Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 15, 2018

DƯỚI CÁNH BAY ĐÊM - Bút ký - Chế Cẩm Đình


Tác giả Chế Cẩm Đình (phải) 

DƯỚI CÁNH BAY ĐÊM
Bút ký
CHẾ CẨM ĐÌNH

Người Ê Đê sống bên bờ sông
Người Mơ Nông ở bên bờ suối
(st)

Tôi lại phải rời Ban Mê về Sài Gòn sau mấy ngày lặn lội khắp vùng đất yêu thương ấy. Dưới cánh bay đêm xa kia lập lòe những đốm sáng của ánh đèn điện đã vào tận mỗi buôn làng, ngồi trên cao nhìn xuống tôi hãy còn sững sờ tiếc nuối. Là vì, chỉ được có ba ngày ngắn ngủi, dù đã ngược xuôi khắp nơi từ Quỳnh Ngọc đến Kim Châu thuộc huyện mới Cư Quin, từ Eaka lên Krong Pak, lại Krong Ana sang Buôn Hồ, rồi đi Ea H'leo, đi qua Pandrang, băng về Ea Sup, mà còn chưa thỏa lòng trầm mình trong từng cơn gió đại ngàn thổi rạt rào hơi man mát, báo hiệu những ngày nắng trơ gốc cà của mùa khô sắp sửa đi qua.

Rừng cao su lấp lánh hằng sa số cánh bướm vàng mơ bay dập dờn sau mỗi làn gió thốc nhẹ. Ngang qua rẫy, những chú ong rằn nâu bằng ngón tay út giật lên giật xuống trên mấy tàng hoa nở muộn của chọm cây chôm chôm rừng. Màu trời vẫn xanh ngăn ngắt trên vài vạt rừng già còn sót lại, nhưng đã loáng thoáng xuất hiện những bồng mây trắng trôi có vẻ vội vàng, như để kịp kéo hơi nước lên làm mưa cuối tiết tháng tư.

Mùa này, bơ sắp vào vụ hái. Bơ sáp, bơ lóng, rồi cả bơ ghép, bơ lai được trồng khắp nơi thi nhau dậy mùa, từng quả từng quả sai dày lúc lĩu trên cành, chờ đôi tuần nữa sẽ được hái xuống gùi từng gùi đóng xe gửi về xuôi. Kèm đó, những sọt mít ken đầy như nhốt đàn lợn choai béo ú, thêm những gùi mãng cầu gai với sầu riêng chớm vụ cũng đóng khạp theo về.

Qua buôn Ê Đê, gặp anh Eniek, nghe nói tiếng chào "Hưn kơ găp thâo, anei lĕ ama kâo". Gặp chị H’Maryam Niê giơ cả chùm ngón tay dạy tôi học đếm "sa, duo, clo, pak, ma, năm, chuc" mới biết ngày xưa người Ê Đê chỉ dùng hệ số thất phân, nên đến số tám nói lặp lại là  "sa păn", rồi số chín là "duo păn" và số mười là "pluk".

Cũng lần hồi tìm người M'nông tận Dakmâm giữa núi rừng Krongno, họ ở lẫn người Kinh với người Ê Đê một cách hòa thuận. Tuy vậy, họ vẫn giữ riêng bản sắc và tiếng nói gốc Khơ Me của mình, chứ không nói tiếng Nam Đảo như tôi vẫn tưởng. Nghe nói dưới Đak Min, Dak Song còn có nhiều buôn M'nông sinh sống hơn, chắc bận sau phải lần qua thăm cho thỏa lòng khám phá. Còn phải ghé qua Nam Nung, Nam Dong thăm bản người Tày, người Nùng, chắp tay nói "sabaidee" với các "noọng ngam" vận y phục có diềm ngũ sắc rất đẹp để làm quen. Ánh đèn dưới xa kia chắc hắt lên từ các ngôi nhà sàn trong bản Thái, mạn từ Krong Pak đổ qua tận đường dây 500kv trên đường ra Cư Jut. Những bà con người Thái tận ngoài Thanh, Tuyên chuyển vào từ năm tám mấy, nay vẫn còn đếm "nừng, xóng, xám" để tính tiền với khách mua cà, mua ngô. Ở đó, lại có cả làng người Vân Kiều, di cư từ phía Tây Quảng Trị tới ở đây tự lâu lắm rồi, tận hồi trước bảy lăm, mà không biết có còn giữ tục đi sim của con trai con gái tuổi dậy thì hò hẹn cùng nhau ngoài rừng cả đêm để tự tình.

Vạch màn đêm từ trên cao, thật khó đoán định được phương hướng, chừng tôi có thể đoán sai nơi, thì cũng không sao cả, bởi bạt ngàn bên dưới đâu đâu cũng có đồng bào tôi sinh sống. Nên có khi đó là bản người Lào ở buôn Đôn, có "phù nhin", "phù xao" đang tắm cho voi dưới làn suối mát sau một ngày cùng nhau lao động nhọc nhằn kiếm sống. Biết chừng, đó là những làng người Raglai bên ngọn Phượng Hoàng cánh M'drak đổ về Dục Mỹ thuộc Khánh Hòa. Nơi đó đang có những sơn nữ ngồi xem các chàng trai của mình đang tụ tập học chơi đàn Chapi từ các già làng để tiếp nối việc giữ hồn đại ngàn. Tôi tự nghe trong thâm tưởng mình từng tiếng nhạc trầm đục vang lên từ những sợi dây đàn Chapi bằng cật tre khi khảy, mà bất giác thì thầm lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến "khi rung lên, từng sợi dây, đàn đã đong đầy, hồn người Raglai..."

6/2016
Chế Cẩm Đình


READ MORE - DƯỚI CÁNH BAY ĐÊM - Bút ký - Chế Cẩm Đình

HOA THANH LONG - Chùm ảnh - Chu Vương Miện






READ MORE - HOA THANH LONG - Chùm ảnh - Chu Vương Miện

VỀ "BÀI THƠ" “ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN” - Phạm Đức Nhì

Tác giả Phạm Đức Nhì





VỀ “BÀI THƠ” “ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN”   
Phạm Đức Nhì


             
Từ Một Bình Luận Trên Facebook 

Dưới bài “Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết” Của Nguyễn Đức Tùng Có Phải Là Thơ? (1) do tôi (Phạm Đức Nhì) viết và đăng trên Facebook đã khá lâu, chị Kim Phượng Ngọc Huỳnh mới đây đã có bình luận như sau: 

Anh PĐN ơi!
Bài thơ Đồng Dao Cho Người Lớn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, theo em thấy nó "khô" quá. Vậy có phải là thơ không anh? 

Đọc bình luận của chị xong tôi vào Google tìm đọc Đồng Dao Cho Người Lớn thì thấy bài thơ đã đuợc khá nhiều người bình. Nó cũng được nhạc sĩ Đỗ Triệu An phổ nhạc và còn được lấy tựa đặt tên cho cả một tập thơ của thi sĩ. (2) Với bài thơ được đọc và yêu mến rộng rãi như thế mà chị KPNH lại chê là “khô” và lại còn đặt câu hỏi “Vậy có phải là thơ không anh?” thì đúng là chị đã hơi bị “to gan” mà lại còn “làm khó” tôi nữa. Tuy nhiên, vì câu hỏi liên quan đến bài viết của mình nên tôi bỏ thời gian đọc kỹ bài thơ và “gồng mình” viết thêm một bài ngắn trả lời chị. 

Dưới đây là cả bài thơ: 

ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN              

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi 
có con người sống mà như qua đời 
có câu trả lời biến thành câu hỏi 
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới 
có cha có mẹ có trẻ mồ côi 
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi 
có cả đất trời mà không nhà ở 
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông 
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ 
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió 
có thương có nhớ có khóc có cười 
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi. 

Nguyễn Trọng Tạo - 1992 

Trước hết, xin cảm ơn chị Kim Phượng Ngọc Huỳnh. Chị có con mắt thơ rất tinh. Đúng như chị nói, “bài thơ” ấy “khô”, chẳng có tý cảm xúc nào. Còn nó có phải là thơ hay không thì bây giờ tôi sẽ giải thích. 

Đồng Dao Và Vè 

Đồng dao là lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm một trò chơi nhất định. (3) 

Sau đây là một ví dụ: 

DUNG DĂNG DUNG DẺ

Dung dăng dung dẻ 
Dắt trẻ đi chơi 
Đến ngõ nhà Trời 
Lạy Cậu lạy Mợ 
Cho chó về quê 
Cho dê đi học 
Cho cóc ở nhà 
Cho gà bới bếp 
Ngồi xệp xuống đây 

Theo Wikipedia Tiếng Việt thì: 

“Vè là một trong những thể loại văn học dân gian Việt Nam. Vè được sáng tác bằng văn vần, sử dụng nhiều hình thức khác nhau: câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối. Có vè đồng dao, là những bài hát của trẻ em. Có vè thế sự, về người thật việc thật, phản ánh, bình luận những câu chuyện thời sự địa phương, những truyện đồi phong bại tục, những chuyện áp bức bóc lột của cường hào địa chủ và đời sống khổ cực của dân nghèo trong làng xóm. Những người đặt vè, bẻ vè, nói vè phần nhiều thuộc tầng lớp dưới trong xã hội.” 

Dựa vào thông tin trích dẫn ở trên có thể kết luận mà không sợ sai lầm, xét về mặt thể loại, đồng đao cũng là một loại vè, không phải là thơ. 

Trở Lại “Đồng Dao Cho Người Lớn”. 

Theo Đỗ Trọng Khơi, “Đồng Dao của Nguyễn Trọng Tạo viết ở nhịp 8 chữ nhưng soi chẻ rạch ròi vẫn thấy cái dư khí của hồn bốn chữ dân gian”. Tôi đồng ý với anh ở điểm này. Cho nên ĐDCNL – đúng như cái tựa của nó – là một bài đồng dao. Và theo tôi, khi chọn cái tựa ấy, về mặt hình thức, tác giả đã vô tình tự xếp loại nó là vè. 

Về nội dung thì “bài thơ” ấy chỉ là một tập hợp “hổ lốn” những câu nói, những phát biểu của nhà thơ, xếp đặt tùy tiện, không theo một cấu trúc hay một thế trận nào. Mỗi phát biểu là một “triết lý vụn” về một khía cạnh nào đó của cuộc đời. 

Những phát biểu kiểu “triết lý vụn” ấy đã được ông góp nhặt từ quá trình học hỏi cũng như kinh nghiệm sống của mình. Lúc cơn hứng đến hoặc có gì đó khơi gợi, thôi thúc, ông cho nó tuôn ra và dùng kỹ thuật thơ của mình ghi lại. Rất tiếc, ông đã quên tạo ra một khung cảnh để mời tâm hồn của mình bước vào cho “tâm đối cảnh” và “tức cảnh sinh tình”. Cái gọi là “tứ thơ” chỉ là dòng ý tưởng – hoàn toàn là sản phẩm của lý trí - tuy mở ra nhiều miền nghĩa nhưng lại không có tâm hồn và cảm xúc làm bạn đồng hành nên khô cứng như một cái xác không hồn. 

Như vậy, Đồng Dao Cho Người Lớn – đúng như tác giả đã vô tình tự xếp loại – là một bài vè, không phải là thơ. 

Những Vòng Nguyệt Quế 

Đồng Dao Cho Người Lớn không phải là thơ nhưng, không biết tại sao, lại được dân chơi thơ chấp nhận, tán thưởng và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 

1/ Được nhạc sĩ Đỗ Triệu An phổ nhạc.

2/ Được lấy tên đặt cho cả một tập thơ cùng tác giả (2)

3/ Được ít nhất 3 người viết lời bình. (Đỗ Trọng Khơi, Trần Kim Lan và Trần Trung) (4) 

4/ Được chọn là một trong 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20.

5/ Bài do Trần Trung viết lời bình được đưa vào tập Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ XX - Tập Hai 

Kết Luận:

Nhận diện thơ – phân biệt thơ với những thứ không phải là thơ - lẽ ra phải là bài học đầu tiên cho thi sĩ, cho nhà phê bình và cả những người thưởng thức thơ. Nhưng bài học nhập môn này thường không được giới chơi thơ coi trọng hoặc tìm hiểu đến nơi, đến chốn. 

Thỉnh thoảng có một bài vè đi lạc vào vườn thơ cũng không phải là chuyện lạ. Vè được nhạc sĩ phổ nhạc cũng chẳng có gì đáng nói. Vè mà được lấy tên đặt cho cả một tập thơ, tuy có hơi ngược đời nhưng đó là quyền của tác giả. Vè mà được mấy người chơi thơ xúm vào viết lời bình, tuy hơi lạ nhưng cũng dễ hiểu – đó là quyền của người bình; hơn nữa họ thuộc trường phái bình thơ không bàn thi pháp - chỉ đem ý tứ tán rộng ra – thì thơ có khác gì văn xuôi, thơ với “không thơ” cũng “cá mè một lứa”. 

Tuy nhiên, để một bài vè như Đồng Đao Cho Người Lớn, một thứ cây dị chủng, chưa đủ điều kiện để được gọi là thơ, không những lọt vào vườn thơ mà lại còn được đặt vào chỗ trang trọng nhất, được chọn vào danh sách 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20, thì quả là trái khoáy và bất công đến độ lố bịch. Lạ lùng thay, sự trái khoáy và bất công ấy vẫn cứ ung dung tồn tại suốt bao nhiêu năm nay. Mãi cho đến tuần lễ cuối tháng 6 /2018  mới có người lên tiếng phản bác. Một lần nữa, cám ơn chị Kim Phượng Ngọc Huỳnh, người có tấm lòng vàng với thơ, đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình. 

 Xin những người có trách nhiệm canh giữ Vườn Thơ Việt Nam và những người yêu thơ khác cùng góp tiếng nói để lấy lại công đạo cho thơ. 

Texas, ngày 10 tháng 7 năm 2018.
Phạm Đức Nhì 
nhidpham@gmail.com 
phamnhibinhtho.blogspot.com 

CHÚ THÍCH:


1/ Trang Facebook nhipham
2/ Đồng Dao Cho Người Lớn, Nhà Xuất Bản Văn Học, Hà Nội 1994.
4/
Đỗ Trọng Khơi trong Bàn Về Đồng Dao Cho Người Lớn Của Nguyễn Trọng Tạo
Trần Kim Lan trong Cảm Nghĩ Về Bài Thơ Đồng Dao Cho Người Lớn Của Nguyễn Trọng Tạo 
Trần Trung trong “Đồng Dao Cho Người Lớn”
Bình Thơ Từ 100 Bài Thơ Hay Thế Kỷ 20 (Tập Hai), Vũ Quần Phương Chủ Biên, Nhà Xuất Bản Giáo Dục 2008.
Cả 3 người bình đều gọi ĐDCNL là bài thơ.

READ MORE - VỀ "BÀI THƠ" “ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN” - Phạm Đức Nhì