Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 3, 2015

VÕ VĂN LUYẾN THỨC CÙNG TRANG VĂN - Phạm Xuân Dũng




VÕ VĂN LUYẾN THỨC CÙNG TRANG VĂN.
                                                                                         
(Nhân đọc cuốn sách  "Đối ngọn đèn khuya" - Tập nghiên cứu và phê bình văn học của Võ Văn Luyến, NXB Thuận Hóa, Huế 2014)
 
                                                                       Phạm Xuân Dũng


    Bên cạnh chân dung con người sáng tác với diện mạo của một nhà thơ, Võ Văn Luyến còn có gương mặt thứ hai của một người làm khoa học: nghiên cứu và phê bình văn chương.
    Phần đầu cuốn sách, tác giả nghiên cứu về "Đặc điểm nghệ thuật thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại". Đề tài mang tính học thuật này cũng là một thử thách không nhỏ đối với những ai lao tâm khổ tứ từ góc nhìn thể loại. Hơn nữa thơ tứ tuyệt tuy là thể thơ truyền thống có tuổi đời ngang ngửa ông Bành Tổ, nhưng lại không phải nhất thành bất biến hoặc ít thay đổi trong nội dung và hình thức biểu hiện. Thể loại "bé hạt tiêu" này vận động liên tục và ngày càng tung hoành, thể hiện một nội lực ghê gớm và không ngừng biến hóa trong đời sống văn học hiện đại  Đây là địa hạt  thú vị nhưng lại không hề đơn giản, nó đòi hỏi sức đọc, sức nghĩ và sức viết của người làm khoa học. Chính vì thế, người viết đã dành nhiều tâm can và bút lực cho những trang viết giàu chất lý luận nghiên cứu phê bình.
   Ngay trong lời nói đầu của công trình khoa học công trình khoa học về thơ tứ tuyệt, nhà nghiên cứu Võ Văn Luyến đã nhìn nhận sức sống mãnh liệt và sự bùng nổ của thể loại này trong văn chương Việt ngày nay. Theo đó, tác giả đã chỉ ra "Thơ tứ tuyệt là hiện tượng độc đáo của đời sống văn học. Sự quay trở lại rầm rộ với thể thơ tứ tuyệt (sáng tác, vận động dư thi, in tập của từng tac giả, in tuyển...) là dấu hiệu của sự thích ứng, phù hợp tâm lý sáng tiếp nhận của thời hiện đại." ( Đối ngọn đèn khuya, trang 8)
   Chương một " Thơ tứ tuyệt-cổ điền và hiện đại" đã khái quát  một số quan niệm về thơ tứ tuyệt. Trong phần này, tác giả đưa ra một cách nhìn về thể loại không nên quá câu nệ vào hình thức tứ tuyệt theo cách hiểu truyền thống, vì như vậy nó vừa gò bó, máy móc "họa bì" chưa "họa cốt" dễ dẫn đến nguy cơ đẽo chân cho vừa giày, lại vừa không bao quát hết những sáng tác hiện đại với những tìm tòi thể hiện vượt thoát khỏi những "khuôn vàng thước ngọc" cổ điển. Cũng bởi  Nàng Thơ Tứ Tuyệt bây giờ: "em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa"  như tác giả lý giải một cách xác đáng:" Qủa thực, văn hóa tri thức ngày càng đóng vai trò biểu cảm. Thơ suy tưởng mỗi một ngày nhiều hơn, biểu hiện thơ đa phức, đa tầng hơn. Tính triết lý là dấu hiệu nổi trội trong thơ, nhưng nhìn toàn cục thì độ đậm đăc triết lý trong thơ tứ tuyệt thấy rõ hơn, dường như tứ tuyệt là một thể thơ đắc địa, một mô hình cho tư tưởng giãi bày. Có phải vì thế mà thơ tứ tuyệt đang có chiều hướng gia tăng và ra đời với một gia tốc đáng được chú ý vào cuối thế kỷ XX này" ( tr 17, sđd ).
   Từ đó, nhà nghiên cứu đề xuất một quan niệm tương đối mới về thơ tứ tuyệt:"  Theo chúng tôi, tứ tuyệt là một thể thơ bốn câu bao gồm nhiều dạng (ngoài năm, bảy chữ còn có cả bốn, sáu, tám, lục bát, tự do) ôm chứa nhiều vấn đề nhưng trong mỗi vấn đề chỉ chọn ra một khoảnh khắc bất ngờ, đầy tính khám phá phát hiện, tính triết lý bằng việc đặt đối tượng phản ánh trong các mối quan hệ để bật ra một khía cạnh nào đó thuộc về bản chất." (tr 18,  sđd)
   Trong chương hai:"Diện mạo thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại qua các chặng đường văn học"  tác giả bằng thao tác khoa học đã đưa ra bảng thống kê về sự thay đổi của các thể tứ tuyệt, từ năm chữ, bảy chữ, bốn chữ, sáu chữ, tám chữ, lục bát, thơ tự do qua các giai đoạn : 1900-1945, 1945-1975, 1975 đến nay. Sự thắng thế của thể thơ bốn chữ, sáu chữ, tám chữ và thơ tự do từ năm 1975 về sau đã cho thấy xu hướng tự hóa trong hình thức thể hiện ngày càng rõ nét trong thơ nói chúng và trong thơ tứ tuyệt nói riêng. Phần này cũng đã phân tích và khẳng định sự đóng góp về phương diện sáng tác của các nhà thơ Việt Nam sau năm 1975 như Trần Mạnh Hảo và đặc biệt là Chế Lan Viên. Sự nở rộ của thể thơ cô đọng, hàm súc này chứng tỏ sức sống lâu bền và sự nở rộ của thơ tứ tuyệt trong quá trình cách tân. Nhận xét của Võ Văn Luyến cũng rất đáng lưu ý:" Chủ thể trữ tình được ẩn giấu (do hạn chế ngôn từ) trong thơ tứ tuyệt nhưng lại tỏa ra từ nhiều cái tôi (lemoi) khác nhau nên người ta tìm đến tứ tuyệt, ở phương diện thưởng thức, như tìm tới sự thức nhận cuộc sống giàu trí tuệ, tình cảm cho mình. Rút cục tính triết lý của tứ tuyệt dù ở giai đoạn nào cũng cần điều bổ ích mà lý thú đó." (tr 60, sđd)
   Chương ba và cũng là chương trọng tâm :" Đặc điểm nghệ thuật thơ tứ tuyệt"  đã có những đóng góp khá quan trọng trong việc nghiên cứu hình thức biểu hiện của thể thơ này. Võ Văn Luyến đã minh định về cấu trúc thơ tứ tuyệt với những đặc điểm như : một cấu trúc nhỏ nhìn ra thế giới rộng lớn khi phân tích những bài thơ của Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Yến Lan, Nguyễn Bính, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trung Thu...để thấy được quan hệ ánh xạ đặc biệt giữa nghệ thuật và thế giới khách quan, giữa thơ và hiện thực cuộc sống; hay sự tìm tòi vai trò, ý nghĩa của mỗi đơn vị câu thơ trong một bài thơ chỉ có bốn câu trong cấu trúc tứ tuyệt. Sự tháo dỡ "ngôi nhà thơ" tứ tuyệt để tìm ra đặc điểm của từng câu chính là sự tìm tòi về hình thức mang tính nội dung, giúp người đọc hiểu sâu hơn "thiết kế" của thể loại này. Tác giả thông qua phân tích dẫn chứng sáng tác cũng đã có những tiểu kết khoa học cần thiết về ngôn ngữ thơ :" Tứ tuyệt hiện đại giải phóng ngôn từ ra khỏi các công thức khô cứng để hướng tới cái đẹp khác, cái đẹp của giọng điệu, của tình cảm tự nhiên, của sắc thái, cá tính, của sự miêu tả cụ thể, tinh tế." (tr 87, sđd)
   Kết luận công trình nghiên cứu này, tác giả khẳng định và dự báo lạc quan về sứ mệnh thể thơ vi diệu:" Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, thơ tứ tuyệt nhất định sẽ không ngừng phát triển trên cả hai phương diện; chất và lượng. Cũng như đời sống vật chất-tinh thần ngày cang cao, người ta cần chất hơn lượng mà ở tứ tuyệt "chất thống trị lượng" . Điều này cho thấy "ai không biết tự hạn chế mình thì không bao giờ biết viết văn" (Boileau). Tứ tuyệt là một cách biết hạn chế đúng mực vậy." (tr 104, sđd)
   Phần hai cuốn sách  phê bình giới thiệu tác phẩm thơ văn. Có thể nhận ra ở đây những cây bút từng sống và viết ở Quảng Trị như Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Chức, Trần Đình Thành, Lê Văn Hoan, Minh Tứ, Đức Tiên, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Tài Mỵ, Võ Văn Hoa...  hay đã xa quê như Trần Xuân An, Võ Thị Như Mai...
   Thi sĩ Nguyễn Văn Đắc từng nổi tiếng với bài thơ "Cái rốn" đầy cảm hứng nhân sinh đọng lại trong mắt nhìn của cây bút phê bình Võ Văn Luyến: " Tác giả biết dựng dậy cơn ngái ngủ đời người trên trò chơi bập bênh con chữ bởi sứ mệnh thi ca đòi hỏi sự trầm tư trong hồn nhiên, sự cay đắng trong ngọt ngào ..." (tr 116, sđd)  Còn nhà thơ Trần Xuân An nhớ về cố hương bằng tâm cảm :" Nơi cho giọng nói chưa pha phách. Chốn yêu thương, về bỗng khóc ròng" (Tặng một người...) được đánh giá "Dù đi xa nhưng lòng vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Đấy là lúc tình cảm câu thúc để có được những câu thơ dung dị, thật lòng mà thấm thía, cảm động." (tr 187, sđd)  Con mắt phê bình của Võ Văn Luyến đã tinh tế nhận ra một Lê Thị Mây đầy nữ tính trong "Đám cỏ xanh" khi người yêu lỡ hẹn:"Qúa trình từ vô thức "bứt cỏ" đến hữu thức "đau cây" hóa ra có ngọn nguồn cơn nhói của tim. Đấy là nỗi thất vọng  có cái gì đe dọa hơn cả sự thất tín, bởi linh giác đánh động sự mất yên tĩnh (phụ nữ thường sợ những  biểu hiện gơi cái mong manh, dễ vỡ)..." (tr 203, sđd)
   Cảm nhận  tập bút ký, phóng sự "Dòng sông ký ức" Võ Văn Luyến luận bình:" Có thể nói, Minh Tứ là cây ký có khả năng thâu tóm, lật xới sự kiện, làm nổi bật những vấn đề nóng hổi, xã hội quan tâm hay vấn đề xưa cũ nhưng tươi nguyên "chất sống" và lay thức tâm cảm người đọc." (tr 122, sđ d). Còn khi chiêm nghiệm truyện ngắn Hòa Vang, tác giả phê bình gọi tên lối viết đó là "dòng ý thức phản huyền thoại". Và truyên ngắn" Sự tích  ngày đẹp trời" viết lại câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thực ra là một phản đề văn chương, vì thế Võ Văn Luyến   đã có lý khi  viết: "Thông điệp mà Hòa Vang muốn gửi tới  độc giả không như ngọn gió đi tìm sự đồng cảm mà là lời khẩn cầu về một lẽ công bằng cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc. Hơn cả chiêu tuyết, minh oan cho Thủy Tinh, nhà văn cố gắng làm thay đổi cái nhìn đơn giản một chiều, duy lý về nhân vật luôn bị xem là tội đồ đáng nguyền rủa." (tr 109, sđd)
   Dù còn đôi điều có thể cần phải bàn thêm về thơ tứ tuyệt; hay góp ý  nên chọn lọc hơn đối với tác giả thơ, để tránh sự ôm đồm  trong một tập sách phê bình đúng nghĩa, thì người đọc tựu trung, vẫn đồng cảm nhiều và trân trọng lao động của cây bút Võ Văn Luyến. Trong tình hình viết lách hiện nay, độc giả thêm trân trọng một cây bút nghiên cứu phê bình lặng lẽ và nghiêm túc, một mình đối ngọn đèn khuya, thức cùng trang văn để góp nhặt những gì đồng điệu.

                                                                    Phạm Xuân Dũng
READ MORE - VÕ VĂN LUYẾN THỨC CÙNG TRANG VĂN - Phạm Xuân Dũng

SẤP, NGỮA - Tuyền Linh




SẤP, NGỮA

Khi bàn tay chạm đến một bàn tay
Mới chợt thấy lòng mình bốn bề hoang vắng
Những ân cần dần trở nên lạ lẫm
Và tin yêu vỡ vụn cuối mùa trăng

Ký ức lại dày thêm tủi, hận, hờn, ghen
Và hạnh phúc cũng chập chờn ngoài tầm với
Em đã đến từ một nơi nào xa lắm
Mà duyên đời ngỡ nặng nghĩa tao khang
Thế tại sao tơ phím lạc cung đàn
Tình dần chết theo giấc mơ chìm nổi

Ta vẫn là ta qua mấy mùa giông bão
Ao ước một lần…để lặn ngụp cả đời…
Những ước mơ nào có quá xa xôi
Vẫn giản đơn như mặt trời buổi sáng
Như cây cỏ chờ bình minh hé rạng
Tiếp chút ánh hồng dẫn dắt nụ mầm xanh
Ta nhìn cuộc đời Yến Yến…Oanh Oanh…
Thèm ứa lệ đôi bờ vai phu phụ

Ai sẽ vuốt mắt ta khi ta nằm xuống
Giọt lệ nào đúng nghĩa lệ phu thê
Hỡi những ai từng má áp môi kề !
Sao bỏ mặc ta trong mù sương huyễn ảo
Chẳng lẽ đây là cuộc chơi sấp ngữa ?

                                   Tuyền Linh

READ MORE - SẤP, NGỮA - Tuyền Linh

THIÊN NHIÊN - MÙA XUÂN - Thơ Phương Hà





NẨY CHỒI

Quắt queo trong đất, đợi chờ
Mưa xuân thấm xuống, hạt khô nhú mấm
Chồi non vươn cánh tay trần
Vén màn tăm tối, khoe thân giữa trời.


CÂY XANH

Lá gom nắng gió tự trời
Tinh hoa từ đất, ngời ngời sắc xanh
Nhựa luân lưu khắp ngọn cành
Trổ hoa tạo quả đem dâng cho đời.


THỤ PHẤN

Anh như ngọn gió thổi qua
Em là vòi nhụy giữa hoa, đợi chờ...
Rào rào hạt phấn như mưa
Nhụy vươn vòi đón trong mùa ái ân.

                             Phương Hà


READ MORE - THIÊN NHIÊN - MÙA XUÂN - Thơ Phương Hà

EM VỀ TRỜI CŨNG VÀO XUÂN - Hoàng Anh 79




EM VỀ TRỜI CŨNG VÀO XUÂN

Em về trời cũng vào xuân
Có con én mộng qua lưng chừng chiều
Tầm xuân ngát nụ thương yêu
Môi  hồng ngày cũ còn nhiều ước mơ

Thời gian kéo lại nẻo chờ
Cánh chim đổi xứ hẹn hò đường mây
Em về thả ngọn tóc bay
Hương đồng cỏ nội đong đầy tình quê.

Cho nhau một lối đi về
Đời chia muôn ngã giấc mê còn dài
Mùa vàng em đếm trên tay
Nắng mưa mấy thuở vòng quay đất trời.

Gió ngàn xa hát bên đồi
Sao đêm lấp lánh len đôi mắt huyền
Xuân nồng anh tặng riêng em
Mưa thơm lất phất ướt thềm lá hoa!

                        Hoàng Anh 79
                        23/12/2014

READ MORE - EM VỀ TRỜI CŨNG VÀO XUÂN - Hoàng Anh 79

CHÙM THƠ TRÚC THANH TÂM





VIỆT NAM MẾN YÊU

Muôn đời đẹp mãi Thăng Long
Tháp Rùa trầm mặc sông Hồng êm trôi
Nam Quan biên ải đâu rồi
Lên trời ngọn khói hồn chơi vơi hồn .

Vọng từ Thiên Mụ tiếng chuông
Tràng Tiền nhớ áo tím buồn phượng bay
Sông Hương ai đợi chờ ai
Trăng yêu thả mộng xuống bài thơ yêu .

Còn nhau ánh mắt trông theo
Nhớ xưa nhạc ngựa lá reo bên đường
Xa người để nhớ để thương
Sài gòn muôn thuở tình vương vấn tình.

MỘNG PHÙ DU

Ta về phố cũ vời vợi phố
Hàng cây đợi gió gió lặng im
Từng mùa khắc khoải trong luyến tiếc
Đêm cũng tàn đêm ánh trăng chìm

Qua bến sông buồn sông dậy sóng
Một người đưa tiễn một người đi
Sương khói hồn nhau mờ nhân ảnh
Phơ phất ngàn sau áo xuân thì

Mộng phù du gởi sầu viễn xứ
Mắt biếc ngày xưa mắt lệ nhòa
Mưa cũng vỡ òa mưa bong bóng
Một thời hoa mộng áo hoàng hoa

Quên đi hết chuyện đời bạc bẽo
Một ngày hạnh phúc nhớ trong tim
Thư tình ngày đó bao kỷ niệm
Đốt chắc gì quên hay nhớ thêm !

TRÚC THANH TÂM
 (Châu Đốc, 1 / 2015)

READ MORE - CHÙM THƠ TRÚC THANH TÂM