, tìm được rồi. Ở khu Á vận hội có nhà hàng tên là TÌNH SI KHÔNG ĐỔI. Tình si không đổi nghĩa là chung thuỷ rất giống ông nội.
Thế rồi ĐÁM CƯỚI VÀNG của họ được con cháu tổ chức rất vui và đầy cảm động. Khách mời chỉ có hai vợ chồng Quý Thành, bạn cùng thời thân thiết với họ còn sống.
Sau buổi lễ, hai vợ chồng đưa nhau đi xem vở múa Ba lê Hồ Thiên Nga, một nghệ thuật mà Thư Mạn hằng yêu thích từ thời trẻ cùng với nhạc của Su-be mà đã nhiều năm, những cái đó bị cấm đoán vì bị coi là uỷ mị tiểu tư sản.
Hồi mới lấy nhau, Cảnh Trực chỉ quen nghe những bài hát cách mạng, thấy Thư Mạn mở đĩa nhạc, hỏi:
 - Bài nhạc gì vậy?
- Dạ khúc của Su-be 
- Của bác Su à, chắc chắn bác ấy là họ hàng nhà em rồi!
Cảnh Trực mới chỉ được xem Kinh kịch. Biết vợ khao khát được xem múa Ba lê nên mặc dù chẳng biết múa Ba lê là gì, nhưng một lần hai vợ chồng phải băng qua bãi tuyết, để làm vui lòng Thư Mạn, anh co chân nhảy tưng tưng trên mặt băng:
- Anh có thể múa Ba lê với em cả cuộc đời.
- Đó gọi là múa Ba lê ư, không khác gì cóc nhẩy.
- Thế mới gọi là cóc ghẻ ăn thịt Thiên nga chứ!
Bây giờ cả hai vợ chồng tóc bạc mới cùng nhau vào Nhà hát vũ kịch xem múa Ba lê. Bởi thế, mới lưng chừng vở, trong khi Thư Mạn cùng cả nghìn người xem say mê nhìn lên sân khấu thì Cảnh Trực đã bắt đầu gà gật rồi rơi đầu xuống vai vợ chìm sâu vào giấc ngủ. Thấy nặng vai, Thư Mạn cúi xuống , nghiêng đầu nhìn chồng mỉm cười âu yếm. Và khi khán giả rời ghế ra về hết, bà từ từ ngả đầu xuống sát bên đầu Cảnh Trực, hoà chung vào giấc ngủ cùng chồng giữa những hàng ghế trống không của nhà hát. Một giấc ngủ êm đềm hạnh phúc nhất trong 50 năm nghĩa vợ tình chồng của họ!
 3.
Thế rồi, khi màn hình chiếc Tivi Sony 32 inch vừa báo hết phim thì một cơn gió bỗng lay động rèm cửa sổ, thổi vào căn phòng một làn se lạnh. Bà vợ ông giáo già đứng lên, đến bên tủ quần áo, lấy ra hai tấm áo len mỏng lại gần chồng, khoác lên vai ông một tấm và âu yếm bảo:
- Rét nàng Bân năm nay lại về rồi đấy! Mình mặc thêm tấm áo này vào, kẻo lạnh.
Ông giáo già nhẹ đứng lên, cầm tấm áo còn lại trên tay vợ và khoác vào đôi vai gầy của bà:
- Mình cũng mặc thêm áo vào đi, kẻo lạnh.
Rồi ông chớp chớp mắt, cảm động nói tiếp:
- Tôi nhớ, tối hôm cưới của chúng mình, khi tan tiệc chè  ở phòng cưới là một lớp học của nhà trường, tôi đưa mình về bằng xe đạp. Vừa vào tổ ấm riêng của hai đứa thì gió nàng Bân se lạnh về lay động tấm rèm cửa sổ và mình cũng lấy trong hòm sắt ra tấm áo rét khoác cho tôi như hôm nay
- Vậy mà đã 49 năm rồi, mình nhỉ! 
- Phải! 49 năm, không tiết rét nàng Bân nào, mình quên khoác áo cho tôi kẻo lạnh.
- Thì mình cũng đâu có quên khoác lại áo cho em! Mà mình ạ, mùa Xuân năm sau là tròn 50 năm ngày cưới của chúng mình đấy!
- Ý mình định bắt chước trong phim, năm sau tổ chức ĐÁM CƯỚI VÀNG ?
- Thế mình nghĩ sao?
- Ở các nước thịnh vượng, người ta còn bày ra đám cưới đồng, đám cưới nhôm, đám cưới bạc rồi mới đến đám cưới vàng. Còn ở nước mình, thời xưa chỉ thấy dân ta khi thách cưới, nhà gái đòi với số lượng lớn trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo lại còn thêm nhiều vàng hay ít vàng nữa như câu ca dao “Cưới  em một chĩnh vàng hoa/ Mười chum vàng cốm bạc là trăm nong”  cho hôn lễ thực tại chứ không mấy ai coi trọng đám cưới vàng 50 năm sau. Nhưng ngày nay, “phú quý sinh lễ nghĩa”, đám cưới vàng, đám cưới bạc đã trở nên phổ biến Nhiều nhà giàu sẵn sàng chi tiền cho buổi tiệc đám cưới vàng, đám cưới bạc đình đám, gây nhiều ấn tượng cho hàng xóm và người tham dự. Nghĩ cho cùng, cũng không nên trách họ vì trong cuộc sống, tìm được người bạn đời như ý đã khó, để giữ cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc viên mãn lại càng khó hơn. Không dễ gì đôi nào cũng đi tới được cái mốc son KIM HÔN đầy hạnh phúc ấy. Vì vậy nếu có điều kiện, cũng nên kỷ niệm cái ngày hạnh phúc đó.
- Nhưng con cháu mình, chúng đâu có ở trong nước. Chẳng nhẽ sẽ gọi chúng đem nhau về tổ chức Đám cưới vàng cho bố mẹ, ông bà?
- Là nói chung thế, còn nhà mình thì sao lại thế cho được - Ông giáo già trầm tư khẽ nói - Việt Nam ta hiện giờ đang nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á – Đối với những người nghèo khó thì được ra nước ngoài dù trong thân phận xuất khẩu lao động, làm ô sin hay cô dâu bất đắc dĩ… vẫn là một giấc mơ đổi đời và họ sẵn sàng chớp lấy một khi có cơ hội dù phải đánh đổi bất chấp thứ gì như những đồng bào của họ từng dám liều chết hơn 40 năm trước đây khi đặt chân lên thuyền hướng ra biển cả. Những người lắm tiền nhiều của thì đang tìm cách ôm tiền ra ngoại quốc gây ra một cuộc tháo chạy mới ở Việt Nam. Đám quan chức , kể cả cấp chóp bu ở ta cũng đã và  đang lên kế hoạch đi “tị nạn” ở nước ngoài. Còn nói riêng về bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi học thì con cái các quan chức, lãnh đạo… vẫn được âm thầm đưa đi du học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Thụy Sĩ… với những chi phí lớn đi kèm như xe, nhà riêng… lên đến hàng triệu Mỹ kim. Trong bối cảnh ấy có thể nói, con cháu nhà mình đã ra nước ngoài bằng con đường sạch sẽ và tử tế nhất. Thằng Minh theo bố mẹ nó định cư bênCanada theo diện di dân đầu tư, sau bao tháng đợi chính quyền cả hai nước xét duyệt, khảo sát và phỏng vấn mới được chấp thuận. Con Thu chăm chỉ, kiếm được học bổng ở Úc, học xong tự xin được việc làm rồi được định cư và bảo lãnh bố mẹ và em nó sang. Chúng đang như những cánh chim trời ở các miền đất mới, sao lại bắt chúng nghỉ việc và tốn kém tiền nong về chỉ vì cái kim hôn của hai thân già chúng mình. Nên tôi tính mình sẽ kỷ niệm kim hôn trong lặng lẽ, nhớ về ngày cưới nhau 50 năm về trước trong niềm thủy chung son sắt với nhau và chúc phúc cho con cháu ở nơi xa vui khỏe và thành đạt. Chỉ thế và thế thôi, mình ạ!
Bà vợ âu yếm nhìn chồng và khẽ gật đầu:
- Em cũng nghĩ thế như mình!
4.
Rồi mùa xuân năm sau đã về đem đến ngày kỷ niệm 50 năm thành hôn của vợ hai chồng ông giáo già . Y hẹn năm trước, họ kỷ niệm kim hôn trong lặng lẽ. Buổi sáng, ông chở bà đi chợ rồi cả hai cùng vào bếp hý húi làm mấy món ăn họ cùng ưa thích nhất cho cả ngày. Thời gian còn lại, họ ngồi bên nhau mở tập ảnh đen trắng đã cất giữ mấy chục năm qua biết bao lần chạy mưa chạy bão và cả biết bao ngày chạy bom chạy đạn của máy bay Mỹ. Rồi họ ôn lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của  mối tình đầu và cũng là mối tình sau cuối nhất của hai người. Nàng là con nhà thành phố xinh đẹp nết na, có nhiều nhà giàu sang quyền chức đã nhờ mai mối đánh tiếng xin nàng về cho con trai họ. Chàng là gã trai quê nghèo khổ, học xong được lên tỉnh làm thầy giáo. Thế mà vẫn yêu nhau, vẫn thành chồng vợ với nhau, cùng nhau khuya sớm làm ăn để nuôi dạy con cái nên người suốt một thời bao cấp đầy thăng trầm khổ ải chỉ với niềm mơ ước sinh tồn “Ăn no mặc ấm” chứ đâu dám nghĩ “Ăn ngon mặc đẹp” trong cảnh “Hai vợ chồng son, thêm hai con thành sáu” 
Và, suốt một ngày dài hôm ấy, chỉ một lần ông giáo già nghe thấy vợ thở dài rồi buồn buồn nói:
- Tự nhiên, em thấy nhớ các con các cháu quá, mình ạ! Không biết giờ chúng đang làm gì nhỉ?
Ông nhẹ giọng an ủi bà:
- Sao mà không nhớ chúng cho được. Nhưng mình đã hứa với nhau là chỉ kim hôn lặng lẽ  nên cố đừng nghĩ  tới chúng nữa.
Nhưng thật bất ngờ, sau bữa tối, khi  bản nhạc Ave Maria êm dịu thánh thót ngân lên từ chiếc đồng hồ cổ Odo treo tường, cả hai ông bà bỗng nghe tiếng chuông reo vang từ chiếc laptop đặt trên bàn. Ông giáo già bảo:
- Lại con cháu, đứa nào nó gọi đấy.
Nói xong, ông đứng dậy, cầm tay bà cùng đến ngồi bên bàn máy tính và nghe òa lên những tiếng reo mừng:
- Ông bà đây rồi.
Thì ra, các con cháu họ ở nước ngoài đang kết nối một cuộc gọi video nhóm miễn phí cho cả đại gia đình khiến hai ông bà cùng một lúc được gặp con trai, con dâu cùng hai cháu nội ở Canada với con gái con rể và hai cháu ngoại ở Úc. Căn phòng nhỏ lần lượt vang lên những lời tốt đẹp của con cháu chúc mừng đám cưới vàng của bố mẹ, ông bà khiến vợ chồng ông giáo già vui mừng và xúc động không biết nói gì với chúng. Phải giây lâu, bà mới nghẹn lời hỏi:
- Sao các con các cháu lại biết hôm nay tròn 50 năm ngày cưới của bố mẹ?
Anh con trai năm nay cũng vừa 50 tuổi thưa:
- Hồi ở nhà, hai anh em con đã mấy lần xem tờ giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ. Con còn nhớ, đó là một tờ giấy mỏng màu vàng xỉn, có chữ ký của bố mẹ và dấu của UBND khu phố thời đó
Cô con gái kém anh ba tuổi bổ xung:
- Mặt sau tờ giấy đăng ký kết hôn ấy còn có ghi chú của mấy cửa hàng xác nhận đã bán phân phối đầy đủ cho cô dâu chú rể; 3 cân bánh kẹo, 1 tút thuốc lá, 2 gói chè loại hai, 1 chiếc giường ba xà. Có đúng thế không ạ?
Rồi con dâu con rể, cháu nội cháu ngoại, mỗi người mỗi tiếng mỗi lời hỏi chuyện về đám cưới ngày xưa của ông bà và chúc  ông bà sẽ nắm tay nhau hạnh phúc trọn đời khiến cuộc gọi video nhóm chỉ kéo dài hơn nửa giờ mà ông phải mấy lần lau mắt kính và bà phải mấy lần đưa khăn tay lên mắt.
Sau lời chào tạm biệt với con cháu, ông giáo già nâng chiếc ấm đã pha trà rót ra một chén ân cần đưa cho vợ:
- Mình uống đi, trà sen đặc biệt đấy chứ không phải chè loại hai hồi đám cưới ngày xưa đâu. Nhưng nghĩ lại thấy thật hay, chén trà loại hai hồi ấy, mọi người đến dự đám cưới đôi mình ai cũng nức nở khen thơm ngon.
Bà vợ cảm động, một tay đón chén trà từ chồng , một tay nâng ấm rót một chén trà khác trìu mến đưa cho ông:
- Mình uống cùng em đi, coi như đây là chén giao bôi trong đám cưới vàng hôm nay của chúng ta.
Ông giáo già đón chén trà từ tay vợ và thấy khuôn mặt bà hồng hào  ngời lên những nét trẻ đẹp như thuở đôi mươi:
- Xong chén giao bôi này, ta sẽ cùng nhau xem lại bộ phim Đám cưới vàng của Thư Mạn và Cảnh Trực đã xem từ mùa xuân năm ngoái, mình nhé?
- Những 51 tập, tối nay sao mà xem cho hết được, hả mình?
- Không phải là xem toàn bộ 51 tập mà chỉ xem tập cuối. Mà cũng không phải là cả tập cuối mà chỉ mấy phút của trường đoạn cuối phim thôi.
- Em nhớ ra cái trường đoạn ấy rồi: Cái phút mà Cảnh Trực rơi đầu xuống vai vợ chìm sâu vào giấc ngủ. Thư Mạn cúi xuống vai mình, nghiêng đầu nhìn chồng mỉm cười âu yếm. Và khi khán giả rời ghế ra về hết, bà từ từ ngả đầu xuống sát đầu Cảnh Trực, hoà chung vào giấc ngủ cùng chồng giữa những hàng ghế trống không của nhà hát, một giấc ngủ êm đềm hạnh phúc nhất trong 50 năm họ cùng nhau nghĩa vợ tình chồng…
Thế rồi, khi màn hình chiếc TiviSony 32 inch báo cái trường đoạn cuối Đám cưới vàng của phim đã hết thì một cơn gió bỗng lay động rèm cửa sổ, thổi vào căn phòng một làn se lạnh. Bà vợ ông giáo già đứng lên, đến bên tủ quần áo, lấy ra hai tấm áo len mỏng lại gần chồng, khoác lên vai ông một tấm và âu yếm bảo:
- Rét nàng Bân năm nay lại về rồi đấy! Mình mặc thêm áo vào, kẻo lạnh.
Ông giáo già cảm động đứng lên, cầm tấm áo còn lại trên tay vợ rồi nhẹ khoác vào đôi vai gầy của bà:
- Mình cũng mặc thêm áo vào đi, kẻo lạnh!
*
Sài Gòn cuối Xuân 2017
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
READ MORE - KIM HÔN LẶNG LẼ - Nguyễn Bàng