Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 20, 2017

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN



  Nhà thơ Chu Vương Miện



ĐẠI NAM

chuyện bây giờ dù ngăn sông cách núi
chuyện ngày xưa dù cách núi ngăn sông
tình chúng mình dừng ngay ngã ba đưòng
nhánh xuôi Đồ Bàn, nhánh về Đại Việt
ơi Huyền Trân, Chế Mân tình chưa đoạn kết
mà đau thưong kéo tới tận bây giờ
quá thương đời ta lận đận làm thơ
non nước Việt Chàm Phù Nam làm một
tuy khác tổ tiên nhưng cùng chung một nước



ANH LINH

Chàng thương binh về nơi nguyên quán
Năm ngón tay đã để lại sa trường 
                     (Thơ Tường Linh)

Ta đứng ngó mãi về bờ nam hải
Ơi thân thưong năm cụm núi Ngũ Hành
Dòng sông Thu chia bên này bên đó
Phía thành xưa, phía lụa dệt Duy Xuyên
Anh em mình gặp nhau trong một kiếp
kiếp làm thơ kiếp lính ở sa trường
Ờ “trăng treo đầu súng” với “nghìn khuya”
thơ vằng vặc theo trăng rằm quê mẹ


TẠP THI 13

Thiên tử là con người
Nhân tử là con người
Con ngươi là thằng dân
Con của trời là vua
Từ xưa cho tới giờ


TẠP THI 14

Có dân nhà giàu
Và cũng có dân nhà  nghèo
Có dân làm thực dân
Đi khai hoá 
Các dân tộc man di
Có dân làm đế quốc
Đi bóc lột các nước nghèo
Có xứ vừa đói vừa nghèo
Thường xuyên thiếu ăn
Và chết đói
Có nơi thưòng xuyên mù chữ
ở trần 
ở truồng
muôn niên

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, THƠ XUÂN LY BĂNG - Châu Thạch


                  
                          Nhà bình thơ Châu Thạch



  CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, 

                                                                   THƠ XUÂN LY BĂNG
                                                   Cảm nhận của Châu Thạch

Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã được xem  là nhà thơ của đạo Thiên Chúa vì thơ ông chính là “nguồn trong trẻo vô biên” phát ra từ sự cảm xúc bởi đức tin trong tim. Nhà thơ không chủ ý sáng tác để tôn thờ Thiên Chúa hay để truyền bá Phúc âm nhưng Thiên Chúa đã chiếm ngự linh hồn ông, nên thơ ông tự nhiên đầy dẫy Thánh Linh. Tôi tìm được người thứ hai có phong cách như thế trong bài thơ “Im Lặng” của nhà thơ Xuân Ly Băng. Im lặng theo định nghĩa của từ điển là không có lời nói, không có tiếng động nào. Sự im lặng nầy chỉ xảy ra ở bên ngoài nhưng trong tâm vẫn còn xao động bởi muôn vàn hỷ nộ, ái ố của chính mình.  Im lặng theo triết lý Phật giáo là “tỉnh lặng như chánh pháp”, nghĩa là tâm thức vẫn hoạt động nhưng tự mình hướng cho tâm thức quay về nẻo thiện, tránh nỗi đau và tìm sự an lạc.
Bây giờ hãy đi vào thế giới “Im Lặng” của Xuân Ly băng:

                 Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
                 Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
                 Đường vào im lặng mê ly quá
                 Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên  
   
Nhà thơ vào đề bằng hai chữ “Dáng ngọc”. Dáng ngọc ở đây “lượn về trong giấc êm”, “nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm” cho ta phỏng đoán ngay được “Dáng ngọc” là linh hồn. Linh hồn thì “lượn về trong giấc êm”, mới “nhẹ tựa hoa bay” để đi vào con đường “ im lặng mê ly”, “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” được. Thể xác chúng ta thì vì quá nặng nề không vào được nơi đó bao giờ.
Khổ thơ đầu giới thiệu với ta một linh hồn thoát xác bay trên con đường im lặng. Con đường ấy tất nhiên không có ở trần gian vì nó đã được “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” và nó cũng có thể đang hiện hữu có sẳn một nơi nào đó hoặc ở chính trong tâm thức mà nhà thơ khám phá được.
Khổ thứ hai của bài thơ cho ta thấy chốn Im lặng nầy không hẳn là đã ngưng tiếng động, mà ngược lại tiếng động của nó vẫn được nghe ở một dạng khác, dào dạt như vạn tiếng nguyệt cầm:

                   Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
                   Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
                   Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
                   Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm

Khổ thơ thứ hai giải bày cho ta thấy một thứ tiếng động trong tâm thức  của ta. Ba câu thơ trên hoàn toàn là sự Im lặng. Câu thơ cuối có tiếng đàn. Thế nhưng ta phải hiểu ‘”nguyệt cầm” không phải là cây đàn nguyệt mà nguyệt cầm là “đàn trăng”. Hiểu như thế ta mới thấy hai câu thơ “Mà đây sáng quá! Đây sáng quá/ Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm” là sự cảm nhận thứ ánh sáng của trăng thành tiếng đàn dào dạt trong tâm thức của tác giả.  Vạn vật bấy giờ yên lặng vô cùng, ánh trăng tràn lan bủa vây cả vũ trụ. Tác giả thấy trăng và nghe được vạn tiếng nhạc “vô âm” của trăng trong tâm thức mình. Khổ thơ cho ta hiểu gì? Khi ta bay vào cõi “Im Lặng” thì quyền năng tại đó làm tâm thức tỉnh lặng của ta nghe được thứ âm thanh mà đôi tai trần không nghe được bao giờ.
Khổ thứ ba và những khổ thơ tiếp theo nhắc đến thế giới im lặng tuyệt vời nhưng cái tâm xao động của phàm trần vẫn còn nổi lên trong lòng tác giả:

                 Đường vào chẳng thấy một mùa hoa
                 Không cánh chim trời diệu vợi ca
                 Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc
                 Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà

                 Mặt suối trăng sao sáng một vùng
                 Đào hoa nép bóng liễu rung rung
                 Đôi con bạch yến đu cành trúc
                 Ngắm dáng nai tơ dưới cội tùng

                 Phượng trắng lên trời bay rất cao
                 Mây xếp tàn che mõ trăng sao
                 Ngọc rụng vàng rơi miền nhân thế
                 Bọc lụa bàn tay hứng ngọt ngào.

                 Một mùa thi nhạc ửng hồng lên
                 Dương cầm nức nở Beethoven
                 Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích
                 Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên.

                 Xuất hiện tiên tri hát từ hoa
                 Treo đàn dương liễu tuyết sương pha
                 Huyết lệ sông dâng hồn ai oán
                 Vui chi mà nẩy khúc hoan ca?

Nếu đọc tiếp những khổ thơ sau, dưới những khổ thơ nầy, ta sẽ thấy hình bóng của Đức Mẹ đồng trinh hiện ra lồng lộng giữa bầu trời. Vinh quang của Mẹ làm cho thơ và nhạc cũng lui đi. Từ đó ta có thể hiểu cảm nhận của nhà thơ La Thuỵ về những khổ thơ khó hiểu trên:

"Đúng là cảm xúc của một thi nhân, trong khi dâng niềm kính mộ đến NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG, thì thời khắc ban đầu của buổi tĩnh tâm, hình tượng nghệ thuật Đức Mẹ Sầu Bi với vẻ đẹp tinh khiết nguyên trinh làm nhà thơ Xuân Ly Băng liên tưởng đến nghệ thuật thơ, nhạc, họa... cõi trần ai cùng nỗi đau nhân thế. Nhà thơ Xuân Ly Băng vẫn "Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc / Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà" và vẫn để trí tưởng đến "Một mùa thi nhạc ửng hồng lên / Dương cầm nức nở Beethoven / Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích / Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên". Dù chỉ là liên tưởng trong giây phút ban sơ của buổi tĩnh tâm còn vương đọng trong trí tưởng, nhưng những liên tưởng đó lại chan chứa chất nghệ sĩ của mạch thơ"

Tĩnh tâm của người theo Thiên Chúa không  phải với mục đích tự mình chứng ngộ được đạo mà mục đích là để cảm nghiệm được rõ rệt Thiên Chúa hiện diện ngay trong mình, làm cho đời mình chuyển hoá tốt đẹp nhờ sự hiện diện đó. Qua lời bình của nhà thơ La Thuỵ chúng ta có thể hiểu được tác giả Xuân Ly Băng đương mô tả cái giờ phút mà ông tĩnh tâm. Giờ phút đó hồn ông được bay vào cõi im lặng. Cõi im lặng trong thơ rõ ràng nó không là ảo giác bởi vì nó xuất hiện trong giờ phút tĩnh tâm, nghĩa là ở khía cạnh nào đó nó là có thật. Và dầu không phải “Thiền” như Phật giáo, cái giờ phút tĩnh tâm của người theo Chúa cũng vương vấn sự liên tưởng, vẫn còn sót chút tạp niệm khuấy động, cần phải diệt nó đi thì trái tim mới tinh nhẹ và trong sạch  để linh hồn được như lời kinh đã dạy: 
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch
Vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”(Mt 5,8)
Mấy khổ thơ trên cho thấy cõi tĩnh lặng của Thiên Chúa đẹp biết bao nhưng sự cám dỗ của tội lỗi cũng vô cùng lôi cuốn. Sự lôi cuốn đó được diễn tả trong những câu thơ mà La Thuỵ đã trích dẫn ở trên, khiến cho ta thấy suốt 5 khổ thơ  trên, tâm hồn tác giả vừa khoái lạc trong cõi im lặng, vừa đau thương nhớ tiếng nhạc Beethoven, khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích và có khi nặng nề đến độ “Huyết lệ sông dâng hồn ai oán”. Đây là thời khắc mà linh hồn nhà thơ đấu tranh với Sa-Tan, giữa cám dỗ của tối tăm và ành sáng Thiên Chúa.
Và khi nhà thơ diệt được cảm xúc xác thân, được Thiên Chúa thăng hoa linh hồn, thì sự gặp gỡ Đấng Tối Cao không khó. Ở đây, nhà thơ Xuân Ly Băng đã thấy được Mẹ Thiên Chúa của ông:

                 Đêm tối qua đi một trời hồng
                 Bóng người trinh nữ hiện trên không
                 Ngàn muôn tinh đẩu lao xao cả
                 Và thơ và nhạc hoá ra không

                 Một vị cứu tinh đã ra đời
                 Run tờ lịch sử xếp làm đôi
                 Vũ trụ lại hồn qua đêm trắng
                 Và thần hy vọng đã lên ngôi.

                 Khóc sướng nhạc hồn vạn cỏ cây
                 Nhựa sống tràn trề khắp đó đây
                 Hương mùa đạo hạnh thơm phưng phức
                 Có chết cũng đành, phải không bây?

                 Sóng bạc dâng lên giữa biển chiều
                 Đưa hồn về tận bến phiêu diêu
                 Khoang thuyền đầy ắp trân châu cả
                 Dáng ngọc giơ tay vẫy yêu kiều.

                 Suối tóc tơ hồng rất dịu dàng
                 Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang
                 Hái thơ con hái miền im lặng
                 Im lặng, con ơi, là tuổi vàng

Bây giờ bài thơ “Im Lặng” không còn im lặng nữa. Cõi im lặng mất đi khi “Đêm tối qua đi mặt trời hồng/Bóng người trinh nữ hiện trên không”. Cả 5 khổ thơ bừng lên niềm vui đầy âm thanh, ánh sáng, hương thơm và  một sức sống lan tràn cả vũ trụ và cả ta, con người cũng được “Đưa hồn về tận bến phiêu diêu”. Thử hỏi hạnh phúc đó đến từ đâu? Hãy nghe: “Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang/Hái thơ con hái miền im lặng/ Im lặng, con ơi. Là tuổi vàng”. Vậy thì hạnh phúc đó rõ ràng đến từ “miền im lặng”. Vế thơ cuối được Mẹ tức Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa khẳng định mà ta có thể hiểu: Im lặng như một loài cây thơ tức là cây hạnh phúc, mà hạnh phúc là những bông hoa thơ nở ra từ loài cây im lặng. Ở vế thơ đầu ta thấy có câu thơ “Đường vào im lặng mê ly quá”, vậy ta cũng có thể nói im lặng là con đường dẫn vào Thiên Đàng, vượt qua cõi im lặng ta thấy được vinh quang ở cõi đời đời. Vinh quang đó nằm nơi “mùa xuân sang” chính là bóng Mẹ Maria hiện ra với “suối tóc tơ hồng” và lời trực tiếp dạy nhà thơ “hái thơ miền im lặng”. Lời mẹ Maria cũng khẳng định thơ là chân lý, là vinh quang Thiên Chúa nên Mẹ bảo “hái thơ” là “hái miền im lặng” trong “mùa xuân sang” mà  Thiên Chúa đem đến. 
 Hàn Mặc Tử cũng như Xuân Ly Băng, hai tâm hồn nghệ sĩ Thiên Chúa Giáo mà tiếng thơ của họ như hai cung đàn đồng điệu khác âm. Đồng điệu là vì niềm tin trong huyết quản của họ chảy ra thành thơ “thấm nhuần ơn trìu mến”, như “thần nhạc thơm tho và huyền diệu” tôn thờ Thiên Chúa. Khác âm là vì Hàn Mặc Tử đối đầu với nỗi đau cực độ, nhưng ông có một niềm tin siêu linh nên thơ ông được thăng hoa trong niềm tin  đó. Ngược lại nhà thơ Xuân Ly Băng là một tu sĩ dâng mình phụng sự Chúa, ông không có niềm đau nhưng có thứ tình yêu, đức hy sinh của Chúa nên thơ ông cũng bay cao bởi đôi cánh đức tin và khoe màu tuyệt đẹp bới ánh sáng long lanh của chân ly chiếu rọi trên ông. Cả hai nhà thơ đều nhận được hồng ân từ Thiên Chúa, đó là ân tứ lớn có “Trí hớp bao nhiêu là mỹ duệ” để “Bút reo như châu ngọc đền vua” dâng lên Thiên Chúa mỗi bài thơ là một của lễ thơm.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, đau khổ hay nguồn vui đều nằm trong sự tể trị của Ngài. Tất cả Ngài dùng để khải thị cho nhân loại tình yêu vô bờ bến của Chúa. Thơ là bông trái Thánh Linh mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Nguyện loài người hái thơ là hái bông trái thánh linh trong miền im lặng của Chúa để gặp Chúa ngay tại đời nầy./.
                                                                     Châu Thạch


             
                                          Nhà thơ Xuân Ly Băng

                IM LẶNG

                Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
                Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
                Đường vào im lặng mê ly quá
                Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên

                Trăng sao lịm ngủ từ muôn năm
                Nhạc hội xuân nào cũng lặng câm
                Mà đây sáng quá! Đây sáng quá!
                Dào dạt cung êm vạn nguyệt cầm

                Đường vào chẳng thấy một mùa hoa
                Không cánh chim trời diệu vợi ca
                Hồn mộng Trang Sinh say hương sắc
                Tắm sáng nhạc tươi trổi chan hoà

                Mặt suối trăng sao sáng một vùng
                Đào hoa nép bóng liễu rung rung
                Đôi con bạch yến đu cành trúc
                Ngắm dáng nai tơ dưới cội tùng

                Phượng trắng lên trời bay rất cao
                Mây xếp tàn che mõ trăng sao
                Ngọc rụng vàng rơi miền nhân thế
                Bọc lụa bàn tay hứng ngọt ngào.

                Một mùa thi nhạc ửng hồng lên
                Dương cầm nức nở Beethoven
                Khóc tiếng chèo khua sông Xích Bích
                Thương cảm Ly Tao hồn Khuất Nguyên.

                Xuất hiện tiên tri hát từ hoa
                Treo đàn dương liễu tuyết sương pha
                Huyết lệ sông dâng hồn ai oán
                Vui chi mà nẩy khúc hoan ca?

                Đêm tối qua đi một trời hồng
                Bóng người trinh nữ hiện trên không
                Ngàn muôn tinh đẩu lao xao cả
                Và thơ và nhạc hoá ra không

                Một vị cứu tinh đã ra đời
                Run tờ lịch sử xếp làm đôi
                Vũ trụ lại hồn qua đêm trắng
                Và thần hy vọng đã lên ngôi.

                Khóc sướng nhạc hồn vạn cỏ cây
                Nhựa sống tràn trề khắp đó đây
                Hương mùa đạo hạnh thơm phưng phức
                Có chết cũng đành, phải không bây?

                Sóng bạc dâng lên giữa biển chiều
                Đưa hồn về tận bến phiêu diêu
                Khoang thuyền đầy ắp trân châu cả
                Dáng ngọc giơ tay vẫy yêu kiều.

                Suối tóc tơ hồng rất dịu dàng
                Mỉm cười Mẹ bảo: mùa xuân sang
                Hái thơ con hái miền im lặng
                Im lặng, con ơi, là tuổi vàng.

                                    Xuân Ly Băng

  



READ MORE - CÕI TỊCH LẶNG TRONG “IM LẶNG”, THƠ XUÂN LY BĂNG - Châu Thạch

NGƯỜI TÔN VINH THƠ CA VIỆT NAM - Lê Mai


 
            Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)



           NGƯỜI TÔN VINH THƠ CA VIỆT NAM
                                                                     Lê Mai
   - Ông là ai? Là nhà thơ đã xuất bản 12 tập thơ, trong đó không phải không có những tập khá, không phải không có những bài thơ hay.
   - Ông là ai? Là nhà sưu tầm, biên soạn, tuyển chọn gần 20 tuyển tập thơ (với khoảng trên 12.000 trang in), trong đó không phải không có những cuốn sách có giá trị.
   - Ông là ai? Ông nói: Tôi là người yêu thơ, say thơ và trân trọng thơ, vậy thôi. Ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói: Gia Dũng là người tôn vinh thơ Việt Nam.
      Ông là Gia Dũng (họ Đỗ) sinh năm 1940, quê Thái Bình. Thủa nhỏ ông đã có những bài thơ khiến bạn học nể phục. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ông đã có thơ đăng trên các báo Văn nghệ, Nhân dân, Tiền phong....
Ngày 19-5-1965, Gia Dũng, anh cán bộ trẻ phòng văn nghệ Ty văn hoá tỉnh Tuyên Quang, với cặp kính viễn 3,5 điốp xung phong đi bộ đội và được điều về đại đội vận tải (C25) sư đoàn 312B. Vào lúc rỗi rãi hiếm hoi, ông lấy sổ thơ ra đọc - những bài thơ chép tay với nét chữ đẹp.  Tình cờ, trợ lý quân lực sư đoàn Lê Thăng biết. Thế là, một tuần sau ông trở thành nhân viên văn thư của Ban Quân lực sư đoàn, để rồi năm 1966 về Nam Định nhận quân, điểm danh có Nguyễn Đức Mậu, lên Vĩnh Phúc có Hà Đình Cẩn, sang Hà Tây có Nguyễn Phúc Ấm....những người bạn văn thơ thân thiết của ông sau này. Tháng 9 – 1969, Gia Dũng cùng Nguyễn Đức Mậu theo Trung tá trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông (sau là thiếu tướng Phó tư lệnh quân khu II) đi chuẩn bị chiến trường. Chuyến vượt Trường Sơn gian nan, hiểm nguy này đã cho ông nhiều cảm xúc hào hùng và lãng mạn, giúp ông viết nên bài thơ nổi tiếng “Bài ca Trường Sơn”. Để rồi, vào một ngày đang lúi húi lấy củi trên đỉnh A Sầu, A Lưới, ông bỗng nghe “đài hát”.... “Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua chưa một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/Dừng lưng đèo mà nghe suối hát/Ngắt một đoá hoa rừng gài lên mũ ta đi....” . Ông lắng nghe và vui sướng, tự hào đến run người, nhưng....ở cái chốn chiến trường A Sầu, A Lưới mù trời khói lửa đạn bom này, còn đâu một đoá hoa rừng cho ông tự thưởng mình. Năm 1972 ông bị thương rồi nhận quyết định về công tác tại tạp chí văn nghệ quân đội cùng các nhà thơ: Thu Bồn, Nguyển Đức Mậu, Duy Khán,VươngTrọng ... Những tưởng từ đây ông sẽ yên tâm sống để dựng xây sự nghiệp văn chưong. Nào ngờ, cuối năm 1978 tình hình biên giới phía bắc trở nên căng thẳng. Thế là ông xin lên biên giới để xây dựng hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tuyên. Ở đây, với 7 năm trên cương vị phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội văn học nghệ thuật một tỉnh một tỉnh miền núi tuy vất vả nhưng đã mang đến cho ông những lợi thế cho công việc sau này.
Năm 1990 khi Hà tuyên tách tỉnh, ông lặng lẽ rời núi rừng xuống Hà nội thuê nhà, mướn “đại bản doanh” để mở mặt trận mới: làm sách thơ. Bạn bè tâm sự: làm sách văn xuôi khả dĩ còn có thể sống được chứ làm sách thơ thì... ai mua. Nhưng ... nếu chỉ vì lẽ mưu sinh thì việc gì ông phải nhọc lòng xa nhà rời núi. Trong ông còn có sự thôi thúc cao cả hơn nhiều.
  Vì say thơ, trân trọng thơ cho nên khi nhận thấy cảm xúc trong lòng không còn được dào dạt như xưa sức sáng tạo có phần suy giảm ông lập tức dừng bút. Chẳng lẽ ông phải xa thơ ư? Ông đã có cách .Ông sẽ làm các tuyển thơ thật đẹp thật hay để tôn vinh, lưu giữ những giá trị nghệ thuật vĩnh hằng.
  Khi làm sách thơ ông tự đặt cho mình nguyên tắc: chỉ tuyển chọn thơ hay, không lệ thuộc vào tác giả. Phải thế chăng mà trong tuyển “Thơ Việt nam 1945-2000” không có bài của trên 20 nhà thơ là hội viên hội nhà văn Việt nam, trong khi đó ông lại chọn tuyển thơ của trên 200 tác giả tên tuổi còn lạ lẫm.
  Lại nữa, tuyển chọn thơ không lệ thuộc vào tài trợ. Ông đã từng tế nhị từ chối trên chục ngàn đô la tài trợ của một giáo sư người nước ngoài “gốc việt”... Ông đã từng lẳng lặng bỏ qua lời đề nghị của một ông giám đốc: sẽ tài trợ hàng chục triệu đồng, sẽ mua hàng trăm cuốn sách nếu ông tuyển chọn cho ông ta... một bài thơ .Ông thường nghĩ: thơ hay thời nào cũng có nhưng thời nào cũng hiếm. Muốn tìm được thơ hay thì phải đọc, đọc hàng vạn bài thơ. Phải lắng nghe, nghe hàng nghìn người để phát hiện. Nên ông đi khắp mọi miền quê đất nước để “nhặt thơ”, “gom bạn”. Nghe Mường Lò có ông Lò Văn Tâm (dân tộc Thái) làm thơ hay là ông đến Mường Lò. Đọc bài thơ “Nhớ Hồ gươm” của Tống Ngọc Hân thấy hay là ông lên Sapa. Chọn bài thơ “Giá gạo Tràng An” của nữ sĩ Mộng Tuyết là ông tới Hà Tiên. Hâm mộ tài năng tướng Nguyễn Sơn là ông vô Sài gòn nhờ cậy người tìm đến nhà riêng của con gái tướng Nguyễn Sơn để xin thơ.
  Nhờ Gia Dũng tôi mới được xúc động cùng những câu thơ hay của những tác giả không quen biết...Con về thăm mẹ đêm mưa / Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên / Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên / Đã rơi vào mẹ những đêm trắng trời /Con đi đánh giặc suốt đời /Mà không che nổi một nơi mẹ nằm (Đêm mưa - Tô Hoàn). Hay như ... Mình về con dốc thì dài / Mây chen chân ngựa, gió cài vành khăn / Lời yêu trong mắt long lanh / Mùa xuân căng mọng nửa vành áo thêu (Chợ phiên - Nguyễn Thọ)
  Gần 20 năm “ lưu lạc giang hồ” với lòng ngưỡng mộ tôn vinh thơ Việt, Gia Dũng đã sưu tầm biên soạn được các tuyển thơ như:
  Năm 1999, ông xuất bản cuốn Chúng tôi đánh giặc và làm thơ gồm 280 bài thơ của 120 tác giả là người lính. Đây là cuốn sách ông tâm đắc vì ông trả được món nợ lòng đối với những người đồng đội. Khi nhận viết lời giới thiệu cho tuyển thơ này, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đại ý: nếu cán bộ và chiến sĩ trong quân đội ta biết tôi từ chối viết lời giới thiệu cho cuốn sách này thì anh em sẽ nghĩ gì về tôi?
  Cuốn sách ra đời ngay lập tức được công chúng đón nhận. Giữa tháng 12 năm1999, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách, trong số đông công chúng thăm dự có cả gia đình con gái tướng Nguyễn Sơn, con trai nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, chị gái nhà thơ Lê Anh Xuân...
  Năm 2000, ông xuất bản cuốn Thơ các dân tộc thiểu số Việt nam thế kỷ XX gồm trên 600 bài của gần 500 tác giả. Lần đầu tiên các dân tộc thiểu số Việt nam có một tuyển thơ thế kỷ.
  Năm 2001, xuất bản tuyển Thơ Việt nam1945 - 2000  đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của thơ Việt nam. Tập tuyển được tạp chí Thế giới mới đưa vào kỷ lục sách Việt nam.
  Năm 2004, xuất bản cuốn Ngàn năm thương nhớ gồm 938 bài thơ của 886 tác giả. Cuốn sách bìa cứng , giấy đẹp có hoa văn nổi, dày trên 2000 trang, nặng tới 3,6kg. Đây là tuyển thơ lớn nhất về Thăng long – Hà nội từ trước đến nay. Tạp chí Thế giới mới một lần nữa ghi nhận: “Người tự phá kỷ lục về tuyển thơ đồ sộ nhất lại chính là Gia Dũng”. Cuốn sách Ngàn năm thương nhớ vượt kỷ lục về độ dày, về số lượng tác giả, về thời gian (10 thế kỷ) và cả về không gian (ngoài các tác giả trong nước còn có 86 tác giả thuộc 42 quốc gia trên khắp các châu lục).
  Tháng 12 -2004, xuất bản cuốn Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ dày 1640 trang. Đây là cuốn sách lớn nhất trong lĩnh vực thơ ca về Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
  Tháng 8 - 2005, xuất bản cuốn  Nước non một dải dày 1962 trang với 999 bài thơ của 999 tác giả. Cuốn sách giống như một tấm bản đồ thơ ca, một “Từ điển thơ” về đất nước và con người Việt nam, quy tụ đủ tác giả, tác phẩm của 61 tỉnh thành (có cả những tác phẩm của người Việt sống xa tổ quốc).
  Đầu thu năm 2007, xuất bản cuốn Nguyễn Trãi với Côn Sơn dày 1680 trang (trong đó có 1400 trang Hán nôm) với 219 tác giả.
Tháng 6 -2008 xuất bản cuốn Tràng An một thuở. Thu 2008 xuất bản cuốn Văn chương Thái bình 10 thế kỷ dày 1800 trang (với 1200 trang Hán nôm). Đặc biệt, theo dự tính ngày 1 – 1-2010 ông sẽ cho ra mắt bạn đọc bộ tuyển thơ Việt thi thiên tải (ngàn năm thơ Việt) gồm 2 tập dày 2980 trang (có 1380 trang Hán nôm) với 1280 tác giả. Đây sẽ là bộ tuyển thơ tầm cỡ, chúng ta sẽ đón chờ một kỷ lục nào đây?
Vào những ngày này chúng ta vẫn thấy ông tiếp tục đọc, đi, gặp gỡ để gom nhặt thơ hay. Trên bàn làm việc của ông, trong nhà in, các tập thơ, tuyển thơ do ông biên soạn luôn sẵn sàng ra mắt bạn đọc. Xin cảm ơn và chúc mừng nhà thơ, nhà biên soạn Gia Dũng.       
                                                                            Lê Mai                                                                                                                                                
READ MORE - NGƯỜI TÔN VINH THƠ CA VIỆT NAM - Lê Mai

HOA VƯỜN NHÀ - Ảnh của Chu Vương Miện


 


 


 


 



 

READ MORE - HOA VƯỜN NHÀ - Ảnh của Chu Vương Miện

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (KÌ 16) - Nguyễn Ngọc Kiên





             NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ 
                  THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (KÌ 16)

(44) 春眠不覺曉 [Xuân miên bất giác hiểu] (Giấc ngủ mùa xuân quên mất sáng. Muốn chỉ người con gái nằm ngủ đầy vẻ xuân) 
Thành ngữ này có xuất xứ từ bài Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên đời Đường. Nguyên văn như sau:

春眠不覺曉, 
處處聞啼鳥。 
夜來風雨聲, 
花落知多少?

Xuân hiểu 
Xuân miên bất giác hiểu, 
Xứ xứ văn đề điểu. 
Dạ lai phong vũ thanh, 
Hoa lạc tri đa thiểu?

Dịch nghĩa: 
Say sưa giấc xuân không biết trời đã sáng 
Khắp nơi vang lên tiếng chim hót 
Đêm qua có tiếng gió và mưa 
Hoa rụng không biết bao nhiêu?
Giấc xuân, sáng chẳng biết,

Dịch thơ: 
Khắp nơi chim ríu rít. 
Đêm nghe tiếng gió mưa, 
Hoa rụng nhiều hay ít?

(45) 看朱成碧思 [Khán chu thành bích] (Nhìn đỏ thành xanh. Nhận không rõ. Không phân biệt rõ. Hoa mắt)
Thành ngữ này xuất xứ từ bài thơ Như Ý Nương của Võ Tắc Thiên nữ thi sĩ đời Đường. Nguyên văn:
  如意娘
 看朱成碧思紛紛,
 憔悴支離為憶君。 
 不信比來長下淚,
 開箱驗取石榴裙。

Phiên âm:
NHƯ Ý NƯƠNG
Khán chu thành bích tứ phân phân
Tiều tụy chi li vị ức quân
Bất tín tỉ lai thường hạ lệ
Khai sương kiểm thủ thạch lựu quần.

(Dịch nghĩa: 
Nàng Như Ý. Trông màu đỏ hóa thành màu xanh trong lòng bối rối.
 Thân hình tiều tụy đi vì nhớ chàng. 
Nếu chàng không tin thiếp đã bao lần nhỏ lệ. 
Thì chàng hãy mở chiếc rương đếm những chiếc quần thạch lựu [đã thấm đẫm nước mắt nàng]).

Dịch thơ (Hai bản dịch của Nguyễn Ngọc Kiên)
Bản dịch 1
Nhìn đỏ thành xanh thiếp nhớ chàng
Xác thân tiều tụy đến võ vàng.
Chẳng tin thiếp đã bao lần khóc
Hãy đếm quần hồng ở đáy rương!

Bản dịch 2
Nhìn xanh hóa đỏ võ vàng
Xác thân tiều tụy nhớ chàng khôn nguôi.
Bao lần thiếp khóc chàng ơi,
Hãy xem, lệ ướt quần nơi đáy hòm! 

(46) (46) 打草驚蛇 [Đả thảo kinh xà] (Động cỏ làm rắn bỏ chạy / động cỏ làm rắn sợ )
Thành ngữ này có xuất xứ từ điển tích như sau:

 Thời Thập Quốc Ngũ Đại, Nam Đường có một người tên là Vương Lỗ, giữ chức huyện lệnh ở huyện Đương Đô. Vương Lỗ lòng tham không đáy, tham ô nhận hối lộ khắp vùng. Một hôm, một toán đông bà con kéo đến trước cửa huyện. 
Vương Lỗ ngầm giật mình cho là bà con đến tìm ông để tính nợ. Vốn là bà con cùng kí tên đệ đơn tố cáo Trưởng Bạ thuộc tay chân của ông ta.   
Vương Lỗ nhận tờ đơn tố cáo và chỉ thấy trên giấy liệt kê rất nhiều tội trạng của tên Trưởng Bạ này. Bà con kiên quyết yêu cầu Vương Lỗ nghiêm xử theo pháp luật tên Trưởng Bạ. Tội trạng của tên này dường như hoàn toàn giống với những việc mà Vương Lỗ cũng đã làm. 
Ông ta vừa xem, toàn thân run lên, không biết nên xử vụ án này thế nào. Một cách không tự chủ, Vương Lỗ đã phê lên tờ đơn tố cáo 汝虽打草,吾已蛇惊 [Nhữ tuy đả thảo, ngô dĩ kinh xà]. (Nghĩa là: Các người tuy khua trên cỏ nhưng ta như con rắn trong cỏ nên  đã kinh sợ). 
Bà con làm sao mà biết  được rằng họ tố cáo Trưởng Bạ cũng là đã cảnh cáo Vương Lỗ rồi.   
Thành ngữ ĐẢ THẢO KINH XÀ được rút gọn từ câu Nhữ tuy đả thảo, ngô dĩ kinh xà.
Nay dùng để ví làm việc không cẩn thận, để đối phương phòng bị. Cũng dùng để chỉ làm một việc dẫn đến ảnh hưởng động chạm việc khác có liên quan. 
Về sau, thành ngữ này được dùng với nhiều nghĩa:
1. Trừng phạt người này, để cảnh cáo kẻ khác.
2. Hành động thiếu thận trọng, sở hở, khiến đối phương đào thoát.
3. Chưa đủ sức để diệt trừ được kẻ ác đã nôn nóng, lớn tiếng, khiến kẻ ác được phòng bị và quay trở lại làm hại chính mình.
4. Biết kẻ ác đang ẩn nấp đâu đó, nhưng không đủ sức diệt trừ, nên đánh động để đối phương biết mà chuồn đi. (Kế này hay được áp dụng trong thực tế: Khi phải lội vào đám cỏ cây rậm rạp, người ta thường xua đập, tạo ra tiếng động lớn, để nếu có rắn trú ẩn, thì chúng sẽ trườn đi)
                   (Theo Hoàng Tuấn Công).

          “Đả thảo kinh xà” cũng là một kế hay. Tuy nhiên, với rắn độc thì đánh ra đánh, đập ra đập, vì dân gian cho rằng, giống rắn độc hay trả thù. Đánh rắn mà không chết, nó sẽ quay lại báo thù, hậu hoạ khôn lường. Thế nên có câu “Đả xà bất tử, hậu hoạn vô tận” [打蛇不死後患無盡]. Tương đương với thành ngữ này, người Việt còn nói “ Rút dây động rừng”, “Rung chà cá nhảy”

          Không biết nguyên đồng chí Trịnh Xuân Thanh bị "đánh" hay chỉ bị "đập", mà đào tẩu êm ru như vậy. Có phải “Đả thảo kinh xà” hay không?  Nếu có thì rơi vào nghĩa thứ mấy nhỉ?

(47)南柯一梦 [Nam Kha nhất mộng] (Giấc mộng Nam Kha)
Trong tiếng Hán có một câu thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha”, được dùng để hình dung cõi mộng hoặc một không tưởng không thể thực hiện được của một người nào đó. Thành ngữ này có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Tiểu sử Nam Kha Thái Thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc thế kỷ 9 công nguyên.
Một người tên Thuần Vu Phân, ngày thường thích uống rượu. Trong sân nhà ông có một cây hòe lớn rễ sâu cành rậm, một đêm giữa hè, trăng tỏ sao thưa, gió thổi hiu hiu, chỗ dưới cây hòe là một chỗ hóng mát tốt.
Vào ngày sinh nhật của Thuần Vu Phân, người thân và bạn bè đều đến chúc thọ, ông vui mừng quá, và uống nhiều chén rượu. Sau khi người thân và bạn bè về nhà, Thuần Vu Phân ngà ngà say hóng mát dưới cây hòe, bất giác ngủ quên.
Trong giấc mơ, nhận lời mời của hai sứ thần, Thuần Vu Phân bước vào một lỗ cây. Trong lỗ có thời tiết tốt đẹp, là một thế giới riêng biệt, có nước Đại Hòe. Lúc đó, kinh thành đang tổ chức cuộc thi lựa chọn quan chức, ông cũng đi đăng ký. Ông đã thi ba cuộc, viết văn rất suôn sẻ. Khi công bố kết quả cuộc thi, ông đứng đầu bảng. Tiếp theo nhà vua tổ chức thi đình. Nhà vua nhìn thấy Thuần Vu Phân vừa đẹp trai, vừa tài ba lỗi lạc, nên hết sức ưa thích, rồi chọn ông là trạng nguyên, và gả công chúa cho ông. Trạng nguyên trở thành phò mã, nhất thời việc này được truyền thành giai thoại ở kinh đô.
Sau khi lấy nhau, vợ chồng hết sức đằm thắm. Không lâu, Thuần Vu Phân được nhà vua cử đến quận Nam Kha làm thái thú. Thuần Vu Phân cố gắng làm việc và quý mến nhân dân, thường đến địa phận quận Nam Kha điều tra nghiên cứu, kiểm tra công tác của bộ hạ, công tác hành chính ở các địa phương đều rất liêm khiết và có trật tự, nhân dân địa phương hết sức khen ngợi. Ba mươi năm trôi qua, thành tích của Thuần Vu Phân đã nổi tiếng khắp toàn quốc, và ông đã có 7 con, 5 trai 2 gái, cuộc sống rất hạnh phúc. Nhà vua mấy lần muốn điều động Thuần Vu Phân về kinh thành đảm nhiệm chức vụ cao hơn, nhưng sau khi được biết, nhân dân địa phương kéo nhau lên phố, ngăn lại xe ngựa của thái thú, thỉnh cầu ông tiếp tục làm quan thái thú quận Nam Kha. Thuần Vu Phân cảm động trước sự yêu mến của nhân dân, đành phải lưu lại, và trình thư lên nhà vua giải thích rõ tình hình. Nhà vua rất vui mừng trước thành tích công tác chính trị của ông, và ban thưởng cho ông nhiều vàng bạc châu báu.
Một năm, nước Thiện La cử quân đội xâm phạm nước Đại Hòe, các tướng quân nước Đại Hòe thừa lệnh chặn đánh địch, bất ngờ bị đánh bại nhiều lần. Tin thua trần truyền tới kinh thành, nhà vua bị choáng, khẩn cấp triệu tập quan chức văn võ thương lượng cách đối phó. Nghe nói quân đội mình nhiều lần bị đánh bại ở tiền tuyến, địch hết sức mạnh mẽ đã tiến gần kinh thành, các đại thần sợ hãi đến nỗi tái mặt, đại thần này nhìn đại thần kia, đành chịu bó tay.
Nhìn thấy thần sắc của đại thần, nhà vua hết sức tức giận và nói: “Nhà ngươi ngày thường ăn ngon ở nhàn, hưởng thụ hết vinh hoa phú quý, một khi nhà nước gặp khó khăn, nhà ngươi lại trở thành quả bầu không có mồm, hèn nhát khiếp trận, cần nhà ngươi có tác dụng gì?”
Tể tướng chợt nghĩ tới ông Thuần Vu Phân, thái thú quận Nam Kha có thành tích công tác xuất sắc, bèn giới thiệu với nhà vua. Nhà vua ra lệnh ngay, điều động Thuần Vu Phân điều khiển quân đội tinh nhuệ toàn quốc đánh địch.
Sau khi nhận được mệnh lệnh của nhà vua, Thuần Vu Phân lập tức dẫn quân xuất chinh. Nhưng ông không biết gì về phép dùng binh, vừa giao chiến với quân địch, đã bị thua liểng xiểng, chiến sĩ và ngựa bị tổn thất nặng nề, ông xuýt nữa bị bắt. Được tin này, nhà vua hết sức thất vọng, ra lệnh truất bỏ mọi chức vụ của ông, giáng xuống làm bình dân, và đưa về quê. Thuần Vu Phân nghĩ tên tuổi anh hùng của mình bị phá hủy hoàn toàn, hết sức xấu hổ và tức giận, kêu một tiếng thật to, ông tỉnh dậy từ giấc mơ. Ông theo cõi mộng đi tìm nước Đại Hoè, hóa ra dưới cây hòe có một lỗ con kiến, những kiến đang cư trú ở đó.
                                                       NGUYỄN NGỌC KIÊN
..........

(Theo China ABC)
 Ngày nay, “Giấc mơ Nam Kha” có khi cũng chỉ đời người như giấc mơ, phú quý quyền thế đều là hư ảo.

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (KÌ 16) - Nguyễn Ngọc Kiên