Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 25, 2014

VIDEO CLIP CHÀO XUÂN GIÁP NGỌ 2014 - La Thuỵ


               


Bạn Nguyễn Hoàng Trâm Anh thực hiện video clip này tặng La Thuỵ


  
READ MORE - VIDEO CLIP CHÀO XUÂN GIÁP NGỌ 2014 - La Thuỵ

THÁNG GIÊNG - thơ Tú Yên

Tác giả Tú Yên


Tháng giêng hoa vàng đầy ngõ
Dáng xuân thấp thoáng bên đường
Nắng mới theo về giăng trải
Tiếng cười níu gió vương vương

Tháng giêng tóc xanh con gái
Nhẹ nhàng tỏa xuống bờ vai
Mùa xuân chợt như dừng lại
Nhìn em suối tóc hoa cài

Tháng giêng đi qua vội vã
Cành mai trĩu cánh chao nghiêng
Luống cải bên vườn mơn mởn
Theo xuân tình gởi mọi miền

Tháng giêng dư âm đọng mãi
Cung đàn theo gió vang ngân
Mưa xuân vương đầy áo mới
Em về chân sáo lâng lâng.

                                   Tú Yên


READ MORE - THÁNG GIÊNG - thơ Tú Yên

NỖI LÒNG ĐÊM XUÂN - thơ Vĩnh Hoàng


Tác giả Vĩnh Hoàng


Đêm hôm nay em của anh không ngủ
Đón giao thừa mừng xuân đến rồi đây
Gia đình ta đoàn tụ cảnh sum vầy
Bên nồi bánh đang rộn ràng bốc khói
Trên bàn thờ đèn sáng trưng vời vợi
Mùi hương trầm ngát toả cả không gian
Mẹ quỳ xin cho non nước bình an
Em đứng lặng nguyện cầu cho anh đó
Con chúng ta đang no tròn giấc ngủ
Sau một ngày trông ngóng đón ba kia
Nó hỏi em sao ba vẫn chưa về
Em chua xót xoa đầu con khẽ nói
Này con ơi; quê hương còn lửa khói
Ba chưa vè con đùng có trông chi
Rồi bỗng nhiên lệ em ứa hoen mi
Em đứng lặng nghe lòng mình thổn thức
Xa xa đó mấy tiếng gà nao nức
Báo xuân về năm mới đến rồi anh
Em thẩn thơ ra cữa đứng một mình
Buồn tê tái mắt nhin ra biên ải
Mấy xuân rồi anh em chưa trở lại
Để em chờ con đợi má buồn trông
Nơi biên cương anh có biết cho không
Rằng em đã và đang mong chờ lắm

Vĩnh – Hoàng
Xuân Canh Tuất 1970 

READ MORE - NỖI LÒNG ĐÊM XUÂN - thơ Vĩnh Hoàng

Thơ Trà Thanh Lam: NĂM THÁNG ĐỢI CHỜ, HOA CAU




Năm tháng đợi chờ 

Một thuở ở rừng tiếng ve râm ran
Khát khao một khoảng trời phượng đỏ ...
Nhớ lại ngày xưa “sân trường rực lửa” 1
Tạm biệt nhau, bỏ cây bút...lên đường!

Em vẫn đi về xóm nhỏ yêu thương
Vẳng câu hát lời ngọt ngào Ví dặm
Giữ hộ anh, nụ cười đưa tiễn...
Hẹn ngày về em đón dưới bờ tre.

Anh nhớ thương con đường cũ chiều quê
Ngày đi học hai đứa mình chung lối
Nói làm chi để lòng thêm bối rối!
Chuyện tương lai... nào ai biết bao giờ?

Và hôm nay tôi viết vội vần thơ
Khắc khoải suốt cả một đời biến đổi
Để nhớ mãi tuổi thanh xuân sôi nổi
Dám hy sinh cho Tổ quốc rạng ngời

Ngày trở về xao xuyến mãi trong tôi
Và nhớ lại tuổi dại khờ thuở nhỏ
Tình yêu ta tựa như ngọn gió
Thổi vi vu xuyên suốt cả một đời ...

1.2014


Hoa cau

Tôi trở về khu nhà cũ ngày xưa
Tiếng chim hót trong vườn cau nở trễ
Luống trầu ơi sao vẫn xanh đến thế ?
Duyên cớ chi hoa cau trắng lại buồn ?

Em đến thì, nên em phải bén duyên
Anh không buồn can chi mà dụi mắt
Đàn chim cứ ngõ nhà em mà hót
Để ai buồn ?
giọt lệ cứ rưng rưng ...

Ngày xưa ơi !
sao ta chẳng hiểu mình !
Tằm vẫn nhả tơ, mưa rơi, én liệng...
Anh nhớ em mắt cười lúng liếng
Tiễn đưa người...
đẫm lệ...
nón che nghiêng !

Anh trở về trước ngõ đã từng quen
Đời chinh chiến bao thăng trầm nếm trải
Bao khát vọng, bao tình yêu - chờ đợi
Để dành em –
nay vô nghĩa mất rồi ?

Mùa xuân về vời vợi những buồn vui ...
Tôi lặng lẽ bên gốc cây vườn cũ
Âm thầm một mình...
chôn vùi quá khứ !
Rồi ra đi...
hoa cau trắng ...
nhạt nhòa ...

1.2014
Trà Thanh Lam


1 Tổng động viên , học sinh tốt nghiệp PTTH lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

READ MORE - Thơ Trà Thanh Lam: NĂM THÁNG ĐỢI CHỜ, HOA CAU

Thơ Hồng Duyên: THOÁNG PHÙ DU, LÊN NGÔI, TĨNH GIẤC MƠ


Tác giả Hồng Duyên


THOÁNG PHÙ DU

Ai than thở giữa đêm về tĩnh mịch?
Hàng thông già ngồi kể tích chuyện xưa
Có chàng trai mơ cái nắng đã thừa
Chợt chân té cây cầu dừa gãy đổ

Mấy mùa phượng con sông dài khắc khổ
Sóng ì ầm không có chỗ tựa nương
Khách du hành cho vay mượn  tình thương
Khoảng đất trống thành vườn hoa hạnh phúc

Nhìn kỷ niệm như món quà trang sức
Lời yêu thương như kẹo mứt giao thừa
Tan cuộc rồi cũng chấm hết đón đưa
Dứt tiếng pháo là dầm mưa chịu trận

Ai bạc bẽo chỉ mình ngồi tự vấn
Mối tình thơ như phấn điểm trang đời
Như dầu thơm lan tỏa khắp muôn nơi
Người ngưỡng mộ
Ta dời chân
Chạy trốn!!

Hồng Duyên

***

LÊN NGÔI

Xuân mở cửa mời anh vào sưởi ấm
Em!
Âm thầm đặt dấu chấm nửa câu
Nhờ vần thơ làm điểm nối nhịp cầu
Xua cái lạnh…
Trái sầu riêng không chín.

Mượn ai đó đem vào thơ em vịnh
Anh!
Như thiên thần tĩnh thức hồn hoa
Không có anh…
Em không trở lại nhà
Khi quá vãng thơ ca rồi sẽ chết!

Qua trang khác…
Nhưng sao mà giống hệt…
Cái buổi đầu…
Em biết tết từ anh!

Lạnh thịt da sao bằng băng giá tâm?
Nhờ chút lửa anh nhen thầm mà ấm
Hoa Tím nở xòe năm cánh rất chậm
Nhưng chân tình không ai sắm được đâu

Bài thơ anh
Che hết nỗi sầu
Hay tình anh đó  bắt đầu lên ngôi?

Hồng Duyên

***

TĨNH GIẤC MƠ

Trong giấc ngủ em thấy ngàn hoa lạ
Khoe sắc hồng khám phá một tình yêu
Người xưa ơi hoa tím rụng đường chiều
Cơn lốc bão thiêu rụi hồn...
Băng giá

Ai còn nhớ?
Riêng lòng em xa lạ
Giấc mơ nào cũng vội vã chia tay
Thương làm sao những cánh nhỏ hoa mai
Chờ đón tết mà cay nồng sóng mũi

Chút kỷ niệm biển lửa thiêu tàn rụi
Em giật mình...
Thức!
Tuổi phận quần thoa
Ngồi bên em
Anh ru mãi câu hò
"Thương em đứt ruột anh giả đò làm lơ"
Ngó song cửa giấc mơ tan theo màu nắng

Dưới  bến sông mặt nước im lìm phẳng lặng
Em mĩm cười
Không thể nào vắng anh!

Hồng Duyên



Nguyễn Hồng Duyên
Cà Mau
hoatimhd@yahoo.com.vn
Số đt: 0913417239
READ MORE - Thơ Hồng Duyên: THOÁNG PHÙ DU, LÊN NGÔI, TĨNH GIẤC MƠ

CUỐI NĂM, truyện ngắn Trạch An-Trần Hữu Hội


Tác giả Trần Hữu Hội


      Thắm xuống giọng năn nỉ:
      -Thì hôm bữa chị nói khi nào trả cũng được nên em mới mua, giờ tết nhất chị đòi, lấy đâu em trả, cho em qua tết, cân mía xong là em trả hết cho chị.
      -Ai đời mua vải may đồ cho con nhập học hồi tháng tám đền giờ, cuối năm không trả lấy gì mà mua với bán hả trời!
      Anh Lượng bước ra từ trong căn buồng gỗ, tay cầm nắm tiền bèo nhèo:
      -Tất cả là bao nhiêu chị?
      Đôi mắt chị Thuận bán vải sáng rực:
      -Có ba trăm mốt chơ mấy, xấp quần tây tôi lấy vốn cho đó.
      Anh Lượng đếm tiền trước vẻ mặt thất vọng của chị Thắm, số tiền dư ra được ba chục ngàn.
      -Cảm ơn chị nghe, nhà tôi kẹt quá!
      Chị Thuận vừa ra khỏi ngỏ, Thắm khóc tức tưởi:
      -Nhà còn bấy nhiêu, em tính mua lạng trà, lít rượu trắng, vài lạng mứt tiếp khách, giờ…
      Anh Lượng cũng rươm rướm nước mắt:
      -Anh xuống thằng Toàn  bán  non cho nó thêm ba sào mỳ, qua tết rồi tính lại.
      Anh dắt xe ra ngỏ, chiếc xe trở chứng, đạp đến hộc hơi mới chịu nổ, tiếng nổ của nó như gầm !
      Bao năm nay rồi, cứ đôi ba năm một lần, gần tết là anh mất ăn mất ngủ vì mấy cái nợ trong năm và sắm sửa đôi chút trong nhà cho ba ngày tết. Không phải anh không biết lo toan tính toán, chỉ tại cái cứ tính một đàng, nó lại  ra một nẻo !
      Năm ngoái, làm cái hợp đồng với nhà máy đường của Ấn Độ, thuộc tỉnh ngoài, giá vừa cao lại vừa cân đo khá chuẩn. Anh sắm sửa cho nhà cửa, con cái tươm tất, không gì cũng có kẹo mứt cho ba ngày tết, bạn bè còn có lon bia khui xịch xịch, nhà máy chơi đẹp, tặng cho nông dân  cứ năm tấn một thùng bia! Tưởng năm nay rồi cũng vậy, ai dè.
      Vừa vào vụ thu hoạch, xe chở mía ra, cứ ra gần cuối ranh giới hai tỉnh là Công an Giao thông thổi còi phạt trọng tải. Phạt nặng đến độ nhà máy không dám vào chở mía trong hợp đồng. Không chở quá tải thì lỗ chuyến xe, mà chở quá tải chút xíu là phạt, chẳng có trạm cân, cứ lùm lùm  thùng xe chút là phạt! Nghe đâu nhà máy đường  trong này là của các quan chức cấp Tỉnh hùn hạp nhau, bấy lâu nay độc quyền, nay có tỉnh ngoài mua, họ không chịu! Có không chẳng biết, chỉ nông dân là thiệt!
      Có người thiệt nhưng còn cách xoay xở, Lượng thì vô phương !
                                               
                                                oOo

      Lẫn thẫn vẩn vơ thế nào mà qua nhà thằng Toàn lúc nào chẳng hay, anh quay xe lại trong ngại ngần nhưng rồi cũng phóng thẳng vào ngỏ. Nhà im ắng, Toàn ló đầu ra, mặt còn hầm hầm…lỡ rồi, không vô cũng không được,
      -Có chuyện gì vậy?
       Anh nhìn chậu mai vỡ làm ba mảnh, cây mai lật ra giữa nhà với  dất đai vung vãi, nghỉ thầm : Không đúng lúc rồi !  
      -Có gì không anh Lượng?
      -Có chút chuyện, chú Toàn cho anh mượn ít tiền qua tết tính dược không, anh để thêm cho chú ba sao mỳ.
      Toàn chỉ Nga, vợ của Toàn, đang ngồi bỏ cả hai chân lên salon, hai tay khoanh gối:
      -Anh hỏi nó ấy, làm ăn kiểu gì mà tết tới là không có tiền. Tính tổng cộng năm vừa rồi  bên nội gởi về cả chục ngàn “đô”, không biết nó bỏ đâu hết mà giờ bảo mua năm thùng “Ken” tiếp khách mà ba ngày nay không thấy!
       Lượng nghèn nghẹn trong cổ, mà không nghẹn cũng chẵng biết nói gì lúc này! Không uống “ken” nên anh không biết giá cả thế nào, chỉ biết là đắt lắm, năm thùng thì nhà anh tha hồ ăn tết!
       Nga nãy giờ im lặng, chừng ức quá lên tiếng:
       -Anh cứ hỏi anh Lượng thì biết, năm nay người ta kẹt chưa chở mía mung gì được, chục mối như anh Lượng lấy đâu có tiền mà “ken” với kiếc! Anh không thấy mấy hôm nay tôi chạy quanh, lần nào cũng về không à?
       Toàn vung tay trong không khí, vẻ tức giận không giảm chút nào, như lúc Lượng vào nhà:
       -Thì cứ bảo họ nhà tôi cũng phải ăn tết chứ!
       -Anh đi mà nói, họ không có tiền chứ có phải họ không muốn trả đâu, cứ ru rú ở nhà ăn nhậu, không thấy xung quanh người ta  khóc lên chết xuống với cái nhà máy đường khốn nạn độc quyền à.
       Nhìn gương mặt Toàn, Lượng đoán, nếu không có mình, chắc cô Nga phải ăn vài cái tát. Nó thuộc loại vũ phu và gia trưởng nhất trong đám người quen….
       Nhắm chừng không thể vay mượn gì được với cái “ tình hình rất chi là tình hình” này, Lượng đứng dậy nói:
       -Chú Toàn này, cô Nga chạy quanh đòi nợ không ai có mà trả, cũng như tôi đây đi vay không ai có mà cho vay! Chú đừng nóng nảy nửa, đang khó cả làng!
        Anh cầm khóa xe đứng lên quay ra cửa, Nga nói vội:
       -Anh Lượng, có mấy lạng mứt gừng, anh cầm về cho các cháu.
       Lượng muốn từ chối, nhưng cô Nga đã lẹt xẹt đôi dép vào phòng mang ra, dúi vào tay anh, nói:
       -Anh xuống con Sáng hỏi coi nó có mua không, nó có máy cắt mỳ tại rẫy nên nó mua nhiều để dành qua tết cắt bán cho lái Sài Gòn.
       Lượng cảm động, cổ anh lại nghèn nghẹn. Anh cầm gói mứt, nhưng chuyện xuống hỏi bán cho Sáng thì anh không tính xuống, cô này lần nào mua xong, thỏa thuận giá cả rồi, cứ sau khi cắt bán cho lái  xong là la lỗ, ỉ ôi bớt tiền. Con buôn thì nhiều, nhưng người tử tế thì ít, Cô Nga được cái hay thương người, ác cái “thương người”  nên hay thiệt!

                                                  oOo

       Loanh quanh thêm ba mối, chẳng ai mua, Lượng chán nản. Xe hết xăng, may mà còn  ba chục ngàn trong túi! Đổ xăng xong anh về tới nhà chưa biết tính toán ra sao với cái tết gần kế. Hôm nay hăm chín rồi!
       Vào nhà, không thấy Thắm dâu, thằng con trai học lớp chín đang ngồi chuyện trò tay đôi với Kháng, bạn thân của anh bao năm nay. Bác nói gì với cháu mà thằng nhóc cười vui như xem hài!
       -Ủa, Tết nhất tới nơi sắm sửa thế nào rồi mà giờ còn ngồi tán dốc với con nít?
       Kháng cười ha hả:
       -Có mầy là dại lại hay lo, sắm sửa chi cho sớm, chiều mai, nói con Thắm qua bên nhà đi sắm đồ tết với vợ tao.
      Lượng ngại ngần, lầm bầm:
      -Mày giúp nhiều rồi, tết nhất tao không dám phiền thêm, mà mày cũng có dư dật gì!
      -Giúp cái con khỉ, tiền quái đâu mà giúp. Năm nào tao chẵng thế, cứ chiều hăm chín ba mươi, mày xách giỏ ra chợ là chúng mời như mời tỷ phú, nợ bao nhiêu cũng được.
      -Là sao?
      -Thì hàng tết không lo bán nợ, qua tết cọp nó mua à. Ra tết năm rộng tháng dài, từ từ trả!
      Lượng như vừa uống ly nước mát, thở phào dựa ngửa người ra thành ghế:
      -Năm nào mày cũng vậy à? Đỡ lo quá nhỉ!
      -“Kỷ năng sống”của thằng nghèo mà.
      Kháng tính tình dễ dải, là bạn thân bao năm nay, từ cái ngày đi nghĩa vụ thủy lợi, khai hoang, hồi năm 76, 77… Kháng luôn cười, cái cười của kẻ lạc quan, dù trong những hoàn cảnh “cười ra nước mắt!”. Kháng lập gia đình cũng khá muộn, năm  32 tuổi. Ngày cưới, hắn chẳng có đồng nào, cô vợ là giáo viên, ứng ở trường được mấy chục đồng, mua hai con dê trên huyện miền núi, của người dân tộc Thượng, có anh bạn là tay sành chế biến đồ nhâu, làm dê bảy món cho hai mâm người lớn ngồi trong nhà, còn bạn bè thì  ngồi ngoài vườn  nhậu “bì dê” với rượu trắng.
      Chuyện dọn người lớn và bạn bè  thế cũng ổn. Nhớ hôm lên bàn thờ làm phép theo nghi thức Thiên Chúa Giáo, không có hai cái nhẫn cưới, lúc cha xứ chuẩn bị làm nghi thức đôi hôn phối đeo nhẫn cho nhau, hắn ngoắc tay nói nhỏ với thằng bạn chụp hình:
       -Mày qua bên ca đoàn, mượn tụi nó cho tao hai cái nhẫn, nhanh lên !
       Thằng bạn chụp hình hối hả, cha xứ phải chờ chứ biết làm sao! Hai cái nhẫn cái to cái nhỏ, cùng tay đàn ông nên rộng, tội vợ hắn, cả buổi lễ cứ sợ rơi mất không có mà đền! Xong lễ hắn trả nhẫn cười ha hả với bạn bè:
        -Còn khá hơn đám cưới anh chàng chiến binh trong “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan nhiều phải không chúng mày?!
        Có mấy bạn bỉu môi:
         -Rởm, lãng mạn quá ha !
         -Mình muốn lãng mạn thì nó lãng mạn, muốn bi đát trần trụi thí nó bi đát trụi trần! Không thấy “nàng” của tôi “cười xinh xinh” hoài “bên anh chổng độc đáo” đó à.
         Linh, vợ của Kháng vỗ vào lưng hắn:
         -Xí, sợ muốn chết,  giờ còn run nè !
         -Sợ gì? Em yên tâm, anh sẻ sống bên em đến đầu bạc răng long, không như anh chàng chiến binh dại dột kia “cưới nhau xong là đi” đâu. Mất vợ!
        Thằng bạn chụp ảnh thúc nó một cùi chỏ:
        -Cái mặt mẹt mày, cứ nước đến chân mới nhảy, nói trước tao mượn cho hai cái đèm đẹp, vừa tay vừa chân!
        Hôm ấy, cái bụng vợ nó đã lùm lùm, cha xứ không chịu làm nghi thức, nó dẻo miệng thế nào mà cha xứ cho qua. Chính cái bụng lùm lùm ấy,  sáu tháng sau ngày cưới, vợ nó sinh một bé gái, khá xinh xẻo. Năm kia, nó được hai sáu tuổi, có chàng Việt kiều gần nhà về thăm quê, mê tít, Đám cưới xong, bảo lãnh con bé qua Canada  chỉ trong vòng tám tháng. Thế là thỉnh thoảng nhà Kháng có ngoại viện.
        Tiếng Kháng kéo Lượng về thực tại:
         -Mày có trảy lá cho cây mai không? Bên tao hai chậu búp nhiều quá chừng, đúng giao thừa là nở chắc.
         -Trảy với triếc, có nhớ gì tới nó đâu!
         Kháng đứng dậy, xô vào vai Lượng:
         -Mày làm như tết không tiền là chết tới nơi.
         Lượng cười xô lại Kháng, Kháng dang  ra khoảng trống trong nhà, đi một đường quyền tùy hứng, không thuộc môn phái võ thuật nào, vừa nói vừa xàng chân hoa tay:
         -Hạ cái xác mày thì tao hạ cái một, nhưng hạ cái bi quan và sĩ diện hảo trong đầu mày thì tao thua, đồ gàn!

                                                      oOo
          Kháng về, Lượng nhớ lại cây mai chưa trảy lá, lẻ ra phải trảy trước hai mươi ngày, giờ thì muôn quá rồi. Anh nâng mấy cành xem búp, cái đã nở hoa, cái còn nhỏ…Thằng con trai đến bên anh:
           -Ba, bác Kháng cho, bảo chia cho ba đứa.
           Thằng bé vừa  nói vừa xòe ra trước mắt Lượng hai tờ giấy bạc một trăm xanh lè:
           -Sao con lấy của bác? Mẹ đâu rồi?
           -Bác đưa cho mẹ một triệu, nói còn nợ ai thì đi trả. Mẹ đi trả cho mấy nhà quanh xóm rồi.
           Lượng nhớ tới cái miệng cười rộng hoác của Kháng, anh lẫm bẫm:
           -Mẹ, cái thằng!
           Anh rươm rướm nước mắt rồi khóc thật sự, khóc hừ hừ.

                                           Sài gòn, 12 tháng 01 năm 2014.
                                                Trạch An – Trần Hữu Hội


READ MORE - CUỐI NĂM, truyện ngắn Trạch An-Trần Hữu Hội

thơ Trà Thanh Lam : TỜ LỊCH GIAO THỪA, NÀNG KIỀU

Tác giả Trà Thah Lam


Tờ lịch giao thừa

Mỏng manh tờ lịch cuối năm
Gỡ ra ta ngắm, ta cầm... rồi rơi ...
Nghe như vó Ngựa tới nơi
Đẹp như cánh én giữa trời bao la

Cầm lên nhìn lại nhìn qua
Thời gian mới cũ cũng là đây ư ?
Mặt cũ thấm đượm suy tư
Mặt mới trống chữ còn dư quá nhiều .

Cuộc đời chả lẽ bấy nhiêu ?
Ngày qua,
đêm đến,
sớm chiều,
nắng mưa?
Một năm giây phút giao thừa
Một trang đời mới, nhỏ vừa bàn tay?

Xin dâng đời trái tim này
Chào xuân năm mới tràn đầy niềm vui
Con tằm hãy nhả tơ chơi
Đàn chim én liệng giữa trời trắng mây...

Xuân về hoa nở đó đây !
Nắng vàng rạo rực, một ngày thiêng liêng.




25.1.2014


Nàng Kiều

Ta lớn lên nghe cha đọc chuyện Kiều
Một thân phận nổi trôi dâu bể
Ta không khóc nhưng hồn Kiều nức nở
Hơn ba ngàn câu 1 vẫn một “Đoạn trường...”2

Ba trăm năm 3 còn phảng phất nỗi buồn
Văng vẳng đâu đây trong từng cơn gió thổi
Trên chiếc võng xưa, mẹ ra ta ngủ
Cha vẫn lẩy Kiều mang trăm nỗi xót đau

Và lớn lên... leo lét ngọn đèn dầu
Và tôi đọc thơ Nguyễn Du qua vở
Đời trăm nẻo, bao thăng trầm lịch sử
Hơi ấm chuyện Kiều, làm dậy sóng quê hương

Thời gian trôi vẫn chưa dứt sầu thương
Hồng nhan nay đã hết thời bạc phận
Dẫu sông thơ vẫn bọt bèo, lận đận ...
Số phận “những cô Kiều” nay đã được đổi thay!

Tiền Điền ơi 4 , gió vẫn thổi mây bay
Thương ngày ấy một hồn thơ vĩ đại
Tài sắc cô Kiều khiến bao đời tê tái
Để một Tố Như khắc khoải mãi muôn đời .

24,1,2014

1 . 3254 câu
2 Tác phẩm Đoạn trường tân thanh.
3 Mang tính chất tương đối.

4 Tên làng của Nguyễn Du.


Trà Thanh Lam 
( tên thật là Võ Văn Sửu), 
nguyên là giảng viên trường Đại học Tài chính Kế toán (bộ Tài Chính) mới nghỉ hưu. 
Địa chỉ tổ dân phố 3, thị trấn La Hà,Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. 
Điện thoại 0905.845.037 email: vovansuu@tckt.edu.vn.



READ MORE - thơ Trà Thanh Lam : TỜ LỊCH GIAO THỪA, NÀNG KIỀU

KÍ ỨC CHIỀU BA MƯƠI TẾT - truyện ngắn Ngưng Thu

Tác giả Ngưng Thu


     Hôm nay được tin bà vợ ông Bách vừa mới được đưa từ bệnh viện về, nghe nói kỳ này chắc không qua khỏi, hình như là bác sỹ chạy rồi. Mấy cụ trong xóm bảo nhau: Đã ung thư rồi thì khó mà qua lắm.

     Đó là một người đàn bà mà tôi nhớ mãi trong đời.

Mẹ tôi vẫn ngồi đó, cái thớt vẫn còn nằm lọt trong cái trẹt nom cũng cũ kỹ lắm rồi, hai hàng nước mắt mẹ cứ chảy dài xuống má. Tôi đứng nhìn mẹ mà không biết nói gì, chỉ biết là thương mẹ lắm, nhưng tôi tính tình vốn hay rụt rè ít khi thể hiện tình cảm ra ngoài bằng cử chỉ hành động mà chỉ biết im lặng quan sát, lúc đó nước mắt của mẹ cũng làm tôi rưng rưng.

     Sáng ba mươi tết, nhìn thấy sợi lạc treo cục thịt heo trên đầu bếp, mấy anh em tôi vui mừng đến sướng rơn cả người, mẹ nói là không có tiền mua sắm quần áo tết cho chúng tôi thì cũng hơi buồn chun chút nhưng nỗi buồn đó cũng qua thật nhanh khi biết là không có quần áo mới thì dù gì nhà mình cũng còn có thịt để ăn. Thằng em út tôi mới hai tuổi rưỡi nhưng cũng khoái nhất món thịt kho với trứng của mợ tôi, mỗi khi cúng giỗ cậu mợ mang sang cho một ít, thể nào mẹ tôi cũng để dành cho nó. Út được mẹ cưng ghê lắm. Út oi mà. Mẹ hay nói thế mỗi lần ôm hôn Út.

     Tháng tết này gà trong nhà đẻ cũng đựơc vài ba chục trứng nhưng mẹ đem bán hết chỉ chừa lại cũng tròn mươi quả. Tưởng tượng tới món thịt kho trứng trong mấy ngày tết là mấy anh em tôi quên ngay mọi cái thiếu thốn khác mà cứ là sướng rơn trong bụng. Ôi! cái mùi thịt mẹ kho thì mới tuyệt làm sao, chỉ nghĩ tới tôi cũng đã chảy cả nuớc miếng.

     Trưa đến hơn đứng bóng mẹ mới xong việc chợ đò, vừa gánh cái gánh về đến nhà là mẹ tay xắn áo xắn quần lau dọn nhà cửa làm đủ thứ việc. Ấy là ở nhà đã có mấy cha con dọn dẹp tổng vệ sinh nhà cửa, giặt mùng, giặt mền trước đó mấy hôm rồi. Vậy mà không biết việc đâu ra mà mẹ cứ quần quật suốt. Cũng tới lúc mẹ đem thịt ra chặt kho, tôi đang ở ngoài vườn cùng các em tôi, mấy đứa này đúng là …chỉ thích nghịch đất, mà cũng đúng thôi, con nhà nghèo như anh em chúng tôi có cái thứ trò chơi gì đâu, không nghịch đất em tôi chơi cái gì cớ chứ.

     Có tiếng người gọi ngoài cổng. Mấy em tôi còn đang nghịch đất ngoài vườn, tôi là chị lớn nên hay phụ mẹ lo la rầy nhắc nhở và tắm rửa cho các em. Không biết mẹ và người đàn bà đó nói gì với nhau, một lát sau, người ấy đi ra, tay xách cái xâu thịt mà ba tôi treo trên bếp khi sáng. Tôi và các em tôi ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra với mẹ, chỉ thấy mẹ ngồi đó, nước mắt đâu mà mẹ cứ tuôn ra tuôn ra hoài thế không biết, các em tôi ngây thơ không hiểu gì đứa út thấy mẹ khóc nên cứ cuống quýt gọi: Mẹ ơi! mẹ ơi!

     Mẹ tôi ôm đứa út vào lòng không nói gì cứ thế mà nước mắt tuôn trào. Còn tôi thì cứ đứng ngây người ra đó và nước mắt thì cứ tuôn theo. Tuy không biết gì nhiều, nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu có lẽ là bà ấy xiếc nợ mẹ thôi, làm ăn buôn bán quanh năm trên mảnh đất nghèo nàn này mẹ nuôi chúng tôi lớn lên hàng ngày như thế này cũng là quá vất vả. Năm hết tết đến, nợ nần chỗ khất được chỗ không, mẹ không oán trách người đàn bà ấy mà chỉ thương các con không còn thịt thà gì trong ngày tết nữa…

Lúc đó không có ba ở nhà, ba vừa đi đâu đó hình như là có bác bên xóm gọi qua phụ bác làm tất niên. Nhìn mẹ khóc, lòng tôi thật sự rất đau, tôi không hiểu lắm chuyện người lớn nói gì với nhau, nhưng lúc đó tôi đã học lớp năm, nên tôi cũng biết thương mẹ. Tôi hiểu lòng mẹ, mẹ vất vả vì chúng tôi quá nhiều, đời mẹ gian khổ không sao, muốn cho con cái có miếng thịt trong ngày tết mà cũng không thể, mẹ ngồi yên trước cái trẹt cũ mà gương mặt buồn rười rượi.Tôi luôn để mắt tới mẹ, gió từ cửa bếp thổi vào làm tóc mẹ bay phất phơ, hơn bốn mươi tuổi mà hình như lúc này tôi thấy tóc mẹ trắng đi nhiều, nhìn mẹ ôm em tôi vào lòng, tôi thưong em tôi quá và cũng thương mẹ càng nhiều hơn.

     Một lát sau đó, mẹ tôi vẫn chưa đứng dậy, cứ ngồi thừ ra trước tấm thớt không còn miếng thịt nữa. Trông mẹ già hẳn đi nhiều lắm. Lại có tiếng nguời đàn bà khi nãy ngoài cửa trước, chuyện gì nữa đây? Tôi lo lắng không biết bà ấy sẽ làm gì mẹ tôi nữa, mẹ đã khóc nhiều rồi. Nhưng không, bà ấy đi xăm xăm vào nhà, đi thẳng xuống bếp và tới gần cái trẹt vẫn còn đó, bà thả cục thịt cái bạch xuống ngay tấm thớt gỗ, nhìn mẹ tôi có vẻ hơi bực bực một chút nhưng trong ánh mắt bà ấy là cả sự thương cảm, không nỡ tâm … Chắc là trên đường về bà ấy suy nghĩ thế nào rồi quay ngược trở lại. Mẹ tôi rối rít cảm ơn bà ấy nhưng bà không nghe và cũng không nhìn mẹ mà cứ thế một mạch đi ra … Mẹ ôm em tôi hôn liên tiếp mấy cái rồi lại ngồi chặt thịt tiếp … Mẹ vui vì chúng tôi vẫn có thịt để ăn, nhưng trong ánh mắt xa xăm của mẹ, tôi nhìn thấy một nỗi buồn vời vợi … 

     Đám tang bà vợ ông Bách, cả tôi và ba tôi đều đến. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà ấy lúc xách xâu thịt đi ra khỏi bếp nhà tôi hơn ba mươi lăm năm về trước. Nhưng mà sao tôi không hề oán ghét bà, lúc đó cũng như bây giờ. Khi mà giờ đây bà đã nằm yên bất động và chuẩn bị đi vào lòng đất … Tôi cũng đã thầm cảm ơn bà vì dù sao lúc đó bà cũng đã quay trở lại với xâu thịt trên tay. Con người sống chết là thế đấy. Có những việc làm mà sau bao nhiêu năm người ta vẫn còn nhớ. Đó lá kí ức mà trong đời tôi chẳng thể nào quên … Và có lẽ trong cuộc sống thường ngày, khi chứng kiến sự lớn lên rồi trưởng thành của chúng tôi, lòng bà không hề ray rứt vì cảm thấy mình đã làm rất đúng.

Tôi đưa tay lên ngực mình cầu nguyện. Tôi cầu cho bà ra đi được thanh thản. Gió mùa thu hiu hiu buồn và lòng tôi cũng mang mác một nỗi buồn. Con người sống chết vô thường quá. Thế mới cần phải biết là nên ăn ở với nhau như thế nào trên đời.                                                                                                                                      Ngưng Thu 
2013
READ MORE - KÍ ỨC CHIỀU BA MƯƠI TẾT - truyện ngắn Ngưng Thu