MỘT NGÀY TRỜI ẤM
Sáng nay trời ửng nắng, những tia nắng mới làm tan đi ít
nhiều khí lạnh suốt mấy ngày qua, và rõ từng giọt sương trong suốt trên những
cánh hồng phượng sau một lớp mỏng mây mù phủ trắng dục, và cả trên thảm cỏ như
bị xám mét đi bởi những ngày lạnh và gió, nghe rộn cả tiếng chim muôn quanh
chòm cây hạnh đang trĩu vàng trái phía trước cổng, như báo hiệu sự hân hoan của
một ngày nắng ấm đến với chúng, với muôn cây cỏ hoa lá, và với cả con người.
Sau gần một tuần giá lạnh, trông cái cảnh âm u trầm lặng,
lòng tôi cũng hắt hiu như ngọn gió hoàng hôn, loay quay với cuốn sách đọc mãi
mà vẫn không rồi một chương, lui tới chệch choạng như đi vào ngõ hẹp. Thế
nhưng, sáng nay trời đẹp hẵn ra, gió nhẹ, nắng ấm, như xua đi bao u ẩn của đất
trời và cả trong con người tôi.
Chợt huynh đệ mời nhau đi đến Lakesinde Shopping Center (một
nơi mua bán các loại sản phẩm tiêu xài…), đi một đổi, chúng tôi ghé vào quán
café Du Monde, thấy người xếp hàng thứ tự ở quày đặt (order) và nhận thức ăn
uống (Pick up), bên ngoài quán có mươi cái bàn vừa vuông vừa tròn, có bàn 2
ghế, hoặc bàn 4 ghế, nhìn lên phía bên trên là một cái nóc được thiết kế hình
kim tự tháp và được lợp bởi một loại kính trong xanh, ở phía dưới điểm những
giò phong lan, những chậu hoa các loại, và những chậu cây xanh tươi mát, ánh
nắng mặt trời xuyên qua mát dịu với một tâm lý thoải mái.
Ngồi nhìn cái cảnh dòng người tấp nập ngược xuôi ở 2 bên phố
mua bán, trông họ như lắm dồn vã với thời gian, thế nhưng không nghe sự ồn náo
ầm ỉ nào từ trong một không gian sầm uất bởi có nhiều cửa hàng và đông nguời
qua lại. Ngồi thưởng thức hương vị café Du Monde, mà nghe chung quanh phạm vi
của quán không một âm thanh đáng kể nào vọng lại, trông những họ thâm trầm ngồi
uống, thâm trầm nhìn thoáng xung quanh, thâm trầm nghĩ suy, và thâm trầm cười
nói với nhau.v.v…
Thế rồi trong quá trình chúng tôi ngồi trong khung cảnh ấy,
chợt trong những bàn có người đứng dậy, họ tự thu dọn những ly, dĩa, giấy và tự
làm sạch nơi bàn, nơi chỗ ngồi, một nghĩa cử trả lại khoảng không gian như lúc
họ mới vừa đến bằng một cảm thọ…
Với hành động qua hình ảnh ấy, làm chúng tôi nhớ câu danh
ngôn đâu đó : “Đạo đức không gì hơn là lòng biết tôn kính cuộc sống” vì một khi
cuộc sống đã cho những lịch sự, an hòa, hạnh phúc, nên ta phải biết tôn trọng
bao lịch sự, an hòa, hạnh phúc ấy dù bất cứ ở đâu và vào lúc nào. Hơn thế nữa,
những tác nhân đó chính là nguồn giáo dục đích thực nơi chính mỗi tự thân con
người; “Giáo dục là làm cho con người tự tìm thấy chính mình”. Vì rằng: nếu
chính tự thân mỗi con người có ý thức giáo dục, thì mới xây dựng được một nếp
sống gia đình có nề nếp, và một gia đình có lối sống nề nếp, thì chính đây là
một đóng góp lớn trong cộng đồng xã hội một cách đích thực hơn bao giờ hết.
Ngang qua từ những điều đó, nó làm cho đất nuớc ấy sẽ được
cường thịnh, xã hội ấy sẽ được lành mạnh, và con người trong đó sẽ được nhiều
sự yên vui. Nhưng nếu trái lại, mọi điều có thể đảo lộn, những trật tự cơ bản
không được tôn trọng, những tranh chấp nhiểu loạn có thể phát sinh, những trộm
cắp, cướp giựt, lừa gạt, hay hiểm họa bao tệ nạn khác.v.v…, làm tổn giảm hay
mất đi những nguồn năng lực sinh tồn tốt đẹp từ thiên nhiên đến các sinh loại
trong cuộc sống từ bây giờ cho đến tận mai sau.
Bởi vì giáo dục & đạo đức là một nghệ thuật thẩm mỹ trác
tuyệt, chính nó đã tạo nên một đời sống văn hóa tâm hồn, và phải được thông qua
mọi hành động, cách đối đãi, cư xử một khi được đem ứng dụng ngay vào đời sống
hằng ngày từ trong sinh hoạt gia đình đến xã hội, tự nó không dừng lại bởi một
quan điểm chủ nghĩa, triết thuyết, hay bởi một phạm trù ý thức hệ nào, và cho
dù đó là một thể chế nào đi nữa trong cộng đồng loài người. Mà nó được ví như
một bầu trời dưỡng khí chung cho sự sinh tồn của con người và những sinh loại
khác trong thế giới bao la nầy.
Như vậy, điều muốn nói ở đây, giáo dục hay kiến thức giáo
dục không phải chỉ để gom góp, tích chứa những hiểu biết suông đuột qua chữ
nghĩa, rồi xem đó như là tài sản kiến thức. Ta hãy nghe và suy gẫm đến lời
khuyên hữu ích của Bồ tát Shantideva, Ngài nói : “…Nếu chỉ đọc tên thuốc trong
toa thuốc, thì có ích gì cho cơn bệnh” (Nhập Bồ Tát Hạnh – 109).
Cùng thế ấy, ta có thể nghĩ ; nếu chỉ thuộc lòng một số ngôn
ngữ và mớ kiến thức, tư liệu sách vỡ, thì liệu ta có được lợi lạc gì cho thân
tâm chính ta và cho cả tha nhân, thay vì ta có hành động tích cực vô hại cho
mình và cho người, không gieo những nhiểu loạn, ô nhiểm đến dòng tâm tưởng của
mọi người và chính mình bằng Thân-Khẩu-Ý trong sáng thiện lành. Một điều nữa
qua lời dạy của Đức Phật, Ngài dạy như sau : “ Ta không thấy một pháp nào khác,
nầy các Tỷ kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, nầy các tỷ kheo, như tâm không được
tu tập, không được làm cho hiển lộ…- Và nầy vác tỷ kheo, như tâm được tu tập,
được làm cho hiển lộ… Nầy các tỷ kheo, đưa đến lợi ích lớn” (Kinh Tăng Ch I).
Đức Phật luôn có những lời dạy gắn liền giữa con người (đệ
tử) trực tiếp với cuộc sống thực, quán chiếu đối với tham dục (ngũ dục) là khổ,
đối với sân giận, nuôi dưỡng oán thù là khổ, đối với sự mê chấp sai lầm ảo
tưởng là khổ. Sự giáo dục của Đức Phật giúp cho con người nhận ra rõ biết được
các pháp hiện tượng ảo hóa là khổ, là hoại diệt, không ta và không của ta. Có
quán chiếu như vậy là để trừ khử những tham tưởng, trừ khử những sân tưởng, và
trừ khử những những ảo tưởng cố chấp kiên cố sai lầm.
Và cũng chính từ đó, với tâm có yên ổn, không tham ác não
hại, luôn được an hòa sâu thẳm tự nơi mạch nguồn đạo lý của bậc Thánh, cũng như
được phơi bày ra từ mọi chi tiết hành động đến mọi lúc, ở mọi nơi, được nhu
nhuyến tự nhiên. Đó là đạo lộ đưa đến hiển bày sâu sắc bởi từ cốt tủy văn hóa
thuần chất giáo dục và đạo đức.
Như vậy, với mọi hành động ứng xử do được tưới tẩm bởi những
chất liệu giáo dục và đạo đức, chính là nguồn năng lượng ấm áp đem lại sự trong
sáng, lành mạnh, an hòa hạnh phúc từ mạch nguồn văn hóa & đạo đức đến tận
trong đời sống con người và cho cả cuộc đời nầy.
Dừng lại bao ý tưởng ấy, chúng tôi rời khỏi quán café Du
Monde ra về, ngoài kia mặt trời đã chếch bóng nghiêng chiều.
New Orleans, tháng 2 năm 2015.
MẶC PHƯƠNG TỬ