TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Thursday, February 6, 2025
KHÁM PHÁ “VƯỜN THƠ” 5 CHỮ, THƯƠNG ĐỜI CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ
KHÁM PHÁ “VƯỜN THƠ”
5 CHỮ, THƯƠNG ĐỜI
CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ
Hoàng Thị Bích Hà
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ gửi cho tôi bản
thảo Tập thơ 5 chữ, thương đời, dự định xuất bản trong quý IV năm 2024. Đây là
tập thơ tác giả tuyển chọn công phu, gạn lọc từ tất cả những bài thơ 5 chữ trong
suốt một quãng thời gian làm thơ trên sáu mươi năm của Tần Hoài Dạ Vũ (THDV). Đó
là những bài thơ được sáng tác từ những năm thuộc thập niên 1960 của thế kỷ 20
cho đến nay. Tập thơ gồm có 102 bài ở thể loại thơ năm chữ.
Tần Hoài Dạ Vũ làm thơ khi
còn ở tuổi học sinh Trung học Đệ Nhất cấp (cấp 2), đến khi học lớp Đệ Tam (Lớp
10) trường Quốc Học Huế thi nhân trẻ tuổi này đã có thơ đăng báo. Đặc biệt là
các báo, tạp chí nổi tiếng của văn học miền Nam thời bấy giờ như Tạp chí Bách
Khoa, Tạp chí Thời Nay, Tạp chí Phổ Thông, Tạp chí Tân Phong, Tuần báo Ngàn
Khơi, Tiểu thuyết tuần san…vào những năm 1963; 1964, 1965 … Sau này thì có Tạp
chí Kiến thức Ngày nay, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Non Nước … và nhiều tờ báo
khác, nhất là ở quê hương ông, như báo
Quảng Nam, báo Đà Nẵng…
Tập thơ 5 chữ, thương đời được trình
bày thành ba phần theo các chủ đề: Thanh xuân lưu lạc, Lỡ bến thương đời, Đợi
mùa xuân chúc phúc.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ sinh ra ở Giao
Thủy, Đại Lộc, Quảng Nam, lớn lên ở Hội An, đến năm 16 tuổi ông ra Huế học tại trường
Quốc Học. Rồi ông học tiếp Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế. Sau khi ra
trường, ông được bổ nhiệm công tác ở trường Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ),
rồi chuyển về làm Giám học ở Trường Trung học Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) và
hai ngôi trường nổi tiếng của của Cố đô Huế là trường Trung học Nữ Thành Nội và
Trường Quốc Học. Ngày 1.4.1975, ông về Trường Quốc Học Huế với vai trò Trưởng
ban Điều hành (hiện nay, tại Phòng Truyền thống của Trường ghi nhận là Hiệu
trưởng đời thứ 34 của Trường Quốc Học) là hiệu trưởng trẻ nhất trong lịch sử của
trường khi ông bước vào tuổi 30. Thời gian ông công tác ở Trường Quảng Điền (Thừa
Thiên Huế) với vai trò Giám học (như Hiệu phó phụ trách chuyên môn ngày nay).
Chính vì thế hai nơi ông từng gắn bó như máu thịt là quê hương Quảng Nam của ông
và cố đô Huế đều lưu lại dấu ấn đậm nét trong những sáng tác của ông.
Cậu học trò 16 tuổi rời quê ra xứ
Kinh Kỳ trọ học với những tâm sự riêng mang:
hoàn cảnh xa nhà, trọ học, thiếu thốn, vất vả, mà thời gian thì vẫn cứ
vô tình trôi nhanh với bao nỗi nhọc nhằn của một cậu “học trò xứ Quảng” phải tự
nuôi thân để ăn học.
“Có một người nhớ quê
Tìm ngày xuân trong sách
Tâm sự như áo rách
Không che được gió về…
Trái tim lấm bụi đường
Giũ hoài còn yêu ghét
Trang sách lật chưa hết
Mùa xuân đã xuống dòng”.
Năm 1963, THDV đang học lớp Đệ Tam
Quốc Học Huế (lớp 10 ngày nay) đã có bài thơ đăng báo. Khi ký xác nhận tiền
nhuận bút từ Tạp chí Bách Khoa nổi tiếng gửi cho ông, thầy Giám học Trường Quốc
Học đã không khỏi ngạc nhiên hỏi lại:
“Con có thơ đăng trên Tạp chí Bách Khoa à”? Khi biết được rồi, thầy càng thương
quý THDV hơn.
Dù còn rất trẻ nhưng ông đã có
những câu thơ rất biểu cảm, đầy chất thơ và cũng rất ấn tượng: “Xuân về qua
trước ngõ/ Kinh Kỳ còn rưng mưa/ Mình còn đi góp lá/ Sưởi chuyện tình ngày xưa”
(Bài thơ đầu tiên được đăng trên Tạp chí Thời Nay, năm 1963)
Tuổi thanh xuân, Tần Hoài Dạ Vũ có
những bài thơ tình buồn thật hay nói về đổ vỡ ly tan của tình yêu đầu đời:
“Xuân chết từ hôm qua
Thời gian vừa khâm liệm
Lễ đăng quang mùa hè
Treo toàn đèn hoài niệm
Giờ xe sơn màu khác
Lòng em đổi thay rồi
Mùa cúi đầu ngơ ngác
Tình yêu là mây trôi”
(Bài ca mùa
hè)
Trong cuộc đời của mỗi con người,
ai không từng đi qua giông bão với những thăng trầm dâu bể, THDV có những câu
thơ ví von biểu cảm và tính triết luận nhẹ nhàng: “Ai chắc mình không lưu lạc/
Trong cuộc đời muôn phương” (Người khách); “Đời bỏ ta ngoài cửa/ Mộng cũng chừa
ta sao?” (Mùa xuân không mộng)
Hình ảnh quê hương: mái đình, mùa
thương khó,… nỗi niềm tâm sự về người thân, bạn bè,…là những thi liệu làm nên
tứ thơ da diết nặng tình quê. Ý và lời thơ THDV dung dị, chân thành lay động.
“Bao nhiêu năm vẫn nhớ
Mái đình nghiêng trong
sương
Qua bao mùa thương khó
Lòng quê đau dặm trường”
(Nhớ mùa
xuân tuổi thơ)
THDV cũng dành những câu thơ rất giàu cảm xúc
trữ tình khi viết về mẹ và những kỷ niệm thời thơ ấu: “Có yếm mẹ bên thềm/ Lửa
hồng nồi bánh tét/ Có tiếng gà sang đêm/ Giọng chùng hơi giá rét” (Nhớ mùa xuân
tuổi thơ).
Nhìn chung, những bài thơ 5 chữ của THDV dù
viết về gia đình, tình yêu, quê hương hay những vùng đất có nhiều gắn bó với
ông đều thể hiện chiều sâu cảm xúc và ý nghĩa triết luận nhẹ nhàng. Thi nhân cũng
day dứt trăn trở trước những đổi thay của thế thái nhân tình song cũng nặng ân
tình và sâu lắng xiết bao.
Tập thơ 102 bài thơ 5 chữ bộc lộ
thi ý ngọt ngào và lãng mạn lại rất dụng công khi chắt lọc cảm xúc. Tập thơ đặc
biệt chỉ một thể loại thơ này đã chuyển tải một cách đầy đặn về nội dung và ý
nghĩa, lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí và tình cảm bạn đọc.
Nói về thơ Tần Hoài Dạ Vũ chỉ một
vài nét chấm phá thế thôi chứ bút danh Tần Hoài Dạ Vũ có lẽ đã quen thuộc với
bạn đọc yêu thơ trong hơn nửa thế kỷ qua. .
Tôi đọc thơ ông khi còn là một bạn
đọc thiếu nhi. Lúc đó, tôi chưa hiểu gì nhiều về giá trị nội dung lẫn nghệ
thuật trong thơ ông, tôi chỉ cảm thấy hay thì đọc vậy thôi. Sau này, có mạng
internet, tôi có dịp kết nối với ông trên facebook. Là một công chúng văn học
đọc để thưởng thức văn chương, tôi còn có sở thích nghiên cứu để có thể nhận
định về tác giả, tác phẩm. Mấy năm sau, khi tôi có tác phẩm thơ xuất bản ông
mới liên hệ đặt mua qua bưu điện và đó là lần đầu tiên tôi tương tác với thi
nhân trên mạng.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ
là nhà giáo, nhà báo, nhà văn hóa,… Công việc đầu tiên mà ông chọn là nhà giáo.
Sau này có những bước ngoặt mới, do những biến cố theo hoàn cảnh riêng và đổi
thay của thời cuộc, ông lại trở thành nhà văn hóa. Mười mấy năm gắn bó với Huế,
sâu nặng nghĩa tình, lưu lại dấu ấn đậm nét qua những bài thơ cho Huế của ông.
Tháng 8 năm 1978, ông ngậm ngùi
rời Huế, trở về quê nhà làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng (thời
gian 10 năm) và ông lại trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Thành quả để
lại là bộ sách nghiên cứu về văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, là một nguồn
tư liệu quý giúp cho bạn đọc, và các nhà nghiên cứu hiểu rõ về văn hóa một vùng
đất nổi tiếng trong lịch sử, có thể lưu lại cho đời sau những tinh túy của tiền
nhân bao thế hệ. Rồi dòng đời lại đưa ông đến với Sài Gòn (TP HCM ngày nay) với
công việc Thư ký tòa soạn của báo Thanh Niên, ông lại trở thành một nhà báo
chính hiệu (tháng 9/1988 đến 1993). Do có kiến thức xã hội và bề dày hoạt động
văn hóa văn nghệ, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng lại mời ông về làm việc và giữ vai
trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội (năm 2012 đến tháng 8. 2017).
Như vậy ông là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ và cũng là nhà nghiên cứu văn hóa. Ông
làm thơ, viết văn, trong đó truyện ngắn ông cũng từng thử sức qua từ hồi còn
học sinh, sinh viên và cũng được xuất hiện trên mặt báo. Ông kể, hồi đó (những
năm của thập niên 60) tiền nhuận bút 300 đồng/ một truyện ngắn. Ông nhận được
300 đồng trong lúc tiền cơm tháng là 400 đ/ tháng. Vậy rõ ràng là nhuận bút
thời ấy cũng khá cao. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy thế mạnh của ông là thơ. Nên
ông trung thành với thơ từ lúc học cấp hai chỉ là cậu bé mười lăm tuổi, cho đến
bây giờ ở độ tuổi “cổ lai hy” ông vẫn
minh mẫn, tinh thần vẫn lạc quan yêu đời, bút lực sung mãn, vẫn sáng tác đều
đặn và tình yêu dành cho thơ chưa vơi cạn ở hồn thơ này.
Một ngày cuối tháng 9 vừa rồi,
(29.9.2024) tôi có dịp diện kiến với ông ngoài đời trong dịp Tạp chí Quán Văn
số 107 giới thiệu về chân dung văn học Tần Hoài Dạ Vũ. Bạn hữu văn chương đến
chúc mừng ông rất đông, khán phòng đầy người, đặc biệt có những anh chị học trò
cũ của ông thời phổ thông tại Huế cũng vào chúc mừng nhà thơ người thầy của
mình, thật quý! Ông là người sống tình nghĩa với thầy cô và bạn bè, đối với
thầy giáo cũ đã mất, thầy Văn Đình Hy gia cảnh đơn chiếc, ông đã cùng một số ít
bạn bè đứng ra quyên góp xây lại ngôi mộ khang trang ấm cúng cho thầy. Với bằng
hữu, khi ông đang ở vị trí là cán bộ quản lý giáo dục, cụ thể là Hiệu trưởng Trường
Quốc Học Huế, có người bạn của ông cũng rất đỗi tài hoa nhưng sa cơ, thất thế,
kiếm sống bằng nghề bán bánh mì dạo, có ghé phòng làm việc của ông. Bác Chánh
văn phòng hỏi:
-Có một người ăn mặc nhếch nhác,
xin gặp thầy, thầy có tiếp không?
-Tiếp chứ! Ông trả lời ngay, Mời
anh ấy vào!
Ông bạn thực ra là một đàn em của
ông; ông nhớ lại khi tổ chức đêm thơ ở Trường Đại học Sư phạm Huế, ông đã đến
tận trường Trung học Nguyễn Tri Phương, Huế mời người bạn trẻ này lên đọc thơ.
Câu chuyện này, tôi được nghe từ chính
người bạn đó của ông kể lại, và THDV cũng xác nhận là đúng như ông bạn của ông
đã kể cho tôi nghe. Ông ấy còn bảo rằng, lúc đó THDV tiếp chuyện rất ân cần,
đồng cảm, còn vét trong túi biếu thêm ít tiền; trong lúc ông ấy cũng từng gặp
một người bạn khác cũng trong giới văn nghệ hồi học sinh, sinh viên, sau 1975
họ cũng có vị trí trong xã hội nhưng ông bạn kia thì quay lưng không tiếp.
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm đương
đại, nếu trực tiếp gặp được tác giả, được nghe kể người thực việc thực thì những
nhận định về thơ và đời của tác giả sẽ sâu sắc và chính xác hơn!
Tập thơ 5 chữ, thương đời của nhà
thơ Tần Hoài Dạ Vũ được xuất bản trong quý IV năm 2024. Độc giả có dịp thưởng
thức thơ tình đủ cung bậc ngọt ngào, lãng mạn, da diết điệu buồn của dang dở,
chia ly trong thể loại thơ năm chữ mà thi nhân đã cất công tuyển chọn trong
chặng đường thơ dài hơn nửa thế kỷ qua. Tôi cũng có bốn câu thơ tặng ông:
Vẻ đẹp thơ 5 chữ
Cảm xúc thật, dâng đời
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ
Gom bốn mùa buồn vui!
Sài Gòn, ngày 18 tháng 10 năm 2024
HOÀNG THỊ BÍCH HÀ