Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, February 4, 2018

RAY RỨT MÙA XUÂN - Thơ Xuân Ly Băng, giọng ngâm La Thụy


            
                     Nhà thơ Xuân Ly Băng

Trong nắng đẹp ngày xuân hòa bình hôm nay, chạnh nhớ lại mùa xuân ly tán trong chiến tranh tang tóc của đất nước một thời phân chia, ai mà không chao động cõi lòng, rưng rưng cảm xúc cho non sông bị tàn phá , ruộng nương nhà cửa bị bom đạn cày xới, thấm đẫm máu người. Sinh ly tử biệt sầu dâng! Càng mũi lòng rỏ lệ cho nỗi lòng của người con xa xứ, biệt bóng quê nhà, đau đáu dõi trông về Đất Mẹ bên kia giới tuyến, trĩu nặng khối tình,“ray rứt mùa xuân”.  Xin giới thiệu video clip RAY RỨT MÙA XUÂN. Thơ của Xuân Ly Băng tức Đức Ông  LM Goan Baotixita Lê Xuân Hoa cảm tác từ đầu thập niên 1960.  

   
     

        RAY RỨT MÙA XUÂN

       Đường về mỏi cánh chim bay
       Còn xa hút lắm núi mây… hỡi trời!
       Ta buồn từ độ đôi mươi,
       Mùa thu năm ấy lá rơi phũ phàng…
       Xa quê trong một chiều vàng,
       Bờ tre bến nước xóm làng đìu hiu
       Nghĩ thôi một sớm một chiều,
       Con đò tìm được bến yêu mà về…
       Ngờ đâu biền biệt sơn khê,
       Nhìn mây phương bắc mà tê tái lòng! 
       Mỗi năm một độ mùa đông,
       Mười bảy năm ròng lá rụng hoa rơi…
       Mai nay xuân đã đến rồi,
       Cành mai lại nở sáng ngời hoa mai…
       Nhìn hoa hồn lạnh u hoài,
       Nhớ cành đào cũ ở ngoài quê xưa…
       Đau lòng sớm khổ chiều trưa…
       Biết mấy cho vừa thương nhớ cố hương!
       Ai gây nên nỗi đoạn trường?
       Ai làm nên cảnh nhiễu nhương sơn hà?
       Cho mùa xuân giết mùa hoa,
       Cành mai chích máu trong ta cành đào!
       Nửa đời khổ chuyện binh đao,
       Máu sông xương núi dâng cao ngập trời!
       Thương dân thương nước ngậm ngùi
       Thương người chiến sĩ dập vùi sơn khê!
       Mưa ngàn gió núi lê thê…
       Ngày đi thì có ngày về thì không!
       Mẹ quê đau khổ tràn lòng
       Còn đâu nước mắt để hòng thở than!
       Dân lành bao kẻ chết oan,
       Đồng khô, suối nước, mép ngàn phơi thây!
       Thương người quả phụ hao gầy,
       Tang chồng chưa mãn lại ngày tang con!
       Khăn sô phủ trắng linh hồn,
       Còn đâu máu hận mà hờn chiến tranh!
       Tội tình gì mái đầu xanh?
       Mẹ nào còn sữa mà giành em ơi!
       Xuân sang thương cảm bời bời…
       Nhìn cành mai nở đầy trời hoa mai!
       Mà hoa có biết lòng ai?

                                  Xuân Ly Băng  

READ MORE - RAY RỨT MÙA XUÂN - Thơ Xuân Ly Băng, giọng ngâm La Thụy

NHỮNG LỜI THƯỢC DƯỢC... - Trần Mai Ngân





NHỮNG LỜI THƯỢC DƯỢC...

Mùa Xuân đất trời đầy hương hoa !
Dạo làng hoa Sa Đéc, cả mươi cây số hoa là hoa, sắc hương ngộp sắc hương...
Tôi ngơ ngác, hờ hững ! Có lẽ vì nhiều quá, đầy quá... Và thường sau nhiều, đầy luôn lại là một sự trống tênh lạ lùng ! 
Chụp ảnh - cười, cười - chụp ảnh... Và rồi ra về khi trên bầu trời một vài chùm Sao đã xuất hiện lung linh.

Lên xe, tôi ngồi sau cùng. Cạnh tôi là hai chậu hoa Thược Dược. Bỗng dưng tôi thấy hoa đẹp lạ và có mùi hương say...
Tôi ngắm nhìn hoa trong vũ khúc của tốc độ xe chạy. Khi xe qua những nơi có ánh sáng - bông hoa như trở mình trên nhân gian đầy màu sắc tươi đẹp, muốn vươn đến đôi tay tôi, đôi mắt tôi... Qua khúc quanh xe vào bóng đêm, hoa Thược Dược lại lặng lẽ nhưng không nhoà tan màu sắc. Cái đẹp u huyền trong thinh lặng...
Cứ thế, tôi ngắm mãi, thả hết hồn mình vào hương hoa ngắn ngủi trên đoạn đường quay về nhà...
Quyển thơ NHỮNG LỜI HOA THƯỢC DƯỢC của tác giả Phạm Thiên Thư vẫn nằm ngoan trong ngăn tủ nhỏ với lời chân thành "Cuối đời nhặt được xin dành tặng nhau... "
Bạn có biết ý nghĩa của hoa Thược Dược không ? Đó là sự tươi thắm và tình yêu.
Hoa màu đỏ : Tình yêu của người là hạnh phúc của tôi.
Hoa màu hồng : Tôi nguyện yêu người mãi mãi...
Ai bảo hoa Thược Dược không đẹp không ý nghĩa ân cần.
Tôi xin gửi bạn lời của hoa Thược Dược - trong những ngày giáp Tết khi mọi người đều hạnh phúc đầy an vui này...
Và bạn, và tôi. Ta hãy an nhiên đi, vốn dĩ như lời của hoa vậy!

                                                          Trần Mai Ngân KTD

READ MORE - NHỮNG LỜI THƯỢC DƯỢC... - Trần Mai Ngân

XUÂN VỌNG - Thơ Ngô Hồng Trung

Tác giả Ngô Hồng Trung


XUÂN VỌNG

Nàng xuân đang gõ cửa
Giục từng khóm mai vàng
Đàn én rộng cánh ngang
Nắng nghiêng vành môi úa!

Em bâng quơ bỡ ngỡ
Xuân sắp về rồi sao!?
Vành nón gió lao xao
Tình xa càng gợi nhớ...

Con đò như xa lạ
Một đi chẳng quay về
Thôn nữ đảo chân quê
Bước dồn càng điên đảo

Xuân ơi! Về nhanh thế
Anh nhỡ chuyến tàu về
Mắt ngơ ngác nhìn xe
Xuôi về Trung yêu dấu!

Vọng quê nhà xứ "nẫu"
Đất " Phú" quý trời "Yên"
Gác cả những ưu phiền
La Hai thầm tiếng gọi...

Đây rồi sông ven núi
Kia hộ nhỏ em tôi
Trường xưa giữa Thị đồi
Điểm mai vàng xuân mới


NGÔ HỒNG. TRUNG
READ MORE - XUÂN VỌNG - Thơ Ngô Hồng Trung

CHÙM THƠ TỊNH ĐÀM

     
          Tác giả Tịnh Đàm


NẾU...

Nếu lòng có chút buồn vương
Thì xin em lấy yêu thương gột dần .
Sẽ không còn nỗi phân vân
Khi niềm vui lại về gần bên nhau.


NGHĨA TÌNH

Không rượu lòng vẫn ngất ngây
Say tình , say phút sum vầy bên nhau.
Cố nhân cách biệt bấy lâu
Vui ngày tao ngộ, đẹp câu nghĩa tình.


VẪN LÀ EM VÀ TÔI

Vẫn là sương khói mong manh
Nẻo phù vân tím chiều hanh hao buồn !
Và tôi, hồn gởi cánh chuồn
Về bên đời mộng suối nguồn yêu thương.
Vẫn là em, tóc thơm hương
Tay se sợi nhớ nào vương tơ tình ?
Có hay tôi đứng một mình
Nhìn trong say đắm bóng hình vừa mơ.

                                       Tịnh Đàm
                            (Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - CHÙM THƠ TỊNH ĐÀM

TIẾNG ĐÀN ĐÊM - Thơ Nhật Quang






TIẾNG ĐÀN ĐÊM

Trăng thu ươm giấc mộng vàng
Tiếng đàn tôi vọng giữa ngàn sương mơ
Nghêu ngao hát khúc tình thơ
Nhà bên em chợt vu vơ…nỗi buồn

Đàn đêm ngân chạm ngõ hồn
Rung trầm lưu luyến, bồn chồn…nao nao
Nhà em cổng kín tường cao
Nhà tôi vách lá, cổng rào dậu thưa

Bên thềm Dạ lý đong đưa
Mắt buồn, em đếm sao thưa cuối trời
Hồn tôi lơ đãng xa vời
Quyện theo câu hát, vương lời nhớ nhung

Bao đêm giấc mộng mông lung
Yêu em nào dám…rưng rưng tiếng lòng
Ngờ đâu chim sáo sang sông
Vu quy em bước theo chồng phố xa

Còn đâu mơ mộng...dáng hoa
Đàn đêm ru vọng ngân nga cung buồn.

                                       Nhật Quang

                                         (Sài Gòn)

READ MORE - TIẾNG ĐÀN ĐÊM - Thơ Nhật Quang

MƯA NẮNG PHẬN NGƯỜI - Thơ Tịnh Đàm

     
          Tác giả Tịnh Đàm


MƯA NẮNG PHẬN NGƯỜI
(Thân tặng bác G.T.Điệp)

Vẫn buồn
Như tiếng thở dài,
Vẫn đôi mắt đượm u hoài
Khôn khuây !
Vẫn mong ước
Cuộc sum vầy
Vẫn anh,
Chiếc bóng hao gầy...
Vì đâu !?!
Vẫn chờ đợi,
Đến bạc đầu
Vẫn xa xôi,
Nhớ thương...
Mầu áo xưa !
Vẫn đời,
Sóng gió đẩy đưa...
Vẫn trôi cho đủ...
Nắng mưa phận người !

             TỊNH ĐÀM
    (Hóc Môn, TP. HCM)

READ MORE - MƯA NẮNG PHẬN NGƯỜI - Thơ Tịnh Đàm

10 LƯU Ý KHI CHỌN ĐẤT ĐỂ ĐẶT HUYỆT MỘ - Đặng Xuân Xuyến

   

   10 LƯU Ý KHI CHỌN ĐẤT ĐỂ ĐẶT HUYỆT MỘ
- Trích trong TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến; xuất bản năm 2007 
                         *
Hiện nay, sách về phong thủy và các bài viết hướng dẫn tìm thế đất tốt để đặt huyệt mộ khá nhiều nhưng các bài viết đó hay dùng các thuật ngữ của phong thủy, viết đã dài, lan man, lại không giải thích cụ thể, thậm chí dùng thuật ngữ còn sai.
Ví dụ: “Theo sách địa lý kim cổ ngôi huyệt đúng đất gọi là “huyệt trường”, phải có “tiền án”, “hậu trẫm” (thực ra là “tiền án hậu chẩm” (núi án phía trước, núi gối phía sau), tác giả đã dùng sai thuật ngữ) “tả long”, “hữu hổ”, tức là có những mô đất cao thấp tượng trưng cho án huyệt ao nước, tay long, tay hổ. Ngoài ra trước huyệt phải có “minh đường Thủy tụ” phía sau phải có “long mạch thu thúc”, phía ngoài phải có “bàng sa triều củng”, cốt phải có “tụ khí tàng phong”... Khiến người đọc thấy rối rắm, phức tạp, khó tiếp nhận thông tin cần thiết.
Vì thế, tôi tổng hợp và soạn 10 điểm lưu ý khi chọn đất để đặt huyệt mộ.
Nếu bạn không nhiều “tham vọng”, chỉ ước muốn “mồ yên mả đẹp” để con cháu được hưởng bình an, phú túc và phát phúc đều đều thì bài viết này có thể giúp bạn tự tìm thế đất tốt đặt huyệt mộ cho người quá cố, đáp ứng niềm mong mỏi của bạn.
Cụ thể:
1. - Nơi đặt mộ phải cao ráo (vừa phải), cây cỏ tươi tốt, phía trước huyệt mộ cần thoáng đãng, không bị che chắn... Nếu huyệt mộ nằm trên đồi (hoặc khu đất), được các dòng nước chảy dưới chân bao bọc; hoặc được đồi núi (gò đất) hai bên ôm lấy huyệt mộ ở giữa, phía sau có núi (đồi) cao che chắn, phía trước có ao, hồ, sông nước thì đấy là những thế đất rất tốt để đặt huyệt mộ.
2. - Nơi đặt mộ rất cần yên tĩnh, tránh xa nơi ồn ào, náo nhiệt, có đường đi lối lại... Phạm phải, âm trạch sẽ bị nhiễu, tổn hại tới hồng phúc của con cháu. Nếu mộ có đường đi (hoặc dòng nước) đâm thẳng vào giữa, hoặc đâm xuyên sang hai bên, hoặc đường đi sát ngay phía sau là tối kỵ, chủ lụn bại, tổn hại nhân đinh.
3. - Nơi đặt mộ rất cần tránh nơi nhiều gió để tụ khí. Tối kỵ đặt mộ ở địa thế cao, trơ trọi, sẽ phạm vào thế gọi là “cô phong sát”, đón gió bốn phương, làm cho khí bị tan tác, dẫn đến con cháu bị lụn bại, gặp nhiều xui xẻo, dễ tổn đinh, tuyệt tự.
4. - Nơi đặt huyệt mộ phải tránh chỗ trước đã có người chôn rồi; hoặc có xương thú như voi, trâu, bò, lợn... Phạm phải, con cháu bị bệnh nan y và chết trùng tang liên tục (nhiều người) trong vòng 3 năm.
5. - Nơi đặt mộ long mạch phải chảy, không bị cắt đứt, nếu phạm phải, con cháu sẽ ốm đau bệnh tật, chết bất đắc kỳ tử hay tuyệt tự, không có con trai nối dõi. Cũng không được đặt mộ gần cây lớn, phòng rễ cây đâm vào hài cốt người quá cố sẽ bị động mộ, con cháu sẽ gặp những điều xui xẻo, tổn phúc.
6. - Nơi đặt huyệt mộ phải tránh mặt đất bị lồi lõm, hình dáng kỳ dị, đất đá khô cứng hoặc đặt trên đồi núi đứng đơn độc.
7. - Nơi đặt huyệt mộ tối kỵ đặt trên hoặc cạnh nước ngầm (không phải là mạch nước ngầm); hoặc dưới đáy huyệt mộ có đất đá lổn nhổn sẽ khiến mộ dễ bị sụt, tổn hại đến phúc lộc của con cháu, dòng họ.
8. - Nếu đặt mộ ở nghĩa trang cần tránh bị các mộ xung quanh lấn chiếm, hoặc nằm án ngữ ngay trước, hoặc đâm xuyên vào 2 bên cạnh mộ. Phạm phải thì con cháu lụn bại, tổn hại nhân đinh, nhất là gia đình con trai trưởng của người quá cố.
9. - Khi đào đất (nơi sẽ đặt huyệt mộ) thấy đất phía dưới xốp, nhẹ, đỏ mịn như tròng đỏ hột gà, hoặc có màu ngũ sắc, màu hồng vàng, màu son đậm, màu hồng có vân là đất đẹp, rất tốt cho đặt huyệt mộ.
10 - Khi đào đất lên, đến độ sâu áng chứng sẽ là đáy huyệt phải có mạch nước ngầm (không phải là nước ngầm), nước trong xanh, có mùi thơm. Tối kỵ nước đục, bị ô nhiễm hoặc đáy huyệt không có mạch nước ngầm.
Vùng tệp đính kèm
READ MORE - 10 LƯU Ý KHI CHỌN ĐẤT ĐỂ ĐẶT HUYỆT MỘ - Đặng Xuân Xuyến

ĐỌC “MÙA TRĂNG CUỐI” THƠ LIÊN HƯNG - Châu Thạch

 
         
 Nhà bình thơ Châu Thạch


     ĐỌC “MÙA TRĂNG CUỐI” THƠ LIÊN HƯNG
                                                        Châu Thạch

Tôi hân hạnh có bài được chọn in trong tuyển tập thơ văn “Một thời Để nhớ” cùng  với Liên Hưng và 11 tác giả khác do nhà thơ Chu Vương Miện tài trợ kinh phí để nhà văn Mang Viên Long xuất bản. Không quen biết vơi Liên Hưng nhưng tôi rất cảm mến văn của nữ tác giả nầy qua hồi ký “Có Những Dòng Sông” và tùy bút “Hương Sầu Đông”  mà tác giả ấy đã đăng trong tuyển tập nầy. Hôm nay, được một người bạn giới thiếu bài thơ “Mùa Trăng Cuối” của Liên Hưng, một bài thơ tự sự không những cho chính cuộc đời mình mà còn nói hộ thân phận của cuộc sống, số phận của cuộc tình cho bao thiếu nữ khác, đã làm tôi đi ngược lại dòng sông ký ức về một quê hương mà tôi và tác giả đã sống một thời thanh xuân  êm đềm. Liên Hưng tên thật là Nguyến Thị Liên Hưng, sinh 1957, quê quán Lam Thủy, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị. Tác giả là cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị, hiện sinh sống tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tên trên facebook là Thanh Chương LH.  Sở dĩ người viết giới thiệu kỷ quê hương của tác giả vì cái quê hương đó khác với nhiều quê hương trên đất Việt. Đó là mãnh đất khô cằn “Biển một bên và núi ở một bên”, bị chia cắt, bị cày xới bởi bao cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng nó vẫn rất nên thơ và nó sản sinh ra lắm nhân tài. Ta hãy nghe Liên Hưng tả một phần đời mình sống bên dòng sông của quê hương đó: 

1.
Tôi chào đời
Có mảnh trăng non Tháng Chín 
Len lén nhìn qua song cửa mùa Thu...
Ngày qua ngày, trăng cùng tiếng mẹ ru
Nuôi tôi lớn giữa làng quê mộc mạc
Có những lúc 
trăng ngủ quên bên dòng sông bạc
Để ngàn sao mở hội lưng trời
Trăng theo tôi vào tuổi mộng chơi vơi
Trăng biển vắng soi tình đầu câm nín
Trăng hạ huyền dấu che 
đôi lòng bịn rịn
Nên ngược dòng mình lạc mãi đời nhau

Trong bài “Có Những Dòng Sông” Liên Hưng đã tả con sông nơi tác giả chào đời như sau: Đó là dòng sông “mang tên Vĩnh Định”.”Con sông nhỏ hiền hòa nước trong văn vắt vang nhịp gõ dân chài vào mỗi buổi chiều hôm như giấc mơ êm đềm cứ ở mãi trong tôi”. Ở đó nhà thơ đã tắm cùng người cha thân yêu của mình, nhìn chị mình gánh nước bước đi như là vũ điệu, theo chị mình giặt áo bên sông. Tất cả kỷ niệm đó bây giờ nhà thơ gởi vào khổ thơ trên và lấy ánh trăng làm chủ thể cho đoạn thơ, khiến cho quản đời thơ ấu càng trở nên lung linh và mối tình thời mới lớn tuy phải “ngược dòng mình lạc mãi đời nhau” nhưng vẫn đẹp như là một thiên tình sử. Khổ thơ không có ẩn dụ nào nên không phải phân tích nhiều nhưng, tiếng thơ đưa ta đi vào một nguồn trong trẻo vô biên bởi ánh trăng dịu dàng, bởi ngàn sao lấp lánh lưng trời và bởi tháng ngày êm đềm của tác giả cùng với dòng sông ở hoài trong ký ức. Đọc thơ, ai đã từng ở bên dòng sông thì có lẽ linh hồn mình cũng bay ngay về đó. Nhất là những người bạn của tôi, những người đã từng sống bên dòng sông Vĩnh Định, hay tôi đã từng đi đò dọc trên dòng sông ấy thì tưởng như Vĩnh Đinh là một dòng sông ở cõi thần tiên  mà mình được đến rồi đi để lòng cứ thương cứ nhớ. Từ dòng Vĩnh Định trong thơ, những người con Quảng Trị có lẽ sẽ nhớ thêm  dòng Thạch Hản, dòng Hiếu Giang và nhiều dòng sông khác trên quê hương mình. Đặc biệt nếu ai từng đọc tập thơ “Dòng Sông Ký ức” của Lê Ngọc Phái, một người con của ngôi làng bên dòng sông Vĩnh Định cũng như Liên Hưng, thì hồn sẽ lắng sâu thêm vào một khung trời xanh tươi bên  mé nước bình tịnh  trong khổ thơ đầu của “Mùa Trăng Cuối” mà Liên Hưng mô tả. 
Bước qua phần đầu của khổ thơ thứ hai Liên Hưng cho ta thấy một sự đổi thay khi nhà thơ vừa mới lớn lên, vừa mới bước chân vào đời:

2.
Tôi vào đời
Trăng úa một màu đau
Đêm lạc loài
Trăng soi chân viễn xứ
Về chốn xa lắc lơ
Ai đợi? Ai chờ?
Miền đất lạ bên chiều lay lắt bóng
Trăng nhạt nhòa trong hoàng hôn vô vọng
Theo tháng ngày
Sương lạnh ướt hồn thơ
Trời đất bơ vơ
Miên trường quạnh quẽ
Đêm hao gầy thao thức đối trăng suông

Có lẽ đoạn thơ nầy rất thấm thía với con dân Quảng Trị, ai đã gồng gánh di tản trong “mùa hè đỏ lửa”, ai đã từng chạy qua “Đại lộ kinh hoàng” và ai đã từng dừng chân nơi xứ lạ, nơi núi rừng âm u để dựng mái chòi tranh nương náu. Đoạn thơ không nói nhiều về chiến tranh, về chết chóc, về ly hương nhưng chắc chắn ai đã từng gắn bó hay nghe nói về nơi đây sẽ khó mà quên những đoàn người lũ lượt chạy trong lửa đạn tơi bời và một thị xã sầm uất đã biến thành rừng. Rồi thì cùng với đoàn người đó, Liên Hưng không còn “Trăng vào tuổi mộng chơi vơi” nữa mà phải nhận những mùa” trăng úa màu đau” soi bước chân gập ghềnh nơi viễn xứ.  Cuộc tình của “Trăng hạ huyền dấu che đôi lòng bịn rịn” cũng trôi theo cơn chạy loạn để “Ai đợi? ái chờ?” nào ai biết ai, nghĩa là tan ra trong khói lửa. Tất nhiên đoạn thơ đem đến cho ta một nỗi buồn. Nỗi buồn đó càng thấm thía hơn khi tác giả kéo dài cuộc sống lay lắt bóng ở miền đất lạ để nhìn “ Trăng nhạt nhòa trong hoàng hôn vô vọng” trong những “Đêm hao gầy thao thức đối trăng suông”. “Đối trăng suông” cho ta hình ảnh cô đơn nơi trời viễn xứ. Đoạn thơ phả vào hồn ta tất cả hơi lạnh của trăng. Nó không chỉ là thứ trăng của bao bài thơ lảng mạn  về tình. Nó còn là một thứ trăng chứa chấp niềm đau của khổ cực, của bạc bẻo, của thân phận một con người bất đắc chí, của lình hồn một kẻ lưu đày nơi xứ lạ, chịu bất công giữa đời. Nó không chỉ là niềm đau của một người mà mang niềm đau của một thế hệ, giống như câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta sinh ra nhầm thế kỷ/  Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” Tất nhiên đó chỉ là tâm trạng của nhà thơ chớ không có quê hương nào ruồng bỏ, giống nòi nào lại khinh những đứa con thất cơ lỡ vận do thời thế tạo nên cả. 
Đoạn thơ kế tiếp chỉ là những tiếng thở dài. Tiêng thở dài của dòng sông xưa như hòa chung cùng tiếng thở dài của dòng sông đời người  vì cả hai đều chịu cảnh “Bến Lạnh/ Chiều rơi”:

Bao năm sống kiếp đoạn trường
Kiếp tằm khóc cảnh tơ vương đọa đày
Gió chiều se lạnh bàn tay
Đường tình gió thoảng mây bay ngậm ngùi
Tìm đâu một thoáng đời vui
Chỉ là kỷ niệm chôn vùi xót xa
Dòng sông còn âm vang tiếng hát
Bến lạnh
Chiều rơi

Đoạn thơ cho ta thấy tác giả vẫn còn ôm ấp mãi kỷ niệm  dầu mối tình năm xưa chỉ là mối “tình đầu câm nín”. Không hiểu sao các cô nữ sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị thường nhớ đến mỗi tình đầu thế nhỉ? Tôi đã đọc bài thơ “Một Mùa Dâu” của Quang Tuyết nói về tình đầu thật hay và bây giờ  lại đọc “Mùa Trăng Cuối” của Liên Hưng cũng tha thiết với mối tình còn đang thời e ấp. Cả hai bài thơ khiến lòng tôi vui lắm, nhớ lại và chắc phải cảm ơn người con gái năm xưa cũng học Nguyến Hoàng và có lẽ giống như hai nhà thơ nữ kia, cưu mang mối tình đầu của chúng tôi mãi mãi.
 Phần lớn những nhà thơ, thường cho tình tan vỡ suốt một đời, để ôm niềm đau như cơn bệnh trầm kha trong cuộc sống. Liên Hưng khác. Tác giả cho ta một mùa trăng ấm lòng hơn: 

3.
Dòng đời trôi
Dòng sông trôi
Vạt nắng đổ dài thuyền ai lấp loáng
Mưa gió bao mùa chưa mỏi mái chèo xưa
Lấp lánh sao thưa
Cho trăng bừng tỉnh thức
Cho tim người
Thôi day dứt sầu đau
Thì ra mình còn có nhau
Đâu cần hò hẹn kiếp sau đợi chờ
Mấy mươi năm giấc mộng hờ
Khóc cười dâu bể ai ngờ hôm nay
Cảm ơn bàn tay vén mây...
Cho đêm trăng tỏ cho ngày sương tan
Trăng dịu dàng
Trăng rất hiền
Lung linh soi bóng con thuyền an nhiên

Có lẽ Trời không phụ người chung thủy “Mưa nắng bao mùa chưa mỏi mái chèo xưa” nên cho họ đoàn tụ chăng? Khổ thơ không nói rõ họ đoàn tụ thành vợ thành chồng hay họ chỉ  gặp nhau rồi đối đải nhau như Kiều và Kiêm Trọng, buổi đoàn viên chỉ hẹn xem nhau là bạn tri giao . 
Tôi không biết cuộc tình trong thơ là hư cấu hay đó là sự thật nhưng sự đoàn tụ đã làm vơi nỗi đau ly biệt và tạo niềm vui an lạc trong lòng. Câu thơ “Thì ra mình còn có nhau/Đâu còn hò hẹn kiếp sau đợi chờ” cho ta cảm tưởng sự thanh khiết trong tâm hồn hai người. Ta có cảm tưởng nếu họ không sống cùng nhau,thì họ biết hai người còn sống giữa cuộc đời là xem như có nhau. Họ không cần hò hẹn đến kiếp sau nữa vì kiếp nầy họ đã có trong nhau rồi. Trăng ngày xưa không còn là trăng ngày nay nữa nhưng mừng cho họ vì trăng ngày nay không “nhạt nhòa” như một thời tưởng như “vô vọng”. Trăng ngày nay đã “dịu dàng”, nên thơ để soi bóng con thuyền đời rất an nhiên của họ trôi về một tương lai tốt đẹp.
Bài thơ thật hay, như âm thanh một con sông trôi êm đềm, rồi ầm ầm băng qua thác ghềnh, rồi bình tịnh trên một bình nguyên nào đó. Trăng lung linh, rồi vàng vọt rồi lung linh như đêm rằm có cơn mưa xối xả. Sau cơn mưa trăng lại sáng.
Bài thơ đặt vào lòng ta một vết thương đã lành nhưng vết sẹo vẫn luôn còn đó. Ta vẫn thích chạm tay vào sẹo vì nó hằng trên da thịt để biết nỗi đau cùng đi với ta suốt đời không quên được, nhưng niềm vui lành bệnh vẫn làm êm ái tâm hồn.
Cuối cùng bài thơ khác với những bài thơ tình vì nó có hậu, cho người đọc một nụ cười viên mãn . Ngoài ra tiếng thơ thanh bai, quyến luyến, để cảm xúc trôi theo từng dòng dưới ánh trăng của tuổi thơ,của quá khứ và của ngày nay, biến đổi màu sắc không ngừng trong mỗi khổ thơ mà mỗi khổ thơ ấy thể hiện mỗi giai đoạn của đời người./.

                                                              Châu Thạch




MÙA TRĂNG CUỐI

1.
Tôi chào đời
Có mảnh trăng non Tháng Chín 
Len lén nhìn qua song cửa mùa Thu...
Ngày qua ngày, trăng cùng tiếng mẹ ru
Nuôi tôi lớn giữa làng quê mộc mạc
Có những lúc 
trăng ngủ quên bên dòng sông bạc
Để ngàn sao mở hội lưng trời
Trăng theo tôi vào tuổi mộng chơi vơi
Trăng biển vắng soi tình đầu câm nín
Trăng hạ huyền dấu che 
đôi lòng bịn rịn
Nên ngược dòng mình lạc mãi đời nhau

2.
Tôi vào đời
Trăng úa một màu đau
Đêm lạc loài
Trăng soi chân viễn xứ
Về chốn xa lắc lơ
Ai đợi? Ai chờ?
Miền đất lạ bên chiều lay lắt bóng
Trăng nhạt nhòa trong hoàng hôn vô vọng
Theo tháng ngày
Sương lạnh ướt hồn thơ
Trời đất bơ vơ
Miên trường quạnh quẽ
Đêm hao gầy thao thức đối trăng suông
Bao năm sống kiếp đoạn trường
Kiếp tằm khóc cảnh tơ vương đọa đày
Gió chiều se lạnh bàn tay
Đường tình gió thoảng mây bay ngậm ngùi
Tìm đâu một thoáng đời vui
Chỉ là kỷ niệm chôn vùi xót xa
Dòng sông còn âm vang tiếng hát
Bến lạnh
Chiều rơi

3.
Dòng đời trôi
Dòng sông trôi
Vạt nắng đổ dài thuyền ai lấp loáng
Mưa gió bao mùa chưa mỏi mái chèo xưa
Lấp lánh sao thưa
Cho trăng bừng tỉnh thức
Cho tim người
Thôi day dứt sầu đau
Thì ra mình còn có nhau
Đâu cần hò hẹn kiếp sau đợi chờ
Mấy mươi năm giấc mộng hờ
Khóc cười dâu bể ai ngờ hôm nay
Cảm ơn bàn tay vén mây...
Cho đêm trăng tỏ cho ngày sương tan
Trăng dịu dàng
Trăng rất hiền
Lung linh soi bóng con thuyền an nhiên

                               Liên Hưng 
           (Mùa trăng cuối năm Đinh Dậu)

READ MORE - ĐỌC “MÙA TRĂNG CUỐI” THƠ LIÊN HƯNG - Châu Thạch

THƠ XUÂN NGUYÊN LẠC


   
                Tác giả Nguyên Lạc



GIAO THỪA LẠNH ĐỦ CHƯA ?

Xuân về. buồn lắm người ơi?
Thở dài. nhìn giọt nến rơi. bóng đùa
Giao thừa. gió lạnh đủ chưa ?
Đem tình ra đốt. chắc vừa đủ đau!


GIAO THỪA XỨ LẠ

Mù sương. đèn khổ. con đường
Đón xuân xứ lạ. bình thường đi tôi !?

Giao thừa. da diết buồn thôi !
Ngó quanh. cây quạnh. thoảng lời gió than !

Căn phòng. bóng gẫy. nến tàn
Sầu theo tim lụn. lệ tràn câu kinh
Hữu thân. hữu khổ. hữu tình
Quên làm sao được. những hình ảnh xưa ?!

Sông sâu. râm mát bóng dừa
Câu ca dao. với. điệu hò ngày nao
Dáng người. giờ ở phương nào
Giao thừa chỉ thấy. một màu thê lương !

Nhớ ơi. phượng đỏ sân trường
Tiếc ơi tuổi mộng. lời thương ngày nào !
Hận ơi. tháng ấy xuân nao
Bể dâu. ly biệt. lệ trào xót tim

Giao thừa ngày cũ. khôn tìm !
Chỉ còn tích tắc. tiếng buồn thời gian !

Nhớ chi. để khổ hận tràn ?!
Đến chi xuân. gợi. nữa trăm năm sầu ?!


 XUÂN VỀ

Một cành mai nở sớm
Xuân về rồi phải không?
Con chim vang tiếng hót
Sao sầu động trong lòng?

Mây trắng bay vẫn bay
Phuơng nào ai hay biết !
Tóc xanh giờ đổi thay
Bạc màu buồn da diết ! 

Năm cũ rồi giã biệt
Thời gian vèo qua song
Lột vỏ từng tờ lịch  
Còn chữ sầu bên trong

Một cành đào nở sớm
Xuân về người biết không?
Ngày mới hương xuân đượm
Sao lệ chớm lưng tròng?!

Một khối tình rất cũ
Sao hoài mới trong tâm !?!


                 Nguyên Lạc  
                                    
READ MORE - THƠ XUÂN NGUYÊN LẠC

XUÂN QUA CỬA VIỆT - Thơ Huy Uyên





XUÂN QUA CỬA VIỆT

Mưa rã rích buồn qua Cửa Việt
Biển mênh mông cầu nối hai bờ
Lơ thơ quán nghèo hàng đợi Tết
Xác xơ thôi ngày Formosa xưa.

Lay lắt bên đường những chòi nhà
Im lìm nằm đầu đường cuối phố
Quằn quai hai bên cát xám trơ màu
Đường 24,Phước-Thị băm thương nhớ.

Những con bò trơ xương cày ruộng
Những bước chân quê theo bám gót cày
Đám chim én, ắt là khấp khểnh
Bướm kéo về chấp chới cánh bay .

Hoa cỏ xanh tím mấy miền quê
Đã quên tiếng chim trong thành lá
Đường làng xưa vắng bóng trơ cây
Đã chết bọt sủi đồng, tăm cá.

Đâu rồi ngày thanh-bình Cửa Việt
Sầm uất xưa nằm ngũ trong vườn
Bờ tre,đám mạ quê gục chết
Đã qua đi rộn rã những ngày xuân.

                                     Huy Uyên
                                      (2-2018)

READ MORE - XUÂN QUA CỬA VIỆT - Thơ Huy Uyên