Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân
CUỘC SỐNG MÀ CHỊ CHỌN
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Chị đã không nhận ra ngoài kia thu
đã sang rồi. Chị có chút ngẩn ngơ và tiếc nuối cái nắng hè oi bức mệt nhọc như
chính cuộc sống khó khăn của chị vậy. Cũng chẳng hiểu nổi con người ta nữa, những
vất vả khi qua đi đôi khi lại muốn nếm trải một lần nữa để hiểu như thế nào là
nhân sinh. Cơn gió mùa thu thổi qua mát rượi, khiến chị tưởng như mình đang thả
hồn vào đâu đó, cho đến khi có một người khách tạt ngang qua:
-Cho một đậu váng với một chuối chị ơi.
-Vâng, mùa này ăn chè chuối mát lắm,
nay mới mua được mấy quả bưởi, nấu tươi lắm, thêm bịch chè bưởi không cậu?
-Thôi ạ, chè bưởi ăn không quen.
Tay chị vẫn thoăn thoắt múc chè từ
những chiếc xoong nhỏ để đầy trên chiếc xe hàng
Con con của chị vào những chiếc ly
đã bị cắt đi phần đáy. Chiếc ly nửa ấy sẽ được chèn vào miệng bì cốt để múc chè
vào bì không bị đổ ra ngoài. Thói quen, con người ta xét cho cùng vẫn không bỏ
đi được thói quen của mình, cũng giống như chị khi đã mặc định với cuộc sống
này thường không muốn bứt phá mà chỉ muốn chấp nhận nó. Chiếc xe vừa trờ tới rồi đã lại đi, chị lại quay lại
sự yên tĩnh thường nhật nơi góc đường.
Chị bán chè ở đây ngót nghét cũng cả
chục năm rồi. Ban ngày chị đi làm công nhân giày, còn ban đêm thì ra góc chợ tối
này cùng một cái xe chè nhỏ bán đủ loại: từ chè chuối, bắp, đậu váng, đậu đen,
đậu đỏ đến cả thập cẩm…để kiếm thêm thu nhập. Ngày trước, nơi chị bán là một
con chợ , dù tối nhưng vẫn tấp nập người ra vào, cả những người đi chợ muộn hoặc
công nhân tan ca lai vãng thường ghé mua dăm ba bịch về ăn. Kể từ ngày đường
trên mở đường, khu chợ cũng được dời sang con phố ấy, ngõ nhỏ nơi chị bán trở
nên trầm mặc. Nhiều quán nhỏ cũng dọn sang khu đó bán buôn, chị vẫn bám trụ nơi
này một phần vì : “thuê chỗ trên đó tiền không nổi, cô xem xe chè nhỏ thế này…”
Tôi đã ăn ở quán chè chị cũng bằng
từng ấy thời gian chị mở quán, cũng tâm sự và nghe được nhiều về chị.
-Cô là nhà văn à? Cô thích viết về
cuộc sống của những người đi ngang qua đời cô không?
Đó là cách bắt đầu của chúng tôi.
Tôi thường đến quán chị, so với sự hào nhoáng của
Những hàng quán sáng trưng với đủ
kiểm thẩm mĩ đi theo xu hướng, “quán”của chị đơn giản là một chiếc xe chè với
những chiếc ghế con con trải trên vỉa hẻ. Ngay cả bóng điện thắp sáng cũng chỉ
là một cái đèn tròn đủ lấp ló thấy mặt chủ và khách ăn chứ bóng tối cứ dường
như chực chờ bao quanh căn quán nhỏ. “Câu điện nhờ cô ạ, người ta không lấy tiền
điện nên mình cũng không dám sử dụng bóng to” (ý chị là bóng to tốn điện). Chị
sẽ múc cho tôi một ly chè bắp, thêm rất nhiều đá dăm vì tôi thích ăn lạnh, chè bắp
của chị nấu không quá ngọt, nó khá thanh, vàng đẹp, và chị sẽ tưới lên trên đó
một lớp sữa dừa ngọt lịm beo béo. Những ngày thu này, góc chị bán cũng ít dần
khách, chỉ đôi ba chiếc xe đi ngang qua, thấy quán chè nhỏ nổi cơn thèm thì lai
vãng. Còn lại hầu như cả chị và tôi đều chìm vào yên lặng, tưởng như không có cả
sự tồn tại của nhau. Như khi có một ai đó ghé vào mua thì sự vô hình mới bị phá
vỡ, mọi sự chuyển động mới trở mình bắt đầu sự sống.
-Anh đỡ bệnh chưa chị?
-Cũng – Dường như mỗi khi nhắc đến
anh là chạm vào nỗi đau của chị, chị thở dài một tiếng – Vẫn không bỏ được.
Hai người đến với nhau cũng vì những
thân phận cơ nhỡ chứ không phải bắt đầu bằng
Tình yêu, Như chị nói là khi đàn bà
đến tuổi muốn có một chỗ dựa vào nhưng rồi sống với nhau có bền lâu hay không
cũng vì cái tình cái nghĩa. Ngót nghét cũng cả chục năm trời, đứa con duy nhất
cũng đã vào lớp một. Nhưng rồi cơn dịch đến bất chợt, anh mất việc, bắt đầu sa
vào rượu chè.
-Ông chỉ nhậu nhiều chứ tuyệt nhiên
không bao giờ la mắng chị, lại rất thương con.
Có lẽ cả chị cũng không nhận ra ở một
mảng trời nào đó trong tim, khi chị tìm ra một lí
Do để thứ tha cho một lỗi lầm của
ai nghĩa là chị đã có tình cảm với người đó. Và cứ thế chị cam chịu, không
thoát khỏi, cũng chẳng khuyên anh, vì chị hiểu khi anh tìm đến với hơi men thì
anh cũng bất lực lắm rồi. Uống dữ rồi bị đau rồi phải nằm viện mất cả một thời
gian, mình chị lại gồng gánh gia đình nhỏ. Đôi khi tôi muốn khuyên chị bỏ anh
vì nhiều lẽ, đôi khi chị cũng có ý nghĩ đó nhưng mỗi khi nồi chè cạn, lăng xăng
dọn dẹp bàn ghế, nghe chị nói :” Phải mua thứ gì ngon ngon về cho ổng mới được”
với gương mặt hò reo của một đứa trẻ trong vô thức, cả chị và tôi đều dừng lại.
Lại im lặng vì có người khách tạt
qua, lại nghe chị buôn bán thoăn thoắt:
-Thêm thập cẩm không bé? Còn nóng đấy…Hai
ly đậu xanh đánh thôi à?
Tôi ngồi nhìn vài chiếc xe ngang
qua, nhìn lên chiếc bóng đèn thậm chí độ sáng còn
Không đủ làm chói mắt tôi, nhìn
bóng tối thi thoảng chực chờ bò lên từng chiếc bàn chiếc ghế nhưng nhìn thấy
bàn tay chị đập mạnh chiếc đèn, ánh sáng nhỏ hắt lên, chúng lại chạy trốn. Người
đàn bà ấy, tôi tin biết cách tìm được ánh sáng cho cuộc sống của mình.
-Má ơi, để con trông quán, má ngồi
nghỉ xíu nhan. Con trông hai tiếng rồi má cho con đi đá banh nhan.
Nhìn thằng bé trả treo với chị
trông đến dễ thương. Cái cách chị xoa đầu nó và lau vội vài giọt mồ hôi lấm tấm
khi thu về mà tiết trời vẫn còn nồng màu oi bức. Chị ngồi xuống cạnh tôi:
-Ba nó bảo nó ra đấy, còn ham chơi
lắm, nhưng thương má.
Nét thu sang vẫn còn đượm buồn
trong mắt chị, nhưng lại có ánh hồng của hạnh phúc
Đâu đây. Tôi chợt thấy mọi lời nói
của mình lúc này đều là dư thừa trước hạnh phúc giản đơn của người phụ nữ ấy.
Cuộc sống của chị, lựa chọn của chị, tất cả đều đã thành hình. Đôi khi, hạnh
phúc không cần phải quá cầu kì, nó bắt nguồn từ những yêu thương nhỏ nhoi nhất
mà ta đã dành cho nhau.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định