Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 27, 2012

ĐỪNG TÌM ANH - thơ Ngọc Tình




Em ơi đừng có tìm anh
Anh là thi sỹ mong manh lắm mà
Anh luôn sợ nhập hồn ma
Lúc ẩn lúc hiện lúc xa cuối trời

Nàng thơ lả lướt chơi vơi
Anh mơ, anh mộng nói lời yêu em
Thơ là góc khuất tâm hồn
Thơ là tất cả cội nguồn tình anh.

Lúc dữ dội
Lúc mong manh
Lúc dào dạt sóng mông mênh vô bờ
Đời anh tất cả là thơ

Nên em....
Đừng có
Dại khờ tìm anh.

TN 11-2012
Ngọc Tình
nguyentinhtn@yahoo.com.vn
Website counter
READ MORE - ĐỪNG TÌM ANH - thơ Ngọc Tình

Châu Thạch - ĐỌC "VÀ QUÁ KHỨ THẤY TA" - THƠ VĨNH THÔNG




Cầm tập thơ “Và quá khứ thấy ta” của Vĩnh Thông trên tay, đọc qua lời đề bạt ở trang đầu và các nhận xét thơ in nơi trang bìa, thật lòng tôi cứ nghĩ đây là thơ của một ông cụ non vì thấy ai cũng nói Vĩnh Thông còn rất trẻ nhưng thơ thật là già dặn, như một bậc trung niên. Thế nhưng khi đọc những bài thơ đầu vào các trang trong tôi mới hiểu rằng quý vị nhà thơ, nhà văn kia muốn nói rằng thơ Vĩnh Thông hay ở một tầm cao mà thôi. Thật thế, qua 36 bài thơ tôi không cảm thấy cái già dặn trung niên trong thơ Vĩnh Thông mà cảm nhận được sức trẻ dồi dào sinh lực như một bông hoa nở rộ giữa đương xuân.

Vào đầu tập thơ với “Hạt bụi rong chơi” tôi nhận ra ngay đây là anh chàng tuổi thơ lêu lỏng, rong chơi tháng ngày một cách vô tư không bầu rượu, không cả túi thơ. Thế rồi hạt bụi đó dừng lại đáng yêu làm sao trên bàn tay người con gái:

             Bụi cứ bay bay
             Một hạt nào lẳng lơ dính trên bàn tay con gái
             Ngỡ ngàng…Chớm yêu!

Hết rong chơi, bây giờ Vĩnh Thông say, nhưng không say rượu, không say tình như các nhà thơ trung niên túy lúy mà say cái mùi thơm ngát của tuổi thơ ngây:

            Khói sương
            Rũ xuống đồng ta
            Một mùi thơ ấu, thật thà
            Dễ say

Vì thế cái say của Vĩnh Thông trong sạch, nhẹ nhàng, siêu thoát và thú vị biết bao:

             Nhẹ như mây gió vô thinh
             Nghiêng như một lá linh đinh
             Rụng rời

Thế rồi trong cuộc rong chơi, trong cái say đầy cao thượng “như đất muôn đời đã say”, nhà thơ Vĩnh Thông đến ngồi ở “Quán lạ ven sông”. Ở đây, tôi thấy một dòng sông đầy lục bình và tôi bật khóc vì hiểu hết cái tình yêu quê hương vô cùng của cậu bé tuổi còn thơ ngây, rất trẻ:

            Ngồi ở quán, lục bình trôi ngang mặt
            Nhìn đâu cũng phản phất dáng quê
            …

            Chim nhớ quê. Ừ thì ta cũng nhớ
            Chim về quê. Ta lại chẳng được về!

Khi nhớ đến quê thì thường xót lòng cho nỗi khó nhọc ở quê. Với bài thơ “Lụt lên hạt gạo loay hoay”: Hạt gạo của Vĩnh Thông mang tâm trạng con người, biết loay hoay xoay xở, nghĩa là Vĩnh Thông đã thu cả sinh hoạt con người vào trong hạt gạo.

Rồi có lẽ rong chơi quá độ nên quên hết cả chính mình. Một ngày Vĩnh Thông tìm lại mình trong bài thơ “Tìm lại ta”. Chàng tìm lại cánh đồng nắng cháy, cánh diều, con kinh, ly cà phê vỉa hè, và bẹn bè, và tình yêu nhưng tất cả là:

              Cũng lãng đãng
              Như gió như mây
              Bay nhẹ qua mình

Và nhà thơ Vĩnh thông có máu thương hồ. nhưng vì còn trẻ tuổi nên chỉ rong chơi, chớ cái máu thương hồ khó mà thành được:

              Mộng thương hồ thì cứ đầy trăng
              Mà nỗi nhớ chưa nột lần nguôi được

“Đi qua rồi” là một bài thơ mà trong đó cái quê hương cũ mà “Nơi đây từng có một mùa trăng trú ngụ” đã “Đi qua rồi như ngọn khói vờn bay” để anh phải lấy “Vị đắng sầu đầu thay bằng cà phê phố thị”. Diễn tả nỗi nhớ như thế quả là đắng, đậm và ngon vô cùng.

Tiếp đến Vĩnh Thông vẽ. Nhà thơ nói “tôi ký họa mình vào giấc mơ của đất”, “Tôi ký họa hình của dấu chân vào sương”, “Tôi ký họa mặt người vào dòng sông buông”, rồi nâng những bức tranh lên nhìn, để thấy nó là sự nhỏ nhen của thân phận kiếp người đã “bạc màu cùng năm tháng trôi xuôi”

Vĩnh Thông định nghĩa nỗi đau rất hay. Nỗi đau chính là “lát cắt hình hài”,  nó đã cựa mình trong tình yêu, trong cuộc đời và “có lẽ, đó cũng là hạnh phúc”. Vĩnh Thông đẹp trai lại làm thơ hay nên bài thơ “Có lần em bước theo ta” có thể tin là có thật. Đọc bài thơ nầy tôi thấy cả mái tóc nàng lớn và dài đến nỗi phủ cả không gian và thời gian vậy:

             Có lần em bước theo ta
             Hồn nhiên gánh mùa thu nắng
             Tóc huyền lẫn trong lòng phố
             Thức cùng ta suốt đêm dài.

Tôi không biết Nhơn Hưng là ở đâu, nhưng tôi yêu ngay Nhơn Hưng vì bài thơ “Nắng Nhơn Hưng” có hai câu thơ tác giả nói chẳng say nhưng lại làm cho tôi vừa đọc đã say rồi:

              Mùi bông tràm xông cùng hương đất
              Thấm rượu nhân tình, cạn chẳng say.

“Thất sơn chiều cuối năm” là một bài thơ tả cảnh nhưng lại có cái hào khí của một bản anh hùng ca, lại cũng có nỗi buồn của một khúc bi ca:

             Thất sơn chiều cuối năm
             …
             Mưa trắng tóc mây, trắng tóc người
             …
             Đường phố núi dài
             Tìm em không gặp
             Bụi bặm cuộc đời che tóc em nghiêng.

Tôi bỏ qua nhiều bài thơ tứ và lời thi vị để viết về bài thơ “Và quá khứ thấy ta” là bài thơ mà tác giả lấy làm đề tài của cả tập thơ. Đây là những bước đi lầm lũi, quyết tâm trong cuộc đời nhưng những bất chợt đôi khi rất bình thường trong cuộc đời đã ngăn ta lại, và những bất chợt đó đã níu kéo  đời ta làm phí phạm thời gian, để khi ta quay đầu thì ta chạm bến tử sinh:

            Không có gì khiến ta quay đầu nhìn lại
            Nhưng bất chợt…
            Dế ngâm
             …
            Bất chợt én bay
             …
            Ta đi theo tình đi theo mình
            Theo quê hương sông núi
            Quay đầu- Chạm bến tử sinh
            Và quá khứ thấy ta!

Thật tình tôi không hiểu hết cái đầu đề của bài thơ nhưng tôi tự lý giải rằng: Đời người ai cũng có quá khứ, và cái quá khứ đó đã lọc và ghi lại cuộc đời ta trung thực, không  như hình ảnh ta trong hiện tại phải sai đi vì qua rất nhiều lăng kính. “Và quá khứ thấy ta” là quá khứ lưu trử hình ảnh thật của Vĩnh Thông, làm chứng cho Vĩnh Thông, biện hộ cho Vĩnh Thông là một chàng thi sĩ chân thật, hăng say, hăm hở đi suốt theo em và theo những nẽo đời chân chính.
 
Qua 36 bài trong tập thơ “Và quá khứ thấy ta”, tôi chỉ  đề cập sơ lược đến 13 bài thơ ở những trang đầu như trình bày một vài bông hoa tiêu biểu. Với tôi, tôi không xem Vĩnh Thông là trẻ, tôi cũng chẳng nói Vĩnh Thông là già mà Vĩnh Thông là một nhà thơ. Thơ Vĩnh Thông chứa đầy sức trẻ, lại tiềm ẩn một triết lý sống sâu xa, được diễn tả không bằng lời, không bằng chữ màu mè mà ở trong hương vị của thơ. Thơ Vĩnh Thông là tình yêu đất nước, con người sâu đậm, cũng không diễn tả bằng những từ lộ liễu mà ẩn sâu trong cử chỉ, trong hơi thở của nhà thơ qua từng lời thơ nhắc đến quê hương, cuộc sống và con người.
                                                                       
Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com

  
Website counter
READ MORE - Châu Thạch - ĐỌC "VÀ QUÁ KHỨ THẤY TA" - THƠ VĨNH THÔNG

THƠ TÌNH - Lê Đình Hạnh


HẸN 


Hẹn về thăm lại Miền Tây
Ăn bữa cơm trưa bên bờ sông Hậu
Lục bình trôi … chim trời về đậu
Con chim nào biền biệt bến sông em


Hẹn về thăm lại Cà Mau
Uống nước mưa trong nhớ tình em ngọt.
Xưa mắc võng nằm rừng quên muổi đốt
Đọc thư tình dưới ánh hỏa châu soi.


Không hiểu nỗi… có một thời như thế!
Đêm giao tranh anh réo gọi tên nàng
Tình che chở qua làn tên mũi đạn
Ta sống còn mà tình vấn khăn tang.


Em ở lại xứ “mưa sình nắng bụi ”
Anh quay về nơi “sỏi đá thành cơm”
Cuộc chiến … trao nhau đôi chút tủi hờn
Cũng giúp ta ít nhiều kinh nghiệm sống.


Mạnh mẽ lên em… biển đời vẫn động
Em tự hào lồng lộng một giai nhân
Anh bất tài nên suối chẳng thành sông
Đành câm lặng suốt đời mơ biển lớn 


NỢ 


Anh nợ em… một  trời mây trắng
Một thoáng mưa buồn giăng cuối sông
Một chút bình yên chiều xóm đạo
Rộn ràng ngân vọng giữa thinh không.
Anh vẫn làm thơ…
Như người đời làm dáng
Như em làm dấu thánh trước khi ăn
Như ta làm người tội lỗi đễ ăn năn,
Như kính Chúa – yêu em … mà xa tất.
Anh vẫn hiên ngang giữa đời chật vật
Nhưng rụt rè cân nhắc chuyện riêng tư
Được mất gì  qua những lá thư
Thôi! Vĩnh viễn nhốt tình nơi võ não
Mình chẳng vì nhau giữa đời cơm áo
Hát ru tình yên nghĩ giữa thi ca
Em nguyên hình… kiều diễm dáng kiêu sa
Anh vụng dại gieo vần như mới lớn.


Tác giả LÊ ĐÌNH HẠNH

NẮNG SẼ VÀNG THEO…


Đã biết tình nhau là có thật
Dối lòng chi nữa để ăn năn
Làm sao lấy lại bài thơ trước
Mà trả bình yên cho thế nhân?


Người đi … sao không đi  biền biệt
Để hồn thơ ta được thảnh thơi
Nhớ hôm nhan sắc nàng rơi vãi
Chỉ nhặt hộ thôi… đã rợn người!


Một chút mơ hoa… về với thực
Quanh đời bày biện lắm âu lo.
Tôi đi- em ở- hàng cây đợi
Nắng sẽ vàng theo những hẹn hò.



THƠ TÌNH

Anh có buồn em thì buồn mấy bữa,
Mà sầu nhân thế chẳng sao vơi!
Ừ thôi! Sợi tóc cần chi nhuộm
Sợi tóc là duyên đã ngã màu.
Chợt đến-chợt đi- chợt quên- chợt nhớ
Một đời người chợt tỉnh mấy cơn mê?
Chân bước theo mà hồn phách bảo quay về
Mầm gian dối có trong từng sự thật.
Anh đã qua mấy đời tình chật vật
Nên sẵn lòng hào phóng với giai nhân
Gieo được câu thơ đã thấy yên lòng
Nhưng khổ nỗi thơ tình chưa đủ nghĩa.

                LÊ ĐÌNH HẠNH
Đà Nẵng
ĐT: 0905 863 307

Website counter
READ MORE - THƠ TÌNH - Lê Đình Hạnh

Hoàng Yên Linh - GỞI NGƯỜI ... BIẾT CÓ MAI SAU.

*Gởi Ng Th H.ĐH




Tha hương đã trắng mây trời
Cố hương vời vợi cung hời cung thương
Bên đời khắc khoải tơ vương
Con đường cũ dấu yêu thương với người
À ơi khúc hát à ơi
Nhớ ai cố quận biết đời về đâu
Quê người ngóng mãi canh thâu
Mà quê mình vẫn cơ cầu người ơi
Tôi đi với nắng chiều rơi
Với vầng trăng cũ ... Với tôi một mình
Đường đời trăm nẻo lênh đênh
Đôi mắt ấy nợ ân tình mang theo
Vầng trăng bến cũ cô liêu
Gió đưa đò vắng, mây chiều buồn trôi
Lắng nghe nước chảy bờ xuôi
Tím trời kỷ niệm gọi tôi trở về
Hư danh trong đục hổn mê
Nhớ ra còn một cố quê đợi chờ .
                  
                 &

Bâng khuâng ghép lại vần thơ
Người xưa có đợi có chờ tôi đâu
Lá trầu xanh quyện hương cau
Cố nhân còn đọng đôi câu ca buồn
Một mình tôi với hoàng hôn
Vàng tay khói thuốc tình buồn nhớ ai ...
Đường quê hương tóc hoa cài
Câu thơ tôi viết sao hoài dỡ dang
Để rồi vạn nẻo quan san
Bể dâu tan tác lìa đàn chim bay ...

                 &

Tôi đi cách núi sông dài
Gánh đời đã nặng đôi vai nhọc nhằn
Rừng khuya bếp lửa vách sàn
Đồi nghiêng gió bạt nửa trăng cuối trời
Nhớ từ khúc hát đưa nôi
Nghiêng nghiêng cánh võng chiều rơi nắng hè
Tiếng chim vọng lại hàng tre
Để người xa xứ ngóng về quê xưa
Bên đời  nắng sớm chiều mưa
Qua bao vinh nhục vẫn chưa là mình
Chênh vênh đồi núi chênh vênh
Cuối trời đất lạ chỉ mình, mình thôi ...
Nẻo đi buồn lắm người ơi
Nẻo về trăng có còn đôi bên trời

                  &

Vầng trăng xưa có nhớ tôi
"Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường ..."  *
Tình xưa tình lại vấn vương
Mà sao tôi lại tha phương xứ người
Đất trời  thôi đã đổi ngôi
Cố quê quạnh quẽ mưa rơi trắng đường
Quê người hát lý hoài hương
Quê xưa ví dặm buồn thương đôi bờ 
Bây chừ lạc lối bơ vơ
Sầu nghiêng vách núi ngẫn ngơ ngóng chờ

                 &

Trở về ghép lại trang thơ
Nghìn trùng xa cách đôi bờ đại dương
Người đi áo trắng sân trường
Để tôi viết mãi bài tương - tư - tình
Bây giờ tình đã chông chênh
Tôi gom lá đốt chuyện mình  -  mình ơi
Xa nhau thăm thẳm mây trời
Hỏi ai, ai nhớ hỏi đời ai quên
Tôi về quán vắng chiều nghiêng
Tình ca ai hát mà duyên lỡ làng ...
Tôi về mòn gót lang thang
Thềm xưa nhặt cánh hoa vàng ... Nhớ nhau
Nhớ nhau tình để mai sau
Kẽ nơi đầu gió người sầu vấn vương 
Quẩn quanh suối bạc đồi nương
Không tình, không bạn chim muông gọi đàn
Biết rằng rồi cũng trăm năm
Buồn vui tiếc nhớ thôi ngần ấy thôi
" Vầng trăng ai xẻ làm đôi ..." *
Tiếc vầng trăng nửa đã trôi mất rồi
Đời như con nước rong chơi
Chỉ là giấc mộng chưa vơi lại đầy
Thôi đành vui với cơn say
Tưởng người năm cũ cao tay rượu mừng
Câu thơ còn nặng tình chung
Mà xa vời vợi lạnh lùng riêng tôi
Ơi người duyên đã đôi nơi
Khúc tình ca ấy đành thôi ... Bẽ bàng.

                     &

Sông xưa vẫn bến đò ngang
Tôi chờ ngóng mãi ai sang gọi đò
Ồ không tình chỉ giấc mơ
Không ai biết chẳng ai chờ ... Tin tôi
Chồng chềnh con nước đầy vơi
Đò sang chỉ có mình tôi nhớ người
Bốn mươi năm cũng nửa đời
Tiếc vầng trăng cũ khóc cười bể dâu
Tình thơ ghép lại đôi câu
Gởi người biết có mai sau ... Với người.



B'lao 11.2012
HOÀNG YÊN LYNH
hoangmylinh@live.com
----------------------------------
* Thơ Nguyễn Du
READ MORE - Hoàng Yên Linh - GỞI NGƯỜI ... BIẾT CÓ MAI SAU.

VUI - thơ Nguyễn Thanh Bá




Không có gì vui như sáng nay
Khi người ta chịu nắm bàn tay
Dìu từng bước nhỏ trên đường phố
Ngỏ những lời thương giữa tháng ngày
Kỷ niệm xanh tươi ngàn thuở trước
Tình yêu thắm đậm kể từ đây
Tương lai rộng mở khung trời mộng
Cho cặp uyên ương chắp cánh bay. 

                     Nguyễn Thanh Bá
READ MORE - VUI - thơ Nguyễn Thanh Bá

Mai Thanh - NGHĨ VỀ THƠ - THÁNG TƯ MỘT GÓC NHÌN

Nhà thơ MAI THANH





NGHĨ VỀ THƠ

1. CẢM GIÁC THƠ

Nhìn được cái vô hình
Nghe được cái vô thanh
Ngửi thấy mùi sóng vỗ
Nếm thấy màu trời xanh
Thoáng gặp ánh mắt anh
Đã lòng em nông nỗi...
Thơ sao mà rắc rối:
Chỉ tìm chuyện khác đời!


2. THƠ TA ĐI GIỮA ĐÔI BỜ

Bờ phải em nôm na, dân dã
Mộc mạc đơn sơ bông lúa củ khoai
Lời của ngàn năm từ cánh đồng phơi ải
Vẫn mãi theo ta dù đã mỏi chân rồi!
Bờ trái em hăm hở, réo sôi:
Thốc tháo, hỗn mang, ồn ào, méo mó...
Ừ, thì cứ đi tìm cái mới
Sao nỡ làm đau câu lục bát lay lòng!
Anh đi cùng em từ nơi bờ trong
Câu gián cảm gọi đêm về thao thức
Khơi mạch bờ trong, thải bùn bờ đục
Để thơ ta nồng nã chảy riêng dòng...


3.  THƠ VÀ NGƯỜI ĐỌC

Nhà thơ làm một bài thơ ra thơ:
Rũ rối nơ-ron đi tìm một tứ
Ngừng tiếng tâm thu đi tìm một chữ!
Người đọc để hiểu một bài thơ:
Không chúi mắt trên từng con chữ!
Mà ngẫm xem sau con chữ nói gì?


4. TỰ SỰ

Cái thuở mới tập làm thơ
Mỗi bài dài hai trang giấy
Háo hức thấy gì viết vậy:
Mỗi tháng thơ hơn chục bài!
Báo đăng bài thơ đầu tay
Cứ tưởng đã thành thi sĩ
Nào ngờ càng ngày càng bí:
Loay hoay cấu tứ ngôn từ
Nay đã trở thành nhà thơ:
Nhức óc đi tìm một tứ
Nhói tim đi tìm một chữ
Làm thơ khó thế, không ngờ!



THÁNG TƯ MỘT GÓC NHÌN

1. NỖI NIỀM THỜI HẬU CHIẾN

Tháng tư, mùa sang
Hoa bưởi xôn xao gọi ký ức về
Con sẻ đồng nhảy nhót triền đê
Con cu ghì cúc cu ngoài bãi
Nghe xưa cũ một thời xa ngái
Nghe bộn bề nông nỗi hôm nay
Và nghe gì? Nghe nữa ngày mai?
Tháng tư, đi cùng em viếng nghĩa trang chiều nay
Cơn gió nhỏ lay cành thông nghiêng mình bên mộ chí
Ôi, người lính trong ngày thiêng liêng ấy!
Anh ngã xuống nơi nào?
Chốn ấy bây giờ biệt thự mấy tầng cao?
Người hạnh phúc trong tầng lầu có nhớ về xưa cũ?
Tháng tư, nhớ một thời lam lũ:
Hạt thóc chia ba nuôi mấy chiến trường
Nay mảnh đất vẫn oằn mình nhả hạt vàng ươm
Mà nhức nhói bởi lưỡi dao thị thành cắt xén
Trai gái bỏ tiếng hát giao duyên tìm đến nơi cần đến
Hối hả lên đường phiêu bạt quê hương
Tháng tư, đọc được vô vàn thông tin
Đọc cũ đã nhiều, đọc nay hơn thế
Đọc ngày mai... ta đọc gì đây?
Động đất - sóng thần tin mới chiều nay
Căn bệnh nan y hoành hành riết bám
Trời Li-bi hôm nay bom gào, đạn xé
Con người bị tấn công từ nhiều phía
Kiếm đâu ra trọn vẹn chữ nhân quyền?
Tháng tư này, lòng chẳng bình yên?


2. CÔ GÁI TRONG BÀI THƠ LÁ ĐỎ (*)

Ngày ấy em đứng gác bên đường
Rực màu lá đỏ
Em dẫn đoàn quân hăm hở
Tiến về Sài-gòn giải phóng Thành đô!
Hôm nay em đang nơi đâu:
Là giám đốc một công ty?
Là chủ một cửa hàng?
Hay là người đàn bà đơn côi vất vả?
Có thể lắm, em không còn nữa:
Giấc mơ xuân tắt lịm cuộc đời xuân...
Hôm nay em đang nơi đâu?
Cây súng trường năm xưa trên vai em đâu?
Nòng súng long lanh nay có đổi màu?
Em còn nhớ mùa lá đỏ rừng sâu?

---------------------------------------------
(*) Bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi.


MAI THANH
maithanh40@gmail.com
READ MORE - Mai Thanh - NGHĨ VỀ THƠ - THÁNG TƯ MỘT GÓC NHÌN

Ô LÂU: DÒNG SÔNG QUÊ TÔI – Đỗ Hữu Hóa

Từ phải : Nhà báo Đỗ Hữu Hóa (phó GĐ Đài PTTH Thừa Thiên-Huế) và nhà giáo -nhà thơ Võ Văn Hoa


Sông Ô Lâu (còn có tên khác là sông Thu Rơi; sông Mỹ Chánh; sông Thác Ma) được bắt nguồn từ vùng núi Tây Trị Thiên hùng vỹ, rồi uốn lượn quanh co hiền hoà qua bao triền đồi bazan bỏng rát, âm trầm chảy qua các xã Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Hoà... thuộc huyện Hải Lăng nằm ở cực Nam của tỉnh Quảng Trị nơi tiếp giáp với các làng Mỹ Chánh, Mỹ Xuyên, Kế Môn, Đại Lược, Phước Tích... của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, người đời vẫn quen gọi dòng sông Ô Lâu bốn mùa nước trong văn vắt này là dòng sông của những chuyện tình riêng đau, nên con nước dẫu đã nghìn năm vẫn cứ mãi phân vân xuôi chảy về biển Đông một cách lặng buồn như nước mắt của những người con gái...

Là người Quảng Trị, nên từ những năm tháng còn cắp sách đến học chữ ở trường làng, đôi lần tôi đã được nghe những người lớn tuổi kể về dòng sông Ô Lâu. Dòng sông mà trong ký ức hiểu biết của tôi bao giờ cũng mềm mại đáng yêu như một bức tranh thủy mặc, hiền hòa lưu giữ những vàng son, quê kệch của làng xưa thăm thẳm đến vô cùng...

Thế rồi, cho đến chiều nay, một buổi chiều bình yên, gió xào xạc rung từng đợt  buồn lên mặt sóng của dòng Ô Lâu xanh thẳm, tôi mới có dịp về đứng bên dòng sông này trong đoàn những người đi điền dã để khảo sát về những làng nghề xưa nằm dọc theo dòng sông Ô Lâu đẹp như nước mắt...

Đêm. Giữa một ngôi làng nhỏ bé nằm về phía tả ngạn của dòng Ô Lâu, chúng tôi được dịp nghe một vị cao niên của làng kể lại câu chuyện tình buồn thương của một cô gái chèo đò ngang bên dòng Ô Lâu xưa với một anh học trò nghèo xứ Nghệ.

Chuyện kể rằng, một ngày xưa lắm, có anh học trò nghèo ở đâu tận miệt Quỳnh Lưu xa lắc, trên đường vào ứng thí ở Kinh đô. Khi đi qua bến đò ngang trên dòng Ô Lâu thì phải lúc ốm đau, trong tay không còn một đồng chinh lộ phí. Thương cảm trước cảnh ngộ của một đấng nam nhi có chí sách đèn, cô gái chèo đò bên sông Ô Lâu năm ấy đã e ấp giúp chàng trai kia từ bữa cơm dưa cà cho qua đận đói, cho đến mấy đồng lộ phí giắt lưng để tiếp tục hành trình mải miết chờ ngày ứng thí ở chốn Kinh đô.

Đáp lại tấm lòng thơm thảo của cô gái bên sông, anh học trò nghèo xưa cũng bùi ngùi gửi lại biết bao lời thề non hẹn biển. Họ ước nguyện sau khoa thi năm ấy, chàng sẽ quay về bên bến đò xưa để tìm gặp lại người con gái yêu thương đã chiếm giữ trái tim mình. Thế nhưng, sau cái bận đưa khách sang sông ấy, người học trò nghèo xứ Nghệ cũng theo tháng theo năm mà biệt vô âm tín... Bên bến sông quê, với cây đa, bến nước, con đò, người con gái cứ mỏi mòn chống sào chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng đớn đau. Rồi đến một ngày khi sức cùng lực tận, người con gái chèo đò bên bến Ô Lâu đành phải gửi lại nỗi chờ trông cùng cây đa, bến nước... mà xuôi tay về chốn cửu tuyền.

Oái oăm thay, khi trên nấm mồ của người con gái chèo đò bên bến sông kia cỏ chưa kịp xanh thêm, thì người học trò nghèo năm xưa nay công thành danh toại, võng lọng xênh xang tìm đường trở lại. Lặng yên đứng bên nấm mồ của người mình thương nhớ, chàng học trò nghèo năm xưa khóc thương cho đến cạn khô nước mắt. Rồi chàng khắc mấy vần thơ dang dở buồn đau đặt lên nấm mồ cô quạnh bên sông. Cũng từ đó, những câu thơ trên nấm mồ của người con gái bên dòng Ô Lâu được người đời nối tiếp nhau truyền tụng cho đến tận bây giờ:

“ Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa, bến cũ con đò khác đưa
Con đò đã thác năm xưa
Cây đa, bến cũ còn lưa bóng người”


Làng Câu nhi bên sông Ô Lâu
Ở làng Câu Nhi, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) tôi còn được nghe kể một cách khá tường tận về câu chuyện tình của bà Nguyễn Thị Bích - vợ thứ hai của Hoàng đế Quang Trung. Bà Bích cũng là một người con gái được sinh ra ở ngôi làng nhỏ nằm ngay bên dòng sông Ô Lâu xanh mát. Một ngôi làng mà trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đã sản sinh ra nhiều người con tài đức để phụng sự cho Tổ quốc như vị tiến sỹ đầu tiên trong làng quan lại phong kiến ở miền Trung -  Bùi Dục Tài, Tướng công Nguyễn Chánh, Đô đốc Phúc Long Hầu, Tham tướng Hoàng Bộ, Tống sứ Phạm Duyến, nhị vị Thượng thư Nguyễn Tăng Doãn - Bùi Văn Tú, danh y Trần Mậu... thời hiện đại sau này thì có nhạc sỹ - cựu Bộ trưởng Bộ VHTT - Trần Hoàn, Thượng tướng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an - Nguyễn Khánh Toàn... với hơn 400 tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân hiện đang sinh sống và làm việc ở nhiều nơi trong và ngoài nước.

Theo sự chỉ dẫn của một người cao niên thuộc tộc Nguyễn trong làng, chúng tôi được tiếp xúc với hậu duệ của cụ Hồ Tranh - một con người rất am tường cổ sử. Ông Hồ Tranh là con trai của ông Hồ Tiểu Viện, một ông quan huấn đạo dưới triều vua Tự Đức. Ông Tranh từng kể cho con cháu nghe rằng: Cha ông thi đỗ tú tài năm 34 tuổi (1899), đến năm 41 tuổi (1906) thì thi đỗ cử nhân rồi được bổ làm quan huấn đạo tỉnh Bình Thuận. Hồi ông Tranh còn nhỏ, mỗi lần dạy học cho con, ông Viện thường kể cho con trai mình nghe về bà Nguyễn Thị Bích.

Theo hiểu biết của ông Hồ Tranh thì bà Bích là con thứ 16 của ông Nguyễn Cảnh - một ông quan danh tiếng dưới thời các Chúa Nguyễn. Bà Bích là một người con gái hiền thục, tài hoa, được ăn học tử tế. Khi lớn lên, bà theo cha vào làm quan ở Bình Định và cũng ở đó bà đã gặp rồi nên duyên cùng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Theo ông Tranh thì bà Bích dù là vợ thứ hai của Nguyễn Huệ nhưng lại trước công chúa Lê Ngọc Hân. Những năm tháng chung sống với người anh hùng này, bà Bích đã sinh hạ được một người con trai. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Huệ thường xuyên xông pha nơi trận tiền ác liệt, chứ chẳng mấy khi được an nhàn ngơi nghỉ ở chốn bình yên. Những lúc người anh hùng áo vải mải mê với vó ngựa trường chinh nơi biên thùy lửa khói, bà Bích vẫn một lòng một dạ ôm con chờ chồng nơi biên ải xa xăm. Nhưng, phận số của những người đàn bà nhan sắc thường rất đỗi đa đoan và cuộc đời của bà Bích cũng không là một ngoại lệ. Nguyễn Huệ không bỏ mình nơi chiến trường dưới làn tên mũi đạn của quân thù, mà ông đã chết khi chỉ mới vừa ngồi lên ngôi báu.

Tai họa lại ập xuống đầu bà từ sự truy lùng trả thù vô cùng dã man của triều đại Gia Long. Bà Bích vì thế mà đã phải cải dạng ăn mày, bồng con khăn gói trốn về quê nhà bên bến sông Ô Lâu để lánh nạn. Nhiều lần nghĩ quẩn, bà đã định bụng ôm con trầm mình xuống dòng sông đã tắm mát cho suốt tuổi thơ của bà để quyên sinh. Nhưng để bảo trọng giọt máu của hoàng đế Quang Trung nên nhiều cận thần Tây Sơn đã tìm cách đưa bà cùng con trai của mình trở lại Bình Định. Ở đó, bà đã sống những năm tháng cuối đời mình trong cảnh cơ hàn, ẩn dật cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ở thôn Vĩnh An, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Còn có một câu chuyện tình bi thương khác nữa, cũng của một người con gái được sinh ra và lớn lên bên bến sông này, đó là câu chuyện tình của bà Dương Thị Ngọt. Bà Ngọt là con gái của ông Dương Quang Xứng, ông Xứng làm quan dưới triều nhà Nguyễn, ông từng được giữ chức viên ngoại lang ở Nha Thương trường. Năm 1885, sau cuộc chính biến ở Kinh đô Huế và tiếp đến là “kinh đô thất thủ”. Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra căn cứ Tân Sở. Thống tướng De Coucey đày Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính sang đảo Haiti, đồng thời sai ông De Champeaux lên Khiêm Lăng yết kiến đức Từ Dũ, xin lập ông Chánh Mông là Kiến Giang Quận Công lên làm vua lấy niên hiệu là Đồng Khánh.

Dưới thời Đồng Khánh, ông Xứng được thăng chức Lang Trung. Đến năm 1894, dưới thời vua Thành Thái, ông Xứng giữ chức Thái Bộ Tư khoanh rồi đến giữ chức Bố Chính tỉnh Khánh Hoà. Trên con đường hoạn lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu theo cùng, bà Ngọt càng lớn lên càng đẫy đà xinh đẹp. Vì vậy mà vua Thành Thái đã chọn bà để làm bà phi thứ 9. Sử sách kể lại rằng, bà Ngọt là một bà phi được vua Thành Thái hết mực thương yêu và sủng ái, vì vậy mà những bà phi khác trong cung hết sức ghen ghét với bà. Nhân một lần vua Thành Thái cắt tóc ngắn... vậy là các bà phi trong cung đã bày mưu tính kế để hại bà Ngọt, họ đã đánh lừa để cắt mất của bà Ngọt một nắm tóc, rồi tìm cách báo cho vua hay. Thấy vậy, vua Thành Thái gán cho bà mắc phải trọng tội khi quân nên đã xử chém bà. Thế nhưng, sau khi bà Ngọt chết, vua vẫn cho làm lễ mai táng bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với cái chết của một bà hoàng phi. Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi theo đường sông về bên bến Ô Lâu, với làng quê yêu dấu của bà ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Lăng mộ của bà được xây cất rất cẩn thận, trên bia mộ có khắc dòng chữ: “Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy thục thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại”. Sau khi xây cất lăng xong, vua còn cho 4 người từ phu túc trực trông coi lăng bà, cả 4 người này đều được nhà vua cấp phát ruộng đất và miễn tất cả các loại sưu thuế cho đến trọn đời. Tương truyền, sau cái chết oan uổng của bà Ngọt, vua Thành Thái vì thế mà muộn phiền nhiều hơn rồi ông giả điên để mưu đồ kháng Pháp. Nếu điều tương truyền ấy là sự thật, thì chắc bà Ngọt cũng sẽ mãi ngậm cười nơi chín suối vì cái chết của mình cũng hữu ích cho vận mệnh của quốc gia.


Làng Lương Điền thuộc xã hải Sơn bên sông Ô Lâu
Xã Hải Sơn giáp với làng Hội Kỳ của bà Ngọt là quê hương của bà Trần Thị Dương, người đàn bà đã xin phép chồng để đội tang đi lấy đầu của hai nhà chí sỹ yêu nước Thái Phiên - Trần Cao Vân bị Pháp tử hình ở cống chém An Hoà (TP Huế) mang về chôn cất ở một ngọn núi gần chùa Từ Hiếu bây giờ.

Sông Ô Lâu vẫn thế, suốt bốn mùa con nước mãi xanh trong, ai đó bảo nước sông đẹp như nước mắt của những người con gái, phải chăng câu ví von ấy được phát xuất từ những cuộc tình bi thương, khắc khoải của những người con gái đã được sinh ra, được tắm mát và đã lớn lên trên bến sông này. Biết bao nhiêu cuộc đời lụa là gấm vóc rồi cũng trở về với vĩnh hằng cát bụi, chỉ còn lại với đời những câu chuyện tình yêu đớn đau, tiếc nuối khôn nguôi... Rồi con nước Ô Lâu vẫn sẽ cứ nghìn năm mải miết, cứ nghìn năm thì thầm vào ngàn khơi vô tận của tình yêu.

ĐỖ HỮU HÓA

READ MORE - Ô LÂU: DÒNG SÔNG QUÊ TÔI – Đỗ Hữu Hóa