Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 12, 2014

Sách mới: “SÀI GÒN ẨM THỰC TRONG TÔI” của tác giả trẻ Lưu Quang Minh


“Sài Gòn ẩm thực trong tôi” – những sắc màu để nhớ…                                                                                               
Nhắc đến Sài Gòn – người ta thường nghĩ ngay đến café vỉa hè, những món hàng rong trên đường phố, cứ thế đi vào nỗi nhớ từng người con gắn bó nơi đây. Với chàng trai trẻ Lưu Quang Minh, hình ảnh của Sài Gòn cùng những nét riêng biệt, dấu ấn đậm đà về ẩm thực đất phương Nam đã in hằn trong tâm hồn, trong những cảm nhận sâu sắc qua 25 năm - sinh ra, lớn lên và được đất Sài Thành nuôi dưỡng. Tất cả được thâu nhận tinh tế, đủ đầy, rõ nét qua tập truyện “Sài Gòn ẩm thực trong tôi”.
      Những món ăn mà Lưu Quang Minh kể trong các câu chuyện của mình đơn giản là những món ăn bình dân, rất vỉa hè, mộc mạc từ tên gọi. Thế nhưng, cái cách tác giả miêu tả cứ khiến người đọc “phát thèm”, “thèm thuồng” và chỉ có một mong ước được thưởng thức ngay, được nếm, được tận hưởng, được cảm nhận thực sự bằng vị giác. Đó chính là cái tài tình của nhà văn trẻ này. Anh không chỉ viết bằng ngòi bút mà viết ra bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, của người đầu bếp, người sành ăn và đặc biệt hơn là của tấm lòng một người con yêu thương mảnh đất Sài Gòn da diết, mới có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc đến vậy.
      Đọc “Phá lấu vỉa hè”, người đọc cảm thấy “tứa nước miếng” vì thèm, vì cái lối miêu tả sao mà chân thực, rõ ràng, khơi gợi đến thế: “Ăn phá lấu đúng điệu phải xiên bằng que, chấm nước mắm me chua chua ngọt ngọt, thêm miếng ớt xắt cay cay với vài lá rau răm điểm xuyết. Cắn một miếng lòng nóng giòn sần sật, lại húp thêm nước hầm chan sâm sấp trong chén, nó như quên hết cả trời chiều như thiêu như đốt.” Ta cảm giác tác giả chính là nhân vật trong câu chuyện ấy, đang sung sướng thưởng thức, rồi tả chân cho chúng ta, như đang “trêu tức” những tâm hồn ăn uống khác, dù muốn song đành chịu. Hay món bắp xào trong “Bắp xào ơi”: “Từng hạt bắp vàng rộn thấm bơ với mỡ hành nóng hôi hổi, ăn đến đâu ứa nước miếng đến ấy, cứ nghĩ đến thôi bụng đã không khỏi cồn cào.”
      Sài Gòn qua cái nhìn của Lưu Quang Minh hiện lên giản dị, mộc mạc, gần gũi và thân thương. Không phải một thành phố xa hoa tráng lệ, không phải những nhà hàng sáng trưng rực rỡ ánh đèn, Sài Gòn chỉ là những xe bánh mì thân thương ngang qua, những hàng phá lẩu tuổi thơ đi theo cùng năm tháng, là món gỏi bò khô bên vệ đường níu lòng đứa con xa quê tít tắp chốn trời Tây, là những xe kẹo kéo thơm ngon ấp ủ ước mơ,… Sài Gòn giữ lòng người đi xa, níu bước chân người phiêu lãng vô tình lướt qua, để thầm thương mến, thân quen, gặp một lần mà như gắn bó từ lâu. Sài Gòn cũng chân chất như con người nơi mảnh đất nắng nóng quanh năm này, người phương Nam hồn hậu, hiền lành, thân thiện, đất phương Nam mến khách mến người.
      Cái ẩm thực đặc trưng trong văn Lưu Quang Minh gắn liền với đường phố, với sự xuề xòa của tiếng cười nói, cảm giác thoải mái, chẳng cần câu nệ khi có thể mặc nhiên ngồi xuống, xì xà xì xụp một hàng quà, chẳng phải quần là áo lượt khi vào chốn nhà hàng sang trọng, đắt tiền. Chỉ cần nơi này, ven đường, dưới hàng cây, thưởng thức món gỏi bò khô cay cay (“Gỏi khô bò VS McDonald”), để nghe niềm hân hoan vui sướng dâng lên trong tim. Không đơn thuần nói về các món ăn, tác giả nhẹ nhàng, khe khẽ nhen lên trong lòng người đọc bao dư cảm, bao suy ngẫm về tình người, về ấm áp của tình cảm yêu thương gia đình qua “Cơm nhà”: là niềm hoài nhớ của đứa con học xa, là tình cảm trân quý của người chồng với vợ thông qua món ăn quen thuộc thịt kho hột vịt của vợ. Có khi, tác giả mượn món ăn mang tên “Lẩu cá kèo” để nói về tình cảm bạn bè gắn bó qua thời gian. Hay từ một món ăn tuổi học trò, “Trân châu” trở thành kỷ niệm, một dấu ấn khó phai về một ký ức đẹp, một tình cảm trong trẻo đáng nhớ mà ai ai cũng có thể bắt gặp chút tuổi trẻ của mình trong đó.
      Tôi đã từng đến Sài Gòn, từng được thưởng thức một số món ăn vỉa hè nơi đây và bị mê hoặc. Một lần nữa, khi đọc “Sài Gòn ẩm thực trong tôi”, tác phẩm thực sự khiến một kẻ không phải dân Sài Gòn, không sống ở đất Sài Gòn như tôi muốn lại được khám phá, muốn được lang thang tận hưởng, thưởng thức hết các món ăn thú vị của Sài thành. Cảm ơn tác giả đã giới thiệu với người đọc những chắt lọc tinh túy trong đời sống của đất phương Nam, với lối viết chân chất, giản dị song vô cùng ý nhị đã chạm vào sợi dây cảm xúc, rung động của mọi người. “Sài Gòn ẩm thực trong tôi” là một “mâm cỗ” nếu đã được ngắm nghía hay thử chạm vào, chắc chắn ai cũng muốn được tiếp tục cảm nhận tất cả hương vị đa sắc trong đó.
                                                                                                            Hà Nội 20/09/2013
                                                                                                                        Huệ Hương

 Tràn đầy hương vị cuộc sống trong
“Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi”


            Ẩm thực trong văn chương ư? Đó quả là một ý tưởng vô cùng sáng tạo có phần đột phá. Trước nay, người ta đưa văn hóa ẩm thực phong phú vào những cuốn sách dạy nấu ăn hay các chương trình nữ công gia chánh trên báo đài. Thì giờ đây, Lưu Quang Minh biến những gì thuộc về đại chúng trở nên thuần khiết và cao cấp hơn bằng ý tưởng của mình, song song là sự biểu hiện của nét đẹp nghệ thuật được trau dồi kỹ lưỡng với ngòi bút sắc sảo của tác giả. Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi sẽ đưa bao kẻ “mọt sách” cùng các tín đồ ẩm thực trên mọi miền đến với hương vị của các món ăn có mặt ở đất Sài thành qua những câu chuyện đầy tính hiện thực và nhân văn - cái gọi là hương vị cuộc sống được bày biện một cách tự nhiên và chân thực.
            Không biết có phải chủ ý hay không, nhưng Lưu Quang Minh biết cách “chan” những sở thích của mình vào trang sách để người đọc nhận ra, đó cũng chính là sở thích của họ. Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi có các món ăn đã từng sống một thời tuổi trẻ với ai đó, với tôi và với bạn trong Trà Sữa Trân Châu, Phá Lấu Vỉa Hè hay Gỏi Khô Bò vs McDonald. Nó hàm chứa những cung vị trong mỗi tâm hồn, các món ăn này cũng mang sứ mệnh kết nối những kỷ niệm lại với nhau, và rồi chúng trở thành trọng tâm của những câu chuyện đời thường, nó mang mọi tâm trạng nhung nhớ, buồn rầu, hờn ghen và thỏa mãn. Tác giả đã “nêm” thêm vào đó những cảm xúc rất chân thực, mang niềm riêng tư cùng những hoài niệm dông dài. Khi bạn đọc Trân Châu, bạn sẽ cảm nhận được môi mình đang mút rồn rột chiếc ống hút to, và những viên trân châu trôi tọt vào miệng cùng hương vị trà sữa năm nào. Rồi ngoảnh đầu lại, kỷ niệm học trò vẫn luôn ở đó, bên ly trà sữa trước cổng trường. Phá Lấu Vỉa Hè hay Gỏi Khô Bò VS McDonald cũng vậy, các món ăn vỉa hè luôn là sự lựa chọn tuyệt vời của những cô cậu học sinh, xuyên suốt là chuỗi thời gian đầy ắp kỷ niệm của tuổi mới lớn, là tình chị em khắng khít bên chén gỏi khô bò, là tiếng cười ngạo nghễ của hai anh em mê món phá lấu mặn mà, ngầy ngậy yêu thương.
            Triết lý hơn, tác giả đưa bạn đến Cơm Nhà và Café Cùn với thông điệp “Hãy trân trọng những gì bắt nguồn từ gia đình và quê hương”. Lưu Quang Minh dùng ngòi bút “chế biến” món thịt kho trứng ngon, bổ và chan vào đó tình yêu thương gia đình trong Cơm Nhà - từ nội tâm tự sự của người đàn ông sống tình cảm, yêu thương vợ con, ông trân quý món ăn của vợ làm, từ đó thương cho đứa con đang học xa nhà ngày ngày ăn cơm bụi. Những lý giải luân thường xoay quanh “cơm nhà” đã cho ta những cảm giác yêu thương đùm bọc. Và sau tất cả lời nói, tiếng cười bên mâm cơm đạm bạc là sự mỹ mãn của mái ấm gia đình. Chỉ cần chan nước mắm, cũng đã có thể ăn hết vài bát cơm ngon lành - Ừ, cơm nhà là vậy. Một anh công nhân nghèo tỉnh lẻ, vỡ tan giấc mộng đổi đời ở xứ người thèm sao tô mì Quảng quê nhà. Tác giả dẫn ta vào một quán café có những em tiếp viên lẳng lơ, hời hợt nhưng lại đưa ta đến những nỗi ưu tư của những kẻ xa xứ, nán lại phố thị trong những ngày tết để tiết kiệm khoản tiền nho nhỏ. Và thế là tô mì Quảng đã lột tả những nhọc nhằn, khắc khoái của một tâm hồn xa xứ, chai sạn và bi ai. Cũng nói rằng, Mì Quảng ơi, giá như…!
            Tôi sẽ không dẫn dụ (mở) hết các “món” trong bữa ăn thịnh soạn của Lưu Quang Minh chiêu đãi, cũng bởi tôi biết khi thưởng thức, người ta cần phải đặc biệt cá nhân và tập trung mọi cảm quan. Tôi không làm kẻ chi phối tâm tư độc giả. Thế nhưng, ở cái món kẹo kéo và hủ tiếu trong hai tác phẩm liên quan, tôi thấy có gì đó cô đọng, một sự cô đọng khó cụ thể được bằng sự trích dẫn. Hẳn tôi và bạn sẽ thấy thương cho hai chàng “ca sĩ” trong Ca sĩ kẹo kéo nhưng cũng thật khâm phục tinh thần của họ, một tinh thần không bị khuất phục bởi nhữnh khắc nghiệt của cuộc sống, họ giữ lấy giấc mơ của riêng họ, và giấc mơ đó từng ngày nuôi sống họ, giúp họ can trường, kinh nghiệm hơn trong cuộc sống đầy rẫy thử thách. Dai, ngọt bùi, giòn tan bởi đó là kẹo kéo - bạn hãy thử đi. Từ những ngày đầu sống ở đất Sài Gòn, tôi đã thích món hủ tiếu. Tôi từng ăn tô hủ tiếu bốn mươi ngàn và cũng từng ăn tô hủ tiếu hai ngàn đồng từ xe mì gõ năm nào. Tôi cũng đã bắt gặp sự phân biệt, kỳ thị của những người tầng lớp trên với xe hủ tiếu gõ, hay đã thấy ai đó trề môi chê bai suất hủ tiếu đắt đỏ ở nhà hàng nọ. Chẳng sao. Thế mà Lưu Quang Minh lại có thể khiến người ta đọng lòng đến lạ trong Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn. Trong tác phẩm này, tác giả muốn mách rằng ở đâu đó vẫn có những quan tâm đặc biệt cho nhau, dù sự xa cách không bao giờ được rút ngắn. Đó là cậu bé mưu sinh với tô hủ tiếu gõ và cô bé gái nhà giàu thèm một tô hủ tiếu như vậy từ tiếng lanh canh. Một tô hủ tiếu đặc biệt - cần lắm…
            Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi những mẩu truyện ngắn của Lưu Quang Minh, ngòi bút của anh đã giúp người đọc chạm tới cuộc sống một cách chân thực. Ở những tác phẩm của anh là sự sắp đặt dày dạn dưới ngòi bút trẻ sung mãn. Anh gọi những linh hồn lại với nhau, tạo nên tính cách riêng cho mỗi nhân vật. Và tôi tin chắc rằng Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi sẽ là một ấn phẩm thể hiện sự giao thoa vượt trội với ẩm thực và văn chương, như chính tâm hồn của một cây viết trẻ am hiểu cuộc sống đến từng cội rễ.

Sài Gòn 03/05/2013
Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam
(Người sáng lập và điều hành diễn đàn Hoiquantre.info)


Về tác giả Lưu Quang Minh
Lưu Quang Minh sinh ngày 18/5/1988 tại TP.HCM. Tốt nghiệp Cử Nhân Thiết Kế Đồ Họa. Hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM từ năm 2013.

Gây chú ý từ truyện ngắn đầu tay Cô Đơn Trên Mạng (2007) và tiếp theo sau là tập truyện ngắn đầu tay Gia Tài Tuổi 20 (2010), Lưu Quang Minh đã tự định hình cho mình phong cách viết "Già trước tuổi", với "...Cách viết văn xuôi truyện ngắn Lưu Quang Minh là thế và luôn luôn là phát hiện. Phát hiện của con mắt luôn quan sát tinh tế, của tấm lòng luôn đau đáu muốn khắc ghi lập tức những vẻ đẹp bình dị, nguyên tươi, long lanh ánh sáng ngọc trai của cuộc đời vốn mênh mang, rộng khơi như biển, đang diễn biến với muôn mặt phức tạp và phong phú: vừa vui tươi vừa phiền muộn, vừa vỡ vụn vừa lành lặn, vừa ngổn ngang lại vừa ngay ngắn... Và các mặt đối lập trong sự thống nhất ấy của chính cuộc đời đã ngày càng xoắn vặn, phức tạp, vướng vít như tơ nhện, nhất là vào thập niên đầu TK XXI. Con mắt xanh và tấm lòng đôn hậu ấy đã giúp Minh tìm ra một giọng kể riêng, thanh thoát và hóm hỉnh trong truyện ngắn của mình, về tất cả những câu chuyện của cuộc sống thường nhật, với những tình tiết xanh tươi, những đối thoại chảy dào dạt như sông biển trên đường phố của những đô thành, những ruộng đồng Nam Bộ thường quen, với những chuyện đời, chuyện tình của thế hệ mình, vừa xanh ngát hương đời vừa héo khô đau khổ ngay trong thập niên đầu thế kỉ XXI đang sắp trôi qua này..." - (TS. Nguyễn Thị Minh Thái)

Năm 2013, Lưu Quang Minh là nhà văn trẻ nhất được kết nạp Hội Nhà Văn TP.HCM.


READ MORE - Sách mới: “SÀI GÒN ẨM THỰC TRONG TÔI” của tác giả trẻ Lưu Quang Minh