Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 13, 2021

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 46 - 50 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

 
 
                      Nhà thơ Khaly Chàm


trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
46.
hồ nghi một thoáng hào quang
tắt trong vòm họng chảy tràn vi sinh
nghiến răng nghiệm chữ bất bình
tĩnh hồn mở cửa ngóng bình minh lên
 
47.
tàn phai nhan sắc tháp đền
hương hoa trú xứ cháy trên môi người
ngực trào mộ gió trùng khơi
tiền thân ngậm cuống mặt trời hôn mê
 
48.
choàng ôm hơi thở tìm về
người quê xám mặt lưỡi tê điếng hồn
nắng vàng sinh hạ hoàng hôn
di hài tỏa sáng sinh tồn bóng đêm
 
49.
xám ngày mưa rụng bên thềm
màu rêu dị dưỡng uống thêm giọt buồn
phù du mọc cánh rập khuôn
tan trong mắt khói lạnh nguồn mây bay
 
50.
lễ nghi chôn cất tháng ngày
trắng tinh thể vỡ bàn tay ngậm ngùi
niềm đau hóa giải khôn nguôi
ngữ ngôn ám tượng trượt xuôi xuống mồ
 
khaly chàm
 
READ MORE - DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 46 - 50 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm

PHAN PHỤNG THẠCH (3)- Thơ Chu Vương Miện

 


Phan Phụng Thạch (3)

cvm

-

dòng Thạch Hãn xuôi về cửa Việt

dòng Rào Thanh chuyển tới Hiền Lương

rồi cũng nhập vào nhau

người lạnh tuổi vàng

kẻ lạnh tuổi thau

lòng đất ấm ủ hồn thơ bất diệt

 -

có người tóc ngắn

có người tóc dài

có người đàn ở nhà

có người ở cầm đài

có người đàn cho người nghe

có người không ai nghe?

-

ăn hiền gặp lành

thuyền nhỏ sóng nhỏ

thuyền thúng chay vòng quanh

sống thường chết thường

không ai chê không ai khen

an thân 1 góc vườn

có cây mận trắng

bạn cố hương


cvm


READ MORE - PHAN PHỤNG THẠCH (3)- Thơ Chu Vương Miện

CÂU CHUYỆN "NHỮNG BỨC TRANH ĐẤU GIÁ" GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC CHO CÂU LẠC BỘ SINH VIÊN QUẢNG TRỊ - Võ Văn Cẩm

Tác giả Võ Văn Cẩm

CÂU CHUYỆN 

"NHỮNG BỨC TRANH ĐẤU GIÁ" 

GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC CHO 

CÂU LẠC BỘ SINH VIÊN 

QUẢNG TRỊ

                            Võ Văn Cẩm


   Câu chuyện đấu giá những bức tranh, những kỷ vật có từ xa xưa và lưu mãi tới ngày nay. Trên báo chí, thông tin đại chúng, trên trang web, blog có nhiều người bày tỏ lòng mình một cách chân tình và sâu lắng.

   Những kỷ vật của những nhà khoa học, những kiệt tác của họa sĩ lừng danh, những phần thưởng cao quý của những người đã đóng góp công sức xây dựng Tổ Quốc, hay những vật dụng riêng tư của những người nổi tiếng.

   Đại loại, những ngày cuối đời, họ dành hết những gì họ có, góp phần vào những việc làm cao quý để lại cho nhân loại, cho đời, cho dân tộc, cho quê hương. Chia sẻ những khó khăn cho bà con.

  Có những vật quý, đem đấu giá được hàng triệu, hàng chục triệu USD. Có những vật nhỏ hơn, như chiếc áo, đôi giày, của những danh thủ bóng đá, những chiếc áo, chiếc cài tóc, đôi kính của những nghệ sĩ tài danh, những diễn viên xuất sắc, chiếc vương miện của những hoa hậu.

   Chuyện đấu giá ở Thế Giới thì có nhiều và muôn màu muôn vẻ thường xảy ra.

   Ở Việt Nam ta mới đây cũng có một vài sự kiện đấu giá như: như chiếc giày của danh thủ Huỳnh Đức, chiếc bóng vàng, một vài sim điện thoại đẹp.

   Theo tôi, nếu có một phần thưởng cao quý, mình lưu giữ đến những ngày cuối đời, cuối sự nghiệp, nên đem đấu giá để làm một việc có ích cho đời, cho xã hội, cho cộng đồng, làm quà thưởng cho những người thiếu may mắn.

   Đã hơn 20 năm tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp. Việc tham gia ấy là một việc làm hoàn toàn tự nguyện, không quyền, không lợi. Tôi đam mê, đôi lúc quên cả chuyện riêng, tôi cho việc mình làm là niềm vui, hạnh phúc của chính mình. Cũng có người cho việc làm đó: "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, làm chuyện bao đồng, làm việc tào lao, làm việc vô tích sự". Và nhiều ngôn từ khác từ người thân, bà con, thậm chí vợ con cũng nhiều lần phản đối. Tôi không đã kích, định kiến. Tôi không đủ kiến thức để phân tích những  ngôn từ ấy, tôi cho việc mình làm như một cái "nghiệp".

  Tôi càng tham gia, tinh thần tôi càng nhẹ nhàng, thoải mái, rộng lượng, trí minh mẫn, sáng suốt, sức khỏe khá lên.

 Dù thế nào tôi cũng không quên trách nhiệm và bổn phận làm chồng làm cha, làm anh, làm bạn. Công việc ấy, trách nhiệm ấy, tôi thấy mình gần như hoàn thành.

 Tôi cho việc làm "tào lao" đó là tài sản để lại cho con, trả hiếu cho cha mẹ và trả ơn đời, ơn người.

   Cuộc đời con người quá ngắn ngủi và quỹ thời gian cạn kiệt, tôi sợ mình không có thời gian để làm việc "Tào lao" ấy. Biết đâu trong sâu thẳm của đời người có những viên thuốc hồi sinh dành cho mình.

   Việc họp mặt đầu năm của bà con đồng hương, là niềm vui, hạnh phúc của những người xa quê.

  Việc trợ cấp Học bổng cho các cháu Sinh viên từ quê nhà vào học Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Một  việc làm vô cùng ý nghĩa, đã khuyến khích, động viên các cháu vươn lên học giỏi, đứng vững ở Giảng đường Đại học. Đó là mục đích chủ yếu trong hoạt động đồng hương, đồng môn.

   Để có quỹ hoạt động, chúng tôi phải vận động nhiều nguồn, nhiều Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm, những đồng hương thành đạt, có tấm lòng trong và ngoài nước.

  Những ngày đầu, bà con phần lớn còn khó khăn, còn nghèo. Chúng tôi vận động những người giàu có như cụ Nguyễn Văn An, ông Trần Đàm, Hoàng hữu Ly, Trần Quang Đổng, Nguyễn đăng Hiến, Nguyễn đạo Khỏe, Lê Văn Hải, Lê quốc Phong, Bs Lương Vân...

  Chúng tôi còn vận động một số Việt Kiều như: Vợ chồng chị Nguyễn Thị Sen, Hoàng Kiều, Nguyễn khắc Dõ, Ngô ngọc Hồng.

   Một thời gian sau, có nhiều bà con kinh tế  khá lên, đã cùng chung tay với chúng tôi như: Nguyễn Văn Xiễn, Hòa An, Lê Đình Ân.

   Càng ngày học sinh Quảng Trị đậu vào các trường Đại học càng đông, mối quan hệ giao lưu các thế hệ SV càng mở rộng. Hoạt động CLB SV mạnh hơn, đông hơn, chính lực lượng SV trở thành nồng cốt trong sinh hoạt Đồng hương.

   Để CLB SV trưởng thành và tồn tại, chúng tôi phải tạo điều kiện giúp đỡ về mặt tài chính, tư vấn tổ chức các chương trình, đặc biệt là trợ cấp học bổng giúp các cháu khó khăn, học giỏi, động viên khuyến khích, hướng các cháu đến con đường "Chân, Thiện, Mỹ ". Phương án mở rộng các sinh hoạt SV: giao lưu trại hè, các giải thể thao, tiếp sức mùa thi, đón các tân SV, tạo một nếp sống lành mạnh kết nối, chia sẻ các khó khăn về học tập, tạo điều kiện mối quan hệ với các công ty người đồng hương để thực tập và tìm công việc khi tốt nghiệp. Thời gian này CLBSV hoạt động mạnh và hiệu quả nhất. Trong lần hội trại có gần cả ngàn SV, đủ các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trong Thành phố.

   Trước sự lớn mạnh của lực lượng SV, quỹ Khuyến Học khó đáp ứng vì việc vận động không được nhiều và ngày càng giảm.

   Vì quan tâm tới giới trí thức Trẻ, chúng tôi tìm phương án tạo nguồn quỹ giúp  CLBSVQT. 

  Một chiều vào đông trời se lạnh, tôi dự ngày húy kỵ của nhà người quen. Trong buổi giỗ ấy nhiều người bàn về chuyện đời, chuyện đạo, chuyện xã hội, chuyện đại gia làm từ thiện, chuyện trong nước, chuyện ngoài nước: như Bill Gates, Hoàng Kiều, chuyện một cháu bé dành quà bỏ ống giúp bạn, chuyện một cháu mồ côi xin ăn vào chùa cúng dường, cháu trút hết hầu bao, mua một bịch muối bỏ vào nồi canh mà trở thành "Trái tim Bồ tát".

   Hôm ấy có nhiều đại gia có tâm thiện, nhiều vị hảo tâm, chính họ đã tiếp sức cho quỹ khuyến học nhiều năm qua.

  Có Mạnh Thường Quân nhận trợ cấp ăn ở cho một, hai SV nghèo xuất sắc đang học cùng ngành nghề, bảo trợ trong suốt thời gian học Đại học, thời gian thực tập và có thể vào làm việc khi tốt nghiệp kể cả thời gian sau Đại học: như KTS Hồ Văn Thọ, anh là Giám đốc công ty Xây dựng Vĩnh Thành, công ty đạt giải thưởng của Bộ Xây dựng về sản phẩm "Nhà đi động". Sản phẩm đăng ký bản quyển sở hữu trí tuệ 2009. Người đã giúp BLLQTrị vẽ bản thiết kế Nghĩa trang Quảng Trị năm 2006.

  Sau khi nghe tôi trình bày sự khó khăn của quỹ khuyến học hiện nay, có nhiều sáng ý giúp quỹ như: Mở công ty dịch vụ, việc làm, mở đại lý tiêu thụ sản phẩm quê hương...

 Tôi nghĩ việc làm ấy phức tạp và khó khăn, đòi hỏi về con người và tiền bạc.

   Tôi đề nghị, chúng ta nên tìm một kỷ vật nơi quê nhà, mang tính lịch sử quý hiếm mà cha ông ta lưu giữ từ thời dựng nước như:

   * Ở Ái tử, Trà Bát thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng xây thành đắp lũy để gây dựng cơ đồ.

   * Những viên đá cục sỏi ở Tân Sở Cam lộ, khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thnh ra dựng nghiệp.

   * Những miếng sành sứ ở La vang, nơi Đức Mẹ hiện xuống nay gọi là "Vương cung Thánh đường La vang". Đây là một trong 3 nơi trên thế giới mà người Thiên Chúa giáo coi là vùng đất thiêng, để những con chiên ngoan đạo khắp trên Trái Đất đến cúng bái, cầu ân, tạ ơn.

  * Một viên gạch ở Thành Cổ mà vua Minh Mạng đặt xuống làm lễ khởi công xây thành. Nay gọi là Thành Cổ Quảng Trị.

   * Một mẫu đá thời khai thiên lập địa ở Đảo Cồn Cỏ .0

   * Một thanh sắt 2 màu ở chính giữa Cầu Hiền Lương, là điểm ranh giới 2 Miền Nam Bắc, nơi đây có 2 lính 2 miền canh gác.

   * Những thắng cảnh ở núi Mai sông Hãn.

  Chuyện lấy những kỷ vật của vùng đất thiêng Quảng Trị đem đấu giá gây Quỹ khuyến học vào ngày họp mặt đầu năm của bà con thành hình vào năm đó (2008).

 Tôi gợi ý với KTS Hồ Văn Thọ, khi trở về quê nhà, anh lên thăm vùng đất "Địa linh nhân kiệt Tân Sở". Vùng đất 3 lần chọn làm Kinh thành:

 * Khi Pháp chiếm Kinh Đô Huế, Tôn Thất Thuyết dẫn đoàn tùy tùng ra Tân Sở cùng Vua Hàm Nghi.

   * Đây là Ủy Ban Cách Mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam.

   * Chính nơi này là Thủ phủ của Ủy Ban Mặt Trận Giải phóng Miền Nam.

  Anh chọn một viên đá thật đẹp, có dấu bàn chân người: Đây là dấu chân của vua Hàm Nghi?.

  Tháng sau, KTS HVThọ cùng gia đình ra thăm nhà, trước khi tiễn con du học.

  Khi ngồi thư giãn với bạn bè bên hồ Tích Tường, bên bờ sông Thạch Hãn. Anh ngẫu hứng chụp được một bức tranh khá đẹp "BÌNH MINH TRÊN DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG".

 Anh cho chỉnh sửa thật sắc nét, đem sang lớn (800×1000) làm khung thật đẹp và trang trọng.

 Anh gọi cho tôi, muốn đem bức tranh tặng Ban LLĐH đấu giá gây quỹ khuyến học. Tôi rất tâm đắc, triệu tập BLL họp bàn.

  Để cho bức tranh thêm phần giá trị, tôi đề nghị anh gởi bức tranh ra lãnh đạo tỉnh qua Hội Khuyến học, xin chữ ký lưu niệm mà tôi đã bàn trước.

 Được chị Nguyễn Thị Thùy Mỵ Chủ tịch Hội hết lòng giúp đỡ.

  Trên viền trắng bức tranh đã có nhiều chữ ký đẹp của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch UBMTTQ, Chủ tịch Hội Khuyến học.

 Khi nhận được bức tranh, chúng tôi chuyển xin chữ ký của GSTS Lê Văn Tự, PGSTS Nguyễn mộng Hùng, TS Lê Tuệ trưởng Ban LLĐH và các Phó ban, cùng một số nhân sĩ, trí thức như ông Trần trọng Tân, GSTS Hồ sĩ Thoãng, nhà giáo ND Trần Chút.

  Nhờ có nhiều chữ ký, nên bức tranh trở nên giá trị. Chúng tôi đem đấu giá vào ngày họp mặt bà con đầu Xuân.

  I) HỌP MẶT XUÂN 2009

   Trong không khí ngày hội đầu năm, với những lời chúc mừng tốt lành, lời thăm hỏi sức khỏe, những cái bắt tay thân thương, những cụ, những bà tươi vui được gặp bà con, bằng hữu.

  Sau nghi thức lễ hội, lời chúc Tết của Trưởng Ban LL, của Lãnh đạo tỉnh, lời chúc thọ, phát học bổng cho SV.

  Trước khi đấu giá, MC mời KTS Hồ Văn Thọ tác giả, giới thiệu về bức tranh, ý nghĩa và mục đích của cuộc đấu giá.

  MC Lễ Ái Vinh, một Giám đốc trẻ, khôn khéo đã làm Hội trường ĐHKTế ấm lên, những cánh tay thân thương của những bà con hảo tâm, doanh nghiệp trẻ có cơ hội bày tỏ lòng mình. 

   Giá khởi điểm bức tranh là 5 triệu. Một Giám đốc trẻ đấu giá 10 triệu. Tình thương bùng phát, những cụ già phấn khởi được con cháu ủng hộ, nhiều cánh tay đưa lên, hội trường vang tiếng vỗ tay.

   Nỗi vui mừng hiện rõ ở khuôn mặt tác giả, của bà con, của BLL, của SV, của Ban Lãnh đạo tỉnh, khi một cụ già ngoài 90 tuổi, tóc bạc phơ đưa tay với giá 20 triệu. Mọi người vỗ tay ngưỡng mộ.

  MC chọn một bài hát hợp với lòng người, làm cho cuộc đấu giá thêm ý nghĩa. MC cho việc đấu giá bức tranh không còn là tiền bạc mà là tình thương dành cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai, không những cho quê hương Quảng Trị mà cả đất nước, dân tộc. Trời trưa, nắng nóng Mc tiếp tục  chương trình đấu giá. Nhiều SV trên tay cầm chiếc Micro.

  Phía cuối Hội trường có một cánh tay của một cô gái trẻ đưa lên, cùng nhịp bước, hòa với tiếng vui mừng cầm chiếc micro mà một SV vừa trao, MC nói lớn, xin cô giới thiệu về mình, cô gái khiêm nhường, chỉ cho biết là một người con Quảng Trị, hiện Giám đốc một công ty kinh doanh về cac mặt hàng điện tử viễn thông, cô xin đấu giá 25 triệu. Tiếng vỗ tay làm cho việc đấu giá thêm ý nghĩa. Cô vừa trao lại Micro, MC chưa kịp cảm ơn cô gái trẻ đầy tâm huyết thì bên trái tôi có tiếng la ó. Một thanh niên đứng lên và xin đấu giá 30 triệu khi chưa kịp nhận Micro.

   Mc cảm ơn anh thanh niên và đề nghị có đôi lời về mình.  Cầm trong tay chiếc Micro, anh cảm động nói : xuất thân là một sinh viên nghèo, tôi được xã hội, nhất là bà con thương yêu, cưu mang đùm bọc, chính tôi cũng đã nhận những món quà mà Đồng hương mang lại. Đây là cơ hội để tôi trả ơn đời, ơn người.

   Lời phát biểu nhẹ nhàng đầy tính nhân văn của một thanh niên trẻ làm Hội trường ấm thêm.

 PGSTS Lê Tuệ lên cảm ơn những tấm lòng của quý cụ, quý bà, của nam nữ trẻ đã cùng chung tay trong sinh hoạt Đồng hương. Có tâm thiện giúp đỡ những cháu nghèo học giỏi, vượt khó, đã tiếp tay cho giới trẻ, trở thành những nhân tài, chính lớp trẻ mới mở được những kho tàng khoa học.

   Đã 11 giờ trưa các nhà hảo tâm, các mạnh Thường Quân, những người con quê hương, ăn nên làm ra, vì tương lai con em mà góp sức vào việc đấu giá.

 Phía phải tôi có một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai đưa tay lên và nói: tôi 40 triệu.

   Cả hội trường như vỡ òa tiếng vui mừng, một lãnh đạo tỉnh đến bắt tay thay bà con cảm ơn tấm lòng của anh.

  Mc muốn kết thúc cuộc đấu giá nhưng Cậu Nguyễn Văn An ngoắt tôi tới và nói nhỏ cho tôi nghe: Cậu thêm 5 triệu,

Và cháu yên chí, nếu ai đấu cao hơn, cậu cũng phải sở hữu bức tranh này.

Không phải vì giá trị bức tranh mà là tấm lòng của cậu.

 MC lên sân khấu và tuyên bố, cụ Nguyễn Văn An: thêm 5 triệu.

  Mc tiếp tục kêu gọi nhưng không còn cánh tay nào đưa lên. Mc đọc 5,4,3,2..1 rồi tuyên bố bức tranh được Cụ Nguyễn Văn An đấu thắng với số tiền 45 triệu.

  Ban LLĐH, ban Tổ chức và ban Lãnh đạo tỉnh lên sân khấu trao bức tranh và bắt tay cụ Nguyễn văn An, nói lời cảm ơn.

   Trưởng ban Tổ chức cảm ơn bà con, khách mời và Ban Lãnh đạo tỉnh.

  Tuyên bố bế mạc cuộc họp mặt.

   Cụ Nguyễn Văn An là một nhân sĩ yêu nước, giàu lòng nhân ái.

 Cụ rời quê, làng Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị ra đi khi tuổi cụ còn rất trẻ. Cuộc đời thăng trầm qua bao cuộc kháng chiến. Cụ đã cưu mang nhiều con cháu, bà con vào TP HCM.

   Tuy tuổi đã cao, nhưng lúc nào Cụ cũng suy nghĩ và hướng về quê hương. Những lần họp mặt bà con Triệu Phong hay Đồng Hương Quảng Trị không lần nào vắng mặt Cụ. Cụ không tiêu xài, chắt chiu, dành tiền giúp đỡ học bổng cho các cháu SV nghèo. Một con người đức độ giàu lòng nhân ái.

 Con cái cụ hầu hết là bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ...làm chủ nhiều công ty như : KTS Nguyễn Q uốc Khanh, GĐ Cty trang trí nội thất AA. PGS TS Nguyễn Ngọc Dung, hiệu trưởng trường Y Phạm Ngọc Thạch.

 Cháu cậu là Nguyễn Khắc Dõ, một SV giỏi, cậu đã cưu mang, nuôi dạy,  được du học ở Mỹ 1974, anh noi gương cậu mình, thường xuyên trở về giúp quê nhà Quảng Trị, xây nhiều trường học, bệnh viện, với chương trình nước sạch, do hội từ thiện DOVER FUND bang Ohio, mà anh là người phụ trách.

   Sau cuộc họp mặt đầu năm, BLL họp mở rộng gồm 28 thành viên để báo cáo tài chính về quỹ Hoạt động ĐH, quỹ Nghĩa trang và quỹ Khuyến học, chương trình sinh hoạt năm tới.

  BLL đánh giá cao về sáng ý đấu giá bức tranh gây quỹ khuyến học.

  Với thành quả này BLL vận động kỷ vật để đấu giá năm tới.

  Anh Trần Đàm, một người con Quảng Trị tâm huyết, anh là Mạnh Thường Quân cho quỹ khuyến học để giúp đỡ các cháu SV nghèo vượt khó.

  Một bước ngoặc cuộc đời, hơn 10 năm vào vòng lao lý, anh vắng bóng lâu ngày. Khi trở về sum họp gia đình anh điện thoại trao đổi, chúng tôi mời anh tham gia BLL, để anh có cơ hội thực hiện tâm nguyện của mình.

  Hưởng ứng lời kêu gọi, anh có một kỷ vật đáng giá: Bức tranh thêu tay "Cầu Hiền Lương". Một bức tranh mà cách đây hơn 15 năm được Lãnh đạo Quảng Trị tặng, ghi công lao mà anh đã đóng góp cho quê nhà, khi còn ăn nên làm ra.

  Cây cầu Bến Hải lịch sử mang dấu ấn một thời đất nước chia đôi. Cây cầu đậm nét trong lòng người dân Quảng Trị.

  Kỷ vật ấy đánh giá  thành quả của gia đình anh. Chúng tôi đem bức tranh chỉnh sửa và làm khung gỗ rất đẹp.

  Nhân dịp tháp tùng "Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TPHCM" ra tặng 60 con bò cho bà con.

   Chúng tôi mang bức tranh nhờ Hội Khuyến học và Lãnh đạo tỉnh ký tên lưu niệm, để đấu giá gây quỹ khuyến học xuân 2010.

  II) HỌP MẶT MỪNG XUÂN 2010.

  Như thường lệ, những ngày sau Tết BLL tổ chức họp mặt để bà con có dịp giao lưu, gặp gỡ, hỏi  thăm sức khỏe, biết ai còn ai mất. Biết tin quê nhà.

  Như mọi năm, không khí họp mặt rất vui, có các cụ già, nhân sĩ, các người con Quảng Trị làm ăn, học tập và làm việc tại thành phố đến dự. Rút kinh nghiệm nhiều năm, chúng tôi tổ chức chậm lại, khi các SV trở lại trường, có thời gian tham gia với bà con.

   Vẫn nghi thức lễ và hội, các lãnh đạo tỉnh phân công về dự, có báo cáo hoạt động, lời chúc Tết của Ban LL và của Lãnh đạo tỉnh, có những thông tin về quê nhà, năm nào có điều kiện BLL có tổ chức ăn nhẹ, có bắt thăm may mắn và đặc biệt có đấu giá bức tranh hay những vật phẩm quý mà bà con tặng để giúp quỹ khuyến học,  có điều kiện giúp Câu LBộ Sinh Viên hoạt động.

    Giây phút vui và ý nghĩa là sản phẩm đấu giá.

    Sau lời giới thiệu, MC đưa cao bức tranh thêu tay "Cầu Bến Hải". Một kỷ vật do gia đình anh Trần Đàm trao tặng

  Một điểm mốc lịch sử chia cắt đất nước, một vết hằn sâu vào lòng dân tộc, sau hận sông Gianh Trịnh Nguyễn phân tranh.

   Năm nay TS Lê Tuệ Trưởng ban LL tặng 70 chai Rượu Sâm banh khai vị và ăn buffet nhẹ. Gia đình anh Trần Đàm tặng lẵng hoa chúc mừng, làm cho buổi họp mặt thêm trang trọng.

 Đặc biệt năm nay có cả Bí thư, Chủ tịch và nhiều lãnh đạo của tỉnh vào tham dự, làm cho buổi họp mặt ấm cúng thân thương.

  Nhà giáo nhân dân Trần Chút, trưởng ban Tổ chức tuyên bố khai mạc. Trong buổi họp mặt lần này phần lớn là trẻ. Sau lời chúc Tết của anh Lê Tuệ, anh Lê Hữu Phúc, Bí thư tỉnh ủy Chúc Tết bà con và báo cáo sơ lược về tình hình đời sống bà con tỉnh nhà.

  Tôi thay mặt BLL báo cáo khuyến học và phát hơn 60 phần trợ cấp học bổng cho các cháu SV nghèo hiếu học.

 Những tràng vỗ tay vang dội khi 2 MC giới thiệu "Bức tranh" đấu giá.

   Giá khởi điểm là 5 triệu. Ngọc Anh con gái rượu của anh Trần Đàm ra giá 10 triệu. Sau lưng Ngọc Anh một cô gái trẻ, giám đốc Công ty Viễn thông Phúc Hải muốn sở hữu bức tranh đấu giá 15 triệu. Hội trường càng lúc càng ấm lên. Phía bên phải Hội trường, có một cụ già tóc bạc vui cười đấu giá 20 triệu. Tiếng vỗ tay kéo dài dành cho cụ Nguyễn Văn An người sở hữu bức tranh đấu giá năm ngoái.

  Ngồi trước Ngọc Anh là bà Trần Đàm, bà quay lưng khều con gái Ngọc Anh  tăng lên 25 triệu.

  Vẫn những tràng vỗ tay, những lời cảm ơn, lời mời gọi lòng hảo tâm, tình thương yêu SV nghèo khó, hiếu học, bà con Đồng hương trải lòng, động viên, khuyến khích lực lượng Trí thức đứng vững ở giảng đường Đại hoc. Chính lực lượng ấy sẽ mở các kho tàng khoa học, và chính tầng lớp ấy sẽ vực dậy nền kinh tế quê nhà.

  Cụ Nguyễn Văn An là người xa quê lúc tuổi đời còn trẻ, qua thân phận của mình, cụ hiểu nổi khó khăn của tầng lớp trẻ, cụ đấu giá 30 triệu.

  Tấm lòng rộng mở    của cụ là sức mạnh, là đòn bẩy, là tấm gương khơi dậy tình yêu thương, lòng nhân ái của thế hệ cha ông. Tiếng vỗ tay của bà con, của  BLL và lãnh đạo tỉnh thay lời cảm ơn và chúc sức khỏe cụ Nguyễn Văn An.

   Sau phần văn nghệ, MC trở lại việc đấu giá. Dưới cùng của hội trường một cô gái còn rất trẻ, cảm xúc tột cùng về lòng nhân ái, của cụ già, mạnh dạn đưa tay lên cao. Tiếng vỗ tay không ngớt, cô đẩy micro ra, cô xin đấu giá 35 triệu.

   Có nhiều thanh niên đấm bàn như một sự ngưỡng mộ cô gái. MC đến bên chị : xin chị cho biết quý danh, cô nói : tôi là một người con Quảng Trị rời quê với một ít kiến thức, với hai bàn tay trắng, chỉ có niềm tin và nghị lực.

  Tôi phải trải qua bao nhọc nhằn gian khó, được nhiều người cưu mang đùm bọc, thành quả mà tôi có ngày hôm nay là do tình người mang lại, tôi có một cơ ngơi tạm ổn, một gia đình nhỏ ấm cúng, những đứa con ngoan, tôi có một món quà nhỏ dành cho quê hương, dành cho thế hệ trẻ đang trên đường đi tới, cô xin phép dấu tên.

  Lời tâm tình của cô gài trẻ làm Hội trường im lặng. Sự im lặng ấy như một lời tri ân. Tôi trân quý và tôn trọng tâm ý của cô dù tôi biết rất rõ về cô.

 MC nghẹn ngào bước lên sân khấu muốn nói những  cảm xúc, lời cảm ơn với cô, thì phía trước một cánh tay đưa cao. Cánh tay của Ngọc Anh.

 Tiếng vỗ tay dồn dập, hội trường nóng trở lại. MC cảm ơn cô gái Quảng Trị dấu tên rồi xuống gần con gái rượu của anh chị Trần Đàm.

  Ngọc Anh tâm sự:

  Bức tranh đem đấu giá hôm nay là kỷ vật của gia đình cô và đó là niềm kiêu hãnh mà cha cô có được. Cha cô muốn san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình với mọi người, đồng thời kêu gọi mọi người cùng cha cô tạo điều kiện chung tay, góp sức, giúp các em nghèo hiếu học quê nhà Quảng Trị.

  Là một nhà kinh doanh trẻ, cô tự hào cha mình đã có nhiều công lao đóng góp cho quê hương.

 Tâm thiện của cha là đem kỷ vật chia sẻ niềm vui với mọi người. Có thể ai đó muốn sở hữu bức tranh, nhưng cô quyết tâm không để người khác sở hữu tài sản quý giá ấy, mà chính cô phải sở hữu nó.

 Cô muốn phần thắng để đem bức tranh trở lại gia đình, dù bức tranh có giá cao gấp vài lần mà cô tâm nguyện.

 Chính đồng tiền cô bỏ ra sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho thế hệ trẻ.

  Câu nói đầy cảm xúc, đầy nhân nghĩa, đạo hiếu của Ngọc Anh, người con gái trẻ thành đạt của anh Trần Đàm.

  Việc làm ấy, nghĩa cử ấy cũng làm ấm lòng cha mình và thể hiện lòng nhân ái của người con núi Mai sông Hãn, vùng đất địa linh nhân kiệt.

  

  Sau nhiều lần MC kêu gọi. Trời gần trưa MC đếm ngược 10 tiếng 10,9,8,7... Không còn cánh tay nào đưa lên. MC tuyên bố Ngọc Anh thắng cuộc với giá 40 triệu. Ban tổ chức, Ban LL, Ban lãnh đạo Tỉnh trao bức tranh cho Ngọc Anh và lời cảm ơn của Ban Tổ chức.

  TP HCM ngày 8/3/2010.

  Phó thường trực BLLĐHQT tại TPHCM.                 

                Võ Văn Cẩm.

READ MORE - CÂU CHUYỆN "NHỮNG BỨC TRANH ĐẤU GIÁ" GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC CHO CÂU LẠC BỘ SINH VIÊN QUẢNG TRỊ - Võ Văn Cẩm

MỜI RƯỢU – Thơ Trần Mai Ngân


 

 
MỜI RƯỢU
 
Mời mình chung rượu đêm nay
Đắng cay cùng uống cho say mình à...
Mối tình thơ ấu đã già
Đi qua năm tháng vẫn là còn nhau
 
Mình à! Đất thấp trời cao
Đôi ta giờ lại làm sao nỗi này
Khóc cười cũng lắm cũng tày
Khoảng cách đo đủ gang tay là cùng...
 
Mà sao xa vắng mịt mùng
Như hai chiếc bóng thắp chung đêm dài
Mình à! Ta uống cho say
Rượu hề sẽ dỗ những ngày ẩm ương...
 
Hôm nay rượu nói rằng thương
Vừa thương vừa giận đoạn trường đi qua
Mình ơi! Mắt nhạt mắt nhoà
Tôi say... nước mắt loà xoà ướt môi
 
Mời mình chung rượu mỗi tôi
Đêm nay chếnh choáng để ngồi cạnh nhau
Trái tim cuồng vọng vết đau
Những viên thuốc trắng nhiệm mầu cứu tôi!
 
Trần Mai Ngân

READ MORE - MỜI RƯỢU – Thơ Trần Mai Ngân