Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 17, 2017

LÀM VỢ THI SĨ - Trích hồi ký “về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy



                          Vợ chồng nhà thơ Yến Lan


           LÀM VỢ THI SĨ - 
    (Trích hồi ký “về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy)

Bây giờ; vợ chồng già xưng hô “anh, em” là lẽ thường. Còn thời cha mẹ tôi mà xưng hô như thế, nghe sao sao ấy. Lệ thường ba tôi cần gì chỉ gọi “má con Thủy ơi! hoặc má con Tú ơi! bà lại đây tôi nhờ tí.” Vậy mà lúc bước vào tuổi 50, ba tôi không sợ người cười, không khách sáo tí nào:  
  
Em có cháu gọi “ bà”                                  
Gọi “em” anh vẫn gọi          
Năm muơi tuổi ai già            
Chúng mình sao trẻ vậy...

Chúng tôi bắt gặp bài thơ, tranh nhau trêu mẹ “ba mình lãng mạn quá má hỉ”. Má tôi, lúc đó, như trẻ lại những mười tuổi. Bà lườm chúng tôi, bào chửa: “Hồi trẻ, khó khăn lắm ba mới lấy được má chứ bộ! Biết má lấy ba thiệt thòi, ổng làm thơ nịnh để bù đắp đó mà”. 
   
  Lấy nhau, cái khổ bắt đầu đeo bám đôi vợ chồng trẻ. Bốn con nhỏ ùn ùn kéo nhau ra. Làm gì để nuôi chúng? Ông nội mua cho ba ngôi nhà gần chợ, chính căn nhà số 57 Phố Quang Trung thị xã An Nhơn hiện nay, để má buôn bán kiếm tiền nuôi sống tổ ấm của mình

  Nhà văn Lamartine đã viết: “Đằng sau các công trình vĩ đại của các bậc vĩ nhân bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng của một người đàn bà”. 
 Vâng, với ba tôi điều đó khá là chuẩn xác. Má tôi đã sẻ chia gánh nặng cuộc đời của ba tôi trên từng cây số. Nhất là trong cái nghề thi sĩ của ông. Bạn đồng  nghiệp khen thơ ba càng ngày càng khởi sắc, lay động được trái tim bạn đọc qua nhiều thế hệ.. Văn nghệ sĩ Bình Định cũng ví má tôi là “Bà Tú Xương phẩy” đó ! 

Ngoài tình yêu, má tôi còn rất mê cái danh “thi sĩ” của ba. Bà rất tự hào về điều đó, nên dù vất vả đến mấy bà cũng cam lòng, bà thích nhìn cảnh chồng ngồi viết lách. Những lúc như thế, bà cấm chúng tôi nô đùa gần chỗ ba làm việc. Bà ưu tiên cho ba: “Khi ba đang làm việc các con đừng nói to, để ba làm thơ cho hay nhé”. Tối thì giăng màn sẵn để xong việc ba chỉ có chui vào ngủ thôi. 
Có một bài hát tôi học lõm được của đĩa nhạc Hải ngoại Thúy Nga do ca sĩ Ái Vân thực hiện: Cả nhà đều làm thơ. Má tôi thích vô cùng, bà cứ nằng nặc bảo tôi hát đi hát lại cho bà nghe để thuộc và bì bõm tập hát theo; dù bà chưa bao giờ hát kiểu thanh nhạc ngoài hô lô tô hay bài chòi. Bà thích bài này vì nội dung rất giống cảnh nhà tôi, chỉ khác là ở bài có tám đứa con còn ba má tôi thì có 6 con:

Hôm qua em nằm mơ
Mẹ đem em gả chồng 
Cho một người thi sĩ
Dáng chàng rất long đong

Hai vợ chồng làm thơ

Trong một gian lều cỏ
Mái dột vẫn cứ dột
Làm thơ vẫn làm thơ

Thơ chàng dán trên bếp

Thơ em làm mái che
Một đàn con tám đứa 
Lớn lên cũng yêu thơ
……………………..

Tập kết ra ở Hà Nội, chiến tranh ác liệt, người người ra trận, trước hết là trách nhiệm “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Người ở lại, phải gánh thêm việc người đi. Cuộc sống lúc này lại càng thiếu thốn, khó khăn. Đặc biệt là CBCNV nhà nước. Công việc ở cơ quan nặng thêm “Mỗi người làm việc bằng hai”, tối về công việc nhà như núi chờ giải quyết. Những việc vụn vặt mà rất thực tiễn cho đời sống của gia đình. Qua đoạn nhật ký của nhà thơ Đào Xuân Qúi:

    Ngày 6/8/1972
“Sáng hôm nay Tế Hanh kể lại chuyện xếp hàng mua mì. Đến lượt Hanh vào cửa hàng chỉ còn lại 30 kg. Mừng quá Hanh nói: Mua được mấy chục cân mì mình về sướng tới ba ngày! Sướng hơn cả lúc làm được thơ”. Tiếp theo là chuyện xếp hàng mua mắm.  Số người xếp hàng dài quá, Tế Hanh đứng sau cùng, lo quá đã định bỏ về thì may sao có một chị phía trên cho chỗ. Mua được.
Thật đáng buồn! Mà đó là lớp người ít nhiều cũng được ưu đãi, còn những người bình thường thì còn khó khăn khổ cực đến đâu nữa…”

Ra Bắc và làm việc được 4 năm, vì sức khỏe hay ốm đau, lại rơi vào lúc phong trào Thi đua là yêu nước, cơ quan má sợ không đáp ứng đã yêu cầu bà về mất sức. Sống trong cảnh túng bấn, lại bị buộc về mất sức, bà buồn. Sợ má tôi buồn phiền đau yếu thêm nên ba an ủi: “Nhiều người còn khổ hơn mà vẫn sống được, mình cũng sẽ sống được thôi em. Nếu  khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, em lo chi cho tổn thọ!”

 Được chồng tâm lý, an ủi má tôi vui vẻ chấp nhận để vượt mọi gian khó, liệu cơm gắp mắm trong số tiền lương ít ỏi của hai ông bà cộng lại. Bà khéo tính toán nên không thiếu trước, hụt sau như gia đình chú Quang Dũng. Để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày, má căn cơ, dè xẻn, tiết kiệm, không dám mua thứ gì ngoài tiêu chuẩn tem phiếu.. !

  Đang tuổi ăn, tuổi diện song chúng tôi hiểu những khó khăn của cha mẹ, nên nhẫn nhịn; không đòi hỏi gì ngoài hai bữa cơm độn mì và mấy lạng thịt phiếu. 
  Bạn của tôi, đứa nào bố mẹ có chức, quyền tất nhiên khá hơn. Họ có mọi thứ; còn chị em tôi thiếu đủ thứ! Thấy bạn có xe đạp fa-vơ-rit của Tiệp đi học, có đồng hồ Slava của Liên Xô đeo tay; lâu lâu giơ lên xem giờ, như khoe với tôi, làm cho tôi càng khát khao thèm muốn; thầm ước; giá mình được sinh ra ở nhà bạn để được như bạn nhỉ...! Song, tôi tự an ủi “Mình cũng rất may,  trời không cho mình vật chất, bù lại mình có người cha rất tinh tế, chu toàn, rất mực yêu, chìu con. Ông cũng có thể cho chúng tôi nhiều như thế từ đôi bàn tay và sự cần mẫn của mình. Cây bút là nghề kiếm cơm, song đôi tay vàng của ông đã khỏa lấp cho các con mình bằng sự cần mẫn và sáng tạo. Nhờ đôi tay ấy mà sự thua thiệt của chị em tôi so với bạn bè vợi bớt đi ở thời bao cấp. 

  Tính ba lại tự trọng cao; trong công việc, trong sáng tác tôi chưa hề thấy ông phung phí thời gian để bon chen tìm cho mình địa vị, danh vọng. Ông nghèo, song không hèn. Mặc dù con số 37 là căn hộ gia đình tôi đang sống, họ bảo 3+7=10 là số bù.  Bù nghĩa là không có gì! 

  Ừ mà có lẽ vậy. Với vẻn vẹn 52đ lương ba, 37đ lương má, nuôi tới 7 miệng ăn (trừ tôi). Nhà chỉ rộng 35m2  cho gần tiểu đội. Mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông thì lạnh thấu tim.  May sao chú Nguyển Thành Long đến chơi  nhìn thấy cha con bạn thay nhau kéo chiếc quạt tự chế bằng miếng vải bạt do đại tá Niên biếu. Chạnh lòng, chú đem chiếc quạt tai voi nhỏ mà nhạc sĩ Bích Ngọc, chồng chị Trà Giang biếu cho. Má tôi quí chiếc quạt này lắm. Còn bàn, ghế chúng tôi ngồi học, là được đóng từ mấy chiếc thùng đựng táo của Trung Quốc, cơ quan má bán rẻ. Qua bàn tay ba mà có. Ngày tết, chiếc vại sành muối dưa của má, ba đem cọ rửa sạch, ra đầu phố nhặt viên gạch về mài lấy màu cam, đi mua phẩm màu xanh rồi bôi bôi, phết phết. Thế là chiếc lọ muối dưa của má đã biến thành lọ giả “cổ”. Xong hai vợ chồng già đi chợ Đồng Xuân mua cành đào về cắm.

  Tết đến, các chú, bác tới. Nhìn chiếc lọ có cành đào, ai  cũng tặc lưỡi khen: “đẹp quá! trông chẳng khác nào lọ cổ Yến Lan à.”   Và bài thơ “Xuân muộn” ra đời:

Vụng sắm, cành đào không kịp tết
Ra giêng chợt hé một vài bông
Xuân người lã tã bay đi hết
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng. 

 Trong thơ, ba tự nhận mình vụng về, một sự vụng về đáng yêu! Thực ra ba tôi đã mã hóa cái nghèo của mình rất văn học đó bạn ạ. Giàu có thì mua cành đào đẹp chơi Tết cho sang, mua chi cành rẻ tiền để xuân đến muộn! 

 ***
 Giải phóng ông bà trở lại quê, những năm đầu má tôi ít vất vả hơn vì cả ba má cùng chung tay xây đắp cho gia đình. Nhưng khi ba tôi bị U-nan tiền liệt tuyến, tay run không cầm được vật gì; nhất là không cầm được bút, má tôi lại an ủi ba:   
   - Ông lo gì, tay ông run đã có tay tôi đây.  
Thế là dù bệnh, không cầm được bút, ông đâu màng tới. Nằm trên gường, nghĩ ra được tứ thơ nào, ông gọi “Bà ơi, mau ra chép cho tôi, kẻo nó trôi mất”. Cứ như thế, ngày tháng qua, ý ông thông qua đôi tay gân guốc, nhăn nheo của bà, mà gần 500 bài thơ tứ tuyệt của ông đã đến được với bạn đọc, và được nhà thơ Trúc Thông đánh giá rằng :       
   “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già” Một “Bố già” hiền lành, không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm:

Vì làm vợ thi sĩ, bà hiểu giá trị những gì chồng để lại đối với lịch sử văn học dân tộc ; chỉ sau vài tháng ông mất, bà tâm niệm viết cái gì đó về người chồng thi sĩ của mình. Lúc đó, chúng tôi đang bận việc, con nhỏ, và chưa một lần cầm bút, nên chịu thua. Thấy không nhờ được con, bà âm thầm vào Nam, ra Bắc, tìm gặp bạn của chồng, dò hỏi, tìm tư liệu rồi lần mò viết hồi ức.
   Cả chặng đường làm vợ thi sĩ, má tôi chỉ làm nội trợ trong gia đình. Vậy mà khi ba tôi đi xa ; bà bỗng như lột xác hẳn ; bà sốt sắn việc chữ nghĩa, viết lách mới lạ! Người ta không khỏi ngạc nhiên khi sự nghiệp thơ văn của ba tôi được chắp cánh, đến với bạn đọc bằng hồi ký “Yến Lan, nhớ mãi về anh”. Và lạ hơn nữa, qua hồi ký, bằng lời văn mộc mạc, lỗi chính tả, lỗi câu cú, nhưng người đọc vẫn nhận ra nhà thơ Yến Lan một đời thơ tận hiến, một đời sống chí tình. 
 Và “Phòng Lưu niệm Yến Lan”, với sự giúp đỡ của nhà văn Mang Viên Long được lập nên cùng lúc. Trong phòng lưu niệm, hiện lên tình người, sự sáng tạo và tinh thần hăng say lao động qua mọi góc nhìn từ hiện vật dù nhỏ đến lớn đều in rõ dấu ấn của ba tôi, được má tôi nâng niu, chăm chút giữ gìn như báu bật, 
  Những gì má tôi dành cho ba thể hiện tình yêu thương của  người vợ đồng cảm sâu sắc như một người bạn đối với một nghệ sĩ. Dường như điều đó là do sự gắn kết, xếp đặt của Trời để bù đắp, khỏa lấp những khoảng trống, sẻ chia vui buồn, ngọt ngào, cay đắng, phiền muộn. Tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau ngày càng sâu, rộng thêm ra. Bởi khi yêu ba, một thi sĩ nghèo, bà sẵn sàng chấp nhận những truân chuyên, nhọc nhằn của ông mà bà được dự báo trước khi lấy ông làm chồng. Bà từng chia sẻ với báo giới :

“Lấy anh Yến Lan tôi biết khổ thì rất khổ nhưng tôi không thấy buồn chán và hối tiếc; Tôi vẫn vui, vẫn yêu thương chồng, vẫn bằng lòng với cuộc sống vì chồng tôi hiền lành, thật thà, luôn dịu dàng và thương yêu vợ con” 
   Lại nữa, bà không dừng ở đó. Sau hồi ký, bà lại cặm cụi, dò dẫm leo lên 2 tầng gác cao, lật từng trang vở cũ, tìm những bài thơ chưa được đăng; để năm 2006, bà cho ra tiếp “Tuyển tập tứ tuyệt Yến Lan”. Tất cả tấm lòng bà dành cho ba tôi khiến giới văn nghệ sĩ phải thốt lên:
   “Yến Lan thật có phúc khi lấy được bà Lan”. 
   Đúng vậy, ba tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đó từ những cư xử đời thường ở người vợ tần tảo của mình:  

Em gọt khế cuối mùa 
Anh cắn từng lát nhỏ
Ôi, quả thường vị chua
Mà mọng nhiều thương nhớ

Tình yêu và sự tôn trọng của vợ dành cho, ba tôi lặng lẽ đáp lại cái nghĩa đó là:  

Bao bận anh lên đường, 
Ngày về thường trễ hẹn
Giữa lúc em dỗi hờn
Thư anh liền kịp đến…
Bao bận em se mình
Giành con, anh nấu cháo
Ôi đâu phải mùi hành
Mồ hôi em thấm áo…
(Khắng khít” - 1972)

Ông bà đã sống vì nhau, khắng khít bên nhau được 54 năm. Bài thơ là lời tâm sự chân thật tự đáy lòng ông; càng già tình càng nồng nàn, thắm thiết! Phải chăng đây là bức thông điệp mà ba tôi muốn gửi lại cho con cháu và bạn đọc thế hệ sau.   

                                                                  LÂM BÍCH THỦY

READ MORE - LÀM VỢ THI SĨ - Trích hồi ký “về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy

VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ HAY: “VỀ ĐI ANH!” CỦA ĐINH QUANG TUYẾT - Hoàng Đằng


             
                           Tác giả Hoàng Đằng




               VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ HAY: 
             “VỀ ĐI ANH!” CỦA ĐINH QUANG TUYẾT
                                         Bài viết của Hoàng Đằng

Hội ngộ trường trung học Nguyễn Hoàng xưa lần thứ 5 đã diễn ra chính thức trong khuôn viên trường phổ thông trung học thị xã Quảng Trị vào tối 14/7/2017 (tiền hội ngộ với khoảng 300 người tham dự ?) và 15/7/2017 (hội ngộ chính thức với khoảng 600 người tham dự ?). Ngoài ra, còn có những cuộc hội ngộ đồng khoá, đồng lớp, những chuyến tham quan du lịch của từng nhóm ... diễn ra trước và sau hội ngộ, có lẽ kéo dài cả trung tuần tháng bảy.
Trước đó, trong không khí đợi chờ sự kiện, tình cờ tôi đọc được bài thơ: “Về Đi Anh” của Đinh Quang Tuyết do Nguyễn Đức Trực đưa lên facebook.
Trước hết, xin mời các bạn cùng tôi đọc lại bài thơ:

VỀ ĐI ANH!

Răng anh nói không về thăm Quảng Trị?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ.
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ,
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng.
Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng,
Can chi mô dù tóc úa màu phai,
Vẫn bâng khuâng e lệ lúc nhìn ai.
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thế!

Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ,
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề!
Còn bao lần ta quay bước về quê!
Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính.
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận,
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngày sau,
Tình mãi xanh dù tóc bạc mái đầu,
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ.

Về đi anh
Khi vẫn còn hơi thở.
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa ...

Sau khi tôi đọc xong bài thơ này, nhiều cảm xúc và suy nghĩ dậy lên trong tâm trí. Tôi xin ghi lại đây để chia xẻ.
“Về đi anh”, mới đọc đầu đề, tôi tưởng đây là lời một cô gái rủ bạn trai mình cùng về làng để khoe quê hương hay để ra mắt với bố mẹ, người thân; tôi nghĩ như thế vì tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi lời bài hát “Rước tình về với quê hương” của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và lời bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương ...
Thật ra, không phải như tôi nghĩ, bài thơ “Về Đi Anh” là lời rủ bạn đồng môn về dự hội trường sắp được tổ chức tại quê nhà.
Hình ảnh hội trường đưa ra thật hấp dẫn:“Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ”. Hội trường là việc thật với người thật, sao lại “như mơ”?
“Anh” về,  trước mắt “anh” là cảnh “thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ”; “anh” về, sẽ thật sự “sống lại thời áo trắng”; đặc biệt “anh” về, sẽ thấy “em”, dù “tóc úa màu phai”, “vẫn bâng khuâng e lệ”, “nhìn ai”, “đợi trước cổng trường dịu nắng”. Ở Quảng Trị, nắng tháng bảy dịu đi là một hiện tượng ít có của đất trời; thông thường, nắng tháng bảy nóng như thiêu như đốt, lại thêm được ngọn gió Lào đẩy, hất tạt từng luồng mạnh, làm khô da, rát mặt người đi đường. Nắng không như thế mà dịu đi là một chỉ dấu của thời tiết muốn nghênh tiếp “anh”. Tất cả là thật trước mắt “anh”, vậy mà “anh” tưởng “như mơ”; ấy là do “anh” bị ám ảnh lâu dài bởi cả một khung trời quá khứ – hội chứng chiến tranh đấy, “anh” ạ! Cách đây đã hơn 45 năm, ngày ra đi, “anh” ngoái đầu nhìn lại, sau lưng, bom đạn rền trời; mọi thứ đã thành tro bụi; trường lớp sập đổ tan tành, thầy trò mạnh ai nấy chạy hòng vớt vát sự sống; “anh”, “em” và chúng bạn là đàn chim non vỡ tổ, mỗi người mỗi phương, chắc ít người nghĩ đến ngày đoàn tụ; thế mà hôm nay lại là đoàn tụ, và tuổi thơ tái hiện. “Anh” thấy đó! Cảnh đoàn tụ hiện ra đột ngột, bất ngờ không giống như những gì “anh” đã nghĩ chắc chắn sẽ khiến lòng “anh” xao xuyến, “rộn ràng”:

Răng anh nói không về thăm Quảng Trị?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ.
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ,
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng.
Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng,
Can chi mô dù tóc úa màu phai,
Vẫn bâng khuâng e lệ lúc nhìn ai.
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thế!

Những học sinh Nguyễn Hoàng ngày xưa ấy bây giờ đã “tóc úa màu phai”, quỹ thời gian trên cõi đời này không còn nhiều nữa.
“Còn bao lần ta quay bước về quê?” Hỏi thì cứ hỏi, nhưng câu trả lời đã có sẵn trong tâm trí mỗi người; chuyến về này có thể là chuyến về cuối cùng của cuộc đời ví như chuyến tàu khuya cuối ngày; chúng ta không tranh thủ lấy thì coi chừng cơ hội tuột mất, chẳng khác nào “đến trễ” chuyến “tàu khuya”.
Mà đúng vậy, đời chúng ta đã về chiều, thân xác hom hem, trí não thui chột, mắt mờ, tai điếc, răng long chẳng khác chi những chiếc lá già nua trên cây đã cong mình héo úa, chưa biết rơi rụng lúc nào. “Lá trên cây cong dấu hỏi ...”; hình ảnh này làm tôi cảm phục óc tưởng tượng tuyệt vời của thi nhân; bao nhiêu câu hỏi: “tại sao anh không về” xuất phát từ thi nhân chuyển khéo qua cho những chiếc lá; ngụ ý của thi nhân là chiếc lá hết nhựa sống cong queo chờ rụng khỏi cành rồi cũng lên tiếng, cũng quan tâm đến quyết định cuối cùng của “anh” – về hay không về. Ý tưởng hay đáo để!
“Anh” phải về; việc phải về của “anh” còn liên quan đến “ngày sau”; “anh” về, ví như đi hành hương về chốn đất thiêng: “Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngày sau”; Quảng Trị là đất địa linh sinh nhân kiệt. Riêng trong lãnh vực giáo dục, trường Nguyễn Hoàng là biểu tượng học tốt của thời hiện đại; đất Quảng Trị nói chung, đất trường Nguyễn Hoàng toạ lạc trước đây và trường phổ thông thị xã bây giờ nói riêng là vườn ươm nhân tài. Dù “anh” và “em “tóc bạc mái đầu”, sự có mặt của chúng ta nói lên tình cảm, nhiệt huyết đối với quê hương vẫn còn sức trẻ, sự có mặt của chúng ta sẽ động viên, nhắc nhở các thế hệ sau về đạo hiếu nghĩa: “Cây có cội, nước có nguồn” - tình cảm với quê hương vẫn trổi mãi như mầm xanh luôn vươn dậy, nhiệt huyết với quê hương vẫn chuyển lưu như dòng máu đỏ luôn chảy.

Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ,
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề!
Còn bao lần ta quay bước về quê!
Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính.
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận,
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngày sau,
Tình mãi xanh dù tóc bạc mái đầu,
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ.

Thi nhân tra vấn đi tra vấn lại: “Răng anh nói không về thăm Quảng Trị?”, rồi: “ Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính”. Tuy nhiên, phần tra vấn thì ít mà phần rủ rê thì nhiều. Cả ba khổ thơ đều được mở đầu bằng câu: “Về đi anh”; sự tra vấn rủ rê rất mềm mại, nói đúng hơn là nài nỉ, mang tính thuyết phục cao; được thế là nhờ thi nhân vừa dùng lý lẽ vừa dùng tình cảm – tình, lý hài hoà; ngoài ra, giọng điệu tra vấn rủ rê còn được thân thương hoá bằng sự lồng ghép uyển chuyển những phương ngữ Quảng Trị: “Răng, rứa”, “can chi mô”, “nơi tề”.

Có người trách thi nhân sao chỉ rủ “anh” về mà không rủ “em” về với; không chừng có người trách không rủ “chị”, không rủ “chú”, không rủ “bác”! Làm thơ chứ không phải trò chuyện mặt giáp mặt với nhiều người; vậy xin thông cảm với thi nhân! Từ “anh” ám chỉ tất cả mọi người; từ “anh” còn nói lên sự tôn trọng, tính khiêm nhường, phép lịch sự của thi nhân.

Nhìn buổi hội ngộ một cách tổng quát, tôi nhận ra rằng đa số anh chị em xuất thân từ gia đình Nguyễn Hoàng đã đáp ứng hay thoả mãn lời mời gọi của thi nhân, cảm động lắm thi thấy vài ba anh chị em về hoặc trên chiếc xe lăn, hoặc trên đôi nạng gỗ, hoặc với đôi mắt mù loà có người đi kèm dẫn dắt ...
Phải biết rằng Đinh Quang Tuyết – tác giả bài thơ - là một trong ngàn vạn cựu môn sinh Nguyễn Hoàng và cô không phải là thành viên Ban Tổ Chức; Đinh Quang Tuyết phát ra lời mời rủ qua bài thơ chỉ để trút nỗi lòng – một tấm lòng chan chứa tình cảm và nhiệt huyết với trường xưa, lớp cũ.
Thế mà vẫn còn một số anh chị em chưa về; lý do vì sao? Qua tiếp xúc với nhiều người, tôi đoán:
- Một số người không về vì quá già yếu do tuổi tác, bệnh tật. Trường hợp này thì bất khả kháng, đừng mời rủ họ nữa. Tôi chỉ biết buồn thôi khi thấy số người dự hội trường cứ lần sau ít hơn lần trước.
- Một số người không về vì mang mặc cảm tự tôn hoặc tự ti. Thái độ này đáng trách! Nguyễn Hoàng là một gia đình, môn sinh Nguyễn Hoàng là anh chị em; trong hội trường, không khí hoà đồng là tốt, đừng đặt nặng địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, danh tiếng cá nhân riêng mà tránh mặt nhau!
- Một số người không về vì không ưng ý với người nào đó, với cách làm sao đó của Ban Tổ Chức. Chỉ dựa vào cảm tính rồi không ưa người này, không thích việc nọ, nhìn đời và suy nghĩ bằng con mắt và cái bụng tiêu cực. Thái độ này cũng đáng trách!
- Một số người không về vì ngày giờ hội trường trùng hợp với ngày giờ của một sự kiện quan trọng trong gia tộc. Không trách chi những ai lâm vào trường hợp này! Chỉ mong được chờ đón họ về trong những dịp sau nếu có.
- Một số người không về vì hoàn cảnh khó khăn, điều kiện thiếu thốn. Viết đến đây, tôi nghe có một số anh chị em ở gần hay ở xa tự nguyện đóng “phí phó hội” cho những bạn thân quen đang khó khăn về tài chánh. Ngoài nghĩa cử trên đây, Nguyễn Hoàng còn biết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, trong khó khăn. Thời gian qua, anh chị em Nguyễn Hoàng từ khắp nơi đã đóng góp hỗ trợ một số thầy cô, bạn bè khó khăn nâng cấp nơi ở, trả một phần viện phí điều trị bệnh tật dài ngày, cấp học bổng cho con cháu Nguyễn Hoàng vượt khó trong học tập bậc đại học xa nhà. Việc làm đáng biểu dương! Mừng lắm!
- Một số người không về vì nghĩ rằng “hội hè” không giúp gì đời sống – vô ích. Ừ, nếu xét về mặt vật chất, “hội hè” vô ích thật. Tuy nhiên, cuộc sống, ngoài phần vật chất, còn phần tinh thần. “Hội hè” là món ăn tinh thần; tới đó, nếu không tìm thấy gì thích thú thì ít ra cũng biết được một sinh hoạt cộng đồng diễn ra như thế nào để cuộc sống tinh thần của mình thêm phong phú.

Với hy vọng thuyết phục được những người còn do dự, Đinh Quang Tuyết đã đưa ra lời năn nỉ lần cuối xem như phần kết của bài thơ:

Về đi anh
Khi vẫn còn hơi thở.
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa...

Nghe mời rủ, thuyết phục, nài nỉ đến thế, nếu có đủ điều kiện, “anh” không chịu về thì “anh” không còn là người mà đã hoá ra đá rồi.
Cảm ơn Đinh Quang Tuyết đã cho đọc một bài thơ hay!

                                      Hoàng Đằng
                          16/7/2017 (23/6/Đinh Dậu)



                       Tác giả Đinh Quang Tuyết


VỀ ĐI ANH

Răng anh nói không về thăm Quảng Trị ?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng

Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng
Can chi mô dù tóc úa màu phai
Vẫn bâng khuâng e lệ trộm nhìn ai
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thể

Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề
Còn mấy lần ta quay bước về quê?

Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngàn sau
Tình mãi xanh dù ta bạc mái đầu
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ

Về đi anh 
Khi vẫn còn hơi thở
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa....

                                 Quang Tuyết
                             Chiều mưa Pakson

READ MORE - VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ HAY: “VỀ ĐI ANH!” CỦA ĐINH QUANG TUYẾT - Hoàng Đằng

CHÂN TÌNH - Thơ Nhật Quang





CHÂN TÌNH

Bên góc phố, ta nghe hồn trẻ lại
Chút hương tình pha vị đắng Cà - phê
Gió ru khẽ nồng nàn phút si mê
Có môi thắm, long lanh màu mắt liễu

Lá vẫn gió đong đưa đàn muôn điệu
Sài-Gòn đêm nhẹ thoảng chút thương yêu
Bao ước mơ... và trăn trở muôn điều
Những chân tình... lòng ta còn chưa ngỏ

Góc quán đêm ánh đèn giăng mờ tỏ
Nghe nỗi niềm... che khuất mộng trăm năm
Ôm suy tư về thao thức âm thầm
Cho vấn vương nửa hồn thơ sướt mướt

Ta yêu em chỉ là mơ ước...
Gối canh sầu nghiêng vàng lá Thu rơi
Em vẫn thế, hồn nhiên mắt xa vời...
Ta đắm đuối rơi vào đêm sâu thẳm.

                               Nhật Quang
                                 (Sài Gòn)

READ MORE - CHÂN TÌNH - Thơ Nhật Quang

LỜI HẸN THÁNG TƯ - Thơ Đặng Xuân Xuyến





LỜI HẸN THÁNG TƯ 
(Tặng một “người dưng” trùng tên với Phượng)

Tháng Tư qua lâu rồi 
Người dưng chưa trở lại
Phượng rực trời 
Cháy rụi nắng chiều qua.

Người dưng à
Sao mãi cứ dửng dưng
Để mùa Hạ thêm lưng chừng nỗi nhớ
Để lời yêu thêm ngập ngừng trước gió
Để hoa học trò lơ lửng đỏ giấc mơ.

Tháng Tư qua thật rồi
Người dưng hỡi có hay
Đã mấy tuần trăng trôi qua ngày mười bảy
Đã mấy tuần trăng người dưng không tới hẹn
Đã bấy ngày rồi nỗi nhớ sắp thành quên.

                 Hà Nội, 04 tháng 06.2017
                  ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - LỜI HẸN THÁNG TƯ - Thơ Đặng Xuân Xuyến

RU CUỘC TÌNH BUỒN - Thơ Tịnh Đàm


                    Tác giả Tịnh Đàm
 



RU CUỘC TÌNH BUỒN

Ru em
Ru cuộc tình buồn
Như con nước vội xa nguồn...
Vì đâu ?
Đời Người
Sao lắm bể dâu
Để trăm năm bạc mái đầu
Mới thôi !
Ru tôi
Ru đến bồi hồi
Những cơn mộng cũ qua rồi
Khát khao .
Chỉ còn lại
Chút hanh hao
Hình sương
Bóng khói
Thuở nào đợi mong.

             Tịnh Đàm
            (TP HCM)

READ MORE - RU CUỘC TÌNH BUỒN - Thơ Tịnh Đàm

“SHOW NOT TELL” TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì


  
                 Tác giả Phạm Đức Nhì



 “SHOW NOT TELL” TRONG THƠ

Lời Nói Đầu

Có vài bạn đọc FB nhắn tin yêu cầu tôi giải thích rõ thêm về biện pháp tu từ Show, Not Tell. Tôi nhớ đến bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính. Đây là bài thơ tôi đã viết lời bình từ nhiều năm trước và nhận được một số phản hồi rất tích cực. Tác giả áp dụng biện pháp tu từ Show, Not Tell trên toàn bài thơ. Có chỗ thành công đến mức tuyệt vời nhưng cũng có chỗ vì vô ý nên ngay từ lúc đầu Show đã biến thành Tell và biện pháp tu từ thất bại. Tôi sẽ giới thiệu qua rồi sau đó phân tích Show, Not Tell trong bài GMALĐ để bạn đọc không những có thể “bắt” được phần lý thuyết mà còn thấy được cách áp dụng và hiệu quả của nó trong bài thơ.

“Show, Not Tell” Là Gì?

Show: Bày tỏ, hiển thị
Tell: Nói, kể lại
Show, Not Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.

Thí dụ 1:
Chúng ta thử đọc câu ca dao:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.

Hai vợ chồng nghèo, bữa cơm chỉ có món canh râu tôm ruột bầu – hai thứ “vứt đi – nhưng vẫn “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Thông tin chỉ có thế. Nhưng điểm đến của câu ca dao còn xa hơn tí nữa, cần đến một chút nỗ lực suy nghĩ của độc giả. Nghèo như thế, bữa cơm kham khổ như thế mà hai vợ chồng vẫn vui vẻ với nhau, chắc là họ phải yêu nhau ghê lắm. Vâng! Đấy chính là điểm đến của “tứ thơ”, là ngụ ý của câu ca dao.

Thí dụ 2:
Thay vì nói (tell) “Anh yêu em say đắm” nhà thơ Nguyên Sa đã viết:
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình chưa đủ nghĩa yêu thương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
(Tuổi Mười Ba)

Show: Em mặc áo màu gì thì anh cũng yêu thích màu đó.
Ẩn ý của Show (tác giả muốn người đọc tự khám phá): Anh chiều ý em hết mình – cũng có nghĩa là anh hết lòng, hết dạ yêu em.
Viết như vậy tình tứ hơn, hấp dẫn hơn và thơ hơn rất nhiều.

Show, Not Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái Đò”

Về bố cục bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò được chia làm 4 đoạn rõ ràng.

1/
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

Show: Mấy năm liền, chiều chiều - với cương vị của anh lái đò – tác giả chở cô gái sang bãi tước đay.
Ẩn ý của Show: Tác giả xác lập khung cảnh từ đó mối tình của chàng với cô gái bén rễ và nảy nở.

2/
Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi 
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò

Show: Chàng mơ thấy mình đỗ Trạng Nguyên, cùng nàng vinh quy bái tổ.
Ẩn ý của Show: Chàng đã đưa cô gái vào cả giấc mơ vinh quy bái tổ của mình chứng tỏ chàng đã yêu nàng say đắm.

3/
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn

Show: Nhà trai thuê những chín chiếc đò đón dâu, phải đem chín nghìn cau để làm lễ và phải cống nạp chín nghìn quan tiền - khoản tiền cheo, tiền cưới - cho nhà gái.
Ẩn ý của Show: Đám cưới của cô gái to lắm.

4/
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền lại thôi.

Show: Anh lái đò đem thuyền gạ bán mà người ta chỉ giả có chín quan tiền nên lại thôi.
Ẩn ý của Show: Anh lái đò nghèo quá - cả gia tài là chiếc thuyền chở khách mà chỉ đáng giá chín quan tiền, bằng một phần nghìn khoản tiền cheo, tiền cưới mà tình địch của mình cống nạp cho nhà gái – nên đành ngậm đắng, nuốt cay chôn kín mối tình vô vọng của mình.

Theo tôi, tác giả sử dụng Show, Not Tell trên toàn bài thơ nhưng chỉ thành công ở ba đoạn 1, 2 và 4. Đặc biệt ở đoạn 4, Show, Not Tell thật tuyệt vời - như một cánh cửa đập được mở toang để nỗi buồn tê tái như một dòng thác đổ ập xuống phủ kín tâm hồn đang chới với, bàng hoàng của anh lái đò.

Nhưng ở đoạn 3, Show, Not Tell đã thất bại vì một “vô ý đến mức kỳ quặc” của tác giả.
Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm Show, Not Tell (bày tỏ, không kể lại) thất bại. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi. Nếu tác giả bằng cách nào đó giấu được chữ “to” (thí dụ: Đồn rằng đám cưới của cô) thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra và tự kết luận “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành “bày tỏ, không kể lại” một cách tự nhiên, không gượng ép.

Kết Luận

Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò, trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?” Chữ “to” ấy đã làm đoạn thứ 3 mất đi danh hiệu “đoạn thơ bày tỏ không kể lại” (Show, Not Tell) và đáng tiếc nhất là do đó, ông đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Not Tell.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com 


BÀN THÊM VỀ “SHOW, NOT TELL” 

Bài viết Show, Not Tell Trong Thơ vừa phóng đi tôi nhận được một số bình luận. Xin được trả lời chung để bổ sung cho bài viết.

Bình Luận Của Cô Giáo Diên Hồng Dương

Show, not tell là một cách nói khác về phương thức ẩn dụ trong phê bình. Cảm ơn tác giả đã có tinh thần kết nối cộng đồng thế giới thông qua việc sử dụng thuật ngữ chung - Anh ngữ- mang tính quốc tế hóa cao, cô đọng và dễ tiếp thu.


Thưa cô giáo Diên Hồng Dương

Cám ơn cô giáo đã rộng lượng chấp nhận thuật ngữ Show, Not Tell (tiếng Anh). Nhưng nếu Show, Not Tell là ẩn dụ thì tôi đã viết là ẩn dụ chứ tội gì phải bám lấy mấy chữ tiếng Anh ấy. Theo tôi, mặc dù trong Show, Not Tell và ẩn dụ đều có ẩn ý của tác giả mà người đọc phải sử dụng khả năng liên tưởng của mình để tìm ra, nhưng giữa Show, Not Tell và ẩn dụ (metaphor) có khác biệt rõ ràng.

Ẩn dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia – nghĩa là liên tưởng theo chiều ngang, nhảy trực tiếp từ cái này sang cái kia. Một ẩn dụ được coi là thành công khi “cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý, hợp tình.

“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
[ca dao]
 [thuyền – người con trai; bến – người con gái]

Trong thực tế thì bến không đi đâu cả, cứ ở nguyên môt chỗ chờ đợi thuyền về; “cái này” rất hợp tình, hợp lý. Ngụ ý của tác giả câu ca dao là người con gái muốn nhắn gởi với người con trai mình yêu là “em lúc nào cũng chờ đợi anh”; “cái kia” cũng rất hợp lý, hợp tình. Ẩn dụ trong câu ca dao thành công.

 Show, Not Tell là một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ. Dòng suy tưởng ở đây chảy theo chiều dọc.

Để tôi mơ mãi mơ nhiều
Tước đay se võng nhuộm điều ta đi
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.

Anh lái đò đang mơ giấc mơ thi đỗ, được “vinh quy bái tổ”. Và trong giấc mơ đẹp đó cô gái chiếm một vị trí trang trọng. Người đọc theo dòng suy tưởng của chính mình đến đây đã “bắt” được ý của tác giả - anh lái đò đã yêu cô gái tha thiết.

Show, Not Tell thành công khi dẫn dòng suy tưởng của người đọc theo lộ trình đến đúng “bến đỗ” - mà tôi thường gọi là “điểm đến” - của tứ thơ.

Một khác biệt nữa là Show, Not Tell chỉ có một điểm đến – nghĩa là người đọc phải “bắt” được đúng ý của tác giả. Ẩn dụ thì khác. Tác giả viết về “cái này” mà có thể có một, hai hay nhiều “cái kia”

Thí dụ: Tác giả viết về một loài hoa dại, khiêm tốn đứng bên đường, tỏa sắc hương làm đẹp cuộc đời nhưng người đọc có thể liên tưởng đến một nhà thơ, một nhà giáo, một huynh trưởng Hướng Đạo… đem cái đẹp của tâm hồn mình truyền cho lớp trẻ. (Hoa Dại, PĐN, vannghequangtri.blogspot.com)

Bình Luận Của anh An Vuong 
                          
Phương pháp " Show, not tell " là của thi pháp nước nào vậy? Sao lại không dùng là " không kể ra mà chỉ bày tỏ " hoặc như tác giả " Bày tỏ, không kể." Tác giả không thoát được ý tưởng sính chữ Tây chăng?

Thưa anh An Vuong,

Theo Wikipedia (1) thì Show, Not Tell đã được nhà biên kịch người Nga Anton Chekhop sử dụng đầu tiên. Không biết thủ pháp này đã đến nước Mỹ từ năm nào nhưng chính tôi đã được học trong chương trình English 2 (Anh Ngữ năm thứ hai đại học) và sau đó vài năm đã phải giảng giải cho các con khi chúng bước vào hai năm cuối ở bậc trung học (2002 – 2003). Không có từ tương đương trong tiếng Việt nên khi đề cập đến nó tôi thường dùng nguyên gốc Show, Not Tell để tránh phải viết cả một đoạn dài “một biện pháp tu từ, thay vì dựa vào một (hoặc vài) tĩnh từ, trạng từ khô cứng nào đó để kể lại một sự kiện, bày tỏ một tâm trạng, tác giả tạo ra những hình ảnh sống động, cụ thể để từ đó độc giả tự khám phá, hiểu ra sự kiện, tâm trạng ấy. Độc giả sẽ cảm thấy thích thú vì không chỉ đọc một cách thụ động mà còn được tham dự một cách tích cực vào tiến trình tìm gặp điểm đến của tứ thơ.”

Dịch Show, Not Tell là “bày tỏ, không kể” rất gượng, nếu đứng một mình rất dễ gây hiểu lầm. Chắc anh An Vuong cũng hiểu, tôi chơi trò Bình Thơ này cũng vì yêu tiếng Việt, muốn góp sức làm trong sáng ngôn ngữ mà tôi yêu mến, nên chỉ sử dụng ngoại ngữ trong bài viết của mình khi thật cần thiết.

Nếu anh vào Google và gõ “show, not tell” hoặc “show, don’t tell” anh sẽ có thể tự trả lời câu hỏi của chính anh.


Bình Luận Của Chị Thị Quỳnh Dung Lê

Anh Nhì phân tích rất hay
Nhưng tôi lạm ý như sau: Chữ "to" nằm đó mới đúng là Nguyễn Bính bình dân, mộc mạc. Thơ ông vốn giản dị; ông góp nhặt lời ăn tiếng nói của quần chúng lao lực vất vả ở miền Bắc vào thơ, nên chữ “to” đây là khẩu ngữ có hơi hướm mỉa mai quần chúng hay dùng. Nó cũng show đấy chứ??


Chị Thị Quỳnh Dung Lê ơi,

Đồng ý với chị chữ “to” là bình dân, mộc mạc, là “đúng là Nguyễn Bính”. Nhưng về kỹ thuật thơ - ở đây là thủ pháp Show, Not Tell - chữ “to” đã làm lộ ý của tác giả. Thay vì Not Tell - để người đọc theo dòng chảy của tứ thơ mà tìm ra – tác giả lại Tell ngay từ lúc đầu nên thủ pháp Show, Not Tell thất bại. Tôi “chê” chữ “to” ở nghĩa ấy.


Bình Luận của anh Tam Tran

Cách diễn tả "show, not tell" còn gọị là "Ý tại ngôn ngoại", hay "reading between the lines" Bài viết với các thí dụ rõ ràng. Cám ơn tác giả.

Thưa anh Tam Tran,

Cám ơn anh đã nhắc đến hai thuật ngữ rất gần với Show, Not Tell. Theo tôi, “Ý Tại Ngôn Ngoại” hơi quá tổng quát. Nó bao gồm cả một số biện pháp tu từ khác như ẩn dụ, hoán dụ … nên không thể gọi là Show, Not Tell. Reading Between The Lines (đọc giữa những hàng kẻ) thì nghiêng về phía người đọc hơn. Đọc một đoạn thơ Show, Not Tell là đi vào con đường một chiều - cứ theo đó để gặp điểm đến của tứ thơ, hiểu ngụ ý của tác giả. “Đọc Giữa Những Hàng Kẻ” là cách đọc đa chiều, nhiều hướng; người đọc có thể đọc theo chiều dọc để hiểu thông điệp của tác giả và cũng có thể đọc theo chiều hướng khác để thấy những điều tác giả không muốn bày tỏ nhưng vô tình bộc lộ.

Chú Thích:
1/ https://en.wikipedia.org/wiki/Show,_don%27t_tell

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com

READ MORE - “SHOW NOT TELL” TRONG THƠ - Phạm Đức Nhì

CHÙM THƠ LỆ HOA TRẦN





BỎ LẠI SAU LƯNG

Ngày anh đi, mưa nhiều, chiều tháng bảy
Trời u buồn, đường vắng, lạnh tái tê
Đứng trông theo mà dòng lệ dầm dề
Xem như đã mất rồi, người…tất cả

Ngày anh đi xung quanh dường qụy ngã
Không gian nào ngăn nỗi  được bước chân
Chính người thân mà chẳng chút ân cần
Thì vạn vật xá gì trong phút cuối

Ngày anh đi bùi ngùi lòng tiếc nuối
Thương những ngày tháng cũ đã đi qua
Nhưng người đi phế mặc kẻ quê nhà
Đành bỏ lại sau lưng “Trời kỷ niệm “

Ôi ! Tiếc quá cuộc đời sao phù phiếm ?
Biến tình yêu thành những vết thương lòng.

                                             Lệ Hoa Trần 
                                             16-07-2017





NGÀY TỰU TRƯỜNG

Mùa hạ tàn, con Ve sầu đi ngủ
Quả điệp già đã chín, lững... trên cây
Áo học trò ba tháng xếp thẳng ngay
Nay được mặc khoe duyên cùng các bạn

Ngày tựu trường xôn xao đường áo trắng
Gái lẫn trai tay cặp, bước dập dìu
Kể nhau nghe vui, vui biết bao nhiêu
Những ngày tháng nơi quê nhà cùng mẹ

Nào thổi cơm, hái rau, rồi giữ bé
Nào về quê thăm nội lúc tuổi già
Nào cùng anh, cùng chị chuyến hành xa
Nào nhớ nhớ bạn bè cùng một lũ

Ngày tựu trường ôi ! Ôi, sao vui thú
Gặp lại thầy, những gương mặt thân quen.

                                        Lệ Hoa Trần
                                        15-07-2017


NỖI BUỒN TRONG ĐÊM ĐEN

Nỗi buồn trong đêm đen
Đất trời như đang cảm
Vũ trụ ngả màu lam
Vạn vật ngừng tiếng thở

Kinh khủng phút đợi chờ
Tâm tư dường chao động
Cô đơn giữa khoảng không
Bốn bề đen như mực

Đêm - đêm dài thao thức
Thức - thức suốt canh thâu
Tay cứ mãi ôm đầu
Tìm vui nhưng chẳng được

Muốn nhìn về phía trước
Ngắm ánh sáng thân quen
Chỉ toàn thấy bóng đen
Quanh u buồn vô tận.

            Lệ Hoa Trần
            14-07-2017


BÓNG QUÊ

Cứ mỗi chiều, hoàng hôn bóng ngả
Đi trên đê nhìn dọc sông dài
Nhìn bóng cây, nhà mái của ai
Đang phản phất dưới dòng sông lặng

Là chợt nhớ bóng quê nhiều lắm
Nơi một thời tuổi trẻ đi qua
Những hàng tre, thuyền nhỏ là đà
Cũng lơ lửng, thập thò trong nước

Chân vừa đi ngắm trời đếm bước
Bóng quê nhà theo gót chân ta
Cảnh chiều về hiền hiện gần, xa
Mặt trời đỏ. Dường như đang hỏi?

Sao ! Rằng ta lạc lõng đơn côi
Giữa đất khách một mình cô lẻ
Cũng chẳng biết âm thầm nói khẽ
Đời ly hương luôn nhớ quê nhà

Nhìn quê người mà ngỡ quê ta
Từng cái bóng, cái hình xưa cũ.

                       Lệ Hoa Trần
                       13-07-2017

READ MORE - CHÙM THƠ LỆ HOA TRẦN

CHÚNG TA LÀ ĐỒNG LOẠI - Truyện ngụ ngôn của nhà văn Vương Mông, Nguyễn Ngọc Kiên dịch



              
                          Dịch giả Nguyễn Ngọc Kiên


                     CHÚNG TA LÀ ĐỒNG LOẠI
          Truyện ngụ ngôn của nhà văn Vương Mông
(Nguyễn Ngọc Kiên dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc)

Một buổi tối, chim sơn ca đang hót, rắn hướng về phía sơn ca đọc một bài luận văn, luận chứng là rắn này là đồng loại của sơn ca.
Luận  văn nói rằng, nó là trứng của rắn, nguyên là cùng với trứng sơn ca đẻ ra; điều đó cũng có nghĩa là, chúng là đồng hương. Lúc đó, chúng là noãn bào do cùng tiếp thu ánh sáng mặt trời mà nở ra. Nói như vậy, có nghĩa là chúng cùng tổ tiên. Thứ ba, chúng cùng thích hót vào ban đêm và tiếng hót (theo quan điểm của rắn) là tưởng tượng ra. Thứ tư, chúng đều thích hoạt động trong vườn hoa. Thứ năm chúng đều không thích mùa đông và băng tuyết. Thứ sáu, chúng đều thích hoa hồng. Điều đó đủ để chứng minh, chúng có nhiều điểm chung…cùng chí hướng. Thứ bảy….
Sơn ca vui mừng nói: “Trong luận văn của anh liệu tìm ra luận cứ chính xác hơn. Tôi cũng không có cách nào thừa nhận anh là rắn, mà là chim sơn ca.
Rắn lại lấy ra một luận văn khác, lý luận rằng nó không phải là rắn, màu sắc của rắn cũng không giống đồng loại của nó. Luận cứ của nó là: một, màu sắc của nó và khác màu sắc của các loại rắn. Hai, kích thước của nó cũng không giống kích thước của rắn. Ba, hình dạng của nó cũng khác hình dạng của rắn. Những ham mê của nó cũng khác ham mê của rắn.
Con chim sơn ca đáng thương nghe những mớ lí luận như thế đến phát mệt, liền đậu trên một cành hồng ngủ thiếp đi.
Rắn liền táp một cái, chỉ một miếng, chộp lấy đồng hương, nuốt gọn đồng loại.
       (Trích Càng nói càng đúng)
                                                            Nguyễn Ngọc Kiên dịch

READ MORE - CHÚNG TA LÀ ĐỒNG LOẠI - Truyện ngụ ngôn của nhà văn Vương Mông, Nguyễn Ngọc Kiên dịch