Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 20, 2023

TÀO THÁO (TAM TỀ VƯƠNG HÀN TÍN) - Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện



Trong quân doanh Đại Đô Đốc Chu Du nói với tham mưu trưởng Lỗ Túc:
- Muà đông rét mướt như thế này này, làm gì mà có gió Đông Nam, chắc Khổng Minh Gia Cát Lượng nổ chơi cho vui chuyện mà thôi?
Lỗ Túc khẩn trương đáp :
- Con người cuả Khổng Minh không bao giờ nói đùa đâu?

Câu nói vừa dứt thì gió Tây Bắc thổi nhè nhẹ rồi chuyển sang gió Đông Nam thôỉ ào ào. Chu Công Cẩn tái mặt, nghĩ thầm Gia Cát Lượng đúng là người tài hơn mình, không thể để sống lâu được, nếu còn sống sẽ tạo phiền phức cho sự nghiệp Đông Ngô sau này lắm lắm. Bèn gọi hai bộ quân Đô uý là Từ Thịnh và Đinh Phụng, mỗi ngươì dẫn theo 100 quân. Từ Thịnh đi đường sông còn Đinh Phụng đi đường bộ, trực chỉ ra đàn Thất Tinh núi Nam Đàn đưa Khổng Minh Gia Cát Lượng về chầu trời. Đinh Phụng tới trước, leo lên đàn chả thấy Khổng Minh đâu cả, bèn xuống dưới đàn thì có lính thưa như sau:
-Chiều hôm qua, có một con thuyền cỡ trung ở đâu đến đậu nơi bờ rạch. Buổi trưa thì Quân Sư lên đàn xoã tóc khấn “Xấm ba là xì, xí ba xầm” rồi xuống thuyền đi rồi cũng chưa lâu lắm đâu!
 
Thuyền cuả Từ Thịnh cũng vừa tới, hai tướng bàn bạc với nhau.  Người bộ, người thuỷ đốc quân chia nhau đi kiếm nữa. Từ Thịnh thấy thuyền trước mặt mình đi rất chậm, bèn giương buồm đuổỉ theo rồi hô hoán:
- Có lệnh có đại đô đốc Kinh Châu, kính mong Quân sư trở lại để bàn việc quân vụ khẩn cấp tối mật.
Khổng Minh đang đứng trước muĩ thuyền cười lên ha hả:
- Tướng quân về bẩm lại với Chu đô đốc là Khổng mỗ đã đi guốc trong tim phổi cuả đô đốc từ khuya rồi.

Rồi một người từ trong khoang thuyền đi ra, đặt tên vào cung bắn vút ra một cái cắt đứt luôn chiếc buồm rớt xuống. Thuyền cuả Từ Thịnh bèn quay ngang ra không đi nữa, rồi nói:
-Ta là Thường Sơn Triệu Tử Long đây! Khôn hồn thì cút đi cho mau khuất mắt.
Thuyền ngừng, Khổng Minh và Triệu Vân vào ngay doanh trại ở Hạ Khẩu, để nghe  Lưu Huyền Đức phân công phân nhiệm cấp kỳ như sau đây:
- Lưu Kỳ, Lưu Phong, My Phương, My Trúc, bốn người dùng hải thuyền chia nhau tuần tiễu trên sông Xích Bích, vớt những đào binh cuả Tào Tháo sống sót, sau đó chia nhau trấn giữ  Giang Lăng, Giang Hạ.
 

Còn Quan Công, Triệu Tử Long, Trương Dực Đức thì Khổng Minh ghé tai nói nhỏ “cứ như vdầy, như vdầy”. Giao cho Tôn Càn và Giản Ung giữ Hạ Khẩu, còn Khổng Minh và Lưu Huyền Đức đặt bộ tham mưu ở Phàn Khẩu, mọi lộ binh mã nhận lệnh lên đường ngay tức khắc.
 
*
Binh Đoàn cuả Tào Tháo thừa tướng tháo bỏ của chạy lấy người, ước chừng  khoảng 3000 người. Tào Tháo chạy dẫn đầu, có phóng viên truyền thanh, truyền hình, báo chí chạy theo quay phim, chụp hình cứ loạn cả lên. Mọi người nhắm hướng Huê Dung mà chạy. Chạy khoảng chục dặm thì thấy bên phải đường có một toán quân, thúc trống ầm ĩ chào mừng, treo vài tấm banderol “Thưởng thức  Hạ hầu Tào Thừa Tướng” tiếp đến là tấm “Lương Vương Bành Việt, Lưu Bị, Lưu Gậy, Lưu Huyền Đức cung hỉ Tào Thưà Tướng”, bên cạnh đó là cơm vắt, cơm sấy chín sẵn kèm theo thịt khô cá khô đã nướng và nước uống đầy đủ, kèm theo vài tấm bià carton ghi sẵn “xin cứ tự nhiên” đoàn quân di tản chiến thuật của Tào thừa tướng như chạy việt dã “marathon” hết sức là văn học nghệ thuật hôm nay, chạy vừa hài hoà vừa khang trang vừa khệnh khạng. Chạy một thôi đường nữa thì lại thấy biểu ngữ ghi “thượng lộ bình an”. Gần đó thì tấm khác đề “Kỷ Tín Thường Sơn Triệu Tử Long chúc lành” đến xế chiều thì thấy cơm rượu bày dọc đường cùng “phàn xôi phá xa” gói  “lạp xường lồ mái phàn” xấu dầm, táo dầm... và vài tấm vải đề chữ “Phàn Khoái Trương Dực Đức người nước Yên, cung hỉ phát xồi” . Đoàn người dừng chân ăn uống no say rồi chạy nữa. Sáng hôm sau thì gặp cờ quạt trống kèn cuả Châu Thương, cùng fơod to go, phế nại, hồng trà, thanh trà, bánh bao, dào cháo quẩy, kèm theo mấy chữ “thượng lộ bình an”. Buổi trưa thì gặp đoàn quân cuả Quan Bình, tối thì đến ngay Huê Dung Đại Tiểu Lộ. Cũng may là dọc đường có dấu mũi tên vạch chỉ sẵn, để cho khỏi lộn, loạng quạng dám chạy sang Giang Đông cũng chưa biết chừng. Quan Vũ chắp tay xá Tào Tháo một cái rồi miệng nói:
- Vân Trường đã đặt tiệc chiêu đãi thừa tướng, đặc biệt hôm nay không say không về.
 
Mọi người chạy hai ngày hai đêm, tuy mệt nhưng cũng rất  phấn khởi vì có những phóng viên nhà báo chợ chạy theo quay phim, làm dvd, mai mốt trình chiếu trên tivi cho thiên hạ bá tánh toàn thế giới coi. Các tướng mạnh ai nấy ăn, binh tốt mạnh ai nấy uống thoả mái. Tào Tháo ngồi đối diện với Quan Vũ cầm ly nước chưa uống vội hỏi:
- Tháo này chưa điên, mà hình như thiên hạ có lắm đứa dành điên trước rồi, thật chả hiểu ra sao cả?
Quan Vũ trầm ngâm một lúc rồi đáp:
- Thực ra thiên hạ đa số điên nhiều và điên ít. Thành ra anh nào cũng nghĩ là chỉ có thiên hạ điên, còn mình không điên? Nếu Tào thừa tướng nghĩ kiếp trước cuả ngài là Tam Tề Vương Hàn Tín, thì mọi chuyện xẩy ra rất là logic “biện chứng pháp” đúng trăm phần trăm không sai một ly ông cụ nào cả ?
- Nếu vậy Quan Vũ ngài là ai ?
- Ta à ? Ta là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ đây, vẫn là chữ Vũ, kiếp trước họ Hạng, kiếp này họ Quan.
Tào Tháo đứng lên xá Vân Trường một cái, làm bá quan chả hiểu mô tê gì sứt cả, rồi nói:
- Chúng ta lại gặp nhau? Tiền kiếp Tháo này chỉ là một tên nô tài Chấp Kích Lang vác giáo theo hầu đại vương, kiếp này sao mà chó đớp nhằm ruồi làm lớn thế?
- Không phải vậy đâu? vì ta có mắt không tròng, nên thừa tướng mới phải chiụ khiêm nhượng vậy. Chớ sau về với Lưu Bang “Lưu Manh” thì Thừa tướng đã là Đại Nguyên soái phá Sở. Sau làm tới Tam Tề Vương, chỉ còn thua ông Kễnh “ông 30” nưã mà thôi. Sau đó ta có cho sứ giả mang mật thư và quà cáp sang gặp Thưà tướng và bàn chia ba thiên hạ. Rốt lại thì thừa tướng nô ô kê. Thế là rửa cẳng con vịt đẹt nước Sở?
- Vậy cái lão Khổng Minh Gia Cát Lượng là nhân vật nào thời Tây Hán thế?
- Lão quân sư này, chính là người phò tá thừa tướng đấy, có tên là Khoái Triệt [Kiệt] Bàng Thông.

Thì ra là vậy. Người này khuyên ta chia ba thiên hạ, theo đương sự thì đúng, nhưng theo ta thời đó bá tánh chết quá nhiều. Chết như rạ, sinh ra để mà chờ chết, mà ta thì không muốn chiến tranh kéo dài ra mãi nên có nghe qua quốc sách này rồi bỏ. Nghe đâu quốc sách này trên thiên đình có đọc, và lại cho chúng ta gặp nhau thêm 50 năm nữa. Vậy Khổng Minh Gia Cát sai Quan Vũ trấn nhậm nơi Huê Dung này với mục đích cao cả sâu xa gì xin nói rõ ra ngay.

- Cái thế chia ba chân vạc “đỉnh ba chân” hiện tại chưa thành hình, nhưng quân sư yêu cầu Thừa tướng cố giúp cho thành hình, và các tướng lãnh binh sĩ đứng dọc đường bảo vệ cuộc triệt thoái an toàn cho thừa tướng là có mục đích về sau là tạm thời đừng bao giờ mang quân tấn công Thục cuả Lưu Huyền Đức nữa. Để cho lực lượng dồn vào hết Ich Châu [tức tỉnh Tứ Xuyên] dùng làm đất cơ ngơi cắm dùi sau này ?

Tào Tháo cầm một muĩ tên bẻ làm hai , miệng lẩm nhẩm lời thề  rồi hỏi :
- Vậy cái lão Tôn Quyền là ai vậy?
- Là Trường Sa Vương Anh Bố đấy.
- Thảo nào đất đai và quyền hành cũng lớn hơn Bành Việt Lưu Bị gấp đôi. Vốn là hảo bằng hữu kiếp trước cả. Tuy nhiên ta chỉ giữ lại một ít quân trấn giữ cho có lệ, chỉ khi nào quân Ngô ăn thịt quân Ba Thục thì ta lệnh cho pháo thủ pháo bazoka, cao xạ, cànông qua Ba Quận, Sài Tang cho họ Tôn ngán chơi!

- Vậy kính mong thừa tướng cho biết mục đích cuộc chiến trên sông Xích Bích vừa rồi?

- À ta hiểu rồi, Quan Hầu hỏi xem là quan điểm cuả ta có giống như điều Khổng Minh nghĩ suy đoán không? Thực ra đây là một cuộc giải binh tập thể mà thôi, ta mang đi 30 vạn quân, thì để năm vạn ngay chỗ này, cách Huê Dung đại lộ này khoảng 10 dặm về phiá bắc do Tào Nhân, Tào Hồng chỉ huy. Chỉ cần bắn pháo hiệu lên là có ngay. 25 vạn còn lại, một nưả là quân cuả Viên Thiệu,Viên Thuật, một nửa là quân Kinh Châu cuả Lưu Biểu. Bên Ngô 3 vạn, bên Thục 1 vạn, và cuả Lưu Kỳ 1 vạn. Cuộc chiến tranh đánh cuội này, mục đích là để giải giáp 25 vạn quân, về sống đoàn tụ với gia đình một cách êm ru khỏe khoắn, thế thôi ? Còn ta thì cũng có tuổi, tuy nhiên còn sống ngày nào thì không bao giờ tiến quân vào Ba Thục. Nhưng những người khác thay ta thì ta không bảo đảm?
 
chuvươngmiện
 
READ MORE - TÀO THÁO (TAM TỀ VƯƠNG HÀN TÍN) - Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (4) - Nguyên Lạc

                                  (Kỳ 4)



V. CÁC QUỐC GIA TRỒNG NHO VÀ LÀM RƯỢU CHÍNH CỦA THẾ GIỚI
 
Hiện trên thế giới có khoảng 8 triệu héc ta đất trồng nho với sản lượng 248,2 triệu hl (Hectolit [hl] = 100 Lít) [năm 2012]. Diện tích trồng nho ở Tây Ban Nha đứng đầu, kế là Ý và Pháp đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới, nhưng Ý và Pháp lại đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang với lần lượt 40,83 triệu hectolit và 40,48 triệu hectolit năm 2012 so với 31,5 triệu hectolit của Tây Ban Nha.
 
1. Pháp (France)
Từ Bắc xuống Nam, toàn nước Pháp có các vùng trồng nho và làm rượu chính sau đây:
     1.1 Champagne
Với khoảng 30.000 ha, chiếm 2% diện tích trồng nho toàn quốc, đây là vùng trồng nho ở tận cùng cực Bắc nước Pháp, trải dài trên các vùng hành chính: Marne (hơn ha), Aisne (2.000 ha), Aube (gần 6.000 ha) và trên địa bàn vài xã vùng Haute – Marne và Seine et Marne (trên dưới 40ha). Các giống nho chính để làm rượu ở đây là Chardonnay (30%), Pinot Noir (30%) và Pinot Meunier (40%). Đất đai vùng này rất cằn cỗi, từ đá vôi ở vùng Marne đến đá vôi pha cát ở vùng Aube, bắt buộc rễ cây nho phải ăn sâu vào lòng đất nhiều khi đến 20m để tìm nước và các khoáng chất cần thiết. Người ta phân biệt các loại rượu champagne như champagne không tuổi (Bruts sans année hay còn gọi là champagne SA) đến champagne có tuổi (Millésimés), champagne kỷ niệm các sự kiện đáng ghi nhớ (Cuvée Spéciale), champagne trắng (Blanc de Blancs, chỉ làm từ giống nho Chardonnay), champagne hỗn hợp (Blanc de Noirs), champagne chất lượng đặc biệt cao (Grand Cru), champagne hồng và vang nổ vùng Champagne (Crémants). Đặc biệt vùng Champagne còn sản xuất các loại rượu vang không sủi bọt như vang đỏ và hồng ở địa phận Riceys, vang trắng ở địa phận Bouzy, Sillery, Mareuil Các thương hiệu champagne nổi tiếng: Bollinger, Krug, Ruinart, Veuve Cliquot, Moet – Chandon, Laurent – Perrier
     1.2. Alsace
Vùng trồng nho này, với diện tích khoảng hơn 14.600 ha, nằm trên những sườn đồi dốc hoặc thoai thoải, ở độ cao từ 200-450m. Đây là vùng trồng nho kéo dài khoảng 100km, dọc theo sông Vosges và thung lũng sông Rhin. Chất đất và độ cao đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng rượu vang của vùng Alsace, từ rượu vang khô đến rượu vang dịu và rượu vang ngọt đậm, với đặc điểm là tính khoáng chất cao. Vùng Alsace lại chia thành 3 vùng rượu vang có chất lượng cao được nhà nước bảo hành (AOC): vang Alsace chất lượng cao, vang Alsace chất lượng đặc biệt (Grand Cru) và vang nổ Alsace (Crémant d Alsace). Tất cả các loại rượu vang này đều mang tên các dòng nho làm ra chúng. 7 giống nho trắng được trồng và sản xuất ra rượu vang ở vùng Alsace là: Chasselas, Gewurztraminer, Muscat, Pinot Blanc, Pinotgris, Riesling và Sylvaner. Giống nho đỏ duy nhất đuợc trồng và làm rượu ở đây là giống Pinot Noir, từ giống này có thể làm rượu hồng và rượu đỏ.
Nói đến rượu vang vùng Alsace, ta không thể quên rượu vang làm từ nho thu hoạch muộn (Vendanges Tardives) và rượu vang làm từ nho bị nấm quý tộc tấn công (Sélection de Grains Nobles). Đây là một giống nấm có tên khoa học Botrytis cinerea. Dứt khoát, bạn không thể không thử nếm và thưởng thức loại rượu đặc biệt này, ví như một cô gái với cơ thể mềm mại, uyển chuyển, sắc đẹp mặn mà, sâu sắc, đồng thời lại tinh tế đến mức bất kỳ ai cũng phải siêu lòng.
     1.3. Vùng Bordeaux
Đây là một trong những vùng trồng nho lớn nhất và nổi tiếng thế giới, với hơn 103.800 ha nho sản xuất ra vang đỏ, vang trắng, vang Claret, vang ngọt và vang sủi (Crémant).
Diện tích trồng nho đỏ nhiều nhất ở vùng Bordeaux là nho Merlot, tiếp đó là nho Cabernet Sauvignon, nho Cabernet Franc, nho Malbec và nho Petit Verdot.
Diện tích trồng nho trắng nhiều nhất ở vùng Bordeaux là nho Sémillon, tiếp đó là nho Sauvignon Blanc, nho Muscadelle và nho Colombard.
Bordeaux với 57 địa danh có rượu vang chất lượng cao được nhà nước bảo hành (AOC). Chỉ tính riêng các lâu đài nổi tiếng, địa danh Médoc có 60 rượu vang được xếp hạng trong bảng phân loại 1855, địa danh Saint – Emilion có 11 rượu vang được xếp ngoại hạng và 63 rượu hạng nhất trong bảng phân loại 1955 vùng Saint – Emilion, chưa kể đến các lâu đài vùng Pomerol và Graves. Phía Bắc, Médoc là một vùng tiếng tăm lừng lẫy với các địa danh: Pauillac, Margaux, Listrac, Moulis, Saint Julien, Saint – Estephe. Phía Nam, các địa danh người tám lạng kẻ nửa cân Pessac – Leognan và các vùng làm rượu ngọt nổi tiếng: Cerons, Sauternes, Barsac trên bờ trái của sông Garonne, Sainte – Croix – du – Mont và Loupiac trên bờ phải. Một vài thương hiệu nổi tiếng: Château la Rame (Saint – Croix du – Mont), Maison Malet – Roquefort (Saint- Emilion), Château Dassaut, Château la Couspaude, Château Grand Mayne.
Vùng Tây Nam (13.000ha, với 10 loại rượu vang chất lượng cao (AOC) và 7 loại rượu vang địa phương (VDQS) là một vùng có các giống nho làm rượu chủ yếu của vùng Bordeaux như: Cabernet Sauvignon, Merlot, Cabernet Franc, Malbec. Tuy nhiên, vùng này còn có các giống nho truyền thống địa phương như: Arrufiac, Courbu, Petit và Gros Manseng (trắng), Fer Servadou, Jurancon Noir (đỏ).
 
Vùng trồng nho Bordeaux, Pháp
 
     1.4. Vùng Bourgogne
Tuy chỉ có một diện tích trồng nho tương đối nhỏ (24.000 ha), đây là vùng trồng nho, làm rượu nổi tiếng nhất sau Bordeaux.
Từ Bắc xuống Nam, ta có vùng Yonne với hai địa danh Chablis và Irancy, tiếp đó là vùng Côtes de Beaune với các địa danh nổi tiếng Meursault và Puligny là những rượu vang trắng nổi tiếng nhất của Pháp.
Phía dưới nữa là địa danh Pouilly – Fuissé và tận cùng của vùng Bourgogne là địa danh Beaujolais làm ta nhớ đến những cuộc chén thù chén tạc với bạn bè thân hữu quanh ly rượu vang mới (Beaujolais Nouveau).
Một tính đặc thù của vùng Bourgogne là chỉ có hai giống nho chính làm rượu: Chardonnay (trắng) và Pinot Noir (đỏ). Ở đây, giống nho Pinot Noir chiếm tới 70% diện tích trồng nho và đem lại niềm kiêu hãnh cho người dân xứ Bourgogne vì những rượu vang đỏ lừng danh thế giới như Romanée – Conti, La Tâche và Richebourg.
Địa danh Yonne nổi tiếng với rượu Chablis được chia làm 4 nhánh: Chablis chất lượng lừng danh (Grand Cru), Chablis chất lượng số một (Premier Cru), Challis chất lượng cao (Chablis) và Chablis nhỏ (Petit Chablis). Vùng Yonne còn có địa danh Irancy sản xuất vang đỏ từ giống nho Pinot Noir. Địa danh Côtes d’Or nằm giữa trung tâm vùng Bourgogne, gồm rất nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu vang có chất lượng đặc biệt cao từ giống nho Pinot Noir (vang đỏ) và Chardonnay (vang trắng). Vùng Cote de Nuits với rượu vang đỏ lừng danh từ giống nho Pinot Noir với các tên tuổi NuitsSaint-Georges, Vosne-Romanée, Romanée-Conti, Chambolle-Musigny…
Vùng Côte de Beaune có diện tích lớn gấp đôi địa danh Côte de Nuits, địa danh này nổi tiếng với các tên tuổi gắn liền với vang trắng như Meursault và Montrachet.
Cote Chalonnaise là vùng đệm giữa vùng Cote de Beaune và vùng Maconnais, với các đặc tính của vùng Côte de Beaune; cùng chất đất, giống nho và truyền thống làm rượu.
Vùng Magonnais sản xuất rượu vang có tính chất tiêu dùng đại chúng. Vùng Beaujolais sản xuất rượu vang có tính chất quảng đại quần chúng nhất, giống nho Gamay phát huy được hết thế mạnh của nó ở vùng đất đá hoa cương này. Rượu vang đỏ ở dày có màu sắc đậm đà, dầy hương vị dâu tây và hoa violette.
 
2. Ý (Italia)
Italia là một trong những quốc gia có truyền thống lâu đời về rượu vang, nhiều tác phẩm văn học đã nói đến rượu vang ở Italia từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Đây cũng là cường quốc rượu vang nhất nhì thế giới cùng với Pháp (với sản lượng dao động từ 40 triệu hectolit/năm và mức tiêu thụ tính theo đầu người 55 lít/năm). Toàn Italia có 20 vùng sản xuất rượu vang, với hơn 400 giống nho địa phương. Sau vùng Bordeaux của Pháp, ta có thể kể tới vùng Tuscany của Ý, với 68.000 ha, sản xuất tới 33% sản lượng rượu vang toàn quôc, trong đó 85% là vang đỏ. Bên cạnh giống nho trắng Vernaccia làm nên tên tuổi của chai rượu vang trắng xuất sắc Vernaccia di San Gimignano thì giống nho đỏ Sangiovese đã đem lại vinh quang không chỉ cho rượu Chianti và Chianti Classico mà còn cho rượu Vino Nobile di Montepulciano và Brunello di Montalcino. Vùng Tuscany còn nổi tiếng với các loại rượu đặc biệt thơm ngon (Super-Tuscany), pha trộn giữa nho Sangiovese và các giống nho của vùng Bordeaux như Cabernet Sauvignon và Merlot. Sassicaia, một trong những chai Super-Tuscany danh tiếng nhất, có tỷ lệ pha trộn giữa 75% nho Cabernet Sauvignon và 25% nho Cabernet Franc. Chai Solaia có 80% Cabernet Sauvignon, 20% Sangiovese. Chai Tignanello có 80% Sangiovese, 20% Cabernet Sauvignon…
 
Vùng trồng nho Tuscany, Ý
 
Rượu vang Italia về đại thể được chia làm 4 loại:
– Rượu vang bàn (Vino da Tavola). Quy định về rượu vang bàn tương đối lỏng lẻo, cho phép nhà sản xuất rượu có quyền làm gần như bất cứ những gì họ muốn (pha thêm các thứ nước hoa quả lên men hoặc đường vào rượu như một số loại đã nhập vào Việt Nam hoặc không cần phải tuân thủ các quy định về tỷ lệ các giống nho trong rượu).
– Rượu vang vùng (Indicazione Geographica Tipica – IGT). Các nhà sản xuất rượu phải tuân thủ những quy định về các giống nho làm rượu, nhưng không cần phải áp dụng các quy định khác về phương pháp làm rượu và sản lượng thu hoạch. Năm 2001, có khoảng 116 nhãn rượu vang vùng được đăng ký ở Italia.
– Rượu vang có nguồn gốc xuất xứ được xác định (Denominazione di Origine Controllata – DOC). Quy định này tương đương với quy định AOC ở Pháp, nghĩa là các nhà trồng nho phải tuân thủ vùng sản xuất, giống nho làm rượu, sản lượng thu hoạch nho, cách trồng nho và làm rượu, cũng như lập các Ban giám khảo định kỳ để xác định xem rượu có đạt tiêu chuẩn DOC không. Đến cuối năm 2001, có khoảng 296 rượu DOC ở Italia.
– Rượu vang chất lượng tuyệt hảo (Denominazione di Origine Controllata Garantita – DOCG). Đây là thứ hạng rượu cao nhất ở Italia, tương đương với rượu Grands Crus (chất lượng tuyệt vời) ở Pháp hay rượu DOC (Denominacion Origen Calificada) của Tây Ban Nha. Thường các chuyên gia thử nếm rượu nhận biết tương đối dễ dàng các loại rượu DOCG của Italia, bởi vì rượu này tinh tế, thanh cao, sang trọng.
Sau đây là 23 loại rượu vang chất lượng tuyệt hảo được công nhận ở Italia năm 2001: + Vùng Piémont: Barolo, Barbaresco, Moscato d Asti, Brachetto d Acqui, Gattinara, Gavi, Ghemme.
 
3. Tây Ban Nha (Spain)
Tây Ban Nha là một trong những nước có diện tích trồng nho lớn nhất trên thế giới (1,1 triệu ha), nhưng chỉ đứng thứ 3 thế giới về sản lượng rượu vang, sau Pháp và Italia. Lý do là vì khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên sản lượng nho rất thấp, chỉ khoảng 31 hectolit/ha, trong khi ở Pháp sản lượng này lên tới 60 hectolit/ha. Tuy nhiên, từ năm 1995, Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha đã cho phép những nhà trồng nho được tưới nước khi ruộng nho bị khô hạn, nhằm giúp cho sản lượng thu hoạch được nâng cao.
Ngoài môt số nhà sản xuất lớn như Torres hay các tập đoàn lớn như Cordoniu, các vùng trồng nho thường bị chia năm sẻ bẩy bởi các nhà sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó còn có rất nhiều hợp tác xã. Mỗi vùng sản xuất đều có các hội đồng điều hành nhằm đảm bảo chất lượng rượu vang do vùng sản xuất ra.
Ở Tây Ban Nha, mặc dù rượu vang bàn chiếm đa số, bạn cũng có thể tìm thấy những mặt hàng rượu vang vô cùng phong phú, từ rượu vang trắng dùng để uống ngay đến các rượu vang đỏ danh tiếng vùng Rioja, rượu vang hồng vùng Navarre, rượu vang đỏ nhẹ vùng Valdepenas hay rượu vang nổ vùng Catalogne.
Rượu vang Tây Ban Nha với nhãn DO (Denominacion de Origen) có tiêu chuẩn tương đương với các loại rượu vang chất lượng cao của Pháp (AOC). Đối với vang đỏ, bạn thường thấy 4 loại sau đây:
– Loại Garantia de origen là loại vang trẻ, không qua quá trình nuôi trong thùng gỗ sồi và thường được uống ngay trong năm đầu hoặc năm tnứ hai sau khi đóng chai.
– Loại Vino de Crianza là loại được nuôi 2 năm trong chai và thùng gỗ sồi, với ít nhất 6 tháng trong thùng gỗ sồi.
– Loại Vino de Reserva là loại rượu được nuôi ít nhất 3 năm trong chai và trong thùng gỗ sồi, với ít nhất 1 năm trong thùng gỗ sồi.
– Loại Gran Reserva được nuôi ít nhất 5 năm trong chai và trong thùng gỗ sồi, với ít nhất 2 năm trong thùng gỗ sồi.
Theo một đạo luật ban hành năm 1972, toàn Tây Ban Nha có 12 vùng trồng nho và sản xuất rượu vang, đó là các vùng Galice, Estremadure, Andalousie, Baleares, Canaries, Aragon, Catalogne, Andalousie, Levant, Alto Ebro, Cantabrie, Centre, Douro. Các vùng trồng nho lớn kể trên lại chia ra thành nhiều vùng nhỏ; trong các vùng nhỏ nổi tiếng phải kể đến vùng Rioja, Priorato và Penedes (thuộc vùng lớn Catalogne), Ribera del Duero, Valdepenas, Galice và Jerez.
Trong số các vùng trồng nho, làm rượu của Tây Ban Nha, Rioja là một vùng làm rượu có lịch sử rất lâu đời, nơi sản xuất ra những chai rượu vang thượng hạng Gran Reserva trong những mùa nho tốt nhất, được ngâm ủ trong thùng gỗ sồi ít nhất 2 năm, sau đó còn được tàng trữ thêm 3 năm trong hầm rượu. Tuy nhiên, chai rượu vang danh tiếng nhất Tây Ban Nha, chai Vega Sicilia Unico (80% Tempranillo, 20% Cabernet Sauvignon) lại đến từ vùng Ribera del Duero, cách thủ đô Madrid 100 km vế phía Bắc.
Tây Ban Nha có giống nho, nhưng chỉ có 200 giống được dùng để sản xuất rượu vang và trong số 200 giống đó chỉ có khoảng 50 giống được dùng nhiều nhất. Nếu như Tây Ban Nha rất nổi tiếng với rượu vang đỏ thì một giống nho trắng, giống Airen, lại là giống nho được trồng nhiều nhất với ha, sau đó là giống Viura hay còn gọi là Macabéo, được dùng nhiều để sản xuất rượu vang nổ. Có 4 giống nho chính được dùng để sản xuất rượu vang đỏ ở Tây Ban Nha là: Grenache (Garnacha) với ha, giống Mourvedre (Monastrel) với hơn ha, giống Bobal với ha và giống Carrignan. Tuy nhiên, giống nho địa phương nổi tiếng được khôi phục lại sau nạn rệp rễ nho (phyloxera) là giống Tempranillo đang ngày càng được phát triển, chiếm khoảng ha. Gần đây, nhiều nhà trồng nho Tây Ban Nha đã thành công trong việc trồng ở Tây Ban Nha các giống nho Pháp như Cabernet Sauvignon, Cabernet Franc, Pinot Noir, Chardonnay, Riesling.
...

Vài từ vựng rượu vang Tây Ban Nha cần biết:
– Bodega: để chỉ một hầm rượu, một nơi làm rượu hay một nhà sản xuất.
– Cava: để chỉ vang nổ làm theo phương pháp cổ truyền.
– Consejo Regulador: hội đồng điều hành.
– Cosecha: mùa thu hoạch.
– Tinto: đỏ; Vino tinto: vang đỏ. Generoso: vang ngọt dùng với món tráng miệng.
 
4. Mỹ (USA)
Mỹ là nước đứng thứ 4 trong top 10 các nước sản rượu vang lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình hằng năm 20,8 triệu hectolit, chiếm 12% sản lượng rượu vang trên toàn thế giới.
4 vùng trồng nho chính của Mỹ: California, Washington, Oregon, New York.
– California có 188,600 héc ta diện tích trồng nho (tính đến năm 2014). Sản lượng rượu vang của California chiếm đến 90% sản lượng rượu vang của toàn nước Mỹ. Nơi đây có các giống nho chính như Cabernet Sauvignon, Merlot, Pinot Noir, Syrah, Zinfandel, Chardonnay, Sauvignon Blanc, Pinot Gris. Trong bang California này có 3 vùng trồng nho chính: thung lũng Napa, Sonoma và thung lũng Livemore.
Lịch sử rượu vang bang California bắt đầu năm 1769, khi một cha cố người Tây Ban Nha tên là Junipero Serra mở nhà truyền đạo ở thị trấn San Diego. Nho được trồng xung quanh xứ đạo để làm rượu lễ (Vin de Messe). Những năm sau đó, diện tích trồng nho được mở rộng để cung cấp rượu lễ cho các xứ đạo lân cận Santa Barbara, Sonoma, Monterey, Yerba Buena, sau này trở thành San Francisco, thủ phủ bang California. Cho đến năm 1821 là năm Mexico giành được độc lập, các cha cố giữ độc quyền về trồng nho, làm rượu ở California. Từ những năm 1848, với cơn sốt đào vàng là sự xuất hiện của người Pháp nhập cư với các giống nho vùng Bordeaux, công nghiệp rượu vang ở California đã phát triển nhẩy vọt. Ngày nay, với 188.600 ha đất trồng nho, California sản xuất tới 90% sản lượng rượu vang toàn nước Mỹ. Các ruộng nho nằm trong thung lũng Napa Valley cạnh bờ biển Thái Bình Dương được hưởng sương mù buổi sáng và mặt trời chiều, vì thế rượu vang ở đây được coi là rượu ngon nhất California. Vùng Napa, với 30.000 héc ta, nổi tiếng với giống nho đỏ Cabernet Sauvignon và Zinfandel ở các địa phận Stags Leap, Rutherford và Howell Mountain, còn giống nho trắng Chardonnay lại thích hợp với độ cao vùng núi Mount Veeder. Napa Valley có những hãng rượu rất nhỏ chuyên làm rượu Cabernet Sauvignon với chất lượng tuyệt hảo nhưng giá cũng… trên trời, như chai Screaming Eagle có giá trung bình khoảng 2.500 USD/chai, chai Harlan Estate từ 600-800 USD/chai, chai Bryant Family 600 USD/chai, chai Colgin Cellars 300 USD/chai…
Nói chung, khí hậu bang California nóng, nhiều khi ngộp thở vào mùa hè, nhất là trong các thung lũng nằm kẹp giữa rặng núi Sierra Nevada ở phía Đông và sa mạc Mohave phía Đông – Nam. Rượu vang trong các thung lũng này có độ cồn cao, nhưng thiếu tươi mát. Đặc biệt các ruộng nho trồng trên các sườn núi của rặng Sierra có thể cho các mẻ rượu tốt, nhờ khí hậu tương đối mát mẻ. Các ruộng nho nằm trong các thung lũng cạnh bờ biển Thái Bình Dương được hưởng sương mù buổi sáng và mặt trời chiều, vì thế rượu vang ở đây được coi là rượu ngon nhất.
 
Vùng Napa Valley nằm cách San Francisco khoảng 50 dặm về phía bắc, đầu phía nam của Napa Valley bắt đầu từ thành phố Napa cùng tên của nó. Napa Valley nằm giữa hai dãy núi đó là Vaca ở phía đông và Mayacamas ở phía Tây. Vùng này nổi tiếng với giống nho đỏ Cabernet Sauvignon và Zinfandel ở các địa phận Stags Leap, Rutherford và Howell Mountain, còn giống nho trắng Chardonnay lại thích hợp với độ cao vùng núi Mount Veeder. Địa phận Mendocino, với ảnh hưởng của khí hậu biển, được nhiều nhà sản xuất rượu champagne của Pháp đầu tư để làm rượu vang sủi từ các giống nho Pinot Noir và Chardonnay.
 
Vùng nho Napa Valley, California, USA
 
Xa hơn về phía Đông, địa phận Clearlake trồng nhiều giống Cabernet Sauvignon, Zinfandel, Chardonnay và Sauvignon Blanc (còn gọi là giống Fumé Blanc). Vùng Sonoma nổi tiếng với các địa phận Alexander Valley và Dry Creek Valley chuyên sản xuất rượu vang đỏ chất lượng cao từ các giống nho Cabernet Sauvignon, Merlot và Zinfandel. Giữa vùng Sonoma, địa phận Green Valley và Los Carneros, nhờ có khí hậu mát mẻ, sản xuất rượu trắng từ giống nho Chardonnay và rượu đỏ từ giống Pinot Noir.
– Washington: Tiểu bang Washington nằm ở góc Tây Bắc của Hoa Kỳ. Là vùng sản xuất rượu vang lớn thứ 2 tại Mỹ. Nơi đây có hơn 300 ngày nắng/năm, mưa vào mùa xuân và mùa thu làm cho thời tiết mát mẻ nhưng lại gây khó khăn cho việc thu hoạch. Vào mùa sinh trưởng, nhiệt độ không khí và đất vào ban ngày luôn ấm áp tạo điều kiện cho nho chín tự nhiên, đảm bảo màu quả, kết cấu tannin và các hương vị khác. Vùng này nổi tiếng với các rượu vang trắng làm từ các giống nho Chardonnay và Riesling, các rượu vang đỏ làm từ các giống nho Pinot Noir, Merlot và Cabernet Sauvignon.
– Oregon: Oregon là vùng sản xuất rượu vang lớn thứ 3 của Mỹ với 200 hãng rượu và 11,000 mẫu đất trồng nho. Tại đây các giống nho Pinot Noir, Riesling, Chardonnay, Pinot Gris, Cabernet Sauvignon được trồng phố biến trong đó giống nho Pinot Noir chiếm 60% sản lượng nho của vùng Oregon. Khí hậu nơi đây có mùa hè dài ấm áp, khô ráo, buổi tối mát mẻ giúp bảo toàn độ chua có trong nho.
– New York: Đây là vùng sản xuất rượu vang lớn thứ 4 tại Mỹ. New York nằm ở phía Đông Bắc Hoa Kỳ, giữa bờ biển Đại Tây Dương và biên giới Hoa Kỳ – Canada. Hầu hết các vườn nho tại đây đều năm gần bờ biển, bên cạnh các dòng sông hoặc quanh các hồ. New York có 4 vùng trồng nho chính: Finger Lake, Lake Erie Region, Long Island và Husdon River. Nơi đây có dòng chảy Đại Tây Dương (dòng hải lưu) chạy qua tạo nên sự khác biệt về khí hậu giữa các vùng. New York nổi tiếng với các giống nho địa phương như Aurora và Seyval Blanc (trắng) hoặc Baco Noir và Maréchal Foch (đỏ).
Rượu vang Mỹ chất lượng cao (American Viticultural Areas – AVA) có thể coi ngang hàng với rượu AOC của Pháp. Toàn nước Mỹ có 66 AVA, với quy định muốn đạt tiêu chuẩn AVA phải có tới 85% nho làm rượu đến từ vùng sản xuất được quy định. Muốn lấy tên nho đặt cho rượu thì trong thành phần của rượu phải có từ 75% nho đó trở lên.
Một số thương hiệu nổi tiếng:
– Beringer, cuvée Stone Cellars từ giống nho Cabernet Sauvignon,
– Ridge, cuvée Lytton Springs, từ giống nho Zinfandel,
– Au Bon Climat, cuvée Mount Carmel, từ giống nho Chardonnay,
– Robert Mondavi, cuvée Twin Oaks, từ giống nho Zinfandel,
– Stag s Leap, Cuvée Cask 23, từ giống nho Cabernet Sauvignon.
 
5. Bồ Đào Nha (Portugal)
Bồ Đào Nha có diện tích 248.000 ha, lớn thứ tám trên thế giới và thứ tư ở châu Âu sau Tây Ban Nha, Pháp và Italy. Sản lượng rượu vang hàng năm đạt 7,3 triệu hl, đứng ở vị trí thứ 10 trên thế giới. Mức tiêu thụ rượu vang tính theo đầu người: 50 lít/năm.
Bồ Đào Nha là một quốc gia sản xuất rượu vang lâu đời, có một số lượng lớn các giống nho được chọn lọc dần dần qua nhiều thế kỷ. Ví dụ như vùng rượu Porto DOC có thể sử dụng tới 50 giống nho. Mặt khác, cùng một giống nho có thể mang các tên khác nhau tùy thuộc vào địa điểm trồng nho, ví dụ như trường hợp của nho Tempranillo, được gọi là Tinta Roriz ở Douro và Aragones ở Alentejo. Vì Bồ Đào Nha sản xuất nhiều rượu vang đỏ hơn rượu vang trắng nên quốc gia này có nhiều giống nho đỏ hơn.
Các giống nho trắng chủ yếu: Alvarinho, Arinto, Assario Branco, Azal Branca, Batoca, Barcelo, Bical, Bual, Crato-Branco, Dona-Branca, Malvoisie, Maria-Gomez, Tradajura, Rabigato, Loureiro, Arinto, Encruzado, Sercial và Verdeho. Ngoài ra còn có nho Muscat và nho Chardonnay.
Các giống nho đỏ: về cơ bản chúng là nho bản địa như Touriga Nacional, Tinta-Franca, Tinta Barroca, Tinta-Roriz, Touriga-Francesa, Tinta-Cao, Castelao… Các giống nho quốc tế vẫn còn ít.
Phần lớn các loại rượu vang đỏ ở Bồ Đào Nha làm từ sự phối trộn của một số giống nho, mang lại cho chúng những phẩm chất và cá tính rất riêng biệt.
Từ năm 1990, Bồ Đào Nha qui định thứ hạng rượu vang theo hình mẫu AOC của Pháp: ngoài 15 vùng sản xuất rượu có nguồn gốc xuất xứ được xác định DOC (Denominacao de Origen Controlada), còn có 30 vùng IPR (Indicacao de Provenienca Regulamentada) tương đương với rượu được sản xuất trong những vùng được quy định của Liên minh Châu Âu (VQPRD).
Rượu vang Bồ Đào Nha được phân thành 3 loại:
– “Denominação de Origem Controlada” viết tắt DOC là tên của các loại rượu vang chất lượng cao được sản xuất tại một khu vực cụ thể, tuân theo các quy tắc trồng trọt và sản xuất rượu vang do cơ quan quản lý rượu vang của khu vực đó quy định. Có 31 khu vực DOC trên khắp Bồ Đào Nha.
– Vinho Regional hoặc IGP – rượu vang khu vực. Các quy tắc sản xuất khá linh hoạt và tên gọi này có thể làm nổi bật một khu vực sản xuất, chẳng hạn như Alentejo.
– Vinho de mesa (đơn giản là rượu vang bàn, uống thông dụng hàng ngày), hay còn gọi là Vin de Table theo tiếng Pháp, và đây là nhãn cơ bản nhất, rẻ nhất cho rượu vang ở Bồ Đào Nha.
Để phân biệt các loại rượu vang này, người tiêu dùng có thể nhận diện thông tin trên nhãn, cụ thể: Bruto – vang sủi bọt chua; Vinho Branco – vang trắng; Vinho Tinto – vang đỏ; Vinho Rosé – vang hồng; Colheita – niên vụ thu hoạch nho; Colheita tardia – nho thu hoạch muộn; Doce – ngọt; Vinho Espumante – vang sủi bọt lăn tăn, không nhiều bọt; Meio-seco – nửa ngọt; Quinta – lãnh địa trồng nho.
Sau đây là 15 vùng sản xuất rượu vang chất lượng cao của Bồ Đào Nha: – Alentejo, – Algarve, – Bairada, – Bucelas,- Carcavelos, – Colares, – Dao, – Douro, – Estremadure, – Lafoes, – Madere, – Pinhel, – Ribatejo, – Setubal, – Vinhos Verdes.

......
 
Về rượu Bồ Đào, chắc ai cũng nhớ đến bài thơ nổi tiếng của Vương Hàn (687-726) đời Đường dưới đây:
 
Lương Châu Từ
 
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
 
Trần Trọng San dịch:
 
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang dục rồi
Sa trường say ngủ, ai cười?
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!

(Còn tiếp nhiều kỳ)
 
Nguyên Lạc

READ MORE - TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (4) - Nguyên Lạc

VÔ VI – Thơ Lê Kim Thượng


                Nhà thơ Lê Kim Thượng
 

VÔ VI
 
1.
Chiêm bao… chạm nỗi nhớ nhà
Thời gian nét cọ phết qua bụi dày
Bước ra từ cõi mù say
Cạn be rượu trắng, rót đầy sầu mơ…
Trò chơi Cút bắt… tuổi thơ
Đường cong ký ức xa mờ sơn khê
Trò chơi Bịt mắt bắt dê
Gọi về tuổi nhớ… miền quê thanh bình
Con sông phơi ngực nguyên trinh
Chảy qua miền lúa, chung tình thảo thơm
Nắng mân mê những cọng rơm
Trời thương mùa trúng, áo cơm đủ đầy
Cuối mùa gió thổi về Tây
Mồ hôi nhỏ giọt, luống cày ủ hương
Đồng sâu, đồng cạn thân thương
Xa xa thấp thoáng cổng trường hoa Mua
Ráng chiều nhuộm đỏ mái chùa
Trải lên núi trắng già nua câu thề
Nghe câu Vọng Cổ rớt… “Xề…”
Sài Môn gió lách cổng quê ngại ngần…
 
2.
Chỉ là hoài niệm bâng khuâng
Trông về quê cũ bần thần viễn khơi
Bước chân hụt hẫng hổ ngươi
Trò chơi lẫn quẫn, trò đời đắng cay
Tráo trơ phủ định tháng ngày
Trò đời sấp ngửa, trả vay miệt mài
Đường đời cạm bẫy chông gai
Còn ai bội tín, mấy ai mở lòng
Bao giờ cho tới cuối cùng
Chìm trong dị mộng, trùng trùng Nam Kha
Bây giờ hát khúc bi ca
Ảo ngôn ngữ nghĩa, cho qua nỗi chờ
Nửa đêm không khắc, không giờ
Vô vi hóa bướm, lời thơ rập rờn
Bên đời có Kẻ thiệt hơn
Phố đông, đông cả cô đơn riêng mình
Đêm đêm đối thoại bóng mình
Đèn khuya, vách cũ cuộc tình riêng đau
Trăm ngàn năm trước, năm sau
Nhớ quê chỉ có một câu… “Đắng lòng…”
         
Nha Trang, tháng 02. 2023              
LÊ KIM THƯỢNG

READ MORE - VÔ VI – Thơ Lê Kim Thượng