Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 8, 2022

ĐI VỀ GIỮA CHỢ - Truyện ngắn - Vũ Ngọc Giao

 

Nhà văn Vũ Ngọc Giao


ĐI VỀ GIỮA CHỢ



Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO



Tiếng đàn cò từ xa vọng lại âm điệu một bản nhạc xưa nghe não nuột, Duyên quay lại. Bên cây bàng, một người đàn ông đang say sưa kéo đàn, tiếng đàn nghe nức nở. Cô tò mò lại gần. Mấy bà mấy cô trong chợ trở ra cũng dừng lại, chỉ một lát rồi vội vàng xách giỏ thức ăn về, ai cũng kịp móc ra mấy tờ tiền lẻ, nhẹ nhàng đặt vào chiếc hộp gỗ.

Duyên là người cuối cùng ở lại. Buổi chợ đã trưa, cô chưa kịp mua gì. Nắng trưa rọi qua kẽ lá bàng rơi xuống chỗ người đàn ông ngồi. Từng giọt mồ hôi thi nhau túa ra trên gương mặt đen đúa. Ông ngừng tay ngẩng lên nhìn cô.

- Chú chơi đàn hay quá! Cô ngượng nghịu làm quen.

- Ừ, tôi mua chút vui cho thiên hạ thôi mà! - Ông lơ đễnh, tỏ ra không muốn bắt chuyện.

Duyên ngồi xuống bên cây violin để gần đấy, tay mân mê hộp đàn đã cũ.

- Chú chơi cả violin sao? Cô hỏi.

- Ừ, ngày trước tôi mê món này.

- Lần đầu cháu nghe Giọt mưa thu bằng đàn cò. Có lẽ Hòn vọng phu kéo bằng đàn này cũng hay chú nhỉ?

Ông gật đầu.

- Hòn vọng phu tôi mới kéo hôm qua, phải thay đổi để người ta đỡ chán - Vừa nói ông vừa với tay kéo hộp đàn violin lại gần, chậm rãi lôi cây đàn ra. Nhìn qua cũng thấy một cây đàn đã cũ, mặt gỗ bên ngoài có chỗ tróc cả sơn, hẳn chủ nhân của nó đã chơi rất nhiều và cũng từ rất lâu rồi.

Nhẹ nhàng phủi lớp bụi bám bên ngoài, ông thủng thẳng:

- Cô có vẻ thích mấy món này, cô chơi được không?

- Không chú ạ! Cô toe miệng cười lắc đầu.

Ông nheo mắt nhìn cô, cười. Cô vớt vát:

- Nhưng cháu có thể chơi được ghi-ta.

Ông yên lặng, không còn nghe cô nói nữa. Violin nhẹ nhàng kề lên vai, ông bắt đầu kéo. Giai điệu réo rắt của nhạc phẩm Buồn tàn thu“Em ngồi đan áo lòng buồn vương vấn em thương nhớ chàng…” Cô lặng người. Tiếng đàn của ông da diết quá! Đột ngột ông ngừng lại:

- Một đoạn thôi, tặng cô! Ông nói rồi lập cập móc gói thuốc trong túi áo ra rút một điếu châm lửa.

Duyên yên lặng nhìn ông. Lúc này cô mới có dịp quan sát kỹ. Một bên chân của ông không còn nữa, hai cánh tay chạm đầy những hình xăm kỳ quái.

Nắng trưa rọi đến chỗ cô ngồi. Duyên vội vàng đứng lên:

- Cảm ơn chú! Cháu phải vào chợ mua ít thức ăn. Có lẽ chú mới đến đây?

- Hôm nay là ngày thứ ba tôi ngồi đây, nghề của tôi là lang thang mà - Ông cười chua chát.

- Vậy từ nay đi chợ cháu sẽ được nghe chú đàn. Tạm biệt chú!

Ông gật đầu, nhìn những giọt nắng rơi qua kẽ lá.

… Từ lúc nào không nhớ, cô mong đến ngày Chủ nhật để đi chợ. Ông luôn ngồi đó, bên cây bàng rụng lá. Mỗi khi nhìn thấy cô, ông dừng tay đàn. Cũng chẳng nhớ từ lúc nào, cô trở thành người bạn nhỏ của ông. Lần nào cô cũng ngồi xuống bên cây bàng và chờ đợi. Ông hiểu, dừng tay và đổi sang kéo violin “Đàn cho cô nghe, tôi quên mình là một kẻ hành khất”có lần ông nói với cô như vậy.

... Một ngày Chủ nhật Duyên ra chợ. Bên cây bàng cô không thấy ông đâu. Những Chủ nhật sau cũng vậy. Ông biến mất như chưa từng tồn tại trên đời.



* * *

Những âm thanh lao xao của chợ buổi chợ trưa. Duyên mướt mồ hôi với giỏ thức ăn nặng trĩu. Tiếng đàn cò quen thuộc hôm nào lại réo rắt, nghe ai oán hơn ngày trước. Vẫn chỗ ngồi đó, gương mặt đó, nhưng ông tiều tụy hơn nhiều so với lần cô gặp. Cô đứng từ xa nhìn lại. Hơn một năm biền biệt, kể từ dạo ông ngồi lay lắt bên vỉa hè đàn cho cô nghe. Đàn để kiếm sống qua ngày. Ông nhận tiền của tất cả mọi người, trừ cô. Buổi chợ đông đúc, từ xa ông vẫn nhìn ra cô. Ông vẫy cô lại gần:

- Cháu ra sao? Giờ chú mới có dịp trở lại.

Duyên ngồi bệt xuống vỉa hè, bên cây đàn violin quen thuộc, ngón tay cô mân mê hộp đàn bám đầy bụi. Yên lặng. Người ta bảo yên lặng cũng là một cách trả lời. Chợt ông bảo :

- Hơn một năm mà trông cháu lạ, tóc cắt ngắn hơn, da rám hơn. Ông nhìn cô chăm chú - và già dặn - Ông nói tiếp.

Cô không biết nên buồn hay nên vui vì nhận xét này. Ông kéo cây đàn violin lại gần:

- Hơn một năm nay tôi không đàn, chỉ mang nó đi theo.

- Chú đi lâu quá! - Cô khẽ khàng. Bất chợt ngước lên, cô thấy trong mắt ông ầng ậng nước.

… Ngày Chủ nhật. Duyên vào chợ mua thức ăn rồi trở ra. Cô đến bên cây bàng. Không có ông ở đó. Ông ấy lại biến mất như lần trướcCô nghĩ bụng.

Có tiếng chổi loẹt xoẹt gần đấy, một bà cụ đang gom những chiếc lá bàng rụng đầy trên vỉa hè. Duyên lại gần:

- Bà ơi, chú kéo đàn cò thường ngồi ở đây đi rồi hả bà ?

- Đi đâu mà đi, hôm kia ngồi đây tự nhiên lăn ra, bà con trong chợ phải khiêng về nhà trọ bà Năm phía sau chợ đó ! Nói rồi bà cụ chỉ về phía chợ.

Duyên cảm ơn bà rồi lật đật quay xe. Cô len lỏi vào con hẻm nhỏ hỏi nhà trọ bà Năm. Cô chờ thật lâu trước căn nhà cấp bốn thấp lè tè. Bà Năm nghe cô tìm ông chú kéo đàn cò, vui vẻ chỉ ra dãy nhà sau :

- Ổng nằm trong đó đó. Tội nghiệp! ngồi miết dưới nắng nên bị cảm.

Căn phòng chật hẹp, ẩm thấp. Ông nằm chòng queo trên chiếc giường kê sát tường, không hay cô đến.

- Chú ơi ! Nghe tiếng gọi ông hé mắt. Nhận ra cô, ông gượng ngồi lên, thều thào :

- Sao biết chú ở đây?

- Cháu hỏi bà cụ ngoài chợ - Cô cười. Chú bị cảm nắng à?

Ông mệt mỏi gật đầu.

- Chú ăn gì chưa ? Cô lo lắng.

- Chưa, mệt nên chú không muốn ăn.

- Sao chú không nhờ bà Năm nấu cho bát cháo, rồi chú xông, sẽ khỏi ngay thôi.

Ông lắc đầu :

- Bà Năm cho chú ở nhờ đây rồi, chú không muốn phiền thêm nữa - Ông nhìn cô cười hiền lành.

Duyên yên lặng. Cô đứng lên ra ngoài, lát sau quay lại với bó lá xông, thuốc và gói cháo trên tay. Cô nhanh nhẹn đặt nồi lá xông lên bếp dầu ở góc phòng. Xông, ăn cháo và uống thuốc cảm vào, ông tỉnh táo hẳn ra.

Duyên ái ngại nhìn ông :

- Chú không còn người thân sao ? Cô khẽ hỏi, không dám nhìn vào mắt ông.

Ông yên lặng châm điếu thuốc, nhìn ra khoảng sân chật hẹp.

… Ngày đó ông là một chàng trai phong lưu và tài hoa. Ngày đi làm, đêm ông chơi đàn ở một quán rượu, 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Ông thầm yêu một cô gái hay đến hát ở quán rượu... Mãi đến một ngày cô gái bị người tình bỏ rơi với cái thai trong bụng.Ông cưu mang và yêu thương hai mẹ con. Họ nên vợ chồng. Ngày kia ông đi về, căn nhà trống trơn, cô đã bỏ đi cùng với con gái nhỏ, để lại cho ông một bức thư với vài dòng cảm ơn và xin lỗi. Hai năm sau ông gặp tai nạn trong một đêm về say khướt, ông mất vĩnh viễn một bên chân...

- Cháu chỉ nên biết chừng đó thôi - Ông ngừng kể.

- Sao chú không lập gia đình lại ? Còn bao nhiêu người phụ nữ tốt ở ngoài kia?

- Chú không đủ can đảm một lần nữa, âu cũng là số phận của một kẻ khóc mướn thương vay - Ông cười buồn rầu.

Duyên yên lặng. Cô nhìn vào mắt ông. Cô không thấy trong đó bão giông. Có lẽ lòng ông sóng đã yên, biển đã lặng. Ông với tay lấy cây đàn violin treo trên móc, chầm chậm kéo. Âm thanh xô dạt về “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay... ” Cô nhìn ra khoảng sân chật hẹp, từng giọt nắng thi nhau nhảy nhót... Cô thấy có cả giọt nắng nhỏ đang cõng những giấc mơ.

Duyên chào ông ra về.

- Vài hôm nữa chú đi rồi, sẽ rất lâu chú mới trở lại. Tạm biệt Duyên. Cảm ơn cháu thật nhiều. Chú sẽ không quên!

* * *

Bẵng đi tiếng đàn violin da diết không còn nơi góc chợ. Hôm Duyên tìm đến nhà bà Năm, cửa đóng im ỉm, những người ở dãy nhà trọ cũng đi hết cả. Duyên quay xe ra, có tiếng gọi :

- Cô gì ơi! Duyên quay lại, là bà Năm.

Bà kéo Duyên vào nhà, lục lọi một hồi bà trở ra, trên tay cầm chiếc hộp nhỏ:

- Của ông ấy, dặn nếu cô quay lại tìm ông thì chuyển cho cô.

Duyên run run mở chiếc hộp, một tờ giấy gấp tư rơi ra, trên đó nét chữ đều đặn rất đẹp :

“Duyên ! Chú xin lỗi vì không chào Duyên trước lúc đi, chú ra đi lần này sẽ rất lâu. Chiếc đồng hồ này là kỷ vật của mẹ chú, đã theo chú hơn bốn mươi năm, giờ chú tặng lại Duyên...”

Bà Năm chậm rãi kể :

- Hai tháng trước ông ấy trở lại, ra chợ được ba ngày lại bệnh, nằm liệt giường hơn hai tuần sau thì ngồi dậy được. Ông đưa cho tôi cái này, dặn nếu cô quay lại thì gửi cho cô. Tối hôm đó ông ấy ngủ, sáng ra không dậy nữa. Tôi và hàng xóm láng giềng lo mai táng cho ông. Có lẽ ông ấy biết mình đi, nên gửi lại cho tôi ít tiền, nhờ cất giùm. Số tiền đó tôi lo mai táng cho ông - Nói rồi bà chép miệng thương cảm -Người đâu mà hiền lành. Tội nghiệp, đến cuối đời cũng không vợ không con.

Duyên mân mê chiếc đồng hồ nho nhỏ bằng đồng, xinh như quả quýt, được lồng vào một sợi dây chuyền dài. Cô mở nắp, kim đồng hồ chỉ đúng 3 giờ. Là giờ chú ra đi, có phải vậy không ? cô thầm hỏi.

Duyên chào bà Năm ra về. Đến đầu chợ, cô dừng lại bên cây bàng rụng lá, một chiếc lá bàng phất phơ như bàn tay ai đang vẫy. Vọng lại từ đâu tiếng violin da diết“Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay...” Duyên ngơ ngác tìm quanh. Không có ai. Chỉ là ảo ảnh. “Vậy là chú đã đi” Duyên thầm nghĩ, bên tai cô văng vẳng câu nói của ông hôm nào“âu cũng là số phận của một kẻ khóc mướn thương vay”. Không sao chú à!” Duyên an ủi “Chúng ta, ai mà chẳng qua một bận thương vay” Và cuối cùng còn gì? Còn lại gì không?” Ông khẽ hỏi “Không còn gì” Duyên thầm thì “còn lại chút tình, Yêu Thương cho đi, nó sẽ lại quay về”.

Vũ Ngọc Giao

miengiao2007@gmail.com

READ MORE - ĐI VỀ GIỮA CHỢ - Truyện ngắn - Vũ Ngọc Giao

CHUYỆN BUỒN TRONG MÙA VU LAN - Truyện ngắn - Nguyễn Thủy

 

Nhà văn Nguyễn Thuỷ


CHUYỆN BUỒN TRONG MÙA VU LAN

 

         Vậy là lão chết thật rồi! Cái chết của lão làm cả xóm nhỏ ven đồi không khỏi ngạc nhiên, xôn xao, hụt hẫng, còn họ hàng dòng tộc cũng sốc, bàng hoàng vì chuyện xảy ra quá là đột ngột, bởi lẽ dù đã ở cái tuổi ngoại bát thập niên, tuổi xưa nay hiếm rồi, nhưng lão vẫn mạnh khoẻ, nhanh nhẹn và minh mẫn. Da chân của lão hình như dày hơn da chân mọi người nên chẳng bao giờ cần dép và cái đầu cũng không cần mũ nón dù trời có nắng bao nhiêu độ đi nữa. Đôi mắt của lão như hai con ốc nhồi to, miệng rộng, dáng  lưng tôm hơi còng, nên khi đi nhìn như thể hơi cúi về phía trước.

 

    Lão còn khoẻ, khoẻ lắm ấy vậy mà sao nói chết là chết được chứ. Mọi người nghe tin ai cũng thở dài, cuộc sống thật vô thường, mới đây thôi lão vẫn đi thả lái bát quái mà, có ốm đau gì đâu. À mà nói đến ốm đau thì hầu như cả đời lão chưa phải một lần nào đau ốm phải đi đến trạm xá chứ đừng nói bệnh viện. Có chăng chỉ cảm cúm đau răng sơ sơ vài bận.

 

     Nói về ăn uống lão cũng được lắm; chỉ đoạn gần đây thì ăn có ít đi một chút, nhưng cách đây tầm ba năm về trước thì cứ cân lòng chai rượu với non non  cân bánh mướt là lão bết sạch.

 

      Hôm nay bầu trời tuy đã vào cuối hạ nhưng vẫn nồng, mà lại âm u ảm đạm, hình như trời cũng tiếc nuối cho cuộc đời của lão thì phải. Tiếc vì hình như lão còn chưa hề được hưởng một phân ly nào của cuộc sống thời đại mới.

 

     Lão mồ côi cha từ nhỏ, mẹ thì không được tỉnh táo, bườn bã giữa cuộc đời để tồn tại và lớn lên. Đến tuổi lập gia đình lão cưới vợ làng bên.  Vợ chồng lão hạ sinh được bốn người con: ba người con trai một người con gái, các con của lão khỏe mạnh nhanh nhẹn, dù nhà cũng nhiều khó khăn nhưng các con được sự tôi luyện về kỷ năng sống và làm việc cũng ô kê lắm; Thằng Cả, thằng Hai cũng được ăn học đến lớp 12, còn cái Ba và thằng Út là do học kém không lên được nên nghỉ học sớm hơn. Mấy anh em được tập làm việc sớm, nên chợ búa buôn bán cũng nhanh nhẹn, tuy thời đó cũng chỉ là buôn vặt vạnh củi đuốc chanh chè để kiếm bát gạo thôi. Nhưng lão cũng cố gắng dành dụm xây cho các con mỗi đứa ba gian nhà ngói, nhà bếp ràn trâu đầy đủ.

 

      Rồi cũng đến lúc các con của lão lớn khôn lập gia đình, cô con gái tính hơi man man tí thì lấy chồng sau lộn về được đứa cháu gái, lão làm cho hai gian nhà nhỏ ở riêng.

 

     Lão cũng là một người cha có trách nhiệm với con cái, mà lại trách nhiệm hơi quá thì phải: bởi ngoài việc lo giúp đỡ chăn dắt bò me, trông cháu hoặc thậm chí đi cày ruộng cho chúng thì lão còn canh cả các mối quan hệ của dâu con mình:

 

Ví dụ đi thăm hỏi mừng rợ ai trong anh em chòm xóm nơi nào lão cho mới được đi, không cho mà đi là về lão sẽ chửi đuổi đánh. Nếu có người đàn ông con trai nào nói chuyện hay đứng gần con dâu lão là sẽ bị qui cho tội quan hệ bất chính với con dâu lão, sẽ bị lão cho nổi cày nay nước.Thuở còn khoẻ lão đuổi mấy mẹ dâu như cơm bữa, mỗi lần vậy là lão đuổi ra khỏi nhà vì cho rằng nhà là của lão làm ra, là “xương máu” của lão. Rồi dần già chúng đâm ra ghét lão, hận lão, tuy vậy chúng chỉ lũm bũm sau lưng chứ không dám cãi, bởi đang còn ở ngôi nhà “ xương máu” của lão mà.

  

      Ngày tháng trôi qua, xã hội dần đổi khác, “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, các con của lão cũng làm ăn khấm khá hơn, mua đất làm nhà ra ở nơi khác, to hơn, đẹp hơn, chúng không cần ở những ngôi nhà “xương máu” của lão nữa nên chúng cũng chẳng cần sợ lão mà dần xa lánh lão

 

     Lại nói đến các con của lão: Gia đình thằng Cả có con đi nước ngoài tiền nhiều lắm. Nhưng cầm quyền kinh tế là con dâu mà cô ả này thì đại keo kiệt hơn nữa vốn dĩ ả ta đã ghét lão và cũng không mấy tôn trọng con trai lão vì vậy chẳng khi nào lão được xơi miếng chi của ả. Thằng chồng mua cho cha một cái áo hoặc tí thức ăn thì ả ta sẽ giận dỗi cả tháng trời ấy chứ. Còn vợ chồng thằng Hai thì cả gia đình ở trong miền nam, mấy năm mí về một lần xoáng tí rồi đi,  Thằng út mua đất làm nhà  gần, nhưng nó cũng làm ăn ở miền nam, cô vợ thằng út xem ra là đứa biết ăn ở nhất nên là thỉnh thoảng cũng mua đồ ăn cho lão, mua cho lão cái xe đạp để lão đi. Nhưng cái tính đa nghi cổ hủ của lão cuối cùng đã cắt đứt tình nghĩa cha con khi nghi ngờ con dâu quan hệ với thằng cháu con chị gái lão khi thằng cháu về chơi. Lão ấm ức hậm hực muốn ăn tươi nuốt sống chúng nó, nhưng lần này dâu không còn ở ngôi nhà “xương máu” của lão nữa nên lão tức mà không đuổi được. Lão ấm ức lắm lắm, lão phải nói cho cả làng biết mới được, lão phải qua bên ngoại mà nói cho cả họ nhà nó biết, vậy là đứa con dâu hiếu thảo cuối cùng cũng hận lão tận xương tủy nốt. Từ đó chẳng đứa nào đoái hoài tới lão, thậm chí gặp nó chẳng chào hỏi luôn. Chỉ còn đứa con gái man man sớm tối qua lại. Nhưng lâu lâu thì thó của lão vài con gà vì nó cũng không làm chi ra tiền. Thi thoảng mấy ông con trai cũng bớt chút tiền ít ỏi cho lão nhưng không đáng kể. Tóm lại cả đời lão chưa bao giờ biết một cái lễ tết của con cái hay được con cái biếu món quà trong dịp lễ vu lan.

Thời đại đã đổi thay, cuộc sống mọi nhà đều khấm khá lên, đồ dùng vật dụng nhà cửa cũng đổi khác. Duy chỉ có lão vẫn ở mấy gian nhà “xương máu” đã xuống cấp theo thời gian, mấy cái xoong nấu ăn hàng ngày bằng lá bạch đàn đen đúa, mỗi bận ăn không tô không đĩa lão bê cả mấy cái xoong nhọ nhem đặt lên chiếc bàn gỗ cũ kỹ giữa gian bảy rồi ngồi ăn một mình.

 

      Lão vẫn thường thả lưới bát quái bắt con tép con tôm bán lấy tiền mua chút thức ăn cút rượu.

 

     Nghe bảo hôm qua lão bắt được con cá lóc, thịt nấu uống rượu. Sáng thằng cả lên trại ở cạnh nhà lão tức nhà cũ của nó, chưa thấy lão mở cổng như thường ngày nên chui  rào vào nhà không thấy, khi ra phía ao thì thấy lão ngồi ôm cây sấu và đã chết tự lúc nào.

 

    Anh em họ hàng lo khâu tổ chức tang sự cho lão, đứa dâu út tuy nó cũng chẳng có chút cảm xúc đau buồn nào, song vẫn về cùng anh em lo tang sự cho cha chồng bởi nghĩa tử là nghĩa tận. Còn ả dâu cả không đến. À có đến bên trang trại nhà nó ở cạnh, đưa cho chồng nó mấy bộ quần áo để mấy ngày lo tang cho cha thì qua đó tắm rửa và ở đó luôn khỏi về nhà. Còn nó không qua chỗ đám tang lí do vì nó mới mổ nên kiêng hơi lạnh, nó chỉ nhởn nhơ bên trang trại cạnh nhà lão bất biết đến người chết kia là lão là bố chồng nó, là người chăm sóc con cái nó ngày còn nhỏ…nó phải kiêng vì mổ u xơ lành tính chưa được 10 năm.

 

         Dân làng đến đưa tang lão cũng đông bởi khi còn sống lão cũng chăm đi đám người ta mà. Nhà có ba nàng dâu mà cuối cùng được mỗi dâu út đội lúp mặc áo xô. Mọi người đi đám tang xì xồ bàn tán đúng sai nhân quả và sướng khổ của cuộc đời lão, đa phần lên án cô con dâu cả. Cũng có người thở dài chẳng biết lỗi từ ai. Phải chăng yêu thương quan tâm không đúng cách cũng là cái tội.

 

Nguyễn Thủy

thuymnmt12@gmail.com

READ MORE - CHUYỆN BUỒN TRONG MÙA VU LAN - Truyện ngắn - Nguyễn Thủy

GỬI NÀNG T.T.KH CỦA TÔI - Thơ Trần Đức Phổ

 

Nhà thơ Trần Đức Phổ

Gửi Nàng T. T. Kh. Của Tôi

Nàng ngày xưa yêu dáng hoa tim vỡ
Tôi thuộc lòng "Hai Sắc Hoa Ti Gôn"
Nên dở dang đã vận vào mệnh số
Tôi và nàng mỗi kẻ lạc một phương

Nàng chân chất không bao giờ đòi tặng
Bông hồng xanh hoặc chiếc lá diêu bông
Hoa ti gôn hai sắc màu đỏ trăng
Tình thủy chung gìn giữ ở nơi lòng

Tôi ngày đó một chàng trai khờ khạo
Xem thơ tình chuyện hư cấu mà chơi
Đâu biết được cuộc đời nhiều giông bão
Sóng trầm luân xô dạt phải xa người

Kể từ độ trên bước đường lưu lạc
Chuyện ngày xưa giấu kín đáy tim buồn
Mười năm dư chưa bao giờ dám nhắc
Loài hoa sầu dáng tim vỡ ti gôn

Rồi một lần trở về thăm chốn cũ
Giàn hoa xưa hò hẹn đã không còn
Tôi bàng hoàng trước màu hoa giấy đỏ
Cổng nhà nàng khép kín lúc hoàng hôn

Ngày theo chồng nàng có buồn rưng rức
Thương người xưa về bến cũ ngóng đò?
Xin lặng lẽ cầu mong ai hạnh phúc
Đừng nhớ gì câu chuyện một bài thơ!

6.10.2022 

tranducpho

ducphot946@gmail.com

 


READ MORE - GỬI NÀNG T.T.KH CỦA TÔI - Thơ Trần Đức Phổ

HÀ NỘI | TRỞ VỀ HUẾ | SÀI GÒN - Chùm thơ Võ Thị Như Mai

 

Nhà thơ Võ Thị Như Mai

HÀ NỘI

Tháng mười đến tô mầu vệt môi son

Loài chim sẻ hát vang giai điệu cũ

Đồng cỏ mùa này xanh mướt lá non

Cõng chị gió qua ghềnh đồi cư trú

Đến Hà Nội mà chưa thăm Hà Nội

Gánh tường vi đẹp đến nao lòng

Chẳng biết anh đã từng ra nơi ấy

Vệt nắng hồng, hắt luyến nhớ qua song

Vệt nắng hồng gánh mùa thu trên cành

Phước lành rải trên từng miền ký ức

Bắc và Nam nối tin yêu chòng chành

Vết thương xưa nhói đau tràn lồng ngực

Hà Nội yêu kiều thấm lạnh trong tim

Có phải vì chưa làm quen đã phải

Xa mấy nghìn ngày hay là xa mãi

Khi trở về anh có còn giận hờn

Sài Gòn, Huế, Hà Nội tìm nhau

Tìm nhau trong hai tuần và nhớ

Người đi xa, quê hương thành rộng mở

Đến nơi nào cũng rưng rức mùa ngâu

Đến nơi nào cho ngày ngắn nhiệm mầu

Và anh hỡi mươi mười năm sau nữa

Nếu tình cờ gặp tường vi trên phố

Xin dừng lại gọi tên một người dưng

(Xin dừng lại, nhắm đôi mắt và đừng….)

VTNM

 

TRỞ VỀ HUẾ

Trở về Huế một chiều trong xanh

Nghe bình yên ngập tràn phố xá

Đường chân trời thêu nỗi nhớ anh

Nhấp nháy vì sao quen mà lạ

Đừng hỏi em yêu Huế ra sao

Và nghĩ về anh nhiều thế nào

Huế không anh, Huế còn tươi tỉnh

Hoa vẫn cười khi mắt em cay

Những tấm lòng tâm hồn đong đầy

Dành hết cho em đêm Gác Trịnh

Nốt nhạc ngân lên buổi sum vầy

Tạm biệt, làm sao tâm thanh tịnh

Tạm biệt, niềm thương thầm kín này

Tiếng thở dài ngậm đoá môi say

Thành bài ca quê hương luyến láy

Thành áng mây nâng đoá sen gầy

Trở về Huế mà chưa thăm Huế

Ra ngoài làng mà chưa thăm quê

Ngước lên trời kìa ánh trăng thề

Nói với anh chờ ngày hạnh ngộ

VTNM

 

SÀI GÒN

Sài Gòn trở mình nghiêng thở

Thèm lắm những chiếc lá xanh

Vì nàng đi bộ loanh quanh

Hoà vào dòng người vội vã

Sài Gòn chẳng thể thong thả

Linh hồn, công việc nhỏ to

Con đường oằn mình và đo

Nhọc nhằn ngược xuôi nhân thế

Sài Gòn chưa kịp ngái ngủ

Đã phải thức giấc thật rồi

Nàng đánh rơi tiếng thở dài

Nỗi buồn ngân lên xa ngái

Nỗi buồn pha lê đọng lại

Bài thơ chợt đến thật hiền

Giữa những tiếng ồn vô biên

Nàng băng qua đường tĩnh thức

Sài Gòn qua lăng kính mới

Sáng góc phố bắt đầu quen

Bất chợt cơn mưa kéo tới

Làm mờ đi những ánh đèn

Chen lẫn vào chiều phố xá

Từng khuôn mặt lạ mỉm cười

Riêng nàng trốn vào phiến lá

Vu vơ điệu gì thật tươi


Võ Thị Như Mai

vonhumai@yahoo.com,

maimaylands@gmail.com



READ MORE - HÀ NỘI | TRỞ VỀ HUẾ | SÀI GÒN - Chùm thơ Võ Thị Như Mai