Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 10, 2013

MÙA THU ĐẸP - Chùm thơ Văn Cầm


Văn Cầm sinh tại Thừa Thiên Huế, định cư tại Đà Nẵng, hiện là giáo viên hưu trí. Ông là hội viên CLB thơ Hàn Giang và CLB thơ Đường UNESCO Đà Nẵng (đã từng là phó chủ nhiệm CLB thơ Đường này). Ông làm thơ từ hồi còn đi học. Ông viết nhiều thể thơ nhưng nhiều nhất là thơ Đường, đã xuất bản và lưu hành nội bộ nhiều tập. Gần đây, ông có viết một bài thất ngôn đa cú 80 câu, tựa là NHỚ MÃI THI ĐÀN, trong đó có 38 cặp câu đối nhau chuẩn.

VNQT xin giới thiệu ba thi phẩm trích từ tập Cầm Thư Các của ông.


MÙA THU ĐẸP

Dẫu cảnh thu sang nắng nhạt dần
Đất trời vẫn đượm sắc hương xuân
Phượng hồng còn thắm bên song cửa
Cúc trắng đang tràn trước mặt sân
Ảo ảnh luyến lưu hồn nghệ sĩ
Ân tình ràng buộc khách giai nhân
Ai người đồng cảm đâu đây nhỉ
Ta hãy cùng nhau nối tiếp vần

5/ 2012 


TỰ HÀO TUỔI BẢY TÁM

Khai bút năm Rồng mấy vận suông
Bảy mươi tám tuổi viết luông tuồng
Tai như lãng nặng nghe không rõ
Kính đã đeo rồi phải bỏ luôn
Chân bước lừng chừng trơn dễ té
Răng nhai lỏng lẻo rắn thì buông
Vẫn hay đùa giỡn cùng bằng hữu
Xướng họa tăng thêm được lắm nguồn.

01/2012 


MÙA YÊU
Gởi Trần Ngộ (Lâm Đồng)

Quy luật thiên nhiên cứ chuyển vần
Thu tàn, đông mản lại sang xuân
Rộn ràng oanh yến bay đầy nội
Tươi thắm mai đào nở khắp sân
Cảnh vật thảy tràn trề sức sống
Con người thêm thoải mái tinh thần
Đất trời như cũng đang hưng phấn
Cùng đón mùa yêu đẹp tuyệt trần.

25/3/2012
VĂN CẦM
ĐT: 0511 3655 013 – 0905 287 764






READ MORE - MÙA THU ĐẸP - Chùm thơ Văn Cầm

Chùm thơ Nguyễn Ngọc Hưng - TIỄN BẠN HUỲNH VÂN HÀ


ĐƯỢC TIN THẦY GIÁO, NHÀ THƠ HUỲNH VÂN HÀ ĐÃ MẤT VÀO LÚC 7H35' THỨ SÁU NGÀY 10.05.2013 - NHẰM NGÀY MỒNG MỘT THÁNG TƯ NĂM QUÝ TỴ - HƯỞNG DƯƠNG 54 TUỔI. 

HUỲNH VÂN HÀ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT NHẤT CỦA NNH. RẤT TIẾC DO HOÀN CẢNH RIÊNG NNH KHÔNG THỂ TRỰC TIẾP ĐẾN CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH HVH ĐƯỢC. CHÙM THƠ NÀY NHƯ MỘT NÉN HƯƠNG TIỄN BẠN VỀ CÕI VĨNH HẰNG. 
TRÂN TRỌNG,
NNH.


ÔNG ĐỒ BẠN TÔI ƠI!
(Chút tâm cảm gửi Huỳnh Vân Hà)

Không phải để so sánh
Thực tế bạn cao hơn tôi một cái đầu
Ít ra là khoản chữ Hán được học từ để chỏm
Ít ra là khoản nhiệt tình với thân bằng quyến thuộc hương lân
Ít ra là khoản lặng lẽ cười mỗi khi ai đó gạt chân
Vừa gượng dậy đã xuýt xoa cho người lâm nghịch cảnh

Không phải để so sánh
Thực tế bạn quá nhiều ưu điểm
Quá nhiều thứ khiến tôi phải ngước nhìn
Hơn cả hy vọng, tôi tin cái đẹp cái hay luôn được giữ gìn
Nhưng nhiều khi tin cũng chỉ để mà tin
Cuộc sống vô cùng khắc nghiệt
Người tốt rủi ro gấp bội kẻ thường

Chiều nay lặng lẽ nhìn vống ra góc vườn
Một chiếc lá dở xanh dở vàng lửng lơ mạng nhện
Đung đưa gió mơ hồ nỗi lo
Mơ hồ xót xa định mệnh
Lung lay lúc lắc
Bao giờ lá rơi?

Vẫn biết lo không thấu đất xót chẳng thấu trời
Như mưa nắng việc gì đến sẽ đến
Nào ai thoát vòng sinh-lão-bệnh…
Sao lòng hoa lá tả tơi

Xuân đã mùa
Sung mãn đã hơi
Nỡ nào bạn ơi, thở mệt

Đất tốt xấu vẫn là đất chết
Người thực hư mấy thuở luân hồi?

18.01.2012 - 24.02.2013
 Nguyễn Ngọc Hưng



RỦ RỈ VỚI VÂN HÀ
(Nhân Đêm thơ HUỲNH VÂN HÀ - VIÊN PHẤN TRẮNG & BÔNG CÚC DẠI – 19h30’ ngày 05.05.2013)

Lâu về trước, lúc mọi người tiễn Lộc(*)
Hẳn Vân Hà đã lệ ngập trời cao
Mình tin thế, bởi vừa đây bạn đến
Báo tin Dung(*)… trong nước mắt nghẹn ngào

Vừa đây thôi, hơn một năm một chút
Bạn còn xót thương cho kẻ xấu phần
Chuyện sinh tử ai lường ai tính được
K gõ cửa nào cửa ấy phải… vâng!

Vâng, đành vậy nhưng sao mà nhanh vậy
53 tuổi đời đã kịp gì đâu
Hôm qua khóc người hôm nay người khóc
Ngợp lắm không, biển khổ ngập lút đầu

Lút đầu khổ kẻ sắp đi người ở
Tám vạn thương đỡ nhau được mấy nào
Xác Sông Mây hồn Ráng Mây rực rỡ
Lặng lẽ tan vào thăm thẳm hư hao

Thì vẫn biết sau tan rồi sẽ tụ
Đớn đau phút này biết giấu vào đâu
Ngút ngát Nại Hà mênh mang sóng dữ
Mỏng manh thơ có bắc được nhịp cầu

Không bắc cầu thơ thả con thuyền chữ
Tếu táo cho mau qua quãng đoạn trường
Bạn đi trước nhớ giữ phần tôi nhé
Đất mặt tiền âm cũng đắt như dương

Đất luôn đắt thơ như bèo luôn rẻ
Khôn dại lũ mình bán đất nuôi thơ
Đời sắp cuối thơ hãy còn lẽo đẽo
Mai người đất ôm thơ có ai chờ

Không ai đợi ai chờ thơ vẫn đến
Đến rồi đi, đi để lại quay về
Vân Hà ơi, hơi mỗi ngày mỗi mỏng
Dưỡng nụ cười xua bớt nỗi tái tê

Mà cho dẫu nụ cười theo xác úa
Giữ linh hồn xanh mãi trước khi đi
Thứ quý nhất gửi cho người ở lại
Là yêu thương không biên giới hạn kì

Mai mốt dương trần có thêm khoảng trống
Lạnh lẽo âm gian lại ấm hơi người
Cầm theo nhé, ngày gặp Dung gặp Lộc
Tặng giúp mình mỗi bạn một hoa tươi

          28.03.2013 – 05.05.2013
          Nguyễn Ngọc Hưng
_________________
(*) 2 người bạn cùng bệnh với Huỳnh Vân Hà.



NƯỚC BỐC LÊN TRỜI
MƯA RƠI XUỐNG ĐẤT

(Được tin Huỳnh Vân Hà mất lúc 7h35’
Thứ Sáu ngày 10.05.2013 – nhằm 01.04 Qúy Tỵ)

Bạn tôi ơi, hãy ngủ yên
Cuộc cờ đã xong sân khấu đã hạ màn
Những cơn bão đời sau vật vã thét gào đã tạnh
Bóng tối ngờ vực che khuất trăng sao cũng lặng lẽ tan như hão huyền hư ảnh
Chỉ còn đây trăm tiếc nghìn thương rất thực những tấm lòng

Chỉ còn đây tinh túy tinh hoa những con chữ chảy ròng
Không cuốn trôi ai không nhấn chìm ai mà ve vuốt bãi bờ trải qua cơn tàn phá
Những ngọn đèn quên lãng chức năng soi cái khóc cái cười mặt quen mặt lạ
Điềm tĩnh sáng lên vẻ đẹp tinh thần trước bóng chết mờ sương

Này đây hơi thở an tường
Này đây sức mạnh của tình thương
Này đây quang kiếm bạn bè khẽ rạch màng đêm cho hy vọng nảy ra từ tuyệt vọng
Chút dao động trước bất thần giông tố tử sinh nhanh chóng biến thành dao động sóng
Giúp người tỉnh táo nhận ra gương mặt trần thế xung quanh không đến nỗi lạnh lùng

Không đầu không cuối miên man thời gian trôi vô tận vô cùng
54 năm, 60 năm hay sống đủ trăm năm đâu có gì khác biệt
Khi bạn đã đến đây đã tận tình hiến dâng cho chân thiện mỹ cõi này với tất cả tâm hồn sáng trong tha thiết
Chẳng có gì phải u uất u trầm vướng bận lúc ra đi

Bạn tôi ơi, sinh ký tử quy
Vạn tượng sum la đều có hạn kỳ
Nước bốc lên trời mưa rơi xuống đất
Từ Lão Tử, Khổng Khâu đến nhất đại tôn sư vạn đại Thánh Hiền Chúa Phật
Hữu diệt hữu sinh có đến có đi (hề) ắt có lúc về!

9h45’ ngày 10.05.2013
Nguyễn Ngọc Hưng
READ MORE - Chùm thơ Nguyễn Ngọc Hưng - TIỄN BẠN HUỲNH VÂN HÀ

TRĂNG - thơ Hoàng Anh Vi



Mười sáu hay là mười bảy đây?
Dáng em huyền hoặc nét xuân đầy
Áo thơ hờ hững bờ vai thả
Sao mộng lung linh suối tóc cài
Giải lụa sông Ngân sầu lạnh lẻo
Hơi men chàng Bạch khóc tình say
Mơ hồ Mặc Tử lòng đau nhói
Yêu tấm thân ngà, dẫu đắng cay

                                  Hoàng Anh Vi
                                  lehoang775@gmail.com
READ MORE - TRĂNG - thơ Hoàng Anh Vi

Nguyễn Thị Lai bình thơ Võ Văn Luyến: ĐÊM ÁI TỬ NGHE HÁT RU CON


NGUYỄN THỊ LAI
GV trường THCS Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị



ĐÊM ÁI TỬ NGHE HÁT RU CON

"Ai nuôi con trống gà vàng 
Nửa đêm dậy gáy cho nàng thổi cơm" 
                   (Ca dao)
                                              
À ơ...mẹ hát ru con 
Trăng qua song cửa, ngọn nồm thoảng đưa 
À ơ...cái nhớ còn lưa 
Cái thương còn mặn, cái chờ còn mong 
À ơ...cái bóng ru buồn 
Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau 
À ơ...cánh vạc về đâu 
Khói sương chưa dễ phai màu thời gian 
À ơ...sợi nắng ở tim 
Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?! 
À ơ..."con trống gà vàng" 
Cớ sao lại gáy vội vàng làm chi  
Lời ru đọng giữa đêm khuya 
Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm...


                VÕ VĂN LUYẾN


LỜI BÌNH:

"Ý niệm về lời ru thường không thể tách rời ý niệm về mẹ. Mà lời ru của mẹ thường là một chất liệu ngọt ngào êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu lời ru thì "không thể" lớn lên được" (Thích Nhất Hạnh). Nhưng không phải lúc nào lời ru của mẹ cũng chỉ để dành riêng cho con, mà có thể, qua lời ru con, mẹ lại giãi bày tâm trạng của mình. Bài "Đêm Ái Tử nghe hát ru con" của Võ Văn Luyến là một minh chứng cụ thể nhất.

Từ muôn thuở nào, lời ru bình dị của người mẹ cứ thảnh thơi, à ơ đã làm cơn cớ đi về cho bao lời thơ cất cánh. Với Luyến, lúc chiều hôm, khi góc bếp không còn đỏ lửa, ô cửa đã sáng đèn, trong sự bình yên của một làng quê thanh bình, thì đó là lúc:

À ơ...mẹ hát ru con 
Trăng qua song cửa, ngọn nồm thoảng đưa

Tiếng à ơ được cất lên lúc này sao mà da diết quặn lòng, nó cứ chơi vơi đến lạ kỳ:

À ơ...cái nhớ còn lưa 
Cái thương còn mặn, cái chờ còn mong 
À ơ...cái bóng ru buồn 
Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau

Trong lời ru, người con như không còn hiện diện. Hình như con đã ngủ say rồi, giữa không gian tĩnh lặng của riêng mình, người mẹ tha hồ trách cứ "người thương" cho sự trống vắng và nỗi nhớ trong lòng càng thêm mênh mông diệu vợi.

Nhưng trách cũng chỉ là trách thôi, bởi bây giờ, ván đã đóng thuyền. Biết đâu "ai đó" cũng đang trách:

Mười năm đã hết đợi mong 
Bởi em áo xống sang sông thay người 
Tôi về ngồi cội đa chơi 
Xanh miền ký ức trông vời mây bay (1)

Hoặc cũng đã có một gia đình yên ấm, cũng có "những phút giây ngoài chồng ngoài vợ" nên cũng "đừng trách chi những phút xao lòng" mà. (2)

Nếu trong đời, có những lần xa cách như vậy, thì xin hãy để cho người mình yêu thương được trở về  trong nỗi nhớ, trong những lần sống thật, đối diện chính mình để đo được chiều dài nỗi chờ mong, để có thể tự hỏi:

À ơ...sợi nắng ở tim 
Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?!

Sự đời, khi tâm trạng không được thoải mái, con người ta thường hay phật lòng cả những sự việc không liên quan đến mình. Tín hiệu mà "con trống gà vàng" phát ra trở nên vô duyên đến lạ, bởi do nó gáy vội vàng làm chi cho người phải xa người?!

Những câu chữ, sự việc cứ dàn trãi, cứ đan xen lẫn nhau như không có hồi kết. Nhưng người đọc tự dưng lại thấy lòng mình chùng xuống khi:

Lời ru đọng giữa đêm khuya 
Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm

Cuối cùng, người mẹ vẫn phải đối diện với sự thật, vẫn phải quay về trong khuôn khổ vốn có. Âu đây cũng chỉ là một phút "nỗi loạn" thường tình mà thôi, bởi:

Yêu thương nhân thế hãy còn 
Ầu ơ...tiếng hát xua buồn trời đông (3)

Raxun Gamzatov trong "Daghextan của tôi" đã nói rằng: "Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành cây khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người". Có thể vì vậy mà văn thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung đều phải bắt nguồn từ tài năng và tấm lòng của người nghệ sĩ và cái tài, cái tâm ở anh đã hoà quyện, trộn lẫn vào nhau để toả sáng như lời bạn anh đã đưa ra:

"Trầm tưởng và trầm tư về tình người, lẽ đời đã trở thành những trạng huống thăng hoa có tính thanh lọc (catacxit) và cứu rỗi tâm tư con người trong thơ Võ Văn Luyến" (4)

Nguyễn Thị Lai ở buổi ra mắt tập thơ
BÊN KIA TÍT TẮP ĐẠI DƯƠNG
của Võ Thị Như Mai
Trong tất cả những người làm thơ mà tôi biết, thì anh là con người có tấm lòng thật rộng mở. Một Luyến năng động khi bắt tay vào công việc, nhân từ khi là người thầy, hiếu thảo khi là người con, đầy đủ trách nhiệm khi là người chồng, bao dung khi là người cha, hoà nhã khi là người bạn đã thay bằng một Luyến rộng lượng, ưu ái cuộc đời hơn trong "vai trò" một người làm thơ.

Bài thơ đã khép lại với một "kết thúc mở" thật nhẹ nhàng, đằm thắm. Nhưng những gì anh viết cứ rủ rỉ tâm sự, cứ hiện diện mãi như sợ đời không hiểu mình, người không hiểu mình. Đó phải chăng là cũng là một phong cách rất riêng, rất chi là Võ Văn Luyến mà người đọc, người viết cảm nhận về anh vậy!

                                                     06/9/2005

                                             NGUYỄN THỊ LAI



(1,3): thơ Võ Văn Luyến

(2): thơ Thuận Hữu.

(4): Nhận định của Nguyễn Hoàn
READ MORE - Nguyễn Thị Lai bình thơ Võ Văn Luyến: ĐÊM ÁI TỬ NGHE HÁT RU CON

Thơ Trúc Thanh Tâm - NGƯỜI CON GÁI TRẢNG BÀNG - VỀ CÙ LAO PHỐ



NGƯỜI CON GÁI TRẢNG BÀNG

Bỗng dưng cơn mưa ập đến
Ta tấp vào trú mái hiên
Mời anh, vào nhà uống nước
Cám ơn em, sợ làm phiền !

Anh cứ tự nhiên, đừng ngại
Mẹ em dễ lắm, anh ơi
Ta nghe lòng mình phơi phới
Mưa như thơm cả đất trời !

Em đưa bàn tay vuốt tóc
Ta nhìn em gặp mắt buồn
Con gái Trảng Bàng, có khác
Áo bà ba quá dễ thương !

Mưa tạnh, anh xin tạm biệt
Có dịp, anh ghé nhà chơi
Nụ cười em còn đọng lại
Theo ta trên bước đường đời !

Năm sau, ta về chốn cũ
Không em, đời bỗng xa hơn
Ta nghe hồn mình mất ngủ
Cơn mưa ngày đó, đâu còn !
                                             

- Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh





 VỀ CÙ LAO PHỐ

Ta nghe mùa hè trở giấc
Thủ Đức nhiều lạ, ít quen 
Mộng mơ một thời mới lớn
Làm thơ tình để tặng em 



Biên Hoà như thay áo mới
Gió ru, ru chiều ngủ quên
Ánh mắt nào ta xao xuyến
Để tình quấn quýt trong tim

Vậy mà, một lần gặp gỡ
Đâu ngờ xa mãi đời nhau
Hai nhánh sông buồn muôn thuở
Ta và em chỉ chiêm bao

Chiều nay, ngang qua thành cũ
Kỷ niệm nhoà dưới bóng mưa
Đâu rồi, tiểu thư áo trắng
Ngô Quyền thương của ngày xưa

Chợ đời ngày thêm đông khách
Sông Đồng Nai nhớ và đau
Mình ta giữa Cù lao Phố
Cầu Ghềnh còn hẹn, thương nhau !

                                                        Trúc Thanh Tâm

GHI CHÚ:
Cù lao Phố tên cổ Đại Phố Châu, một cù lao trù phú nằm trên sông Đồng Nai, nay xã Hiệp Hòa thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là trung tâm thương mại của Nam bộ vào cuối thế kỷ XVII và 3/4 thế kỷ XVIII (1679-1776), được khai mở  bởi  nhóm người Hoa không chịu làm tôi nhà Thanh, đã dẫn thuộc hạ sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần vào năm 1679, được cho vào đây cư trú.

READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm - NGƯỜI CON GÁI TRẢNG BÀNG - VỀ CÙ LAO PHỐ

VƯƠN MÌNH - thơ Lê Hoài Phương



Cái ngày anh bỏ ra đi
Là ngày em chẳng còn chi trong đời
Con còn nhỏ quá đi thôi
Sống nơi đất khách ai người chăm lo
Chuyện nhỏ cho tới chuyện to
Khác biệt tiếng nói muốn nhờ dễ đâu
Em phải làm lại từ đầu
Tiền nuôi con dại anh đâu gửi về
Mẹ con ngày tháng bộn bề
Nếp sống đảo lộn ủ ê sự đời
Vất con vào giữa chợ đời
Làm cha, anh có thảnh thơi trong lòng ?
Con là trách nhiệm cùng chung
Cớ gì mà phải phụ lòng trẻ thơ
Vừa mới chập chững i tờ
Anh nào hay biết nó chờ hằng đêm
Ở đời anh trọng chữ tiền
Gia đình anh cũng đi liền với anh
Khi nghèo tình đẹp trăng thanh
Gom tiền góp của để anh đem về
Lời anh dỗ ngọt em nghe
Quê hương là chốn đi về em ơi !
Xa quê tủi phận xứ người ,
Nên em gom hết, cả lời động viên ...
Bây gời anh đã có tiền
Anh nỡ quay mặt để phiền lòng em
Con thơ rồi cũng lớn lên
Bên em tình cảm vững bền tương lai
Em cũng văn vẻ dùi mài
Có nhiều bạn mới đẹp hoài vần thơ.

BERLIN 09-05-2013
LÊ HOÀI PHƯƠNG
lehoaiphuong17@yahoo.com
READ MORE - VƯƠN MÌNH - thơ Lê Hoài Phương

GIẤC MƠ MẸ - thơ Huy Uyên



Mắt mẹ nhìn con buồn muốn khóc
Tha hương mấy lúc nghĩ ngày về
Cầm tay nước mắt thay lời dặn
Há dễ xa hoài cảnh chốn quê.
Ừ nhỉ bao năm không quay lại
Mẹ già mòn mỏi mắt già nua
Cha chết từ lâu thời loạn lạc
Chất cao thương nhớ mấy cho vừa.
Con biết chiều nay ngồi trông núi
Mắt mẹ mờ theo dáng núi mờ
Quặn thắt nỗi đau riêng đời mẹ
Mà rót hoài con lệ trong thơ.
Con biết chiều nay đang tựa cửa
Mưa chiều như mẹ cũng rưng rưng
Ai giờ quạt ấm thay con trẻ
Thấp thoáng trong đêm vạn ánh hồng.
Hồ dễ công danh mà xa xứ
Đành quên ấm lạnh buổi quay về
Mắt mẹ nhìn con mà không nói
Trọn đời đau xé mãnh tình quê.
Bóng mẹ đi rồi con ở lại
Xót xa con trẻ thức canh trường
Bao năm phiêu bạt đầu quay núi
Ước một ngày về với cố hương.

Huy Uyên

READ MORE - GIẤC MƠ MẸ - thơ Huy Uyên

Thơ Nguyễn An Bình - VỀ ĐÂU, SÔNG ƠI...


     *Tặng anh Vĩnh Thuyên

Có một dòng sông
Chia hai nỗi nhớ
Khi Tây lại Đông
Chung nguồn Vàm Cỏ.

Mưa đục, nắng trong
Bên bồi bên lỡ
Tím cả triền sông
Mùa lục bình nở.

Có một người dưng
Sao thương lại nhớ
Guốc khua ngập ngừng
Áo hồng qua ngỏ.

Tiếng chim chiền chiện
Hót vọng bên trời
Vàng bông điên điển
Vương vấn tình tôi.

Về đâu sông ơi
Sao đi mãi miết
Đưa người xa người
Tháng năm biền biệt.

Về đâu sông ơi
Ngược, xuôi trôi mãi
Lạc mất tình tôi
Đầu bờ cuối bãi.

Đời như dâu bể
Sông ơi hãy đưa
Một lần thôi nhé
Ai về bến xưa.

Về đâu sông ơi
Sông ơi
Về đâu?  …

tháng 4/2013
Nguyễn An Bình
READ MORE - Thơ Nguyễn An Bình - VỀ ĐÂU, SÔNG ƠI...

Tùy bút của Phan Trang Hy - TRÒN TRĂNG THÁNG TƯ

                           
Chùa Pháp Lâm, Đà Nẵng


      Nắng hạ về ươm mật. Trên từng ngõ ban sơ hạnh ngân dài (Bùi Giáng), cùng những con phố ánh vàng rực rỡ, mặt người rạng rỡ hoan ca. Cờ ngũ sắc cùng Phật kỳ reo vui mở hội. Hội mừng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáng trần.

      Dẫu là người ngoại đạo, nhưng ở tôi, thi thoảng cũng thích cơm chay. Có lúc cũng bập bẹ dăm ba câu chú, đọc ít kinh, ít kệ. Cứ gọi là có chút tâm Phật - nếu Phật cho phép - ngộ được cái ngộ của Nguyễn Tiên Điền: Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Và cứ thế, chữ tâm ở chốn hồng trần đã giúp tôi mơ. Có lúc, tôi mơ thấy mình chắp tay như những Thanh Văn cung kính hầu Đức Phật, nghe Ngài thuyết pháp cõi người ta (chữ của Nguyễn Du). Cũng có lúc, tôi mơ về bến giác, được chu du cõi ta bà như trăng, như gió, như mây. Cũng có lúc, tôi vui mừng như thể được ánh đạo vàng. Tôi như là bằng hữu của mọi người; tôi như là anh em của chúng sinh. Tôi nghe lời của Đức Từ Phụ sáng ngời đạo lý TỪ, BI, HỶ, XẢ.

      Cũng có lúc đớn đau, có lúc bệnh tật, có lúc thất tình lục dục nổi lên. Tôi than khóc ở cõi đời này. Tôi đã kêu Trời Phật. Và Người như dỗ dành tôi, xoa dịu nỗi đau nhân thế. Tôi như mang cái nghiệp, cái duyên, cái nợ ở kiếp này. Và tôi chấp nhận vác những bụi trần như thể “trời sinh ra ta có ý”.

      Mỗi năm một lần, tôi cùng vợ con đi chốn Phật đường. Đó là giây phút giao thừa. Hương trầm lan toả không gian, ánh sáng diệu huyền như rửa sạch mọi nỗi ưu tư. Tôi cùng mọi người lễ bái, nguyện cầu trước huệ nhãn của Đức Từ Phụ. Tôi thấy ai cũng tử tế, cũng tâm bình an trong giây phút linh thiêng. Ai cũng tay bắt mặt mừng, lòng tràn hạnh phúc. Trong tiếng nhạc mừng xuân dịu nhẹ, tôi thấy Đức Phật trên đài sen vẫn trầm tư. Ngài vô ưu, vô tư lự?

      Và tháng tư về. Vẫn linh thiêng như phút giao thừa! Vẫn ánh sáng viên diệu chốn trần gian! Hương lan, hương huệ thơm cả trời đêm. Tất cả các từng trời, các thế giới vang lên khúc nhạc hát mừng Đản Sinh. Lòng tôi như cất lên điệu A Di Đà.

      Tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng kinh cầu như lời của chúng sinh dâng lên Đức Phật. Trên trời, trăng xanh trong như thể mang sự huyền diệu đến muôn dân, đến với thế gian luân hồi này.

      Tháng tư huyền diệu tròn trăng. Tháng tư huyền diệu Đản Sinh. Huyền diệu cả đất trời hát mừng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Tròn trăng viên mãn tháng tư. Tròn trăng hát mừng thế gian được ánh đạo vàng chỉ lối. Vút trên trời cao vang lên điệu nhạc hát mừng : Nam Mô...A Di...Đà...Phật...! A   Di   Đà   Phật !

      Bất chợt, tôi nhớ đến bài thơ của Từ Đạo Hạnh :

          Tác hữu trần sa hữu,
          Vi không nhất thiết không.
          Hữu, không như thuỷ nguyệt,
          Vật trước hữu không không.

      Dịch thơ :

          Có thì có tự mảy may,
          Không thì cả thế gian này cũng không.
          Vừng trăng vằng vặc in sông,
          Chắc chi có có, không không mơ màng.
                                         ( Huyền Quang dịch?)

      Đêm. Tôi ngước nhìn trời. Sáng trên trời trăng tháng tư. Sáng trong tôi trăng tháng tư. Cùng chư tôn Phật tử trên thế gian hát mừng Đức Phật, tôi hát theo. Tôi hát mừng, hát nguyện cầu thế gian được an bình, được gặp điều viên diệu ở cõi trần.

      Trầm hương thơm cả đất trời. Ngời ngời trăng sáng tháng tư. Đất trời thị hiện Đức Thế Tôn. Tôi cất tiếng hát Nam Mô... A Di... Đà... Phật! ... A  Di  Đà  Phật!

              Tháng 5 - 2010 (Tháng Tân Tỵ, năm Canh Dần)
                                              Phan Trang Hy
                                                                                 phantranghy@gmail.com
READ MORE - Tùy bút của Phan Trang Hy - TRÒN TRĂNG THÁNG TƯ