Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 14, 2013

Linh Đàn giới thiệu TỰ SỰ - Thơ lục bát nguyên tác chữ Nôm của Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC

Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc


Linh Đàn kính giới thiệu:

TỰ SỰ
Thơ Lục Bát nguyên tác Chữ Nôm
của Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC  
(Xin bấm vào tên có liên kết để đọc thêm về Trần Đình Túc)



Nay mừng Năm cũ đã qua
Thung dung mới kể Nôm na vài lời
Đã sinh ra đứng làm trai
Ở sao cho xứng những lời dạy khuyên
Tam xuân tất cả chưa đền
Mười ân đã mất ba nguyền lại vương
Tình kia hiếu nọ đôi đường
Ơn bằng trời đất nghĩa dường núi sông
Tội riêng như đá chất chồng
Niềm chung nghĩ đến hãi hung xiết bao
Thung đường tuổi hạc càng cao
Mười đời trâm hốt (a) quang hào hiển vinh
Đôi phen trọng trấn Long Thành (Hà Nội)
Nhờ ơn Chín Bệ (b) thỏa tình bốn phương
Thỉnh hữu lũy sớ liên chương
Chín Tầng (b) trên cũng rộng thương Tôi già
Từ Thành thị, giã phồn hoa
Tạ Nùng Sơn, biệt Nhị Hà lui xe
Từ đây gió huệ đưa che
Làng nhà hơn tháng phút về đến nơi
Người tiếp rước kẻ khuyên mời
Những câu thanh cát những lời hàn huyên
Tiệc nầy thân thích dưới trên
Chỉ Xuân Kinh (c) lại tách miền xa xăm
Đồng liêu tay bắt tay cầm
Chen vai hàng lệ sang sân lạy quỳ
Chờ cho muôn đội hàng uy
Tăng gia phẩm cấp sử ghi tiếng vàng
Cát nhân thiên tướng Ngự ban
Nóc mưu đầu đội thanh nhàn chân lui
Bàn Môn cây cỏ đua tươi
Trăng Hương Bình gió Ứng Đôi đón chào
Mừng mừng rở rở xinh sao
Chắt reo trong dánh, cháu chào ngoài sân
Thảnh thơi bỏ lúc phong trần
Vườn Xuân một thuở - bản Xuân muôn ngày
Cầm đàn cầm độ đưa tay
Tiệc vui Thôn Ấp, lộc đầy đỉnh chung
“Một đời được mấy anh hùng”
Kìa nhà Bùi Độ (d) - nọ cung Hàn Kỳ (e)
Nền văn học món cầm thi
Trước so Văn Cử (f)- sau bì Tạ An (g)
Cổ nhân vầy tiệc truy hoan
Đàn thông phách suối tơ vàng thảnh thơi
Công tu cùng nặng hai vai
Anh khen em hiểu em thời anh trung
Bút nghiên về với xóm làng
Sớm hôm cần mẫn điểm trang ruộng đồng
Bạn bè cùng với lão nông
Đào sông ngăn đập thỏa lòng bấy nay
Dạy con cháu - nhắc tớ đầy
Đứa chèn hói nọ, đứa cày ruộng kia
Tiếng chim thánh thót quanh hè
Cá tung tăng nhảy dưới khe lững lờ
La Ông lụm cụm chào thưa (Ông Lão Họ La trong làng)
Ruộng xưa ta đắp bây giờ đã nên
Hơn năm trăm mẫu thành điền
Công dân mọn mọn, nhờ quyền cao cao
Xin dâng dưỡng lão chốn nào
Kẻo lòng trên dưới ước ao những ngày
Biết tình cố cựu xưa nay
Ơn Vua ban cấp lộc đầy chung thân (h)
Chi phiền của lính công dân
Lãnh phần ruộng ấy xin dâng lại Làng.
Hội Xuân mát mẻ vừa sang
Trúc reo tiếng hát đào ran giọng cười
Nước Hương Bình vẫn trôi xuôi
Cá tôm luống những đượm mùi quê hương
Tóc râu ngoài độ điểm sương
Phơ phơ đầu bạc sắp sang bát tuần
Hỏi ai còn mấy mùa xuân
Hỏi duyên kỳ ngộ Châu Trần mấy khi
Lao nhân trời đã dành chia
Ngữa nghiêng với sách mệt mề theo bông
Duyên cá nước - hội mây rồng
Phút đâu lại thấy tơ lòng dục đôn (i)
Một lời dặn khắp cháu con
Guốc tre gác lại cửa son bước vào (k)
Quên mình ra vẻ trâm đào
Ngập ngừng bước thấp bước cao lạy quỳ
Lệnh truyền đâu dám suy bì
Bắc Nam là phận truy tùy đã quen
ChínTầng đã nhớ đến tên
Một lòng xin quyết muôn truyền họa may
Hỏa cơ thuyền khói xa bay
Theo chân một trẻ vài ngày đến nơi
Công đường gươm dáo sáng ngời
Bốn phương súng đạn một trời lầm than
Cờ Đen Vỉnh Phúc kéo sang (l)
Áo ào gió thổi bụi đường chiến chinh
Thương thay vận nước dân mình
Đông Tây hai ngả hảm thành Thăng Long
Đòi phen lưỡng Hổ tranh hùng
Thứ dân vô tội, Hoàng ung rối bời
Triều Thần còn chỉ một hai
Phụng vâng Chiếu, đơn sai đàm nào
Nghĩ mình Khâm mạng trời cao
Trong cơn nước lửa liệu sao vuông tròn
Thương người lòng dạ sắt son
Cổ thành tuẩn tiết sữ còn lưu danh
Luân hồi sanh tử tử sanh
Phận mình đâu trót dân tình sao đây?
Quân Tàu hạ sát tướng Tây
Trên Ô Cầu Giấy máu đầ thịt phơi (l)
Một mình chống chọi đôi nơi
Là đem dân chúng chôn vùi thảm thê
Thiệt hơn phải chịu một bề
Cửu trùng đã có châu phê nghị hòa
Nước nhà khỏi bước phong ba
Thanh bình cho đỡ phiền hà lê dân
Bắc Hà giao lại quan quân
 Kinh kỳ trở gót, trước sân lạy quỳ
Vua ban “Xữ thế tùy nghi”
Lão lai tài tận xin về cố hương
Hồ Sơn ngào ngạt đua hương
Sữ xanh ghi lại mấy chương tâm tình
Nợ nần từ buổi thư sinh
Trân cam từ buổi tóc xanh đã từng
Đỉnh chung đâu dám phụ lòng
Điền viên ui thú Ngư Ông tháng ngày
Rôi đây thế cuộc vần xoay
Một lòng chung thủy dở hay khôn lường
Đời người có lúc sang trang
Chuyện đời còn mãi rõ ràng trước sau
Dặn dò con cháu đôi câu
Hiếu trung tiết hạnh khắc sâu trong lòng./.

                             TRẦN ĐÌNH TÚC
Ghi chú:

a) Trâm Hốt  =  Cái trâm cài đầu, và cái hốt câm tay, người quyền quý, - ngày xưa thi đậu tiến sĩ  hay làm đến Dường quan mới có trâm hốt (Hán Việt Từ Diển - Đào Duy Anh)
b) Chín bệ, chín tầng = Cửu Trùng là vua
c) Xuân Kinh  =  Kinh Thành Phú Xuân = là Huế. 
d) Bùi Độ (765-839) tự Trung Lập, người Văn Hy, Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên, được bổ làm Giám sát ngự sử, sau được thăng làm Ngự sử trung thừa rồi làm đến chức Tể tướng. Năm Nguyên Hoà thứ 12 (817), Ngô Nguyên Tế chiếm giữ Thái Châu (Hoài Tây) nổi loạn chống triều đình. Tháng bảy, ông được phong làm Hoài Tây tuyên uý chiêu thảo sứ đi đánh dẹp. Sau khi dẹp được loạn, ông được phong tước Tấn quốc công, về sau hoạn quan chuyên quyền, ông từ quan về ở Lạc Dương. Khi mất, ông được phong thuỵ là Văn Trung. Trong "Toàn Đường thi" hiện còn mười tám bài thơ của ông.
e) + f) chưa tim ra điển tích
(g) Vương Thản Chi Tạ An = Đời Tấn (265-420) là một nhà thế phiệt trâm anh, lúc thư nhàn thường hay chở rượu đến Đông Sơn  cùng các kỵ nữ hòa nhạc vui chơi, lúc hưng thịnh chim én về làm tổ đầy nhà, lúc suy vong chim én bay đi hết, để phân biệt người sang kẻ hèn Vương, Tạ thường mặc áo đen, nên người đời nói cửa ngỏ của Vương, Tạ là "Ô -Y hạng"=là hẻm áo đen, sau nầy có bài thơ Ô -Y - Hạng của Lưu Vũ Tích
Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia.
h) Cấp ruộng đất để làm hưu bổng đến hết đời. nhưng rộng đất ấy Ông đem chia cho dân làng.
i) Dục Đôn = Tiếng Việt cổ =cõi lòng thấy thúc dục, và đôn đốc hối hả.
k) Đoạn nầy tác giả tả lúc hồi hưu ở Bàn Môn, tỉnh Thừa Thiên, nhưng vua triệu hồi nhân lệnh mới
L) Lưu Vĩnh Phúc theo Bách Khoa Toàn Thư (Xin bấm vào tên có liên kết để đọc thêm về Lưu vĩnh Phúc)
READ MORE - Linh Đàn giới thiệu TỰ SỰ - Thơ lục bát nguyên tác chữ Nôm của Hiệp Biện Đại Học Sĩ TRẦN ĐÌNH TÚC

Ngọc Tình - HÃY QUÊN

Ngọc Tình


                     Tặng em ĐL

Hãy quên đi khi gió đùa mây mãi
Hoa mướp vàng vẫn bên dậu nhà ai
Sông ngâu kia ở mãi tận trời cao
Cầu ô thước nối đôi bờ tháng bẩy

Không còn bóng vì hoàng hôn đã tắt
Con đường xưa trăng sao chẳng hiện ra
Đêm tối đen cao thấp bước chân qua
Không uống rượu mà thân em nghiêng ngả

Ta có yêu nhưng duyên gieo thì hỏng
Đàn rung lên mà lỗi nhịp vì sao?
Tơ không kết, trăng không hẹn khi nào
Người ơi người khi tình ai đã nhạt

Quả đất tròn sẽ có ngày gặp lại
Không làm lơ lòng tràn đầy thân ái
Em gái ơi tay nắm chặt bàn tay
Hoa hồng thơm vẫn tỏa ngát mỗi ngày.

TN 12-4-2012
Ngọc Tình
READ MORE - Ngọc Tình - HÃY QUÊN

Trần Thị Quỳnh Hoa - KIẾP PHÙ DU

Quỳnh Hoa











Đường dài mới biết ngựa hay
Lòng người muốn rõ đợi ngày mà thôi
Kiếp người trót đã nhận rồi
Cũng xin được trả ơn đời cưu mang
Dầu ai ngang trái bẽ bàng
Giữ câu nhân nghĩa ngàn vàng không phai

Vui cùng nắng sớm, sương mai
Tạm quên ngày tháng, đường dài đa đoan

Gom bao đau khổ trần gian
Thả theo mây gió cho nhàn thân ta
Đời là một cõi phù hoa
Người là con rối, nghĩ mà chán chê
Nhớ câu “sống gửi, thác về"
Rồi trong chung cuộc cũng  bề tay không

Sống sao cho nhẹ cõi lòng
Trung dung tự tại thong dong một đời

TT. Quỳnh Hoa

READ MORE - Trần Thị Quỳnh Hoa - KIẾP PHÙ DU

Châu Thạch - Đọc bài thơ “RU NGƯỜI TÌNH NGỦ” của NGUYỄN VĂN TÀI

 Nguyễn Văn Tài và Ngã Du Tử


RU NGƯỜI TÌNH NGỦ

Giữa cơn bát nháo cuộc đời
Ta ru em ngủ bằng lời trái tim
Ầu ơ ! bảy nổi ba chìm
Bao giông tố vẫn còn đêm tương phùng.

Dịu dàng chăn ấm đắp chung
Cho em quên những lạnh lùng thế nhân
Vai ta từ độ phong trần
Cho em tựa giấc hồng nhan lạc loài.  

Giữa mông lung của đêm dài
Ôi ! long lanh một hình hài vẹn nguyên
Nửa phàm tục, nửa thần tiên
Tơ duyên bèo bọt mà thiêng liêng tình.  

Ngủ đi ! Mình của hai mình
Lời ru ta nguyện đón bình minh lên
Lời ru ta dẫu không tên
Cũng mong tan hết vào em đêm nầy.                                                                    
 
Tây Ninh 4.2013
NGUYỄN VĂN TÀI


Lời bình: Châu Thạch

Lâu quá không đọc được thơ Nguyễn Văn Tài. Tình cờ đọc được “Ru người tình ngủ” của nhà thơ trên trang web phongdiep.net, tôi có cảm tưởng như mình gặp lại bạn xưa. Tôi không biết “Ru người tình ngủ” là một bài thơ Nguyễn Văn Tài hư cấu hay là sự thật, nhưng mà, chẳng người đàn ông nào không mơ ước cái cảnh mê ly kia. Đọc bốn câu thơ mở đầu, không hiểu vì sao tôi cứ liên tưởng đến một cơn bão vừa đi qua, cây đổ nhà xiêu nhưng bầu trời trở nên trong veo và êm ả :
               
Giữa cơn bát nháo cuộc đời
Ta ru em ngủ bằng lời trái tim
Ầu ơ ! bảy nổi ba chìm
Bao giông tố vẫn còn đêm tương phùng.

Quả thật sự liên tưởng của tôi không sai mấy, vì được ru em giữa cơn bát nháo cuộc đời, giữa bảy nổi ba chìm thì thời gian lúc ấy có khác chi bầu trời sau cơn giông bão kia đâu.
Vì sao tác giả ru em ngủ bằng lời trái tim?  Lời trái tim có nghĩa là không có lời gì cả mà chỉ có sự rung động trong tim anh và sự đồng cảm giữa hai người. Bốn câu thơ giới thiệu một khung cảnh đoàn tụ “Như không hề có cuộc chia ly” thật là đằm thắm và chắc có lẽ vô vàn sự ngọt ngào mà không cặp tình nhân nào còn nhớ nhau, không mơ ước một lần có lại.

Qua vế thứ nhì của bài thơ, tác giả đưa vai làm người hùng để che chở cho em nhưng thật ra qua thơ, không ai không thấy rõ rằng, chính chàng đang tìm ở nàng niềm an ủi vô  biên:

Dịu dàng chăn ấm đắp chung
Cho em quên những lạnh lùng thế nhân
Vai ta từ độ phong trần
Cho em tựa giấc hồng nhan lạc loài.

Dịu dàng đắp chăn ủ nàng trong hơi ấm, lấy đôi vai phong trần của mình làm điểm tựa cho em gối đầu mà  ngủ, chẳng qua cũng giống như hai con thuyền tựa nhau trôi giạt sau nhiều ngày lênh đênh trong bão táp.

Với bốn câu thơ nầy tác giả làm người độ lượng, làm một mái nhà, làm một chiếc phao êm ái, nhưng thật ra con người, ngôi nhà hay chiếc phao kia đã hoang tàn vì năm tháng, bây giờ ấm lên vì khách xưa viếng lại chốn xưa. Đọc bốn câu thơ ta thấy lòng ta cũng ấm như chính ta được đắp chăn, được tựa vai người mà ngủ.

Khổ thứ ba giống như hai câu luận của một bài thơ Đường, tác giả giải rộng ra để người đọc hiểu sâu hơn tâm trạng của người trong cuộc giữa đêm dài kề cận bên nhau, sau nhiều tháng năm xa cách, chịu bao nhiều vùi dập của cuộc đời:

Giữa mông lung của đêm dài
Ôi ! long lanh một hình hài vẹn nguyên
Nửa phàm tục, nửa thần tiên
Tơ  duyên bèo bọt mà thiêng liêng tình.

-“Nửa phàm tục, nửa phần tiên”: Có lẽ nàng là tục đối với đời vì là “hồng nhan lạc loài” nhưng vẫn là tiên đối với người thi sĩ vì nàng vẫn “Long lanh một hình hài vẹn nguyên”. Cái hình hài vẹn nguyên vừa tục vừa tiên đó đã mang đi cuộc tình làm cho tơ duyên bèo bọt, mà nhờ đó nên bây giờ mới hóa thiêng liêng. Ôi chao, nếu nàng không bóp nát ra cho thành bèo bọt thì biết đâu đã trở thành như rơm rác lâu rồi.

Tội nghiệp cho Nguyễn Văn Tài, anh luôn luôn có một niềm hy vọng, tin tưởng vào nhân thế, tin tưởng vào cuộc đời nên vế chót của “Ru người tình xưa” có hậu vô cùng:
                  
Ngủ đi ! Mình của hai mình
Lời ru ta nguyện đón bình minh lên
Lời ru ta dẫu không tên
Cũng mong tan hết vào em đêm nầy.

Với tôi, tôi nghĩ rằng thà bình minh đừng lên và hai người ôm nhau chết trong đêm thì bài thơ sẽ làm cho nhiều người rơi lệ, nhưng như thế thì ác quá phải không? Và như thế thì đâu phải thơ Nguyễn Văn Tài.

Đà Nẵng tháng 4.2013
CHÂU THẠCH
READ MORE - Châu Thạch - Đọc bài thơ “RU NGƯỜI TÌNH NGỦ” của NGUYỄN VĂN TÀI

Tường Vi - CÓ MỘT BẢN DỊCH MỚI “TRUNG THÀNH” VỚI “HOÀNG HẠC LÂU, TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG" CỦA LÝ BẠCH

Lê Thiên Minh Khoa


Đã đăng trên:
Tuần san TÀI HOA TRẺ số 396, 30.11.2005
Tạp chí VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI, tháng 6.2002

    Bài thơ "Hoàng Hạc lâu, tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Lý Bạch từ nhiều năm nay được đưa vào chương trình văn học lớp 10 PT với bản dịch theo thể lục bát của nhà văn nổi tiếng, nhà Hán học uyên thâm Ngô Tất Tố (NTT). Bài thơ còn được nhiều bậc thâm nho dịch, trong đó có bản của Trần Trọng San, nhưng do dịch giả mới, Lê Thiên Minh Khoa (LTMK), một thầy giáo dạy văn, lại là một nhà thơ, biết thừa kế bản dịch của những người đi trước, hơn nữa lại dịch theo thể Đường luật thất ngôn tứ tuyệt và nhạy cảm với những “chữ thần”, những chỗ phá niêm luật trong thơ Lý Bạch phóng khoáng, nên bản dịch này lột tả được tình, ý trong nguyên tác và sát hợp với phong cách nghệ thuật của Lý Bạch.Vì gần với nguyên tác hơn nên nó đuợc thầy cô một số trường ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ sử dụng khi giảng dạy, nay được in trong tập thơ “Thị Trấn Tôi” của Lê Thiên Minh Khoa (NXB Thanh niên-2002). Xin giới thiệu cùng bạn đọc, thầy cô dạy văn và các em học sinh và xin mạn phép được bàn thêm về cái hay, cái đẹp, cái “trung thành” trong bản dịch mới.     
  

Nguyên tác:




Phiên âm:

Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
                                                                        Lý Bạch.
           Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
           Yên hoa tam nguyệt há Dương châu
           Cô phàm viễn ảnh bích không tận
           Duy kiến Trường giang thiên tế lưu.

Bản dịch mới của Lê Thiên Minh Khoa:

LẦU HOÀNG HẠC tiễn MẠNH HẠO NHIÊN đi QUẢNG LĂNG
 
Cố nhân xa lầu Hoàng Hạc rồi
Tháng ba hoa khói Dương Châu xuôi
Buồm đơn xa khuất bầu không biếc
Chỉ thấy Trường Giang hút cuối trời.

    Câu 1, phiên âm là “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu” (dịch nghĩa: Bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc, ở phía tây - Ngô Tất Tố  dịch: Bạn từ lầu hạc lên đường). Bản dịch của LTMK: “Cố nhân xa lầu Hoàng Hạc rồi” giữ lại được 2 cụm từ “Hoàng Hạc lâu” và "cố nhân" mang sắc thái cổ điển của nguyên tác: “cố nhân” không chỉ là “bạn cũ” mà còn là bạn thân, tri kỉ đồng điệu… Giữa Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên có chênh nhau về tuổi tác nhưng hoàn cảnh và tâm sự giống nhau, nên trong phút chia tay “cố nhân”, nhà thơ quyến luyến nhớ thương bạn. Câu thơ dịch còn giữ lại sự phá cách niêm luật nghiêm nhặt trong thơ Đường luật của Lý Bạch (chữ thứ hai lẽ ra phải trắc thay vì bằng như nhà thơ đã dùng: “nhân”). Hai từ “xa” và “rồi” biểu hiện được tinh tế một tình cảm kín đáo ẩn chứa trong câu nguyên tác, đó là tình bạn lưu luyến, nỗi buồn thuơng, nhớ tiếc của nhà thơ khi chia ly tiễn biệt “cố nhân”…

    Câu 2 trong nguyên văn: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” (Xuôi xuống Dương Châu giữa tháng ba hoa khói - Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng- NTT). Câu thơ dịch của LTMK: "Tháng ba hoa khói Dương Châu xuôi”, chữ nghĩa không thừa, không thiếu: "tháng ba hoa khói” vừa đủ để gây ấn tượng về thời gian, không gian đượm buồn của buổi chia tay.

    Tuy nhiên, phải nói rằng đến hai câu cuối mới bộc lộ hết nét tài hoa và tình bạn nồng đượm, thiết tha, cảm động của Lý Bạch trong buổi tiễn đưa không có giọt lệ bỡi lối "tả cảnh ngụ tình” của thi tiên và cũng chính ở đây mới thể hiện rõ sự đón nhận, thâm nhập tác phẩm một cách sáng tạo và cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế cũng như tâm hồn đồng điệu, nhạy cảm thẩm mỹ của người dịch.

    Câu 3: "Cô phàm viễn ảnh bích không tận” (Bóng cánh buồm lẻ loi xa xăm lẫn trong khoảng không xanh biếc - Bóng buồm đã khuất bầu không-NTT). Câu thơ có 4 "nhãn tự”: "cô”, "viễn”, "bích” và “tận” có dung lượng rất cao mà thông thường một câu thơ dịch không hàm chứa nổi, chỉ nói riêng chữ “cô” ở câu nầy, xưa nay mấy ai dịch đạt (cũng khó dịch như chữ “cô” trong bài “Mộ”của Hồ Chí Minh vậy: Cô vân mạn mạn độ thiên không). LTMK đã “gói ghém” được cả 4 “chữ thần” nầy vào một câu thơ quốc ngữ: "Buồm đơn xa khuất bầu không biếc”, đặc biệt, dùng được chữ “đơn” để dịch chữ “cô” trong "cô phàm” thì quá hay, quá giỏi. Trong tiếng Việt, từ “đơn”có nhiều hàm nghĩa: mỏng (áo đơn, áo kép), lẻ loi, cô đơn (chăn đơn, gối chiếc)…, ở đây nó được hiểu theo nghĩa thứ 2: "buồm đơn” là cánh buồm lẻ loi, cô đơn…

    Câu kết trong nguyên bản: "Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” (Chỉ thấy Trường Giang chảy miệt bên trời - Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời - NTT). Bản dịch mới: “Chỉ thấy Trường Giang hút cuối trời” rất chuẩn, lột tả được tinh thần của nguyên văn, nhất là chữ “hút”có nét riêng, mới lạ gợi tả dòng sông Trường Giang vô tận chảy miệt bên trời.

Có thể nói, đây là bản dịch đạt nhất, hay nhất, “trung thành” nhất của “Hoàng Hạc lâu, tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, tính cho đến nay.

TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2002.
Tường Vi


PHỤ LỤC:

Một số  bản dịch trước đây:
  
LẦU HOÀNG HẠC tiễn MẠNH HẠO NHIÊN đi QUẢNG LĂNG

Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau
                     Trần Trọng San dịch

Xuôi Dương Châu bỏ tây Hoàng Hạc                      
Tháng ba mây lũ lại xuôi ơi                                     
Buồm đơn bóng tít bầu xanh thẳm                            
Chỉ thấy dài sông chảy mãi thôi.                        
                     Hữu Loan dịch                          

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng
Cánh buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy giòng sông bên trời.
                       Ngô Tất Tố dịch
 
Từ tây lầu Hạc - người xa
Tháng ba hoa khói xuôi nhòa Dương Châu
Chấm buồm hút thẳm xanh sâu
Thấy Trường Giang vắt ngang bầu trời trôi
                       Trương Nam Hương dịch


ĐỌC THÊM :

PHỎNG VẤN  Lê Thiên Minh Khoa về bản dịch  bài thơ “HOÀNG HẠC LÂU, tống MẠNH HẠO NHIÊN chi QUẢNG LĂNG“ của Lý Bạch -  Nguyễn Bá Hoàn thực hiện.

Trích trong các tác phẩm:
- Người và Việc: Những người nổi tiếng (NXB Hội Nhà Văn, 2006,từ trang 70-107 và từ 257-262).
- Người và Việc: Cánh buồm ngược gió (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008 , từ trang 289-327)

Nguyễn Bá Hoàn : Thị xã Bà Rịa chiều cuối tuần, trời mưa lất phất. Tôi ngồi đối diện với nhà thơ, nhà giáo ấy trong một quán cà phê cóc cạnh Nhà Tròn Bà Rịa, có “én liệng đầy trời” quanh di tích lịch sử quốc gia. Chiều xuống, tôi vừa “nhìn tất cả cuộc đời xuôi ngược lướt qua bên”, vừa nghe anh đọc “nhỏ nhẻ như câu tâm tình” bài thơ “Thị trấn tôi” của anh, vừa nhớ ray rứt cái thị xã quê tôi và nghe anh nói: “Tôi sống đất này tính ra đã 2/3 đời người. BR-VT là quê hương thứ hai của tôi”... 

PV: Anh có một bài thơ dịch được nhiều thầy giáo sử dụng khi giảng dạy vào học lớp 10: “Hoàng Hạc Lâm Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng” (*) của Lý Bạch . Cái gì khiến anh “dám” dịch lại bài thơ này trong trước đây nhiều cây đại thụ trong vườn nho học như Ngô tất Tố, Trần Trọng San… đã từng dịch nó?

LTMK: Cũng do chuyên môn dạy học cả thôi. Khi dạy bài thơ này theo bản dịch trong sách giáo khoa, khó khăn là phải đối chiếu với nguyên văn từng chữ, từng câu mới lột tả được tinh thần của nguyên tác. Vì vậy, tôi thử tìm tòi, tra cứu… để dịch bài thơ sao cho “trung thành” với nguyên tác hơn hầu dễ dạy hơn và học sinh dễ hiểu, cảm tác phẩm hơn… Ai ngờ nó lại được một số đồng nghiệp trong tỉnh sử dụng. Cách đây 5 năm, bản dịch được Tường Vi giới thiệu trên chuyên mục “Văn Học Trong Nhà Trường”của Báo Văn Nghệ Đồng Nai thì lại thêm nhiều thầy cô biết đến. Năm rồi, nó lại được giới thiệu lại trên tuần san Tài Hoa Trẻ (Bộ GD-ĐT) cũng trong mục “Văn Học Trong Nhà Trường” nên được phổ biến rộng rãi hơn. Nhờ đó, tôi nhận được nhiều thư của các thầy cô giáo dạy văn và một số nhà nghiên cứu trong nước gửi thư đến để bày tỏ bày ý kiến…

PV: Có ý kiến nào phản đối không?

LTMK: Rất may là toàn những ý kiến “đồng thuận”. Xin nói thêm là, khi Tường Vi hỏi tôi về bài thơ để viết bài giới thiệu trên báo, tôi đã dặn trước với Tường Vi là: có thể khen, chê bản dịch của tôi, nhưng đừng “đụng chạm” đến người đi trước. Rất may là trong bài giới thiệu Tường Vi giữ đúng lời hứa và anh còn viết rằng: “Lê Thiên Minh Khoa biết thừa kế bản dịch của những người đi trước …”, nên đỡ cho tôi lắm…

PV: Anh còn dịch thơ phương Tây ra tiếng Việt?

LTMK: Cũng thỉnh thoảng thôi, nhưng mà tôi dịch qua bản tiếng Anh những bài thơ có cái từ hay. Thơ của các nhà thơ lơn phương Tây thường có các từ rất hay, rất độc đáo, cái làm nên thơ hiện đại. Do ngôn ngữ bất đồng và thở thơ khác nhau nên theo tôi, dịch thơ phương Tây chủ yếu là nắm bắt cho được cấu từ và tình ý trong bài thơ. Xin được khoe với anh bài thơ “Em yêu mùa xuân” tôi dịch của Sandor Petofi, một nhà thơ lớn của Hungari, một bài thơ có cấu từ rất đặc sắc: “Em Yêu Mùa Xuân”:

“Em thì yêu mùa xuân
Anh thì yêu mùa thu
Nên em là mùa xuân
Còn anh là mùa thu

Trên má em, mùa xuân
Hé nở tựa hoa hồng
Lờ đờ trong mắt anh
Xám xịt mặt trời thu

Anh chỉ còn một bước
Còn một bước nữa thôi
Gặp mùa động lạnh ngắt
Rình rập anh lâu rồi

Em bước lên phía trước
Anh lùi lại phía sau
Chúng mình sẽ gặp nhau
Giữa mùa hè nồng cháy”.
             
                 Nguyễn Bá Hoàn
READ MORE - Tường Vi - CÓ MỘT BẢN DỊCH MỚI “TRUNG THÀNH” VỚI “HOÀNG HẠC LÂU, TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG" CỦA LÝ BẠCH

Thơ Trúc Thanh Tâm - CHUYỆN CỔ TÍCH - CHUYỆN NHƯ ĐÙA



CHUYỆN CỔ TÍCH
 
Trệt xuống đất cho mát trời ông địa
Nước mắt quê hương uống thét phát ghiền
Mấy thằng nam đừng chơi gian lận
Lót long đền, phái nữ họ ghen!
 
Món dân dã, lai rai tới bến
Đâu ở đâu, lại giống xứ mình
Trước khi chết còn xuống câu vọng cổ
Bạn ta cười, vỗ vế, y kinh!
 
Mấy bà bạn trông còn được đại
Lâu ngày giờ như thấy hồi xuân
Mấy cha cứ đèo bồng, phát ớn
Nước nôi gì mà cứ phân vân!
 
Cạn ly đi để nhớ hồi con nít
Chơi nhà chòi cùng rủ tắm mưa
Của thượng đế cho thì cứ nhận
Ai nhớ quên cũng tới bây giờ!
 
Nhỏ nhiết gì, thân ai nấy giữ
Nhắc làm chi quá khứ, thêm thèm
Nghèo, giàu gì cũng thời có số
Cục đất không còn mà để chọi chim!
 
Quên tuổi trẻ để sống vì tuổi trẻ
Suôi gia rồi sống hết đời đi
Người dưng cả, đừng chơi kê tán
Lỡ có ai lén thấy, phân bì!
 
Bạn bè cũ gặp nhau quá đã
Vui thật tình nghĩ chi tới trăm năm
Đồ nhấm nháp còn nằm chương ướng
Sao mấy cha lại muốn ăn năn!
 
Mấy chục năm, biết trên biết dưới
Có chìm xuồng cũng hú hí cho vui
Hương một thuở nghe còn thơm phức
Nhầm nhò gì, chuyện cổ tích, trời ơi!

  Thềm xuân 2013
  TRÚC THANH TÂM



CHUYỆN NHƯ ĐÙA
 
Ta đã chết mà như không chết
Hồn vẫn còn quanh quẩn trần gian
Bởi địa ngục không còn chỗ trống
Và phía kia, khóa cửa thiên đàng!
 
Nghĩ mà thương những thằng bạc số
Sống trên đời chẳng có xác thân
Nghĩ mà tủi những lời hoa mỹ
Núp sau lưng mua bán quỷ thần!
 
Ta trở lại căn nhà từ biệt
Người thân vui, hồn cũng đỡ buồn
Vừa chạy được lá bùa hóa kiếp
Ghé Sài Gòn, ăn mì gõ đêm hôm!

Ở mọi miền, chợ đêm đâu cũng có
Chỗ bán thức ăn, chỗ bán nước, tuyệt vời
Đèn lấp lánh treo đời phù phiếm
Ta thấy mình sét đánh một lằn roi!

Chốn nhộn nhịp và những nơi mạt rệp
Cũng đèn dầu, cũng đấu đá, nhà xiu
Ba, bảy chục năm may mà được sống
Nghe quốc gọi bầy, bìm bịp lại kêu!

Ta đã biết đời là bến tạm
Bốn ngàn năm, gang tấc có gì xa
Những xác chết đã giữ yên bờ cõi
Hồn hóa thành cầu nối tới Trường  Sa!

Trăng hí hởn thả mình trên biển
Nào biết nỗi đau khi sóng vỡ tràn bờ
Ngủ một giấc cho thấy còn sáng suốt
Biết bạn, biết thù, biết rõ những ngu ngơ!
 
Sáng ra chợ, lựa vĩa hè gió mát
Trải chiếu ra, bày bán thuốc trường sinh
Khui một chai thuốc sâu cực mạnh
Ực một hơi, chẳng chút rùng mình!
 
Người chung quanh, ồ lên nhăn mặt
Sao ông ngu, uống thứ chết người
Tôi đã uống thuốc trường sinh trước đó
Chứng tỏ mình bán thật thuốc hay!
 
Người ủng hộ ngày càng đông đúc
Như tôm tươi, mặc sức đếm tiền
Chỉ những kẻ trên đời sợ sống
Mới mua giùm thằng quãng cáo thuốc tiên!

 Châu Đốc,10-01-2013
 TRÚC THANH TÂM                                                                     
       
READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm - CHUYỆN CỔ TÍCH - CHUYỆN NHƯ ĐÙA