Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 13, 2015

GIÁNG SINH - TẬT NGUYỀN - Truyện ngắn Trạch An-Trần Hữu Hội


Tác giả Trạch An - Trần Hữu Hội


Giáng sinh - Tật nguyền!                                   
                                                                          
Trạch An-Trần Hữu Hội

          Thủ mở cửa đẩy chiếc xe ra, chân anh đau như có ái đó lấy kẹp mà kẹp cả bắp chân. Nhìn lề dường trước mắt đất đá lổm chổm, cao như ngọn đồi mà ngao ngán. Con đường Quốc lộ đang đi lại được, tự dung cày ra, đổ đá, đổ đất từng ụ cả năm nay rồi để vậy, không biết bao giờ mới chịu làm! Thùy nhìn anh nhăn nhó, nói:
         - Mười giờ đêm rồi, hay để sáng mai lên thăm anh ấy cũng được, đằng nào cũng chết rồi!
         - Tội nó quá!
         Thủ nói rồi đẩy lùi chiếc xe vào lại nhà.
         Hơn hai mươi ngày nay, chân phải anh đau kinh khủng, cơn đau bắt đầu từ bắp chân, lan lên tới mông, mỏi như muốn kéo rị người anh xuống giữa nển nhà! Đêm nằm ngủ, phải ngủ nơi salon, thòng chân phải xuống mới đỡ đau! Bác sĩ chẩn đoán là đau thần kinh tọa, chích thuốc cả mười lăm ngày không giảm, bèn chích Terneurin vào bắp chân, không giảm được cơn đau mà còn đau hơn!
         Cuốc điện thoại vừa rồi của Sáng, một người bạn thân báo tin Hướng vừa chết, có lẽ do trụy tim làm Thủ nghẹn ngào. Mới chiều nay, Hướng ghé thăm anh, thất thểu bước vào nhà với túi đồ nghề làm mộc, uể oải buông người xuống salon than thở:
         - Cúp điện dài dài thế này làm không đủ tiền nuôi con!
         Thủ nhìn lên cái quạt trần vẫn xoay:
         - Đâu có cúp!
         - Tao gắn cửa cho ông Tá trong xóm, trong đó cúp toàn bộ. Mày đau sao vậy?
         - Cái chân mấy năm nay đau âm ỉ, mấy hôm nay trở nặng, thần kinh tọa hay sao ấy!
         - Sao không đi châm cứu?
         - Tao ghét cái màn nằm ẹp chờ, ngày nào cũng vậy! Đang chích thuốc, không biết có đúng bệnh không mà chẳng thấy khá hơn chút nào!
         Hướng lấy cái mũ vải trên đầu lau mặt, thở dài:
         - Con với cái, hai đứa đang học Cao đẳng, bỏ ngang thị lại Đại học, nói không chịu nghe. Nó đậu thì mình chết!
         - Sao vậy?
         - Muốn vay lại tiền vay dành cho sinh viên thì phải trả tiền vay cũ, sau đó mới được vay lại cho khoản mới. Nó biết mình khổ, cứ học tạm Cao đẳng, sau này ra trường đi làm rồi liên thông Đại học thì đỡ mình biết mấy!
         - Nó cũng sỉ diện với bạn bè, trả tiền cũ là bao nhiêu?
         - Ba chục triệu hơn, cả hai đứa!
         Thủ nhìn bạn mà thương xé lòng! Dĩ nhiên không vì một việc này mà Hướng bị trụy tim, nhưng cái nghèo, cái lo âu lâu nay thường trực trong lòng làm cho con tim ngày càng yếu!
          Trời vừa hửng sáng, Thủ uống vội chén trà rồi cố kìm cơn đau, chạy xe lên nhà Hướng. Anh đứng ngay cửa nhìn vào trong. Hướng nằm như đang ngủ trên chiếc giường kê giữa nhà, Khuyên, vợ của Hướng và bốn đứa con ngồi khóc rấm rức. Anh ngồi xuống nền nhà, ôm xác bạn mà khóc, anh hét lên: Hướng ơi, Hướng ơi!
         Anh kêu tên bạn, trong lòng anh như trút tất cả nỗi uất ức giận hờn lên sự nghèo khó!
         Khuyên cùng bốn đứa con nhào tới, ôm chồng, cha, khóc như mưa. Hướng vẫn nắm với gương mặt thanh thoát vô ưu. Thủ cảm thấy được hơi ấm từ thi thể của Hướng, anh ôm ghì bạn, nói trong thổn thức:
         - Khốn khổ chi rồi cũng qua được, như bao năm nay đã qua, sao mày không ráng thêm vài năm nữa hở Hướng!
         Anh ngồi như thế, nói với các con của bạn:
         - Từ nay không còn Ba, mọi khó khăn đổ lên vai mẹ, các cháu cố gắng chấp nhận thiếu thốn, vượt qua cho được mấy năm học, Cao đẳng hay Đai học gì cũng được. Không có quyền chậm trễ năm nào cả nhé!
         Cả bốn đứa lớn nhỏ “Dạ” rồi khóc. Đứa lớn nắm lấy cánh tay Thủ kéo anh dậy, dìu anh ngồi vào chiếc ghế gỗ. Bạn bè hôm qua thức khua cùng Hướng, gần sáng chạy về nhà một lát giờ đã lục tục kéo đến. Thủ cà nhắc ra ngồi với bạn.
          Phùng, một người bạn hay đùa, nói:
         - May nhà nghèo! Không có đồ đạc gì phải dọn dẹp bên trong, lát nữa gom mấy chậu bông ra sau nhà cho trống chỗ này đi là được!
                                                      oOo
         Hai ngày nay chân Thủ đau hơn, nằm ẹp trong nhà, không lên thăm lại Hướng, sáng nay cũng không đưa bạn ra nghĩa địa được, Thủ lẩm nhẩm:
         - Mày đi đi, con cái nó có số phần của nó, linh thiêng thì phù hộ cho nó khỏe mạnh. Mày đi sướng hay ở lại như tụi tao sướng hơn, chỉ mày có thể biết! Hồi chưa đau cái chân, tao mơ ước lo lắng đủ điều, giờ đau quá, tao mong đổi tất cả những gì  có được, lấy cái khỏi đau thôi Hướng ơi!
         Thùy, vợ của Thủ sáng đi đám tang, xong ghé thăm bên nhà ngoại về, vừa vào nhà vội vã hỏi:
         - Chị Mai tới chích thuốc chưa?
         - Chưa, chắc phải đi Sài gòn em ạ, anh đau lắm!
         - Anh uống cái này xem có bớt đau không đã rồi tính.
         - Cái gì vậy?
         - Có thể anh bị hơi. Mấy người đi liệm xác chết về, thường xông và uống cái này.
         - Ở đâu mà có vậy em?
         - Em lên trên làng, nói chuyện anh đau, họ cho đó.
         Thùy với xem chai rượu, còn một ít. Mấy ngày nay đau quá, anh bảo chị mua cho anh lít rượu. Khi đau thì anh uống ực một ly, có khi hai ly nhưng cũng chỉ êm êm được một lát rồi đau như cũ!
         Chị trút gói giấy vào chai, bột gì trăng trắng, lắc mạnh rồi rót ra ly đưa cho Thủ. Anh uống vào gờn gợn ở lưỡi, có mùi như long não.
         Thùy vào phòng thay đồ xong, đem cho Thủ tô bún mua dọc đường, anh ăn chầm chậm, có vẻ ngon miệng, không thấy ngán như mọi khi. Thùy cũng mừng.
         Chưa được mười phút, anh nôn thốc tháo ra giữa nhà. Chị vuốt lưng anh rồi ra múc đầy thau nước, nhúng khăn lau mặt, lo lắng hỏi:
         - Anh thấy trong người ra sao, mệt lắm không?
         - Không sao đâu em!
         Thùy lại đi thay thau nước, Thủ nôn nhiều hơn, anh với tay lấy chai dầu nhưng mắt hoa lên, không nhìn thấy gì, vừa lúc Thùy trở vào, thấy tay anh quéo lại, mắt trợn trừng, chị hét lên: Anh Thủ! Rồi chay ra xô mạnh hai cánh cửa hét lớn:
        - Chương ơi, chị Lan ơi, anh Thủ bị tai biến!
        Chị hét như vậy, không biết có ai nghe thấy không, hai tiếng “tai biến” làm chị liên tưởng tới bài đọc cách sơ cứu người trong trường hợp này, chị vừa khóc vừa vào phòng lấy cái kim may, đặt anh nằm xuống salon, chích mấy đầu ngón tay, ngón chân rồi hai dái tai. Chị lại chạy ra cửa hét.
        Chương là hàng xóm sát nhà, nhưng là nhà sản xuất bánh kẹo nên lu bu đằng sau, nghe được liền chạy qua, hắn không cần hỏi han, kêu lớn qua quán cà phê phía đối diện:
         - Có đứa nào bên đó qua phụ tao đưa anh Thủ đi cấp cứu với.
         Hàng xóm và khách uống cà phê chạy qua nhà, Chương bồng ngang người Thủ, nhảy lên xe của một thanh niên, một người khác chở Thùy chạy theo.
         Bệnh viện huyện xem qua, Huyết áp 190/90. Họ cho anh uống thuốc, anh tỉnh dần, rồi chuyển về bệnh viện tỉnh theo yêu cầu của Thùy với câu ghi: Nghi ngộ độc rượu, huyết áp tăng. ( người bệnh nhân nồng nặc mùi rượu!).
          Oan cho anh, 17 năm không uống rượu vì bị ngộp tim, hôm nay uống hai ly, bị ói, bệnh án ghi như anh là một tay bợm!
         Chân anh đau buốt, anh nói với Chương khi xe còn đợi làm thủ tục chuyển viện:
          - Mồi cho anh diếu thuốc rồi bóp bắp chân cho anh với, đau lắm!
         Chương mồi thuốc, vừa bóp vừa vuốt bắp chân, tay Chương mạnh nên đau lắm nhưng anh không dám nói. Một lát, nhớ là nhà không có tiền, anh nói với Chương:
         - Chú về trước, chuẩn bị cho anh mượn ít tiền, chừng mười triệu, xe đi ngang đưa cho chị!
         - Có cần em đi theo xuống bệnh viện không?
         - Không cần, có gì thì chị gọi về. Chú cho anh gởi nhà.
         Chương dạ nhỏ rồi đi. Là hàng xóm, sát vách nhau hơn hai chục năm, coi nhau như anh em. Chương làm ăn khá hơn, thiêu thốn tiền nong Thủ mượn đỡ nơi Chương. Con của Chương thương Thủ như bác ruột. Hồi các con của Thủ chưa vào Sài gòn học và đi làm, chúng như anh chị em với nhau. Tối ngủ chung, râm ran chuyện trò. Mấy năm nay bốn đứa con anh vào học và làm việc trong đó, ở nhà chỉ hai vợ chồng, anh dự tính năm tới chị về hưu sẽ chuyển vào ở với con.
          Khi xe dừng lại trước nhà, Chương đưa tiền cho Thùy, Thủ nằm trong xe không thấy được nhưng anh nghe nhiều lời chào, chúc anh mau khỏe, có lẽ hàng xóm và bạn bè cũng đợi chào anh.
           Về đến Bệnh viên Tỉnh. Bác sĩ, sau một hồi siêu âm tim và bụng, xem lại bệnh án hỏi:
          - Chú uống có nhiều rượu không? 
          - Chú chỉ uống hai ly, không phải Huyết áp, Tim và ngộ độc đâu cháu. Chân phải chú đau lắm, hơn hai mươi ngày các Bác sĩ trên phòng y tế chích thuốc mà vẫn đau. Cháu xem dùm chú với!
          - Đau chỗ nào chú?
          - Đau nhất là bắp chân.
          Bác sĩ trẻ siêu âm từ dưới bụng, dọc theo chân phải, chân trái, kết luận nhanh chóng:
          - Chú bị tắc nghẽn đông mạch chi dưới rồi, chú hút thuốc nhiều không?
          - Chừng hai gói mỗi ngày.
          - Cũng nhiều nguyên nhân gây tắc động mạch, nhưng chú coi bõ thuốc lá đi. Chắc là phải chuyển chú vào Sài gòn, trong đó mới điều trị hoặc phẫu thuật thông động mạch được chứ ở đây không có đều kiện. 
          Lần đầu tiên Thủ nghe đến bệnh này.
          - Có nguy hiểm lắm không cháu? Ý chú là có cần chuyển ngay không?
          - Tính mạng thì không nguy hiểm gì nhưng giải quyết sớm thì tốt hơn.
          - Ngày mai Chủ nhật, 20/11. Các con chú về thăm mẹ và thầy cô giáo. Chú muốn về nhà gặp các cháu rồi thứ Hai vào Chợ Rẫy cùng các cháu luôn được không, phương tiên chú tự lo?
           - Cũng được, nếu đau quá chú uống thuốc giảm đau. Bệnh này đau lắm!
           - Chú cảm ơn cháu. Cháu ghi cho chú loại giảm đau nào dùng được nhé.
                                                      oOo
                    
         Bệnh viên Chợ Rẫy sau khi thăm khám, Thủ được đưa vào khoa “Lồng ngực và Mạch máu”, nằm ở lầu năm. Uống và chích thuốc mười hai ngày nhưng không tiến triển gì. Các bước siêu âm và chụp xi ti cũng đã làm xong nhưng cứ chờ làm Thủ chán nản! Cái mụt ở chân như muốn lở to ra thêm. Tối lại, đau quá anh ngồi, gần như cả đêm không ngủ.
         Sáng nay, khi đứa em đưa anh đi vệ sinh về phòng, ngang qua bảng thông báo, anh thấy tên mình nằm trong số bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật thông mạch máu. Khi bác sĩ vào thăm bênh buổi sáng, anh hỏi:
        - Chú phẫu thuật thông hai chân hay một chân vậy cháu?
        - Chắc hai chân, chú tắc nhiều lắm. Hôm nay đi siêu âm tim lại.
        Đã siêu âm tim một lần, bây giờ lại siêu âm tim. Từ phòng siêu âm về, không có thông bào gì về tim mà chỉ biết là chuẩn bị chuyển qua Khoa Tim, Thùy cùng các con anh lo lắng lắm nhưng không biết hỏi ai.
         Khoa lồng ngực mạch máu ít bệnh nhân, qua khoa tim thì quá tải đến không có chỗ nằm, Thủ nằm chung giường với hai bệnh nhân khác, Thùy nằm ở sàn nhà, dưới giường, trải tấm chiếu nhỏ! Một bệnh nhân chung giường cho biết là có hai mươi lăm người bị tim ở bệnh viện Trà Vinh chuyển lên, theo một chương trình gì đó, hai tuần rồi chưa mổ được nên phòng chật. Họ có vẽ ốm nhưng không yếu, ăn uống, chuyện trò đùa cợt râm ran, náo loạn cả phòng!
        Gần chiều, một Bác sĩ trẻ vào gọi tên Thủ rồi nói ngắn gọn:
        - Chú chuẩn bị đóng 90 triệu, mai phẫu thuật.
        Thủ ngạc nhiêu hỏi lại:
        - Phẫu thuật tim hay chân vậy cháu?
        - Mổ tim.
        Quá ngạc nhiên anh bật cười nhìn bác sĩ không nói gì. Bác sĩ trẻ nhìn anh nói trước khi ra khỏi phòng:
        - Sẽ có Bác sĩ lớn tuổi đến nói chuyện với chú!
     Lát sau, một bác sĩ trạc 50 tuổi, đến nhìn anh chằm chằm nói:
        - Bệnh của anh thì đóng 90 triệu, mai mổ tim, sau đó cắt chân phải, hết!
         Thủ cười gằn ngạc nhiên với thái độ của vị lương y, không biết ông này đem nổi bực dọc ở đâu, đến đây trút lên anh!
        Một bệnh nhân trong số chờ phẫu thuật lên từ Trà Vinh hỏi to, tức tối:
        - Tụi tôi chờ nữa tháng nay, đã nhổ răng, khám, siêu âm đủ cả rồi mà chưa mổ, chú này mới vào, đóng tiền mai mổ là sao?
        - Ông này một mình, còn quý vị thì đông, lên lịch làm một lần nên phải chờ.
        Bác sĩ đi rồi, Thùy nhìn anh rươm rướm nước mắt:
        - Chạy đâu cho ra ngần ấy tiền đây anh?!
         Nếu con đường trước mặt nhà không làm lại, nâng cao lên, thì vợ chồng Thủ không đến nỗi thiếu thốn, 90 triệu hay nhiều hơn cũng có thừa để lo, nhưng vừa qua anh dốc tất cả những gì dành dụm được lâu nay, sửa sang, nâng nền nhà lên cho bằng đường nhựa, thế là hết. Nhà vừa hoàn tất đúng một tháng, anh trở bệnh! Thủ trấn an vợ:
         - Em đừng lo. Chờ anh chút.
        Thủ gọi điện cho đứa cháu ngoại, đang là bác sĩ khoa thần kinh bệnh viện Phan Thiết, nó tốt nghiệp hệ chính quy cũng đã lâu, hôm nhập viện, nó muốn vào gởi gắm với các đồng nghiệp nhưng anh không muốn. Nghe qua, cháu anh nói:
         - Mổ tim khó khăn ở chỗ hậu phẫu, xuất viện rồi cậu về lại Ninh Thuận xa quá, khó theo dõi, có gì vào lại cũng quá chậm. Theo con, cậu bị thế này đã lâu. Tim cũng có thể đã thích nghi, nếu giải quyết được các chỗ tắc nghẽn thì tim sẽ được cải thiện dần. Cậu từ chối phẫu thuật tim rồi xin phẫu thuật thông mạch chân lại thử xem bênh viên có chịu không!
         Bênh viên không chấp nhận yêu cầu của anh. Thủ có ý định đến các bệnh viện tư, hy vọng họ có thể giải quyết, và dù tư nhân hay Chợ rẫy. cũng phải có thời gian để chạy khoản tiền quá lớn đối với kinh tế của Thủ. Anh nói với Thùy:
         - Em nói với con xin xuất viện đi, về nhà rồi tính!
         Đứa con gái lớn của anh vào trọ học ở Sài Gòn mấy năm nay, rồi các em cũng vào, nó khá nhanh nhạy với các việc gia đình, từ hôm anh vào viện, mọi thủ tục đều giao cho nó…Thùy nhìn anh lo lắng:
         - Lỡ có chuyện gì thì sao anh?
         - Chỉ có những cơn đau chân là đáng lo, nhưng giờ anh biết là cứ thuốc giàm đau mà uống, có ảnh hưởng về sau thì cũng chưa là bây giờ. Về ngoài mình, tính toán chuyện tiền nong rôi vào lại sau em ạ.
         Nói với vợ như vậy nhưng trong lòng anh cũng lo lắng không kém. Với 90 triệu đồng cho ca phẫu thuật thì chỉ có bán nhà đi chứ khó xoay xở đâu ra. Chương hay bạn bè có giúp, cho mượn thì cũng chỉ vài chục triệu, tiền làm ăn có dư nhiều đâu. Còn chuyện trả lại nữa! Bán cho được nhà thì biết đến bao giờ!
         Từ hôm đi bệnh viện đến nay, Trung, đứa em cột chèo giao việc nhà cho vợ, theo anh vào Sài gòn, túc trực thường xuyên lo cho anh, từ chuyện vệ sinh đến đẩy xe đưa đi siêu âm, thử máu…Không có xe đẩy, Trung ẵm, cõng anh đi. Bây giờ sắp lễ Giáng Sinh, chú ấy lại là lo việc Giáo xứ, không lẽ vì mình mà mất cả niềm vui. Thủ lại gọi cho con gái, bảo con xin xuất viện!
         Lo xong thủ tục thì cũng đã chiều, bệnh nhân chung giường với Thủ, ở Nha Trang, nhập viện mười ngày nay, chờ phẫu thuật. Ban ngày về nhà con gái, tối đến ngủ ở bệnh viện. Thấy tình trạng bệnh của Thủ nói:
         - Ở Nha Trang, có một ông thầy thuốc Nam, trị bệnh tắc đông mạch rất hay. Xóm tôi có bà bị bệnh này, châm tím hết rồi mà uống chỉ ba chai thuốc nước, loại chai ba xị, là hết đau.
         Thủ mừng lắm, níu lấy ông ta hỏi:
         - Anh có địa chỉ hay số điên thoại không, giúp tôi với!
         - Để tôi gọi về cho con tôi, nhờ nó chạy tới hỏi. Nói rồi ông gọi ngay cho con, lát sau anh có trong tay địa chỉ và số điện thoại của cơ sở thuốc Nam. Thủ nói với Thùy:
         - Mình đi thẳng ra Nha Trang tối nay luôn em ạ. Em nói Trung và con chuẩn bị đi.Tiền bạc thế nào em?
          Thùy gọi con gái, hỏi. Con gái anh đếm tiền trong túi, rồi mở mấy bì thư mà bạn bè anh đến thăm, nói với Thùy:
         - Tất cà tiền mẹ mượn chú Chương và bạn ba, bạn mẹ… thăm cho quà là 29 triệu, con thanh toán viện phí và mua thêm thuốc về nhà còn 22 triệu mẹ ạ.
         Thùy nhìn Thủ:
         - Không biết có đủ cho tiền thuốc Nam không!?
         - Anh ấy bảo thuốc rẻ lắm!
         Thủ vào bệnh viện Chợ Rẫy mười mấy ngày. Hôm đi, tiền nhà và mượn thêm Chương nữa chỉ 15 triệu. Ăn uống và sinh hoạt, viện phí đủ là quá mừng.Anh cảm ơn bạn bè, nghe tin anh nằm bệnh viện, đã thông bào cho nhau đến thăm. Biết anh khó khăn về tài chính, bạn nào cũng giúp, nhờ vậy anh bớt buồn và có tiền trang trải cho sinh hoạt.
                                                         oOo
           Xe ra Nha Trang là xe giường nằm, nhưng vì không nằm được, Thủ ngồi suốt đêm. Cứ một giờ hay hơn chút thì anh uống một bịch sữa rồi nuốt một viên giảm đau! Khó khăn phiền toái nhất là chuyện vệ sinh, Trung cõng anh lên xuống xe, vào nhà vệ sinh dọc đường nơi các trạm dừng thật vất vả!
           Đến Nha Trang, ngồi trên taxi Thủ gọi điện cho thầy thuốc Nam. Vào nhà, ông ấy như đang chờ.
          Khi xuất viện, vết lở ở bàn chân chỉ bằng hai ngón tay, thấy khó nhìn nên anh đắp một miếng gạc lên vết thương, khi ông thầy gở miếng gạc, da dính theo thành một đám loét lớn bằng cả bàn tay! Xem vết thương và sờ xem bắp chân, ông thầy nói:
          - Thuốc của tôi chỉ làm thông mạch cho máu xuống chi. Vết thương này anh phải dùng kháng sinh để chữa. Phải kháng sinh loại mạnh đó!
          Thủ hơi thất vọng nhưng anh nghỉ nếu thông được mạch máu, thì chuyện chữa vết loét bằng kháng sinh chắc không khó. Thầy thuốc bán cho anh một tháng thuốc, thuốc viên chứ không phải thuốc nước như người bệnh chung phòng nói.
          - Anh uống hết số thuốc này thì bệnh giảm, đây là tài khoản và số diện thoại của tôi, muốn lấy thêm thuốc thì cứ chuyển tiền vào tài khoản, tôi sẽ gởi xe đò đưa thuốc vào cho anh.
          Từ nhà thầy thuốc, Thùy thuê xe taxi vào thẳng nhà. Mới mười mấy ngày mà Thủ thấy như cả năm. Hàng xóm, bạn bè đến thăm liên tục làm anh vui, nhất là niềm hy vọng vào thuốc Nam mà anh sẽ uống! Buồn cười nhất là bạn anh, số hút thuốc nhiều, cứ đưa chân cho anh xem rồi lo sợ căn bệnh “lạ” này! Thủ đùa:
           - Đứa nào hút in ít thì không sao, còn nếu hút cỡ một gói một ngày thì coi chừng!
           Bạn anh phần nhiều thuộc loại nhả khói như chiến hạm, có đứa nói liều:
           - May, tao hút hai gói nên ngoại lệ rồi, ung thư phổi mau chết hơn!
          Đã nghe vọng đến tiếng nhạc Giáng sinh. Anh về nhà đã hơn mười ngày. Hằng ngày, buổi sáng, Thùy làm vệ sinh cho vết loét rồi đắp một miếng gạc, xong xuôi mới đi dạy. Anh uống thuốc Nam, cách giờ uống thuốc Tây chừng hai tiếng. Kháng sinh và giảm đau, bao tử anh đã có dấu hiệu đau, nhưng chẳng biết phải làm sao!
          Sáng nay, sau khi làm vệ sinh xong, Thùy nói như reo:
          - Anh sờ bắp chân xem, hình như âm ấm chứ không lạnh như mọi khi!
          Thủ sờ xem nhưng không nhận ra. Thùy quả quyết trong nỗi mừng vui:
          - Em thấy ấm lên thật mà, đễ em gọi Trung xuống sờ xem.
          Trung nghe Thùy gọi, tất tả chạy xuống sờ chân Thủ, chần phải rồi chân trái:
          - Em thấy có nóng hơn đó anh, hy vọng uống thuốc này một thời gian nữa thì máu xuống chân tốt.
          - Mấy hôm nay chú làm gì?
          - Về tới nhà là có việc ngay, em đang phụ làm máng cỏ và trang trí cho nhà thờ! Anh tính sao cái vụ mổ tim?
          - Quên nó đi, ngoài “khả năng chi trả” của mình rồi thì nghỉ chi cho mệt.
           Trung cười, chỉ lên trần nhà:
          - Phú cho Trời thôi!
                                                        oOo
             - Anh Thủ !
             - Gì vậy em?
             Thùy trợn tròn mắt chỉ vào vết thương:
             - Anh xem phải giòi không?
             Thủ cúi gần hơn, nhìn chăm vào vết loét, có cái gì trăng trắng nhúc nhích, anh nhờ Thùy lấy cái kính, nhìn kỹ, đúng là giòi!
             Thùy lấy bông thấm nước muồi lau qua lại vết thương, thở dài:
             - Thuốc kháng sinh không tác dụng, làm sao đây anh? mấy hôm nay em nghe có mùi hôi nhưng không nói!
             - Anh cũng biết, để anh gọi nhờ Dũng xem sao.
             Dũng là bạn của Thủ, Học Đại học Y khoa Huế, Tốt nghiệp năm 1979, bị chuyển lên Kom Tum, Dũng không tuân theo bố trí nên không được cấp bằng. Anh về địa phương hành nghề lâu nay nhưng không mở phòng mạch.
            - Alô, mình nghe đây Thủ.
            - Dũng đang ở đâu, ghé nhà mình chút được không?
            - Chờ 15 phút, chuyền xong chai nước mình ghé lại.
            - Cảm ơn Dũng, mình chờ nghe.
            Dũng nhìn vết thương, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
            - Máu không xuống được bàn chân nên thuốc kháng sinh không đến được vết thương, tác dụng của thuốc rất ít, mình rất ngại hoại tử nặng dẫn đến nhiễm trùng máu, hay là vào Sài gòn lại đi!
            Nghĩ đến niềm vui Giáng sinh của đứa em cột chèo, Trung. anh hỏi:
            - Có chờ thêm được vài ba hôm không Dũng, qua Noel?
            - Minh sợ không được, như thế này là nặng rồi!
            Thủ nhìn Thùy, như muốn hỏi ý. Thùy dứt khoát:
            - Đi ngay tối nay thôi anh. Anh gọi Kháng xin phép cho em. Em gọi Trung báo cho nó biết.
            - Tội chú ấy quá, còn ba ngày nữa là Giáng sinh rồi!
            Cả Thùy và Thủ cùng im lặng, lát sau, Thủ nói như dò ý Thùy:
     - Em, anh quyết định tháo khớp chân! Chấp nhận cụt chứ cứ loay hoay thế này có vẻ bế tắc, lo lắng mãi!
            - Anh cụt một chân sao?!
            - Anh thấy nếu điều trị thì lâu lắm, vào ra Sài gòn tốn kém, thêm phần lo lắng không yên, chưa nói đến chuyện có thể chửa hoài không khỏi! Con cái thì chỉ bé út là còn tốn kém, sang năm em về hưu thì có mấy đứa lớn lo cho nó, mình còn cái nhà, bán đi vào với các con, mắm muối qua ngày cũng được! Từ hôm bệnh đến giờ, em và các con vất vả. lo lắng. buồn phiền quá rồi, cụt một chân còn hơn là chết, anh sẽ làm những gì có thể làm với cái chân như thế, nghe em!
             Thùy chưa hề nghĩ đến chuyện Thủ phải mất đi cái chân, hình ảnh Thủ tật nguyền chưa hề đến trong đầu chị bao giờ, nhưng con giòi xuất hiện sáng nay ở vết thương và nỗi lo sợ nhiễm trùng máu dẩn đến cái chết làm chị thấy nhẹ nhàng hơn khi Thủ đưa ra quyết định đột ngột này.
           - Tháo khớp thế nào anh?
           - Tháo khớp từ gối xuống, minh làm ở bệnh viện tư. Anh sẽ hỏi, tiền bạc hôm về nhà đến giờ bà con, bạn bè cho thêm cũng đủ, nhưng anh vẫn gọi vào cho cháu Vinh, phòng hờ nếu thiếu, nó lo giúp rồi sau tính lại.
             Thủ lấy chiếc điên thoại xem lại tài khoản, còn kha khá, anh gọi cho một Bác sĩ ở Bệnh viện Hồng D. , Bác sĩ này anh quen khi con gái anh bị tai nạn, phẫu thuật bắt ốc ở ống chân. Bác sĩ trả lời:
            - Chuyện tháo khớp gối không khó khăn gì, nhưng cháu đề nghị chú vào trực tiếp, khám rồi giải quyết chú ạ. Tình hình vậy thì nên vào sớm chừng nào tốt chừng đó. Chú cứ vào thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện rồi gọi cho cháu.
            Từ khi đi bênh viện, rồi tứ bệnh viện trở về, tư tưởng phải vào lại Sài gòn lúc nào cũng sẵn trong đầu Thủ và Thùy nên việc chuẩn bị không mất nhiều thời gian. Trung, với cái túi xách vào nhà trước giờ xe chạy chừng một tiếng. Thủ nhìn đứa em nói:
             - Khổ cho chú quá, anh làm chú cực!
                                                                   oOo 
             Xe vào đến sài gòn trời cũng vừa sáng, Trung gọi taxi, Thùy, Thủ và đứa con gài lên xe về Bệnh viện Hồng D., Vẫn chưa đến giờ làm việc, anh gọi cho bác sĩ quen, chừng 15 phút sau thì bác sĩ đến. Xem vết lở ở chân xong, bác sĩ lấy một cái túi nilon bao vết thương lại rồi gọi con gái anh vào trong:
             - Với vết thương của chú thì không chỉ tháo khớp gối mà phải cắt bỏ trên gối! Bệnh viên Hồng D. làm được nhưng việc xử lý cái chân thải theo nguyên tắc môi trường thi không được phép, bây giờ cứ qua bệnh viện 115, sẽ có bác sĩ đón ở phòng cấp cứu. Vấn đề quan trọng nửa là làm công tác tư tưởng cho chú, làm sao để chú đứng quá sốc khi tỉnh dậy thấy mình bị mất một cái chân, đã có trường hợp hét la náo loạn, làm bậy…rất nguy hiểm!
             Thùy nghe con nói lại, nhìn Thủ. Chị biết không hề có chuyện đó. Thủ đã tự ý chấp nhận mất cái chân trước khi vào đến đây. Xe taxi lại đưa Thủ qua bệnh viện 115. Đúng là có bác sĩ đón ở phòng cấp cứu.    
             Thủ kìm tiếng rên vì những cơn đau liên tục, anh muốn thiếp đi nhưng hôm nay lại có một số sinh viên thực tập. Họ mở bao nilon, cố chịu mùi thối, xem, chụp hình…dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ giảng dạy, cũng là trưởng khoa “Lồng ngực và mạch máu” của bệnh viện. 
            Chừng 02 giờ chiều, Thủ được đưa đi siêu âm tim. Mấy tiếng sau thì bác sĩ gọi Thùy thông bào:
            - Hoại tử nặng quá, không thể chờ qua đêm nay vì khả năng nhiễm trùng máu rất cao, đã nhiễm trùng máu thì rất khó chửa trị, chỉ có cách cắt bỏ phần chân bị tắc. Nhưng khó khăn là tim rất yếu, phẫu thuật cắt bỏ chân với tình trạng tim như vậy cũng rất đáng lo. Quyết định bây giờ tùy vào gia đình, chị bàn bạc rồi ký vào giấy đồng ý phẫu thuật hay không!
            Thùy trở lại phòng cấp cứu, chị nhìn Thủ thật lâu rồi nói lại lời bác sĩ. Thủ nắm tay Thùy:
            - Cứ phẫu thuật đi em, bác sĩ khi nào cũng tính chuyện chắc ăn. Em và các con cầu nguyện xin bình an cho anh. Nếu phải chết trong khi phẫu thuật thì cũng đừng quá buồn, tin vào số phần của anh chỉ đến thế!
             Các con anh đều có mặt, các cháu ở Sài gòn cũng đến thăm. Tất cả xúm quanh anh, khóc thút thít. Thủ đùa với Trung, cũng cho cả nhà bớt buồn:
             - Chúa Trời đang bận lo sinh quý tử, không rảnh mà phán xét anh đâu!
             Trung cười đùa thêm:
             - Đúng rồi, giờ này các Thiên thần đang tập hát, lôi sổ sách ghi công ghi tội ra rách việc lắm, cho qua!
             Hộ lý bệnh viện đẩy chiếc băng ca nhôm sáng bóng đến. Trung ẵm anh qua, cô hộ lý nói:
             - Thân nhân đi theo lối khác đến phòng phẫu thuật, có phòng chờ ở đó.
             Thùy vuốt tóc trên trán Thủ nói nhỏ:
- Trước khi vào phòng phẫu thuật, anh nhớ cầu nguyện lại.
Thủ nhìn Thùy, anh mỉm cười. Không rõ từ đâu, từ niềm tin nào, anh không tin mình sẽ chết:
- Ừ, anh nhớ!
                                                  oOo
Thủ đau đớn nằm trên chiếc băng ca rời phòng phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật khá nhanh, thuốc mê cũng tan sớm. Phóng hậu phẫu đông đúc vì tai nạn giao thông vào những ngày sắp giáng sinh. Tiếng rên la náo loạn xung quanh làm Thủ chán nản. Anh không chết, con tim anh đã ngoan ngoãn nằm im, anh sờ xuống phần thân thể còn tê buốt, cắt khá cao, đau quá anh thử ngồi dậy, có phần đỡ đau hơn! Thì ra bác sĩ phẫu thuật đã băng chặt quá, khi ngồi dậy phần bắp vế anh đỡ bị ép, bớt đau. Anh ngồi như thế cho đến sáng, trông dùm những chai nước truyền cho bệnh nhân gần mình. Có người hết thuốc, máu chảy ngược về chai, anh hốt hoảng gọi cho y tá trực! Chừng hai tiếng sau, anh đau ước chừng không chịu nổi, gọi y tá hỏi:
- Cháu cho chú thuốc giảm đau với, đau quá!
Y tá đến xem bệnh án, trở vào nói:
- Chú còn một bình giàm đau nhưng ba giờ sáng mới chuyền được.
- Bây giờ là mấy giờ rồi cháu?
- Hai giờ!
- Chú uống sữa được không cháu?
- Được, chú uống đi.
- Chú nghe nói sau phẫu thuật không được uống sữa hay nước mà?
Y tá cười:
 - Chú cắt chân chứ đâu có phẫu thuật bụng, sữa chú để đâu?
 - Chú nhờ cháu ra phòng chờ bào thân nhân Trần Thủ đưa sữa dùm được không?
 Y tá nam vui tính đi ra. Thủ mừng là qua y tá lấy sữa, Thùy có thể biết anh còn sống. Anh lại hỏi khi y tá vào:
 - Chú thấy mấy người mổ sau chú được ra ngoài mà sao chù ở lại lâu vậy cháu?
 - Bác sĩ chưa cho chú ra, có lẽ sáng mai, sau khi giao ban mới ra được. Chú ngủ đi, nói nhiều mệt lắm!
Thủ không ngủ được vì đau và lo, sợ Thùy và các con anh tưởng anh đã chết nên mới lâu đưa xác ra!
Đau quá, Thủ cứ chờ được chuyền chai giảm đau. Rồi cũng tới lúc, đến với anh là Bác sĩ nữ gây mê anh khi phẫu thuật, anh hỏi:
- Sao chú lại ở trong này lâu vậy cháu?
- Tại trong toa thuốc chú uống trước khi phẫu thuật có Asperin. Giữ chú lại trong này phòng khi vết thương chảy máu, dễ theo dõi hơn. Sáng mai ra, chù ngủ đi cho khỏe.
Yên tâm với giải thích của bác sĩ và chai thuốc giảm đau, anh gục người vào thành giường ngủ ngồi chờ sáng!
 Khi hộ lý vào đẩy chiếc băng ca của Thủ ra, anh mừng như được tái sinh! Nằm thì đau và vì muốn trống thấy Thùy cùng các con nên anh cứ ngồi vậy, mặc cô hộ lý bảo nằm! Thấy anh ra, Thùy củng các con anh hét lên, tiếng hét vượt lên trên những âm thanh huyên náo của phòng chờ khi thấy anh ngồi mà không nằm, không phủ tấm vải trắng kín người như xác chết, hình ảnh mà suốt đêm qua Thùy cứ lo lắng sợ hải! Thùy chạy nhanh hơn cả, chị nắm tay chị hộ lý dừng lại, ôm Thủ hôn vào môi anh thật dài, nụ hôn hệt như thũa mới yêu nhau mà phải vắng xa nhau hàng tháng !
Cô hộ lý bước nhanh và dài, Thủy cùng các con lúc thúc chạy theo. Hộ lý hỏi:
- Muốn nằm phòng nào đây?
Đêm qua thao thức chờ, Thùy có nghe thân nhân đến trước nói chuyện là có hai loại phòng, phòng bình thường và dịch vụ, phòng dịch vụ thì phí cao nhưng có các tiện nghi như tủ lạnh, TV…chị đáp nhanh:
- Chị cho phòng dịch vụ!
Một chọn lựa “xa xỉ”, khác với tính cách của anh chị lâu nay!
Yên vị trong phòng dịch vụ, giường bên có một cậu thanh niên bị đâm thủng ngực và mấy nhát ở bụng, đã phẫu thuật, đang nằm mê nam.
Thùy vuốt ve phần chân cụt của Thủ qua lớp băng, nói trong nước mắt:
- Ngày mai là Giáng sinh, anh đã không chết! Mất một cái chân mà được sống cùng nhau, cùng các con…May mắn lắm rồi anh ạ!
     Thủ ôm ngang lưng Thùy:
     - Ừ, anh cảm ơn em, cảm ơn em!
     Ngoài kia, tiêng còi xe cấp cứu vọng vào phòng, Thủ thoáng nghĩ: Nếu không chết, thì mọi tai ương đều là hồng ân!
                                                                
                                                                 Sài gòn, mùa giáng sinh 2015.
                                                             ( Kỷ niệm 05 năm, mất một chân.)
                                                                      Trạch An -Trần Hữu Hội
                                                  


READ MORE - GIÁNG SINH - TẬT NGUYỀN - Truyện ngắn Trạch An-Trần Hữu Hội