Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 18, 2023

QUẢNG TRỊ ƠI, ĐẤT SAO ĐẤT LẠ ĐẤT LÙNG - Lê Quang Thái

 



QUẢNG TRỊ ƠI, ĐẤT SAO ĐẤT LẠ ĐẤT LÙNG

Lê Quang Thái



Chính sử ghi chép rạch ròi nói rằng: Ô Châu được đổi thành Thuận Châu và Châu Rí là Hóa Châu. Tuy vậy địa danh Ô Châu cũng như Hóa Châu vẫn được dùng để chỉ một vùng đất mới như lời vịnh về bức dư đồ của vua Lê Thánh Tông.

Chính sử ghi chép rạch ròi nói rằng: Ô Châu được đổi thành Thuận Châu và Châu Rí là Hóa Châu. Tuy vậy địa danh Ô Châu cũng như Hóa Châu vẫn được dùng để chỉ một vùng đất mới như lời vịnh về bức dư đồ của vua Lê Thánh Tông.

Đồ bản “mười ba xứ” mở coi

Hóa Châu xưa thuộc nước phương ngoài

Viết về lịch sử núi sông, thành trì, phong tục, sản vật, nhân vật của khúc ruột miền Trung, từ đèo Ngang trở vào cho đến tận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tác giả Vô Danh Thị đã khập khửng trong việc đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Năm Ất Mão 1555, niên hiệu Cảnh Lịch đời Mạc Phúc Nguyên, Tiến sĩ Dương Văn An đã sửa chữa, hiệu đính và tập thành để đặt cho sách cái tên Ô Châu Cận Lục.

Phong thổ tạo nên tính khí con người. Tiêm bút lông để nghĩ ngợi trầm tư viết lời đề tựa cho sách mới, Dương Văn An đã hạ bút cẩn trọng phê rằng: “Từ khi Đặng Tất nổi tiếng là có tài làm tướng, Dục Tài do chân Khoa bảng xuất hiện thì nhân tài ở phương thổ xứ ta tiến bộ một cách rất mau, có thể ngang hàng với Thượng quốc (là nước Tàu)” (Bùi Lương dịch)

Quảng Trị là đất Ô Châu, câu nói đã trở thành quen thuộc như bài ca:

Quê hương một thưở huy hoàng

Phồn hoa phố Sãi rộn ràng ngựa xe

Bến sông san sát thuyền bè

Bốn phương khách bạn đổ về Ô Châu

Tiếng đàn, tiếng sáo đêm thâu

Điện nam khách nổi trống chầu vang vang

Một thời cảnh của Ô Châu là thế đó, chớ không phải là nơi đồng chua nước mặn, là đất cày lên sỏi đá. Phố Sãi không phải là chợ Sãi mà là tiền thân của chợ Thạch Hãn, mà người dân quen gọi là chợ tỉnh.

Sau nhiểu lần cải cách hành chánh, phân  ranh giới phủ huyện, làng xã đổi tên địa danh vì kỵ húy, nhưng Quảng Trị vẫn còn những phương danh được nhắc nhở như Địa Linh (tức Do Linh), Anh Kiệt (tức Anh Tuấn), Linh Sơn, Tiên Sơn, Vĩnh Định, Bồ Bản, Diên Sanh, Vĩnh Tú, Trường Sanh, Di luân, Cam Lộ, Đạo Đầu, Thi Ông, Diên Khánh, Quảng Điền, Quảng Lượng…

Bên cạnh đóvẫn còn những địa danh rất chi là dan dã, chẳng hạn như La Vang, Khe Mây, Khe Nước Chè, Cồn Tiên, Ba Dốc, cầu Bầu Vịt, Bến Đá Đầu Đông, Đò Xưởng, Đá Nổi, phường sắn, động Ba Màu, Cồn Cờ, Cảnh vật tuy tiêu sơ nhưng gợi nhiều cảm xúc vời vợi về một thời:

Nước Cồn Cờ hòa trong gió mát

Bãi Cồn Cờ nhỏ cát càng xinh

Cồn Cờ ở trước Dinh Cát cạnh con rồng xanh Thạch Hãn. Chính đích thi nơi đây ngày xưa các quan làm lễ hội thề đầu xuân mới với quyết tâm lo cho dân sống no đủ, sống hạnh phúc, tai qua nạn khỏi, giữ trọn đạo thống.

Gặp năm hạn hán mất mùa thì quan chức địa phương, dân làng lo cầu đảo cầu mưa với thần sông núi. Cầu ở đâu? Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Trị cho biết cầu ở trên Trảo Trảo phu nhân ở làng Ái Tử, đền Quê Nương ở động Tam Thanh ở phủ Cam Lộ, đền Cam Lộ ở phường Tân An, đền Thúy Tộc Phu Nhân ở làng Hà Lỗ huyện Hải Lăng.

Riêng có chuyện này mới lạ, chưa tìm ra cách giải thích thỏa đáng được. Đó là ở cùng sách đa dẫn cho biết rằng gặp năm đại hạn, dân làng Trường Sanh, huyện Hải Lăng đến cầu mưa ở cầu Ồ Ồ. Nơi đây có một cái vực sâu, hễ “Dìm con mèo xuống vực thì trời mưa”.

Nếu bảo rằng đó là chuyện huyền hoặc thì sao chính sử đời vua Duy Tân còn ghi rõ là “tục ấy đến nay vẫn còn làm như thế”.

Cả làng Trung Đơn thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng có chuyện lạ chính tôi đã nhiều lần chứng kiến. Hễ một khi bất kì ai đó nấu xôi, nấu bánh chưng , bánh tét mà không kiểm soát kỹ để cho một người trong họ Hồ ngó vào thì dẫu cho có nấu hết củi, hết cả đống rơm mà lễ vật vẫn không chín đều. Nếu kịp thời phát hiện thì chỉ có cách là đi tìm một người họ Hồ khác đến dùng đũa “guậy” vào nồi xôi hoặc thùng bánh thì mới chín.

Về mặt ngôn ngữ thì ở Quảng Trị có nhiều từ nghe lạ lạ, làng Thượng Xá gọi đi bừa là “đi nôm”, làng Trung Đơn gọi cơm là “phạn” vì do kỵ húy, làng Phú Hải ở huyện Hải Lăng là cái gốc đào tạo thầy pháp, cho đến nỗi người Quảng Trị gọi thầy phù thủy là thầy Phú Hải. Đặc biệt, dân làng này có tiếng nói chịu ảnh hưởng rơi động của ngôn ngữ Chàm.

Ở chốn làng quê xuất hiện, có thể nói thẳng là “tưởng chừng như quê mùa” nhưng có ngờ đâu lại sản sinh ra những nhân tài. Có học trò nhà nghèo đến nổi chỉ quen ăn khoai, ăn độn mà sao dạ cứ sáng và thông. Lúc còn bạch diện thư sinh, cảnh nhà nghèo đến độ tua xơ mướp như người học trò ấy vẫn nuôi chí học, vì phải lo phụ việc đồng áng, cho nên có  một hôm trò đi học trễ. Thầy quở rồi buộc anh ta phải đối cho được câu thầy xướng mới được vào lớp:

Sáng khoai, trưa khoai, tối cũng khoai

Trò liền nhanh trí bẩm xin thầy cho đối ngay tươi rằng:

Hương đậu, Hội đậu, Đình cũng đậu

Người học trò này chính đích thị sau này là Hoàng Giáp Nguyễn Văn Chương, sau đổi tên là Nguyễn Lập, người làng Vĩnh Huề, huyện Đăng Xương (nay là Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Ông Đỗ Đình Nguyên khoa giáp thìn, năm Thiệu Thị thứ tư 1844, về sau, ông làm quan đền chức Án Sát tỉnh Hải Dương.

Tôi còn nhớ anh Trần Cảnh Hảo, người phủ Vĩnh Linh, lúc còn niên thiếu sống cảnh khổ cực phải đi bán hương ở chợ rẩy lấy lời cho bố mẹ, lo việc ăn học cho con. Vua Duy Tân có ra câu khá hóc hiểm về chữ nghĩa rằng:

Không vô trong nội nhớ hoài

Ông đối lai:

Ở đình bán hương thơm mãi

Sau này ông theo con đường tân học làm giáo sư trường Sư phạm, được nhà giàu ở tỉnh Quảng Trị gả con gái đẹp cho. Ông có công sưu tập, nghiên cứu, viết sách về luật hỏi ngã trong tiếng Việt.

Là một trí thức uyên bác thế mà ra ứng cử dân biểu năm 1956 bị trượt do “sức ép” phải dồn phếu cho ông “trưởng giả” đọc văn không trôi và chẳng biết ngắt câu sao cho có nghĩa. Người Quảng Trị những “tiếc”cho ông là đã đem công mà chọi gà. Có thể nói hiếu học là “cái vốn” của dân Quảng Trị. Xưa kia đi học thi đỗ tú tài Hán học thì đã mừng, có thể tổ chức lễ khao vọng bằng cách vật heo để làm lễ tạ ơn trên đãi đằng làng nước. Thế mà oái oăm thay ông Hoàng Hữu Đàn đi thi hương đỗ tú tài thì lại bị các bậc khoa mục tôn trưởng của họ Hoàng làng Bích Khê, tổng Bích La, phủ Triệu Phong hạch tội bằng cách căng nọc đánh cảnh cáo trước sân nhà thờ. Tội gì vậy? Chỉ vì những “học trò thi” thuộc dòng tộc này liên tiếp những ba bốn đời thi hương đều đỗ cử nhân.

Cuối đời ông đi tu và trở thành Thượng tọa, được cử giữ chức Trú Trì chùa Hải Đức – Huế. Cố chờ đội thầy về nhận chức mà những vắng biệt tăm hơi do thầy còn đến nỗi người Hoa ở Chợ Lớn phải kính phục “xin bái” về tài phóng bút long của thầy. Thầy đã viết nét chữ lớn về một bảng hiệu tên trường học của người Hoa ở chợ Lớn (nay thuộc sài gòn) một cách xuất thân.

Đất Ô Châu có ngạch phát sinh các bậc danh tặng: “Quảng Trị - Trung kiên; Thừa Thiên – Dạ Lê”. Chỉ tính riêng họ Nguyễn làng Trung Kiên xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã có 5 vị hòa thượng. Riêng Hòa Thượng Thích Nhất Định có tên đời là Nguyễn Nhất Định đã được ghi tiểu sử vắn tắt vào sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Trị, vì ngài là bậc cao tăng và rất có hiếu với mẹ già.

Hòa Thượng Nhất Định đã thân hành đi chợ mua cá về phụng dưỡng mẹ già, Đức Hiếu của ngài đến tận cung vua cũng phải nể vì. Làng Ái Tử có ít nhất hai vị Hòa Thượng. Cả hai vị đã giữ chức Tăng Thống, kế tục sau Táng Thống thích Tịnh Khiết mất năm 1973.

Ngoài ra các làng Đạo Đầu, Bích khê, Phương lang, Cu hoan, Ba Khê, Diên kinh… có rất nhiều vị xuất gia đầu phật, có nhiều người đã đỗ đạt cao trong nước và nước ngoài.

Còn về Công giáo thì chẳng mấy thua kém gì. Đất Quảng Trị có đến 3 giám mục: Lê Hữu Từ, Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám mục Nguyễn Như Thể. Ngoài ra ngạch đất Ô Châu cũng đã sản sinh ra những linh mục làm sáng đạo đẹp đời. Các vị đều xuất thân từ những làng quê như Thạch Hãn, Trí Bưu, Bố Liễu, Đại Lộc, Như Lý, Văn Quỷ, Đồng Giám, Dương Lệ, Dương Lộc, Di Luân - (Di Loan)…

Sống trên đời ai cũng có lí tưởng cao đẹp, sống theo đạo làm người. Người có đạo chú trọng đến phần hồn. Trên đất thị xã Quảng Trị có chuyện chết rồi mà sống lại, đội mồ mà tìm được đường về nhà giữa đêm khuya lạnh ngắt và thê lương mới lạ đời. Con người ấy chính là ông thợ Lợ, làm nghề thợ guốc bán ở chợ tỉnh tức chợ Thạch Hãn, nhà ông ở tại xóm Tiêu, làng Cổ Thành nay là ngoại vi cách Thành Cổ chừng hơn một trăm cây số theo đường đi.

Năm 1972 tại ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình xảy ra bệnh dịch tả hoành hành ác liệt, khiến cho toàn quyền Đông Dương ra lệnh nghiêm ngặt, cấm hoặc hoãn những buổi hội họp, đình đám. Đại hội La Vang trúng vào năm ấy cũng bị hoãn. Ai chết là phải tức tốc chôn liền, chôn ngay.

Ông thợ Lợ chẳng may bị bệnh nặng rồi chết về đêm, người nhà lo tẩm liệm sơ sài rồi nhờ bà con đốt đuốc đi chôn ở bãi Nhan Biều. Thưở ấy, có một chặng sông Thạch Hãn bị cát bồi cạn ở phía bãi cát trước bờ chùa phía nam. Người ta có thể lội qua, về từ bờ này sang bờ kia. Táng ông Lợ xong, người nhà ra về. Ai ngờ gần 4 giờ sáng ông Lợ sống lại vì lý do hồi hương sinh mạch, bung chiếu, đội mồ đi tìm được đường đi về nhà gọi cửa, khiến cả nhà ai nấy đều thất kinh hồn vía. Thưở ấy, vì người chết quá nhiều, không kịp sắm hòm và cũng không có tiền để mua hòm nữa là đằng khác.

Sinh tử là chuyện tại mệnh số con người. Thọ là điều phước mà ai cũng cầu. Càng giàu, càng ở địa vị cao ai cũng lo sao cho được thọ được sống lâu, giàu bền. Cầu thọ cho mình thì phải chúc thọ cho người. Danh mà được thọ mới là người tuyệt quý. Tháng tư năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16 (1835) nhà vua ngự ở từ kinh đô ra hành cung trong thành Quảng Trị bằng đường thủy. Từ Huế theo Sông Hương, sông Gia Hội ra Phá Tam Giang rồi theo sông Vĩnh Định đến thủy hành cung ở sông Thạch Hãn.

Vua bảo với các quan hầu rằng:

-“Ngày trước ta đi thuyền đến địa phận xã Ngô Xá, trông thấy một người đàn bà già, sai hỏi tuổi thì người ấy nói rằng 117 tuổi chưa biết có xác thực hay không, nhưng đại phàm người chỗ mạch đất núi sông thanh tú thì phần nhiều thọ, hoặc già cũng có lý đấy”.

Núi sông thanh tú tức là nam thanh nữ tú chẳng khác đất Thừa Thiên trai hiền, gai lịch vậy.

Nhân dịp này nhà vua bèn sai đẩy xe đi xem tường thành mới xây đắp, thấy các kỳ lão thuộc hạt Quảng Trị đang đứng đón để chiêm bái. Các cụ già có người đi chậm không theo kịp, khiến các bậc quan phủ huyện phải cõng các bậc trưởng lão đi.

Vua Minh Mạng có óc hài hước lại có tính hay giỡn như vua cha vậy. Nhà vua liền cười duyên và nói rằng: “Lũ ấy ngày thường làm cha mẹ dân, nay cõng người già đến chiêm bái thì hầu như con của dân rồi !”

Trong bối cảnh lịch sử kỳ thú này, thì có sự trùng phùng của “Dân chi phụ mẫu” với “Phụ mẫu chi dân” mà bình thường hay nhầm lẫn.

Có một nét độc đáo là trong hàng bô lão ấy có 5 người trên trăm tuổi, người thọ nhất là 107 tuổi, được ưu tiên đặc cách thương một đồng kim tiền Phi Long hạng lớn. Người xưa tin rằng, hễ đất có nhiều người thọ là điềm báo trước của sự thịnh vượng sẽ có thánh nhân ra đời.

Việc chọn đất để đóng tỉnh thành là việc mà các chúa Nguyễn và vua Nguyễn rất quan tâm. Phải suy tính, thẩm định theo phong thủy học (mà ngày xưa gọi là khoa địa lý) mới tìm ra và chọn được những cuộc đất như Ái Tử, Thạch Hãn, Tân Sở. Ngày này không những các thế hệ con cháu phải thừa nhận là tiền nhân ta có tầm nhìn chiến lược và lại khớp đúng với tinh thần khoa học. Sau này người Pháp và người Mỹ cũng thừa nhận là đất Ái Tử là cuộc đất xứng đáng để xây đồn lũy, lập phi trường. Tỉnh Quảng Trị có nhiều bãi đáp hoặc phi trường như Ái Tử, Nhan Biều, La Vang, Đông Hà, Tà Cơn…Rốt cuộc vào vào thời hiện đại hóa chẳng còn phi trường nào, âu đó là điều lạ, cần phải suy ngẫm là bởi tại ai?

Theo sách “Minh Mạng Chính yếu” thì năm 1833 nhà vua đã từng có lời bình về cuộc đất được chọn để nâng thành Quảng Trị là thích hợp và thuận tiện như lời tâu của thư Tuấn Vũ Nguyễn Tú. Trước đó, nhà vua đã ra lệnh cho các địa phương cố ra sức đi tìm cuộc đất khác để đóng tỉnh thành nhưng rồi không có cuộc đất nào thay thế được Thạch Hãn cả.

Nhà vua bèn bảo ban rằng: “Địa dĩ nhân nhi thắng” nghĩa là mảnh đất này sản sinh ra người tài giỏi. Chính vì vậy mà tổ tiên ta lập miếu Thành Hoàng, Đàn Xã Tắc, Văn Miếu ở mảnh đất này. Nay có biết các dấu vết đó còn dấu tích gì và nằm ở đâu thì chỉ việc soi đuốc mà đi tìm. Riêng văn Miếu thì mãi đến năm 1980 dời về làng An Đôn nay thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong.

Vua nhà Trần xây thành Thuận Châu ở làng Võ Thuận nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Nơi đây có Chợ Thuận và xưa kia là đất thuộc huyện Hải Lăng. Sau nhiều lần cải cách hành chính phân định ranh giới giữa các huyện, tổng, làng, khiến cho người đời sau tìm hiểu nhọc công, mất sức đến đứt đuôi rắn. Tội nghiệp cho các ngươi làm việc xác minh lý lịch lắm lúc phải than rằng: “Chẳng biết sờ voi hướng nào”.

Thiết nghĩ tại nơi  đền nghĩ Thuận Châu, thành Vĩnh Ninh ở Cam Lộ, Tân Sở, Dinh Cát, Ái Tử… nên có dựng bia để làm dấu tích lịch sử không thì đó vẫn là chuyện lạ của một vùng đất lạ. Các tỉnh bạn được sưu tra, điều tra cơ bản rất chi là công phu để có tri thức mà nói với người ta, nói với thiên hạ.

Quảng Trị là quê ngoại của các vua Nguyễn. Vua Gia Long có Quê ngoại ở làng An Do và Cổ Trai, vua Thiệu Trị, Tương An quận vương có quê ngoại ở phường Gia Bình tổng Bái Ân, huyện Do Linh, gạo de Bái Ân thơm ngon chẳng khác gì gạo de An Cựu. Vua Đồng Khánh có quê ngoại ở làng Đông Dương huyện Hải Lăng. Năm Thiệu Trị thú hai 1842, Tương An quận vương lần thứ tư ra thăm quê ngoại đã cảm xúc với cảnh sương trắng miền quê ngoại. Ngủ đò ở bến Quảng Trị, nhà thơ đã cảm xúc trước cảnh non nước hữu tình:

Dân toại sinh nhai triêm đức chính

Điền đa cam trạch cận Trường An

Dịch là:

Chính đức thấm nhuần, dân thỏa thích

Đề kinh tế cận, nước trong lành

(Nguyễn Khuê dịch)

Đất sao người vậy, họ Trần Đình làng Hà Trung với 13 đời làm quan lớn từ hàng Thượng thư đến Tể tướng. Khâm sứ pháp ở huế, công sứ Quảng Trị nghe đọc “đít cua” (discurs: điếu văn, diến văn) lúc hạ huyệt thượng thư Trần Đình Phác ở làng sở trị đã phải cầm chắc lưỡi sửng sốt về sự kỳ lạ của một dòng tộc.

Nước Tam Sơn chảy xuống Ba Hà

Bao giờ hết chảy nhà này hết quan.

Thế gian nói câu trào lộng và thâm thúy “Nhất quận công, nhì tắm sông” Tắm sông chứ không phải tắm hơi, còn dị bản nào nữa thì tùy theo độc giả nghĩ ngợi về cái sướng trên đời. Đất Quảng Trị vào thời cận đại có hai nhân vật lịch sử được phong tước Quận công. Đó là Quận công Nguyễn Văn Tường, Quận công Nguyễn Hữu Bài. Ông Tường quê ở làng An Cư, ông Bài gốc người Quảng Bình nhưng chọn Cao Xá Vĩnh Linh và Phước Môn – Hải Lăng làm quê hương.

Theo lời nhà báo Henrile Grauclaude viết ở sách NHỮNG THỜI KỲ CỦA NƯỚC VIỆT NAM TRONG LÚC HỒI XUÂN do hai vị quan triều đình dịch ra quốc ngữ thì PHONG THỔ QUẢNG TRỊ HIỀN HẬU. Tháng 11/1932, nhà báo ấy đã tháp tùng phái đoàn do vua Bảo Đại ra thăm tỉnh lỵ Quảng Trị, Đông Hà và Cam Lộ, Sứ thần triều Nguyễn viết rằng phong tục tỉnh kế cận kinh đô, vừa là cựu dinh, chất phác thuần lương, chuộng kiệm ước, ít xa hoa. Duy chỉ có chuyện chưa tốt là có bọn cường hào hay võ đoán việc trong làng xóm nên sinh nhiều sự kiện cáo. Nhưng có điều là người dân Quảng Trị yêu chuộng tinh thần CHÍNH ĐẠI QUANG MINH sống chết vì lẽ phải:

Lên huyện không cử thì về tỉnh

Tỉnh không cử vô dinh

Vào kêu tài chính thẩm minh sự này

(Về chợ phiên Cam Lộ)

Chợ phiên Cam Lộ được đặt nguyên ở vị trí cũ, chớ không bị đời một cách tùy tiện:

Giang sơn thổ võ cũng linh

Bộ tư ra tỉnh chợ, đình xưa.

Càng đọc lại sử sách thời cận đại thì lại càng biết thêm về Quảng Trị có nhiều danh thần, hương trưởng, khoa mục, võ biền đều đủ mặt. Tiến sĩ văn, tiến sĩ võ đều có cả. Thanh liêm như Nguyễn Quận, trung liệt như Phan Văn Thúy, Lê Mậu Của…

Uyên bác đạt đến mức thạc học như Nguyễn Hữu Thận , tài hoa và khéo tay như Nguyễn Tú đã sữa chữa đồng hồ cho phủ Chúa và còn làm được đồng hồ nữa.

Nếu các cơ quan Văn hóa tỉnh Quảng Trị chịu bỏ tiền của, công sức ra để đầu tư một cách chính đáng trong việc sưu tầm lại sử sách về Quảng Trị một cách có hệ thống, có kế hoạch, thì chắc rằng  sẽ thu được những nguồn thu tư liệu mới còn nằm tản mạn đo đây ở khắp cùng đất nước và nước ngoài, nếu không thì sẽ biết gì MỚI HƠN, SÂU HƠN, LẠ HƠN về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa mà nói với thiên hạ?

L.Q.T


Nguồn: Tạp chí Cửa Việt,  02/08/2021.







READ MORE - QUẢNG TRỊ ƠI, ĐẤT SAO ĐẤT LẠ ĐẤT LÙNG - Lê Quang Thái

ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN - Châu Thạch


   

 
VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA
LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ
 
Ta cười cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột
Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
 
Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
 
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât
Trời ra hoa và đất hết vô tâm
 
Ta vui quá ôi chao ta vui quá
Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.
 
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi.
              
                                         Phương Tấn             
                                     (Quy Nhơn 1973)

ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN
                                                        Châu Thạch
 
Thơ Phương Tấn có nhiều bài đọc thấy hay và dễ hiểu. Thơ Phương Tấn cũng có nhiều bài đọc khó hiểu, khó hiểu mà vẫn biết hay, như nhìn một bức tranh trừu tượng với nét vẽ ẩn dụ nhiều ý tưởng. Những ý tưởng ấy, mơ hồ trong sâu xa ta cảm nhận được sự “Trong sáng vô biên và quyến luyến” của nó . Tôi không đủ trình độ để xác nhận những bài thơ như thế có phải là thơ siêu thực hay không, nhưng thật sự đọc những bài thơ ấy ta cảm nhận được hư và thực lẩn lộn trong nhau như một giấc mơ đem đến cho ta những cảm xúc phiêu bồng, tưởng mình được nhẹ như chỉ có linh hồn bay trong cõi thơ hư hư, thực thực!
 
Bài thơ “Vào Trại Phung Quy Hòa Làm Thơ Gửi Hàn Mạc Tử” đối với tôi phải cần suy tư nhiều để hiểu, nhưng tôi cảm nhận được nó thật sự là hay, hay không thua bất cứ bài thơ nào của các thi nhân thơ Mới trong và ngoài Tự Lực Văn Đoàn.
 
Năm 1938, khi bệnh bắt đầu trở nặng, Hàn Mạc Tử chịu đựng những cơn đau của mình. Nhà thơ dùng thơ để làm dịu bớt những cơn đau ấy, từ đó “Máu Cuồng và Hồn Điên” ra đời. Bình về “Máu Cuồng và Hồn Điên”, Hoài Thanh trong “Thi Nhân Việt Nam” viết: “Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao...Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người...Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử, ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được...”
 
Nhà thơ Hàn Mạc Tử trút hơi thở vào ngày 11-11- 1940. Mộ nhà thơ lúc đó được đặt dưới chân núi Quy Hòa. Sau hơn 18 năm chôn cất tại đây, ngày 13-1-1959, gia đình và bè bạn đã làm lễ cải táng Hàn Mặc Tử lên đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng – Quy Nhơn). Năm 1991, trên mộ cũ của Hàn ở Quy Hòa, người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm. Bệ lớn dưới chân tượng đài thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời và trang thơ của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Phần trên đỉnh vừa tượng trưng cho hình ảnh bút nghiên của thi sĩ vừa là hình cây thánh giá. Bờ tường trước đài thể hiện hình ảnh vầng trăng luôn ẩn hiện trong thơ Hàn. "Ta bay lên, ta bay lên!/ Gió tiễn đưa ta với nguyệt thiềm/ Ta ở cõi cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm".
Năm 1973 nhà thơ Phương Tấn vào nghĩa địa tại trại phung Quy Hòa dưới chân núi Trứng thăm ngôi mộ cũ của Hàn Mạc Tử và bài thơ gởi Hàn Mạc Tử ra đời.
 
Hãy đọc khổ thơ đầu tiên:
Ta cười cợt với yêu ma xương cốt
Thoáng trong mây rờn rợn bát trăng sầu
Đất sẽ ướt tình ta như chuột lột
Trời cũng buồn như lớp lớp mộ bia.
 
Đây là những cảm xúc đầu tiên khi nhà thơ bước vào khu nghĩa địa.
“Cười cợt” là hành động chế nhạo. Phương Tấn mới bước vào nghĩa địa đã cười chế nhạo với những linh hồn mà xương cốt còn vùi chôn nơi đây. Có lẽ ta phải hiểu đây chỉ là phản ứng chống lại sự sợ hãi khi đứng ở một nơi mà tác giả cho rằng chỉ toàn “yêu ma và xương cốt”. Bước vào nơi đây, nhà thơ nhớ ngay những bài thơ trăng của Hàn Mạc Tử, và những bài thơ ấy làm cho tác giả có cảm giác bầu trời như ban đêm, có trăng và mưa lạnh trên lớp lớp mộ bia. Cụm từ “một bát trăng sầu” làm cho ai đọc thơ cũng lạnh gáy, lại thêm “Ướt như chuột lột”“lớp lớp mộ bia” làm cho khung cảnh vô cùng ảm đạm.
 
Khổ thơ đầu tiên tác giả đã vẽ một bức tranh sầu, sầu như đời Hàn Mạc Tử, sầu như bệnh phung Hàn Mạc Tử, sầu như tình Hàn Mạc Tử và sầu như cái chết Hàn Mạc Tử. Khổ thơ diễn tả hoàn toàn thật những xúc động khi nhà thơ bước vào một khung cảnh cô liêu, tưởng nhớ lại người xưa, một nhân tài nhưng gánh chịu đau thương vì thất tình, cô đơn và đau đớn thể xác.
 
Khổ thơ thứ hai:
Ta nhảy nhót với bóng ta vã xuống
Một đời vui đem gói lại cho người
Một đời buồn gửi lại ở bên ta
Trong khuya khoắt nụ tầm đông chợt nở.
 
Phương Tấn vui gì mà nhảy nhót? Nhảy nhót vì đã đứng bên mộ Hàn Mạc Tử, nhảy nhót vì tưởng tượng mình đã diện kiến người xưa, nhảy nhót vì ước mơ bao ngày nay đã đạt. Đây là cảm xúc thăng hoa mà bất kỳ ai yêu thơ Hàn Mạc Tử đều như vậy khi đến với Hàn, đứng bên mộ Hàn.  Tất nhiên Phương Tấn nhảy nhót trong lòng mình, nhà thơ “vã xuông” vì hân hoan.  Giờ phút nầy tác giả đã quên đây là nghĩa địa, đã quên “yêu ma xương cốt”, đã quên “bát trăng sầu”, chỉ còn biết Hàn Mạc Tử, Hàn Mạc Tử mà thôi, đến nỗi ông gói cả đời vui tặng Hàn và gói cả đời buồn giữ lại cho ông.  Điều đó chứng tỏ nhà thơ yêu Hàn Mạc Tử đến độ nào, say Hàn Mạc Tử đến độ nào, sẳn sàng dâng tặng cho Hàn tất cả, với vui mừng đến độ nhà thơ tưởng tượng giữa khuya mùa đông, nụ hoa nở ra trong lòng ông lúc bấy giờ.
 
Vì sao không nở nụ tầm xuân mà lại nở “nụ tầm đông”? Bởi vì cuộc đời Hàn Mạc Tử đâu có mùa xuân bao giờ. Tất cả thơ của Hàn là thơ đau, đến nỗi bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn cũng đau vì “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.  Giờ đây Phương Tấn trong trạng thái khoái Lạc vì ông nghĩ đã hội ngộ cùng linh hồn Hàn Mạc Tử nơi đây, nhưng linh hồn Hàn xem như là một khối sầu trong vắt, cho nên Phương Tấn khoái lạc vì được chung niềm đau với Hàn. Sự khoái lạc đó không khác chi “nụ tầm đông” nở ra thơm ngát trong cơn mưa gió. Đó chính là cái “thú đau thương” cái thú lạ kỳ mà không ai không mắc phải khi ta rơi lệ vì một màn kịch đóng hay với đầy nghịch cảnh.
 
Khổ thơ thứ ba:
Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ
Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng
Ta sẽ thả hồn ta cho trời đât
Trời ra hoa và đât hết vô tâm.
 
Bây giờ nhà thơ vui hẳn, vui vì ông đã san sẻ được nỗi sầu, niềm đau của Hàn Mạc Tử qua ông. Nhà thơ vui vì nghĩ rằng ông đã làm được “Một đời vui đem gói lại cho người” và tại đây linh hồn Hàn Mạc Tử đã nhận quà lớn của ông.  Nhà thơ vui vì ông nghĩ răng ông đã tự nguyện nhận của Hàn “Một đời buồn riêng gởi lại cho ta” và Hàn đồng ý trao cho ông nỗi sầu đau của Hàn. Từ niềm vui trong lòng đó, tình yêu trong tâm hồn Phương Tấn tràn ra vạn vật cho đến cây cỏ.
 
Vì Hàn Mạc Tử, Phương Tấn đã vị tha “Ta sẽ sớt hồn ta cho cây cỏ”. đã lạc quan “Cây sẽ xanh và cỏ hết bạc lòng”, đã có lòng bao dung rộng lớn “Ta sẽ thả hồn ta cho trời đất”, và đã biến đổi cả linh hồn trời đất trở nên tươi đệp “Trời ra hoa và đất hết vô tâm”. Bây giờ không chỉ Phương Tấn nhảy nhót mà cả không gian nhảy nhót, nghĩa địa biến mất trong mắt ông, còn chăng là mộ Hàn Mạc Tử trở nên một đền đài tuyệt mỹ.
 
Khổ thơ thứ tư:
Ta vui quá ôi chao ta vui quá
Dịch Thủy buồn đâu vì lỗi Kinh Kha
Trong tiếng kêu có chút gì là lạ
Sao dưng không thinh lặng đến vô thường.
 
Niềm vui tràn ngập trong hồn thi nhân. Bỗng dưng nhà thơ lại nhớ đến chuyên Kinh Kha và sông Dịch Thủy bên Tàu từ một thuở xa xưa. Có nghịch lý chăng? Nếu ta hiểu nhà thơ, sẽ không cho là nghịch lý. Hãy nghe mấy câu thơ trong “Bài Ca Sông Dịch” của Vũ Hoàng Chương:
 
“Biên thuỳ trống giục
Nẻo Tần sương sa
Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà
Buồn xưa giờ chưa tan
Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Bạch vân! Bạch vân! kìa ngang rừng phất phới
Ôi màu tang khăn áo lũ người Yên”
  
Khung cảnh Kinh Kha qua sông Dịch Thủy để đi hành thích Tần Thủy Hoàng trong tiếng tiêu của Cao Tiệm Ly buồn quá buồn. Lúc đó tất cả người Yên đều mặc đồ tang để tiển đưa Kinh Kha lên đường. Vậy thì sông Dịch Thủy bấy giờ  khác chi là nghĩa địa ngày nay  mà thi nhân đang đứng. Lúc đó, người Yên tiễn đưa trong cảnh buồn nhưng lòng vui. Vui vì họ hy vọng Tần Thủy Hoàng sẽ chết, đất nước sẽ bình yên, con người sẽ hanh phúc. Vậy thì cảnh buồn đâu phải tại Kinh Kha, bởi Kinh Kha đang đem niềm vui và hy vọng cho mọi người. Bây giờ Phương Tấn cũng vậy, đời Hàn thì buồn, nghĩa địa thì buồn nhưng lòng  Phương Tấn đang vui bởi ông đã đến nơi đất hành hương, đã đứng nơi mộ  của Hàn Mạc Tử, đã thỏa lòng mơ ước được đến một lần nơi thi hào nằm xuống. Vậy nên, lòng nhà thơ cũng như lòng dân nước Yên thuở trước, vui trong khung cảnh rất buồn, rơi lệ tiển đưa trong niềm hy vọng lớn lao.
 
Khổ thơ cuối cùng:
Nơi quạnh vắng cõi lòng ta thăm thẳm
Ấy bao dung lồng lộng gửi cho người
Trong chiu chắt tình ta phơi phới lắm
Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi
 
Bài thơ mở đầu với “tình ta như chuột lột”. Bài thơ kết thúc với “tình ta phơi phới lắm”. Ta thấy tâm trạng nhà thơ Phương Tấn thay đổi rất mau, ông rất buồn, gần như sợ hải khi bước vào nghĩa địa, nhưng lòng ông chuyển biến ngay khi đến với mộ Hàn. Cuối cùng, dầu “Ngó xuống đời bạc phếch tuổi hai mươi” nghĩa là con mắt nhìn đời vẫn lắm bi quan nhưng tâm hồn ông đã rộng mở “bao dung lồng lộng”. Đó là nhờ đâu? Nhờ Phương Tấn đã thấy mộ Hàn Mạc Tử. Mới thấy mộ thi nhân mà nhứ thế, nếu gặp được con người thật Hàn Mạc Tử thì sẽ như thế nào. Điều đó cho ta hiểu được những kỳ ngộ trong sử sách như Bá Nha - Tử Kỳ, những duyên lành gặp gỡ của những tâm hồn, của những trí tuệ lớn trong đời nầy sẽ làm nên lịch sử.
 
Cuối cùng, đây là bài thơ hay trên những bài thơ hay. Phương Tấn đưa ta đến thăm mộ Hàn Mạc Tử nhưng chưa một làn nhắc đến tên Hàn Mạc Tử Trong thơ. Vậy mà ta vẫn thấy Hàn Mạc Tử thắm thiết trong lòng ta trên từng dòng thơ thiết tha sớt hồn cho cây cỏ, thả hồn cho trời đất và “Trong chiu chắt tình ta phơi phới” của nhà thơ.
                                                         
Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “VÀO TRẠI PHUNG QUY HÒA LÀM THƠ GỬI HÀN MẠC TỬ” THƠ PHƯƠNG TẤN - Châu Thạch