Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, July 10, 2016

BÀI THƠ KHÓC THƯƠNG MẸ - Võ Quốc Tuấn




BÀI THƠ KHÓC THƯƠNG MẸ

Con nhận được hung tin, trên đường đi công tác
Trời đất nhạt nhòa theo nước mắt con rơi!
Đường về quê nào đâu thay đổi
Sao thấy dài, chạy mãi chẳng đến nơi?…

Thương thân mẹ suốt một đời lận đận:
Ba sang ngang, xa xứ sống cùng người,
Mẹ một mình ôm trọn lấy niềm đau,
Nuôi năm con nhỏ với mẹ chồng già yếu.

Rất vất vả nhưng mẹ thật có hiếu
Cơm trắng cá ngon, trước hết để mẹ chồng;
Phần còn lại nhường hết cho đàn con
Mẹ nhận lấy về mình toàn xương xẩu...

Tuổi đời chúng con lớn thêm, mẹ thì ngắn lại
Chúng con vào giảng đường, mẹ làm lụng suốt ba ca
Anh em con lần lượt lập gia đình
Chỉ có mẹ là người không hạnh phúc.

Năm đứa con, bốn đứa sống quê người
Nghề nghiệp, áo cơm, gia đình riêng bó buộc.
Mẹ nhớ thương mà nào đâu thúc giục
Sợ chúng con về, làm lỡ việc người ta…

Chiều cuối tuần chúng con về thăm nhà
Mẹ mừng lắm thấy gia đình đoàn tụ.
Cháu, rể, dâu; mẹ giờ đã có đủ
Sao một người còn mãi ở xa xăm?...

Di ảnh kia con thấy rõ mẹ cười!
Nhưng đời mẹ sao toàn là nước mắt?
Nụ cười ấy không chỉ là mãn nguyện
Vì con thơ nay đã lớn, nên người!...

Con khóc cho Người và khóc cả cho con…
Cây nhân –quả, ai trồng người ấy hưởng!
Nhưng cớ sao đắng cay toàn mẹ nếm,
Trái ngọt mẹ trồng, lại thưởng cho đàn con?

Con dặn lòng đừng để nước mắt rơi
Hãy để nó lăn vào tim, thấm quanh hình bóng mẹ.
Chỉ có thế mới nghe lòng yên nhẹ
Nước mắt con lăn …mong đổi lấy… mẹ cười.

Trà Vinh: 25/5/2016

Võ Quốc Tuấn
READ MORE - BÀI THƠ KHÓC THƯƠNG MẸ - Võ Quốc Tuấn

THƠ LỤC BÁT - Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện



1

theo nhau thì đã theo rồi
chán nhau nên vẫn còn ngồi oán thêm
chữ rằng (chỉ cố mà quên)
em đi theo bọn có tiền quên anh
cho không một mớ trầu xanh
biếu không cặp vịt củ hành chổng chơ
phũ phàng thực lẫn vào mơ
thì ra thơ vẫn là thơ ngạo tình

2

không hò không hẹn rôì sao?
em dông thì cứ nhổ sào mà đi
nước trôi đâu luyến lưu gì?
có chăng tiếng hát từ qui vọng về

3

ướt quần ướt áo trơí mưa
giòng thơ Nguyễn Bính cũng vừa nhá lên
dù rắng trăng tỏ hơn đèn
nhưng trăng có bữa ngoài hiên tối mò
đèn nhà một đóm đơn sơ
quanh năm suốt tháng bồ thơ trữ tình

4

thần dựa đa đa dựa thần
dựa qua dựa lại hỏng chân lúc nào?
thần là bùn vớt dươí ao
đa thì mọc hoảng lúc nào chả hay
khôn thiêng chi ở chốn này
miếu hoang còn cặp rắn gầy dươí hang
đạn bom chả tránh thần hoàng

5

đơì ngươì tựa giấc chiêm bao
dù chưa nhắm mắt má đào chuồn êm
nhìn ra trơ lại gôí mền
thì ra giường trống không em nẫy giờ
thì ra thực lại là mơ?

6

1 câu cũng vẫn là thơ
2 câu như cú ngủ nhờ cành mai
3 câu giống tiếng thở dài
4 câu như vó ngựa ngoài gió sương

CVM


READ MORE - THƠ LỤC BÁT - Chu Vương Miện

TÀI NHÂN THƯỢNG QUAN UYỂN NHI - Thái Quốc Mưu




                    Tác giả Thái Quốc Mưu



TÀI NHÂN THƯỢNG QUAN UYỂN NHI

                                                                      Thái Quốc Mưu

Khi quyền lực của Võ Tắc Thiên (Võ hoàng hậu, Võ hậu, Võ Mỵ Nương) trong triều Nhà Đường lớn mạnh tột đỉnh. Đường Cao Tông e ngại Võ hậu lộng quyền, bèn lập kế triệu đại thần Thượng Quan Nghi vào cung. Nghi tâu rằng, “hoàng hậu chuyên quyền, phải phế đi.” Cao Tông chấp thuận.

Thượng Quan Nghi (1) (608-665), tự Du Thiều, sanh tại Giáp Huyện, Giáp Châu, Thiểm Châu (Hà Nam ngày nay). Ông là hậu duệ Thượng Quan Kiệt, đời Tây Hán. Ông nội là Thượng Quan Hiền từng làm Thái Thú U Châu (Bắc Kinh), vào đời Bắc Chu. Cuối đời Tùy thân phụ Thượng Quan Nghi là Thượng Quan Hoành bị tướng Trần Lăng giết chết, gia đình phải trốn chạy khắp nơi dần dần tới Giang Đô, nay là Tần Lan Trấn, cách Thiên Tường 25 cây số về phía Đông Nam.          

Thượng Quan Nghi tinh thông kinh sử, giỏi văn chương, một thời xuất gia làm Hòa Thượng, đỗ tiến sĩ đời Trinh Quán, ông là một trong những tác giả bộ Tấn Thư, làm Tể Tướng trào Đường Cao Tông, vâng lệnh vua bí mật soạn chiếu truất phế Võ Tắc Thiên, thuộc hạ Thượng Quan Nghi biết được lén tố cáo với Võ hậu. Võ hoàng hậu kêu oan với Cao Tông. Nhà vua lúng túng không biết trả lời thế nào, bèn đổ tội cho Thượng Quan Nghi.

Cuối năm đó, Võ Mị Nương âm mưu cùng Hứa Kính Tông cáo gian Thượng Quan Nghi cùng hoàng thái tử cũ là Lý Trung mưu toan phản nghịch. Đường Cao Tông nghe lời Võ hậu ép Lý Trung uống rượu độc chết. Bắt Thượng Quang Nghi hạ ngục rồi sát tử, thân nhân bị tru di, gia sản bị tịch thu… con trai ông là Thượng Quan Đình Chi (cha Thượng Quan Uyển Chi) cũng chết trong thảm cảnh đó.

Sau đó, mỗi khi Cao Tông lâm triều Võ hoàng hậu đều đứng sau rèm cùng nghe và giải quyết tất cả mọi việc. Năm 863 Đường Cao Tông tức Lý Trị, chết. Lý Hiển, là con thứ 7 của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên, lên kế vị, xưng đế hiệu Đường Trung Tông. Ông là hoàng đế thứ 4 và thứ 6 của nhà Đường. Hai lần ở ngôi không liên tục, lần đầu từ 3 tháng 1 năm 684 đến 26 tháng 2 năm 684, chỉ mới hai tháng thì bị mẹ là Võ Thái Hậu, truất phế, đày ra Phong Châu. Lần thứ hai từ ngày 23 tháng 2 năm 705 đến 3 tháng 7 năm 710. Tại vị được 5 năm.

Khi Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng Thái Hậu, quyền bính Nhà Đường nằm gọn trong tay họ Võ.

Vợ Thượng Quan Đình Chi là Trịnh thị đang mang thai, có người anh ruột là Trịnh Hưu Viễn làm Thái Thường Thiếu Khanh đương trào, nên Trịnh thị được tha tội chết, nhưng bị bắt vô cung làm nô dịch (để bọn cung tần sai vặt).

Một hôm Trịnh thị ngủ nằm mơ thấy thần nhân đến trao cho cái cân, bảo rằng: “Ngươi hãy giữ nó để sau nầy sẽ sinh ra một đứa con có tài bình thiên hạ.”

Vào một đêm tối, đang khi Trịnh thị chuyển dạ lâm bồn, bỗng nhiên hào quang chiếu sáng cả vùng nơi phòng bà. Tỳ nữ hốt hoảng vội vào tâu với Võ thái hậu, bà lần dò đến tận nơi xem, thì thấy hào quang phát sáng trong căn phòng nhỏ chỗ Trịnh thị ở ngày đêm, Võ thái hậu truyền thái giám mở cửa xông vào. Mọi người thấy ánh sáng phát tỏa từ đứa bé gái mới sanh. Cho là điềm lạ, Võ thái hậu truyền cho Trịnh thị đặt tên đứa bé là Uyển Nhi (2). Trịnh thị xem đó là một ân sủng, rất vui lòng tuân lệnh.

Vì sinh nhằm con gái, Trịnh thị vô cùng thất vọng nghĩ rằng giấc mơ ngày trước chẳng qua là ảo tưởng mà thôi. Lâu dần giấc mơ đó cũng trôi vào quên lãng.

Chịu kiếp nô dịch trong cung cấm, nhưng Trịnh thị vốn là kẻ học cao, hiểu rộng nên Thượng Quan Uyển Nhi luôn được mẹ chăm sóc, dạy dỗ học hành rất chu đáo. Năm Uyển Nhi lên mười, một hôm Trịnh thị nhìn con chợt se lòng, buột miệng than dài: “Phải chi con ta là nam tử thì quý biết chừng nào?” Lại tiếp, “Chẳng lẽ dáng vóc mảnh mai yểu điệu kia lại bình định thiên hạ được sao?” Uyển Nhi nghe xong nhìn mẹ gật đầu.

Cô bé Thượng Quan Uyển Nhi thông minh lạ thường, bảy, tám tuổi đã sành sõi thi phú, lên mười hai tuổi thì làu làu kinh sử, tinh thông cầm kỳ thi họa. Chữ viết như phụng, như rồng, còn thư họa như mây như gió. Có thể mở miệng thành thơ, múa cọ thành tranh. Khi khảy đàn phụng hoàng cũng xếp cánh ngẩn ngơ… Rất được giới cung nữ chung đụng hằng ngày thương yêu, trọng nể.

Năm mười ba tuổi cốt cách phi thường, sắc đẹp thanh tú không kẻ sánh bì, mắt sáng như ngọc, môi tợ thoa son, mũi thẳng như trúc, răng đẹp như ngà, má điểm hai đồng tiền, duyên dáng ngời ngời… giả như Tây Thi tái sinh cũng đến thế là cùng. Tiếng đồn đến tai Võ thái hậu.

Năm 677, Võ Tắc Thiên 53 tuổi, truyền Thượng Quan Uyển Nhi diện kiến, bà trực tiếp khảo hạch. Võ thái hậu đưa ra những câu hỏi rất khó khăn, đều được Uyển Nhi trả lời trôi chảy. Lệnh truyền, đề một bài thơ.

Theo truyền thuyết dân gian, khi cung tần đem khay giấy bút mực ra, Uyển Nhi cúi đầu tiếp nhận, rồi thưa: “Muôn tâu nương nương xin Người cho phép tiểu nhi được tự do cất bút.” Thái hậu Võ Tắc Thiên phất tay áo, gật gật đầu. Thượng Quan Uyển Nhi tay trái nâng khay, tay phải cầm bút, trong khi giới Phi, Chiêu, Tiệp, Mỹ, Tài, Bảo (3) cùng đám cung nữ trong cung đang có mặt đều nín thở chờ đợi… Uyển Nhi liền quay người thành vòng tròn, người người chỉ thấy tay nàng múa bút xuống, lên… Đúng ba lần quay mình, Uyển Nhi liền đặt khay lên đầu, quỳ xuống.

Người người đều trố mắt lo âu, trong khi Võ thái hậu đưa tay lấy bài thơ do nữ quan hầu cận khúm núm dâng lên. Xem xong, Võ thái hậu cất tiếng cười lanh lảnh. Mọi người đều khiếp sợ nhìn nhau. Ngưng cười, Võ thái hậu phán, “Tuyệt! Tuyệt bút! Quả là tuyệt bút! Đúng là Trời đã ban cho ta kỳ nữ nầy!” Đoạn bà vổ án cười to, tỏ thái độ đắc ý tột cùng.

Ngay lập tức, Võ thái hậu truyền bãi lệnh nô dịch cho hai mẹ con Trịnh thị, và ban cho Uyển Nhi làm chức Tiện Tịch (một chức danh giống như bí thư riêng ngày nay). Đặc trách phần quản thủ thư phòng và soạn thảo công thư, chiếu chỉ,… trong cung.

Sống trong cung cấm một thời gian, Thượng Quan Uyển Chi mới được biết người mình đang cung phụng chính là kẻ đã tàn sát gia tộc và phụ thân của mình. Tuy nhiên, Uyển Nhi vẫn tỏ ra rất mực trung thành với Võ Tắc Thiên.

Năm 684, Võ Tắc Thiên phế ngôi Đường Trung Tông để đưa Đường Duệ Tông lên thay. Sáu năm sau, Đường Duệ Tông từ bỏ ngai vàng.

Năm 690, Võ Tắc Thiên 66 tuổi, cướp ngôi Nhà Đường, đổi Quốc hiệu thành Võ Chu, dời đô đến Lạc Dương. Thượng Quan Uyển Nhi nhờ tài sắc vẹn toàn, bản chất thông minh vẫn được Võ Tắc Thiên yêu chuộng, ban cho chức Nội Xá Nhân (tương tự như bí thư ngày nay) ngoài trách nhiệm quản thủ thư phòng và cai quản, giải quyết tất cả văn thư liên quan đến cung cấm, còn đặc trách giải quyết tất cả tấu chương của quan lại. Từ đó, Uyển Nhi chánh thức tham gia triều chánh. Lúc nào nàng cũng cận kề bên vị Nữ Hoàng Đế. Khi ấy, Uyển Nhi mới 26 tuổi.

Hai năm sau Thượng Quan Uyển Nhi được phong Cân Quắc Tể Tướng (3). Sớm trở thành người “đứng phía sau” Võ Tắc Thiên hoàng đế, được coi là rường cột của triều đình, là kẻ có quyền lực bậc nhất Nhà Võ Chu, toàn quyền quyết định tất cả mọi việc trong triều chính.



Nguyễn Đan Ninh trong vai Thượng Quan Uyển Nhi


Năm 705, Lý Đường Tông cùng đám đại thần thân tính theo kế hoạch nội gián của Thượng Quan Uyển Nhi, Võ Tắc Thiên bị ép thoái vị. Sau 15 năm thống trị làm mưa làm gió đất Trung Hoa, Nhà Võ Chu bị cáo chung. Lúc ấy Võ Tắc Thiên đã 81 tuổi.

Thù nhà trả xong. Thân nhân của Uyển Nhi bị Võ Tắc Thiên sát hại được phục hồi danh dự và chức danh ngày trước (mục đích để cho con cháu của họ được hưởng bổng lộc triều đình). Khi ấy, Trịnh thị (mẹ của Uyển Nhi) mới tin vào giấc mộng năm xưa.

Sau khi Võ Tắc Thiên chết, Uyển Nhi được Đường Trung Tông sủng ái tấn phong Chiêu Dung, sớm trở thành đệ nhị phi tần của nhà vua (chỉ đứng dưới Hoàng Hậu và các bà Phi), tăng thêm phần cai quản và thảo chiếu chỉ triều đình.

Trong thời gian nầy quyền lực Đường trào lại nằm trong tay Vi hoàng hậu cùng tình nhân của bà là Võ Tam Tư. Vi hoàng hậu muốn đưa con gái mình là An Lạc công chúa làm Hoàng thái nữ (nếu nam là Thái tử), nhưng Trung Tông không chấp nhận. Đến ngày 3 tháng 7 năm 710, Trung Tông đột tử. Nhiều sử gia cho rằng cái chết đột ngột của Đường Trung Tông là do An Lạc công chúa hạ độc.

Đoạn trong ngoặc dưới đây, trích từ Bách Khoa Toàn Thư:

“Năm 710, Trung Tông đột tử, quyền lực triều đình vào tay Vi Hậu. Để đối phó Vi Hậu, Uyển Nhi liên kết với Thái Bình công chúa, thảo chiếu giả lập Lý Trọng Mậu làm Thái tử, Vi Hậu sẽ là Hoàng Thái Hậu nhiếp chính. Nhưng Vi Hậu có dã tâm trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai và tìm mọi cách thay đổi chiếu thư.

Năm thứ tư đời Đường Thương Đế (710), Lâm Tri vương Lý Long Cơ phát động cuộc chính biến, khởi binh tiêu diệt Vi Hậu và phe đảng. Thượng Quan Uyển Nhi bị bắt chung với Vi Hậu rồi bị xử trảm, lúc bấy giờ bà mới 46 tuổi.

Theo People's Daily, “đánh giá về Thượng Quan Uyển Nhi có nhiều ý kiến trái nhiều, nhưng nhìn chung, bà được coi là điển hình cho mẫu hình phụ nữ tài năng, xinh đẹp đầy quyền lực trong lịch sử cung đình và cả triều đình Trung Hoa.”

Về cái chết của Thượng Quan Uyển Chi, truyền thuyết dân gian cho rằng, “Đường Huyền Tông tức Lý Long Cơ rất ái mộ và từng thầm yêu trộm nhớ Thượng Quan Uyển Nhi, nhưng lại biết chuyện Uyển Nhi cùng Võ Tam Tư có gian tình, bèn đem lòng oán hận, ghen tuông. Nhân cuộc chính biến thành công liền truyền bắt, giết Thượng Quan Uyên Nhi cho thỏa lòng ghen tức.”

Bài tựa của Yên Quốc Công Trương Duyệt viết trong "Phong Nhã Chi Thanh, Lưu Ư Lai Diệp" (Dịch: Âm thanh phong nhã, lưu lại đời sau), có đoạn:

“… Người nầy (Uyển Nhi) có trí tuệ nhạy bén, sáng suốt, học thức rộng sâu. Văn chương lưu loát, ý tứ thâm trầm, múa bút tợ mây bay, câu văn như gấm dệt. Trước có bà Ban (chỉ Ban Chiêu) tài ba viết sử, nay có Nữ Thượng Thư quyết đoán công việc thần tình. Bà Chiêu Dung (Thượng Quan Uyển Nhi) phục vụ hai trào tốt đẹp. Giải quyết nhanh, gọn, tiếp xúc khéo léo. Đời Hán ca tụng người đẹp họ Ban, chưa chắc tài ba bằng Thượng Quan Chiêu Dung: một lẽ là văn chương kiệt xuất, hai là công lao phụ tá cho vua không nhỏ…”

Về việc Thượng Quan Uyển Nhi trở thành Chiêu Dung, Thôi Thụy Đức đã từng đưa ra giả thuyết, “đây có thể là chiêu bài của Đường Trung Tông Lý Hiển sau khi lên ngôi. Bởi địa vị của Uyển Nhi lúc đó là rất cao, với kinh nghiệm và tài trí của mình, nàng xứng đáng được trọng dụng, song lại không thể phong quan tước cho nữ nhân. (Thời đó, giới nữ không được chánh thức tham gia việc triều chính)

Sự có mặt của Thượng Quan Uyển Nhi góp công rất lớn trong việc khôi phục triều đại Nhà Đường, cũng như những đóng góp của bà cho nền văn học thời kỳ đó. Và, Thượng Quan Uyển Nhi là phi tần duy nhất được xây dựng dinh thự bên ngoài hoàng cung. Nhờ vậy, nàng có cơ hội chiêu mộ các văn tài học sĩ, được đặc trách làm giám khảo trong các kỳ thi.

Việc ngâm nga thi phú dần trở thành phong trào. Uyển Nhi đam mê sưu tầm thi họa. Bộ sưu tầm của bà hơn vạn cuốn, ướp hương thơm ngát. Trăm năm sau, bộ sưu tầm này dần lưu lạc trong dân gian, nhưng mùi hương vẫn thoang thoảng lưu truyền.” (Theo Bách Khoa Toàn Thư).

Qulishi, một trang web của những người nghiên cứu lịch sử của Trung Quốc viết, (trích): “Trong lịch sử Trung Quốc, cung nữ có vị trí cao nhất là Lục Đại Cơ, Nhà Bắc Tề, người từng làm tới chức Thị Trung quyền thế hiển hách. Sau này khi gặp Hoàng Hoa, một cung nữ khác được hoàng đế sủng ái, Đại Cơ nhận Hoàng Hoa làm con nuôi và tiến cử làm Hoằng Đức Phu Nhân. Không lâu sau, Hoàng Hoa sinh được một người con trai khiến cho vị hoàng đế hiếm muộn bấy lâu có hoàng tử nối dõi.

Lục Đại Cơ vì muốn bảo toàn con đường quan lộc và gia tăng quyền thế của mình đã mưu mô tiến hành một canh bạc chính trị, dùng mưu kế ép Hoàng hậu Hồ Thị thoái vị, sau đó sắp xếp cho mẹ con Hoàng Hoa lên làm Hoàng hậu và Thái tử.” (ngưng trích).

Như vậy, trong lịch sử Trung Hoa, về quyền lực của giới phi tần, cung nữ ở cung đình, Thượng Quan Uyển Nhi chỉ đứng sau Lục Đại Cơ mà thôi. Nhưng hơn Lục Đại Cơ trong việc tham gia triều chính, dù chỉ “đứng phía sau”.

Nội dung bài nầy, người viết chỉ chú trọng đến tài hoa của Thượng Quan Uyển Nhi. Không nói đến chuyện tình cảm riêng tư của bà, vốn bị các nhà sử học Trung Hoa cho là “Tể tướng phong lưu”. Phong lưu đến mức nhà văn nổi tiếng đời Thanh là Ngô Mai Thôn từng cảm thán: “Thê tử khởi ứng quan đại kế” (Vợ vua há lại tằng tịu với quan).

***

Phần đọc thêm, (trích từ Bách Khoa Toàn Thư):

“Tháng 9 năm 2013, viện khảo cổ Thiểm Tây tuyên bố đã phát hiện được lăng mộ của Thượng Quan Uyển Nhi, trên mộ chí có đề "Cố Chiêu Dung Đại Đường Thượng Quan Thị Minh."

Mộ nằm cách di chỉ thành Trường An chỉ khoảng 25km, quy mô không lớn, vật bồi táng không nhiều. Chí văn gần một ngàn chữ, có ghi lại cuộc đời cũng như thân thế của Thượng Quan Chiêu Dung. Căn cứ theo mộ chí, Thượng Quan Uyển Nhi được mai táng vào tháng 8 năm 710, tương ứng với tư liệu lịch sử.

Năm 2014, toàn bộ văn tự trên mộ chí Thượng Quan Uyển Nhi được công bố, cũng đồng thời làm rõ tính chân thật của nhân vật lịch sử này.

Theo mộ chí, Uyển Nhi 13 tuổi được phong làm Tài nhân (4) của Đường Cao Tông, 42 tuổi sắc phong làm Chiêu Dung của Đường Trung Tông. Bên cạnh đó, văn tự trên mộ chí còn kể lại việc Thượng Quan Uyển Nhi khuyên can Đường Trung Tông không lập An Lạc công chúa làm Hoàng Thái Nữ, thậm chí lấy cái chết ra mà can gián.

Các chuyên gia sử học đều cho rằng, mộ ký lần này đã giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu cuộc đời Thượng Quan Uyển Nhi, càng giúp mọi người tiếp cận chân tướng thật sự trong lịch sử” (ngưng trích)

****

Ghi chú của người viết:

I. Thượng Quan (Nghi):

Thượng Quan là họ kép. Đa phần những họ kép xuất phát từ chức danh hoặc từ dòng tộc của vua. Thí dụ: Tư Mã là chức danh, thế hệ sau quan Tư Mã trở thành họ kép (Tư-Mã Ý). / Công Tôn, Công Tằng và Tôn Thất để chỉ những người có quan hệ với nhà vua như thế nào. Về sau thành hai họ kép (Công-Tôn Toản, Công-Tằng Tôn Nữ Thị Huyền), (Tôn-Thất Đính,… Âu-Dương Tu,…).

II. Uyển Nhi:

a)- Là tên của một loại ngọc (ngọc UYỂN). Chữ nhi ở đây là trợ từ, như "HOA nhi" là cái bông.)

b)- Một đứa trẻ đẹp, nhu thuận nết na. NHI là đứa bé trai, về sau người ta dùng NHI để chỉ chung các bé cả trai lẫn gái.

III. Phi, Chiêu – Tu - Sung, Tiệp, Mỹ, Tài, Bảo, gồm có:

(a). Phi, có:
Quí phi (貴妃), Thục phi (淑妃), Đức phi (德妃), Hiền phi (賢妃). Tất cả là 4 người, được gọi chung là Phu nhân. Trật Nhất phẩm.

(b). Chiêu-Tu-Sung, gồm có:

b1. Chiêu nghi (昭儀). Chiêu Dung (昭容). Chiêu Uyển (昭媛).
b2. Tu Nghi (脩儀). Tu Dung (脩容). Tu Uyển (脩媛).
b3. Sung Nghi (充儀). Sung Dung. (充容). Sung Uyển (充媛).

Tất cả 9 người, được gọi là Cửu tần (九嬪) - Trật Nhị phẩm.

(c). Tiệp hảo (婕好). Tất cả 9 người - Trật Tam phẩm.

(d). Mỹ nhân (美人). Tất cả 9 người - Trật Tứ phẩm.

(đ). Tài nhân (才人). Tất cả 9 người - Trật Ngũ phẩm.

(e). Ngoài ra còn có:

e1. Bảo Lâm (寶林) 27 người. - Trật Lục phẩm.
e2. Ngự nữ (御女) 27 người. - Trật Thất phẩm.
e3. Thể nữ (采女) 27 người. - Trật Bát phẩm.

IV. Cân Quắc Tể Tướng:

Bốn chữ Cân Quắc Tể Tướng, ta có thể hiểu “Vị Tể Tướng là một phụ nữ tài hoa, đẹp đẽ”. Mục đích là để phân định với chức danh Tể Tướng của các ông Tể Tướng trong triều.

Còn nghĩa đen, CÂN là cái khăn mà các phụ nữ con nhà quyền thế quấn đầu. Quắc là một một loại nữ trang như một hay nhiều sợi dây chuyền kết lại, hoặc sợi dây chuyền bản có cẩn ngọc thạch và có mặt, khi trang điểm phần sợi dây được đính trên cái khăn quấn đầu ấy, còn phần mặt dây chuyền được để thòng xuống trên trán.

Thành ngữ có câu “Cân hương Quắc sắc” để chỉ những phụ nữ quý phái, đẹp đẽ. Những người không biết, thường nói hay viết Cân hương QUỐC sắc. Trong khi hai chữ QUỐC Sắc nằm trong câu “Thiên hương Quốc sắc” (Sắc nước, hương trời).

V. Tài nhân:

Ở đây là chức danh có tên Tài Nhân. Trật Ngũ phẩm. Trách nhiệm của Tài Nhân là sắp xếp yến tiệc, chỗ ngủ nghỉ, coi về tơ lụa, vải vóc... Mỗi triều đại thường có 9 Tài Nhân. Có thể Đường Cao Tông ban chức danh Tài Nhân cho Uyển Nhi khi nàng mới 13 tuổi là để cho nàng được hưởng bỗng lộc theo bậc ngũ phẩm, chứ không phải để phục vụ như những Tài Nhân khác.

Khi tôi (TQMưu) viết “Tài Nhân Trịnh Bản Kiều”, có một vị chủ nhiệm không hiểu nghĩa TÀI NHÂN là gì, (hay có lẽ vị ấy nghĩ tôi viết “lộn”, nên chỉnh lại giùm) nên đảo ngược hai chữ TÀI NHÂN thành “NHÂN TÀI” Trịnh Bản Kiều”. Trong khi Tài Nhân là người tài hoa thường dùng để nói về giới văn chương, nghệ thuật.

“Tài nhân Trịnh Bản Kiều” là nói về “người tài hoa Trịnh Bản Kiều”.

Trịnh Bản Kiều có “Thi tài hoa” – “Thư (pháp) tài hoa” – “Họa (pháp) tài hoa”, người đời thường gọi là “Bản Kiều tam tuyệt”.

Ngoài ra, tiếng Tài Nhân còn chỉ người có tài năng đặc biệt trong lãnh vực nào đó.

Thí dụ, trong bài Ai Giang Đầu của Đỗ Phủ có câu:
Liễn tiền TÀI NHÂN đới cung tiễn,
Bạch mã tước nghiệt hoàng kim lặc.

Chữ Tài Nhân trong câu thơ trên chỉ những cận vệ võ giỏi, có tài cung, kiếm phi thường... luôn hầu cận bên Đường Huyền Tông.

Còn NHÂN TÀI là người giỏi, có tài. Chữ “TÀI” trong Tài Nhân (才人) và chữ “TÀI” trong Nhân Tài (人才) viết y nhau.

Xin mạo muội cống hiến quý độc giả mua vui.

Thái Quốc Mưu.
(Atlanta, Sept. 9-2016)

Tài liệu tham khảo và trích đoạn từ:
- Cựu Đường Thư của Lưu Hu (888 - 947)
- Tham khảo trực tiếp Học giả Minh Di (Triều Lương Chính)
- Bách Khoa Toàn Thư
- http://www.qulishi.com/
- Sử Ký Tư Mã Thiên

READ MORE - TÀI NHÂN THƯỢNG QUAN UYỂN NHI - Thái Quốc Mưu

KHÚC DU CA THÁNG SÁU - chùm thơ Ngưng Thu


Tác giả Ngưng Thu


KHÚC DU CA THÁNG SÁU

Lên đồi
hát khúc du ca tháng sáu
nhớ quá hạt mưa xưa
lăn trên vành môi em ngọt mềm
sợi nắng rẩy run trên nụ hồng mới chớm
hạnh phúc dường lên ngôi.

Mai nắng gọi
anh có cùng ngồi hong tóc rối
khúc du ca ngày xưa trỗi cung buồn
phía con đường lạ xa
lời ru bay lên đồi nhớ.

Mai đồi biếc
cất lời thiên thu gọi
dư hương nào vướng vít dáng xuân
nhành hoa tím đan gầy tâm tư kín
chợt năm ngón thon dài ve vuốt những niềm thương.

Một khoảng trống mênh mông choàng lên vai áo mỏng
hỏi lời Tình xa* Trịnh nhủ nhắn câu gì
"từng người tình bỏ ta đi
như những dòng sông nhỏ"
dòng trôi lạc loài
đời ta sao mệt nhoài
nắng đợi cơn mưa
ừ thì mai .

NGƯNG THU



TA HÃY CÙNG CHẠY ĐI ANH

Chạy về phía hoàng hôn
những chiếc bóng tan vào màn đêm
màn đêm mị tình đỏm dáng
ánh sáng vờn ly tan
càng chạy càng thương những chú cá lóc, cá trê bò lên bờ sông Sài Gòn sướt mướt.

Chạy về phía ngược sáng
bình minh trốn tìm
ôi miền Trung đau thắt lòng biển cả
từng đọt sóng vươn choàng trắng dãi tang thương
hình như có tiếng gọi bầy đàn từ thẳm sâu đại dương khản cứu.

Thôi anh đừng đọc thơ em viết nữa
đừng chợt thấy rưng rưng bởi những điều xưa cũ
hộp kí ức từng ngẩng mặt kiêu kì
niềm tin bong vỡ
em vẫn đó mà anh
vẫn cứ tìm anh trong rêu xanh kỉ niệm
mà kỉ niệm về biển thật chạnh lòng
biển của bây giờ ngã trắng mênh mông
khúc tình ca biển hát
khựng giữa đời chơi vơi.

Anh hãy lắng nghe lời của xa khơi
tiếng thở của gió bây giờ không còn nghe mùi mặn
chỉ có mùi xác chết áng ngự lòng người
trong hơi thở của biển
có tiếng những hạt cát oằn mình đau
tiếng tỉ tê buồn rũ cánh hải âu
tiếng bọt sóng cuộn trào
biển giận.

Kìa những chiếc bóng thất thần đau chạy phía hoàng hôn
cố xua bầy quỹ dữ
cố tìm nhặt ánh mặt trời sót lại
đường về bình minh còn xa ngái?
ta hãy cùng chạy đi anh
may ra còn thấy chút màu xanh
ôi biển !

NGƯNG THU

THỊ TRẤN BÂY GIỜ CHIỀU VẮNG MÙA THU

Thị trấn vẫn xuân màu biếc
mùa đâu dỗi hờn chi hạt nắng lang thang
không mùa thu đèn phố vẫn lên vàng
anh níu niềm đau làm chi tình tội
ngọn gió xao lòng mùa thu lạc lối.

Anh cứ nhả vần du ca lòng núi
thị trấn vẫn ươm màu sắc thẵm niềm quê
khúc diễn ngôn mơ khoả lấp lòng chiều
có khoảng trống nào u mặc như đêm.

Bong khúc tình trầm một thoáng hơi men
thị trấn còn say hương mùa thu cũ
chiều vắng mây thưa nhớ làn môi thở
rượu chuốc một ghè thu biết nào lơi.

NGƯNG THU




READ MORE - KHÚC DU CA THÁNG SÁU - chùm thơ Ngưng Thu

LẠC DÒNG - chùm thơ Hiền Phương

Tác giả Hiền Phương



LẠC DÒNG 2

Người ấy và tôi chung bến sông
Nhớ thương đã khắc ở bên lòng
Người theo duyên mới tôi buồn lắm
Nước mắt rơi theo ướt đẫm  dòng.

Người hứa cùng tôi dệt ước mong
Tháng năm tô thắm giấc mơ hồng
Nào ngờ ham phú người thay đổi
Chết lặng tim khờ tôi ngóng trông.

Người hỡi tình ta đã thắm nồng
Ham giàu người nỡ bước sang sông
Quên tình quên nghĩa mình cùng hứa
Để lỗi tình xưa phải lạc dòng!

HP 23.4.16


KHẮC KHOẢI

Em khắc khoải nhìn con sóng ngoài khơi
Có gì chơi vơi
Có gì xao động
Cồn cào
Sâu lắng
Mà chẳng thể nào cắt nghĩa nổi tâm tư
Giữa thực và hư
Anh là gì
Mà em sao chẳng rõ
Cứ bồng bềnh
Như ngàn con sóng nhỏ
Biết khi nào cập bến ở trong em!

HP 12.4.16


ĐIỀU EM THÌ THẦM CÙNG BIỂN

Em nói gì trước biển sớm nay
Mà con sóng bỗng dịu dàng đến thế
Cánh Hải âu chao nghiêng mang lời thề của biển
Gió mơn man trên mái tóc đen huyền.

Em nói gì cho biển thấy yêu hơn
Sóng nhẹ vỗ quanh mạn tàu đánh cá
Sóng nhẹ ru như lời yêu biển cả
Sóng hiền hòa êm ả hát tình ca.

Em nói gì về chuyện của hai ta
Để cho sóng cứ ngân nga khúc hát
Sóng xốn xang reo vang thành điệu nhạc
Sóng tuôn trào cho nhịp sống thăng hoa.

HP 15.4.16


LỖI DUYÊN

Mẹ đừng buồn... người sai hẹn với con
Bởi chỉ tại duyên chưa tròn Mẹ ạ
Vẫn tha thiết mà sao đời nghiệt ngã
Con với người cứ lỗi hẹn ... rồi xa.

Mâm cơm bày cứ ngóng đợi người ta
Như lời hẹn sẽ về thăm Cha Mẹ
Họ hàng tới chờ xem nàng dâu trẻ
Nghe nói xinh và hiền dịu nết na.

Nhưng đợi chờ sao mãi vẫn thấy xa
Con đường nhỏ bỗng xa dài hun hút
Người lỗi hẹn .... Mẹ thở dài thườn thượt
Mâm cơm đầy ... mà thiếu một niềm vui.
Nỗi buồn dâng... thoáng có chút bùi ngùi!

HP 2.1.16
Viết về kỉ niệm xưa.


TÌNH EM 

Em đếm từng nhịp sóng
Đo sợi tình nông sâu
Nhớ thương nhàu trong dạ
Nên sóng mãi bạc đầu.

Em nếm từng vị biển
Ưu phiền mặn làm sao
Mà lòng khao khát thế
Cứ đắm say dạt dào.

Em gom từng sợi nắng
Giữa biển tình mênh mang
Ướp nồng hương ân ái
Ngày yêu thương nồng nàn.
Em dệt 
Tình khúc vàng!

HP 18.4.16
Hiền Phương




READ MORE - LẠC DÒNG - chùm thơ Hiền Phương

KHI ĐỨA CON CHÀO ĐỜI - hai bài thơ Võ Quốc Tuấn



Tác giả Võ Quốc Tuấn và con gái.


KHI ĐỨA CON CHÀO ĐỜI

Vợ chồng đều công chức
Hai nơi làm khác xa.
Buổi cơm chiều gặp mặt
Đạm bạc, nhưng đậm đà!

Tối xem xong thời sự,
Mỗi đứa mỗi việc riêng.
Vợ vẽ, chồng ngồi viết
Sợ tiếng ồn làm phiền…

Ngày trôi qua lặng lẽ
Hết tháng rồi qua năm,
Ngôi nhà vắng tiếng trẻ,
Buổi cơm sao lặng thầm!

Công việc cứ đều đặn
Sáng đi chiều lại về
Tối mỗi người một việc
Sao ngột ngạt, nặng nề!...

Từ ngày có con nhỏ
Phải dậy sớm thức khuya
Buổi cơm chiều luôn muộn
Mà sao chẳng đói lòng!

Tối ngồi xem thời sự
Con đùa giỡn vô tư
Rồi khóc nhè quấy rối
Tiếng ồn giờ thấy yêu!..

Con là sợi chỉ nhỏ
Cột chặt mẹ và cha
Là tâm điểm cả nhà
Là niềm vui hạnh phúc.

Trà Vinh, 26/6/2016
VQT

CON ĐI MẪU GIÁO
(Tặng con gái yêu dấu)

Cũng vì bận công tác
Đành để con xa nhà
Ba tuổi vào mẫu giáo
Cha mẹ thật xót xa.

Con vui vì áo mới,
Ba lô bé xinh ghê
Chẳng quên đựng những thứ:
Bình sữa và búp bê.

Chia tay con ở lớp
Con lệ ngấn rưng rưng.
Cha đắng lòng mạnh bước
Đất trời như nhạt nhòa…

Ngày trôi qua chậm chạp
Lòng thấp thỏm nôn nao
Mẹ đón con ở lớp
Mừng sao lệ tuôn trào.

Đời người ai chẳng thế
Lớn từ bé mà nên.
Đường đời kia cũng vậy
Chẳng khóc sao biết cười!

Trà Vinh, 01/7/2016
Võ Quốc Tuấn
Giáo viên Trường THCS Huyền Hội, Càng Long, Trà Vinh.




READ MORE - KHI ĐỨA CON CHÀO ĐỜI - hai bài thơ Võ Quốc Tuấn