Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 1, 2016

CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

       
            Tác giả Thủy Điền



CON GÁI MIỀN TÂY

Con gái miền tây dáng gầy gầy
Áo hoa, tóc búi ngắm hay hay
Miệng cười, má lúm trong hiền lắm
Bao chàng mỏi mắt, ngất ngây say

Con gái miền tây đẹp lắm nầy
Ngọt ngào, tha thiết tỏ hương bay
Dịu dàng nhân hậu từ bao thuở
Nề nếp từ trong lẫn đến ngoài

Con gái miền tây vui, đắm say
Hát, ca tài tử suốt đêm ngày
Thiên nhiên, sông nước, vườn thơ mộng
Gợi tình câu hát vọng bên tai.

                                         Thủy Điền
                                         01-09-2016


LẠC VÀO CÕI MỘNG

Thấy không anh bên căn nhà nhỏ
Xuyên qua khung có dáng mập mờ
Có cô nàng đang khoát áo tơ                      
Màu hồng thắm phất phơ theo gió

Anh đâu phải là loài cây, cỏ
Hay ăn mày thằng nhỏ dìu tay
Mà không nhìn, không biết, không hay
Màu hồng đỏ dịu dàng trước mắt

Sao không đến?  Nến vừa lịm tắt
Đang có người giá lạnh cô đơn
Cần bàn tay sưởi ấm tâm hồn
Là diễm phúc một đêm trăn trở

Anh sẽ đến chia từng hơi thở
Thật nồng nàn, đầm ấm dịu êm
Hãy lim dim, nhắm mắt tại thiền
Trong bổng chốc lạc vào cõi mộng.

                                  Thủy Điền
                                  01-9-2016

TẮM TRĂNG

Tắm trăng thì tắm ngày rằm
Để trăng xối trọn hạt vàng thân em
Tắm trăng hãy tắm giữa đêm
Trời yên, đất lặng im lìm lả lơi
Tắm trăng chớ tắm mồng mười
Nửa vàng, nửa bạc người cười nhà quê
Tắm trăng thân khỏa, tóc thề
Cho trăng tỏ mật mân mê sợi tình
Tắm trăng nhớ tắm một mình
Tiên năm, tiên bảy trăng nhìn khen, chê
Tắm trăng, trăng tắm đôi kề
Hồn trao, mộng gởi, đường về vội quên.

                                            Thủy Điền
                                           01-09-2016

READ MORE - CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

MÙA SIM CHÍN / hồi ức của Trường Hải Lê Văn Đông





MÙA SIM CHÍN
                        
(Kí ức làng)


          Mùa hè đến lại nhớ mùa sim chín, nhớ những đồi sim quê nhà. Nhớ nhất cái thời tuổi thơ đầu đội trời, chân trần đạp đất, tung tăng khắp núi đồi, gò bãi quê hương. Nhớ hình ảnh những bạn bè cùng trang lứa đi đâu, làm gì cũng có nhau như hình với bóng. Cái tuổi lên mười ấy dẫu cách đây hơn nửa thế kỉ ai mà quên được. Kí ức tuổi thơ thì nhiều lắm, tôi muốn kể lại mùa hè, tuổi thơ và những trưa hè lên đồi hái sim xa xăm ấy. Thành thường lệ, sau bữa ăn trưa xong, khi người lớn tìm chỗ nghỉ lưng để chiều còn ra đồng, làm bãi, lũ trẻ chúng tôi huýt sáo miệng ra kí hiệu, rồi rủ nhau đi hái sim ăn. Nắng hè chang chang, những đầu tóc cháy khét vàng hoe thấp thoáng trên đồi, mùi mồ hôi châu chấu trẻ trâu đứa nào cũng thế . Lũ trẻ lấy dây buộc tay áo lại làm túi đựng sim. Trong làng có một số bạn lớn hơn vài ba tuổi , lống người hơn, tinh khôn hơn thường bày ra những trò chơi bắt bọn đàn em phải thuần phục. Trong số “ đại ca ” tôi còn nhớ có Ngại, Thi, Mậu là nổi nhất. Trên đỉnh Rú Ná có một hòn đá màu đỏ sẫm to bằng cái bàn, nửa chìm, nửa nổi. Xung quanh hòn đá ấy có dăm hòn đá bằng cái ghế, quả bầu nằm lăn lóc. Ngại bảo với chúng tôi : “ Đây là Hòn đá đẻ, thiêng lắm, cai quản Rú Ná này, nếu ai hái sim mà không cúng những quả sim béo nhất, chín nhất thì sẽ bị dẫm gai hoặc đau bụng…” . Lũ trẻ chúng tôi tin răm rắp. Ngại, Thi lười đi hái sim, tìm bụi cây lớn, rậm rạp bóng mát gần hòn đá đẻ đợi chúng tôi tỏa đi khắp đồi hái sim về tiến cúng . Mặt bàn đá sắp đầy sim béo, ngon lành. Sau một lúc chúng tôi quay lại chẳng còn quả sim nào. Ngại bảo : “ Đá đẻ ăn hết rồi, khen sim ngọt lắm.” Chúng tôi mừng và tin như thế. Chúng tôi ngây thơ nào có biết đâu Ngại, Thi đã đánh chén những quả sim tế thần ấy. Sau mỗi buổi trưa hái sim về, đánh một bụng no kè, cả đoàn nhảy ùm xuống sông Giăng tắm mát, bơi lội vẫy vùng thỏa thuê.
         Mấy mùa sim sau ít dần lũ trẻ cũ hái sim vì chúng đã lớn, đi lính, đi công nhân, đi học nghề… Một lớp trẻ mới lại thay chúng tôi lên đời hái sim và tiến cúng sim cho Hòn đá đẻ như một sự kế thừa tự nhiên.
         Thi đi lính và mãi mãi nằm lại chiến trường giữa tuổi hai mươi. Mỗi mùa sim chín, nhớ về đồi quê, nhớ Hòn đá đẻ lại nhớ Thi đến nao lòng. Thi ơi, về kịp mà ăn sim quê mình, kẻo sau mùa Ngâu người ta nói rằng sim bị Ngâu vọc, không ăn được nữa đâu. Thi nằm lại ở chiến trường xa, nơi đó cũng có đồi si, có sim chín, nhưng không ngọt bằng sim Rú Ná, Cồn Vệ của quê mình đâu Thi ạ. Mỗi hè về Thi nhớ rủ các bạn quê mình đã hi sinh về trước mùa Ngâu để ăn sim, để thăm đồi quê, thăm Hòn đá đẻ vẫn còn đấy. Tất cả đang đợi Thi và các bạn cũ về đong đầy thương nhớ.

   Đỉnh Sơn, 17 / 8/ 2016
   (Rằm tháng Bảy Bính Thân )
   Trường Hải Lê Văn Đông        


READ MORE - MÙA SIM CHÍN / hồi ức của Trường Hải Lê Văn Đông

XIN MỘT LẦN GỞI LẠI CHÚT HÀM ƠN / thơ Phan Minh Châu


Tác giả Phan Minh Châu


XIN MỘT LẦN 
GỞI LẠI CHÚT HÀM ƠN

Đã bớt bịnh nghĩa là ta khỏi bịnh
Nhưng thuốc men vẫn phải uống mỗi ngày
Vẫn đúng hẹn khi đến ngày tái khám
Phải chấp hành nghiêm chỉnh thức ăn kiêng
Ôi bịnh tật đến giờ ta mới biết
Hơn sáu mươi năm ta nhập viện ba lần
Bịnh không nặng có điều là không nhẹ
Đã hai lần ta thở chẳng nên thân
Ôi lá phổi hay trái tim cuồng loạn
Khi ta đau ta chẳng biết bên nào
Suốt một tháng chập chờn trong bệnh viện
Cứ nghĩ rằng sắp tới chắc ta tiêu
Nhưng trời vẫn còn thương thằng bịnh hoạn
Kiếp tha phương đi mót gạo quê người
Sáu năm lẽ phải rồi nơi đất khách
Cả đúm đàn thử được mấy ngày vui
Chưa kịp hiểu cái ân đền nghĩa trả
Mà cơn đau quật túi bụi mặt mày
Ta thiêm thiếp tưởng chừng như mê loạn
Vợ con chờ nâng ngọn bấc lên tay
Nay thở lại chút làn hơi phố biển
Ta cảm ơn xin cứ cảm ơn người
Những ai đã cho ta về cõi sống
Xin một lần gởi lại chút hàm ơn.

PHAN MINH CHÂU


READ MORE - XIN MỘT LẦN GỞI LẠI CHÚT HÀM ƠN / thơ Phan Minh Châu

NHƯ ĐỜI LẺ BÓNG / thơ Trúc Thanh Tâm

Tác giả Trúc Thanh Tâm
NHƯ ĐỜI LẺ BÓNG

Ngày xuống, nắng trườn qua kẽ lá
Gió đi bộ mỏi gót chân son
Ta nghe giờ giấc đang di động
Chim nhắc giùm ta một khúc buồn !

Ta đứng bên bờ con sông lở
Nhà em ngó mặt phía bãi bồi
Vậy mà, ta vẫn chưa qua được
Dõi mắt hoài đám lục bình trôi !

Bữa đám giỗ sang nhà thằng bạn
Ta giật mình, em cũng đến đây
Áo tím bà ba, bờ tóc mượt
Cuốn hồn ta, gói hết tình si !

Hơn bảy năm rồi ta lưu lạc
Chưa lần thăm lại một góc quê
Nhớ doi, nhớ vịnh mùa nước rút
Nhớ tiếng ve ngân phượng đỏ hè !

Năm ngoái, ta về thăm quê ngoại
Buồn xưa chưa tắt tới buồn nay
Cậu nói, con nhỏ gì bên ấy
Tết về chơi, gởi cháu món nầy !

Quỳnh ngát hương thơm, trời trở gió
Bên hè dế gáy điệu nam ai
Tiếng vạc như đời em lẻ bóng
Xin ngậm ngùi cho mối tình phai !

Nếm trải giang hồ dừng chân lại
Ta cắm sào sâu để biết quên
Những chuyến phà xưa đâu còn nữa
Cầu ngang rồi, bên ấy không em !

Tình hỡi, một đời ta xin lỗi
Riêng với ta, em vẫn là trăng
Xin cảm ơn tình yêu giú ép
Chín mà chua nhớ đến kẽ răng ! 

TRÚC THANH TÂM

(Châu Đốc)  
READ MORE - NHƯ ĐỜI LẺ BÓNG / thơ Trúc Thanh Tâm

BAN-MÊ NGÀY VỀ / thơ Huy Uyên





BAN-MÊ NGÀY VỀ

Phía con đường 14 em qua
Nắng lung linh trên hàng phượng đỏ
Ban-Mê chiều hè
Em treo tình lên cây mà nhớ.

Những ngôi nhà trên đồi tít tắp
Pha sương chiều tím loảng hương lam
Ban-Mê xanh hồ Lak
Thuyền trôi mang theo dặm ai buồn.

Ngày em bỏ phố xa người
Con suối đầu nhà nhớ em biết mấy
Gọi em về Dray Sap, Dray Nur
Bạc trắng ngang trời dòng đổ.

Tình người trôi theo Serepok
Con gái con trai mùa hội Buôn Đôn
Rộn ràng cồng chiêng nhảy múa
Má môi em xinh chén rượu cần.

Hai mắt em bi ve
Lễ nguyện Thánh-Tâm
Em quỳ khấn hai mình thành chồng vợ
Trên sông em tắm trần mát Ea Knin
Thương ai mà em xanh màu mắt.

Về Ako Dhong gọi tình buôn lũng
Điệu khèn khuya đỏ đất ba-zan
Chư Yang Sin vườn người cao rộng
Tim người reo vang
hát khúc đại ngàn .

Ngày em về rừng núi Yok Don
Thăm bà con Êđê, Lào,Thái
Ngợp lòng theo từng nhịp T'rưng
Phố rừng dậy để ai mãi nhớ.

Đồi cà-phê xanh màu hoa trắng
Xao xuyến ai ngát một mùi hương
Trong vườn xưa bướm ong vây lượn
Đẹp lắm đất trời một dảy cao-nguyên.

Bên em quán coffee "Lộng Gió"
Ấm tình ai ngày tháng cùng hồ
Bóng người đổ dài từng con đường nhỏ
Mai xa rồi tay vẩy Ban-Mê.

Huy Uyên
(9-2016)


READ MORE - BAN-MÊ NGÀY VỀ / thơ Huy Uyên

MÙA HẠ TRONG TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” CỦA PHAN PHỤNG THẠCH - Nguyễn Thị Quỳnh Thư và Quỳnh Như


 
              


Năm học 2015-2016,  "Phần thưởng Phan Phụng Thạch " lần thứ 1 được phát cho các học sinh Giỏi Văn đạt giải Tỉnh, trường tại PTTHTXQT vào  ngày bế giảng năm học. Tổ Văn của trường đã tổ chức gặp mặt thầy cô giáo hai thế hệ, mạn đàm về thơ của cố thầy giáo Phan Phụng Thạch, nguyên dạy tại trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Thơ thầy Phan Phụng Thach gồm 2 phần : -Lưu bút mùa hạ va Di cảo (thơ tình của tuổi 30).
Sau đây xin phép các cô thầy giáo trong Tổ Văn trường THPT. THỊ XÃ  QUẢNG TRỊ gởi đến VNQT  những cảm nhận về thơ Phan Phụng Thạch, đầu tiên là bài của Nguyễn Thị Quỳnh Thư và Quỳnh Như.
                                                                        TM Nhóm
                                                                     Đỗ Tư Nhơn

                       









                                                             Hai cô giáo Quỳnh Thư (trái)  và Quỳnh Như (phải)


MÙA HẠ TRONG TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” CỦA PHAN PHỤNG THẠCH

Tập thơ gồm mười bài thì đến bảy bài có nhan đề trực tiếp nhắc đến mùa hạ, ví dụ như Tháng hạ, Lưu bút mùa hạ, Sân trường nắng hạ, Trong nắng hạ buồn, Nắng hạ tình phai…. Có thể thấy mùa hạ là hình tượng thời gian nổi bật và xuyên suốt của cả tập thơ. Hình tượng này gắn liền với ba mạch cảm xúc chính, đó là tình thầy trò, tình yêu quê hương, và nỗi buồn chiến tranh.
• Mùa hạ với tình thầy trò
Đối với tuổi học trò, mùa hạ là thời gian có ý nghĩa đặc biệt nhất. Nó càng đặc biệt hơn với những học sinh sắp phải xa trường. Nhưng khi đọc “Lưu bút mùa hạ” của nhà thơ, thầy giáo Phan Phụng Thạch, tôi mới biết hai điều. Thứ nhất, lưu bút không chỉ là độc quyền của lũ học trò nghịch ngợm, ngây thơ và trong trắng, mà người thầy cũng có những trang lưu bút tràn ngập nỗi thương nhớ bâng khuâng; thứ hai, mùa hạ không chỉ dành riêng để bọn học trò chia li, mà với thầy cô nó cũng đong đầy những cảm xúc thiêng liêng cao cả, tình cảm thầy trò.
Trong thơ Phan Phụng Thạch, mùa hạ đến làm tình cảm thầy trò òa vỡ:

Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương
Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
Mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương
                              (Lưu bút mùa hạ)

Lũ học sinh khi ra trường, ngoài tình cảm dành cho thầy cô thì còn phải kể đến bạn bè, trường lớp, góc sân ghế đá. Còn người thầy dường như chỉ có mối tình duy nhất là các học trò thân yêu. Tình cảm ấy tuôn chảy dưới ngòi bút thơ Phan Phụng Thạch sao mà sâu, mà nặng, khiến nao lòng người. Càng nao lòng hơn đó là tấm lòng của một người thầy còn đang rất trẻ, chưa đầy ba mươi. Ở độ tuổi ấy, “mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương”, người thầy giáo bộc lộ một trái tim nhạy cảm, sâu sắc và rất đỗi nồng nàn. “Muôn ngàn cách biệt” mà thầy cảm thấy hóa ra không còn khoảng cách nào nữa cả, chỉ còn lại tình thầy trò thắm thiết trong mối tương giao.
Trước giờ chia tay, người thầy mở lòng ra như biển, mong ôm ấp được hết đàn em:

Nếu ngày mai thầy trò người mỗi ngả,
Ta chia lòng theo muôn hướng xa xăm

Và:

Ôi ta muốn cúi hôn từng mái tóc
Gởi tấm lòng cho lớp trẻ thơ ngây
(Nắng hạ tình phai)

Vậy đó, người thầy đâu chỉ muốn trao kiến thức cho học sinh mà còn muốn trao tất cả trái tim cho chúng nữa. Tình thầy trong thơ Phan Phụng Thạch sao mà trong sáng, rộng mở đến vậy, thiết tha và cao cả đến vậy.
Trong “Năm tháng mù sương”, tấm lòng ấy càng trở nên mênh mông và đầy trắc ẩn. Thầy thương các em sẽ nhận những đau thương của cuộc đời, điều các em không tránh khỏi, điều mà thầy đã trải qua:

Rồi các em mỗi người đi mỗi ngả
Mang vào đời thêm nhiều nỗi cô đơn

Một lần nữa, mùa hạ lại hiện ra: “Thầy đứng đó từ đầu thu - cuối hạ”, để mà: “Thương các em chưa đầy lông, đầy cánh, Bay vào đời trong năm tháng mù sương”. Mùa hạ giờ không còn tượng trưng cho nỗi chia li nữa, mà tượng trưng cho tình thầy đi cùng năm tháng.
Yêu thương là vậy, đôi khi lòng thầy muốn hỏi, liệu đàn em có chút gì thương nhớ tuổi học trò không. Câu hỏi đó vang lên trong “Lời giã từ cuối năm”: “Lòng các em có chút gì lưu luyến?”, và lặp đi lặp lại trong bài “Tháng hạ” một cách khắc khoải, da diết:

Khi trở lại với nỗi buồn tháng hạ
Lối xưa giờ hoa phượng nở rưng rưng
Tình nghĩa đó đã vàng phai như lá
Các em còn lưu luyến chút gì không

Các em còn thương về ngôi trường cũ
Vườn thiên đàng của tuổi nhỏ vàng son
Thầy đứng đó như một loài cổ thụ
Chút bóng hiền che chở lũ cây con

Liệu bầy chim “Sau cơn bão hạ” có hiểu được niềm vui của thầy khi các em trở lại học đường:

Như một đàn chim sau cơn bão hạ
Các em trở về giữa nắng thu xưa
Sân trường cũ áo dài ai trắng quá
Cỏ cũng mềm lòng theo bước chân đưa

Để rồi một hôm kia bầy chim tung cánh, để lại lòng thầy niềm thương nhớ khôn nguôi:

Ta về đứng giữa trường xưa
Các em yêu dấu cũng vừa ra đi
Còn trong nắng hạ những gì
Hỡi các em – loài chim di đầu mùa
Ta về hồn bỗng già nua
Tìm trên sân cũ tuổi thơ ngọc ngà
Các em giờ đã phương xa
Mơ hồ trong nắng những tà áo bay
 (Trong nắng hạ buồn)

Nhưng không ở đâu, tình cảm thầy trò lại được thể hiện một cách đậm sâu và dào dạt như trong bài “Sân trường nắng hạ”

Ôi ở đâu mùa thu sao bây giờ tháng hạ
Sao bây giờ hoa phượng đỏ còn rơi
Và sao hồn mênh mông mênh mông biển cả
Những vui buồn ngày tháng cũ đang trôi

Ta trở về giữa sân trường vắng lặng
Hồn bơ vơ và chân lạc trong đời
Mới hôm nào các em đùa trong nắng
Sao bây giờ tất cả quá xa xôi

Lòng ta đó như trời thương biển nhớ
Yêu vô cùngnhững dáng bước chân chim
Những thiên thần, những thiên thần tuổi nhỏ
Là các em, là các em, các em, các em

Với tình cảm của người thầy, mùa hạ trong thơ Phan Phụng Thạch được khắc họa một cách trong sáng như tuổi học trò. Mùa hạ ấy gắn với tà áo trắng, với bước chân nhỏ, với cánh phượng đỏ tươi…Tất cả đều thấm đẫm tình thầy mãnh liệt, thiêng liêng, nồng nàn và miên viễn.
•  Mùa hạ với tình quê hương
Bên cạnh tình cảm thầy trò, tình quê hương cũng là một cảm hứng khá rõ nét trong những trang thơ mùa hạ :

Ta đâu ngờ thời gian trôi mau quá
Nên ngỡ ngàng khi nghe tiếng ve ca

Hỡi các em, buổi học chiều êm ả
Có bâng khuâng tưởng nhớ một quê nhà
(Nắng hạ tình phai)

Tại sao đang được sống và học hành trên đất quê hương mà thầy lại nhắc học sinh nhớ đến quê ? Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài « Xóm Ngự Viên » đã mơ màng viết : « Hôm nay có một người du khách - Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên », đó là bởi vì Ngự Viên xưa đã mất, chỉ còn lại một cái tên. Còn Phan Phụng Thạch lại muốn nhắn nhủ lớp học sinh về tình yêu quê hương, rằng thứ tình cảm ấy phải chảy trong huyết mạch các em, bất cứ khi nào. Có lẽ vì là một người thầy, thầy biết, « Quê hương nếu ai không nhớ, Sẽ không lớn nổi thành người » (thơ Đỗ Trung Quân).
Hai chữ quê hương cứ lặp đi lặp lai trong tập lưu bút bằng thơ như một giai điệu hiền hòa, ngọt ngào và êm dịu:

Từ hôm đó bay đi muôn vạn ngả
Trời quê hương có mỏi cánh ngàn chim

Và :

Những tin yêu thầy gieo giờ đã mọc
Hay cũng tàn theo khói lửa quê hương?
(Tháng hạ)

Hay là :

Ơi những nấm mồ hương tàn vắng lạnh
Có điều gì muốn nhắn với quê hương ?
(Con đường áo lụa)

Thầy yêu quê, dạy học sinh yêu quê và gửi gắm cho đàn em hoài bão dựng xây, vì tình yêu cần thể hiện bằng hành động:

Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
Vun xới tình yêu trên đất của lòng
Cây sẽ xanh và đâm chồi hi vọng
Các em cùng ta làm lớn quê hương
(Sau cơn bão hạ)

Còn gì đẹp hơn hình ảnh người thầy truyền trao kiến thức, tình yêu và nhiệt huyết của mình cho lớp trẻ để cùng nhau xây dựng quê hương đẹp giàu. « Sau cơn bão hạ » có một mùa hạ không đỏ tươi màu chia li mà xanh ngời niềm tin, ước mơ và hi vọng. Mùa hạ ấy còn rực sáng tình yêu quê hương đất nước, như Ilia Ê ren bua, nhà văn Xô viết đã từng nói : « Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vôn ga, con sông Vôn ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. »
• Mùa hạ với nỗi buồn chiến tranh
Tuổi trẻ của nhà thơ Phan Phụng Thạch trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất và ở nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Từ đó, nỗi buồn chiến tranh đi vào thơ người thầy giáo trẻ như một ám ảnh không nguôi. Ám ảnh ấy hòa quyện và song hành cùng tình yêu quê hương và tình thầy trò. Những trang lưu bút mùa hạ cháy bỏng nỗi niềm trăn trở ưu tư về sự mất mát:

Rồi một mai khi mùa thu trở lại
Các em còn về với tuổi thơ hồng
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông
(Lưu bút mùa hạ)

Mùa hạ mang các em đi, có thể rời xa mãi tuổi học trò, có thể rời xa mãi thời trong sáng nhất, và cũng có thể rời xa mãi sự sống, vì chiến tranh còn đó. Sau cuộc chiến này, ai còn, ai mất:

Một ngày kia quê hương ngừng tiếng súng
Còn em nào trở lại tự muôn phương
Hay tất cả sẽ cùng nhau nằm xuống
(Năm tháng mù sương)

Để rồi:

Thầy đứng đó nghe tâm hồn biển động
Những buồn thương như sóng cả mênh mông
                                 (Năm tháng mù sương)

Đó là nỗi buồn thương cho lớp trẻ thơ ngây, nỗi buồn thương cho quê hương bị tàn phá, và nỗi buồn thương cho thân phận mỏng manh của con người trong chiến tranh:

Ôi những nấm mồ hương tàn vắng lạnh
Có lời gì muốn nhắn với quê hương?
(Con đường áo lụa)

Cũng trong “Con đường áo lụa”, mùa hạ dường như tan tác theo chiến tranh tàn khốc:

Từ bên ni nhìn qua Thành Nội
Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu
Làm sao quên những ngày qua bóng tối
Cả kinh thành ngùn ngụt khói âm u

Chiến tranh đã biến những ngày hè rực nắng trên quê hương thành những ngày âm u, những ngày bóng tối. Nhưng đó chưa phải là bi kịch duy nhất và lớn nhất của chiến tranh. Hủy diệt phần vật chất, phần thể xác không đáng sợ bằng hủy diệt đi tinh thần trong những thế hệ còn son trẻ. Và đó chính là điều mà người thầy Phan Phụng Thạch đã đau đớn dự cảm trong « Tháng hạ »:

Những tin yêu thầy gieo giờ đã mọc
Hay cũng tàn theo khói lửa quê hương ?

Có thể nói rằng, không ở đâu như trong bài thơ «  Tháng hạ », ba mạch cảm xúc chính : tình thầy trò, tình quê hương và nỗi buồn chiến tranh lại gặp gỡ, đồng hiện và hòa quyên với nhau một cách chặt chẽ đến vậy.Ở đây ta bắt gặp một người thầy đầy tình thương và trách nhiệm, một người thầy se sắt yêu quê và một người thầy trĩu nặng tâm tư của thời đại chinh chiến. « Tháng hạ » nói riêng và tập thơ nói chung là những trang tình lưu bút cần được cho học sinh hôm qua, hôm nay và mai sau đọc. Đọc để hiểu thêm tấm lòng người thầy, để thêm xót thương quê hương và để biết thêm được lịch sử đau thương của xứ sở. Nơi ấy những thế hệ cha anh trong đó có thầy Phan Phụng Thạch đã nằm xuống ở tuổi đời xuân sắc nhất. Rồi từ đó, ngoài kiến thức, các em sẽ được gieo những mầm xanh của ước mơ, tình yêu, tuổi xuân và hi vọng như thầy giáo nhà thơ Phan Phụng Thạch ước mong.
Thơ Phan Phụng Thạch không cầu kì, làm dáng. Thầy viết tự nhiên như hơi thở, cảm xúc chân thành và dung dị. Hầu hết đều được viết với thể thơ tự do. Đâu đó có những cấu trúc lặp từ, lặp khổ để nhấn mạnh cảm xúc, nổi bật qua các bài Tháng hạ, Sân trường nắng hạ. Hình tượng mùa hạ  quán xuyến suốt tập thơ. Mùa hạ là một hình tượng thời gian, nhưng đôi lúc lại được nâng lên thành khái niệm không gian như trong bài Tháng hạ. Xây dựng hình tượng mùa hạ, nhà thơ đã sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ như nắng, tiếng ve, hoa phượng…Từ đó, thơ của tác giả cũng trong sáng như tuổi học trò.
Mùa hạ, mùa chia li của thầy và trò. « Lưu bút mùa hạ » một lần nữa lại được giở ra. Ta bắt gặp ở đó một mùa hạ đầy ắp tình thương, tình người. Đó là tình thầy trò, tình quê hương và nỗi buồn chiến tranh. Chính vì vậy, dẫu chỉ là những trang tình lưu bút được viết qua mười bài thơ, nhưng tập thơ nhỏ của nhà thơ - thầy giáo Phan Phụng Thạch lại chứa  đựng những tình cảm và giá trị nhân văn lớn lao, cao cả, không chỉ có ý nghĩa lịch sử và thời đại mà còn lâu dài , trường cửu.

                                   Nguyễn Thị Quỳnh Thư - Quỳnh Như

READ MORE - MÙA HẠ TRONG TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” CỦA PHAN PHỤNG THẠCH - Nguyễn Thị Quỳnh Thư và Quỳnh Như