Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, May 9, 2023

THƯƠNG MÀU NẮNG HẠ - Thơ Tịnh Bình


               Nhà thơ Tịnh Bình


THƯƠNG MÀU NẮNG HẠ
 
Thương thẩn thờ chùm phượng thắm khoe duyên
Màu lửa cháy bừng lên trong nắng hạ
Trống tan trường vô tư đàn bướm trắng
Bước reo vui dòng hư ảnh thật thà
 
Vấp môi cười hạt mưa rơi ngơ ngác
Lúng liếng mắt huyền nón lá tóc thề bay
Màu trắng trong rưng rưng chùm tuổi mộng
Nắng sân trường bẽn lẽn vụng cầm tay
 
Im khúc gió nao nao lòng khoảng vắng
Mùa hạ xưa thương mãi đến bao giờ
Đàn bướm phượng bay về miền xa thẳm
Chấp chới cánh hồng hoài niệm rắc trang thơ
 
Thương thầm lặng nghiêng nghiêng tà áo trắng
Xanh khoảng trời chợt tiếng hạ về thưa
Đường phượng xưa em giờ thành ký ức
Nắng hạ gầy chang chói tiếng ve trưa...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - THƯƠNG MÀU NẮNG HẠ - Thơ Tịnh Bình

KIẾP NGƯỜI, KHỔ SỞ, KHI MÌNH – Thơ Chu Vương Miện





KIẾP NGƯỜI
 
Trên gác xép nhòm đời đáng chán
Dồn người vào bể cạn mà bơi
Bon chen người lẫn với dòi
Con thì chìm nghỉm con đòi nhô lên
Bờ nhân thế đồng tiền bát gạo
Hết lộn sòng bát nháo đảo điên
Thanh Hiên rồi lại Tiên Điền
Tố Như sống lại cũng điên cái đầu
Nào đâu phải cây cầu bờ bãi
Mà chỉ là luống cải vườn rau?
Dẫu rằng toàn rặt biển dâu
Thuyền trôi trên sóng bạc đầu mà thương
 
Thủa trời đất nổi cơn mưa bụi
Thấm cả đầu cả tóc cả khăn
Giang sơn còn một chiếc quần
Đội trời đạp đất cái thân cởi trần
50 tuổi bản thân đáng ngán
Vỗ bụng rau hoạn nạn chưa qua
Văn chương thua vốn đàn bà
Thiên trời địa đất ta bà thế gian
Nào có thể tiền oan nghiệp chướng
Nào nữa là bể hoạn lênh đênh
Dọc ngang múa mãi nơi vườn
Giang san như ngọn gió nồm qua sân?
Nơi cuộc sống vô tiền đâu được
Loạn tơi bời cày cuốc bỏ đi
Thì thôi? thôi thế? thôi thì?
 
 
KHỔ SỞ
 
Xã hội làm khổ mình một nửa
Còn lại mình làm khổ mình
Đang ông biến thành thằng
Đang dậy thành mất dậy
Có ông ăn việc làm
Khi không thành bị gậy
Đang làm nài voi
xuống làm nghề thịt chó
đang ở trong nhà
bị tống ra ngủ ngoài đuờng
đang công dân thành tù nhân
đang tỉnh trở thành điên
bị vợ cho mọc sừng
bị ghệ cho leo cây
xơi thịt chó không có
toàn giả cầy
hết giả đến dối
đều lừa đảo
chả cơm toàn cháo
không có Bố Cái Đại Vương
toàn là Bố Lếu Bố Láo
 
 
KHI MÌNH
 
“biểu được bình minh đẹp
nắng quái chiều hôm cũng tắt rồi”
                            (Thơ Chế Vân)
 
Nhân nghĩa cũng đi vào đoạn cuối
Trên bàn sạch nhẵn nước cùng nôi
Cơm rưọu no say người dông biệt
Phương xa cát bụi gió tơi bời
Vưòn hoang nhà trống tàu lá chuối
Bên nhà văng vẳng tiếng à ơi?
Ngày ngày năm năm rồi tháng tháng
Mà ta lạc bưóc nước non ngươì
Nhìn lê dăm tháp nơi đâu núi
Đêm hè đom dóm ánh trăng rơi
 
                      Chu Vương Miện

READ MORE - KIẾP NGƯỜI, KHỔ SỞ, KHI MÌNH – Thơ Chu Vương Miện

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (9b) - Nguyên Lạc

                                  (Kỳ 9b)


VI. COGNAC – ĐỆ NHẤT MỸ TỬU (tt)
 
“Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi,
Trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường”
Mỹ tửu hề đây chai “tửu vương”
Cỏ-nhắc hề lòng mãi vấn vương
Mỹ nhân hề ta nhớ mùi hương
 
Xin tiếp tục tôn vinh “đệ nhất mỹ tửu”, “tửu vương” cỏ-nhắc (Cognac) để làm đẹp lòng các tửu sĩ thuộc môn phái Cognac.
 
3. Thông tin lý thú cần biết thêm về Cognac – Đệ nhất mỹ tửu
 
Những thông tin lý thú dưới đây tác giả trích từ các bài viết về “vua rượu” cognac của Lão Ngoan Đồng.
[…Rượu cỏ-nhắc (cognac):
Gọi là rượu cognac bởi vì được làm ở hạt Cognac, miền Tây Nam nước Pháp, cũng giống như gọi là rượu champagne (sâm-banh) vì xuất xứ của nó là vùng Champagne. Đầu tiên cần phải đề cập tới hai chữ Cognac và Brandy.
Nhiều người – nhất là dân uống cognac – khẳng định cognac và brandy là hai loại rượu khác nhau, trong khi một số khác cho hai thứ chỉ là một loại rượu.
Thật ra, phe nào cũng đúng!… Giải thích?
Trước hết, giải thích chữ brandy. Brandy là rượu mạnh cất (distilled) từ nho (đã được ủ cho lên men), cũng giống như rượu whisky cất từ lúa mì lúa mạch, rượu để cất từ gạo nếp… Theo định nghĩa căn bản đó, cognac cũng chỉ là một loại brandy.
Nhưng bởi vì nó được cất từ một loại nho đặc biệt trồng ở hạt Cognac, nho được ủ, rượu được cất giữ cũng theo phương pháp đặc biệt của vùng này, cho nên hương vị, chất lượng của nó khác hẳn và vượt xa các loại brandy khác (dù là brandy của Pháp).
Tự điển Collins Concise đã định nghĩa: Cognac là loại brandy có phẩm chất cao, sản xuất tại hạt Cognac, Pháp Quốc. Tự điển Macquarie thì chi tiết hơn, cho biết cognac là rượu brandy được sản xuất tại hạt Cognac và “chỉ được phân phối từ một số địa điểm ấn định hợp pháp nằm quanh thị trấn Cognac”.
Như vậy, muốn cho đầy đủ, phải gọi những chai Martell, Rémy Martin, Courvoisier, Hennessy, Camus, Bisquit… là “Cognac brandy” (rượu brandy vùng Cognac). Nhưng gọi như thế thì dài dòng văn tự, người ta bèn rút ngắn lại là “rượu cognac”.
Cho nên nếu mình mời một ông Úc bà Mỹ nào đó uống cognac, mà họ xua tay “Tôi không uống brandy đâu” thì cũng đừng vội chê họ “dốt”, bởi vì ý họ chỉ muốn nói “Tôi không uống được rượu mạnh” mà thôi. Chỉ có người uống cognac (hoặc có kiến thức rộng rãi về rượu) mới để ý, mới biết phân biệt giữa cognac và brandy mà thôi.
Cognac là cái chi chi?
Trước khi viết về cognac (các cụ Việt hóa thành “cỏ-nhắc”), xin phân biệt bốn loại rượu chính: rượu vang (wine), rượu mạnh (spirit), rượu ngọt (fortified wine, liqueur) và rượu bia (beer).
– Rượu vang là rượu làm từ nước ép của trái nho, để cho lên men. Thường có nồng độ rượu từ 13 tới 14.5%.
– Rượu mạnh là tất cả các loại rượu được cất (distill, để lấy hơi nước) như whisky, gin, brandy, vodka, rum, rượu đế của VN…). Rượu mạnh có nồng độ khoảng 40%, một vài loại đặc biệt có thể lên tới 65%.
– Rượu ngọt gồm hai loại chính: fortified wine và liqueur. Fortified wine là rượu cũng làm từ nước ép của trái nho nhưng sau đó được pha thêm rượu mạnh để có nồng độ cao hơn – thường vào khoảng 17 tới 20%. Hai loại rượu ngọt (làm bằng nho) phổ biến nhất là sherry và port. Liqueur là những loại rượu ngọt làm bằng trái cây, thảo mộc và các hương vị đặc biệt. Vì sử dụng brandy làm “nền” (base) hoặc được cất trước khi pha chế nên liqueur thường có nồng độ cao, có khi tương đương với brandy. Các loại liqueur nổi tiếng và phổ biến tại Úc gồm có Cointreau, Grand Marnier, Benedictine của Pháp, Galliano, Cinzano, Frangelico của Ý, Tia Maria của châu Mỹ la-tinh, rượu kem (Irish Cream) Baileys của Ái-nhĩ-lan, v.v…
– Rượu bia là rượu làm bằng mạch nha (lúa mạch để cho nảy mầm) nấu với men, thường có nồng độ từ 5 tới 7%.
Nho và kỹ thuật làm rượu cognac
Trong số các loại rượu mạnh (spirit), rượu cất bằng nước ép của trái nho được gọi là “brandy”. Muốn đầy đủ phải viết là brandy-wine, do tiếng Hòa-lan “brandewijn” có nghĩa là “burnt wine”, hoặc “distilled wine” mà ra.
Trong tất cả các loại brandy của Pháp, nổi tiếng nhất là rượu cognac. Sở dĩ rượu có tên này là vì được sản xuất tại vùng Cognac.
Cognac nguyên là tên một thị trấn nằm trên bờ sông Charente, thuộc quận Charente, ở tây nam nước Pháp; phía nam Cognac là con sông Gironde và vùng Bordeaux – quê hương của những chai vang đỏ ngon nhất thế giới. Theo luật định, chỉ có rượu brandy làm bằng nho trồng trong khu vực chung quanh thị trấn Cognac, và được cất, ủ, và vô chai tại chỗ mới được gọi là rượu cognac.
Cũng cần viết thêm: trong số các loại rượu brandy sản xuất ở ngoài vùng Cognac có một loại khá nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng là rượu “armagnac”. Sở dĩ có tên này là vì rượu được sản xuất tại vùng Armagnac, phía nam Bordeaux.
Tới đây, câu hỏi chính được đặt ra: tại sao rượu cognac ngon và nổi tiếng? Xin thưa: chính nhờ hai yếu tố phong thổ và bí quyết.
Về phong thổ, không hiểu từ bao giờ, cùng với khí hậu thích hợp, thiên nhiên đã bồi đắp cho vùng Cognac một lớp đất với nồng độ vôi (lime) rất cao, lý tưởng để trồng giống nho St-Émilion – loại nho chính để làm rượu cognac – và hai giống nho phụ là Folle-Blanche và Colombard.
Về bí quyết, người ta chỉ được biết đại khái: (1) cognac được cất (distill) hai lần thay vì một lần như các loại brandy khác, (2) rượu được ủ trong những thùng làm bằng gỗ sồi Limousin – loại gỗ chỉ mọc trong những khu rừng thiên nhiên trong vùng Limoges ở gần đó, và sau này được trồng trong rừng nhân tạo Troncais, và (3) nghệ thuật pha trộn.
Trước khi viết về cách cất, ủ và pha trộn rượu cognac, xin nói về nguồn gốc của cognac. Không hiểu ở các nơi khác, người ta biết cất rượu từ bao giờ (theo truyện Tàu thì có lẽ từ hàng ngàn năm trước), riêng ở Pháp, tới thời trung cổ (medieval), người ta mới nghĩ ra việc cất rượu brandy. Nguyên nhân vì là phí tổn chuyên chở rượu vang (bằng tàu buồm hoặc xe ngựa) từ Pháp sang các nước Âu châu khác như Anh, Hòa-lan, Đan-mạch quá cao, cộng với thuế của nhà cầm quyền địa phương, các nhà làm rượu ở vùng Bordeaux mới nẩy sáng kiến cất rượu để lấy tinh chất, tức là gia tăng về phẩm (độ rượu), trong khi lại giảm bớt về lượng, và thuế của nhà cầm quyền địa phương đánh vào số lượng rượu nhập cảng, các nhà làm rượu ở vùng Bordeaux mới nghĩ gia tăng về phẩm (độ rượu).
Kết quả, nho sau khi lên men được nấu lên, hơi nước đọng lại thành một chất lỏng trong vắt, và vì ngày đó chưa có chữ “brandy” nên người Pháp gọi là “eau de vie” (water of life – nước của sự sống). Ngày nay, chữ “eau de vie” vẫn còn được sử dụng một cách văn hoa để nói về brandy.
Trong lúc sản xuất “eau de vie”, các nhà làm rượu ở vùng Cognac mới vô tình khám phá ra rằng rượu của họ độc đáo và ngon hơn rượu ở những vùng khác. Chính vì tính cách vô tình này, người Pháp đã ví von đây là phép lạ thứ hai của Thiên Chúa liên quan tới… rượu: phép lạ thứ nhất là biến nước thành rượu vang trong tiệc cưới tại thành Cana (theo Kinh Thánh), phép lạ thứ hai là biến rượu brandy tại vùng Cognac thành rượu… cognac!
Đi vào chi tiết của việc làm rượu cognac, trước hết nói về việc cất rượu (distill). Sau khi thu hoạch, ép và cho lên men, nho được cất trong những lò cất bằng đồng và đốt bằng lửa ngọn. Sản phẩm của lần cất thứ nhất được gọi là “brouillis” có nồng độ rượu từ 30 tới 44%. Sau khi cất lần thứ hai, người ta có “la bonne chauffe”, tức rượu thô (raw), có nồng độ từ 70 tới 82%.
Tất cả mọi công việc liên quan tới sản xuất cognac đều phải tiến hành một cách từ tốn. Vì thế mỗi lần cất kéo dài tới 12 tiếng đồng hồ, cho nên các lò cất rượu ở Cognac phải hoạt động 24 giờ một ngày, liên tục trong suốt mấy tháng trời của mùa nho. Do đó mà phía bên ngoài tường nhà, lâu đài, dinh thự ở Cognac đều ám khói kinh niên.
Cũng cần nói thêm, trong mỗi lần cất, phần đầu và phần cuối của sản phẩm đều bị bỏ đi và người ta chỉ lấy phần giữa mà thôi.
Sau đó, rượu thô được ủ trong các thùng bằng gỗ sồi (oak) để đạt cho đủ ba yếu tố cần thiết là “sắc, hương, vị”.
Xưa nay khi nói tới đàn bà con gái, người ta chỉ đòi hỏi “sắc, hương”, nhưng nói tới rượu thì cần cả ba thứ “sắc, hương, vị”; quả là “mỹ tửu khó kiếm, mỹ nhân dễ tìm” (trường hợp có đực rựa nào nói rằng đàn bà con gái cũng có “vị”, LNĐ xin bái… chạy!)
Trở lại với rượu cognac, có thể nói 50% hương vị độc đáo của rượu là do loại nho và cách cất hai lần, 50% còn lại là do tác dụng ốc-xít hóa (oxidisation) trong thời gian được ủ trong thùng gỗ sồi. Riêng về màu sắc thì hoàn toàn nhờ vào thời gian ủ trong thùng gỗ. Bởi sau khi cất, rượu thô (tức eau de vie) không hề có màu (trong suốt như rượu nếp của VN), và chỉ sau khi được ủ trong thùng gỗ sồi mới dần dần hấp thụ được màu rượu mà chúng ta thường thấy.
Màu của rượu cognac rất độc đáo và khó diễn tả, chỉ có thể viết rằng nó óng ánh như trong rượu có vàng (liquid gold), do tác dụng của thời gian được ủ trong các thùng làm bằng gỗ sồi Limosin lấy từ rừng Limoges.
Kỹ thuật đóng các thùng tô-nô (tonneau, tiếng Anh gọi là barrel) để ủ cognac cũng cả là một nghệ thuật công phu. Thùng gồm những thanh gỗ ghép lại; để có những thanh gỗ này, người ta không được dùng cưa mà phải chẻ bằng tay để các thớ gỗ khỏi bị nứt. Sau đó các thanh gỗ được ghép thành thùng và bó chặt lại nhờ những đai kim loại, tuyệt đối không được dùng đinh hay keo, mục đích để rượu không tiếp xúc với kim loại hoặc các chất lạ. (Tới đây có lẽ chúng ta đã hiểu tại sao các cụ Đông Y ngày xưa phán rằng đi đào sâm hay các loại củ, rễ để làm thuốc thì không được dùng cuốc xẻng, và khi tán (giã) thuốc phải dùng cối và chày bằng đá; còn nón sắt nhà binh chỉ dùng để giã… cua mà thôi!).
Mặc dù các thùng gỗ sồi rất kín, rượu đựng bên trong cũng bốc hơi, mà theo cuốn sách đã dẫn (của Alec Waugh) thì tổng số rượu bốc hơi trong một ngày của cả vùng Cognac tương đương với 25.000 chai. Người Pháp gọi đây là “phần rượu của Thiên Thần” (part des Anges, dịch ra tiếng Anh là Angels’ drink).
Dĩ nhiên, các thiên thần không biết uống rượu (hoặc chỉ uống lấy hương lấy hoa) và lượng cognac bị bốc hơi nói trên đã hòa tan vào không khí khiến cả vùng Cognac lúc nào cũng thơm lừng mùi… cognac.
Theo luật định, rượu cognac phải được ủ trong thùng gỗ sồi tối thiểu 5 năm. Càng ủ lâu càng ngon, nhưng không phải là bất tận. Tác giả Alec Waugh – người đã tới tận Cognac để thăm viếng các hãng rượu và đích thân tìm hiểu – viết rằng cognac đạt tới mức ngon nhất khi được ủ trong thùng từ 25 tới 50 năm, tùy theo loại nho và điều kiện ủ.
Trở lại với cognac, sau khi được ủ tối thiểu 5 năm, rượu sẽ được pha trộn (blend) trước khi vô chai. Cũng nên biết, tất cả mọi loại rượu cognac đều là rượu pha trộn. Nghệ thuật và bí quyết của mỗi hãng chính là ở khâu pha trộn này. Các chuyên gia phải ngắm sắc, ngửi hương, nếm vị của từng đợt rượu của mỗi mùa (vintage) để pha trộn sao cho rượu vô chai năm nào cũng có cùng sắc hương vị truyền thống của hãng. Chính vì thế trên nhãn chai rượu cognac chỉ ghi thứ hạng của rượu chứ không ghi mùa nho như rượu vang.
Sau khi chọn rượu để pha trộn, người ta đổ chung vào những cái vại (vat) khổng lồ cũng làm bằng gỗ sồi, rồi dùng cánh quạt nước (paddles) quay đều cho tới khi tất cả trở nên một (từ chuyên môn gọi là “completely married”: lấy nhau xong xuôi đủ mục!), rồi để cho rượu ổn định trong vại. Thời gian trộn và ổn định kéo dài nhiều tháng trời: các thiên thần lại được uống rượu mệt nghỉ!
Sau đó rượu mới được vô chai và dán nhãn…]
(Tản mạn về nghệ thuật uống rượu – Lão Ngoan Đồng)
 
VII. THƯỞNG THỨC RƯỢU BRANDY
 
1. Uống rượu Brandy như thế nào?
 
Được chưng cất từ nền rượu vang và được ủ trong thùng gỗ sồi, Brandy là thức uống dễ dàng được thưởng thức nhất. Nó luôn được coi là một đồ uống sang trọng, thanh tao và thường được uống sau giờ ăn tối.
Theo truyền thống, Brandy thường uống không đá. Tuy nhiên, không cần phải quan tâm đến truyền thống, cách tuyệt vời nhất để thưởng thức Brandy là cách làm bạn cảm thấy thích thú nhất: Bạn có thể uống trực tiếp không đá hoặc có đá, pha trộn làm thành cocktail, khuấy hoặc lắc… tùy theo ý thích riêng mình.
 
2. Thưởng thức rượu Brandy
 
2.1. Chọn ly
Có thể dùng:
– Ly dạng hoa tuylip (tulip glass). Do thân rộng và miệng hẹp loại ly này tập trung hương và cho phép bạn đánh giá tốt nhất sự tinh tế của rượu và các lớp mùi vị phức hợp của nó. Ly này cũng dễ cầm và dễ ngắm nghía màu sắc rượu.
– Ly bầu (goblet glass) chân lớn và ngắn, bụng ly phình ra, miệng ly túm lại: ly brandy (hay còn gọi là ly snifter). Lý do của thiết kế này là khi cầm, nhiệt độ ấm của hơi tay sẽ truyền vào bầu ly, giúp gia tăng mùi và vị cho rượu.
 
(Ly uống rượu brandy)



2.2. Thưởng thức
– Thưởng thức màu sắc của rượu:
Nếu bạn muốn thưởng thức trọn vẹn “sắc” của rượu Brandy, bắt buộc phải uống bằng ly làm bằng pha-lê (crystal). Không thể lập luận “đàng nào cũng uống vào bụng, ly nào mà chẳng giống nhau!”. Ly pha-lê sẽ khiến sắc rượu trở nên óng ánh, hấp dẫn bội phần.
– Thưởng thức hương của rượu:
. Chỉ nên rót rượu 1/3 ly, sau đó từ từ xoay ly theo một góc nghiêng hoặc lắc ly rượu thật nhẹ nhàng cho rượu sánh lên thành ly, để toàn bộ hương thơm có cơ hội bốc lên.
. Cầm ly ngang ngực và ngửi mùi brandy. Ngửi Brandy bằng mũi ở khoảng cách này giúp bạn ngửi được hương hoa và cho mũi làm quen vài mùi thơm tinh tế.
. Đưa ly lên cằm và ngửi bằng mũi. Ngửi rượu từ khoảng cách này sẽ giúp bạn ngửi được hương trái cây khô trong Brandy.
. Đưa ly rượu lên mũi và ngửi bằng cả mũi và miệng. Khi ngửi Brandy ở khoảng cách này bạn có thể thấy được hương cay nồng trong đó. Ngửi ở bước này mùi hương sẽ phức tạp hơn 2 bước trước. Tuy nhiên, khi đưa ly lên để thưởng thức hương rượu, không được kê sát lỗ mũi và hít quá mạnh, vì như thế mùi nồng sẽ át mùi thơm. Chỉ nên để ly ở phía dưới mũi khoảng 5 cm và đưa qua đưa lại cho hương thoảng lên.
– Thưởng thức vị của rượu:
Sau khi đã ngắm sắc, ngửi hương rồi mới tới thưởng vị. Cũng giống như trong nghệ thuật yêu đương, không nên thưởng vị Brandy một cách bộp chộp, hấp tấp, phải “thử” trước đã.
. Đưa ly rượu lên nhấp một ngụm thật nhỏ. Ngụm rượu đầu tiên chỉ nên nhấp ướt môi để không bị sốc. Ngụm đầu tiên luôn phải là ngụm nhỏ nhất và cho miệng làm quen với vị rượu. Bị sốc ở ngụm đầu sẽ khiến bạn không thưởng thức đúng được brandy.
. Sau đó đưa ly lên ngắm rượu một lần nữa. Cuối cùng mới uống một ngụm vừa phải, ngậm trong miệng một chút rồi từ từ dùng lưỡi quay quanh để đưa rượu tới từng kẽ răng, sau cùng ực một cái thật nhanh, thật mạnh: Hương rượu sẽ hừng hực bốc lên mũi, vừa nồng vừa thơm, đó chính là lúc “đã” nhất.
Nghệ thuật uống brandy là vừa thưởng thức được vị, lại tận hưởng cả mùi hương, nên hãy đảm bảo bạn thưởng thức được cả hai khi nhấp rượu.
 
(Remy Martin X.O)
 
3. Thú và nguyên tắc thưởng thức cognac
Trích đoạn từ các bài viết của Lão Ngoan Đồng:
[… “Thú” là sự vui thú của mỗi người khi làm một việc nào đó, chẳng hạn thú chơi đàn, thú đánh cờ, thú chụp hình, thú sưu tầm tem thư, thú uống rượu, thú uống trà, v.v… Còn “nguyên tắc” là những quy định để làm nền tảng. Riêng trong mục trà rượu, mặc dù nguyên tắc chẳng qua chỉ là kinh nghiệm hoặc kết quả tìm hiểu của kẻ đi trước, của người sành điệu, nếu ta nắm vững và tuân theo, chắc chắn khi uống rượu, uống trà sẽ cảm thấy thú vị hơn là uống vô nguyên tắc. Nhất là đối với rượu cognac – loại rượu hiếm quý nhất trên trần đời – thì càng cần nên biết nguyên tắc.
– Uống cognac kiểu ta:
Ngày mới tập tành uống rượu, LNĐ thường nghe các đàn anh nói tới những bữa nhậu “cao cấp” trong đó thức uống phải là “Mạc-ten sô-đa” (trước 1975 tại VN, Martell là loại cognac phổ biến nhất). Tới khi được thưởng thức, LNĐ phải nhìn nhận cognac pha soda quả là số một trên đời. Nhưng ngày ấy ở VN, cognac là xa xỉ phẩm, chỉ có giới xì-thẩu, thương gia, quan lớn hoặc dân chạy áp-phe mới có tiền uống đều chi, còn thứ dân và quan nhí thì chẳng mấy khi. Vì thế sau khi sang Úc, trong khoảng 5, 7 năm đầu, mỗi khi rủng rỉnh tiền bạc, LNĐ và bạn bè thường uống cognac pha soda trong các buổi tiệc rượu, gọi là để “trả thù dân tộc”.
Cách uống cognac pha soda không hiểu phát xuất từ đâu, chỉ biết trước năm 1975 rất phổ biến trong những bàn tiệc sang trọng của người Việt và người Hoa. Một số người giải thích rằng bởi vì Việt Nam là xứ nhiệt đới cho nên mới “chế” ra cách uống này cho “đã khát”.
Nhưng dù phát xuất từ đâu, cognac pha soda cũng đã trở thành một thói quen ăn sâu vào tập quán, phong hóa dân tộc; vì thế sau khi tha phương, dù sống ở những xứ lạnh, thói quen này vẫn còn được duy trì; bằng chứng là đoạn thư của vị độc giả thuộc môn phái cognac: “tại quê hương của rượu cognac, dân An-nam vẫn tiếp tục thưởng thức cognac pha sô-đa, không sợ thằng Tây nào cười!”.
Đi vào chi tiết, khi 1 phần cognac được pha với 3 phần soda và nước đá thì nồng độ chỉ còn khoảng 10% (thấp hơn rượu vang một chút), sẽ không làm vị giác (lưỡi) bị tê liệt, tức là vẫn còn khả năng thưởng thức vị đậm đà của các món ăn; riêng mùi thơm của rượu trong khi bị “nhẹ” đi (vì bị pha) thì lại được chất “gas” của soda bốc mạnh lên mũi, đem lại cho khứu giác một hương nồng độc đáo mà không một loại bia nào có thể sánh được.
Theo thiển ý, với những người vẫn chuộng cognac thì cognac pha soda chính là thức uống lý tưởng nhất để thay bia và vang trắng. Nghĩa là sẽ rất hợp với đồ biển và các món nhậu đậm đà, cay nóng (spicy) của Á đông.
Uống rượu gì cho hợp và uống cách nào cho đã là hoàn toàn tùy thuộc sở thích và thói quen của mỗi người, mỗi “băng tần”, miễn sao cảm thấy ngon, thấy vui là được.
Tuy nhiên bên cạnh đó, uống loại rượu nào cũng cần phải theo một số nguyên tắc riêng để tận hưởng cái tinh túy của rượu và để người khác thêm nể phục. Riêng về cognac, ngoài những gì đã viết ở trên, LNĐ xin góp một vài ý kiến như sau:
– Nếu uống cognac kiểu tây, tức là uống chơi hoặc uống sau bữa ăn, có được mấy điếu xì-gà HAV-A-TAMPA của “đế quốc Mỹ” đi kèm thì thật là tuyệt. Loại xì-gà nổi tiếng này có gốc gác La Havana (Cuba) nhưng khi được sản xuất tại Tampa, tiểu bang Florida đã được “Mỹ hóa”, tức là điếu nhỏ hơn, thuốc nhẹ hơn và thơm hơn. Trường hợp uống cognac mà không ăn bánh kẹo thì nên mua loại HAV-A-TAMPA “sweet” (bao màu đỏ sậm thay vì màu vàng), ở đót bằng gỗ của điếu xì-gà có tẩm đường mật, thì không còn gì hợp cho bằng!
– Trường hợp uống pha soda, chỉ nên pha với hạng V.S.O.P., cùng lắm là Cordon Blue, không nên pha với X.O. cho uổng rượu quý. Bởi vì X.O. thường được ủ từ 20 năm trở lên, hương vị đã trở nên dịu dàng tới mức tối đa, cho nên phải uống nguyên chất mới thưởng thức trọn vẹn được hương vị, còn nếu pha sô-đa thì ngoài việc hương vị độc đáo bị giảm đi, uống chưa chắc đã cảm thấy “đã” hơn V.S.O.P.!
Trường hợp mới “nhập môn” và bắt đầu bằng cách uống V.S. thì không sao, nhưng khi đi hỏi vợ cho con, để chứng tỏ “lòng thành” phải chơi một cặp từ hạng V.S.O.P. trở lên. Nếu không, thà đi whisky xịn (Dimple, Chivas Reagal, Johnnie Walker nhãn đen…) để không ai có thể bắt bẻ, hơn là đi cognac V.S., lỡ bên đàng gái có kẻ là dân uống cognac thứ thiệt, rỉ tai anh sui tương lai thì thật là mất điểm!
Rượu để chưng và rượu để uống
Với dân tây thì rượu chưng trong tủ, hay trên kệ cũng đều là rượu để uống, nhưng với một số người Việt mình thì rượu chưng trong tủ kính dứt khoát chỉ để… trưng bày, chứ không phải để… mời mọc.
LNĐ xin miễn bình luận về việc này mà chỉ khuyên các tửu sĩ khi tới nhà bạn bè hay người quen, muốn tỏ ra mình là người lịch sự thì không nên “dòm ngó” mấy chai rượu trong tủ kính, bởi vì nếu chủ nhà muốn mời thì chẳng cần đợi mình đòi, họ cũng lấy ra mời.
Nhưng bên cạnh đó, cũng xin lưu ý quý vị chủ nhà một điều: khác với một số chai rượu vang, tất cả các chai rượu mạnh (cognac, whisky…), rượu ngọt (port, sherry, rosé, các loại liqueur…) để bao lâu thì cũng thế thôi chứ không ngon hơn, quý hơn, chưa kể còn có thể bị hư, hoặc bay hơi, mất mùi, rượu bị ảnh hưởng bởi ánh sáng). Cho nên, muốn chắc ăn thì một chai rượu dù quý tới đâu, cũng chỉ nên chưng trong tủ kính tối đa là 4,5 năm mà thôi, còn việc lấy ra để đãi bạn bè hay hai vợ chồng đóng cửa “nhâm nhi” với nhau là tùy ý gia chủ.
Chưng rượu gì thì tùy ý mỗi người. Có người thích chưng “rượu xịn” (XO, VSOP, whisky 15 năm, 20 năm…), có người lại thích chưng “chai đẹp”. Tuy nhiên, để chứng tỏ mình là người “biết chơi”, cũng cần phải theo nguyên tắc căn bản: chưng loại rượu gì thì nếu muốn chưng ly bên cạnh, phải là ly dùng để uống loại rượu đó…]
(Tản mạn về nghệ thuật uống rượu – Lão Ngoan Đồng)
 
(Martell Cordon Blue)
..................................

Chú thích thêm về cognac
 
1. Thương hiệu:
– Remy Martin được thành lập vào năm 1724, là một trong nhà sản xuất rượu Cognac lâu đời nhất tại Pháp dưới sự lãnh đạo tài tình của ông Remy Martin.
Vào năm 1957, đánh dấu cột mốc thành công vang dội đầu tiên của Remy Martin khi nữ hoàng Elizabeth II viếng thăm nước Pháp và thưởng thức qua rượu Cognac. Hương vị độc đáo đã khiến bà vô cùng yêu thích. Kể từ đó những chai rượu của Remy Martin nhanh chóng được phục vụ tại các buổi yến tiệc sang trọng trong hoàng gia.
Remy Martin có logo hình nhân mã giương cung.
– Jas Hennessy & Co hay Hennessy là một công ty sản xuất rượu hàng đầu của Pháp đồng thời cũng là đồng lãnh đạo công ty sản xuất hàng hiệu nổi tiếng Louis Vuitton.
Tên Hennessy được lấy tên từ Richard Hennessy, người sáng lập ra dòng rượu này, một quý tộc người Ireland đến khởi nghiệp tại Cognac, Pháp vào năm 1765.
– Rượu Martell là một trong những thương hiệu Cognac có lịch sử lâu đời. Dòng rượu này được sáng chế bởi Jean Martell (1694-1753). Năm 1715, Jean Martell là một thương nhân trẻ tuổi đến từ đảo Jersey (Anh), đã tự lập nghiệp kinh doanh thương mại cho riêng mình tại Gatebourse ở Cognac, Pháp. Ông cũng là một trong những nhà sản xuất rượu Cognac đầu tiên, đi tiên phong trong lĩnh vực làm rượu tại đây. Ông đã sử dụng nho từ các vườn tại tiểu vùng Borderie và sử dụng gỗ sồi Troncais để làm thùng ủ rượu. Chính nhờ sự kết hợp độc đáo này đã tạo ra một loại rượu Cognac vô cùng đặc biệt, sánh mịn và đậm đà. Jean Martell đã tạo ra công thức rượu Martell đầu tiên và đặt nó theo họ của ông.
2. Hương vị:
– Rượu Hennessy XO Cognac: Với hương thơm từ trái cây khô, nối tiếp là mùi hương chocolate ngọt hòa chút hương cay của tiêu đen, thơm nồng của quế và đinh hương chắc chắn sẽ khiến trải nghiệm rượu cân bằng hơn bao giờ hết;
– Rượu Remy Martin VSOP: Với hương thơm kết hợp từ hương thơm quả mơ, táo cùng hương hoa tươi mới điểm thêm hương vị va-ni.
– Rượu Martell Cordon Bleu: Với hương vị bao gồm các loại trái cây tươi, mận và táo đi cùng mùi hương của cà phê rang xay mocha và hạnh nhân nướng. Rượu Martell Cordon Bleu chắc chắn sẽ làm hài lòng được những vị khách khó tính nhất.
3. Phòng ngừa hàng giả:
Do có sự yêu thích và tin dùng từ giới sành rượu, các dòng rượu Cognac nhanh chóng trở thành “miếng mồi ngon” cho các đối tượng xấu buôn bán hàng giả và kém chất lượng lợi dụng để thu lợi nhuận một cách bất hợp pháp.
Để không phải trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa gạt này, bạn nên chú ý 4 cách phân biệt sau đây:
– Phân biệt qua tem chống hàng giả: Tem chống giả luôn được các nhà sản xuất rượu Cognac in bằng công nghệ laser đặc chủng riêng biệt hoàn toàn không sử dụng mực in. Chỉ cần dùng mảnh khăn ướt hoặc ánh sáng đèn huỳnh quang chiếu vào phần tem là có thể biết đây có phải chai rượu chính hãng hay không. Ngoài ra, tem chống hàng giả cũng sẽ làm giảm được tình trạng tái sử dụng thân chai rỗng vào mục đích khác cũng được hạn chế đáng kể.
– Phân biệt qua lớp Guarantee bên ngoài nắp chai rượu: Lớp guarantee ở phía ngoài nắp chai sẽ có chức năng bảo vệ dung tích rượu bên trong và để thưởng thức được rượu bên trong thì bắt buộc phải tháo ra hoặc làm rách đi lớp bảo vệ này. Do đó, nếu một chai rượu có dấu hiệu bất thường ở lớp guarantee thì có thể đó là hàng giả.
– Phân biệt qua màu sắc: Rượu Cognac thường sở hữu sắc vàng hổ phách đậm màu hơn so với các dòng rượu mạnh khác, sắc vàng sẽ có độ sóng sánh vô cùng đặc biệt. Nếu nhìn thấy một chai rượu có màu đục hoặc sắc vàng nhạt hơn những chai rượu còn lại thì đây có thể là một chai rượu “nhái” vì sử dụng các chất hoá học để pha trộn.
– Phân biệt qua bọt khí: Thử lắc nhẹ chai rượu Cognac bất kỳ, nếu là sản phẩm chính hãng thì phần bọt khí trong chai bay lên sẽ đều, mịn và không theo phương thẳng đứng mà sẽ lan toả ra trước rồi mới bay lên với tốc độ chậm. Ngược lại, nếu sau khi lắc chai mà bọt khí nổi lên to và bay lên nhanh theo phương thẳng đứng thì chắc chắn nó là một chai Martell kém chất lượng.
Ngoài ra, có thể phân biệt rượu thật bằng cách nhờ vào mã code, dung tích, hoá đơn giao dịch cũng như hương vị rượu.
Và như đã nói ở phần rượu vang Bordeaux, nên chú ý dưới đáy chai rượu xem coi có dấu lỗ khoan nhỏ rút ruột rượu và hàn lại không. Nên chú ý kỹ.
 
(Còn tiếp nhiều kỳ)
 
Nguyên Lạc

READ MORE - TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (9b) - Nguyên Lạc

ĐỌC TẬP THƠ “CHỈ LÀ HẠT BỤI” CỦA THẾ LỘC - Châu Thạch


Nhà thơ Thế Lộc

Nhà thơ Thế Lộc - Đà Nẵng vừa xuất bản tập thơ “Chỉ Là Hạt Bụi”. Châu Thạch tôi là một trong những người hân hạnh được tác giả tặng tập thơ trước khi nhà thơ tổ chức ra mắt.
 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bản nhạc “Cát Bụi”, trong đó có những ca từ ở đầu bài hát như sau: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi”. Vậy thì hạt bụi của Trịnh Công Sơn khi làm người, nó không còn nhỏ bé, không còn tầm thường nữa, mà lớn lên và mang sự vinh quang của mặt trời soi rọi để rong chơi trong kiếp nhân sinh.
 

Có lẽ “Chỉ là hạt bụi” của Thế Lộc cũng mang ý nghĩa đó. Nhà thơ có thể cho bản thân mình, hay đời mình, hay thơ mình “Chỉ là hạt bụi”, nhưng khi đọc thơ của ông tôi cảm nhận được hạt bụi đó đã thành con người của thời đại, hạt bụi đó đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạt bụi đó đã thành những vần thơ soi rọi một kiếp rong chơi đầy vẻ đẹp và vẻ sáng của văn chương
 
Thế Lộc tuổi trẻ không được sung sướng vì cha mất sớm nhưng mẹ của ông là niềm hảnh diện vô song cho ông vì mẹ đã “Gánh gồng mưa nắng đầy vơi/ Nuôi đàn con dại không lời thở than/Thân cò nắng gội mưa chan/Sớm khuya không quản gian nan dãi dầu”. Hạt bụi hoá thân Thế Lộc đã lớn lên nhờ sự tảo tần của mẹ, đã vào đại học, đã đi dạy, đã vào lính, đã đi tù cải tạo và làm công dân bình dị nửa đời người. Một đời như thế thì gian nan nhiều hơn sung sướng, nhưng với kiếp người, vẫn là một cuộc rong chơi, vì cuộc rong chơi càng thú vị nếu phải băng đồi lội suối, leo núi trèo non.
 
Hạt bụi hóa thân thành Thế Lộc đã mang lý tưởng hào hùng cho đời mình, và sự thật lý tưởng ấy đã thành hình trong một giai đoạn nào đó. Nhà thơ đã lấy Trương Phi, một anh hùng thời Tam Quốc để dựng lại hình ảnh của mình đã có một thời như thế. Bài thơ 16 câu, xin rút gọn còn 7 câu:
 
Vác xà mâu đứng giữa cầu
Hét to một tiếng mắt râu trợn trừng
Mấy mươi năm ông lẩy lừng
Chỉ trong gan tấc ông thành thiên thu
 
Tôi từ binh lửa mịt mù
Cũng giống ông chỉ ở tù mấy năm
…Tử như ông thân nhẹ hều
Sống như tôi, thân tựa bèo trôi sông
    (Uống rượu gạo nhớ Trương Phi)
 
Bài thơ “Uống Rượu Gạo Nhớ Trương Phi” không chỉ nói lên ý chí phấn đấu, tinh thần quật cường của một hạt bụi hoá thân thành Thế Lộc mà còn nói hộ cho hết thảy biết bao nhiêu hạt bụi hoá thân thành những con người hào hùng của một thời đại chiến tranh và hoà bình, đã phải chịu “Cuộc cờ hưng phế suy vong/ Kiếm cung bỏ dở tấm lòng mang theo”.
 
Thế rồi, cho dầu cuộc đời có trải qua bao nỗi nhọc nhằn, hạt bụi cũng làm người và Người viết hoa thật thụ, bởi hạt bụi đã giữ khí tiết trong mọi hoàn cảnh. Châu Thạch tôi đã vịnh Thế Lộc trong một bài thơ dài, xin trích ra đây vài câu thơ ngắn: “Râu hùm hàm én mày ngài/Không là Từ Hải cũng trai chiến trường”“Một thời uy dũng cân đai/Vẫy vùng cho thoả chí trai của mình”“Câu Thơ viết giữa chiến trường/hoả châu, đạn pháo, em thương chung dòng”“Cây cao gần áng mây vương/Người già gần với văn chương thượng thừa”. Ngẫm nghĩ “Chỉ là hạt bụi” mà thành Người như thế thì hạt bụi đó “Đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa” như tôi đã viết ở trên.
 
Vậy thì “Chỉ là hạt bụi” hóa thân thành Thế Lộc có cuộc đời mang dáng dấp người hùng trong thời đại nhiễu nhương, sống có ý nghĩa vì luôn là cây đứng thẳng trong bão bùng. Bây giờ ta hãy xét xem qua “Chỉ là hạt bụi” đó đã có những vần thơ soi rọi một kiếp rong chơi như thế nào.
Ta hãy nghe Thế Lộc viết về yêu ở một thời trai trẻ của mình:
 
Xưa ta lính trận tiền phương
Yêu em chết bỏ như đường đạn bay
Tháng năm ta chiến chinh dài
Cuốn theo trận chiến đạn bay… quên đời
                              (Có còn ta trong Em)
 
Người lính trận “yêu em chết bỏ như đường đạn bay” là một tứ thơ mà tôi bắt gặp lần đầu tiên trong đời, nó mang trọn vẹn hình ảnh bất ngờ tuyệt đẹp mà phôi pha của tình yêu người lính.
 
Sau đó, có lẽ có một ngày, khi đã trường đời, hạt bụi Thế Lộc gặp lại người xưa nào đó, tình yêu lai sinh, dục vọng cháy bỏng:
 
MÊ DƯỢC
 
Gặp em trùng mộng lai sinh
Cùng ta cạn chén rượu tình giao hoan
Xiêm y nửa mảnh ngỡ ngàng
Em lồng lộng trắng ta bàng hoàng say
 
Gối đầu lên đỉnh tuyết dày
Uống hương mê dược cay cay nồng nồng
Duỗi chân giữa chốn thinh không
Đê mê úp măt vào lòng thảo nguyên
 
Thanh tân nở nụ hiện tiền
Vô cùng thánh thể…giữa miền trần gian.
 
Tất cả phần thân thể của người nữ trong “Mê Dược” đều trở thành ngôn ngữ của đam mê. Vẻ đẹp của người nữ trong “Mê Dược” trở nên trong trắng và vĩnh viễn. Bài thơ còn tinh luyện ngôn ngữ thiên nhiên, ngôn ngữ thánh thiện lồng vào từng câu thơ làm cho hình tượng lõa thể trở nên đặc sắc. Bài thơ vỏn vẹn có mười câu, mỗi câu thơ gói trọn một ý. Toàn bộ bài thơ kết cấu một bố cục sít sao, chặt chẽ, cuốn hút người đọc vào cơn say tương giao giữa dục vọng và thiên tánh hòa quyện trong nhau.
 
Thơ Thế lộc thường mang đầy tâm trạng, tâm trạng về cuộc đời bất đắc chí, tâm trạng về những người thân ra đi, tất cả đem đến cho nhà thơ rất nhiều ưu tư, dằn vặt. Những nỗi ưu tư đó “Chỉ là hạt bụi” đem vào thơ, lúc nào cũng buồn thắm thiết. Riêng bài thơ dưới đây, nỗi buồn chẳng phải là không sâu, nhưng cái tư duy đổi mới làm cho hình ảnh người ra đi cao đẹp làm sao, hùng tráng làm sao và khiến cho tâm trạng người ở lại cũng vơi đi đau khổ khi nhìn qua bên kia thế giới cũng thấy có niềm vui
 
 
NGỰA VỀ GIỮA CHỐN BỤI MÙ
(Cho Dương Thế Kinh Luân)
 
Ngựa đã về chốn an nhiên
Hí vang rừng núi cửa thiền rộng thênh
Miên trường, sinh diệt mông mênh
Yên cương hạnh ngộ bồng bềnh thiên thu
 
Ngựa về giữa chốn bụi mù
Mưa tâm đã tịnh, nghìn thu rạng ngời
Nhịp chuông ai thả chơi vơi
Ngựa thiên cổ đã vể trời vãng sinh
 
Hình ảnh con ngựa dựng bờm tung vó phi nước đại khiến bụi mù tung lên cả một vùng là hình tượng oai phong, dũng mãnh và hùng tráng đã trở thành thông lệ cho bút pháp tranh ngựa từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Thế Lộc dùng hình ảnh nầy để miêu tả linh hồn con trai của mình đi về thế giới ngàn thu là một tư duy cách mạng, phá bỏ những câu thơ ai điếu bi luỵ từ xưa đến nay, nhưng vẫn bày tỏ được không những tình yêu vô bờ bến của một người cha đối với con mình, mà còn tôn vinh được hào khí của linh hồn con trai đi vào nơi vinh hiển. Cái hào khí nầy, cái phong độ nầy chắc chắn là hình ảnh tươi thắm khi con trai nhà thơ còn sống trên trần đời.
 
Ngoài những bài thơ tâm sự đời mình, thổ lộ vui buồn trần thế, bày tỏ tình yêu con người, thiên nhiên và suy nghiệm triết lý nhân sinh, Thế Lộc còn có những bài thơ đẹp như cánh bướm thánh thiện vờn bay quanh những đoá hoa tươi thắm như bài thơ sau đây có 16 câu, xin rút lại còn 10 câu. Bài thơ vừa bụi đời, vừa ngang tàng nhưng độc đáo bày tỏ tình yêu đơn phương:
 
Em thánh thiện ta nửa đời du đãng
Gặp bên đời ta chết đuối dung nhan
…Em thánh thiện trong ta vừa chớm nụ
Xin được làm hoa cỏ mọc trong vườn
 
…Em thánh thiện như con chim sâu nhỏ
Đậu giò lan ca hát khúc tình ca
…Ta mê em và ngu ngơ từ đó
Máu giang hồ ngừng lại mái nhà tranh
 
Ta chỉ ước thôi, mộng chắc chi thành
Đời du thủ mấy khi em nhìn xuống.
                                (Thánh Thiện)
 
Vậy mà tôi được biết, tại cái “du đãng”, cái “giang hồ”“Du thủ” đó, mà khi còn trai trẻ, lắm em hậu phương chết con tim vì chàng thi nhân lính chiến Thế Lộc.
 
Tập thơ “Chỉ là hạt bụi” dày gần 200 trang, có trên 150 bài thơ. Những dòng cảm nhận trên đây của tôi chỉ là sự cảm nhận vội vàng, ngắn gọn, đơn sơ về sắc hương của một vườn thơ mà người chăm bón là một thi nhân được ái mộ từ thời thanh xuân, đến nay vườn thơ chắc chắn nhiều hoa thơm cỏ lạ. Xin mời khách bốn phương có thể, hãy đi vào vườn thơ để đọc thơ của người tự xưng “Ta từ hạt bụi đánh rơi/Ngang qua cõi động/Thấm lời khóc thương”, để thấy tiếng thơ vang vọng những cung vui, cung sầu không chỉ của riêng tác giả mà còn của một thế hệ sinh ra cùng thế kỷ.
                                                     
Châu Thạch
 
READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ “CHỈ LÀ HẠT BỤI” CỦA THẾ LỘC - Châu Thạch

LẠC GIỮA TÌNH EM – Thơ Khê Kinh Kha


 
                   Nhà thơ Khê Kinh Kha


Lạc Giữa Tình Em
 
có phải mùa thu lá vàng rơi
hay em là ánh sao giữa trời
và hồn thu lạnh trong mắt biếc
nên mắt em buồn giữa thơ tôi
 
có phải nắng chiều ửng môi son
hay cánh phượng hồng trên môi ngoan
hay vầng trăng sáng rơi tơ lụa
rơi xuống môi người, nụ hôn thơm
 
có phải áo em bay giữa trời
hay cánh mây mềm theo gió trôi
hay tóc em mang đầy con gió
bay rối hồn này, rối tình tối
 
có phải cúc vàng đượm hương em
hay mùa xuân nở trên vai thon
hay em trao tình trong mắt liếc
cho cả núi đồi phải hờn ghen
 
có phải tôi lạc giữa tình em
hay em bắt giữ trái tim tôi
nên tôi dâng hiến tình say đắm
người ơi! xin mãi mình có đôi
 
Khê Kinh Kha

READ MORE - LẠC GIỮA TÌNH EM – Thơ Khê Kinh Kha

THÁNG BA TRÊN ĐẢO CÁT BÀ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng


 

Tháng ba trên đảo Cát Bà


Về Cát Bà cùng anh đi em

Để thấy quê hương mình đẹp lắm

Trời tháng ba, sương đêm thấm đẫm

Loang tan trên mặt biển dịu êm


Tiếng máy ru con sóng vỗ về

Bãi Cát Dứa, Cát Cò đang đợi

Quầng nắng lên tươi hồng ngày mới

Vịnh Cát Gia tỉnh thức đam mê


Đưa em đi xuyên đảo Cát Bà

Dốc quanh co, xuống khoăn qua áng

Rừng nguyên sinh xanh màu lãng mạn

Những con thuyền thấp thoáng xa xa…


Em lung linh, thạch nhũ Trung Trang

Động Quân y một thời gian khổ

Dòng đời chảy ngược xuôi mấy độ

Tiếng quân đi, đâu đó ngân vang


Nét hoang sơ, tự thuở hồng hoang

Chắn bão giông, bóng thù lởn vởn

Bầy hải âu, đưa ngày chao lượn

Đảo yêu thương bừng sáng huy hoàng



Đi ngang qua ngôi nhà cũ


Bao nhiêu lá, đổ trên thềm hoang lạnh

Cơn gió vô tình, líu ríu trượt qua

Không còn nữa, chút bóng mờ dư ảnh

Của một ngày năm cũ, đã mờ xa

                       *

Nét tươi trẻ úa mầu theo năm tháng

Sao vẫn còn đau đáu một niềm riêng

Bao nhiêu chuyện đã chìm trong quên lãng

Còn lại đâu đây, một nỗi muộn phiền

                       *

Mảnh vườn xưa lất lay chồi lá mới

Chợt bồi hồi, nghe tiếng hót vành khuyên

Hoa trái mọng đang vội vàng mong đợi

Năm tháng nào phai nhạt nét hoa duyên

                       *

Ngôi nhà trống và phận đời lận đận

Gió hắt hiu luồn qua cửa khép hờ

Bóng nắng trãi nỗi lòng đầy trắc ẩn

Nhớ chuyện gì mà tiếc ngẩn tiếc ngơ ...

                       *

Ngước đôi mắt nhìn mùa thu, tóc rối

Nắng lung linh, tươi tắn mộng ngày xưa

Ngong ngóng đợi, bứơc chân ai gấp vội

Tiếng vọng nào còn nguyên dấu truyền thừa



Chùm hoa giấy trước sân nhà em


Sao cứ nở hoài như đếm tuổi

Của cô chủ nhà, đương nhóng nhánh mùa đi


Con đường đất đỏ, bao nhiêu năm gió bụi

Chợt sáng lên, trong trẻo tiếng em cười

Cành hoa giấy đong đưa, lời nhắn gửi người ơi!



Sống cho người ta ghét, người ta thương cũng dễ


Nhưng sống cho người ta cần sẽ khó hơn nhiều

Dẫu đã biết, đó cũng chỉ là ước lệ


Sao cứ loay hoay trong nắng xế quạnh hiu

Thôi hãy cố gắng là chính mình trước đã

Vững vàng đi, trong góc cạnh đa chiều…


Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận

thanhhungmtbb@yahoo.com.vn


READ MORE - THÁNG BA TRÊN ĐẢO CÁT BÀ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng