Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 13, 2018

THU HÀ NỘI - Đinh Tấn Phước - Nguyễn Thu Thủy - Minh Kèn, Minh Tuấn - Tr...

READ MORE - THU HÀ NỘI - Đinh Tấn Phước - Nguyễn Thu Thủy - Minh Kèn, Minh Tuấn - Tr...

ĐỌC “QUÊ TRONG PHỐ” CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN - Đặng Xuân Xuyến



ĐỌC “QUÊ TRONG PHỐ
CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN
*
Lang thang dạo facebook, tôi “gặp” “Quê Trong Phố” của nhà thơ Nguyễn Xuân Môn. Bài thơ chỉ sau vài ngày “xuất xưởng” đã nhận được lời tán thưởng và chia sẻ của nhiều bạn đọc trên facebook: 892 lượt thích, 166 bình luận (hầu hết là lời ngợi khen) và 8 lượt chia sẻ. Những con số thật ấn tượng.

Phần vì tò mò, phần vì cũng đã từng đọc và thích thơ của ông nên tôi chầm chậm đọc để hiểu “Quê Trong Phố” của Nguyễn Xuân Môn.
QUÊ TRONG PHỐ
.
Văng sang từ phía nhà bên 
Tiếng gà gáy vỡ toác đêm thu tàn
Sớm mai tia sáng nằm ngang
Khói bay nghiêng sợi khẽ khàng luồn sương
.
Ánh đèn đêm phố còn vương
Còi xe đã xé rách đường tả tơi
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của là úa rời cành đau
.
Nhớ quê sân thượng trồng cau
Trầu… không: Vẫn thả dây trầu “neo” quê
Thích "hương"… bùn - mặc người chê
Cá kho niêu, vại cà thề hợp ngon
.
Quê từ cha “nhiễm” sang con
Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong
Người quê ở phố, quê… bong?
Tôi "quê" trong phố bởi lòng có quê!
*.
Tháng 10 năm 2018
NGUYỄN XUÂN MÔN

Ngay từ những câu thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng từ ngữ, hình ảnh “độc đáo” và táo bạo, không nền nã như "tạng" của thể thơ lục bát:

Văng sang từ phía nhà bên 
Tiếng gà gáy vỡ toác đêm thu tàn
"văng" tiếng gà gáy làm "vỡ toác đêm thu tàn".

Là "văng" chứ không phải là "vẳng", là thô ráp, trần trụi của “vỡ toác đêm” chứ không phải là trong trẻo của một sớm mai yên bình, tinh khiết. Một sự “thưởng ngoạn” tiếng “gà gáy sáng” rất khác lạ.

Và hình ảnh "sớm mai" cũng trái ngược với lẽ thường, vì người ta hay nói "tia nắng xiên xiên", còn nhà thơ Nguyễn Xuân Môn thì viết: “Sớm mai tia sáng nằm ngang”. Một “sớm mai” thật khác lạ! Bởi, thường thì “tiếng gà gáy” sáng chỉ có ở thôn quê nên “tia sáng nằm ngang” - tia sáng được khúc xạ bởi một góc nghiêng chừng 30 độ so với phương nằm ngang - nghe chừng không hợp lý. Thế nhưng tiêu đề bài thơ là "Quê Trong Phố" thì đích thị "tiếng gà gáy" ở trong thành phố. Có lẽ là ở vùng giáp ngoại ô? Sở dĩ tôi nêu những thắc mắc như vậy là vì mấy chục năm sống ở thành phố Hà Nội, tôi không hề nghe được "tiếng gà gáy sáng". Mà đã là "tiếng gà gáy" sáng ở thành phố thì "tia sáng nằm ngang" có thể chấp nhận vì tính hợp lý: ánh sáng được khúc xạ bởi những ngôi nhà cao tầng.

Hình ảnh "Khói bay nghiêng sợi khẽ khàng luồn sương" của một "sớm mai" yên bình và mộng mơ đã bị phá vỡ bởi những vội vã, cấp tập của cuộc sống nơi đô hội, thị thành:

Ánh đèn đêm phố còn vương
Còi xe đã xé rách đường tả tơi
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của lá úa rời cành đau

Phải thừa nhận ở khổ thơ này (và cả ở khổ thơ đầu), nhà thơ Nguyễn Xuân Môn đã bỏ ra khá nhiều công sức cho việc tìm tòi, sáng tạo ngôn từ để có được những câu thơ gợi cảm, hình ảnh độc đáo, thể hiện sự nghiêm túc trong lao động và sáng tạo, nhưng có là quá lời chăng khi người đọc lại cảm thấy dù nhà thơ đã cố gắng thể hiện nỗi lòng bằng những câu thơ kỳ công trau chuốt thì những câu thơ đó cũng chỉ như những vật trang sức bóng bảy, phù phiếm vì chúng lạc lõng, chẳng hề ăn nhập với cấu tứ của bài thơ:

Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của lá úa rời cành đau

Nếu đấy là nói về sự đô thị hóa đã tàn phá làng quê, “hồn” quê, “chất” quê thì tâm trạng ấy, đau xót ấy hợp lẽ, hợp cảnh nhưng đây là những hoạt động thường nhật ở nơi phố xá, thị thành thì sự náo nhiệt, hối hả, thậm chí là xô bồ, đôi khi đến nghiệt ngã hơn thế cũng là phải, cũng là điều dễ hiểu. Đâu cần nhà thơ phải nức nở, đớn đau như thế?! Vô tình, ở những câu thơ này, nhà thơ Nguyễn Xuân Môn đã đẩy tâm trạng xót xa của “nhân vật trữ tình” quá lên, chẳng hề ăn nhập gì với cấu tứ bài thơ, khiến người đọc thơ cho là sáo rỗng, phù phiếm, thậm chí còn thốt lên: Thật chẳng đâu vào đâu.
Hai khổ thơ cuối được viết với kết cấu lỏng lẻo, ý tứ nhạt nhẽo, nhất khi ông cố dụng tâm “chơi chữ” ở khổ thơ kết, nhằm làm nổi bật tình yêu quê hương sâu đậm trong tim:

Quê từ cha “nhiễm” sang con
Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong
Người quê ở phố, quê… bong?
Tôi "quê" trong phố bởi lòng có quê!

nhưng cách sử dụng từ ngữ cẩu thả, thiếu cân nhắc, việc chọn lựa hình ảnh cũng hời hợt, tùy tiện,... đã khiến dụng tâm của ông thất bại. Đơn cử, tình quê hương là thiêng liêng, là sâu lắng trong trái tim mọi người, nhưng đọc câu: “Quê từ cha “nhiễm” sang con”, người đọc cảm thấy ớn lạnh khi nghĩ đến nghĩa của những cặp từ: lây nhiễm, truyền nhiễm, ô nhiễm... Khiến người đọc nghi ngại đặt dấu hỏi: Yêu quê sao lại rẻ rúng tình quê như thế? Nếu ông cẩn thận một chút, chả cần cầu kỳ đến mức trau chuốt như khi ông chọn lựa ngôn từ, hình ảnh cho mấy khổ thơ đầu, chỉ đơn giản là ví dụ ông dùng từ “thấm” hoặc từ ngấm” thay cho từ “nhiễm”: “Quê từ cha “thấm” (ngấm) sang con”, là được.

Thơ của ông tôi đã đọc và cũng thích một số bài nhưng những câu thơ nhạt nhẽo, thô kệch như: “Quê từ cha “nhiễm” sang con/ Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong”, hay: “Thích “hương”... bùn mặc người chê/ Cá kho niêu, vại cà thề hợp ngon”... đã ít nhiều giảm sự yêu thích thơ ông trong tôi và khiến “Quê Trong Phố của ông, của nhà thơ Nguyễn Xuân Môn thành...  vô duyên.
*
Hà Nội, chiều 21 tháng 10 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - ĐỌC “QUÊ TRONG PHỐ” CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN - Đặng Xuân Xuyến

VÔ THƯỜNG - Thơ Ngô Quý Lành


          Nhà thơ Ngô Quý Lành


VÔ THƯỜNG

Khởi từ... thăm thẳm mù xa…
Mỏi chân...
Ngoảnh lại... chưa qua mê lầm
Vũng đời...
ngụp lặn bao năm…
Ngoi lên...
Chợt cụng... vầng trăng lạnh sầu
Kiếp người...
muôn nỗi cơ cầu
Thoáng dần…
tan biến theo màu
thời gian.

Ngô Quý Lành

READ MORE - VÔ THƯỜNG - Thơ Ngô Quý Lành

ĐỌC THƠ VỀ QUẢNG TRỊ CỦA HUY UYÊN - Châu Thạch


      
               Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC THƠ VỀ QUẢNG TRỊ CỦA HUY UYÊN 
                                                             Châu Thạch

Nhà thơ Huy Uyên tên thật là Lê Sinh, sinh ra và lớn lên trên làng Trường Sanh, huyện Hải Lăng Tỉnh Quảng Trị, nơi có nhánh của dòng sông Ô Lâu với chiếc cầu Bến Đá. Trước 1975 ông học trường Nguyễn Hoàng rồi vào đời làm một người lính miền Nam. Sau 1975 ông chọn nghề Hướng Dẫn Viên Du Lịch nên có nhiều cơ hội đi, chiêm nghiệm và sáng tác.

Nói về Huy Uyên nhà thơ Chu Vương Miện đã viết: “Từ những miền đất đia đầu quê hương đất nước cho đến những vùng cực nam, những vùng biển đảo, anh đều đi qua cả, đi tới đâu anh làm thơ tới đó. Thơ Huy Uyên làm rất nhiều và rất khỏe, toàn là những địa danh hữu tình và phong cảnh kỳ quan trên toàn quốc, và những kỷ niệm”. “Đọc thơ Huy Uyên là cả một trời quê hương đất nước, từ đồng cỏ lá cây, từ dòng sông con suối, từ rừng đến rú, từ đồi tới núi, thoang thoảng nhạc Văn Cao”. “Sau 1975 nhà thơ Huy Uyên là một nhà thơ có đầy đủ tầm vóc chiều ngang chiều dầy và chiều cao xứng đáng với danh hiệu thi sĩ”

Trong khuôn khổ bài viết nầy tôi chỉ xin đề cập đến một số bài thơ về quê hương Quảng Trị mà Huy Uyên đã viết. Thơ viết về Quảng Trị của Huy Uyên cũng rất nhiều, bài nào cũng phong phú nên dài, khó có thề đem một vài vế thơ mà diễn giãi được hết ý của ông. Trong vườn hoa thơ rộng và nhiều đó, Châu Thạch chỉ xin ngắt một vài đóa hoa trổi hương sắc trong một vài luống hoa để giới thiệu cùng bạn đọc mà thôi.

Ai cũng biết Quảng Trị là quê hương bom đạn. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 với Đại Lộ Kinh Hoàn sẽ còn để lại muôn đời trong sử sách những đau thương và mất mát của người dân Quảng Trị. Huy Uyên đã viết:

Dấu cũ người phai mờ trận địa
Dốc miếu đau in vạn dấu chân
Thây người hai phía tấp về bễ
Lệ căm hờn xa xót trăm năm

Chiến-trường qua theo gió, núi, mưa bay
Nghĩa địa cũ chìm quên còn đó
Quảng-Trị căm hờn đau nhớ từng ngày
Nửa đêm hồn ai vừa thức dậy.
        (Thư Viết Về Quảng Trị)

Trong hoàn cảnh đó, Huy Uyên cũng như bao người con Quảng Trị khác, như chiếc lá bị gió cuốn bay đi đến những phương trời xa lạ để rồi mang hồn viễn xứ thương nhớ quê hương:

Cầm bằng ngày đó tôi về
Đứng bên sông nhìn Nhan-Biều, Ái-Tử
Xao xuyến chi tình trải mấy khúc quê
lặng lẽ đổ chuông chùa Sắc-Tứ

Bao năm xa rồi Quảng TRị
Nghẹn lòng từng bước con xa
Nước mắt chan cơm
Vọng tình cố lý
Nơi xưa đâu còn đọng lại quê nhà.
                      (Xa Rồi Quảng Trị)

Nhớ Quảng Trị, nhà thơ nhớ gì trước? Huy Uyên nhớ tình yêu của tuổi học trò:

Quảng Trị mãi hoài trông ngóng
Đường xa tháng năm theo học
Ai đón trước cổng lớp Nguyễn Hoàng
Để em về mỗi chiều hong tóc
Phơi sầu riêng thôi mình tôi mang
               (Theo Em Về Quảng Trị)

Nhà thơ tả người em gái Quảng Trị thưở xưa đã làm xao xuyến tâm hồn ông như sau:

Gắn nụ hôn lên tóc em
Lung linh mắt sầu nổi nhớ
tháng năm biền biệt xa tìm
Sắc chín hồng lưu ly đỏ

Cầm mãi trong tay ngậm ngùi
Ngày xưa một đời mật đắng
Xa người đau đớn trong tôi
Quảng Trị đứng chờ
Đợi ai bên sông Thạch
    (Em Gái Quảng Trị)

Kỷ niệm tình yêu thường đi chung với cảnh vật ghi dấu cuộc tình ấy. Thị xã Quảng Trị thời xưa với cổ thành, với những con đường nên thơ còn mãi trong tâm khảm nhà thơ khó mà phai nhạt được:

Đường Gia Long ngủ lặng bên sông
Theo em dặm dài về Quảng Trị
Xa khuất người ơi muối xát trong lòng
Bao năm rồi gọi hoài nỗi nhớ
        (Theo Em Về Quảng Trị)

Nhà thơ còn nhớ kỷ niệm về người con gái của một thôn đẹp bên cổ thành Quảng Trị;

Hai mắt em hồ như đuôi lá răm
Sáng nay về đâu mà coi đìu hiu lắm
Về Tri-Bưu giáo đường đầy nắng
Hay Hạnh-Hoa-Thôn chuyến chợ phiền buồn.

Ai theo em để kịp cùng đường
Nơi triền quê và bầy nghé ọ
Bên sông em gái làng hồng đôi má
Và hàng tre còn đọng lại hơi sương
                          (Hạnh Hoa Thôn)

Quê hương Quảng Trị còn có biết bao kỷ niệm với một người đã sinh ra và lớn lên tại đó. Quê hương Quảng Trị còn làm cho nối nhớ thiết tha thêm bởi chiến tranh đã đẩy con người rời xa muôn dặm mà ngày quay về khó lắm thay. Nhà thơ Huy Uyên đã hẹn một ngày về nhưng chắc chi lời hẹn ông sẽ thành hiện thực vì biết bao ngăn trở của kiếp sống con người:

QUẢNG TRỊ, HẸN MỘT NGÀY VỀ

Không về đâu ơi người em Quảng-trị
biền biệt xa quê góc bể chân trời
ai bỏ đi giọt lệ tình cố-lý
để tháng ngày hoài mãi với chơi vơi.

Đã tới vụ mùa phải không em gái
nụ cười xưa còn lại chút ấm lòng
một người đi, đi hoài đi mãi
để rồi ai ở lại đợi chờ, trông.

Chiều về em có ngồi lại bên sông
nhớ ai xưa mà vọng-sầu-cố-xứ
mai độ vào xuân chín nụ
hỏi anh có về, có nhớ em không ?

Đường về Hải-lăng ngập ngừng mây kéo
phố Đông-hà nghiêng mấy quán chợ buồn
qua Cam-lộ tình mây trôi mấy nẽo
để ai đi mà hát khúc Triệu-phong thôn.

Không về đâu ơi người em Quảng-trị
mai xa người theo nỗi nhớ quê-hương
em có đứng bên đường
đợi anh về không nhỉ ?
từ lúc nắng lên cho tới chiều buông.

Ơi em gái quê có trái tim thật buồn
bao năm chờ người đi không trở lại.

Với một bài viết ngắn gọn đăng trên mạng không thể nói được nhiều về thơ Huy Uyên. Như đã nói ở trên, Huy Uyên là nhà thơ có đầy bút lực, thơ ông nhiều và dài, chất chứa đầy những kỷ niệm trong cuộc sống, những biến động của cuộc đời qua thời gian. Nhà thơ cũng thổ lộ tâm tư của mình bằng thơ qua những biến động đó. Tiếng thơ của Huy Uyên trầm và buồn, có âm điệu đôi khi như tiếng gió rì rào, có khi như dòng nước róc rách chảy.

Bến Đá Trường Sanh, nơi Huy Uyên sinh ra và lớn lên có phong cảnh rất đẹp. Nơi nầy Châu Thạch đã có nhiều mùa hè về chơi với bạn, tắm dưới dòng sông trăng mà Huy Uyên đã viết trong bài “Ký Ức Quảng Trị” của đời ông: “Con sông Ô-lâu hiền hòa chia hai xóm, nước êm đềm chảy qua bốn mùa yên ả. Những bờ tre làng rợp bóng soi mình trên mặt nước trong xanh.” “Đêm treo lơ lửng ngọn trăng trên đầu, trăng bàng bạc khiến không gian càng tĩnh lặng. Trăng soi sáng vườn khoai đang bắt đầu xanh ngọn, vườn chè xanh biếc dưới ánh trăng dịu hiền. Những bờ tre trở mình rên kèn kẹt. Làm sao nói hết cái lâng lâng giữa đêm trăng qua làng quá mường tượng, kỳ ảo. Thoảng dưới ánh trăng tiếng hò giả gạo, khoan hụi dìu dặt rộn niềm vui ngày mùa”

Có lẽ nhờ cảnh quê hương đẹp như thế nên Huy Uyên có tâm hồn thi sĩ từ thưở ấu thơ. Ông làm thơ như nói, nói thành âm điệu và từng dòng thơ như những con thuyền trôi êm ái dưới trăng.

Hình như tôi chỉ mới nói một phần quá nhỏ mà cũng chưa đầy đủ về thơ Huy Uyên. Vậy thì, xin mời ai đó bước vào khung trời thơ ấy, để không những chỉ nghe tiếng quê Hương Quảng Trị của Huy Uyên, còn nghe thêm tiếng của rất nhiều quê hương trên mặt đất hình cong chữ S mà Huy Uyên đã đi qua, trong hơn nửa đời người làm nghề Hướng Dẫn Viên Du Lịch của ông!

                                                                     Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC THƠ VỀ QUẢNG TRỊ CỦA HUY UYÊN - Châu Thạch