Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 11, 2016

Q.TÊ - thơ Chu Vương Miện


Ảnh tác giả


Q.TÊ
Chu Vương Miện


đời đáng vui hay là đáng chán
cũng toàn là lưụ đạn nổ chơi
chém cha cái kiếp dời mồi
toàn là nông cạn suốt đời kiêm nhau
bờ sông hẹp toàn lau với lách
nước đục ngầu con rạch quanh co
đôi ta sao giống tò vò
tình tang con nhện lượn lờ qua sông
lúa con gái đòng đòng đang trổ
thuyền neo dòng sóng vỡ nghe vui
ca xong cười khóc khóc cười
y chang cút rượu ngọt bùi trộn nhau
giang sơn đó long đầu hí thủy
cũng lại là tri kỷ tri âm
thói đời còn chiếc thân không
thì thôi hồ thỉ tang bồng mà chi?
thôi cái chuyện bấc chì cũng nhẹ
thì vô tình cũng khỏe tấm thân
100 năm trong cuộc cởi trần
cái thân phù thủng cũng ngần ấy sao?
đơì thất thế thuốc lào thuốc lá
toàn chuyện ruồi lấp bể xẻ non
buồn sừng dê mới cỏn con
dậu thưa tùng lớp hàng hàng dậu thưa
làm thân ngựa trâu lừa ưa nặng
làm thân diều bay bổng tầng không
mớ tình toàn rối bòng bong
y như liễu phủ bên sông bơ phờ
ôi cái kiếp làm thơ làm thẩn
áo tàng đâu mang vận vào thân
vòng vo toàn chuyện phong thần
thưong vay khóc tạm xoay vần quanh năm
mấy chục bó lần khân xa xứ
ôi chuyện chừ vô tự vô ngôn
sóng xa rời lại sóng gần


READ MORE - Q.TÊ - thơ Chu Vương Miện

HỌA CHÙM THƠ TỨ TUYỆT CỦA NHÀ THƠ THÁI QUỐC MƯU - Nguyễn Khôi


   
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi


HỌA THƠ THÁI QUỐC MƯU
          (Tặng Nhã My)
               
*1- TRƯỜNG ĐỜI
"Lý tưởng" say đời đến hôn mê
Ngó nghiêng ảo vọng bủa bốn bề
Hơn/ thua, được/ mất nhồi lẽ sống
Cát bụi chân ai một nẻo về.
               
*2- VÒNG ĐỜI
Sống/ chết bon chen rồi cũng tới
Cuối đường : tử huyệt hẹn chung nơi
Buồn vui, khổ hận trôi chìm nổi
Kiếm cái hư danh khốn một đời.
                
*3-  BÃO
Ta đây chúa tể trị muôn loài
Giáng đòn sấm sét tóe bầu trời
Phố phường , làng mạc đang sung sướng
Một trận phong ba : rớt mồng tơi.
                 
*4- HAI TẤM ẢNH
Cứ tưởng ai kia vẫn một người
Trẻ ranh/ già lão chính thằng tôi
iphone "tự sướng" mặt mình hiện
Hom hem trần thế sắp phải rời.
                 
5- BỨC TRANH
Núi vắng, sông không, trời tạnh mây
Thiên nhiên tay họa "cọ" đây này
Phố phường, làng bản chen nhau sống
Kiếp người thảm họa chất đầy tay.
                 
6- BÀN CHẢI ĐÁNH RĂNG THẦN
                 
*7- CÂY CẦU
Vượt trên sóng dữ vững hai đầu
Không chê người trước với người sau
Đem thân cõng bước toàn nhân loại
Vẫn cứ rung rinh chẳng thấy đau.

                 HÀ NỘI 12-12-2016
                    NGUYỄN KHÔI
                     Nhà văn Hà Nội
(Sinh 1938, Quê : Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh
   Nghề nghiệp: Kỹ sư Nông nghiệp từ 1963...)

READ MORE - HỌA CHÙM THƠ TỨ TUYỆT CỦA NHÀ THƠ THÁI QUỐC MƯU - Nguyễn Khôi

PHONG LAN- chùm ảnh của Võ Thạnh Văn



Tác giả Võ Thạnh Văn









READ MORE - PHONG LAN- chùm ảnh của Võ Thạnh Văn

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (3) - Ts Nguyễn Ngọc Kiên


         


      NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ  

                                     VÀ ĐIỂN CỐ

                                        (Phần III)

(7) Một đi không trở lại 
Một đi không trở lại (一去不復返)  [nhất khứ bất phục phản] là thành ngữ nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được và nó có xuất xứ từ bài Hoàng Hạc lâu (黃鶴樓) bất hủ của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường. Nguyên tác:
昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Phiên âm:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:
Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất, chỉ còn trơ lại Lầu Hoàng hạc tại mảnh đất này. Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn bay dằng dặc, hàng cây đất Hán Dương rực rỡ bên dòng sông tạnh, cỏ thơm bãi Anh Vũ vẫn tốt tươi. Lúc trời chiều đứng trông về làng cũ tự hỏi : Quê hương ở chốn nào ? Khói sóng mịt mờ trên sông nước Khiến cho người nổi mối ưu sầu.

Dịch thơ:
Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!
                                   (Bản dịch: Ngô Tất Tố)

Nếu ta hiểu được bài thơ trên thì ta thấy thành ngữ “Một đi không trở lại” không đơn thuần chỉ nói lên sự lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được mà nó còn nói lên tâm trạng cảm hoài trước quy luật của tạo vật là không có gì tồn tại vĩnh cửu.
Trong tiếng Việt, thành ngữ “một đi không trở lại” được sử dụng rộng rãi hơn, đôi khi nó được dùng trong các “tít” báo theo cả nghĩa đen. Chỉ cần bấm vào google.com trong vòng 0,17 giây cho ra 710. 000 kết quả; chẳng hạn “Tại sao du khách nước ngoài đến Việt Nam một đi không trở lại”, nói về sự làm ăn chộp giật của ngành du lịch nước ta.

 (8) Thanh  mai trúc mã

Thanh mai trúc mã (青梅竹马) (thanh mai: mai xanh, trúc mã: ngựa trúc),
thành ngữ này dùng để chỉ sự đẹp đôi hoặc duyên nợ lứa đôi và nó có nguồn gốc từ bài thơ Trường Can hành (長干行) của Lý Bạch. Bài thơ có 30 câu, có thể nói là một thiên diễm tình.

Nguyên văn:

Phiên âm:
Thiếp phát sơ phú ngạch
Chiết hoa môn tiền kịch
Lang kỵ trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai
Đồng cư Trường Can lý
Lưỡng tiểu vô hiềm sai
Thập tứ vi quân phụ
Tu nhan vị thường khai
Đê đầu hướng ám bích
Thiên hoán bất nhất hồi
Thập ngũ thuỷ triển mi
Nguyện đồng trần dữ hôi
Thường tồn bão trụ tín
Khởi thướng Vọng Phu đài
Thập lục quân viễn hành
Cù Đường, Diễm Dự đôi
Ngũ nguyệt bất khả xúc
Viên thanh thiên thượng ai
Môn tiền trì hành tích
Nhất nhất sinh lục đài
Đài thâm bất năng tảo
Lạc diệp thu phong tảo
Bát nguyệt hồ điệp hoàng
Song phi tây viên thảo
Cảm thử thương thiếp tâm
Toạ sầu hồng nhan lão
Tảo vãn há Tam Ba
Dự tương thư báo gia
Tương nghênh bất đạo viễn
Trực chí Trường Phong Sa

Dịch nghĩa:
 Khi tóc vừa buông trán, hái hoa trước cổng chơi. Chàng cưỡi ngựa tre đến,  quanh giường tung trái mai. Trường Can cùng chung xóm, cả hai đều thơ ngây. Mười bốn, về làm vợ, thiếp còn e lệ hoài. Cúi đầu vào vách tối, Gọi mãi, chẳng buồn quay. Mười lăm, mới hết thẹn, Thề cát bụi không rời. Bền vững lòng son sắt, há lên Vọng phu đài. Mười sáu, chàng đi xa, Cù Đường, Diễm Dự đôi. Tháng năm không đến được, Vượn buồn kêu trên trời. Trước cổng vết chân cũ, rêu xanh mọc um tùm. Rêu nhiều không quét hết, Gió thổi, lá vàng rơi. Tháng tám bươm bướm vàng, trên cỏ vườn bay đôi. Cảnh ấy đau lòng thiếp, Má hồng buồn phôi pha. Khi chàng xuống Tam Ba, nhớ gởi thư về nhà. Thiếp sẽ mau đi đón, Đến thẳng Trường Phong Sa.

Dịch thơ:

XÓM TRƯỜNG CAN

Tóc em vừa chấm bờ vai
Bẻ hoa dưới ánh ban mai trước nhà
Chàng từ  cưỡi ngựa trúc qua
Nghịch đùa tung quả mơ hoa quanh giường.
Trường Can cùng ngụ lân hương
Hai ta đâu biết vấn vương là gì !
Mười bốn em bước vu quy
Về bên chàng có biết chi là tình
Nên thường cúi mặt lặng thinh
Mặc cho chàng gọi trăm nghìn không quay
Mười lăm rạng rỡ mày ngài
Nguyện cùng chàng hết trần ai tro tàn
Lòng tin ôm cột giữ giàng
Thì đâu em phải lên đàng vọng phu ?
Muời sáu chàng bước viễn du
Cù Đường, Diễm Dự mịt mù xa khơi
Tháng năm không thể đến nơi
Vượn buồn hót thảm bên trời bi ai
Trước sân còn đậm dấu hài
Nay rêu kín phủ đơn sai mấy lần
Rêu dày không quét  được sân
Lá thu theo gió trải ngần thềm xưa
Tháng tám bướm dập dìu đưa
Phía tây vườn cỏ cho vừa nhớ thương
Cảnh vui lòng luống đọan trường
Đếm từng ngày tháng phấn hương phai nhòa
Bao giờ chàng đến Tam Ba
Nhớ thư tin báo về nhà đợi mong.
Đón chàng đâu ngại núi sông
Nguyện vì nhau, mặc Trường Phong ...dãi dầu.
                                                (Bản dịch của Đào Thái Sơn)

Như vậy có thể thấy, cả bài thơ của Lý Bạch tả mối tình thơ ngây của chàng trai và cô gái, hai người cùng ngụ trong xóm Trường Can, thuở nhỏ luôn luôn nô đùa quấn quít cùng nhau, bằng hai câu thơ: “Lang kị trúc mã lai. Nhiễu sàng lộng thanh mai.” (Chàng cưỡi ngựa tre đến,  quanh giường đùa với trái mai xanh). Do đó, nói: “trúc mai” là chỉ tình yêu thắm thiết của một đôi trai gái.
Theo cách giải thích của học giả An Chi trên báo Sài gòn giải phóng online thì có khác đôi chút. Chẳng hạn: “Trúc mã” ở đây là gậy tre mà trẻ con lấy giả làm ngựa để cưỡi chứ không phải “ngựa tre”, sàng” là ghế chứ không phải là giường.
……………….

                       (còn nữa)
                                                                 Ts Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (3) - Ts Nguyễn Ngọc Kiên

THUẬT HOÀI - Thơ La Thụy



                       La Thụy và Lương Minh Vũ



                        THUẬT HOÀI
       (Cùng LMV một ngày say, phiêu bồng )
             “Sao anh trợn mắt nhìn tôi”
       Gớm sao thô lố như lồi võng mô
             Có chăng ngôn ngữ hồ đồ
       Bâng khâng tửu vị hư vô thấm tràn
            Cho hồn một thoáng đi hoang
      Bừng bừng hứng khởi, ngày tàn ngất ngây
            Xớt chia nồng ấm men say
      Rượu, Thơ, Đời thực ngọt cay chan hoà
            Mến nhau dù chỉ sát na
      Cũng là hạnh ngộ, ta bà chấp chi
           Xôn xao quán sá thị phi
      Mãng phu anh thiệt lạ kỳ xuất chiêu
           Đốm tàn lửa giận phong phiêu
      Ờ may chìm tắt trong chiều rêu rong

                                           LA THỤY                       
                                        (23 / 01 / 1996) 

READ MORE - THUẬT HOÀI - Thơ La Thụy

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (2) - TS.Nguyễn Ngọc Kiên


        

      NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ           

VÀ ĐIỂN CỐ

(Phần II)

(5) Vật đổi sao dời
Vật đổi sao dời (
物換星移 [vật hoán tinh di]) là một thành ngữ dùng để chỉ sự thay đổi to lớn, có nguồn gốc từ bài thơ Đằng Vương các  (滕王閣) nổi tiếng của nhà thơ Vương Bột (王勃). Nguyên tác:
滕王高閣臨江渚,
佩玉鳴鸞罷歌舞。
晝棟朝飛南浦雲,
珠簾暮捲西山雨。
閒雲潭影日悠悠,
物換星移幾度秋。
閣中帝子今何在,
檻外長江空自流。
Phiên âm:
Đằng Vương cao các lâm giang chử / Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân / Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đạm ảnh nhật du du / Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ? / Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.
(Dịch nghĩa: Gác Đằng Vương đứng cao ngất bên bờ sông, ngày nay không còn nghe tiếng tiếng ngọc vàng rung của những người ca vũ nữa. Những cột lớn vẽ mây như mây Nam phố lúc buổi sáng, những bức rèm cuộn lên như những trận mưa chiều ở vùng núi Tây sơn. Bóng mây trên mặt đầm trôi đi mãi, vật đổi sao dời đã biết bao mùa thu rồi. Các bậc vương tôn ngày xưa ở trong gác này giờ ở nơi đâu, ngoài hiên sông Trường giang cứ trôi đi.)
Dịch thơ:
Bên sông đây gác Đằng Vương,
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai.
Cột rồng Nam phố mây bay,
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi,
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu?
Đằng vương trong gác giờ đâu?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.
                                         (Bản dịch của Trần Trọng San)
Đọc kĩ bài thơ này ta sẽ hiểu sâu sắc hơn thành ngữ trên. Người Việt cũng hay sử dụng thành ngữ này. Nó gợi cho ta nhiều góc độ tâm trạng hoài cổ, bâng khuâng, thương tiếc một cái gì đẹp đẽ đã qua.
(5) Người đầu sông kẻ cuối sông
 Thành ngữ “Người đầu sông kẻ cuối sông” dùng để chỉ sự xa xôi cách trở của đôi trai gái đang độ yêu nhau. Nó có xuất xứ từ một bài thơ Đường là “Trường tương tư” (長相思), của Lương Ý  Nương (梁意娘) . Trong Tình sử chép rằng: Vào triều nhà Chu () đời Ngũ Quý (五季), có người con gái của Lương Tiêu Hồ (梁瀟湖) tên là Lương Ý Nương (梁意娘), cùng với Lý Sinh (李生) là họ hàng con cô con cậu. Lý Sinh thường qua lại rất nhiều lần. Nhân ngày trung thu ngắm trăng, ngầm hẹn ước với Ý Nương, hai người lưu luyến không rời. Sự việc lâu ngày lộ ra, Tiêu Hồ nổi giận, ngăn cấm hai người gặp nhau. Gặp ngày trời thu, Ý Nương viết bài thơ này. Bài thơ được nhiều người nhắc đến trong đó có hai đoạn trích dưới đây:
人道湘江深,
未抵相思畔。
江深終有底,
相思無邊岸。
我在湘江頭,
君在湘江尾。
相思不相見,
同飲湘江水。
Phiên âm:
Nhân đạo Tương Giang thâm / Vị để tương tư bạn
Giang thâm chung hữu để / Tương tư vô biên ngạn
Ngã tại Tương Giang đầu / Quân tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến / Đồng ẩm Tương Giang thủy
(Dịch nghĩa: Người bảo sông Tương sâu, nhưng chưa sâu bằng lòng thương nhớ. Sông sâu còn có đáy, lòng thương nhớ thì không có bến bờ. Chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau mà không thấy nhau, cùng uống nước sông Tương.)
Dịch thơ:
Người bảo sông Tương sâu
Tương tư sâu gấp bội
Sông sâu còn có đáy
Tương tư chẳng bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương.
                                (Bản dịch của Vũ Ngọc Khánh)

Thành ngữ “Người đầu sông kẻ cuối sông”  không chỉ nói lên sự cách trở bởi không gian mà còn nói  lên được cái hoàn cảnh trớ trêu, ngang trái của hai kẻ yêu nhau mà vì một lí do nào đó phải xa nhau, nói lên một nỗi ưu hoài vạn kiếp của nhân tình thế thái.
Ở Việt Nam, trong những năm kháng chiến chống Mĩ, xuất hiện bài hát nổi tiếng “Anh ở đầu sông, em cuối sông” của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Hoài Vũ, trong đó có hai câu:
  Anh ở đầu sông em cuối sông
   Uống chung dòng nước Vàm
Thương nhau đã chín ba mùa lúa
Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!
Không biết khi sáng tác các tác giả có tham khảo thành ngữ hoặc tứ thơ trên không hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
…………………


     (còn nữa)
                                                                    TS.Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ VÀ ĐIỂN CỐ (2) - TS.Nguyễn Ngọc Kiên